Tiểu Thư Hầu Phủ
Chương 31 Ăn cơm
Bởi vì Trình Phác Du từ nhỏ đã mập mạp. Cho nên, từ lúc cậu gọi Vương Tự Bảo là Vương Tiểu Bát thì cô bé bèn đặt cho cậu biệt danh "Tiểu Phì Ngư".
Sao nào? Không chịu à? Chỉ cho phép ngươi gọi ta là Vương Tiểu Bát mà không cho ta gọi ngươi là Tiểu Phì Ngư?
Nhìn thấy Trình Phác Du trợn trừng hai mắt, dáng vẻ như muốn ăn thịt người, Vương Tự Bảo dứt khoát trừng mắt lại.
Đợi đến khi hai mắt đều cay xè, hai người liền làm cùng một hành động đó chính là liều mạng dụi mắt.
"Hừ, Vương Tiểu Bát. Đây không phải là trong cung, về sau tốt hơn hết ngươi đừng chọc vào ta, nếu không ngươi sẽ không được yên đâu!" Tiểu Phì Ngư vừa nói vừa giơ tay phải siết thành nắm đấm mà uy hiếp.
Vương Tự Bảo cũng không không tỏ ra yếu đuối mà còn công kích: "Vậy hôm nay là ai chạy đến cửa Thiện Đường chặn đường ta? Xê ra, cái tên mập này, ngươi đang đứng chặn cửa đó biết không?" Nói xong thì cô bé xoay người kéo Trịnh Tương Quân đi vào trong Thiện Đường.
Lúc đi ngang qua Trình Phác Du, Vương Tự Bảo còn chán ghét huých khuỷu tay về phía Trình Phác Du.
"Tránh ra."
"Hừ! Ta không cho ngươi đi đó!" Thấy Vương Tự Bảo rời đi, tên nhóc này còn không quên khua môi múa mép.
Vương Tự Bảo nghe được lời này cũng không tức giận, quay đầu lại nhìn Trình Phác Du thị uy: "Cho dù ta không đi thì ngươi có thể làm được gì? Đừng có quên cho dù đây không phải là hoàng cung nhưng Tam ca, các đường ca, còn có hai biểu điệt nhi của ta đều học trong Học viện Hoàng gia, như vậy ngươi còn dám lớn tiếng với ta không? Nói ngươi đầu óc bã đậu đã là khen ngươi rồi."
Nhà ngươi chỉ có mỗi một lão ca, còn dám lớn tiếng với ta, không tính biểu ca thì ta còn có 7 ca ca bảo vệ? Ngươi ăn gan hùm rồi phải không?
Phải nói là bình thường Vương Tự Bảo rất hiếm khi tranh cãi với người khác nhưng bao nhiêu năm nay, chỉ có duy nhất tên này khiến cho Vương Tự Bảo phải cãi nhau, phải băm vằm cậu ra.
Nói về ân oán giữa Vương Tự Bảo và Trình Phác Du thì cần phải bắt đầu từ ân oán giữa mẫu thân của Trình Phác Du - Ninh Hòa Trưởng Công chúa và mẫu thân của Vương Tự Bảo - Tưởng thị.
Nói thẳng ra, đây thật ra chỉ là một bộ phim ngôn tình khá cẩu huyết* mà thôi.
(*) Cẩu huyết: Chỉ những truyện, những tình huống lặp đi lặp lại nhàm chán, không có gì mới mẻ.
Nam chính không phải ai khác mà chính là người phụ thân anh tuấn giống như tiên giáng trần của Vương Tự Bảo.
Tướng mạo hiện giờ của Vương Tử Nghĩa đã vô cùng tuấn tú như vậy, giống như thần tiên trong tranh vẽ. Huống chi là năm đó?
Cũng chính vì như vậy, Ninh Hòa Trưởng Công chúa Hạ Uyển Dao lần đầu tiên gặp Vương Tử Nghĩa thì đã thề với lòng nhất định sẽ gả cho người này. Không biết làm sao Vương Tử Nghĩa không cảm kích thì thôi, mà còn che giấu tài năng thật sự của mình, ngụy trang bản thân thành một tên vô tích sự, chỉ được mỗi cái mã bên ngoài.
Trong lúc Vương Tử Nghĩa học ở Học viện Hoàng gia, dường như lần nào cũng đều ở mức gần suýt soát được thăng lên cấp tiếp theo. Người khác đều đã thi đậu Quốc Tử Giám còn ông "vinh quang" mà thi rớt.
Ninh Hòa Trưởng Công chúa có thân phận cao quý, bà là đích nữ duy nhất của Tiên đế cũng chính là người con gái duy nhất mà Tiên Hoàng hậu sinh ra, là muội muội ruột của Phế Thái tử.
Năm đó, để tăng thêm lực lượng hỗ trợ cho Phế Thái tử, Tiên Hoàng hậu làm sao có thể để nữ nhi của mình gả cho một người bất tài như Vương Tử Nghĩa. Cho nên, bèn quyết định gả Ninh Hòa Trưởng Công chúa cho Trình Khang Thành, lúc đó vẫn còn là Thế tử Cẩm Nhương Hầu và ưu tú hơn Vương Tử Nghĩa về mọi mặt.
Để ngăn không cho bên Cẩm Nhương Hầu từ chối mối hôn sự này, Tiên đế đã bảo Ninh Hòa Trưởng Công chúa vào ở Cẩm Nhương Hầu phủ, vả lại cũng không xây phủ riêng cho Công chúa nữa.
Làm như thế cũng bởi vì từ trước tới nay chưa có người nào đang yên đang lành làm một Thế tử gia lại muốn ở rể, làm một Phò mã gia vô dụng. Vậy nên Tiên đế đã cho Cẩm Nhương Hầu phủ một ân điển lớn như vậy.
Về sau, Phế Thái tử vướng vào vụ vu thuật bị phế truất ngôi vị Thái tử, giáng thành thứ nhân đuổi khỏi Ung Đô. Cẩm Nhương Hầu phủ ít nhiều cũng bị liên lụy do thân phận của Trưởng Công chúa.
Nhưng nói gì thì nói, Ninh Hòa Trưởng Công chúa cũng là đích nữ duy nhất của Tiên đế. Hơn nữa sau này khi các Hoàng tử tranh giành ngôi vị đích tử, Ninh Hòa Trưởng Công chúa và Cẩm Nhương Hầu phủ đã lựa chọn phòng thân không tham gia vào, từ đó giúp bà và Cẩm Nhương Hầu phủ đã tránh được một kiếp nạn.
Quay về mối thù ghét giữa Tưởng thị và Trưởng Công chúa. Chuyện đó còn không phải do đạo lý "thứ vĩnh viễn không có được chính là thứ tốt nhất" sao?
Mặc dù mọi mặt của Trình Khang Thành đều xuất sắc hơn người khác nhưng người mà Trưởng Công chúa luôn luôn mong nhớ là Vương Tử Nghĩa.
Đợi đến khi Vương Tử Nghĩa lấy Tưởng thị làm vợ thì tự nhiên Ninh Hòa Trưởng Công chúa bắt đầu hâm mộ, đố kị, phẫn hận Tưởng thị. Dần dần, bà không ít lần soi mói, chế giễu Tưởng thị trong rất nhiều dịp.
Dẫu sao thì Tưởng gia năm đó chỉ mới là Tam phẩm Bá phủ mà thôi.
Lúc đó hoàn toàn chỉ có mỗi mình Ninh Hòa Trưởng Công chúa tranh đấu. Tưởng thị chỉ có thể lựa chọn tránh né, thậm chí im lặng chịu đựng.
Cho đến khi đương kim Thánh thượng tức biểu huynh của Tưởng thị lên ngôi, cô mẫu của Tưởng thị trở thành Thái hậu, nhà ngoại của Tưởng thị một bước trở thành Quốc Công phủ, thân phận của Tưởng thị cũng tự nhiên được nâng lên.
Lúc này, mặc dù thân phận của Tưởng thị vẫn không cao quý bằng Trưởng Công chúa Ninh Hòa nhưng bà cũng không còn là người mà Ninh Hòa Trưởng Công chúa có thể tùy tiện gây khó dễ.
Dẫu sao thì so sánh về chỗ dựa, phụ thân, mẫu thân là Hoàng đế và Hoàng hậu của Ninh Hòa Trưởng Công chúa đều đã không còn, còn chỗ dựa của Tưởng thị thì hiện tại có địa vị cao nhất.
Cứ như vậy, tuy rằng Ninh Hòa Trưởng Công chúa càng nhìn Tưởng thị càng không vừa mắt nhưng chỉ có thể âm thầm kìm nén, còn suýt kìm nén đến nội thương.
Tưởng thị coi như là cũng có thể thoải mái, sung sướng hơn.
Cũng chính bởi vì mối thù ghét giữa mẫu thân hai bên mà dẫn tới Trình Phác Du cũng không vừa mắt Vương Tự Bảo, luôn nghĩ cách bắt nạt Vương Tự Bảo.
Mặc dù Vương Tự Bảo không thèm hơn thua với tiểu tử này nhưng vì Tưởng thị là người thân nhất của cô bé, cô bé không thể không đứng lên đè bẹp đối thủ bằng sự thông minh trong đấu trí. Còn về đấu võ thì chỉ cần Vương Tự Bảo có một cơ hội, cô bé sẽ khiến đứa trẻ nghịch ngợm này phải hối hận vì lúc đầu đã được sinh ra.
Không quan tâm đến Trình Phác Du đang nghiến răng nghiến lợi ở phía sau, Vương Tự Bảo và Trịnh Tương Quân bắt đầu đi quanh Thiện Đường.
Thiện Đường rộng khoảng 300, 400 mét vuông, bên trong bài trí những dãy bàn ghế dài. Trong cùng có những ô cửa sổ mở ra bên ngoài để có thể mua cơm. Cách bài trí rất giống với căn tin thời hiện đại.
"Bảo Muội, đồ ăn của ô cửa sổ bên tay phải là rẻ nhất, mỗi tháng chỉ cần tốn 2 lượng bạc. Nhưng mà mỗi bữa ăn chỉ có hai món một mặn một chay, hơn nữa đồ ăn ở đó khó ăn lắm. Tin ta đi, thật sự rất khó nuốt đó." Lúc đi vào Thiện Đường thì đổi thành Trịnh Tương Quân đi trước kéo theo Vương Tự Bảo. Cô bé vừa đi vào trong vừa giới thiệu cho Vương Tự Bảo.
"Ô cửa sổ chính giữa mỗi tháng tốn 5 lượng bạc, mỗi bữa ăn sẽ có 2 món mặn 2 món chay. Còn mùi vị thì chỉ tạm ổn thôi."
"Ô cửa sổ bên trái cũng không khác mấy so với những tửu lâu bình thường chúng ta hay đi, mùi vị món ăn cũng khá giống ở đó, dẫu sao thì ở đây cũng là những đầu bếp trứ danh được thuê đích thân làm. Chỉ có điều đồ ăn ở đây khá đắt, thậm chí còn đắt hơn những tửu lâu lớn ngoài kia một chút. Sau khi gọi món chúng ta có thể trả ngân lượng ngay tại chỗ, cũng có thể ghi nợ, đến cuối tháng thì trả hết một lượt. Đồ ăn ở hai ô cửa sổ kia thì đã được làm xong trước rồi, chỉ cần đến đó trực tiếp lấy đi là được. Còn ở đây thì cần phải đợi thêm một lát."
Trịnh Tương Quân dẫn Vương Tự Bảo đến thẳng ô cửa sổ bên trái. Cô bé gọi món chân giò kho mà mình yêu thích nhất và một bát cơm trắng, Vương Tự Bảo thì gọi một phần rau xào.
Vương Tự Bảo và Trịnh Tương Quân vừa mới ngồi xuống, Hương Vu đã đem hộp cơm qua. Sau khi hành lễ với chủ tử của mình, Hương Vu bày lên bàn lần lượt từng món Vương Tự Bảo đem theo.
Ở đây có món thịt viên sốt tương, sườn heo om và cá sốt chua ngọt mà Vương Tự Bảo thích nhất, còn có thêm gạo ngự* Đạo Hương mà bình thường cô bé hay ăn.
(*) Gạo ngự: Trong xã hội phong kiến cổ đại Trung Quốc, gạo ngự là loại gạo được lựa chọn cẩn thận từ những hạt gạo chất lượng cao của địa phương rồi mới đem cống nạp cho Hoàng đế sử dụng.
Gạo ngự Đạo Hương này có từ đất phong Tương Nam của Vương Tự Bảo. Hơn nữa, gạo ngự sản xuất ra mỗi năm vô cùng ít ỏi. Đợi sau khi được cống nạp vào trong cung thì cũng chỉ có Tưởng Thái hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu và một vài vị phi tần có thứ bậc cao mới có thể dùng.
Vương Tự Bảo đã có thể hưởng ba phần thuế quan đất phong của mình thì tự nhiên cô bé cũng có thể hưởng một, hai phần đặc sản nơi đó. Vì vậy, mỗi năm trong cung đều sẽ đặc biệt cấp cho Vương Tự Bảo một phần trong số gạo ngự này cho cô bé dùng.
Vương Tự Bảo còn nhỏ đương nhiên không thể ăn được hết nhiều gạo như vậy. Nhưng mà cả phủ trên dưới cũng không thể mỗi bữa đều ăn cùng cô bé.
Dẫu sao thì các quý nhân trong cung còn có rất nhiều thứ không thể bữa nào cũng ăn, cả một Hầu phủ bọn họ làm sao có thể vượt qua được một đám quý nhân này. Vì vậy, lấy danh nghĩa Vương Tự Bảo hiếu thuận với trưởng bối nhà mình, chỉ Vương lão Hầu gia, Hầu phu nhân Lý thị và vợ chồng Vương Tử Nghĩa mới có thể bữa nào cũng được ăn, còn những người khác chỉ có thể thỉnh thoảng.
Ăn loại gạo ngự này quen rồi, sau đó ăn loại gạo khác quả thật không có mùi vị gì. Vì vậy, hồi nãy Vương Tự Bảo mới không gọi cơm ở đây.
Cô bé chia hơn một nửa cơm cho Trịnh Tương Quân, còn bản thân chỉ ăn một bát nhỏ.
Còn chưa ăn thì Trịnh Tương Quân đã bị hấp dẫn bởi mùi thơm của loại gạo này.
"Đây không phải là gạo ngự Đạo Hương à? Nói ra thì năm ngoái ta đã từng ăn một lần hồi vào cung rồi. Một thời gian rất dài sau đó, lúc ăn loại gạo của điền trang trong phủ thì đều cảm thấy không có mùi vị gì. Muội nói xem, lần này sau khi ăn xong, có phải cũng rất lâu sau đó ta vẫn sẽ cảm thấy cơm trong phủ rất khó nuốt không?" Trịnh Tương Quân vừa chọc đũa vào trong bát cơm vừa do dự.
Ăn và không ăn cũng là một vấn đề.
Đã từng có một phần cơm quý giá bày trước mặt, nếu cô bé ăn vậy thì một thời gian rất dài sau này sẽ cảm thấy những loại cơm khác không nuốt nổi. Nhưng nếu không ăn thì quả thật có lỗi với bụng của mình, càng có lỗi với những hạt gạo ngự có giá trị ngang vàng kia.
Cho nên Trịnh Tương Quân không chút do dự lựa chọn ăn, hơn nữa còn phải ăn thật chậm để thưởng thức.
Bữa cơm hôm nay còn có những món ăn đặc sắc của Hòa Thuận Hầu phủ mà Vương Tự Bảo đã bảo trù nương nghiên cứu làm ra: thịt viên sốt tương, sườn heo om, còn có cá tươi sốt chua ngọt, Trịnh Tương Quân nhanh chóng chén sạch một bát cơm.
Trịnh Tương Quân nhìn vào cái bát trống trơn trong tay rồi nhìn sang cái bát vẫn còn một nửa của Vương Tự Bảo mà thở dài.
Ai da, nếu mà có thêm nhiều cơm làm từ loại gạo ngự này thì hay rồi.
Đợi đến khi món chân giò kho được dọn lên, Trịnh Tương Quân cầm bát cơm mà mình đã gọi bắt đầu tiếp tục chiến đấu.
Điều này cũng đã thể hiện rõ bản tính ăn hàng của cô bé. Cả một cái chân giò mà cô bé đã ăn hơn được một nửa.
Nhưng mà nói thật lòng thì Vương Tự Bảo cũng cảm thấy món chân giò kho này làm cũng tạm ổn.
Những tiểu thư khuê các như bọn họ, từ nhỏ đều được giáo dục lễ nghĩa rất tốt, nhất là về mặt ăn uống. Vì vậy, cho dù Trịnh Tương Quân có ăn nhiều chăng nữa thì dáng ăn của cô bé cũng không hề khó coi chút nào.
Cộng thêm mấy món mà Vương Tự Bảo mang theo, cuối cùng Trịnh Tương Quân ăn tới no căng bụng.
Mặc dù Vương Tự Bảo mỗi bữa cũng ăn không ít nhưng từ trước tới giờ cô bé đều không ăn uống quá đà. Cho dù là món bản thân thích nhất cũng chỉ ăn vừa phải. Nhất là đồ ăn ở ngoài Hầu phủ, cô bé lại càng ăn uống cẩn thận hơn, mỗi một món nhiều nhất chỉ ăn một, hai miếng, tuyệt đối sẽ không ăn hơn miếng thứ ba.
Đây cũng là một loại thói quen tự bảo vệ mình mà người nhà bọn họ hình thành nên. Dẫu sao thì nếu có người hạ độc thì họ cũng không thể hạ độc tất cả các món. Ngoài ra, quanh năm cô bé đều ăn những món ăn tinh tế trong phủ, đồ ăn ở bên ngoài đương nhiên cũng không khiến cô bé cảm thấy quá hứng thú.