Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm
Chương 21 C21 Chương 21

Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm

Chương 21 C21 Chương 21

#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết

ĐÊM THỨ HAI MƯƠI: UYỂN DUNG

Trong lịch sử phong kiến kéo dài năm nghìn năm của đất nước Trung Hoa, vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ này chính là Quách Bố La Uyển Dung. Cuộc sống của bà là một chuỗi bi kịch được viết bằng máu và nước mắt. Hôm nay, chúng ta cùng nhau xuyên qua dòng sông dài của lịch sử, tìm hiểu về cuộc đời bạc bẽo của người phụ nữ sắc nước hương trời này.

Quách Bố La Uyển Dung biểu tự Mộ Hồng, tự hiệu là Thực Liên, là người bộ tộc Tahua (Đoạt Oát Nhĩ) gốc Mông Cổ, xuất thân từ gia tộc Quách Bố La thị thuộc Mãn Châu Chính Bạch kỳ. Cao tổ là Quách Bố La A Nhĩ Cảnh, là phó đô thống dưới thời Hàm Phong, cũng được phong lần lượt là Vũ Hiển tướng quân và Kiến Uy tướng quân. Thân phụ của bà là một đại thần tên Quách Bố La Vinh Nguyên, còn mẹ bà là cháu gái của Định Quận vương Ái Tân Giác La Phổ Hú và là con gái thứ tư của Bối lặc Ái Tân Giác La Dục Trưởng.


Sau khi sinh Uyển Dung, mẹ Uyển Dung cũng qua đời do sốt sản hậu, từ đó Uyển Dung được nuôi dạy bởi mẹ kế - cũng là dì họ tên là Hằng Hương. Bà cũng là cháu gái của Định quận vương Phổ Hú, là con gái thứ hai của Bối lặc Dục Lãng. Uyển Dung có một anh trai cùng mẹ là Nhuận Lương, về sau cưới em gái lớn của Phổ Nghi là Uẩn Anh và một em trai khác mẹ là Nhuận Kỳ, về sau cưới em gái thứ ba của Phổ Nghi là Uẩn Dĩnh. Thân phụ của Uyển Dung - Vinh Nguyên, là một quý tộc Mãn có tư tưởng khoáng đạt, quan điểm nam nữ bình đẳng, cho phép con gái được tiếp thu giáo dục như các con trai. Thuở nhỏ, Uyển Dung sống cùng gia đình ở Thiên Tân, được mẹ kế Hằng Hương chú tâm dạy dỗ các quy tắc truyền thống. Ở tuổi thiếu niên, bà được cho được học ở trường do Giáo hội Cơ đốc Mỹ thành lập, theo học tiếng Anh, đàn piano, đặc biệt bà rất hâm mộ nhạc jazz. Ngoài ra, gia đình còn mời một số gia sư riêng cho bà, dạy cả kiến thức, âm nhạc, hội họa phương Tây. Trong số đó có cả một gia sư người Mỹ sinh tại Trung Quốc là bà Isabel Ingram dạy tiếng Anh. Chính vị gia sư này đã đặt tên tiếng Anh cho bà là Reasa. (Theo Wikipedia)

Hồi trẻ, Uyển Dung nổi tiếng là mỹ nhân, bà vào cung lúc mới mười sáu tuổi. Song Uyển Dung được chọn không phải nhờ nhan sắc và sự đa tài mà dưới sự chở che của Cẩn Hoàng quý phi (tức Cẩn phi - chị gái của Trân phi thời vua Quang Tự), Phổ Nghi mới miễn cưỡng đồng ý. Bởi khi đó, người Phổ Nghi chọn đầu tiên không phải Uyển Dung mà là Văn Tú, song Uyển Dung vừa cao quý vừa xinh đẹp, gia thế lại hiển hách nên cuối cùng được lên ngôi hoàng hậu còn Văn Tú thì trở thành phi tử.

Năm 1911, chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm của Trung Hoa đi đến hồi kết, quốc gia từ chế độ quân chủ chuyển sang cộng hòa. Khi đó, chính phủ dân quốc dành cho tôn thất nhà Thanh một "ưu đãi", đó là "sau khi hoàng đế Đại Thanh từ vị, tôn hào vẫn còn và không bị phế, Trung Hoa dân quốc đối đãi bằng lễ dành cho quân chủ ngoại quốc", vì vậy, hôn lễ của tốn đế Phổ Nghi (tốn tức là khiêm nhường) vẫn giống hoàn toàn với lễ nghi đại hôn dành cho hoàng đế.


Sau đại hôn, Phổ Nghi rất ít khi ở lại cung Trữ Tú. Bỗng chốc, việc hoàng đế ở lại đã trở thành việc hiếm lạ. Trời chỉ vừa trở sáng là Phổ Nghi đã rời đi, song cũng không hề mở miệng quở trách bất kỳ việc gì liên quan đến chuyện "phòng the". Còn tinh thần của Uyển Dung thì càng ngày càng suy sụp, lớp trang điểm trên gương mặt thường lưu lại vết nước mắt. Giữa cuộc sống kỳ dị như thế này, mối quan hệ giữa Phổ Nghi và Uyển Dung cũng không cách nào bình thường nổi. Nếu ví Uyển Dung là một ngọn lửa hừng hực cháy thì Phổ Nghi đích xác là một que củi không thể đốt, ông có sở thích khác, còn Uyển Dung chẳng qua chỉ là một bức bình phong dùng để ứng phó mà thôi. Dần dà, Uyển Dung dần nhận ra nguyên nhân thật sự. Bà rơi vào nỗi buồn chẳng thể giải thoát, vừa ngại nói với người ngoài vừa chẳng cách nào bình ổn được nội tâm, không còn cách nào khác, bà chỉ đành tìm kiếm những thú vui khác.

Trong cung, vì nhiều lần đau bụng không dứt nên bà bất đắc dĩ phải giảm đau bằng thuốc phiện, lâu dần thành nghiện và không tài nào thoát khỏi được, cuối cùng sa vào vũng bùn ma túy. Từ góc độ nào đó nhìn nhận thì đây là sự tất yếu chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc sống đang dần mục nhát của cung đình nhà Mãn Thanh, song nếu nhìn ở một góc độ khác thì sẽ cảm thấy có phần kỳ lạ.

Về tâm trạng của Uyển Dung, ta không thể đoán bừa được, song theo như sự kể lại của Tôn Diệu Đình thì: "Uyển Dung cũng không phải kẻ ngốc, tất nhiên hoài nghi Phổ Nghi đương trẻ trung sao có thể bị bệnh gì được? Nhưng cái khó là mở miệng với "hoàng thượng", lại chẳng cách nào đâm vỡ lớp giấy này nên chỉ có thể chịu đựng trong đau khổ..."

Thường thì khi buồn, Uyển Dung rất ít khi viết chữ, song lại cực kỳ thích đọc sách. Nhưng việc đọc sách không thể nào xua tan được nỗi sầu, ngược lại còn tăng thêm phiền não. Đôi khi bà sẽ ngẩn người, mãi vẫn chẳng nói câu nào. Thái giám trong cung ai cũng biết từ bé bà chỉ ở trong khuê phòng, chưa từng ra cửa, lại hiếm khi về nhà thăm cha mẹ, không ai chia sẻ, lại "vớ" phải ông chồng như Phổ Nghi, những sầu bi này biết nói với ai cho đặng?


Trong một thời gian rất dài, Phổ Nghi rất lãnh đạm với Uyển Dung, song với một người cực sĩ diện như Uyển Dung, bà không thể nào chấp nhận bỏ qua cái danh hão hoàng hậu, vì vậy đã tư thông với hai phụ tá của Phổ Nghi là Lý Thể Ngọc và Kỳ Kế Trung, sau đó mang thai và sinh ra một bé gái. Về việc hút thuốc phiện và tư thông này, Uyển Dung nhận được sự cổ vũ cực kỳ tích cực từ phái anh trai của mình, trên thực tế, anh trai bà từ lâu đã bán đứng bà đổi lấy lợi ích.

Năm 1935, đến tận khi Uyển Dung sắp sinh, Phổ Nghi mới biết được Uyển Dung tư thông với kẻ khác song vẫn để bà sinh con ra. Sau khi Uyển Dung hạ sinh, Phổ Nghi ngoài mặt nói dối bà rằng đã mang con cho anh trai bà nuôi hộ, song thực chất đã ném con bà vào lò lửa. Còn Uyển Dung thì không biết rằng con bà sớm đã vong mạng. Phổ Nghi cho rằng đây là sai lầm không thể tha thứ nên đã biếm bà vào "lãnh cung", lại thêm điên loạn và nghiện ngập nên dần bị tâm thần, sau đó Phổ Nghi đã đuổi bà đến sống tại một bệnh viện hẻo lánh.

Trải qua biết bao lần đả kích, chỉ trong vòng năm năm, một người phụ nữ đẹp như hoa như ngọc đã trở thành một kẻ điên không cách nào điều khiển được bản thân, bà không còn biết đến việc điểm trang xinh đẹp là như thế nào nữa mà ngày ngày hỉ nộ vô thường. Duy chỉ có một thói quen vẫn không đổi, chính là hút thuốc phiện.

Vì bị giam trong phòng và cách biệt với thế giới bên ngoài một thời gian dài, cộng thêm bệnh tình nghiêm trọng nên hai chân bị mất năng lực đứng và đi. Đồng thời việc bị nhốt lâu khiến mắt Uyển Dung bị mất luôn cả nhãn lực, chỉ có thể nhìn bằng cách ghé mắt qua khe hở giữa các phiến quạt. Song đôi lúc bà cũng tỉnh táo, và những lúc này bà sẽ vừa khóc vừa mắng chửi phụ thân của mình, mắng rằng ông ta vì cái danh quốc trượng mà hủy đi một đời của con gái mình.


Năm 1945, Liên Xô xâm lược Mãn Châu, Phổ Nghi hoảng sợ bỏ lại Mãn Châu, các bà vợ và hoàng thất để chạy trốn. Khi đó, Uyển Dung tuy sức cùng lực kiệt nhưng vẫn cố gắng chạy trốn cùng với các thành viên hoàng gia khác đến Hàn Quốc, song giữa đường lại bị bắt và bị đưa đi khắp nhà tù này đến nhà tù khác, chịu đủ bao hành hạ và đói rét khổ sở. Lúc đầu có kha khá quân lính nghe nói bà là "hoàng hậu" nên tò mò lén đến xem thử, nhưng sau khi nhìn thấy bà quần áo rách bươm, mặt mũi bẩn thỉu, khó thể nào liên hệ đến vị hoàng hậu xinh đẹp ngày nào nên dần không hứng thú nữa.

Trên đường tù đày bà bị giày vò bởi cơn nghiện thuốc, nước mũi nước bọt chảy đầy mặt, mệt đến mức chẳng thể cất bước phải nhờ người cõng hộ. Khi đến Đôn Hóa thì Uyển Dung gần như đã không còn thần trí, cơ thể càng thêm dơ bẩn, người lúc nào cũng bay một mùi hôi thối. Trong thời gian này, em dâu của bà tên là Hito Saga luôn cực khổ chăm sóc bà, sau khi Hito bị đày sang nơi khác thì Uyển Dung không còn ai chăm sóc nữa.

Ngày 20 tháng 6 năm 1946, Uyển Dung qua đời, hưởng dương 39 tuổi.

Lịch sử dần đi xa, chỉ để lại cho chúng ta một câu chuyện đầy bi kịch, trong câu chuyện đó có một người phụ nữ bất hạnh, sống ở khoảng thời gian mà chúng ta chẳng thể nào chạm tới, cả đời nếm trải biết bao chông gai và đau khổ.

Tác giả : 黄月
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi

Truyện cùng thể loại