Tinh Hà Rực Rỡ, May Mắn Thay
Quyển 4 Chương 112
Hai ngày sau khi Khúc Linh Quân rời đi, Nhị hoàng tử phi thăm bệnh cũng đã về, cùng lúc ấy, cuộc chinh phạt nghịch tặc Thọ Xuân chính thức diễn ra, quân nhu lương thực binh khí thậm chí là quân đội đều đã được chuẩn bị xong xuôi từ mấy tháng trước. Ngay khi Hoàng đế vừa ra lệnh, cỗ máy chiến tranh đã được trang bị lập tức tự phát động một cách trật tự như có sinh mệnh.
Nhị hoàng tử nhìn mà nóng mắt, rất muốn được vào đại bản doanh đóng góp, ai dè bị Hoàng đế bắt được lỗi sai nho nhỏ, bị phạt nặng một trận. Ngày hôm sau Nhị hoàng tử phi xin phép Hoàng hậu, thưa rằng vợ chồng họ muốn tạm rời đô thành đến tham dự hôn lễ của người chị em Khúc Linh Quân. Hoàng hậu cho phép. Lăng Bất Nghi nghe thế, bày tỏ Nhị hoàng tử cưới đúng hoàng tử phi rồi.
Thiếu Thương nghi ngờ nói: “Ý chàng là, Nhị hoàng tử phi đã nghe được phong thanh chuyện của Khúc phu nhân nên mới trốn đi không về đô thành?"
“Nàng ấy tự nhận là chị em tốt với Khúc Linh Quân. Tri kỷ mắc phải đại tội giết chồng, nàng ấy có can thiệp được không? Không can thiệp lại tỏ vẻ quá lạnh lòng, nhưng nếu can thiệp, chính nàng ta cũng không dám chắc chắn Khúc Linh Quân không giết người. Bên nào cũng đắc tội, chi bằng không quan tâm."
Thiếu Thương buồn rầu: “Người trong cung không một ai đơn giản, Nhị hoàng tử phi thoạt nhìn ngay thẳng, không ngờ cũng có tâm kế."
Lăng Bất Nghi nói: “Bàn về mưu mô, Thái tử phi muốn xách hài cho Nhị hoàng tử phi cũng không xứng. Những năm qua, nếu không có Hoàng hậu và ta nhiều lần che chở, không biết Thái tử phi đã bị nàng ta gây khó dễ bao nhiêu lần."
“Nhị hoàng tử phi như vậy mà nương nương cũng không mắng à?"
“Mắng cái gì. Nàng ta đâu vu oan giá họa cho ai, đúng là thuộc hạ của Thái tử phi làm việc không thỏa đáng, Nhị hoàng tử phi chỉ âm thầm tra xét rồi sau đó tố giác thôi."
Thiếu Thương thở dài, chợt nàng nghĩ tới một chuyện, căng thẳng kéo tay áo Lăng Bất Nghi: “Thế thế thế mấy hôm trước, chàng lén rời khỏi đại doanh Bàn Khánh đi núi Đồ Cao chơi với em, chắc chắn sẽ có vị quan ở biệt viện suối nước nóng mách lại với bệ hạ! Giờ toàn thể triều đình đang bận chuẩn bị chinh phạt Thọ Xuân, chàng cũng là một thành viên trong quân đội xuất chinh, vậy mà lại lại... Phải làm sao bây giờ?!"
Lăng Bất Nghi cười tươi, xoa khuôn mặt bé nhỏ của nàng: “Giờ em mới nghĩ tới à!" Bị gạt tay ra, chàng nói: “Sáng hôm nay ta đã bị bệ hạ mắng rồi."
Thiếu Thương thở phào, vỗ ngực nói: “Bệ hạ chỉ mắng chàng, vậy không phải chuyện lớn."
Lăng Bất Nghi bình thản: “Chiến sự lần này cũng không phải chuyện lớn."
Đúng thế. Trận Thọ Xuân chỉ là chiến sự quy mô nhỏ, một quốc gia xuất hết lực chinh phạt vùng đất hỗn loạn chẳng khác nào dùng búa nặng nghiền bánh mì, chúng thần trong triều đều biết nghịch tặc Bành Chân tất sẽ vỡ vụn. Thế là, thủ đoạn đã đến.
Các lão tướng trọng thần từng cùng Hoàng đế tung hoành thiên hạ rất có phong độ trong chuyện lần này, người từ chối, kẻ xung phong, không hề có ý tranh công cướp quyền, trái lại còn bày tỏ thế hệ bọn ta đã già, nên nhường cơ hội cho lớp trẻ.
Vậy ai là lớp trẻ? Chúng thần mỉm cười, trong lòng đều rõ ràng, đương nhiên là con cháu hậu bối của các gia tộc rồi!
Vì vậy lần này, đến Ngô đại tướng quân nổi tiếng bộc trực gan dạ cũng nấp trong nhà, không chịu thống lĩnh toàn quân. Bởi lẽ ông biết rắc rối lần này không phải đánh giặc, mà là kiểm soát một đội con cháu thế gia như nghé con bê con! Không những phải quản lý thật tốt mà còn cần đảm bảo dưới tiền đề chiến sự thuận lợi, phải để lớp con cháu có cơ hội lập công, đồng thời phải chú ý rất cao độ, dập đầu xước da chảy máu khóc hu hu thì được, nhưng không được gãy tay gãy chân hay rơi đầu.
Bản thân Hoàng đế biết rõ điều này song không tiện khiển trách, vì chính ông là người đầu tiên làm như vậy.
Ông bó tay, con nuôi chiến đấu dũng cảm không màng đến bản thân, dám xông tới nơi mình cho rằng không nguy hiểm, ngày trước Hoàng đế đã bị hù dọa rất nhiều lần, nếp nhăn trên mặt cũng nhiều hơn. Ông không nỡ đưa Lăng Bất Nghi đến những nơi đại chiến đẫm máu thật sự, mà kiểu trận chiến nhỏ khó khăn vừa phải như Thọ Xuân lại rất hợp.
Có lẽ đám huynh đệ cũ cũng có cùng suy nghĩ với mình, Hoàng đế không thể nói ‘ta là chân long nên mới có thể làm như vậy, còn tôm tép các khanh không thể’, Hoàng đế chợt rất nhớ sự vô lại thức thời của Cao Tổ Hoàng đế, vì sao phẩm chất xuất sắc như thế lại không di truyền cho con cháu.
Dù hợp tình hợp lý tới đâu, Hoàng đế cũng là quân vương quét giang sơn dựng triều đại từ thuở hai bàn tay trắng, hiểu đạo lý không thể xem thường chiến sự, cần chuẩn bị gì thì vẫn phải lo liệu. Con cháu thế gia có thể tòng quân, song tỷ lệ không được vượt quá một phần ba, hơn nữa phải chịu quản lý nghiêm ngặt. Sau vô số lần cân nhắc, Thôi Hựu vốn chỉ định đi áp trận cho Lăng Bất Nghi được nâng lên thành thống soái đại quân.
Sắc lệnh vừa ban xuống, chúng thần (nhất là những người có con cháu trong quân) lập tức hô to Hoàng đế anh minh thần vũ, ca tụng công đức muôn kiểu muôn dạng, còn Thôi Hựu ở bên lại tái mặt, trời đất quay cuồng – nếu năm xưa Hoàng đế có thể yên tâm giao con nuôi mười lăm tuổi vào tay ông, vậy chúng thần tất cũng yên tâm giao con cháu cho “bảo mẫu" xứng danh huy chương vàng là ông. Chưa bao giờ tâm tư của mọi người lại đồng lòng giống nhau đến vậy.
Thôi Hựu là người có nhân duyên tốt hạng nhất hạng nhì trong số các trọng thần.
Chúng thần thích ông vì ông không tranh quyền đoạt thế, có tranh chấp gì cũng cười xòa cho qua.
Hoàng đế thích ông, mỗi lần cười hỏi ông lần này lập công muốn ban thưởng gì, Thôi Hựu luôn nhìn lại với ánh mắt rực sáng ý tứ rõ ràng, nhìn đến nỗi khiến Hoàng đế nổi da gà – Hoàng đế dùng đầu ngón chân cũng biết được điều Thôi Hựu muốn, còn gì ngoài chuyện mai sau đợi Hoắc Quân Hoa khỏi bệnh rồi tác thành cho hai người.
Tuy Thôi Hựu không có dung mạo xuất chúng, song các huynh đệ cũ qua lại mấy chục năm không ai không biết ông là người đa mưu túc trí, hành sự cẩn thận; nếu không phải mấy năm như một chỉ quan tâm một mình Hoắc Quân Hoa, e rằng số người muốn được tái giá với ông đủ giẫm nát cả cửa nhà họ Thôi. Cho nên, Ban gia vốn do dự cũng dẫn dòng độc đinh là Ban Tiểu Hầu đến, Ngu Hầu chuyên gia văn vẻ cũng xấu hổ đưa ba người con trai tới... Ví dụ các kiểu như vậy.
Lịch trình càng chặt chẽ thì mọi người càng trở nên bận rộn, Thiếu Thương cũng không ngoại lệ.
Những ngày qua nàng mải miết ngày đêm may đồ lót và đôi vớ nhung thiệt dày cho Lăng Bất Nghi, thậm chí còn cố tình đến Trường Thu cung may nốt mấy đường kim cuối cùng trước mặt Hoàng lão bá. Nhìn ngón tay Thiếu Thương bị kim đâm thành sao trên trời, nên dù thành phẩm thật chẳng ra làm sao, Hoàng đế vẫn hừ hai tiếng bày tỏ hài lòng.
Lăng Bất Nghi im lặng kéo Thiếu Thương ra ngoài, lật qua lật lại nhìn kỹ hai tay nàng, không vui nói: “Nếu thành ra thế này thì chẳng thà không làm."
Thiếu Thương cười cười chọc vào má chàng: “Chàng đúng là vô lương tâm, tay em thành ra thế này là vì ai hả?"
“Đương nhiên là để không bị bệ hạ khiển trách." Lăng Bất Nghi rất thong thả vạch trần nàng.
Thiếu Thương đỏ mặt, xấu hổ nói: “Chàng nói cũng đúng... Nhưng, phó mẫu của em nói vẫn phải biết chút chút về nữ công, mai này cũng dễ bề làm vài món đồ cho chồng con."
“Lần trước chính ta sửa tay áo bị rách của em, ta có bao giờ hy vọng vào nữ công của em."
Thiếu Thương nhụt chí nói: “Chàng có thể đừng nhắc đến chuyện này được không. Hôm đó về phó mẫu hỏi em là ai may tay áo, em nói là chàng, thế là bị bà ấy dạy dỗ hai canh giờ, hai canh giờ đấy! Phó mẫu nói, nếu chuyện này bị đồn đi thì chắc chắn sẽ thành chuyện thiên cổ, tương lai con gái Trình gia không cần ra khỏi nhà nữa!"
Lăng Bất Nghi bật cười. Chàng nhìn chóp mũi đáng yêu của cô gái chuyển đỏ vì khí lạnh, không kìm được cúi đầu cắn nhẹ.
Thiếu Thương che mũi đỏ mặt, lùi ra sau mấy bước, run tay chỉ vào chàng trai: “Chàng chàng chàng..."
Lăng Bất Nghi đi lên mấy bước, cơ thể cao ráo như núi ngọc áp xuống, thì thào bên tai nàng: “Em đừng nóng, ta cho em cắn lại."
Thiếu Thương nhìn hầu kết cục cựa ở cổ chàng, sóng mũi dọc dừa tuấn tú, không biết nghĩ đến điều gì mà mặt càng đỏ tợn.
Ngày cuối cùng trước khi xuất quân, Lăng Ích âm thầm đến phủ đệ của Lăng Bất Nghi, trùng hợp cũng có mặt Thiếu Thương. Ông nhìn Thiếu Thương, ôn tồn cười nói: “Bệ hạ không thích ta đến tìm Tử Thịnh, mong cô nương đừng tiết lộ."
Thiếu Thương cung kính cúi người hành lễ, không trả lời ông.
Lăng Ích cho con trai nhuyễn giáp tơ vàng quý báu, liên tục căn dặn: “Nhất định phải lành lặn quay về, cơ thể đầy đủ quan trọng hơn tất thảy. Chớ nhất thời ấm đầu mà xông vào cảnh hiểm, đừng... đừng giống cữu phụ của con... còn sống mới là điều quan trọng. Chỉ có sống mới có thể làm những gì con muốn!"
Lăng Bất Nghi cúi đầu vâng dạ. Hai cha con không nói gì nữa, một lúc sau, Lăng Bất Nghi mới lên tiếng: “Lần này về con sẽ đến thẳng Hầu phủ ở Thành Dương. Có lẽ không kịp Nguyên đán, chắc là Nguyên tiêu..."
Lăng Ích mừng rơn, luôn miệng nói được, đoạn ngoái đầu nói: “Thiếu Thương, tới lúc ấy con cũng đến đi!" Ông dừng lại, “Thuần Vu thị sẽ không xuất hiện, nếu có kẻ nào dám vô lễ với con, con muốn nói gì cũng được, đừng sợ!"
Lúc Lăng Ích sắp về, bỗng Âu Dương phu tử chạy đến cấp báo, Thiếu Thương bèn đứng dậy thay Lăng Bất Nghi tiễn Lăng Ích ra cửa. Đi tới trước đình, chợt Lăng Ích thở dài: “Tử Thịnh tính cố chấp, con khuyên nhủ nó nhiều vào, đừng nghe người ngoài khen ngợi anh hùng cái thế rồi không đếm xỉa gì. Con chưa gặp cữu phụ của Tử Thịnh nhỉ, nhân vật như thiên thần là vậy mà cuối cùng vẫn về với cát bụi, tan thành mây khói."
Thiếu Thương dừng bước: “Ai rồi cũng sẽ về với cát bụi, ai rồi cũng sẽ tan thành mây khói! Nhưng những chuyện đã làm sẽ không biến mất, công danh sự nghiệp lưu lại vẫn mãi trường tồn!"
Lăng Ích ngạc nhiên, sau đó bật cười: “Tức là con hy vọng Tử Thịnh cũng sẽ như vậy?"
Thiếu Thương chỉ mỉm cười.
Dõi mắt nhìn Lăng Ích rời đi, nàng chậm rãi đi ra sân sau, ngẩn ngơ đứng dưới một gốc mai già. Một lúc lâu sau, Lăng Bất Nghi đến tìm nàng, cười hỏi có chuyện gì. Thiếu Thương nhìn gương mặt tuấn tú của chàng đăm đăm, đoạn thở dài: “Chi bằng chàng từ quan đi, em nuôi chàng."
Lăng Bất Nghi ngẩn ra, sau đó bật cười: “Đừng nghe phụ thân ta, sống chết có số, ta vẫn chưa sống đủ."
Thiếu Thương gật đầu, thở dài từ tận đáy lòng: “Đúng vậy, sống chết có số, cho nên chắc chắn em sẽ tái giá."
Lăng Bất Nghi đen mặt: “... Em yên tâm, nhất định ta sẽ sống sót quay về."
Vào ngày đại quân di chuyển, cha Trình rầu rĩ như có người nợ tiền không trả. Lần này ông được Hoàng đế cắt cử tới trung bộ Dương Châu chiếm phía nam, đóng quân cùng với Hàn đại tướng quân trên con đường xuôi nam xuất phát từ Thọ Xuân, đề phòng nghịch tặc thất bại bỏ trốn.
Mấy ngày trước ông thấy con gái hì hục khâu vá thêu thùa, dù có A Trữ để mắt nhưng vẫn suýt xảy ra huyết án. Trình Thủy cứ ngỡ con gái làm cho mình, nhưng khi được vợ uyển chuyển nhắc nhở Niệu Niệu đã đính hôn, ông lại rất tự giác nghĩ, có thể xiêm y là cho Lăng Bất Nghi còn vớ nhung sẽ là của mình. Nào ngờ không hề có phần của ông.
Thậm chí trước thời điểm xuất phát, con gái đứng bên cạnh Hoàng hậu cũng len lén nhìn xuống Lăng Bất Nghi ở điểm tướng đài, không hề nhìn cha nó lấy một lần. Trình Thủy không nén được hai hàng nước mắt chảy dài.
Quân đội chầm chậm di chuyển, đi qua điểm tướng đài, băng qua cửa thành. Lúc mặt trời lên cao, Lăng Bất Nghi thúc cương tuấn mã cưỡi đầu hàng, ánh dương ngày Đông ấm áp hắt lên áo giáp đen tuyền của chàng, từ vóc dáng khỏe khoắn toát lên vẻ đẫm máu chinh chiến sa trường.
Thiếu Thương vẫn nhìn chàng, Lăng Bất Nghi như cảm ứng được, chợt xoay đầu giục ngựa quay về, đi tới đài cao dành cho Hoàng hậu bên cạnh điểm tướng đài. Thiếu Thương ngơ ngác, thấy Lăng Bất Nghi vươn tay ra, dưới con mắt của bao người, tay trái chàng nhẹ nhàng giơ lên, một món đồ bé nhỏ vạch một đường vòng cung giữa không trung, chính xác rơi vào lòng Thiếu Thương.
Hoàng đế đang rời điểm tướng đài cũng nhìn thấy, ông xụ mặt, vừa buồn cười lại vừa muốn mắng người, Viên Thận đứng sau lưng ông cố kìm nén không trợn mắt, nhưng người khác lại không có tu dưỡng tốt như vậy. Ngay lập tức xung quanh rộ lên ồn ào, binh lính đi ngang qua thấy cảnh này, không ngừng cười hô: “Hóa ra Lăng thiếu tướng quân cũng sẽ như vậy, đúng là không thể nhìn mặt mà bắt hình dong", “tháng Ba sang năm rồi mà, chớ sốt ruột", “mỹ nhân tựa hoa tươi, hâm mộ chết đi được’....
Mặt Thiếu Thương đỏ phừng, Hoàng hậu lắc đầu mỉm cười, ngay tới hoạn quan cung nữ xung quanh cũng bật cười. Thiếu Thương cầm túi vải nho nhỏ, bất chấp ngại ngùng, nàng ngẩng đầu nhìn lên – dưới mũ sắt kỳ lân đen tuyền chỉ lộ nửa bên mặt trắng nõn của chàng thanh niên, dường như chàng khẽ mỉm cười với mình rồi giục ngựa rời đi.
Tiếng bông đùa xung quanh chưa tắt, Thiếu Thương cúi đầu vờ xấu hổ, nhưng hai tay đã hấp tấp mở túi vải ra, bên trong là một mặt dây chuyền vàng nhỏ bằng lòng bàn tay, một chú hổ nhỏ trang nghiêm ngồi xổm trên bệ vuông, trên người có thắt một sợi dây gấm màu đỏ.
“... Cái gì đây?" Nàng không hiểu.
Hoàng hậu cười nói: “Đây là tư ấn của Tử Thịnh. Ừm, nó muốn giao gia sản cho ngươi đấy."
Lần này thì tới cổ của Thiếu Thương cũng đỏ lên rồi. Hứng ánh mắt pha trò chòng ghẹo của mọi người, nàng đưa mắt nhìn về phương xa, dường như cả cánh cổng nguy nga nơi chàng rời đi cũng tỏa sáng rực rỡ, tỏa ra ánh sáng ấm lòng.
***
S
au khi đại quân xuất chinh, đô thành trở lại với quãng thời gian yên tĩnh. Ngày tháng yên bình không có chuyện lớn, nên hôm sau Thiếu Thương định đến biệt viện Hạnh Hoa thăm Hoắc phu nhân, nào ngờ lại gặp anh em Thôi thị.
Thôi Hầu không giỏi ăn nói, song hai đứa con của ông như bị đột biến gen, biết bao ngón trò dỗ Hoắc Quân Hoa vui vẻ, lúc diễn cảnh nông phụ đánh chồng ở quê sinh động như thật, khi lại trèo cây biểu diễn tuyệt kỹ gia truyền ‘én chao liệng’ – nhìn Thôi Đại nhẹ nhàng di chuyển giữa những cành cây, Thiếu Thương vỗ tay hò reo.
A ảo vừa sợ vừa cười, buột miệng nói: “Thôi Hầu gan dạ thật, nếu là nữ quân nhà ta có lẽ đã sợ đến tối tăm trời đất. Hồi công tử còn bé, chớ nói là leo cây, thậm chí nữ quân còn không cho cậu ấy đứng ở chỗ cao."
Thiếu Thương nhớ lại Lăng Bất Nghi cũng từng có tuổi thơ tươi đẹp, trong lòng chợt buồn rầu.
Khi Thôi Đại biểu diễn xong, Thôi Nhị lập tức kể công với tỷ tỷ xinh đẹp: “Có lợi hại không ạ? Lợi hại lắm đúng không, là tổ phụ của đệ chi ra hai ngàn lượng mời hiệp khách đến dạy đấy!"
Thiếu Thương: ...
Đợi Hoắc Quân Hoa nghỉ trưa, Thôi Đại vừa lau mồ hôi vừa hiến kế tồi cho Thiếu Thương: “Thiếu Thương a tỷ nè, đệ có ý này tỷ nghe thử xem... Khụ khụ, được rồi, chủ ý này là tụi đệ cùng nghĩ ra, đệ đừng đẩy huynh nữa, biến..."
Đẩy em trai ra, Thôi Đại nói tiếp: “Thiếu Thương a tỷ, anh em đệ có một chủ ý thế này, tỷ nghe thử nhé. Tỷ xem gia phụ và Hoắc phu nhân không còn ít tuổi nữa, cứ lần lữa như vậy thật đáng tiếc. Bọn đệ đã bàn với nhau rồi, nếu Hoắc phu nhân khỏi bệnh thì tốt quá, còn nếu không khỏi cũng không sao. Cứ xem Hoắc phu nhân là Hoắc tiểu nương tử, bảo phụ thân dốc sức lấy lòng, bọn đệ sẽ phụ họa giúp đỡ, có ngày mài sắt có ngày nên kim, ‘Hoắc tiểu nương tử’ sẽ đồng ý cưới ‘A Viên’ nhà bên!"
Thiếu Thương nghe, cảm thấy cũng có lý: “Tỷ chưa từng nghĩ đến việc này. Hình như... cũng không phải là không thể... Vậy đến lúc đó bọn đệ định làm gì? A Viên nhà bên đâu có con trai?!"
Thôi Đại thốt lên: “Không sao, đệ và a đệ có thể giả làm cháu!"
Thiếu Thương: Ấy...
Thôi Nhị hào hứng nhất: “Nếu phụ thân không phải là phụ thân nữa thì sẽ không thể ép bọn đệ đi học!"
Thôi Đại lườm em trai: “Đừng mơ, thúc phụ vẫn dạy dỗ cháu đấy!"
Nhìn cặp anh em hài hước lém lỉnh pha trò, Thiếu Thương cười tới nỗi đau bụng, một lúc sau, nàng không kìm được hỏi hai đứa vì sao không chê cha ruột ân cần với người phụ nữ khác, lẽ nào chúng không sợ có mẹ ghẻ?
Thôi Đại ngẩn ra, sau đó cười hì hì vô ngại, ra vẻ ông cụ non.
Cu cậu nói: “Thật ra mấy năm trước cũng thường có kẻ hỏi bọn đệ như vậy... Nhưng bọn họ không có ý tốt. Thiếu Thương a tỷ, nói một câu bất hiếu, đệ và a đệ đã không còn nhớ mẫu thân trông như thế nào nữa rồi, từ khi