Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm
Chương 30 C30 Chương 30

Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm

Chương 30 C30 Chương 30

#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết
#Diên_Hi_Công_Lược
#Team_Nhàn_phi #Team_Hoàng_hậu #Team_Phó_Hằng

ĐÊM THỨ HAI MƯƠI TÁM:
KẾ HOÀNG HẬU Ô LẠP NA LẠP THỊ - THƯƠNG THAY MỘT KIẾP HỒNG NHAN

(Hơi bị dài đó các bạn, nếu bạn nào không kiên nhẫn thì lướt xuống đọc đoạn về cái chết của bà thôi, nhưng mình khuyên là các bạn nên đọc hết bởi những thông tin ở đây có rất nhiều cái trên Wiki không có ghi, mình lục rất nhiều các trang thông tin từ bên Trung rồi chọn lọc để dịch lại đó)

Trong bộ phim Hoàn Châu Cách Cách có một nhân vật phản diện kinh điển, bà ác độc, kiêu ngạo, vua Càn Long rất ghét bà, các cách cách và a ca cũng xa lánh bà, thế nên mới sa vào bước đường xuất gia. Trong một bộ phim khác cũng đang hot dạo gần đây - Diên Hi Công Lược, một lần nữa, hình tượng của người phụ nữ này lại được tái hiện với một góc nhìn khác và một cách diễn đạt khác. Bà chính là hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long - Kế hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị.


Song trên thực tế, Ô Lạp Na Lạp thị không ác độc như trong phim truyền hình, thậm chí có thể nói là một người phụ nữ dịu dàng hiền lương. Sử nhà Thanh ghi chép lại rằng, hoàng hậu "tính sinh uyển thuận" (tính tình dịu dàng nhu mì), "phú tính an hòa" (bản tính hòa nhã), "trì cung thục thận" (khiêm tốn cẩn trọng), nhưng kết cục của bà thậm chí còn thảm hơn cả trên phim, nói trắng ra là "chết không có chỗ chôn".

Ô Lạp Na Lạp thị sinh vào năm Khang Hy thứ năm mươi bảy (1718), thuộc Mãn Châu Tương Lam Kỳ, gia thế lâu đời và hiển hách, bà nhỏ hơn Càn Long 7 tuổi. Sẵn nói thì chúng ta lược sơ qua một chút về dòng họ của bà, thực ra họ đúng của bà phải là Huy Phát Na Lạp thị, tài liệu lịch sử Thanh Sử Cảo đã ghi nhầm thông tin này. Na Lạp thị là một dòng họ đã tồn tại từ rất lâu trên đất Trung Hoa, thuộc tộc Nữ Chân, gồm bốn chi lớn là Diệp Hách, Ô Lạp, Cáp Đạt và Huy Phát. Vốn ở Hắc Long Giang cũng có một chi nữa là Ích Khắc Đắc Lý thị, song sau này đã đổi lại là Na Lạp thị, rồi hậu duệ của chi này lại di cư đến Huy Phát, tự thành lập quốc gia tên Huy Phát nên mới dần có tên đầy đủ là Huy Phát Na Lạp thị. Thê nên đáng lý ra Kế hậu phải được gọi là Huy Phát Na Lạp thị mới đúng, thông tin cụ thể các bạn có thể tìm đọc trên Wikipedia.

Cuộc đời của Kế hoàng hậu có thể tóm gọn như sau:

Năm Khang Hy thứ năm mươi bảy (1718), Na Lạp thị được sinh ra.

Năm Ung Chính thứ mười hai (1734), trở thành trắc phúc tấn của Bảo Thân vương Hoằng Lịch, lúc này Càn Long đã có tổng cộng ba vị phúc tấn gồm đích phúc tấn Phú Sát thị và hai vị trắc phúc tấn lần lượt là Cao Giai thị (Tuệ Hiền Hoàng quý phi), Phú Sát thị (Triết Mẫn Hoàng quý phi, bà mất trước khi Càn Long đăng cơ).

Năm Càn Long thứ hai (1737), sắc phong làm Nhàn phi.


Năm Càn Long thứ mười (1745), tấn phong Nhàn Qúy phi.

Năm Càn Long thứ mười ba (1748), tấn phong Nhiếp lục cung sự Hoàng quý phi (tức Hoàng quý phi quản lý chuyện hậu cung)

Năm Càn Long thứ mười lăm (1750), sắc lập làm hoàng hậu.

Năm Càn Long thứ mười bảy (1752), sinh hạ hoàng tử thứ mười hai - Vĩnh Cơ.

Năm Càn Long thứ mười tám (1753), sinh hạ công chúa thứ năm nhưng mất lúc mới lên 2.

Năm Càn Long thứ hai mươi (1756), sinh hạ hoàng tử thứ mười ba - Vĩnh Cảnh, song cũng chết yểu vào năm năm.


Năm Càn Long thứ ba mươi mốt (1766), tạ thế, an táng theo nghi thức của Hoàng quý phi.

Cuộc đời của người phụ nữ lẫy lừng một thời, khi tóm gọn lại, cũng chỉ có thế mà thôi...

Sau khi Càn Long đăng cơ đã ngay lập tức sắc phong đích phúc tấn lên ngôi Hoàng hậu không chút chần chừ, rồi mới phong Qúy phi cho Cao Giai thị và phong Nhàn phi cho Ô Lạp Na Lạp thị, còn trắc phúc tấn Phú Sát thị do mất sớm nên không được tấn phong. Trong đó, Càn Long kính trọng nhất là Hoàng hậu Phú Sát thị, sủng ái nhất là Qúy phi Cao Giai thị, còn Ô Lạp Na Lạp thị thì rất mờ nhạt, hầu như không được sủng ái, thậm chí dù nhập cung sau nhưng địa vị của Thuần phi, Gia tần trong lòng Càn Long còn cao hơn cả Ô Lạp Na Lạp thị. Từ việc Thuần phi liên tiếp sinh hạ Hoàng lục tử và Hoàng tam tử, còn Gia Tần liên tiếp sinh hạ Hoàng tứ tử và Hoàng bát tử có thể thấy được điều này. Vì vậy mới nói, sức nặng của Ô Lạp Na Lạp thị trong lòng Càn Long rất thấp, còn tình cảm có đậm sâu hay không thì càng không cần phải nhắc đến.

Sống trong hoàng cung rộng lớn, không ân sủng, không có con cái, những tháng ngày ấy đau khổ thế nào ắt các bạn cũng có thể mường tượng được. Điều duy nhất có thể an ủi được người phụ nữ này là bà rất hợp ý Thái hậu, hoặc có lẽ nên nói rằng nhờ hảo cảm của Thái hậu với bà nên bà mới được phong hào Nhàn phi. Năm Càn Long thứ mười, Nhàn phi Ô Lạp Na Lạp thị và Thuần phi Tô thị cùng được tấn thăng lên hào quý phi.

Năm Càn Long thứ mười bốn, hoàng hậu Phú Sát thị về cõi tiên. Tháng Bảy cùng năm, bởi Ô Lạp Na Lạp thị tính tình dịu dàng nên rất được Thái hậu yêu thích, Càn Long xuôi theo ý chỉ của Thái hậu, tấn phong bà làm Hoàng quý phi, tạm thay thế Hoàng hậu quản lý hậu cung. Nhưng đối với lần tấn phong này, Càn Long có vẻ khá không tình nguyện, dường như muốn tuyên cáo thiên hạ sự bất mãn này của mình nên sau khi sắc phong không lâu đã viết một câu thơ: "Lục cung tòng thử thiêm tân khánh, phiên nhạ vô đoan ý võng nhiên" (từ nay về sau lục cung thêm vui mới, bỗng ngẩn ngơ). Song bình tĩnh mà suy xét thì Càn Long không hẳn có ác cảm với Hoàng hậu Na Lạp thị, mà suy cho cùng ngài không muốn bất kỳ vị phi tần nào thay thế vị trí của Hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần Phú Sát, càng không cần phải bàn đến việc thay thế vị trí của Hoàng hậu trong lòng ngài.

Năm Càn Long thứ mười lăm, dưới sự đốc thúc của Thái hậu, Càn Long sắc phong Ô Lạp Na Lạp thị làm hoàng hậu. Năm ấy, bà đã 33 tuổi, xuân sắc đã phai. Khi tấn phong, Càn Long cũng không nhìn bà lâu, vẫn thờ ơ như trước. Có lẽ ông trời cũng cảm thấy không đành lòng trước sự bi ai của bà, nên vào năm Càn Long thứ mười sáu (đây cũng là năm giỗ ba năm ngày mất của Hoàng hậu Phú Sát thị), thương nhớ người vợ đã khuất, ngài bỗng cảm thấy áy náy với Ô Lạp Na Lạp thị. Lúc này đây Càn Long mới chú ý đến sự tồn tại của Kế Hoàng hậu, vì thế, một năm sau, Hoàng tử thứ mười hai cất tiếng khóc chào đời, tiếp sau đó Ô Lạp Na Lạp thị lại sinh hạ Hoàng ngũ nữ (công chúa thứ năm) và hoàng tử thứ mười ba. Từ những điều này có thể thấy, quan hệ giữa Càn Long và Kế Hoàng hậu đã dần trở nên hòa hoãn. Song chút tình thương hại này chỉ kéo dài trong vòng sáu năm, lúc bà gần 40 tuổi, sự chú ý của hoàng thượng đã chuyển dời đến các phi tử trẻ tuổi mới nhập cung. Kế Hoàng hậu lại tiếp tục chuỗi ngày cô đơn tĩnh mịch.

Tháng Giêng năm Càn Long thứ ba mươi lăm, Kế Hoàng hậu cùng Càn Long và Thái hậu Nam tuần. Lần Nam tuần này là bước ngoặc trong cuộc đời bà, lúc vừa bắt đầu cuộc tuần du, hết thảy đều rất bình thường, trên đường đi hoàng thượng còn đích thân chúc mừng sinh nhật lần thứ bốn tám của Hoàng hậu. Ngày mười tám tháng Hai, đoàn đến Hàng Châu, lúc dùng bữa sáng, hoàng thượng còn ban cho hoàng hậu rất nhiều món ngon, nhưng đến bữa tối thì hoàng hậu không xuất hiện nữa, cùng dùng bữa với hoàng thượng chỉ có Lệnh Qúy phi Ngụy Giai thị và các chúng phi tần khác. Về sau mới có tin, ngày hôm đó, Càn Long đã phái ngạch phò Phúc Long (triều Thanh không gọi con rể là phò mã mà là ngạch phò) đưa Hoàng hậu về kinh theo đường thủy.


Rốt cuộc thì đêm đó Ô Lạp Na Lạp thị đã làm gì? Theo như ghi chép trong mục Hậu Phi thuộc phần Liệt Truyện trong cuốn Thanh Sử Cảo, trên đường đi tuần, Hoàng hậu đã xảy ra cãi vã với Hoàng thượng và đã cắt tóc trong cơn tức giận, Càn Long giận dữ bèn ra lệnh hồi cung. Trong phong tục dân tộc Mãn, người Mãn rất kiêng kỵ việc phụ nữ cắt tóc, Hoàng hậu chỉ có thể cắt ngắn khi Hoàng thái hậu hoặc Hoàng đế băng hà. Nhưng lúc đó cả Hoàng thái hậu và Hoàng thượng đều rất mạnh khỏe nhưng Hoàng hậu lại tự ý cắt tóc, thế chẳng khác nào đang "rủa xả" họ chết sớm. Hai tháng sau, sau khi hồi triều, tuy không công khai phế hậu nhưng vẫn biếm Hoàng hậu vào lãnh cung và hạ lệnh thu hồi bốn phần sách bảo trong tay bà (bốn phần đó gồm một phần của chức vị Hoàng hậu, một phần của chức vị Hoàng quý phi, một phần của chức vị Qúy phi và một phần của chức vị Nhàn phi), đồng thời cắt giảm lượng tì nữ thái giám theo hầu, đến tháng Bảy, hoàng hậu chỉ còn hai cung nữ ở bên hầu hạ, theo như chế độ cung đình nhà Thanh, chỉ có Đáp ứng (phân vị thấp nhất trong chúng phi tần) mới được phân hai cung nữ. Nửa năm sau, Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị ôm hận mà chết, hưởng dương 49 tuổi.

Khi nghe tin Hoàng hậu qua đời, Càn Long thờ ơ bảo rằng vì bà phúc mỏng mệnh bạc nên không đồng ý cử hành lễ tang theo cấp bậc Hoàng hậu, thế nên ban lệnh an táng theo nghi thức của Hoàng quý phi, song trên thực tế nghi thức còn thấp hơn cả bậc Hoàng quý phi. Không những hủy bỏ tang nghi mà còn không lập bài vị và không truy điệu hay cúng tế gì cả. Đáng lý ra vào ngày đại tang phải có các đại thần, công chúa, mệnh phụ,... có mặt để khóc than và hành lễ, nhưng phần này lại bị hủy bỏ. Đáng thương nhất là, đáng lý ra linh cữu của Kế Hoàng hậu có thể táng ở Dụ Lăng của Càn Long nhưng lại không được Càn Long chấp thuận, thậm chí ngài còn không cho xây lăng tẩm mà lệnh táng cùng địa cung với Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô Giai thị (bà là một phi tần được Càn Long sủng ái và là vị Hoàng quý phi duy nhất trong lịch sử nhà Thanh xuất thân là người Hán từng được nhận lễ sắc phong khi còn sống, lúc sắc phong tước vị Hoàng quý phi, bà đang lâm trọng bệnh sắp qua đời). Phàm táng trong tẩm nội của phi tần phải táng theo phân cấp địa vị rõ ràng, thế nhưng Kế Hoàng hậu lại chỉ được táng trong một góc địa cung của Thuần Huệ Hoàng quý phi, đường đường là hoàng hậu một nước giờ đây chẳng khác nào thuộc hạ của một vị Hoàng quý phi. Theo như ghi chép trong Đại Thanh Hội Điển, quan tài của Hoàng Qúy phi được khắc gỗ, được sơn đàng hoàng và có 96 người khiêng. Còn theo như ghi chép của phủ Nội Vụ thì quan tài của Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị được chế tác bằng gỗ sam, 64 người khiêng, chỉ dừng ở cấp Tần. Mà sự thực là sau khi khai quật cũng hoàn toàn giống y như vậy. Mặc khác, theo quy chế nhà Thanh, phàm là Hoàng quý phi, Quý phi, Phi, sau khi chết đều được đặt thần bài (tức bài vị), chỉ có Tần, Qúy nhân, Thường tại, Đáp ứng là không lập thần bài, lúc tế tự chỉ cần mang cống phẩm đến đài ngắm trăng trước Bảo Đỉnh là được. Nhưng Kế Hoàng hậu lại không có thần bài, sau khi qua đời cũng không được truy điệu, sau khi nhập táng cũng không được nhắc tới dù chỉ một chữ. Theo như ghi chép của phủ Nội Vụ, toàn bộ tang sự của Hoàng hậu chỉ vỏn vẹn có 207 bạc mà thôi, còn không bằng một quan viên cấp thấp trong triều đình.

Tuy cách nói này có hơi độc ác nhưng quả thật là hoàng hậu chết không có chỗ chôn. Thân là Hoàng hậu nhưng đãi ngộ lại ít đến mức đáng thương. Song rốt cuộc chuyện gì có thể khiến một vị hoàng hậu dịu hiền hiểu lễ nghĩa như Ô Lạp Na Lạp thị phạm phải tối kỵ để rồi ra nông nỗi này? Nguyên nhân không được ghi chép lại nên chúng ta không cách nào biết được, mọi thông tin được ghi lại chỉ là lời nói từ một phía, thật giả ra sao vẫn còn là lớp sương mờ. Nhưng bà đã ở trong cung hơn ba mươi năm trời đằng đẵng, cuối cùng lại sa vào nghịch cảnh như vậy, cá nhân tôi cảm thấy không đáng thay bà.

Có một phiên bản khá thịnh hành trong dân gian giải thích cho sự việc này. Tương truyền rằng Càn Long là một vị vua phong lưu, ngài luôn bắt chước theo tổ phụ Khang Hy đi du tuần miền Nam, song mục đích chính chỉ là vì tham luyến mỹ cảnh Giang Nam, mượn cơ hội tìm hoa vấn liễu. Nghe nói trong lúc Nam tuần, ngài si mê một cô đào kép ở Thanh Giang Phổ, lúc nào cũng cho hầu bên cạnh, sau này còn đưa về Dương Châu, ban cho rất nhiều ngọc ngà châu báu. Còn có một cô đào khác tên là Tuyết Như, cũng rất xinh đẹp, lúc Nam tuần, Càn Long rất xem trọng nàng, cho vào ngủ cùng chỗ, rất được quan tâm. Tuyết Như còn thêu một con rồng nhỏ trên vai áo, đồng thời nói với người ngoài rằng Càn Long đã từng vuốt ve qua vai nàng, bởi thế nên mới đặc biệt thêu một con rồng nhỏ. Sau khi hoàng hậu theo Càn Long đến Hàng Châu, Càn Long từng thay sang thường phục để du ngoạn lúc tối trời. Hoàng hậu khuyên can, thậm chí khóc lóc, Càn Long không nghe và nói thần trí Hoàng hậu không bình thường nên phái người đuổi bà về kinh.

Ngoài ra còn có một cách giải thích khác được chép trong Văn Tự Ngục Án Cung Từ của Nghiêm Tăng: "Năm hoàng thượng Nam tuần, trên đường du ngoạn Giang Nam, đã đưa Hoàng hậu về kinh trước. Khi đó ta ở quê nhà Sơn Tây cũng nghe được chuyện này. Mọi người đều nói hoàng thượng đã lập một phi tử ở Giang Nam, Hoàng hậu không đồng ý nên mới kích động cắt tóc đi". Có sử gia cho rằng, vì hoàng đế Càn Long và Hoàng thái hậu muốn tấn phong Lệnh Qúy phi làm Hoàng quý phi nên Hoàng hậu mới phản đối kịch liệt như vậy.

Nhắc tới đây cũng phải giải thích một chút. Hậu cung Thanh triều chỉ có một cấp Hoàng quý phi mà thôi và chỉ lập trong các tình huống sau: sắc lập trước khi tấn phong hậu, phi tần của tiên đế được tấn phong, xung hỉ và truy phong sau khi qua đời. Trong lịch sử triều Thanh, đồng tồn tại cả Hoàng hậu và Hoàng quý phi của đương đế chỉ có hai lần: trường hợp thứ nhất là dưới thời vua Thuận Trị, Đổng Ngạc phi được sủng ái nên được sắc phong làm Hoàng Qúy phi, trực tiếp uy hiếp đến địa vị của Hoàng hậu Hiếu Huệ Chương. Trường hợp thứ hai là dưới thời vua Đồng Trị, Phú Sát thị được thái hậu Từ Hi ưu ái, nhưng thái hậu Từ An (đồng nhiếp chính với thái hậu Từ Hi) lại thích A Lỗ Đặc thị hơn nên A Lỗ Đặc thị được may mắn lên ngôi hoàng hậu, còn Phú Sát thị được phong làm Tuệ phi, tuy chỉ thuộc hàng tam phẩm, nhưng Tuệ phi lại được hưởng đặc ân theo tiêu chuẩn của một quý phi thuộc hàng nhị phẩm. Vì thái hậu Từ Hi không thích hoàng hậu Hiếu Triết Nghị A Lỗ Đặc thị nên thường xuyên gây khó dễ, còn đối với vị Hoàng quý phi Phú Sát thị  này (đã được tấn phong sau khi lên làm Tuệ phi mới hai năm) thì lại vô cùng ưu ái. Có thể thấy được, nếu trong cung có hoàng hậu, thường thì hoàng đế sẽ không sắc lập phi tần nào lên làm Hoàng quý phi để tránh việc vô cớ tạo nên uy hiếp cho hoàng hậu. Nhưng cách giải thích này cũng chỉ là suy đoán, vẫn còn thiếu rất nhiều bằng chứng xác thực để đi đến kết luận.

----------------------------------

Tác giả : 黄月
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi

Truyện cùng thể loại