Từng Thề Ước
Quyển 2 - Chương 1: Dù chẳng tương tư cũng khó quên­­[1]

Từng Thề Ước

Quyển 2 - Chương 1: Dù chẳng tương tư cũng khó quên­­[1]

Sáu mươi năm thư qua tin lại, hắn chỉ thoáng trông đã nhận ra nét chữ của A Hành, nhìn thấy nét chữ quen thuộc như máu thịt, lòng hắn chợt quặn lên như dao cắt, đau đến nghẹt thở, nét chữ vẫn đây mà người nay đâu?

[1] Trích trong bài tử Giang thành tử – Ghi lại giấc mộng đêm hai mươi tháng Giêng năm Ất Mão của Tô Đông Pha (1036-1101). (ND)

Thế sự tựa bể dâu biến đổi vô thường, cả quãng thời gian dài đằng đẵng chẳng qua cũng như là bóng câu ngang cửa sổ.

Thiếu niên áo bào ngựa quý đã nằm dưới ba thước đất, thanh nữ dung mạo như hoa chỉ còn xương trắng cốt khô, biết bao bi hoan ly hợp ân oán tình thù đều trở thành câu chuyện phiếm cho đám người lê la đầu đường xó chợ, dẫu là truyền kỳ hào hùng mỹ lệ nhất cũng phai nhạt dần theo năm tháng rồi tan đi trong gió. Chỉ còn những đóa hoa dại nơi sườn núi ấy tự nở tự tàn, tự khoe sắc tự tỏa hương, tháng lại tháng, năm lại năm vẫn vẹn nguyên vẻ rỡ ràng ngày cũ.

Viêm Đế đời thứ tám Du Võng đã đăng cơ được hai trăm lẻ ba năm, người trên đại hoang cũng lãng quên Viêm Đế đời thứ bảy từ lâu, truyền thuyết về Thần Nông Thị nếm thử hàng trăm loại cỏ cây, sau cùng độc phát thân vong chỉ còn là câu chuyện nửa hư nửa thực.

Hiên Viên thành của Hiên Viên quốc nằm ở phía Đông Nam Hiên Viên, xung quanh được núi cao bao bọc, có lịch sử hơn ngàn năm nay, tuy không đồ sộ nhưng quy hoạch rất tề chỉnh, đẹp đẽ, lại là một tòa sơn thành, dễ thủ khó công.

Trong quán rượu ở Hiên Viên thành, một lão già tuổi chừng sáu mươi, nét mặt khắc khổ, lưng đeo cây tam huyền cầm đi khắp các bàn, tới bàn nào cũng cười cầu tài hỏi: “Khách quan muốn nghe một khúc nhạc không?"

Khách khứa trong quán vừa ngẩng đầu nhìn thấy lão đã bực bội xua tay lia lịa.

Một nam tử vẻ mặt thờ ơ lãnh đạm, mình vận hồng bào, dáng dấp cao lớn, đường nét rắn rỏi đang ngồi tại chiếc bàn kê sát bên song, nhìn chỉ ngoài đôi mươi nhưng gương mặt lại tái mét như có bệnh, hai bên tóc mai lốm đốm bạc, đượm vẻ phong trần.

“Khách quan có thích nghe tấu nhạc hay kể chuyện không?"

Nam tử thẫn thờ trông ra ngoài song cửa, chẳng buồn ngoảnh lại, chỉ thuận tay quăng cho lão già một xâu tiền, xua tay đuổi lão đi.

Tay lái buôn mập mạp thấy vậy liền kêu lên: “Này lão già, nhận tiền rồi thì mau kể chuyện giải sầu cho chúng ta đi."

“Chẳng hay khách quan muốn nghe chuyện gì?"

“Tùy lão, chuyện gì cũng được, miễn là hay."

Lão già ngồi xuống khẽ gảy cây đàn tam huyền tính tang mấy tiếng rồi hắng giọng kể: “Vậy lão xin kể chuyện tiệc Bàn Đào hầu khách quan. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia cứ cách ba mươi năm Vương Mẫu trên Ngọc sơn lại bày tiệc Bàn Đào một lần, khách khứa tới dự được mời dùng đào tiên, nếm ngọc tủy, trước lúc ra về còn được tặng báu vật, quả là sự kiện trọng đại trong thiên hạ. Khách mời đều là những đại anh hùng trong Thần tộc, Yêu tộc và Nhân tộc. Ngọc sơn cao chót vót hơn vạn trượng, người thường vốn không thể leo lên, những kẻ phàm nhân như chúng ta chỉ có thể nghe kể lại mà thôi."

Khách khứa trong quán thảy đều đặt đũa xuống, dồn mắt vào lão già, tay lái buôn mập ú được thể lên giọng kể cả: “Đúng thế đấy, ông cố ta cũng từng kể lại. Thuở ông cố ta còn nhỏ từng gặp người trong Thần tộc, chính vị bằng hữu Thần tộc đó kể với ông cố. Tiếc rằng về sau Vương Mẫu chẳng bày tiệc Bàn Đào nữa, bằng không biết đâu ông cố lại nhờ vả được vị bằng hữu kia đánh cắp cho mình một trái đào tiên, cũng không tới nỗi qua đời sớm như vậy." Dường như thấy mình pha trò rất thú vị, tay lái buôn phá lên cười ha hả.

Đám khách khứa lao xao hỏi: “Về sau sao Vương Mẫu lại không bày tiệc Bàn Đào nữa?"

Lão già vuốt vuốt chòm râu dê đáp: “Hơn hai trăm năm trước, Thần tộc xảy ra một sự kiện long trời lở đất, Viêm Đế đời thứ bảy của Thần Nông tộc qua đời, Viêm Đế đời thứ tám là Du Võng được sự phò tá của Đốc Quốc Đại tướng quân Xi Vưu lên ngôi kế vị. Nghe nói khi tin Viêm Đế qua đời truyền tới Ngọc sơn, đến trời xanh cũng phải tiếc thương Viêm Đế, Ngọc sơn vốn quanh năm đều ấm áp như mùa xuân, vậy mà lần này lại đổ tuyết, cả núi trắng xóa một màu, hoa đào ngàn năm không tàn úa bấy giờ nhất loạt héo khô rơi rụng, không còn hoa đào đương nhiên sẽ chẳng có trái đào, càng không có tiệc Bàn Đào."

Khách khứa trong quán thảy đều thở than tiếc nuối: “Đến Ngọc sơn cũng tiếc thương mà đổ tuyết, xem ra Viêm Đế năm xưa quả nhiên là người tốt."

Chỉ mình tay lái buôn phản bác: “Tốt cái gì? Chính ông ta hại mọi người không còn đào tiên mà ăn, cũng chẳng biết bao giờ rừng đào trên Ngọc sơn mới ra trái lần nữa. Lão già kia, kể chuyện nữa đi."

Lão già chẳng buồn đôi co với hắn, chỉ gảy gảy dây đàn, nghĩ ngợi một hồi rồi chậm rãi kể: “Vậy lão xin thuật lại một chuyện bí mật giữa Hiên Viên tộc và Thần Nông tộc vậy. Hơn hai trăm năm trước Thần Nông và Hiên Viên khai chiến, tranh đấu liên miên mãi đến nay, bên nào cũng có thương vong, Tam vương tử của Hiên Viên chết trận, Chúc Dung của Thần Nông trọng thương, đến giờ vẫn phải bế quan chữa trị."

Gã lái buôn sốt ruột ngắt lời: “Chuyện này ai mà chẳng biết, có gì bí mật đâu?"

Lão già thong thả đáp: “Nhưng theo lão được biết, Chúc Dung bị thương là do một nguyên nhân khác."

“Lão nói xem nào! Đừng có câu giờ! Rốt cuộc là kẻ nào đả thương Chúc Dung?" Đám khách khứa nghe đến mê mải, hối hả giục.

Lão già cười khà đáp: “Thật ra Chúc Dung không phải bị người của Hiên Viên đả thương, mà chính là bị Hậu Thổ đánh trọng thương."

“Gì cơ?"

Thấy mọi người kinh ngạc xôn xao, lão già đắc ý, lại khoan thai gảy mấy tiếng tinh tang, “Nguyên nhân cụ thể thì lão đây không rõ, chỉ biết hai trăm năm trước, Hậu Thổ một thân một mình xông vào doanh trại của Chúc Dung đánh cho y trọng thương, thậm chí linh thể suýt nữa bị tiêu tan, tĩnh dưỡng suốt hai trăm năm chưa khỏi."

“Vậy mà Viêm Đế cũng để yên sao? Chắc người nhà của Chúc Dung phải thù Hậu Thổ đến ghi xương khắc cốt, vật nài Viêm Đế trừng trị Hậu Thổ ấy nhỉ?"

“Người nhà của Chúc Dung đáng lẽ nên cảm tạ Hậu Thổ mới phải."

“Này lão kia, lão già quá lú lẫn rồi à? Đánh người ta gần chết còn đòi cảm tạ cái gì?"

Lão già cười hăng hắc, “Nếu Chúc Dung không bị Hậu Thổ đánh trọng thương, rồi thừa dịp đó trốn vào cổ trận trên Thần Nông sơn tĩnh dưỡng thì e rằng đã bị Xi Vưu giết chết, hoặc bị Xương Ý và Xương Phó suất lĩnh tinh binh Nhược Thủy ám sát từ lâu. Lão nghe nói sau khi Chúc Dung trọng thương được đưa vào bí trận, Xi Vưu vẫn không chịu buông tay, y điên cuồng tấn công cổ trận, toan xông vào lấy mạng Chúc Dung, Viêm Đế phái mấy trăm thần tướng đến cũng chẳng ngăn nổi. Về sau Viêm Đế phải năn nỉ Xi Vưu đừng phá hủy cổ trận kẻo làm tổn hại tới lăng mộ các đời Viêm Đế, y mới niệm tình thầy trò với Viêm Đế đời trước mà ngừng tay. Có người lại kể Xương Ý và Xương Phó dẫn theo một đội tinh binh Nhược Thủy nửa đêm tập kích Thần Nông, đến chẳng thấy hình đi không thấy bóng, chỉ trong một đêm đã giết chết mười tám thần tướng của Thần Nông, khiến cả Thần Nông hoang mang rối loạn, tướng sĩ Thần tộc chẳng ai dám chợp mắt, chỉ sợ nhắm mắt ngủ rồi sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa."

Khách khứa trong quán cười rộ lên, nhao nhao phản bác: “ Lão già này tham gạt gẫm chút tiền thưởng, bắt đầu đặt điều rồi, Tứ vương tử của Hiên Viên chúng ta nổi danh hòa nhã, cả đại hoang ai mà không biết."

Tay lái buôn chợt buột miệng: “Nghe ông cố ta kể, năm xưa trong Thần tộc ngấm ngầm đồn đại rằng Hiên Viên vương cơ bị người trong Thần Nông tộc hại chết."

Đám khách khứa khinh khỉnh vặn lại: “Vậy Đại vương tử phi của Cao Tân bây giờ là ai? Người ta vẫn còn sống sờ sờ trên Ngũ Thần sơn kìa."

Tay lái buôn bị căn vặn chỉ biết ngượng ngập cười: “Thế nên mới nói là đồn đại!"

Một người khách Cao Tân có chút kiến thức lại hỏi: “Tạm không bàn tới việc Xương Ý hành thích Chúc Dung có thật hay không, chỉ xét chuyện Xi Vưu thôi nhé. Tuy Xi Vưu hung tàn bạo ngược nhưng không phải kẻ điên, vì sao y muốn lấy mạng Chúc Dung? Tại sao ngay đến Viêm Đế cũng chẳng ngăn nổi?"

Cả quán rượu đột nhiên lặng phắc như chết, từ đầu đến giờ khách khứa ai nấy đều cố không đề cập tới Xi Vưu, gắng lờ đi cái tên đồng nghĩa với tử vong này, nhưng trong lòng lại lấn cấn một nỗi tò mò rờn rợn.

Một gã thiếu niên Cao Tân vừa theo cha lên thuyền phụ việc, nghé con chưa biết sợ hổ liền nằn nì: “Ông ơi, ông kể chuyện về Xi Vưu cho mọi người nghe đi!"

Lão già gật gật đầu với thiếu niên, gảy lên mấy tiếng đàn tinh tang vui tai rồi kể tiếp: “Các vị có nghe nói tới Cửu Lê tộc của Thần Nông bao giờ chưa?"

Thiếu niên le te đáp: “Cháu biết rồi! Đó là thị tộc sản sinh ra anh hùng, rất nhiều mãnh tướng Thần Nông là người Cửu Lê tộc, ngay cả Xi Vưu cũng vậy!" Giọng điệu đầy vẻ kính trọng xen lẫn sợ sệt.

Lão già lại gảy dăm tiếng đàn, “Hơn sáu trăm năm trước, Cửu Lê còn bị gọi là Cửu Di, dân chúng Cửu Lê bị xem như tiện dân, đàn ông phải làm tôi tớ, phụ nữ phải làm thị tỳ, không có cả tư cách hầu hạ người trong Thần tộc mà chỉ có thể làm nô lệ cho Nhân tộc."

Khách khứa trong quán đều trợn tròn mắt nhìn lão già đầy nghi hoặc, Cửu Lê tộc, nơi sản sinh ra lớp lớp anh hùng mà là tiện dân ư?

Lão già nheo mắt hồi tưởng lại: “Mãi tới khi Xi Vưu xuất hiện mới thay đổi được tình cảnh đó, nghe nói Xi Vưu đấu với Thần tộc suốt trăm năm, buộc Thần tộc phải xóa bỏ cái tên miệt thị Cửu Di, Viêm Đế đời trước vô cùng nhân hậu, chẳng những không trách tội Xi Vưu, ngược lại còn nhận Xi Vưu làm đồ đệ, đến khi đương kim Viêm Đế lên ngôi, Xi Vưu lại được phong làm Đốc Quốc Đại tướng quân, nhưng khắp trên dưới Thần Nông không ai chịu phục y cả, ai nấy đều cười chê y, chửi rủa sau lưng y, thậm chí còn nói y sống không quá ba trăm năm nữa. Nhưng rồi suốt hai trăm năm, bọn họ dần dà trở nên khiếp sợ Xi Vưu, ở trước mặt Xi Vưu còn chẳng dám thở mạnh, chỉ e hễ sơ sảy sẽ chuốc lấy cái chết…"

Lão già ngưng bặt, vẻ sợ sệt ánh lên trong mắt, chỉ chăm chú gảy đàn, tấu lên một khúc réo rắt bi thương. Lạ thay, đám khách khứa cũng chẳng giục giã như mọi bận, ai nấy đều trầm lặng làm thinh. Mấy kẻ thuộc Thần Nông tộc càng tái mét mặt, nét kinh hoàng hằn lên ánh mắt.

Hồi lâu mới lại thấy lão già cất giọng khàn đặc thê lương: “Đám quý tộc Thần Nông vẫn luôn bất hòa với Xi Vưu, đôi bên tranh đấu kịch liệt, Xi Vưu dùng thủ đoạn tàn khốc tiêu diệt sạch những kẻ đối chọi mình, cải cách toàn bộ triều chính, khiến tám mươi bảy hộ của Thần Nông quốc phải diệt môn, Thần tộc, Nhân tộc, Yêu tộc đều không ngoại lệ, những kẻ bị xử cực hình mà chết lên tới năm ngàn ba trăm chín mươi sáu người! Nghe nói Đại vương cơ Vân Tang của Thần Nông vốn đứng về phía Xi Vưu, lúc Xi Vưu còn chưa đủ lông đủ cánh, Đại vương cơ từng chở che bênh vực cho y suốt một thời gian dài, nhưng dù sao Đại vương cơ vẫn là quý tộc, không chấp nhận nổi thủ đoạn tàn bạo của Xi Vưu, bèn lập mưu liên kết với Hậu Thổ để kiềm chế y. Sự việc bị Xi Vưu phát hiện, y chẳng chút niệm tình, một lèo giết sạch tâm phúc của Đại vương cơ, ép Đại vương cơ phải thề độc trước mọi người trên đỉnh Tử Kim, từ nay về sau không can dự triều chính nữa, nếu trái lời thề sẽ chết không toàn thây."

Lão già thở dài cảm thán: “Xi Vưu quả là kẻ lãnh khốc vô tình, bị Thần Nông chư hầu coi như ác ma, nhưng trong dân gian, tiếng tăm của y không quá tệ, bởi xưa nay y vẫn lấy lễ đối đãi với bọn giặc cỏ dân đen, đám thanh niên trai tráng chẳng những không sợ y, ngược lại còn coi y như đại anh hùng, hy vọng một ngày có thể tự mình tạo dựng sự nghiệp vang danh đại hoang như các tướng quân dưới trướng Xi Vưu vậy."

Gã thanh niên Cao Tân gật đầu lia lịa, hào hứng nói: “Nếu Cao Tân có được một người như Xi Vưu thì hay quá, cháu cũng khỏi phải theo cha lên thuyền làm thuê, biết đâu còn có thể lên triều kiếm một chức quan, dẫn quân ra trận nữa kìa."

Nghe con trai nói vậy, phụ thân gã đằng hắng mấy tiếng, hạ giọng mắng mỏ: “Con nói nhảm gì thế? Thân phận chúng ta… đừng có si tâm vọng tưởng!"

Thiếu niên bị mắng tiu nghỉu mặt mày nhưng dù sao vẫn là thiếu niên, chỉ lát sau hắn đã lấy lại tinh thần, cao hứng kể: “Có lần cả đám bạn bọn cháu tranh cãi với nhau xem Xi Vưu, Thiếu Hạo, Thanh Dương ai lợi hại hơn, suýt nữa còn động tay chân, bà chủ quán rượu bèn trêu: ‘Chỉ cần gói gọn ba câu về ba vị anh hùng của đại hoang là đủ. Thiếu niên đều hy vọng được trở thành Xi Vưu, thiếu nữ đều mong được gả cho Thiên Hạo, bậc làm cha mẹ đều muốn có đứa con trai như Thanh Dương’."

Khách khứa trong quán càng nghĩ càng thấy chuẩn xác. Thiếu niên nào chẳng ngông cuồng ngạo mạn, mong một ngày được phong hầu bái tướng, thúc ngựa rong ruổi khắp núi sông, thả sức tung hoành như Xi Vưu? Thiếu nữ nào chẳng rộn rã lòng xuân, mong lấy được người chồng anh tuấn hào hoa, nổi danh thiên hạ, nghĩa nặng tình sâu như Thiếu Hạo? Cha mẹ nào lại chẳng mong con cái được giỏi giang, tiền đồ rộng mở, cung kính hiếu thuận như Thanh Dương?

Lão già vuốt chòm râu dê mỉm cười: “Bất kể người của Thần Nông khen hay chê Xi Vưu, hiện giờ y cũng nắm giữ một nửa quân đội Thần Nông, chỉ cần ho một tiếng thì cả Thần Nông phải run sợ, đúng là Đốc Quốc Đại tướng quân oai phong lừng lẫy."

Chủ quán cũng lắc đầu thở dài: “Quân đội của Xi Vưu quả là ác mộng của Hiên Viên chúng ta."

Bầu không khí trong quán vừa chùng xuống đã lại căng lên như dâu đàn, ngay gã lái luôn cũng phải thầm thở dài.

Chỉ mình thiếu niên ngơ ngác không hiểu, láu táu hỏi: “Sao lại thế?"

Tiếng đàn của lão già lại vang lên dồn dập mà réo rắt, tựa mây đen vần vũ, thành trì thất thủ, khiến lòng người nơm nớp không yên. Lẫn trong tiếng đàn là giọng nói trầm trầm nặng nề của lão: “Xi Vưu chỉ đích thân cầm quân đánh với Hiên Viên một trận duy nhất. Tám mươi hai năm trước trong trận Đại Thì sơn, Hiên Viên tộc giết chết Tĩnh tướng quân dưới trướng Xi Vưu, Xi Vưu liền đem quân tấn công Đại Thì sơn, tuyên bố nếu không đầu hàng sẽ đồ sát toàn thành. Nhưng binh lính Hiên Viên kiên cường bất khuất, anh dũng thiện chiến nổi tiếng đại hoang, đương nhiên không chịu đầu hàng mà quyết tử chiến cùng Xi Vưu. Sau khi phá được thành, Xi Vưu liền hạ lệnh đồ sát toàn thành."

Lão già tay run bắn, tiếng đàn chợt ngưng bặt, khách khứa ngồi đây đa phần là người Hiên Viên, từng nghe thuật lại trận chiến đó, ai nấy đều cúi đầu trầm mặc.

Đột nhiên lão già lại cất tiếng phá tan bầu không khí ắng lặng: “Một trận chiến! Chỉ một trận chiến thôi! Mười hai vạn người bị giết! Hơn chín vạn trong số đó là dân thường! Từ đó cái tên Xi Vưu trở thành cơn ác mộng của dân chúng Hiên Viên!"

Khách khứa trong quán thảy đều làm thinh, chỉ mình gã thiếu niên Cao Tân vẫn lẵng nhẵng hỏi về việc Xi Vưu muốn lấy mạng Chúc Dung: “Ông lão, có phải vì Xi Vưu bênh vực cho những người như chúng ta, còn Chúc Dung lại đứng về phía quý tộc quan lại nên Xi Vưu muốn lấy mạng Chúc Dung không?"

Lão già ngẩn người, chợt nghe thiếu niên gọi: “Ông lão ơi?"

“Ừm!" Lão già định thần lại, vừa nghĩ ngợi vửa kể: “Có lẽ căn nguyên là bởi Chúc Dung và Xi Vưu đại diện cho lợi ích của hai loại người khác nhau, đôi bên thế như nước lửa, không thể dung hòa, còn bí mật như người ta đồn đại chỉ là ngòi nổ mà thôi."

“Bí mật gì cơ?" Gã thiếu niên hồi hộp hỏi.

Lão già giơ tay che miệng, ráng nói thật khẽ nhưng tất cả mọi người đều nghe thấy, “Nghe đồn Chúc Dung giết chết Đại vương tử phi của Cao Tân các ngươi nên Xi Vưu muốn lấy mạng hắn báo thù."

Gã thiếu niên ỉu xìu trách móc: “Ông gạt người ta!"

Khách khứa trong quán cũng cười rộ lên, bầu không khí nặng nề mà chuyện về Xi Vưu mang lại khi nãy liền bị xua tan.

Lão già cười cười thi lễ cáo từ tất cả khách khứa, “Chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, nghe cho vui thôi mà." Đoạn lão đeo cây đàn tam huyền cầm đứng dậy, vừa đi vừa lắc lư ngâm: “Thực là giả thời giả cũng thực, giả là thực thời thực cũng giả, thực thực giả giả đều là tướng, giả giả thực thực thảy đều không…" Bước ra khỏi quán, lão bất giác ngoảnh lại, trông thấy hồng y nam tử bên song cửa, lập tức sững cả người. Mấy trăm năm trước dưới Bác Phụ sơn, nam tử này trông cũng y như vậy, mấy trăm năm sau vẫn chẳng hề thay đổi. Năm đó lão tự phụ tu vi, nhận ra thanh y nữ tử xuất thân Thần tộc, bèn khích nàng ra tay dập lửa, nhưng không mảy may nhận ra nam tử kia có linh lực, đủ thấy linh lực của hắn sớm đã cao thâm khó lường.

Lão già râu dê vội quay vào quán, bước đến gần hồng y nam tử, cung kính hành lễ, “Không ngờ lại gặp người quen cũ, chẳng hay Tây Lăng cô nương có khỏe không?"

Hồng y nam tử chẳng buồn đáp, chỉ có chén rượu trong tay hơi sóng sánh, lão già lại cười hỏi tiếp: “Năm xưa lão có mắt như mù, dám hỏi công tử quý tính đại danh?"

Hồng y nam tử ngoảnh lại lạnh nhạt nhìn lão, khẽ thốt ra hai tiếng: “Xi Vưu!"

Lão già râu dê loạng choạng lùi lại rồi ngã phệt xuống đất, mặt cắt không còn giọt máu, ngây ra một thoáng, đoạn lết xết chạy thẳng ra ngoài, cả cây đàn tam huyền cầm cũng chẳng kịp nhặt lên. Khách khứa trong quán thấy vậy đều cười ầm ĩ, “Lão già này mới mấy chén đã say bò lăn bò càng rồi!"

Cả quán rượu xôn xao tiếng cười tiếng nói, riêng một người trơ trọi.

Xi Vưu cầm chén rượu vơi, đăm đăm nhìn về hướng Tây. Đương lúc mặt trời lặn, chân trời rạng rỡ lớp lớp mây ráng muôn màu, hoa lệ như gấm, tươi thắm tựa son nhưng trong mắt hắn chỉ có ngàn non tuyết muộn, vạn dặm mây chì.

Xi Vưu ngửa cổ dốc cạn chén rượu, đoạn đi thẳng ra cửa, đi mãi đến một nơi yên tĩnh mới gọi Tiêu Dao lại, bay về phía Cửu Lê.

Hôm nay là ngày giỗ của A Hành, hằng năm cứ đến ngày này hắn đều tới Ngu uyên cúng tế nàng, sau đó về Cửu Lê ở lại một đêm.

Tiêu Dao bay rất nhanh, chưa đầy một tuần trà đã đưa hắn tới Cửu Lê.

Xi Vưu bước vào gian nhà sàn giữa rừng hoa đào, lặng lẽ ngồi xuống, ánh trăng trong như nước loang khắp hiên nhà, gió lùa qua khóm trúc phượng vĩ vi vu. Xi Vưu tay phải bưng một ống trúc đầy Ca tửu, tay trái mâm mê Trụ Nhan hoa, vừa uống rượu vừa đăm đắm ngắm hoa đào nở đầy trên núi.

Đương vào độ tháng Tư, hoa đào nở rộ khắp núi đồi, rực rỡ như mây sớm ráng chiều, nhưng dưới cội hoa đào, nào đâu thấy người từng hẹn ước?

Xi Vưu nửa say nửa tỉnh, chếch choáng rút Bàn Cổ cung lấy được dưới địa cung Ngọc sơn từ mấy trăm năm trước ra, dốc hết linh lực giương cung thật căng bắn về phía Tây, nhưng chẳng thấy bất cứ động tĩnh gì.

Hai trăm năm nay, không biết bao nhiêu lần hắn giương Bàn Cổ cung lên, nhưng cây cung được truyền tụng có thể giúp người ta gặp lại người mình nhung nhớ bất kể ở chân trời góc biển nào lại chưa từng phát huy tác dụng.

Xi Vưu vẫn chưa chịu ngừng, liên tiếp giương cung, nhưng dù giương thế nào cũng vô hiệu. Lần nào lần nấy đều dốc hết toàn lực bắn ra, dù Xi Vưu thần lực cao cường cũng không sao duy trì được mãi, dần dà hắn sức cùng lực kiệt, ngã bệt xuống đất.

Xi Vưu nghiêng ống trúc, ừng ực dốc rượu vào miệng.

Xa xa trong núi, nghe văng vẳng khúc sơn ca vọng lại.

Tiễn chàng tiễn đến bên song

Mở toang cửa sổ mà trông lên trời

Trăng tròn vành vạch chàng ơi

Mà sao mãi chẳng thấy người đoàn viên?

Chàng đừng lầm lẫn tội em

Cuồng phong canh một, tạnh liền canh hai

Thoắt mưa đổ, thoắt nắng tươi

Đã trở mặt chẳng nhận người năm nao!

Ống rượu trong tay rơi tuột xuống sàn, Xi Vưu lắng tai nghe, nhưng tiếng hát đã ngừng bặt.

“A Hành!"

A Hành, nàng đang trách móc ta ư? Hắn nhảy xuống đất, đạp lên ánh trăng, loạng choạng tiến vào trong núi.

Càng đi sâu vào núi càng thấy bạt ngàn những cội đào, muôn vàn cánh hoa rụng rơi tan tác như mưa, đậu xuống mái đầu, xuống bờ vai, hoa rơi chẳng làm ướt áo, lại thấm ướt tim người.

“A Hành, A Hành, nàng ở đâu?"

Xi Vưu không ngừng réo gọi, gọi mãi gọi mãi, nào thấy bóng ai dưới cội đào?

Chỉ có gió đêm lạnh lẽo thổi tung mưa hoa, khi dồn dập, lúc lưa thưa, lả tả điêu linh như nước mắt đau thương của người con gái.

Hơi rượu tan dần, Xi Vưu từ từ tỉnh lại, nhận ra A Hành sẽ mãi mãi không bao giờ tới nữa.

Hắn đứng thẫn thờ nhìn gốc đào trước mặt, năm năm tháng tháng hoa như cũ, tháng tháng năm năm người nơi đâu?

Ánh trăng xuyên qua tán lá rọi lên thân cây lấp loáng, Xi Vưu chậm rãi lại gần, thấy trên thân cây khắc chi chít hai chữ “Xi Vưu".

Hai năm sau khi A Hành ra đi, cũng vào tết Khiêu Hoa, hắn mặc tấm áo đỏ nàng may, đợi suốt đêm dưới cội hoa đào rồi say vùi giữa đám hoa tàn nhị rụng, trong cơn bi thống, hắn đột nhiên hận lây sang cội đào, giơ tay toan đập gãy gốc cây, vô tình phát hiện ra thân cây chi chít những chữ, định thần nhìn kỹ, là vô số chữ “Xi Vưu".

Sáu mươi năm thư qua tin lại, hắn chỉ thoáng trông đã nhận ra nét chữ của A Hành, nhìn thấy nét chữ quen thuộc như máu thịt, lòng hắn chợt quặn lên như dao cắt, đau đến nghẹt thở, nét chữ vẫn đây mà người nay đâu?

Vô vàn chữ “Xi Vưu" chi chít trên cây, chữ vạch nông, chữ khắc sâu, cũng là bao nôn nóng và vô vọng đợi chờ của nàng.

Mấy trăm chữ “Xi Vưu", từng đường từng nét đều chứa chan tình ý, mỗi khía mỗi vạch thảy chất ngất bi thương, rốt cuộc hôm ấy nàng đã đợi mất bao lâu? Để rồi khi rời khỏi ôm theo niềm tuyệt vọng đến nhường nào?

Xi Vưu nhắm mắt lại, miết tay theo từng nét chữ như muốn xuyên qua thời gian đằng đẵng hai trăm năm, thổ lộ với người con gái đứng dưới cội đào này hai trăm năm về trước, nỗi đau đớn và tương tư ứ đầy lòng.

Cứ miết hoài miết mãi, lòng bàn tay nóng rực lên, mà không sao sưởi ấm nổi những con chữ lạnh lẽo.

Đột nhiên, tay hắn miết phải một hàng chữ nhỏ, cả người run bắn, đau đớn ra mặt, rõ ràng hắn sớm đã khắc sâu những lời này trong dạ, những vẫn tỉ mẩn lần đọc từng chữ một như tự trừng phạt chính mình.

Là một hàng chữ nhỏ dùng trâm ngọc vạch nên, nét chữ ngả nghiêng rối loạn tố cáo nỗi thương tâm phẫn nộ của nàng lúc khắc.

“Đã chẳng giữ lời, sao còn hứa hẹn?"

Nàng chưa từng thất hứa, kẻ thất hứa luôn là hắn!

Nàng tin tưởng hắn, yêu thương hắn, bảo vệ hắn, nhưng hắn lại nghi kỵ nàng, căm hận nàng, làm tổn thương nàng!

Giọng nói tiếng cười của Xi Vưu bỗng hiện lên rành rành trước mắt, nàng đăm đăm nhìn hắn nửa hờn nửa giận.

Xi Vưu gục mặt vào thân cây, rưng rưng nước mắt, mấy lần tưởng không kìm nén nổi.

Hắn cũng như bao con đực trong rừng, sau khi chọn được kẻ phối ngẫu, liền dâng cho nàng đóa hoa đẹp nhất, thứ quả ngon nhất, thậm chí không tiếc mạng sống bảo vệ nàng, nhưng yêu nàng càng nhiều thì nghi kỵ càng sâu, hắn sợ nàng coi rẻ những thứ đó, lo nàng không hiểu ý mình khi hồi hộp dâng lên những hoa thơm trái ngọt đó, sợ nàng phụ bạc hắn, mà đâu ngờ rằng, nàng còn hiểu ý nghĩa của từng trái ngọt hoa thơm kia hơn hắn, nàng nhìn thấu trái tim hắn, cũng vô vàn trân trọng trái tim hắn.

Sau cùng, lại là hắn phụ lòng nàng.

Bàn tay Xi Vưu chà miết lên từng con chữ của nàng, như muốn cảm nhận hơi ấm ngón tay nàng, mùi hương trên tóc nàng. Nhưng nào đâu thấy hơi thở người xưa.

Hai trăm năm! Nàng ra đi đã hai trăm năm rồi!

Nước mắt không cầm giữ nổi tràn ra khóe mắt Xi Vưu, chảy dài trên thân cây, thấm loang lổ hai chữ “Xi Vưu". Dù lật tung ngũ hồ tứ hải, tìm khắp lục hợp bát hoang, hắn cũng chẳng thể nào bù đắp được cho nàng nữa.

Cách đó ngoài ngàn dặm, ở nơi mặt trời lên – Thang cốc.

Khác với Ngu uyên là nơi mặt trời lặn, quanh năm vần vũ khói đen, bầu trời Thang cốc luôn trong xanh sáng sủa. Trông về hướng Đông mênh mông sóng biếc vờn gió nhẹ, chín gốc phù tang[2] cực lớn sừng sững nhô lên giữa bể khơi, tán xòe rộng như trái núi, đầu cành đỏ rực những hoa, từ xa nhìn lại hệt như từng cụm mây hồng dập dềnh trên nền xanh thăm thẳm.

[2] Loài cây được tôn xưng là thần thụ, sinh trưởng ở Thang cốc, nơi mặt trời mọc.

Giữa hai màu xanh đỏ đan xen, chợt điểm xuyết một đốm trắng và một vệt lam.

Bạch y nam tử ngồi trên cành phù tang, khoan thai gảy đàn, thư thái tựa gió lành thấm áo. Lam y nam tử say sưa múa kiếm, thần thái như mây trôi nước chảy, kiếm khí tung hoành rực rỡ tựa cầu vồng, hoa tuyết lả tả tuôn rơi theo mũi kiếm, băng tuyết mù mịt phủ quanh mình, nhưng gương mặt y còn lạnh lẽo hơn cả băng tuyết.

Hai nam tử này chính là Thiếu Hạo và Thanh Dương nổi danh khắp đại hoang.

Hoa tuyết càng đổ càng mau, nhiệt độ càng lúc càng xuống thấp theo kiếm thế.

Chờ Thanh Dương múa hết bài kiếm, Thiếu Hạo lập tức nhảy xuống, bưng ngay lấy vò rượu rót chừng lưng chén lưu ly, nhấp một ngụm rồi xuýt xoa khen ngợi: “Ngon thật, ướp lạnh vừa đến độ!" Nói đoạn y lại rót một chén rượu bồ đào đưa cho Thanh Dương.

Thanh Dương nhấp một ngụm, hờ hững nhận xét: “Vị rượu hơi chát nhưng dư vị lại thơm ngát, tay nghề ủ rượu của ngươi càng ngày càng cao minh rồi."

Thiếu Hạo đắc ý: “Người khác chẳng ai nhận ra được đâu, luận về phẩm rượu, nếu ngươi đứng hàng thứ hai thì không kẻ nào dám xưng đệ nhất cả."

“Ở nhà cũng chẳng đến lượt ta xếp thứ nhất đâu, A Hành mới…" Thanh Dương thoáng khựng lại, rồi thản nhiên nói tiếp, “A Hành từ nhỏ đã mê rượu, trong lúc người khác dốc sức luyện công, muội ấy chỉ chăm chăm tìm cách lấy trộm rượu, vị giác được rèn giũa ngày ngày, vô cùng linh mẫn"

Thiếu Hạo tắt hẳn nụ cười, lặng lẽ rót rượu cho Thanh Dương, Thanh Dương lại một ngụm cạn chén.

Đột nhiên, y lên tiếng hỏi: “Phụ vương ngươi gần đây có phản ứng gì không?"

“Người trên đại hoang đồn đại suốt hai trăm năm nay, lẽ nào phụ vương ta không nhận ra sự thật? Nhất định phụ vương đã biết vương tử phi trong Thừa Hoa điện là giả từ lâu rồi."

“Vậy ngươi tính sao?"

“Phụ vương không hỏi thì ta cũng vờ như không biết thôi!"

“Đám đệ đệ như hổ sói của ngươi đời nào để yên cho ngươi, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện, chẳng phải Trung Dung đã thăm dò mấy lần rồi đấy sao? Vương tử phi bệnh liệt giường suốt hai trăm năm, nói cho cùng cùng chẳng hay ho gì."

Thiếu Hạo cười đáp: “Sao ngươi hồ đồ thế? Chỉ cần phụ vương vẫn muốn liên minh với Hiên Viên, Người sẽ không để bọn chúng gây chuyện, dù vương tử phi đó là giả cũng chẳng hề gì. Có điều một khi Hiên Viên hết giá trị lợi dụng thì dẫu kẻ kia là thật cũng không tránh nổi tai vạ."

Thanh Dương lại hỏi: “Nghe nói Tuấn Hậu đang thuyết phục Tuấn Đế lập một nữ tử Thần Nông tộc làm chính phi cho Yên Long?"

Thiếu Hạo lắc lắc chén rượu trong tay, cười đáp: “Phụ vương ta hành sự khá cảm tính, vì sự vụ đăng cơ năm xưa mà vẫn luôn cảnh giác Thần Nông tộc, chưa chịu nhận lời vương hậu. Nếu ngươi không muốn Cao Tân liên minh với Thần Nông thì mau chớp thời cơ đi, dù sao ngươi vẫn chưa lập chính phi, sao không chủ động mở lời với Du Võng xin cưới vương cơ Thần Nông tộc. Tuy Vân Tang đã có ý trung nhân, e khó mà nhận lời ngươi, nhưng vẫn còn Mộc Cận kia mà."

Thanh Dương cười thiểu não, “Ngươi định xui khiến huynh đệ ta lục đục à? Bao năm nay, phụ vương ta cũng phải bó tay với tên Xương Ý cứng đầu cứng cổ kia rồi." Từ khi A Hành qua đời đến nay, Xương Ý vẫn chưa hề trò chuyện với Thanh Dương nửa lời, hơn nữa còn tâu rõ với Hoàng Đế, trừ phi Du Võng giết chết Chúc Dung và Xi Vưu bằng không y thề không đội chung trời với Thần Nông, Hoàng Đế phí bao tâm huyết mới thu phục được Nhược Thủy, vậy mà giờ lại không dám phái các chiến binh Nhược Thủy ra trận.

Thiếu Hạo cũng than thở: “Đúng là mặt sứa gan lim, dù phụ vương ngươi có ba đầu sáu tay, đụng phải Xương Ý cũng đành hết cách!"

Thanh Dương xách vò rượu lên nốc ừng ực, hôm nay là ngày giỗ tiểu muội y, dường như chỉ có say mèm may ra mới xoa dịu được nỗi lòng.

Sau khi A Hành mất, Thanh Dương từ mê rượu đã thành ra nát rượu, Thiếu Hạo muốn khuyên cũng chẳng biết phải khuyên từ đâu. Y đành giương mắt nhìn Thanh Dương chìm đắm trong hơi men, hốt nhiên nhớ lại tình cảnh lúc gặp Thanh Dương lần đầu hơn hai ngàn năm về trước.

Đó là một chiều mùa hạ oi ả, y đang ngồi hóng mát dưới gốc hòe trong sân.

Thanh Dương miệng ngậm cọng cỏ, lưng đeo thanh kiếm gãy, nghênh ngang bước vào lò rèn, toét miệng cười hì hì nói với y, nụ cười chói ngời như nắng: “Huynh đài, nghe nói ngươi là thợ rèn giỏi nhất vùng này, sửa giùm ta thanh kiếm này nhé, ta sẽ mời ngươi uống rượu!"

Y nheo mắt nhìn Thanh Dương, chẳng hiểu sao trên đời lại có nụ cười phóng khoáng hào sảng đến thế, trong khoảnh khắc ấy, y thậm chí còn sinh lòng đố kỵ với gã thanh niên này.

Y sửa kiếm giùm Thanh Dương, Thanh Dương bèn mời y đi uống thứ rượu nóng khé cả cổ, đúng là loại rượu dở nhất mà y từng uống trong đời. Lúc này, y mới chừng vài trăm tuổi, còn chưa hiểu được rằng, trên đời này chẳng có gì là “nhất", chỉ có “hơn".

Có lẽ vì tay nghề y giỏi, mà cũng có lẽ vì y dễ gạt, chỉ cần vài chén rượu xoàng trả công là xong, khỏi phải mất tiền, nên Thanh Dương luôn tìm tới y nhờ sửa kiếm, về sau, chẳng hiểu sao lại thành ra: Thanh Dương tới nhờ y sửa kiếm, y mời Thanh Dương uống rượu, lúc tiễn biệt còn tặng cho Thanh Dương một bộ đồ, một vò rượu.

Thanh Dương chẳng hề thấy có gì không ổn, y cũng không lấn cấn điều gì, chỉ có hai tên ngốc hằng ngày thụt bễ phụ y cho rằng Thanh Dương lợi dụng y, còn khuyên y nên cẩn thận.

Năm y năm trăm tuổi, cũng tròn năm trăm năm ngày giỗ mẹ y, phụ thân lại cưới thêm hai phi tử, đồng thời lập Đại Thường Hy thị, mẹ ruột Yên Long làm chính phi, y bị gọi về tham gia đại lễ sách phi. Y trở về, tươi cười suốt từ đầu buổi đến cuối buổi, còn tươi tắn hơn cả Yên Long.

Tối hôm đó, y cưỡi Huyền điều bay thẳng về phương Bắc, đuổi theo vì sao tít tắp cuối trời Bắc. Thuở nhỏ, mỗi khi y khóc đòi mẹ, vú nuôi lại ôm lấy y, trỏ vì sao ở tận cùng phía Bắc, dỗ dành: “Nhìn thấy chưa? Kia là mẹ con đấy, mẹ con vẫn luôn nhìn con kìa!"

Huyền điểu cứ thế bay bay mãi, tới khi y cạn kiệt linh lực mới đậu xuống.

Vùng cực Bắc ngàn dặm phủ băng, mênh mông tuyết trắng, ánh mặt trời cũng ngại rọi tới, một mình y trơ trọi lê bước, chẳng biết nên đi về đâu, cũng chẳng rõ mình không cam tâm cái gì.

Dưới trời gió tuyết lồng lộng, rét thấu xương, tối như hũ nút, y lạc mất phương hướng, linh lực đã cạn, chỉ tâm tâm niệm niệm rằng phải đi tiếp, không được dừng lại, hễ dừng lại là chết. Y chẳng hề sợ sệt, bởi vì từ nhỏ đến lớn, y vẫn luôn phải đơn độc lê bước thế này. Có điều y thấy sao mà cô đơn quá, như thể cả thế giới này chỉ còn lại mình y vậy.

Đúng vào lúc y cảm thấy gió tuyết vần vũ mãi không ngừng, bóng tối trải dài ra ngút ngàn, con đường lê thê, vĩnh viễn chẳng bao giờ đi hết, toan nằm xuống nghỉ ngơi, chợt có một tia sáng lóe lên giữa trời tuyết trắng. Y loạng choạng lết đến, thấy Thanh Dương mình khoác tấm lòng thú rậm dày, thò đầu ra cười hì hì: “ Gió tuyết liên miên bắn băng hồ, bập bùng đống lửa say mỹ tửu, vào đây uống rượu đi."

Mỹ tửu cái đầu! Còn khó nuốt hơn cả bữa rượu xoàng lần trước, nhưng y uống vào lại thấy ấm ran cõi lòng.

Y chẳng hỏi tại sao Thanh Dương lại ở đó, Thanh Dương cũng không giải thích, nhưng tối đó y đã nói thật với Thanh Duong: “Ta mang họ Cao Tân." Tuy rằng y hiểu Thanh Dương đã biết từ lâu, bằng không hẳn chẳng có mặt ở đây.

Thanh Dương vừa nhồm nhoàm nhai thịt hồ ly, vừa lẩm bẩm: “Ta họ Hiên Viên." Rồi giơ ngón cái bóng nhẫy mỡ, kiêu hãnh trỏ vào ngực mình: “Ta, Hiên Viên Thanh Dương!"

Trong mắt Thanh Dương, dòng họ Cao Tân khiến cả đại hoang phải biến sắc cũng chỉ ngang hàng với dòng họ Hiên Viên của mình.

Thấy vậy, Thiếu Hạo bỗng thấy thoải mái hẳn, y phá lên cười ha hả, gió tuyết vần vũ ngoài kia chỉ càng làm cho bữa rượu túy lúy của cả hai thêm phần ý vị. Khi ấy, hai người đâu có ngờ, ngàn năm sau, Hiên Viên quả thật đã sánh ngang hàng với Cao Tân.

Mấy trăm năm sau, Hiên Viên tộc từ một Thần tộc nhỏ lẻ vô danh đã trở thành một trong ba đại Thần tộc hùng mạnh nhất, còn phụ thân y cũng chuẩn bị kế vị Tuấn Đế. Mười vạn đại quân Thần Nông vây chặt dưới thành, chỉ một mình y vung kiếm kháng cự, liên tiếp đánh bại sáu mươi đại tướng Thần Nông, nhưng Thần Nông vẫn không chịu lui binh, trong khi đó quân đội Cao Tân sau lưng y đã ngã lòng. Nửa đêm, đúng lúc y đang âm thầm trị thương, chợt Thanh Dương đeo kiếm lù lù xuất hiện, mặc một bộ đồ giống hệt y, đắc ý cười: “Thế nào? Giống lắm phải không? Từ giờ trở đi, ta cũng là Cao Tân Thiếu Hạo."

Hôm sau, đại quân Thần Nông kinh hoàng phát hiện Cao Tân Thiếu Hạo chẳng khác nào một vị chiến thần có linh lực dồi dào, không bao giờ cạn, kế xa luân chiến nhằm vắt kiệt linh lực của y trở nên vô dụng. Trong ngày hôm đó, Thiếu Hạo liên tiếp đánh bại cả trăm người. Tới ngày thứ ba, khi Cao Tân Thiếu Hạo tràn trề linh khí, chẳng có vẻ gì là đã khổ chiến hai hôm bước lên đầu thành, vỗ kiếm cười hỏi: “ Còn ai muốn giao đấu với ta nữa không?", quân sĩ Thần Nông rụng rời chân tay, đến dũng sĩ kiêu hùng nhất cũng không dám bước ra ứng chiến.

Tối hôm đó, đại quân Thần Nông thừa cơ lui binh, quân đội Cao Tân thấy tình thế không ổn, vội đem mấy viên tướng có ý chống đối giam lại, trình lên Thiếu Hạo.

Chẳng ai biết có hai kẻ thương tích đầy người loạng choạng xông vào một quán rượu cũ nát, vừa uống rượu vừa cười sằng sặc.

Thanh Dương chuếnh choáng say, bèn lôi đệ đệ ra khoe khoang với Thiếu Hạo, khoác lác nào là đệ đệ mình tuấn tú thế nào, thông minh ra sao.

Thiếu Hạo lè lưỡi nói, trẻ con trên đời đều như thế hết. Nghe vậy Thanh Dương đùng đùng nổi giận, kéo y bay về nhà mình, ôm em trai ra, buộc y phải thừa nhận đó là đứa trẻ tuấn tú nhất, thông minh nhất trên đời. Thiếu Hạo chẳng nhớ rốt cuộc mình có thừa nhận hay không, chỉ biết hai người bọn họ ôm theo đứa nhỏ, lại tiếp tục đi uống rượu. Uống đến say khướt, nhìn ra đường thấy quân lính rầm rập, gà bay chó sủa loạn lên, cả hai ngơ ngác không hiểu xảy ra chuyện gì. Chủ quán bèn thở vắn than dài nói con trai tộc trưởng bọn họ mới mấy tháng tuổi đã bị mất tích, chẳng hiểu tên trời đánh nào gây ra chuyện thất đức này. Thiếu Hạo và Thanh Dương phá lên cười nhạo: “Thật vô dụng, đến cả con mình đánh mất, đòi làm tộc trưởng gì chứ, nào, chúng ta uống tiếp đi!"

Uống mãi uống mãi, đôi bên nhìn nhau, đều cảm thấy có gì đó không ổn, Thiếu Hạo ngắm đứa nhỏ thiêm thiếp ngủ trong làn, bóp trán nghĩ ngợi một hồi buột miệng: “Thanh Dương này, hình như cha ngươi là tộc trưởng!"

Thanh Dương chăm chú nhìn đứa nhỏ, cau mày nghĩ ngợi. Say túy lúy mấy ngày, đầu óc y đâm ra u mê hẳn, nghĩ hoài chưa ra.

Thiếu Hạo lần theo bờ tường lẻn ra khỏi quán, lập tức chuồn về Cao Tân, vừa may kịp chuếnh choáng tới dự đại lễ đăng cơ của phụ vương.

Quãng thời gian đó thật sảng khoái vui vẻ, lần đầu tiên trong đời, y biết được thế nào là “huynh đệ bằng hữu", lúc tịch mịch có thể cùng uống rượu ấu đả, dịp vui cười có thể chuốc chén say mèm, khi phiền não có thể dốc bầu tâm sự…

Từ khi Tuấn Đế đăng cơ đến nay, thấm thoát đã hơn hai ngàn năm.

Trong hai ngàn năm đó, Hiên Viên tộc đã trở thành một trong ba đại Thần tộc thao túng vận mệnh cả đại hoang, Hoàng Đế lập nên Hiên Viên quốc, lên ngôi xưng đế, nhưng mẹ của Thanh Dương đã chẳng còn là người phụ nữ duy nhất của ông ấy.

Trong hai ngàn năm đó, Thanh Dương đã có hai em trai. Y từng thấy Thanh Dương mừng rỡ khoe rằng Vân Trạch đã biết kêu mình bằng Đại ca, Thanh Dương hết sức cưng chiều Vân Trạch, y cũng coi Vân Trạch như em ruột mình, dạy cho Vân Trạch tất cả những gì nó muốn học. Vân Trạch quả là đứa nhỏ thông minh tuấn tú nhất trên đời, đúng như Thanh Dương nói, bất kể cái gì cũng học một biết mười, hơn nữa còn rất nhiều chuyện, biết quan tâm, chủ động gánh vác hết mọi trách nhiệm mà Đại ca lười không muốn gánh.

Trong hai ngàn năm đó, y đã chứng kiến Vân Trạch lìa đời, nghe Thanh Dương đau đớn khóc gào thảm thiết, tận mắt thấy địa vị và tính mạng Luy Tổ lâm nguy, Thanh Dương cũng dần đánh mất nụ cười tươi tắn cùng nhiệt tình hào sảng trong tim.

Gã thiếu niên lưng đeo thanh kiếm gãy, miệng ngậm nhành cỏ, vừa đi vừa lắc lư, có nụ cười rạng rỡ khiến người khác phát ghen ấy đã hoàn toàn biến mất.

Suốt mấy canh giờ, Thiếu Hạo cùng Thanh Dương đã uống sạch mười mấy vò mỹ tựu.

Thiếu Hạo nằm phục trên cành phù tang với tay vớt trăng đáy nước, cành cây đung đưa, y cũng lắc lư theo, bỗng ùm một tiếng, y ngã nhào xuống nước, mất dạng.

Thanh Dương nằm dài trên cây, giơ cao vò rượu lên, há miệng vừa đu đưa theo cành lá,vừa dốc rượu vào miệng.

Nốc hết hũ rượu vẫn chưa thấy Thiếu Hạo nhô lên, Thanh Dương bèn vỗ vào thân cây gọi ầm ĩ: “Thiếu Hạo, ngươi còn không chịu lên, ta sẽ uống sạch rượu đấy."

Thấy mặt nước vẫn lặng như tờ, Thanh Dương toan nhảy xuống vớt Thiếu Hạo thì đột nhiên thấy y nhô đầu lên, Thanh Dương liền đập cho y một chưởng: “Ngươi chưa say chết dưới đó à?"

Thiếu Hạo nghiêng mình tránh né: “Ta vừa phát hiện cái này lạ lắm, ngươi xuống mà xem."

Thấy y không có vẻ đùa bỡn, Thanh Dương đành nhảy theo xuống nước, Thiếu Hạo dẫn đường phía trước, hai người cùng bám theo gốc phù tang mà lặn xuống. Nước ở Thang cốc rất lạ, theo lẽ thường càng lặn sâu xuống đáy hồ càng tối, nhưng hồ nước ở đây càng xuống dưới càng lóa mắt, cứ thế lặn xuống không mù mắt là may, đừng hòng nhìn thấy gì.

Hai mắt Thanh Dương đang khó chịu chợt dịu hẳn đi, trông thấy một hạt châu xanh biếc bập bềnh giữa vầng sáng lấp loáng, tỏa ra ánh sáng mát mắt.

Thiếu Hạo lên tiếng: “Lạ lắm phải không? Thang cốc là nơi mặt trời lên, nguồn nước nơi đây tinh khiết nhất trong thiên hạ, chẳng dung dưỡng sinh vật nào, thậm chí chín gốc phù tang từ thời thượng cổ mà người đời vẫn nói rằng sinh trưởng tại đây, thực ra cũng bắt rễ ở nơi khác."

“Ừm." Tuy Thanh Dương linh lực cao cường nhưng không sao mở miệng nói chuyện trong nước như Thiếu Hạo được.

“Tuy hơn trăm năm nay ta chưa hề lặn xuống Thang cốc nhưng bọn Yên Long nhất định đã có kẻ lặn xuống, thế mà chẳng ai phát hiện ra, vậy chỉ có thể giải thích rằng khi đó thứ này không tồn tại." Thiếu Hạo cau mày nghĩ ngợi, “Rốt cuộc nó ở đâu ra nhỉ? Thang cốc là cấm địa của Cao Tân, muốn đem hạt châu lớn nhường ấy vào hẳn không dễ, nhiều khả năng hạt châu này dần nổi từ dưới kia lên." Bản thân y cũng chẳng thể lặn sâu thêm nữa, nghe nói dưới đó mới chỉ có Bàn Cổ khai thiên lập địa từng xuống mà thôi, có điều mặt trời lặn xuống Ngu uyên rồi lại mọc lên ở Thang cốc, như vậy ắt Thánh địa Thang cốc và Ma vực Ngu uyên phải thông nhau.

“Bất kể… đợi… xem qua… là biết thôi." Tuy Thanh Dương đã vận linh lực gắng mở miệng, nhưng tiếng nói vẫn bị nước hồ át đi gần hết.

Thiếu Hạo gật đầu, y vận linh lực nhấc hạt châu lên nhưng không sao nhấc nổi, Thanh Dương phải phụ một tay, hai người cùng vận linh lực ra sức kéo hạt châu lên mặt nước.

Lên tới mặt nước, Thiếu Hạo ngạc nhiên than: “Cái gì thế này? Trong thiên hạ lại có thứ phải hai ta hợp lực mới nhấc lên, nói ra chắc chẳng ai tin nổi."

Thanh Dương cúi nhìn Bích ngọc châu bồng bềnh trên mặt nước, nom chẳng khác nào cánh bèo trôi nổi dập dềnh, ấy vậy mà khi nãy y phải hợp lực với Thiên Hạo mới kéo lên được.

Thanh Dương chạm vào hạt châu, thấy bỏng rãy tay, Thiếu Hạo vừa đụng tay vào cũng rụt ngay lại. Chẳng hiểu sao, Thanh Dương chợt thấy trong lòng dấy lên một cảm giác dịu dàng khó tả, lưu luyến mãi không nỡ rời.

Y rúng động, vội vung kiếm rạch một đường vào lòng bàn tay, máu tươi tứa ra, nhỏ xuống hạt châu, liền bị hạt châu hút sạch.

Thiếu Hạo thấy vậy cũng vô cùng kinh ngạc, lòng nhen lên một tia hy vọng mong manh, tim đập rộn lên vì hồi hộp. Y cầm lấy thanh kiếm từ tay Thanh Dương, giơ tay ra nhưng trù trừ mãi không rạch xuống, chỉ sợ hy vọng mong manh trong lòng tan mất.

Thanh Dương sốt ruột giục: “Thiếu Hạo!"

Thiếu Hạo lướt tay qua mũi kiếm, máu tươi phun ra, bắn lên hạt châu rồi từ từ chảy xuống, chẳng hề được hút vào.

Thanh Dương và Thiếu Hạo mừng rỡ, liền xúm lại cùng xem xét hạt châu.

Hồi lâu, Thanh Dương mới lên tiếng: “Tuy nói rằng Ngu uyên nuốt chửng mọi thứ nhưng theo truyền thuyết Bàn Cổ đại đế đuổi theo mặt trời từng nhảy xuống Ngu uyên, rồi chạy thẳng tới Thang cốc, ngươi bảo liệu A Hành có…" Thanh Dương khựng lại không nói tiếp nữa, chỉ áp bàn tay đầm đìa máu lên hạt châu, linh lực và máu tươi của y lập tức bị hạt châu hút ngay lấy. Trong nháy mắt, sắc mặt Thanh Dương đã nhợt nhạt hẳn đi, Thiếu Hạo phải giằng tay y ra, “Ngươi điên rồi à? Nếu thứ này thật sự từ Ngu uyên trôi tới thì chẳng biết là yêu hay là ma đâu!"

Thanh Dương cự lại: “Nhất định nó có liên quan tới A Hành, ta phải đem nó về gặp cha mẹ."

“Để ta đi cùng ngươi."

Thanh Dương lập tức từ chối: “Không cần đâu, đây là chuyện riêng của nhà ta."

Thiếu Hạo sực hiểu ra, trong chớp mắt mọi thứ vụt trở về hiện thực, y là Cao Tân Thiếu Hạo, còn Thanh Dương là Hiên Viên Thanh Dương.
Tác giả : Đồng Hoa
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại