Tơ Đồng Rỏ Máu

Chương 13: Một búng chết hai

Đến nhận các di vật của Nghê Phượng Anh là đôi vợ chồng già tuổi gần sáu mươi. Đúng lúc Na Lan đang ở Sở Công an bàn với Ba Du Sinh về vụ án, nên cũng có mặt khi tiếp họ. Cô xót xa nhìn hai mái đầu đã bạc, bàn tay run run và mắt nhòa lệ. Ba Du Sinh giới thiệu, “Đây là cô Na Lan chuyên gia tâm lý, Sở chúng tôi mời cộng tác. Cô ấy muốn nói chuyện với hai bác…"

“Không cần! Ông già thô lỗ ngắt lời. “Đã ngần ấy năm, chúng tôi đã chuẩn bị tư tưởng, khỏi cần tư vấn tâm lý." Khi xưa Nghê Phượng Anh chỉ có gia đình anh trai chị dâu là người thân. Chắc ông già ăn mặc giản dị này là ông anh, tên là Nghê Bồi Trung.

Na Lan nói, “Tôi muốn nói chuyện với ông bà, cốt biết thêm tình hình về Nghê Phượng Anh, qua đó giúp công an nhanh chóng tìm ra hung thủ sát hại cô ấy."

“Nhanh chóng ư?" Ông già cười khảy. “Còn định nhanh như thế nào? Gần ba mươi năm rồi!"

Cứ nghĩ đến cảm giác chờ đợi khắc khoải của thân nhân người bị nạn, cũng thấy ông già lạnh nhạt như thế này không phải là vô lý. Na Lan nhẹ nhàng thuyết phục, “Đã phát hiện được hài cốt của Nghê Phượng Anh, rất có thể sẽ tiếp tục lần ra các tình tiết khác, chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống của cô ấy ngày xưa, sẽ hữu ích cho việc suy đoán về hung thủ."

Nghê Bồi Trung hình như càng được thể lấn tới, “Suy đoán cái gì? Dù là thằng khốn nào gây ra thì nó cũng đã ung dung suốt bao năm qua, đạo trời còn bất công nữa là… mấy cô gái trẻ sẽ tài ba hơn các anh công an kỳ cựu hay sao? Anh công an họ Trần ngày xưa đâu? Một người tài ba, yêu nghề, anh ta thế nào rồi?!" Ông già càng lúc càng nói to, bà vợ đứng bên khẽ kéo tay chồng, nhưng ông vẫn mặc kệ.

“Chính cô Na Lan đã phát hiện ra hài cốt của Nghê Phượng Anh!" Ba Du Sinh hờ hững chêm một câu.

Nghê Bồi Trung sững người, cả hai vợ chồng đều chăm chú nhìn Na Lan. Na Lan định nói thẳng, tại sao hồi Trần Ngọc Đống ghi biên bản đánh giá thì ông bà không tỏ thái độ hợp tác? Bấy giờ Nghê Bồi Trung là cán bộ ở một cơ quan địa phương, cô vợ Hồ Thanh là nhân viên OTK ở một xưởng chế biến thực phẩm, cả hai đều rất tốt tính, không hề có tiền sự hay động cơ gây án, Trần Ngọc Đống tuy không ưa thái độ của họ nhưng vẫn loại họ khỏi diện tình nghi. Anh em nhà họ Nghê mồ côi sớm, hàng xóm đều biết họ rất thân thiết đùm bọc nhau, Nghê Phượng Anh gần như do một tay vợ chồng anh chị nuôi nấng lớn khôn.

“Tôi muốn hỏi câu này, cũng như câu chú Trần Ngọc Đống năm xưa từng hỏi. Mong ông bà nhớ lại xem, Nghê Phượng Anh xinh đẹp như vậy, liệu có ai thèm khát, đố kỵ, hằn học hoặc hà hiếp gì cô ấy không? Cô ấy có chơi với người nào không tốt không?" Na Lan nhìn thẳng vào hai vợ chồng già.

Khuôn mặt vàng vọt nhăn nheo đỏ ửng lên, Nghê Bồi Trung kêu ca, “Hà hiếp cô ấy? Nghĩa là sao? Thế nào gọi là người không tốt? Hồi đó trật tự trị an xã hội tốt hơn hẳn bây giờ, khu tập thể cơ quan tôi còn chẳng cần khóa cửa ban đêm… Phượng Anh rất ngoan, không cứ lớn nhỏ việc gì cũng bàn với chúng tôi, có bạn trai là lập tức dẫn về ra mắt anh chị, không bao giờ đi đâu qua đêm như con gái thời nay, hết giờ làm là về nhà giúp đỡ gia đình. Hôm nó mất tích, là sau khi tan lớp học ban đêm…" Ông nghẹn ngào không nói tiếp được, đôi mắt rơm rớm…

Hồ Thanh từ đầu chỉ im lặng, bấy giờ tiếp lời chồng, “Lẽ ra tối hôm đó cậu bạn trai đến đón nó. Cậu ấy là cảnh sát, đang trên đường đi thì làm người tốt việc tốt, đưa một cụ già bị ngất ngoài phố vào viện cấp cứu, nên đến muộn vài phút, không đón được nó… chỉ muộn vài phút…" Bà cũng không nói được nữa.

Na Lan giơ một tấm ảnh lên, hỏi họ, “Ông bà có ấn tượng gì về người này không?"

Cả hai nhìn ảnh “đại sư Thương Hiệt" Mễ Trị Văn nằm trên giường bệnh, cùng lắc đầu. Cô lại đưa ra một bức ảnh vẽ, bà Hồ Thành cau mày, nói, “Không phải ảnh… người này và người gầy còm vừa nãy là một à? Trông trẻ hơn rất nhiều." Bà lại nhìn Ba Du Sinh. “Trước đây đội trưởng Ba Du Sinh cũng cho chúng tôi xem rồi." Đây là một ảnh in, kỹ thuật viên của Sở công an dùng phần mềm phân tích ảnh, dựa vào ảnh hiện giờ của Mễ Trị Văn chế ra bức ảnh suy luận hồi trẻ. Trong ảnh, Mễ Trị Văn vẫn gầy như khuôn mặt sáng sủa, tương đối đẹp trai.

Tiễn vợ chồng Nghê Bồi Trung ra về xong, Na Lan tương đối thẫn thờ, hẫng hut. Ba Du Sinh an ủi cô, “Chúng ta có thể hình dung ra tâm trạng của ông Trần Ngọc Đống ba mươi năm trước, vô số cuộc điều tra, thẩm vấn và vô số lần bế tắc."

“Nhưng lần này ít nhiều đã có thu hoạch." Na Lan tư lự.

“Thế à?"

“Hai người trả lời không mâu thuẫn gì với ngày trước, nhưng có một chi tiết… liệu có thể coi là mấu chốt không." Na Lan cúi xuống lật giở cuốn sổ tay công tác mà Trần Ngọc Đống để lại, ghi chép các tình hình ban đầu của vụ án “ngón tay khăn máu". “Khi em hỏi có ai đã từng hà hiếp Nghê Phượng Anh không, cô ấy có giao du với kẻ xấu nào không, thì hai vợ chồng họ cùng nhìn nhau. Có thể chỉ là ngẫu nhiên, cũng có thể là họ đang muốn che giấu điều gì."

Ba Du Dinh khẽ gật đầu. Đây là sự nhạy cảm của người làm về tâm lý học như Na Lan.

“Cho nên em muốn tìm một người có thái độ bất hợp tác khác để nói chuyện." Na Lan chỉ vào một cái tên ghi trong cuốn sổ tay.

Những năm 80 của thế kỷ trước, với Na Lan chẳng khác gì thời cổ đại. Ngày trước nghe cha mẹ kể chuyện cũ, cô hiểu rằng thời ấy con người chất phác giản dị, giác ngộ cách mạng cao, rất khó tưởng tượng không chỉ một người tỏ thái độ bất hợp tác với cảnh sát trong việc điều tra trọng án. Na Lan phỏng vấn một nhân vật khác có thái độ như thế, tên là Mạc Lệ Nhã. Theo ghi chép của Trần Ngọc Đống, đây là cô bạn thân nhất của Nghê Phượng Anh ngày xưa, sinh ra và lớn lên trong một khu nhà chung.

Mạc Lệ Nhã nay đã là một phụ nữ tuổi 50, đã dọn ra khỏi khu nhà chung. Hai năm trước, Trần Ngọc Đống có cập nhật địa chỉ mới vào ghi chép. Na Lan không thể không khâm phục người cảnh sát già đã hết sức tận tụy với vụ án, chỉ một manh mối xưa cũ cũng quan tâm.

Khi Na Lan tìm đến nhà Mạc Lệ Nhã thì bà ta vừa đi làm về. Cô đứng ngay ở sân nói chuyện. Mạc Lệ Nhã trang điểm khéo léo tinh tế, trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thực tế. Biết mục đích viếng thăm của Na Lan, khuôn mặt hiền hòa của bà hơi nặng nề, “Sao các vị vẫn cứ lẽo đẽo mãi? Hai năm trước Trần Ngọc Đống còn liên lạc với tôi, tôi bảo những gì cần nói thì tôi đã nói từ ba mươi năm trước rồi, các anh cứ hỏi mãi để làm gì chứ?"

Giọng bà không vang nhưng âm cao lanh lảnh, rất không tự nhiên. Na Lan nghĩ mình không nên nói ra chi tiết đã tìm thấy hài cốt của Nghê Phượng Anh, cô mỉm cười, “Cháu thay mặt chú Trần Ngọc Đống xin lỗi cô, ngày ấy chú Đống còn trẻ bồng bột, nói năng vụng về, nên cô không bằng lòng."

Mạc Lệ Nhã cảm thấy áy náy, mỉm cười, “Không đâu. Nhưng cháu xem, một vụ án ba mươi năm không phá được, mà cảnh sát còn hỏi đi hỏi lại những điều cũ rích."

“Chúng cháu có một manh mối mới." Na Lan lấy tấm ảnh Mễ Trị Văn ra, “Cô đã nhìn thấy người này bao giờ chưa?"

Mạc Lệ Nhã vừa nhìn đã lắc đầu, “Thế này mà gọi là mới? Lần trước anh Đống gặp tôi đã cho tôi xem rồi. Tôi chưa bao giờ thấy người này, tôi chẳng có ấn tượng gì."

Na Lan cất tấm ảnh đi, mỉm cười, “Manh mối mới thực sự, là cô ạ!"

Mạc Lệ Nhã mặt lạnh hẳn đi. Na Lan tiếp tục, “Nghê Phượng Anh mất tích là khởi đầu của một loạt vụ án, và cũng là vụ được quan tâm nhất. Khi xảy ra vụ án này, Giang Kinh là nơi yên bình, hiếm khi xảy ra các vụ án hình sự tàn bạo, nếu cháu đoán không lầm thì hồi đó mọi người giác ngộ cao, luôn nhiệt tình phối hợp với công an. Nhưng những người thân của Nghê Phượng Anh, như vợ chồng người anh trai, và cả cô nữa, lại bị coi là có thái độ thiếu hợp tác. Phải chăng ngẫu nhiên, hay có điều gì sâu xa hơn? Chắc chú Trần Ngọc Đống cũng từng nghĩ như thế, nhưng các cô chú đều không thuộc diện tình nghi, nên dù không thoải mái thì cảnh sát cũng ngừng đào sâu. Về sau còn xảy ra nhiều vụ nữa, nên cảnh sát cũng ngưng chú ý đến Nghê Phượng Anh và các cô chú. Cháu đã suy nghĩ rất lâu, việc cả ba cùng tỏ ra khó chịu không thể chỉ là ngẫu nhiên, nhất định phải có lý do khiến các cô chú không hợp tác. Khoa tâm lý học giải thích rằng đó là tác dụng trái chiều sau khi bị bức xúc nặng nề. Có những điều cô rất muốn nói nhưng lại cảm thấy không thích hợp nên nén lại, và tỏ thái độ khó chịu chứ thâm tâm vẫn muốn giãi bày. Cho nên cháu đã gặp cô và sẵn sàng lắng nghe."

Cả hai đứng đó nhìn nhau rất lâu. Thấy sắc mặt Mạc Lệ Nhã không ngớt thay đổi, Na Lan hiểu rằng mình đã bắt đúng mạch. Cuối cùng bà ra cũng nói, “Cháu trang nhã trẻ trung mà xem chừng cũng lắm mưu kế ra trò nhỉ?"

Na Lan cười, “Cháu chỉ là con mọt sách thích giải câu đố thôi."

Mạc Lệ Nhã nhẹ nhõm hẳn đi, bà nhìn quanh rồi nói, “Lên nhà tôi ngồi chơi, ta nói chuyện!"

Đây là những điều tôi cố nén không nói ra." Cùng ngồi xuống đi văng xong, Mạc Lệ Nhã chần chừ hồi lâu rồi mới nói, ánh mắt hơi thẫn thờ. “Hồi đó tôi cảm thấy nó không mấy liên quan đến việc Nghê Phượng Anh mất tích." Bà trầm ngâm một lúc. “Thậm chí, tôi cho rằng Nghê Phượng Anh chủ động mất tích, nên nếu nói ra chuyện mình biết, tôi e sẽ bất lợi cho cô ấy."

Na Lan lặng lẽ đợi bà nói tiếp. Mạc Lệ Nhã đắn đo một lúc, chợt hỏi, “Cháu không cần ghi biên bản à?"

“Không ạ. Cháu chỉ hỗ trợ điều tra về mặt kỹ thuật, cháu không phải cảnh sát phụ trách vụ án." Na Lan biết, mọi người nhìn thấy ghi chép luôn tay thì họ sẽ nói năng thận trọng e dè, như thế sẽ không có lợi cho việc thu lượm thông tin.

Mạc Lệ Nhã tỏ ra tự nhiên thoải mái hơn, bắt đầu kể, “Có một chuyện này Nghê Phượng Anh chỉ thổ lộ riêng với tôi, còn bắt tôi thề không thuật lại với ai. Bấy giờ chúng tôi làm ở xưởng dệt, một hôm cũng vào nhà tắm tôi nhìn thấy lưng Phượng Anh có một vết đỏ tấy rất mới và vẫn đang rớm máu, bèn hỏi cô ấy nguyên do. Phượng Anh chỉ ấp úng nói lỡ va vào đâu đó. Tôi bảo đừng giấu tôi, đây rõ ràng là vết bỏng. Lúc đó cô ấy mới nói thật, rằng mấy hôm trước to tiếng với chị dâu, bà ta điên tiết cầm luôn cái bàn là đang nóng gí vào cô ấy. Tôi rất hồ nghi, vì Phượng Anh vốn tính mềm mỏng không sinh sự cãi cọ bao giờ. Tôi liền căn vặn truy hỏi, thì cô ấy òa khóc. Phượng Anh mồ côi cha mẹ từ khi còn rất nhỏ, cô sống với anh trai, khi anh lấy vợ cô vẫn ở cùng nhà với họ. Anh trai đã cấp dưỡng cho Phượng Anh đến tận khi cô ấy đi làm ở xưởng dệt. Ngày thường hai anh em có vẻ rất tốt với nhau, tới hôm đó cô ấy mới cho tôi biết, hai vợ chồng anh trai đã ngược đãi cô từ rất lâu rồi. Hồi chưa lấy vợ, người anh cũng hay nổi cáu đánh đập cô, nhưng chưa đến nỗi quá đáng. Sau đám cưới lại được chị dâu chua ngoa đanh đá khiến tinh thần cô càng thêm nặng nề. Phượng Anh vốn mát tính, biết ơn anh nuôi nấng bao năm nên dù bị đánh đập chửi mắng cô cũng ráng chịu, không hề phản ứng lại. Các cháu làm nghiêp vụ tất sẽ hiểu rằng, Phượng Anh càng nhẫn nhịn thì họ sẽ càng được thể lấn tới. Hôm đó ở nhà tắm cô ấy đã chỉ cho tôi xem nhiều vết thương khác ở dưới nách, ở gan bàn chân, ở mé trong đùi… tím tái hoặc tấy đỏ, có cả những vết thương đang đóng vẩy. Tôi quá kinh hãi, hỏi sao cậu mềm yếu quá thế, không đánh trả thì cũng phải nói toạc ra cho người yêu là anh Phạm cảnh sát biết chẳng hạn. Cô ấy phản đối, ‘Làm thế sao được? Đây là việc trong nhà, anh thay cha giáo dục em gái lẽ nào coi là phạm pháp? Tôi đâu có muốn anh chị phải vào trại giam! Anh tôi hơi xấu tính, chị dâu hơi đanh đá một chút nhưng cũng chưa phải kẻ xấu xa tàn độc gì. Tôi chỉ mong chóng kết hôn với anh Phạm để chuyển đi chỗ khác. Thế là ổn.’ Tôi không đồng ý với quan điểm của Phượng Anh, nhưng cũng không cho là sai lầm gì to tát. Chỉ nói, ‘Anh Phạm có vẻ tốt bụng, nhưng kết hôn là việc hệ trọng không thể hấp tấp cho qua, trước mắt cậu nên đi khỏi nhà, càng xa càng tốt, ví dụ dọn hẳn ra ngoài ở.’ Phượng Anh im lặng rất lâu, hình như cũng bị gợi ý của tôi tác động."

Mạc Lệ Nhã thở dài, sắc mặt buồn rầu, ánh mắt thẫn thờ nhìn Na Lan.

“Rồi sao nữa?" Na Lan hỏi.

“Hết rồi, chỉ thế thôi. Không lâu sau đó, Phượng Anh mất tích." Mạc Lệ Nhã nhìn đôi mắt vẫn đầy băn khoăn của Na Lan. “Chắc cháu thắc mắc rằng một chi tiết quan trọng như thế, tại sao khi xưa tôi không nói ra? Nhưng tôi biết nói thế nào? Không rõ… liệu có khiến sự việc xấu hơn nữa không."

Na Lan gật đầu, “Cô biết không phải vợ chồng Nghê Bồi Trung gây án, vì tối hôm Nghê Phượng Anh mất tích có nhân chứng nhìn thấy họ, nhân chứng ấy chính là cô và gia đình cô. Nghê Bồi Trung là hàng xóm, là bạn của cha cô, hôm ấy họ ngồi chơi cờ ở nhà. Hồ Thanh cũng ngồi trò chuyện với mẹ cô. Khi anh Phạm chạy đến kể là không đón được Nghê Phượng Anh, chắc cô cho rằng Nghê Phượng Anh đã bỏ trốn."

“Đúng thế! Tôi nghĩ Phượng Anh bị đánh đập nên lánh đi, sau này sẽ quay lại liên lạc với tôi. Nhưng rồi ngón tay ấy được gửi về nhà…" Mạc Lệ Nhã hít thật sâu một hơi. “Tôi đờ đẫn, không biết nên làm gì. Chắc chắn Phượng Anh đã bị hại rồi. Tôi có nên đến công an nói rằng vợ chồng Nghê Bồi Trung ngược đãi cô ấy không? Nói ra, rồi sao nữa? Tối hôm đó Nghê Bồi Trung không đủ thời gian đi gây án. Hai vợ chồng họ cuống lên vì vụ mất tích của cô em, sau khi nhận được ngón tay, họ như người mất hồn, không hề có vẻ giả vờ. Nếu tôi báo công an thì họ sẽ chết dở, bị điều tra lên bờ xuống ruộng đã đành, có khi còn bị cơ quan xử lý đuổi việc cũng nên. Bấy giờ họ lại đang có hai con nhỏ… Tôi do dự như thế ba năm trời, đến vụ án chặt ngón tay thứ hai thì tôi hiểu rằng mình đã quyết định đúng. Vợ chồng Nghê Bồi Trung không liên quan đến việc Phượng Anh bị hại."

Na Lan hỏi, “Nhưng tại sao cô vẫn thấy nặng nề vì mình không nói ra?" Mục đích của Na Lan là muốn Mạc Lệ Nhã tiếp tục nói.

“Đương nhiên là thế! Bất kể giác ngộ ra sao, tôi vẫn biết thế nào là đúng sai đen trắng. Nghê Bồi Trung và Hồ Thanh không liên quan đến vụ chặt ngón tay hàng loạt, nhưng không có nghĩa là tội hành hạ Phượng Anh cũng được xí xóa! Cháu nghĩ xem, ác giả phải có ác báo chứ? Nhưng tôi vẫn không biết nên nói sao để họ phải nhận được bài học thích đáng mà không đến nỗi tàn đời… cả hai đã sáu mươi tuổi đầu, có cháu gái cháu trai cả rồi."

Na Lan gật đầu, khẽ nói, “Cháu cảm ơn cô. Cô là người rất tốt, cô nói cháu hiểu cả. Cháu cũng tin rằng kẻ làm việc xấu, dù đại gian ác hay người bình thường, đều phải chịu báo ứng. Chỉ còn là thời cơ và cách thức mà thôi."

Vợ chồng Nghê Bồi Trung cũng đã dọn đi khỏi khu nhà chung, đến ở căn hộ thuộc một chung cư nhỏ, cùng tòa nhà với Mạc Lệ Nhã. Nghê Phượng Anh vẫn còn hiện diện trong gia đình này. Vừa bước vào nhà có thể nhận ra ngay, ở phòng khách treo một số khung ảnh, có ảnh chụp chung cả nhà Nghê Bồi Trung ba thế hệ, ảnh các con các cháu, và vài bức ảnh đen trắng cũ, là di ảnh của cha mẹ Nghê Bồi Trung, ảnh cưới của vợ chồng ông và ảnh của Nghê Phượng Anh đứng trước cây cầu Thanh An mỉm cười rất tươi nhưng đôi mắt vương buồn.

Na Lan gần như dùng vũ lực để vào được nhà Nghê Bồi Trung. Ông ta chỉ he hé cửa nhưng cô cứ mạnh dạn tiến vào, nói, “Tôi chỉ hỏi có một câu, ông bà tính đi, hoặc trả lời tôi hoặc chờ công an đến hỏi lại."

Hồ Thanh lớn tiếng, “Có ai lại như cô…"

Na Lan nhìn Nghê Phượng Anh trong tấm ảnh, nói, “Ông bà đã hành hạ Nghê Phượng Anh bao giờ chưa?"

Cả nhà im phăng phắc.

Lát sau, là tiếng thở càng lúc càng gấp gáp và tiếng bước chân bất an của Nghê Bồi Trung đi đi lại lại.

“Sao cô lại nói thế?" Nghê Bồi Trung phản bác nhưng giọng run run.

“Tôi không nói rằng ông bà đáng phải ngồi tù, cũng không nói rằng ông bà đã hại Nghê Phượng Anh. Tôi chỉ muốn hỏi khi cô ấy còn sống, ông bà đã đối xử với cô ấy như thế nào. Bao năm qua có thấy dằn vặt không? Hôm nay nhìn hài cốt và di vật của cô ấy, ông bà có hối hận không, hối hận vì lẽ ra ngày xưa mình nên đối xử tử tế với em hơn, đừng nên ngược đãi thể xác và tinh thần cô ấy?" Đôi mắt Na Lan rơm rớm lệ. Cô vốn không phải người hay nói, nhưng lúc này khó mà không kể tội, chất vấn họ.

“Cút ra ngay!" Nghê Bồi Trung gầm lên.

Hồ Thanh cũng mở cửa, tru tréo, “Ra đi! Ra đi! Ai cho mày vào đây? Nếu không ra tao gọi bảo vệ!"

Na Lan biết họ đã thừa nhận. Tuy không rõ họ hối hận được đến đâu, nhưng cô đã nói trúng đích, không nhầm. Cô bước ra. Vẫn nghe thấy tiếng hai vợ chồng thở hồng hộc ở đằng sau. Cô ngoái lại, “Nếu ông bà muốn nói chuyện, có thể liên lạc với tôi, tôi đã thả tấm danh thiếp vào thùng thư của nhà ta." Rồi quay người bước xuống cầu thang, chẳng thiết nhìn lại họ nữa.

Xuống dưới sân, cô đứng im một lúc cho tỉnh táo. Cô thấy buồn cho thái độ tồi tệ của vợ chồng Nghê Bồi Trung và xót xa cho cuộc đời thê thảm của Nghê Phượng Anh. Ra khỏi cổng khu chung cư một quãng thì thấy Mạc Lệ Nhã đứng bên đường lạnh lùng nhìn lại.

Mạc Lệ Nhã hỏi, “Cháu đến nhà họ à?"

Na Lan gật đầu.

“Bị họ đuổi ra chứ gì?"

Na Lan lại gật đầu, nói, “Họ quá hổ thẹn rồi nổi nóng."

“Tôi không hiểu cháu làm thế còn có ý nghĩa gì? Nghê Phượng Anh chết đã lâu, không thể cứu vãn được nữa."

“Kẻ đã làm việc sai trái, ít ra cũng nên biết mình đã sai, nếu không sẽ thật bất công." Na Lan định nói, nếu năm xưa Nghê Phượng Anh được giúp đỡ nhiều hơn, nếu có người sớm khai sáng cho nhà họ Nghê thì số phận cô gái sẽ khác hẳn.

Cả hai lặng lẽ đứng yên một lúc. Khi Mạc Lệ Nhã toan lên tiếng thì bỗng có tiếng phụ nữ kêu thét ở trên tầng gác không xa.

Phía nhà họ Nghê.

Lại có tiếng kêu thảm thiết. Na Lan phát hoảng.

Cả hai, không ai bảo ai, cùng bước về phía đó. Mạc Lệ Nhã bỗng rú lên một tiếng.

Giữa cảnh nhập nhoạng, họ nhìn thấy một bóng người xam xám từ tầng cao rơi vù xuống, chìm vào bóng chiều vừa buông.

Sau một tiếng động nặng nề, máu bắn tóe khắp mặt đường bê tông.

Người vừa rơi xuống là Nghê Bồi Trung.

Na Lan cũng kêu thất thanh, nhưng rồi gắng trấn tĩnh, nắm chặt tay Mạc Lệ Nhã. Cô nhìn đồng hồ, 5 giờ 28 phút chiều.

5 giờ 28 phút chiều.

Khi Na Lan đưa tay lên xem thì ở cửa một tòa nhà phía sau, cách cô 25 mét có một người cũng xem giờ. Trước đó người ấy vừa nói xong một cuộc điện thoại và đang nhìn Na Lan bằng ánh mắt xót thương thì vụ thảm án xảy ra. Không thể hiểu nổi tại sao cô ta lại đến nhà Nghê Bồi Trung, chỉ tổ rách việc. Cô ta hoàn toàn không nên dính vào vụ án “ngón tay khăn máu", cô ta nên ngừng trò chơi với lão Mễ Trị Văn cô độc kia mới đúng. Cái gì nên xảy ra thì cuối cùng vẫn xảy ra, “ngón tay khăn máu" sẽ vẫn tiếp tục, đã ba mươi năm trời không ai ngăn nổi thì con bọ ngựa Na Lan định chặn cỗ xe bằng cách nào đây?

Trò chơi mà ta chơi với cô ta mới thực sự là trò chơi đỉnh cao.
Tác giả : Quỷ Cổ Nữ
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại