Tiên Lộ Yên Trần

Quyển 9 Chương 142



TIÊN LỘ YÊN TRẦN

Nguyên tác: Quản Bình Triều.
Dịch thuật: Văn Đàn Việt Nam
Quyển 9: Nhất trình phong vũ nhất trình hoa.
-----o0o-----
Chương 142:Nhàn vân trú ảnh, nhập đào nguyên nhi vấn tân.




Đi đường tịch mịch, Tỉnh Ngôn cùng Quỳnh Dung một xướng một hoạ, bỡn cợt cho đỡ buồn, lâu lâu lại chọc nữ tử thanh nhã Tuyết Nghi mấy câu. Qua không bao lâu, ba người bọn họ đã đến trước Trinh thủy đại hà vắt dài từ đông sang tây.

Trinh thủy hà, là con sông lớn nổi tiếng ở Lĩnh Nam. Hôm nay khi đến gần với nó, quả thấy Trinh hà khí thế bất phàm:

Khoảng cách giữa hai bờ ước chừng ba bốn dặm. Từ bờ này nheo mắt mà nhìn, dù người có nhãn lực tốt, cũng chỉ thấy cảnh vật bên kia bờ nhòe nhòe, cùng lắm chỉ có thể thấy bờ sông ngoằn ngoèo mà thôi.

Chỉ bất quá, Trinh thủy hà tuy rộng lớn, nhưng hiện tại nước dưới sông thì chẳng còn bao nhiêu. Do hạn hán, nước sông chỉ còn khoảng nằm cách xa hai bờ. Từ bờ đến mép nước, lòng sông hiện đã là một vùng đất khô cằn chi chít vết nứt. Bùn nhão bị ánh nắng gắt nung thành cứng ngắt, bên trên có rất nhiều ốc, sò nằm chết phơi vỏ.

Ba người Tĩnh Ngôn đi hết con đường thì đến bậc cấp dẫn đến chỗ xuống đò qua sông. Chỉ bất quá, lúc này con thuyền chở khách đã cách bến đò chừng trăm bước chân.

Đi đến bến đò, Tỉnh Ngôn không đi đến chỗ đợi thuyền, mà thong thả đi dọc bãi sông một hồi. Bởi vì lúc này trên bãi sông đã rất rộng, đang có rất nhiều người, vô cùng nhiệt náo. Nếu nhìn từ xa, hệt như là một khu chợ.

Trong mấy người này, không ít người là đến lấy nước. Có câu "Sông lớn ít nước, sông nhỏ cạn khô", chính như thôn trấn mà Tỉnh Ngôn đi qua, các ao hồ đều cạn khô nước. Cư dân quanh đó, hầu như đều đến Trinh thủy hà lấy nước. Hiện tại những nam, nữ đến lấy nước này, đang khổ cực múc nước từ sông đổ vào thùng, sau đó người vác, người gánh đưa nước về nhà cách đây vài dặm. Trong dòng người lấy nước nườm nượp đó, có không ít tiếng cãi vã vang ra.

Ngoài những người đến lấy nước, còn lại là dân chúng đến cầu mưa.

Không ít lão nhân đang lập đàn hương chúc trên bãi sông, bày biện đồ cúng, quỳ lạy tế bái về phía giữa sông. Lúc Tỉnh Ngôn đi qua sau bọn họ, nghe được bọn họ là cầu long vương khai ân cho mưa xuống. Còn nhưng nam nữ trẻ tuổi thì thân vận y phục sặc sỡ, gần hai chục người làm thành một vòng, đánh trồng khua chiêng, niệm chú đuổi quỷ, nhảy theo điệu múa đuổi hạn phổ biến ở Lĩnh Nam.

Lước qua bọn họ Tỉnh Ngôn lại nhìn thấy, ở bên bờ đê còn có một vòng người đen nghịt đang quỳ lạy, hướng về mấy bức hình treo trên một cây đại thụ ở trung tâm, không ngừng cầu nguyện.

Cố gắng phóng mắt nhìn vào trong, phát hiện mấy bức hình treo trên cây, phần lớn đều vẽ một vị nữ tử bán khỏa thân gương mặt mơ hồ, người vận hồng y, dựa vào một cây khô sắc đỏ, mái tóc dài như lửa quấn quanh thân cây. Trên đầu người trong bức tranh, còn có không ít những con chim đỏ. Nhìn bức tranh toàn là màu đỏ, thiếu niên đã đọc nhiều sách không hề ngạc nhiên, đây chính là nữ thần gây ra hạn hạn đại biểu ở vùng này.

Đứng sau vòng người, Tỉnh Ngôn nghe rất rõ, những thiện nam tín nữ này bày rất nhiều đồ cúng, cầu khẩn nữ thần gây hạn ban phát lòng tốt, mau thu xếp hành trang quay về động phủ, hoặc là đi vân du nơi khác.

Thấy cách bày biện đồ cúng, nghe lời cầu khấn như van nài mà lại như đuổi xô, hai phương cách đối nghịch khi cầu nữ thần hạn hán, Thượng Thanh đường chủ không tin quỷ ma thầm kêu kì, nghĩ:

"Cái này liệu có phải là Vừa dọa vừa dụ?"

Tai nghe những lời cầu khẩn thành tâm thành ý đó, Tỉnh Ngôn không cho là đúng. Nếu như bản thân không nhớ lầm những gì đã đọc trong điển tịch, thì theo những gì đã chứng kiến, đại hạn ở Trinh Đường này, quả thật không giống hạn hán do thần hạn hán gây ra, Phải biết thần hạn hán thượng cổ không phá thì thôi, mỗi lần xuất hiện, e rằng phương viên mấy trăm dặm cũng chẳng có chút nước nào.

"Có lẽ, hạn hán hiện tại này, chỉ bất quá là tự nhiên, không có gì kì lạ".

Trong lòng nghĩ như thế, Tỉnh Ngôn không khỏi cảm thấy cơn khát lại nổi lên, vội kéo Quỳnh Dung, Tuyết Nghi chạy đến bên vùng nước còn lại của Trinh hà uống nước giải khát. Sau một hồi nốc nước, ba người liền tìm thuyền qua sông. Do hạn hán, đồ vật trong địa giới Trinh Dương tăng giá rất nhiều, chỉ qua sông cũng mất hết sáu chục quan tiền của Trương đường chủ.

Qua Trinh thủy hà, vừa đi được mấy dặm, dưới ánh nắng gay gắt, Tỉnh Ngôn lại cảm thấy nóng bức, khát nước trở lại, đành nhờ tiểu pháp sư Quỳnh Dung thi pháp, cho mình và Tuyết Nghi chút nước. Theo Tỉnh Ngôn nghĩ, nơi này gần Trinh thủy hà, hơi nước rất nhiều, tiểu nữ oa chắc rất dễ tác pháp.


Nào ngờ, đúng là người tính không bằng trời tính, lần này tiểu Quỳnh Dung lại tạo ra nước mát tưới lên mặt Tuyết Nghi tỷ tỷ, nhưng đến lượt đường chủ ca ca, lại là chẳng có giọt nước nào.

Lần này, trong lúc kêu xúi quẩy, thiếu niên không khỏi cảm thấy kì quái.

Sau lần thi pháp này của Quỳnh Dung, qua không bao lâu, ba người bọn họ đã nhìn thấy ngoại thành Trinh Dương,

Nhìn tường thành cao cao, đứng sừng sững ở xa, còn có hai hào nước rộng bảo vệ thành, liền biết Trinh Dương chính là đại huyện của Lĩnh Nam.

Đi trên mảnh ván làm cầu để vượt qua mấy con hào cạn nước đó, vừa bước vào cổng thành, Tỉnh Ngôn liền nhìn thấy chỗ dùng để dán công văn của quan phủ, có mấy người rảnh rỗi đang ngửa cổ đọc cáo thị của quan phủ. Bên cạnh bảng cáo thị còn có hai vị quan binh đứng canh như để tăng thêm phần long trọng. Vừa thấy như thế, Tỉnh Ngôn liền bị thu hút, dẫn hai người nữ đến gần quan sát.

Khi đến gần thì thấy rất rõ, trên tường thành có dán không ít cáo thị bằng giấy trắng, nào là treo thưởng bắt đạo phỉ, nào là nhà giàu xuất tiền tìm nô bộc ăn cắp bỏ trốn. Bất quá, chỗ hai vệ binh đứng thì có dán hai bảng cáo thị bằng giấy vàng.

Tỉnh Ngôn đọc lướt qua thì phát hiện cáo thị bên phải mình chính là công cáo của nha thự Trinh Dương, thông báo huyện lệnh lấy vàng ròng làm sính lễ mời pháp sư thuật sĩ có khả năng cầu mưa. Tờ giấy vàng bên cạnh lại là thông cáo của tư nhân, nói trong nhà bất hạnh có yêu dị tác quái, nguyện xuất hai trăm lạng vàng mời thuật sĩ có pháp lực cao cường đến nhà khu tà trừ quái. Nhìn phần ghi chú trên cáo thị tróc yêu, chính là Bành phủ ở bắc đại nhai Trinh Dương.

Vốn hai bảng cáo thị này chẳng có gì kì lạ. Chỉ là, ở cáo thị của tư nhân, sau lễ trọng còn thêm một điều kiện:

Nếu trừ được yêu quái, lại cầu được mưa cho Trinh Dương huyện, thì dù pháp sư đã có gia đình, già hay trẻ, chỉ cần là nam tử, thì nguyện đem tiểu nữ trong nhà gả cho làm thê thiếp.

"Hi, không biết tiểu thư Bành phủ phải chăng cũng giống như vị nữ tử che mặt gặp hồi sáng?"

Thiếu niên xem xong điều kiện, trong đầu nảy ý nghĩ mắc cười.

Đang suy nghĩ như thế thì nghe có một người bên cạnh vừa hay nói một câu như để giải thích cho suy nghĩ mắc cười đó của Tỉnh Ngôn:

"Oa! Trương Tam Quan ta sớm đã nghe danh tiểu thư Bành phủ, không chỉ tư dung xuất chúng, còn rất giỏi nữ công gia chính, là khuê nữ nhà giàu số một ở Trinh Dương!"

"Nào chỉ như thế!"

Lại nghe một văn sĩ ở kế cạnh phe phẩy quạt nói:

"Học sanh lại nghe được, tiểu thư Bành gia, tuệ chất lan tâm, cầm kì thi họa đều tinh thông, đúng là tài nữ xưa nay hiếm!"

"Hà hà, sớm biết có cáo thị hôm nay, Hứa Vân Lô ta đã đi tìm đaọ quan học pháp thuật hơn là mắc công đọc sách thánh hiền!"

Theo tiếng than thành tâm thành ý đó, Tỉnh Ngôn nghe có tiếng chép miệng vang lên.

Trong không khí ai oán, bỗng có người nói chen vào:

"Theo ý tôi, Hứa đại quan nhân hà tất đi tìm đạo quan học pháp. Tiểu đệ nghe nói hòa tượng trong chùa, pháp lực cũng rất giỏi!"

Ai ngờ, lời này vừa xuất, lập tức dẫn đến một trường cười cợt. Chỉ nghe có người to giọng nói:

"Huynh đài mấy ngày này chắc bị mụ vợ ở nhà trói chân không cho ra khỏi cửa à? Ai không biết huyện lệnh trương bảng cầu mưa, mấy ngày trước đã có hai hòa thượng đến, tin tức mà ta nghe được cũng rất vui. Bọn họ bày biện sắp xếp mấy chậu nước, rồi ở đó niệm kinh liên tục, cho đến sáng nay cũng chẳng có giọt mưa nào!"

Lời vừa dứt, bên cạnh lại có người tranh cãi:

"Ta nói Chu đồ phu nghe, hình như không phải là chậu nước, ta nghe nói là mấy cái chậu đất trồng hoa..."

Trong âm thanh cãi cọ, bỗng nghe có người cười khà khà, niệm "Vô lượng thiên tôn", sau đó lớn giọng nói:

"Tạo hóa tạo hóa! Đã bói hôm nay xuất hành đông nam có lợi. Giờ thấy cáo thị này, chính là duyên phần của bần đạo rồi!"

Lời vừa dứt, chúng nhân liền thấy một trung niên đạo sĩ búi tóc, rẽ đám người bước tới, đưa tay muốn gỡ cáo thị xuống.

Ngay lúc này thì bỗng thấy hai binh sĩ đó đưa mâu qua ngăn cản, kêu lên:

"Vị đạo gia này, cáo thị của huyện gia, không phải để ông gỡ!"

"Ách!"

"Trước ông đã có mười mấy vị đạo trưởng đạo gia đến trình diện ở huyện nha rồi".

"Trình diện?"

Nghe lời này, vị đạo trưởng hừng hực khí thế đó hơi ngạc nhiên, có chút tức giận hỏi:

"Đây là ý gì? Chẳng lẽ các người còn không tin pháp thuật của bổn đạo gia?"

Thấy ông ta tức giận, tên lính canh vội cười nịnh, ôn tồn giải thích:

"Pháp lực của đạo gia, mấy tiểu binh ta dĩ nhiên không dám hoài nghi. Bất quá, trước đây đã có không ít thuật sĩ giang hồ đến huyện nha, cầu mưa không thành còn lừa gạt huyện lão gia. Do đó hiện tại có lệnh, phàm người đến đều phải trình diện ở nha thự, đợi khi Long Vương miếu dựng xong thì lần lượt theo thứ tự lên đài cầu mưa".

"Long Vương miếu dựng xong? Vậy phải chờ đến lúc nào?"

"Đạo trưởng ngài đừng nóng. Ngài chớ vội đi, nghe nói Long Vương miếu ba bốn ngày nữa là dựng xong rồi".

"Vị đạo gia này, đây là lệnh của huyện lệnh lão gia, chúng tôi cũng chỉ là phụng mệnh hành sự, ngài vạn lần chớ tức giận!"

Hiện tại mấy binh sĩ này, cũng không biết vị thần tiên sống này có thật cứu được khổ nạn hay không, nên không dám hỗn hào, lời nói rất khách khí.

Nghe huyện binh nói như thế, vị đạo nhân trung niên lập tức hết giận. Lại nghĩ đến những lời vừa rồi của tên lính, thì không dám chậm trễ, vội vẹt đám người chạy như bay đến nha thự.

Lại nói vị Thượng Thanh đường chủ nãy giờ đứng bên, nghe một phen đối đáp, không khỏi cảm thấy hứng thú. Phân tích nội dung trong hai cáo thị lần nữa, y lại có phát giác khác:

"Xem ra, theo tình hình này, hạn hán ở Trinh Dương thật có chút cổ quái. Nói không chừng, đúng là có yêu quái tác quái".
 
Vừa nghĩ đến đây, thì tự nhiên lại liên tưởng đến nhiệm vụ trong chuyến đi lần này của mình:

"Tuy lần này chưởng môn kêu ta đi tìm Thủy tinh, dường như chẳng có quan hệ gì đến hạn hán ở đây. Chỉ bất quá, chuyện thế gian ngoài bổ trợ cho nhau còn có tương phản lẫn nhau. Vật lý âm dương cũng đều là tương phản tương sanh. Chuyện trước mắt ở Trinh Dương này, chưa chắc đã nhất định hoàn toàn không có quan hệ với Thủy chúc tinh linh".

Trong đầu nghĩ như thế, sắc mặt thiếu niên không khỏi nghiêm trọng, lại đọc kỹ hai bảng cáo thị trước mặt rồi mới quay đầu gọi một tiếng, dẫn hai nữ nhân rời khỏi đám đông.


"Hừm, Bành phủ đã chính là nhà của huyện lệnh, cầu mưa thì sau ba bốn ngày mới tiến hành, ta trước hết hãy đến Bành phủ vậy".

Thiếu niên đang tính toán trong lòng có chỗ không biết đó là, ở góc đường cách đó không xa, đang có hai nữ tử một lớn một nhỏ nhìn chăm chăm vào chỗ dán cáo thị. Vị niên kỷ lớn hơn, ước chừng mười tám mười chín, thấy ánh mắt chuyên chú của thiếu niên đạo sĩ, cuối cùng dừng thật lâu ở bảng cáo thị của Bành phủ thì bất đồ cảm thấy tức giận, "Hừ" một tiếng nặng nề.

Bất quá, Tỉnh Ngôn lại không biết những diễn biến đó. Y dẫn hai đạo đồng tùy thân là Tuyết Nghi và Quỳnh Dung, vui vẻ đi vào trong thành.

"Qua cầu trúc bắc đại nhai..."

Thiếu niên đang lẩm nhẩm vị trí của Bành phủ, bỗng xuất hiện một vị tiểu nữ tử, cản trước mặt ba người bọn họ.

Đột biến khiến thiếu niên đang một lòng đi tới suýt chút nữa đã va vào tiểu nha đầu đó. Sau khi loạng choạng ổn định cước bộ, ngẩng đầu quan sát thì thấy cô nương cản trước mặt mình, tuổi chừng mười bốn mười lăm, ăn mặc kiểu nha hoàn, mặt mũi xinh xắn, hai mắt linh hoạt, biểu hiện rất lanh lẹ.

Thấy tiểu nha đầu đứng phía trước cứ chăm chăm nhìn mình, Tỉnh Ngôn có chút khó hiểu, liền hỏi:

"Vị tiểu tỷ tỷ này vì sao cản đường ta?"

Thấy y hỏi, tiểu nha đầu xoay xoay tròng mắt, cười hì hì đáp:

"Không nhìn ra miệng lưỡi tiểu đạo sĩ lại ngọt ngào như thế. Là vầy, tôi đến giúp các người, chỉ cho các người đường đến Bành phủ!"

"Ách?"

Tỉnh Ngôn nghe vậy hơi giật mình, thầm nhủ nha đầu này thật thính tai, lại nghe được cả tiếng lẩm nhẩm của mình. Bất quá thấy nó có hảo ý thì cũng vội chấp tay, cười tươi nói:

"Vậy đa tạ cô nương, tiểu đạo sĩ xin nghe".

"Tiểu đạo trưởng cứ đi về trước, khi nào đến ngã tư thì rẽ phải, sau đó thấy ngã tư thì rẽ trái, sau đó cứ gặp ngã ba, ngã tư thì cứ rẽ phải, sau ba lần rẽ phải thì rẽ trái, rồi lại rẽ phải, rồi rẽ trái, xong rẽ phải thì tới!"

Tiểu nha đầu dường như rất thuộc đường, càng nói càng nhanh, miệng cứ như bôi mỡ, lời nói như đã thuộc lòng cứ vậy mà phun ra!

Không ngờ, tuy tiểu cô nương nói nhanh như thế nhưng Tỉnh Ngôn cũng ghi nhớ hết. Lập tức, chào cảm ơn người chỉ đường, Trương đường chủ tràn trề tâm ý trảm yêu trừ ma, dẫn theo Tuyết Nghi, Quỳnh Dung, theo lời chỉ của tiểu nha đầu đi tìm Bành phủ.

Sau khi mấy người Tỉnh Ngôn đi khỏi thì thấy tiểu nha hoàn chỉ đường đó chạy như bay về chỗ nữ tử xinh đẹp đang đứng chờ ở góc đường, cười cười báo công với nàng:

"Tiểu thư! Hạnh nhi đã lừa mấy đạo sĩ đáng ghét đó đi rồi..."

"Ừ, tiểu Hạnh nhi càng lúc càng lanh lợi".

Tán thưởng một câu, vị tiểu thư xinh đẹp ăn vận kiểu nhà giàu, tùy tiện hỏi một câu:

"Muội chỉ mấy người đó đi đâu vậy?"

"Hi, Nhuận Lan tiểu thư, Hạnh nhi vừa rồi nói loạn lên, cũng không biết bọn họ sẽ đi ra ngoài thành hay là vào đường cụt nữa!"

"Muội đúng là...Bất quá cũng đáng đời bọn đạo sĩ tham tiền tham sắc".

Nghe lời của nha hoàn, vị nữ tử gọi là Nhuận Lan cũng tan vẻ sầu muộn, cười mắng một tiếng, thò tay bẹo má nha hoàn một cái, thoải mái nói:

"Tạm thời cũng không có đạo sĩ đến. Đi, chúng ta đi xem bói!"

Tạm không nhắc ba người Tỉnh Ngôn nhàn nhã trong thành, lại nói chủ tì hai người đó, đi qua hai con đường thì dừng trước một chỗ coi bói xưng là quỷ cốc thần toán.

Nộp phí xem bói xong, vị tiểu thư tôn quý xinh đẹp đó liền nhắm hai mắt, thành tâm thành ý lắc ống đũa. Không bao lâu thì có một thẻ tre từ trong ống trúc bay ra rơi xuống chân.

Hạnh nhi thấy vậy, vội nhặt thẻ bói lên đưa cho thầy bói, sau đó cũng mở to hai mắt như tiểu thư, khẩn trương chờ nghe kết quả bói toán.

Cầm thẻ bói, lão thầy bói nheo mắt hỏi:

"Tiểu thư là cầu gì?"

"Nhân duyên!"

Nha hoàn lanh lẹ đáp thay cho tiểu thư. Thấy nó cướp lời, Nhuận Lan tiểu thư đó chỉ trừng mắt dọa nó, không hề quở trách, rồi chăm chú nhìn vào lão giả bói toán, tâm tình khẩn trương chờ đợi.

Lão thầy bói khẽ thở dài, đáp:

"Quẻ bói không kỵ người ác, không giấu tiểu thư, quẻ của cô là thẻ số sáu".

"Thế nào?"

Nghe lão nói như thế, lòng Nhuận Lan đã chùng hẳn xuống, nhưng vẫn không kìm được buột miệng hỏi. Chỉ nghe lão thầy bói đáp:

"Chính là thẻ hạ hạ. Sách bói viết quẻ này là Uyên ương phân phi: uyên ương cách trở lưỡng phân phi, mưu vọng cầu hợp vị đắc thì. Thủ cựu khước nghi hưu cải cách, như kim tiến thối khước trì nghi".

Vừa nghe lời chú giải, tiểu thư thông hiểu thi thư liền ngẩn như tượng gỗ!

Tiểu nha hoàn bên cạnh thấy tiểu thư đau lòng, lập tức đảo mắt chống nạnh mắng:

"Bói toán của ông chỉ để gạt người, quẻ bói của tiểu thư một điểm cũng không linh!"

Đang định mắng thêm mấy câu thì cảm giác tiểu thư hình như đang kéo áo mình, ai oán nói:

"Hạnh nhi, chớ nói nữa. Lão tiên sinh nói rất linh".

"Không đúng tiểu thư,"

Thấy bộ dạng thất hồn lạc phách của tiểu thư, Hạnh nhi nhịn không được nói:

"Một lần không linh, coi lại lần nữa!"

Nói rồi, lấy ra một thỏi bạc từ trong tay áo, đặt trước mặt lão thầy bói.


Thấy tiểu nha hoàn nóng lòng lo lắng cho tiểu thư, lão giả bình hòa nói:

"Cũng được, để coi lại một quẻ thử xem có gì khởi sắc không".

"Xin cứ tự nhiên!"

Hạnh nhi đáp lại như trảm đinh chặt sắt, sau đó thì thúc dục tiểu thư mau lắc ống thẻ.

Thấy nó tận tâm như vậy, Nhuận Lam tiểu tư cũng hết cách, chỉ đành miễn cưỡng lắc ống. Chốc lát, chỉ nghe tiếng "Cạch", lại một thẻ bói rơi ra. Hạnh nhi thấy vậy vội nhặt đưa cho thầy bói, sau đó nóng ruột hỏi:

"Lão tiên sinh thế nào vậy?"

Lão giả nhìn quẻ bói, bỗng nhiên thần sắc đại biến, kinh ngạc nói:

"Kì quái! Sao lần này lại là quẻ thượng thượng!"

"Hừ!"

Nghe lão giả nói, tiểu nha hoàn Hạnh nhi dường như rất tức giận. Chỉ bất quá đảo mắt một vòng, bỗng nhớ lời lão giả vừa nói, nó lập tức có phản ứng, vỗ tay hoan hô:

"Quẻ thượng thượng! Mau giải thích cho tiểu thư nghe đi!"

Thấy nó thúc giục, lão thầy bói vẫn từ tốn nói:

"Quẻ này là đại cát, gọi là Phủ cực thái lai. Sách bói giải thích: Hữu duyên tạo vật an bài, hưu thán vô duyên sự bất hài. Thử tế hải thính cầm sắt vận, mạc giáo dạ vũ tích không diêm".

Vừa nghe lời này, vị Nhuận Lan tiểu thư đang u oán cũng không kìm được cảm xúc, vỗ tay hoan hô với tiểu nha hoàn. Chỉ là, ngược với hai người, lão giả bói toán hiện tại cười khổ, lẩm nhẩm:

"Chuyện này đúng là không có đạo lý, Trịnh một quẻ ta từ trước đến giờ cứ một quẻ là linh, sao hôm nay lại..."

Thế là hai chủ tì đang hân hoan, rất kì quái nghe lão thầy bói năn nỉ:

Vị tiểu thư này, hôm nay Trịnh một quẻ tôi xin coi miễn phí cho cô một quẻ, xem xem rốt cuộc là chuyện thế nào!"

"Tiểu thư mau đi, chớ để ý lão nữa!"

Tiểu nha đầu sợ đêm dài lắm mộng vội liên thanh thúc giục. Nhưng Nhuận Lan tiểu thư không lý gì đến lòng tốt của nó, bình tĩnh nói:

"Cũng được, đa tạ lão tiên sinh. Ta cũng xem thêm một quẻ nữa mới an lòng".

"Được, xem thêm một quẻ coi thử thiên ý thế nào".

Thế là, Nhuận Lan tiểu thư lại lắc ống thẻ lần thứ ba. Lần giải quẻ này, Hạnh nhi còn khẩn trương hơn cả lão thầy bói.

Chỉ nghe lão giả bói toán ngữ khí kì quái nói:

"Quái lạ! Vẫn là đại cát: Tiền thế nhân duyên hội kim sanh, mạc vi tư tài khởi ái tăng. Nhược hữu quý nhân đề bạt xứ, hảo phàn nguyệt quế thượng vân đoan..."

"Hứ! Tiểu thư vốn nhân duyên mỹ mãn mà!"

Là tiểu nha đầu Hạnh nhi, càng nhìn càng thấy lão thầy bói đáng ghét, liền kéo tiểu thư đang định cho thêm tiền đi khỏi, để lại lão thầy bói xưng là quỷ cốc thần toán than oán đằng sau:

"Quái sự quái sự, Trịnh một quẻ ta cũng có lúc không linh! Xem ra, nếu không chịu luyện, danh hiệu "Một quẻ" của ta sẽ bị đổi thành "Ba quẻ" quá!"

Tạm không nhắc lão thầy bói than thở đó, lại nói đến chủ tì hai người Nhuận Lan, hiện tại tâm tình vui vẻ, thân hình nhẹ nhàng như oanh yến, cười nói quay về phủ chỉ cách đó hai con đường.

Hầu như cùng lúc bọn họ về tới thì thấy có một vị thiếu niên đạo sĩ đang dẫn theo hai nữ đạo đồng cũng vừa hay đến trước cửa phủ. Ngẩng đầu nhìn tấm biển để chữ "Bành phủ", thiếu niên chùi mồ hôi nói:

"Phù...vị tiểu tỷ tỷ đó chỉ đường cũng không sai, tuy phải quẹo nhiều đường, nhưng rốt cuộc cũng đến rồi".

"A, đúng là xuất môn có quý nhân phù trợ, đường đi phức tạp như thế, nếu không có người tốt bụng chỉ đường, quả thật rất khó tìm được!"

Nghe ca ca cảm ân, tiểu Quỳnh Dung cũng liên thanh phụ họa:

"Đúng vậy, đúng vậy! Muội xem vị đại tỷ tỷ đó cũng rất là tốt bụng..."

Ngay lúc này, chủ tì Nhuận Lan đứng không xa nghe ba người cảm ân, liền mắt trừng miệng há, nhất thời không nói nên lời!

Rất lâu, tiểu thư mới bừng tỉnh, hoài nghi hỏi:

"Hạnh nhi, muội thật không chỉ đúng đường chứ?"

"Muội..."

Bị tiểu thư chất vấn, tiểu nha đầu ấp úng, ngữ khí đã có hơi hám muốn khóc:
`
"Tiểu thư phải tin muội, muội...muội thật là chỉ loạn lên mà!"


5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại