Tinh Hà Rực Rỡ, May Mắn Thay
Quyển 1 Chương 37
“Mẫu thân nói gì, các tiểu nữ nương đó rơi xuống nước là do Niệu Niệu làm?!"
Tiệc đã tan, khách ra về, Vạn Tùng Bách đang ngà ngà say thì bị Vạn lão phu nhân mời đến. Lúc ấy ông đã bị dọa tỉnh một nửa, còn tưởng mẹ già lại muốn đánh ông, nhưng tới khi Vạn lão phu nhân vẫy lui nô tỳ nói rõ sự việc, nửa say còn lại của ông cũng bay biến.
“Sao có thể có chuyện này!… Con trai nhớ, con gái của Doãn Trị bỗng đau bụng, sợ làm phiền trưởng bối nên Niệu Niệu dẫn Doãn nương tử về trước. Thê Thê còn ghen tị cằn nhằn với con, nói Niệu Niệu tốt với Doãn nương tử hơn là với mình. Nói cách khác, lúc các tiểu nữ nương ấy rơi xuống nước, Niệu Niệu vốn không hề có mặt!"
Vạn lão phu nhân hừ một tiếng: “Niệu Niệu mà có cái đầu của con thì tất nhiên là không thể."
Vạn đại hiếu tử nào dám phản bác, cười hề hề.
Thì ra trong bữa tiệc hôm ấy đã xảy ra một sự cố nhỏ.
Sân sau ở Vạn phủ có lầu các hai tầng rất trang nhã, tên là Sướng Xuân, ban đầu các nhi lang trẻ tuổi đến dự tiệc nói sẽ chơi ném thẻ so tài làm phú ở đó, các tiểu nữ nương hay tin không dám vào, nhưng lại muốn nhìn các lang quân tuấn tú, thế là cùng chen chúc lên cây cầu gỗ đối diện Sướng Xuân, nhón chân nhìn người trong lầu các nơi xa.
Quản sự từng khuyên bọn họ mấy lần là cầu gỗ không vững, không được chen chúc. Nhưng các cô gái ôm nỗi lòng xuân nào chịu nghe lọt, mới chen chúc lên không lâu thì cầu sập. Cũng may cầu không cao, con lạch dưới đáy cũng cạn, các tiểu nữ nương chỉ bị xây xước nhẹ chứ không bị thương nặng, nhưng bùn đất lấm lem khắp người, trông khá bất nhã.
Chỉ có Vương Linh kia, vì bản thân đứng giữa cầu, lại được mọi người xúng quanh nên khi rơi xuống thì nằm dưới cùng, lúc được đưa lên bờ cũng rất thảm hại, chưa nói đến việc biến thành tượng đất, mà trong miệng trong mũi đều bị lẫn cỏ lá thối rữa.
Chuyện này được truyền đến bàn tiệc, đến người đồng lứa phụ thân cũng nhìn nhau cười.
Đợi khi thăm dò mới hay, các phụ thân không có con gái trong số đó không khỏi đắc chí, khoác lác con gái nhà mình yên phận ngoan ngoãn; còn những phụ thân có con gái trong số đó thì hoặc tự giễu hoặc cười khan, hoặc lắc đầu nói ‘nam nữ trẻ tuổi thật là’, còn có người cáo lỗi với Vạn Tùng Bách, đề nghị muốn bồi thường cầu gỗ.
Vì say nên Vạn Tùng Bách đi đầu khoa trương hồi trẻ mình anh tuấn thế nào, số tiểu nữ nương nhìn trộm ông suýt giẫm nát cửa Vạn phủ, còn rầm rộ hơn hôm nay nhiều. Thế rồi các a thúc a bá say khướt cũng rối rít rướn cổ, tranh nhau khoe phong thái tuấn tú hồi trẻ của mình.
Người này nói nhà ông chưa bao giờ cần săn thú, vì nhạn bay qua sẽ tự rơi xuống trước cửa nhà; người kia thì bảo nhà ông chưa bao giờ cần bắt cá, vì cá trong hồ sẽ tự chìm xuống đợi ông đi vớt.
Người này nói ngày mình thành hôn, quá nửa nữ nương trong huyện khóc ngất, số còn lại không hôn mê thì cũng muốn chen vào động phòng với ông. Người kia thì bảo thuở trẻ toàn bộ nữ nương trong thôn đều nhất quyết không phải mình thì không lấy chồng, có người uy hiếp muốn nhảy sông tuyệt thực, ông chỉ đi cắt cỏ heo thôi mà cũng diễm ngộ ba bốn lần, không ở lại nổi trong thôn nữa nên mới nhập ngũ phò tá.
Trong số đó có Hàn đại tướng quân là khoác lác khác biệt nhất.
Nói rằng hồi trẻ ông quá bảnh bao tài giỏi, khiến hai tộc lão trong thôn hẹn nhau dẫn con em ẩu đả chỉ vì tranh ông làm rể, đánh tới nỗi máu thịt tung tóe, thê thảm cực kỳ, có thể sánh với đại chiến hai quân. Vì bảo toàn tính mạng của hương thân phụ lão, ông nén đau rời nhà đi xa – khoa trương thế này cũng quá rồi, Hàn đại tướng quân bị mọi người cười ầm, lôi kéo rót rượu!
Trong bữa tiệc lần này, Vạn Thê Thê đối đáp rất khôn khéo, được toàn thể các phu nhân khen ngợi.
Nàng không những chỉ huy người hầu rửa mặt chải đầu và trị thương cho các nữ nương đâu ra đấy, còn nhanh chóng lấy ra mười mấy bộ váy và trang sức mới mà a tỷ để lại cho mình, đưa cho các cô gái thay.
Đồng thời nàng còn khẩn khoản yêu cầu các tỷ muội không bị sập cầu đừng nhắc lại chuyện xấu hổ này nữa, kế đó thong thả mời nhóm Vương Linh tiếp tục dự tiệc, coi như không xảy ra chuyện gì.
Vạn phu nhân nghe lời khen đầy cả hai tai, tuy không thể hiện ra mặt song trong lòng rất kiêu ngạo sung sướng, thế là uống thêm mấy cốc, suýt say bất tỉnh nhân sự.
“…. Chuyện rơi xuống cầu cũng không nên trách chúng con." Vạn Tùng Bách lắc đầu, “Không đúng, mọi người không thể trách được. Quản sự đã nói y cố ý treo các tấm gỗ ở đầu và cuối cầu, viết rõ ràng là cầu yếu dễ sập, nhưng tụi nhỏ vẫn đòi lên cho bằng được, con hết cách rồi!"
Vạn lão phu nhân hừ một tiếng: “Lẽ nào là con bảo quản sự dựng mấy tấm bảng gỗ đó?"
Vạn Tùng Bách ngẩn ra, nói: “Thế không phải là mẫu thân bảo quản sự dựng à?"
Thấy mẹ già nhìn mình như nhìn bản mặt nào ngớ ngẩn, ông tự biết mình hỏi thừa, đoạn cười khan: “Mẫu thân cứ nói đi, con trai ngu dốt, nào đoán được."
Vạn lão phu nhân nói: “Ta nói với con ba chuyện. Chuyện đầu tiên, trước khi Niệu Niệu về nhà, Trương quản sự chăm hoa từng nói với ta là nữ công tử Trình gia rất thích cây cầu gỗ đó, thường thấy con bé rảnh rỗi là lại chạy ra xem xét cây cầu."
Tuy bà tuổi đã cao, mắt cũng gần như mù, nhưng nhiều năm qua trấn giữ phủ đệ ở đô thành, một tay sắp xếp mọi việc lớn nhỏ, do đó vẫn giữ thói quen nghe quản sự báo cáo công việc trong phủ.
Vạn Tùng Bách nghĩ hoài không ra: “Thế thì có sao ạ?"
Vạn lão phu nhân nói tiếp: “Chuyện thứ hai, Lý quản sự lo việc ăn uống nói, Niệu Niệu đề nghị ông ấy bày tiệc ném thẻ đấu phú ở Sướng Xuân các chứ không phải là Thiên viện như dự tính, như thế mới càng phong nhã độc đáo."
“Chuyện thứ ba, Vương quản sự ở nội viện nói, Niệu Niệu nói cây cầu kia không ổn, lỡ có nữ nương nào không biết chuyện bị té ngã thì không hay, nên mới bảo ông ấy dựng bảng gỗ cảnh cáo ở đầu và cuối cầu."
Cuối cùng Vạn Tùng Bách cũng đã hiểu ý mẹ già – Thiếu Thương ở Vạn gia nhiều ngày, từ mẹ già cho đến Thê Thê đều rất coi trọng cô bé, nên các quản sự cũng tự nhiên nghe theo ý kiến của Thiếu Thương. Nhưng ông vẫn không tin: “Có lẽ chỉ là trùng hợp chăng? Dù cây cầu đó dễ sập, nhưng quản sự từng nói với con chưa tàn đến mức không chịu nổi tải trọng. Sao Niệu Niệu biết được cầu gỗ sẽ sập lúc nào?"
Vạn lão phu nhân nói: “Mấy đứa không biết, thật ra cây cầu gỗ đó có một manh mối, nó được dựng bởi Công Thâu Ban đại phu để tương trợ quốc vương nước Sở, tên chính thức là ‘cầu Điệp Cốt’, bây giờ rất ít người biết. Thoạt nhìn là cây cầu nhỏ nhẹ nhàng vững chãi, nhưng chỉ cần rút ra vài khúc gỗ trong đó, đợi tới khi có người dẫm lên, cả cây cầu sẽ lập tức sập ngay."
“Đây quả là một cách hay. Đợi sau khi các phe qua sông thì rút đi mấy khúc gỗ, như thế có thể khiến truy binh đằng sau rơi xuống nước…" Vẻ mặt Vạn Tùng Bách dần trở nên nghiêm túc, “Ý mẫu thân là Niệu Niệu đã tìm ra điều kỳ diệu trong đó, rồi nhân cơ hội bày trận dụ các tiểu nữ nương vào?"
Vạn lão phu nhân gật đầu, nói: “Nếu như thế, dù con bé có đến hay không, có mặt hay không thì kế sách vẫn hữu hiệu."
Vạn Tùng Bách hít hơi lạnh, một lúc lâu sau mới nói: “Xem ra Trình hiền đệ bị Tiêu thị quản chặt cũng không hẳn là bất lợi, cưới một người vợ thông minh cũng tốt! Cái đầu óc này của Niệu Niệu ấy, chậc chậc chậc…"
Vạn lão phu nhân lại nói: “Nếu con cưới cô vợ nào như Nguyên Y, khéo sau khi cưới một năm đã bị đánh vỡ đầu cho đi gặp phụ thân con rồi. Ừm, nếu đã như vậy, ta cũng có thể nhân đó tái giá."
Hai mẹ con nhìn nhau, mắt mờ nhìn mắt chuông đồng, một lúc sau thì cùng bật cười.
Vạn Tùng Bách lau nước mắt, mở miệng nói: “Con trai còn tưởng mẫu thân giận Niệu Niệu, đang nghĩ xem nên nói hộ cho Niệu Niệu thế nào, để mẫu thân chớ trách con bé."
Vạn lão phu nhân cười lắc đầu: “Hôm nay nương tử Vương gia cũng quá đáng, ức hiếp Niệu Niệu, con bé làm thế cũng dễ hiểu. Nếu là ta hồi trẻ thì dễ còn làm dữ hơn nữa."
Vạn Tùng Bách cười nói: “Mẫu thân không trách Niệu Niệu giăng kế ở nhà chúng ta là tốt rồi, cô bé ấy đáng thương lắm. Mỗi lần hiền đệ của con nhắc đến con bé là vừa hổ thẹn vừa thương xót."
“Có gì lạ?" Vạn lão phu nhân nói, “Nếu con bé vô tình thì đã không cần bảo quản sự dựng hai tấm bảng kia. Chẳng phải là muốn gạt Vạn gia ra sao. Trước thì khuyên nhủ, sau có bảng gỗ cảnh cáo, dù thế nào đi nữa cũng không thể trách được nhà chúng ta. Huống hồ, ta thấy tính nết con bé cũng gan dạ. Ta đoán, nếu không phải Doãn nương tử đau bụng thì có lẽ nó sẽ ở lại, đợi chuyện này qua sẽ tự đến báo lại với chúng ta, sau đó xin lỗi nhận tội."
Vạn Tùng Bách gật gù: “Đúng thế đúng thế! Thê Thê có nói với con, Niệu Niệu làm việc chưa bao giờ che giấu, dù dùng ám chiêu cũng rất đường hoàng, rất sướng." Còn về phần con gái đã đúc kết được kết luận đó như thế nào thì ông không biết.
“Đúng vậy, con bé ấy không giống người khác." Vạn lão phu nhân nói một cách sâu xa, “Nếu thuở trẻ ta mà gặp được tỷ muội như thế, hẳn cũng sẽ thích lắm."
Vạn Tùng Bách thầm nghĩ, mẫu thân cần gì gặp tiểu nữ nương như vậy nữa, chính mẫu thân là tiểu nữ nương như vậy rồi còn gì! Năm ấy ai mà chọc gì mẫu thân, chẳng cần đợi qua đêm, ngay trong ngày mẫu thân đã báo thù hết, thậm chí còn tính lời lãi theo canh giờ!
Nhưng nghe câu ấy, cuối cùng ông cũng thở phào, nào ngờ Vạn lão phu nhân lại nói: “Lúc nãy ta có viết một phong thư, báo chuyện này cho vợ chồng Nguyên Y biết rồi."
“Cái gì!" Vạn Tùng Bách sợ tới mức suýt đau sườn, “Mẫu thân, không phải… không phải mẫu thân không trách Niệu Niệu sao…!"
“Không cần phải to tiếng, ta chỉ mù chứ không điếc!" Vạn lão phu nhân chẳng buồn động nếp nhăn, “Ta không trách Niệu Niệu, nhưng cũng không thể giấu giếm cho con bé. Con bé có cha mẹ anh em, chuyện này thế nào phải do Trình gia quyết định."
“Nhưng, nhưng nếu để Tiêu thị biết được chuyện này, nhà hiền đệ lại ầm ĩ mất…"
Vạn lão phu nhân nói: “Ầm ĩ thì cứ ầm ĩ đi, coi như nhổ cỏ tận gốc. Cũng nên để Nguyên Y biết rốt cuộc con gái nó là người như thế nào!"
Vạn Tùng Bách há mồm cứng lưỡi: “Mẫu thân…?"
Vạn lão phu nhân im lặng, đoạn nói: “Hai nhà qua lại đã mấy chục năm, thân quyến đồng tộc cũng không thân thiết bằng chúng ta. Ta thấy Nguyên Y tuy thông minh hơn người, thạo đời tháo vát, không có gì không ổn, chỉ là có hai điều, một là quá tự phụ, hai là tự cho là đúng, dù sai cũng không nhận."
“Chính xác!" Nhắc đến khuyết điểm của Tiêu phu nhân, Vạn Tùng Bách lập tức tỉnh táo, hận không thể nói ba ngày ba đêm, “Người phụ nữ Tiêu thị này…"
“Con im miệng, không đến lượt con nghị luận thiếu sót của Nguyên Y." Vạn lão phu nhân vỗ bàn trách, Vạn Tùng Bách lập tức ngậm miệng.
“Nguyên Y dạy các con trai rất tốt, con dâu nói cho ta biết, hồi ở bên ngoài, con cháu nhà bình thường rất hay lông bông, uống rượu chơi gà chọi, chỉ có các nhi lang Trình gia là vừa tiến bộ vừa biết giữ mình. Các phu nhân bình thường qua lại cũng khen không ngớt lời. Nguyên Y sắp xếp cho các con trai, bất kể là bái sư học hành hay luyện võ, không chuyện nào là tụi A Vịnh không theo. Sau khi về đô thành, đương nhiên Nguyên Y cũng sẽ làm chủ cho Niệu Niệu, nào ngờ lại đâm vào ngõ cụt! Ừm, mấy ngày nay mẹ con nó cãi nhau mấy trận, cãi thế nào, còn là do con trai ta kể hết ngọn nguồn cho ta nghe."
Vạn Tùng Bách biết mẹ già đang châm chọc mình, ông càng ngậm chặt miệng hơn.
“Trước khi về đô thành Nguyên Y đã quyết định đuổi Cát thị, nhưng lại cảm thấy có lỗi với Cát thái công và nữ quân Cát gia, nên dù Cát gia không cần Trình gia tương trợ, nó vẫn dồn hết tình nghĩa mà chỉ dạy cho Trình Ương đấy còn gì? Nguyên Y tự cho rằng mình đã chu toàn ân nghĩa, công chính liêm minh, chồng và các con cũng nên rõ mới phải, nhưng cãi tới cãi lui lại là cả nhà không thừa nhận nó. Nguyên Y cũng không nghĩ xem rốt cuộc là do đâu, chỉ biết một mặt đàn áp, hai mẹ con như băng cứng gặp đục sắt, không cãi nhau mới là lạ."
Vạn Tùng Bách rất đồng ý với mẹ già, nhưng lại sợ Trình Thủy khó xử nên nói: “Nhưng mẫu thân à, cứ thế thì Niệu Niệu sẽ bị phạt mất!"
Vạn lão phu nhân nhẹ nhàng nói: “Người trên đời này, nếu không dám làm dám chịu thì nên biết điều mà dừng chiến tranh, ngoan ngoãn sống qua ngày. Nếu Niệu Niệu đã làm thì phải chịu rủi ro khi bị nhìn thấu, không lẽ chỉ ăn thịt mà không bị đánh. Cứ từ từ mà đi, trải qua từng ải một khắc tự biết mình nên đi đường nào."
Vạn Tùng Bách ngạc nhiên nhìn gương mặt bị tàn phế của mẹ già – không lẽ mẫu thân đang nói nhà mình? Chính vì hồi phụ thân còn sống bà không chịu cúi đầu khom lưng, chuốc oán quá nhiều ở trong huyện, nên khi phụ thân vừa qua đời thì mẹ con ông mới thọ địch bốn bề.
***
Mẹ con Vạn thị đoán không sai, Trình gia lại sắp một hồi “gà bay chó chạy".
Sau khi biết được tin tức, Trình Thủy và Tiêu phu nhân luôn trong trạng thái im lặng, hai vợ chồng đối mặt nhìn nhau khoảng nửa canh giờ. Tiêu phu nhân vốn định nói ‘bị ta đoán đúng rồi đấy, nó lại gây ra đại họa nữa’, lấy đó làm đắc ý với chồng vì mình “sáng suốt". Nhưng không rõ vì sao mà lời nói cứ kẹt trong họng, làm cách gì cũng không thể thốt nên lời.
Say đó, Trình Thủy im lặng đứng dậy, ra ngoài dặn dò một hồi, lại gọi Thanh Thung mời vợ chồng Trình Chỉ đến, nói rõ chuyện sập cầu rơi xuống nước. Trình Chỉ và Tang thị hết hồn, trố mắt nhìn nhau, hai vợ chồng cùng đọc được ý của đối phương từ trong ánh mắt.
Trình Chỉ nhắm mắt: “Kỳ thật chuyện này cũng không để lại hậu quả quá xấu, các tiểu nữ nương chỉ nhếch nhác chút mà thôi, đệ thấy người lớn cũng không để bụng." Nửa sau buổi tiệc ngày hôm nay gần như là tiệc khoác lác, mọi người càng kể càng khoác lác. Thân là thiếu niên bảnh bao hàng thiệt năm ấy, Trình Chỉ chỉ biết thở dài trước cái sự mặt dày của chư vị đại nhân.
Tang thị cũng nói: “Hồi nhỏ thiếp đã đọc qua mấy câu ‘Ban công tạo cầu Điệp Cốt giúp quân Sở’, nhưng rốt cuộc cây cầu kia ra sao thì chưa được chứng kiến. Cũng chỉ có Vạn lão phu nhân kiến thức rộng rãi tâm tư kỹ càng, chứ các tiểu nữ nương nào có hay!"
Trình Chỉ thấp giọng, nói: “Kể ra thì Vương Thuần cũng không phải người tốt đẹp gì, nếu không vì ông ta, việc gì huynh trưởng Vạn gia phải giả vờ bị thương ở chân trong cuộc chiến Nghi Dương! Nay con gái ông ta lại công khai làm nhục Niệu Niệu như thế, chắc chắn là cố ý!"
Tang thị tiếp lời: “Chuyện này Niệu Niệu giải quyết không chút sơ hở. Người ngoài có nghe qua ‘cầu Điệp Cốt’ thì cũng chưa chắc đã liên hệ đến chuyện này, nhìn thế nào cũng là tụi nó tự làm tự chịu. Huynh trưởng với tẩu tẩu yên tâm! Để đấy chúng ta thành tâm xin lỗi Vạn gia, vì Thiếu Thương lỗ mãng mà suýt liên lụy đến nhà họ."
Hai vợ chồng ta một lời nàng một lời, câu nào câu nấy đều thoái thác thay Thiếu Thương. Tiêu phu nhân cũng chẳng phải ngốc, làm gì nghe không hiểu, nhưng bà không nói gì, chỉ đưa mắt nhìn chồng.
Trình Thủy thở dài, nói: “Chuyện này không thể cứ bỏ qua như vậy được, giờ ta muốn phạt con bé. Phải phạt nặng!"
Tang thị vội la lên: “Huynh trưởng…"
Trình Thủy giơ tay ngăn lại lời bà, gằn từng tiếng: “Muội thương Niệu Niệu, quan tâm dạy dỗ con bé, muội không biết ta cảm kích thế nào đâu."
Hốc mắt Tang thị ươn ướt, cúi đầu nói: “Huynh trưởng chớ như vậy, chỉ là muội thấy ăn ý với Niệu Niệu thôi."
Trình Chỉ nhìn lướt qua Tiêu phu nhân, thấy bà vẫn im lặng ngồi yên.
“Ta biết Niệu Niệu đã phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng ta vẫn muốn phạt con bé." Trình Thủy nghiêm túc nói, “Cũng may hôm nay chỉ bị Vạn lão phu nhân nhìn ra, hai nhà Vạn Trình lại thân thiết, nhưng nếu để người ngoài biết được thì sao!"
Ông quay sang nói với vợ, “Mình từng nói với ta Niệu Niệu ‘Khôn ngoan đủ đẩy đưa khuyên nhủ, ngôn từ đủ che đậy lỗi lầm’, nay xem ra đã đúng phân nửa. Không phải con bé không biết hành động của mình là sai, nhưng dù sai thì nó vẫn cứ làm. Vì nó ỷ mình thông minh, không sợ trời không sợ đất, gì cũng lừa được! Nếu cứ như vậy tất sẽ gây nên đại họa!"
Nghe câu này, Tang thị cũng im lặng.
Trình Thủy nói tiếp: “Gây họa sợ điều gì, hồi ta bằng tuổi Thiếu Thương, cũng không ôn lương cung kiệm gì cả Nhưng ta vạn bất đắc dĩ mới tung hiểm chiêu, còn nó thì hay lắm, chỉ đơn giản là để hả giận. Hôm nay ta phải mài giũa lại cái tính quá trớn đó của nó!"
“… Mình muốn làm gì?" Cuối cùng Tiêu phu nhân cũng lên tiếng.
Trình Thủy không đáp, cao giọng gọi Trình Thuận, Trình Thuận đứng ngoài phòng chờ hầu lập tức dẫn một lão tốt mặt sẹo tóc muối tiêu, quần áo gọn gàng đi vào, bà giơ cao hình trượng rất dài trong tay.
Trình Chỉ và Tang thị không biết người này, nhưng Tiêu phu nhân thì có, bà ngạc