Tiên Lộ Yên Trần
Quyển 1 Chương 1
QUYỂN I: ĐƯƠNG THỜI NIÊN THIẾU THANH SAM BẠC".
Chương 1: Kiền tâm mộ đạo thùy gia tử.
Nguyên tác: Quản Bình Triều.
Dịch thuật: Văn Đàn Việt Nam
Bất cầu đại đạo xuất mê đồ
Túng phụ hiền tài khởi trượng phu
Bách tuế quang âm thạch hỏa thước
Nhất sanh thân thế thủy phao phù.
(Ngộ chân thiên).
" Khẩn thỉnh tiên trưởng thu Lục tiểu tử làm đồ đệ!".
" Các hạ trần duyên chưa dứt, cùng bần đạo vô duyên. Mời quay về!".
" Hu hu hu..."
" Xin đại sư thu con làm đồ đệ!".
" Bần đạo với ngươi vô duyên!".
" Ai!..."
" Đạo trưởng, thu con làm đồ đệ nha?".
" Danh sách đã đủ".
" Ai!"
" Lão đầu nhân, làm sư phụ con đi".
" Không được. Lát nữa nếu ngươi có đến cửa hàng tạp hóa nhìn trộm con gái chủ hàng, giúp ta nhìn xem đàn hương gởi ở đó bán hết chưa".
" Được. Bất quá con vừa nhìn thấy mỹ nữ, thì rất mau quên..."
"Cút".
Đoạn trên chính là đối thoại thường ngày của thiếu niên Trương Tỉnh Ngôn và lão đạo Thanh Hà trong vài năm nay.
Trương Tỉnh Ngôn là một thiếu niên chừng mười bốn mười lăm tuổi, mi thanh mục tú, cặp mắt đen lanh lợi, vừa nhìn đã biết là kẻ hoạt bát nhanh nhẹn. Hắn từ nhỏ sinh trưởng ở gia đình nông dân, cha mẹ đều là sơn dân hiền lành lương thiện, ở dưới Mã Đề Sơn Bà Dương Hồ ngoài Nhiêu Châu thành, dựa vào núi mà kiếm sống.
So với đám con cháu cùng khổ gia đình nông dân khác, thiếu niên Tỉnh Ngôn cũng không có gì đặc biệt. Nếu thật sự phải nói ra chỗ khác nhau, thì có một chút thế này:
Trương gia tuy sinh hoạt khốn khổ, nhưng cha mẹ Tỉnh Ngôn vẫn nhân một lần cơ duyên, cho nó theo Quý lão tiên sinh của Quý gia tư thục ở Nhiêu Châu thành học tập thi thơ. Nhà nó bần khổ, nạp không đủ tiền học, vợ chồng Trương thị chỉ đành cố gắng nhịn bớt khẩu phần ăn, thường thường dâng lên ít rau củ, sản vật núi rừng để thay thế tiền học đóng cho Quý lão tiên sinh.
Cái tên Tỉnh Ngôn này, chính là Quý lão học cứu của Quý gia tư thục đặt cho. Trước đây, trên thế gian còn chưa có tên nhóc Tỉnh Ngôn này, chỉ có con chó con của Trương gia mà thôi. Năm đó con chó con này lên bảy tuổi, lão Trương đầu vừa hay được Quý lão tháo gia của gia tộc quyền thế ở Nhiêu Châu thành thuê làm công nhật. Tuy xưng là lão Trương đầu, nhưng cha của con chó con này lúc đó kì thật đang tuổi tráng niên, vì người nhà nông làm việc liền ngày liền đêm khiến y già hơn tuổi, bởi vậy mọi người gọi y là lão Trương đầu, gọi riết mà thành quen.
Lại nói lão Trương đầu đi làm công nhật, ngẫu nhiên nghe nói Quý lão tiên sinh của Quý gia tư thục học vấn cao, người cũng hòa nhã, thấy vậy liền lấy hết can đảm, dưới sự dẫn tiến của lão Tôn đầu đánh xe cho Quý gia, tìm đến trong lớp học xin lão tiên sinh chọn cho con trai mình một cái tên.
Nghe lời khẩn cầu tội nghiệp của người nông dân này, Quý lão học cứu mặt mày hiền hậu cũng không có bắt tội, vẻ mặt ôn hòa nhìn y hỏi đối với tên của con trai có yêu cầu thế nào. Không tưởng được lão tiên sinh chọn tên, còn phải trưng cầu ý kiến của mình, lão Trương đầu ngược lại được ưu ái đâm ra kinh hãi. Thế là, cha thằng chó con được cơ hội quý báu này, liền suy nghĩ một hồi, sau đó cung cung kính kính đáp:
" Bẩm Quý lão tướng công, người nông dân tôi đây thường cảm thấy mặt trời xuống núi nhanh quá, chỉ mong thời gian ngủ ít một chút, như thế ngày làm việc sẽ dài ra một chút, có thể làm thêm được vài mẫu ruộng. Trừ chuyện này, cũng hy vọng con trai tôi tương lai sẽ biết ăn nói một chút, như thế ngày sau lúc nó giúp tôi bán thổ sản hàng hóa núi rừng, thì không bị mấy kẻ nhanh mồm nhanh miệng khi dễ ăn hiếp..."
Nghe yêu cầu này của lão Trương đầu, Quý lão tiên sinh ngẩn ra một chút, không giống như người lập tức xuất khẩu thành thơ "Tài trí mẫn tiệp, hạ bút thành văn" trước kia, tám chữ này chính là lời thầy dạy học bình luận đối với khả năng văn chương của Quý lão tiên sinh lúc thiếu niên, từ đó Quý học cứu luôn luôn tự phụ về chuyện này. Xem ra, lão tiên sinh ôn nhu văn nhã, ngược lại giống như không thường nghe được yêu cầu dạng này của lão Trương đầu.
Thấy ông ta im lặng, hai người giúp việc là lão Trương đầu và lão Tôn đầu, thở mạnh cũng không dám thở, sợ quấy nhiễu mạch suy nghĩ của Quý tiên sinh
Lão tiên sinh cân nhắc rất lâu, suy qua tính lại, suy nghĩ để phù hợp yêu cầu thực tại của người nông dân này, không thể dùng "Phú", "Quý", "Thanh", "Minh" mấy hư từ này, càng không thể dùng mấy chữ thâm thúy khó hiểu như "Thi", "Hạnh", "Uy", "Nhuy". Tên đọc lên còn phải để cho mấy người nông dân không biết chữ này kêu cho suông miệng, xác thật không phải là chuyện "Hạ bút thành văn".
Trải qua một trận sắp xếp tổ hợp điên đảo, cuối cùng Quý lão tiên sinh trước khi thái dương đổ mồ hôi, thành công xác định hai chữ "Tỉnh", "Ngôn"! Nghe ông ta nói ra, lão Trương đầu tức thì như thu được báu vật, lập tức dâng lên lão tiên sinh một giỏ sơn trà Mã Đề Sơn mới hái. Tiểu Tỉnh Ngôn, năm đó bảy tuổi, cũng hoàn thành chuyển biến từ thằng chó con sang Trương Tỉnh Ngôn.
Lão Trương đầu dốt đặc cán mai, lại được chuyện đặt tên này dẫn dắt, chết sống thỉnh cầu Quý lão tiên sinh cho phép Tỉnh Ngôn bên cạnh nghe giảng, may ra lâu ngày có chút học vấn, tránh cho con trai khi lớn lên không biết chữ như y, ngay cả tên con mình cũng không biết. Tuy người nông dân thiếu tiền thiếu bạc, nhưng chỉ cần Quý lão tiên sinh khai ân thu nhận tiểu Tỉnh Ngôn, ngày sau theo mùa, nhất định không quên hiếu kính dâng lên hoa quả tươi ngon. Tuy sản vật núi rừng thấp kém, nhưng cũng có thể cho tiên sinh thay đổi khẩu vị.
Đương thời, không biết thế nào, Quý lão tiên sinh nghe lời miêu tả chất phác của lão Trương đầu, lại đột nhiên cảm giác ngán ăn mãnh liệt đối với cao lương thịt cá trong nhà, động tâm đối với hoa quả sơn trân mà cha Tỉnh Ngôn hứa dâng, bất ngờ đáp ứng thỉnh cầu của lão Trương đầu.
Tuy nói Vọng tộc tư thục thu nhận một học trò nhà nghèo như thế, dường như có chút tổn hại đến người có văn hóa, nhưng ngược lại Quý lão tiên sinh vốn là tộc lão đức cao vọng trọng trong Quý thị gia tộc, với tài trí danh vọng của ông ta, tất nhiên không ai dám đứng ra chất vấn hành động này của lão.
Chẳng qua là, lúc đó ngay cả bản thân lão tiên sinh cũng không tưởng được chuyện thu Tỉnh Ngôn làm học trò, về sau trái lại trở thành một kì ngộ của lão, khiến rất nhiều danh sĩ hâm mộ không thôi. Về sau lúc cái tên Trương Tỉnh Ngôn vang danh bốn bể, Quý lão tiên sinh liền bắt đầu quên đi tám chữ bình luận của ân sư năm xưa, ngược lại gặp người cứ khoe lão là người khai sáng cho Trương Tỉnh Ngôn. Cho dù lão tuổi tác đã cao, triệu chứng hay quên ngày càng nghiêm trọng, nhưng lão đối với mỗi một chuyện thú vị của người đệ tử đắc ý năm đó, lại nhớ rõ không gì bằng!
Thậm chí, Quý lão tiên sinh về sau lại đem cái tên rất ít người đương thời chịu thay đổi, từ tên gốc là "Minh Thường" đổi thành "Minh Ngôn". Từ đó về sau, ai còn gọi lão là Quý Minh Thường liền bị lão nổi nóng. Lần đó thay đổi tên, lão tiên sinh là có thâm ý: Như thế lão gia tử mỗi lần thanh đàm (lối đàm luận rất phổ biến đời Tấn), khi ta tự giới thiệu, thì có thể khiến đối phương phải thắc mắc lai lịch của cái tên này.
Lại nói thiếu niên Tỉnh Ngôn, tuy vào tư thục, có thể đọc sách lên lớp, nhưng rốt cuộc nó là con cái nhà cùng khổ, tịnh không thể giống như đám đồng môn phú gia của nó, cả ngày tập hợp trong phòng học, hoặc ăn không ngồi rồi đá gà đua chó. Nó còn phải nhân cơ hội bản thân còn đang tham gia khóa học trong Nhiêu Châu thành, thuận tay bán sản vật rừng núi như hoa quả, trĩ, thỏ của nhà. Giữa trưa và chạng vạng, nó còn phải đến Đạo Hương Lâu tửu lâu ở cửa Nam làm hầu bàn, mấy đồng kiếm được cũng giúp nó có tiền tiêu vặt, mua dụng cụ bút viết chỉ nghiên dùng cho việc học.
Còn đoạn đối thoại bên trên, bốn danh xưng tiên trưởng, đạo trưởng, đại sư, lão đầu nhân thay đổi trong miệng Tỉnh Ngôn, chính là đạo sĩ phụ trách thu mua đặc sản Bà Dương Hồ ở Nhiêu Châu của đạo giáo tông môn "Thượng Thanh Cung" trên La Phù Sơn Tuần Châu nổi danh khắp thiên hạ, đạo hiệu là "Thanh Hà".
Thanh Hà đạo sĩ tuổi tác dĩ nhiên không nhỏ, sinh ra vốn gầy gò. Bởi vì không thường xuyên cắt tỉa, mấy chục sợi râu của lão ngày càng dài ra, năm qua tháng lại cũng khá có quy mô. Lúc theo gió lất phất cũng có vài phần tiên phong đạo cốt.
Tuy Thanh Hà lão đạo tuổi tác đã lớn, nhưng vẫn là làm những chuyện dạng như tạp dịch. Theo lý giải của Tỉnh Ngôn, đây chắc là do Thanh Hà lão đạo hơi ngốc, làm công khóa ở Thượng Thanh Cung không tốt, mới bị phái đến nơi này chạy vặt. Chuyện ở trên, tuy nói mấy năm nay hai người ngày nào cũng kiên trì tranh cãi chuyện bái sư không thôi, từ lâu đã quen như thế. Nhưng giống như vảy nghịch của ác long, chỉ cần Tỉnh Ngôn châm chọc lão một chút, lão liền bực tức không chịu nỗi, bùng phát như sấm, nhất định phải níu thiếu niên giải thích rõ ràng:
Thanh Hà đại sư ta lần này đến Nhiêu Châu thành, thật sự là sư môn Thượng Thanh Cung đặc biệt coi trọng việc nhập thế, nhưng trên La Phù Sơn thật sự không có chức vị so được với việc nhập thế này. Vì vậy, năm đó để có thể được phái đến Nhiêu Châu thiện duyên, đúng là lão phải nhiều lần vấp phải cạnh tranh kịch liệt, áp đảo rất nhiều đồng môn ưu tú, cuối cùng mới giành được!
Vì để tiểu tử nghịch ngợm này tiếp thụ thuyết pháp của lão, lúc đó Thanh Hà lão đạo nhất định sẽ đề cập đến, năm đó lão có thể được thăng lên hàng đạo sĩ cao cấp của Tàng kinh các ở Thượng Thanh Cung, chỉ là để tu vi tiến thêm một bước, mới tranh thủ đến Nhiêu Châu thành này.
Tuy nhiên, Thanh Hà lão đạo nói mấy lời này, thường đắc ý dương dương. Nhưng nếu như thiếu niên lớn thêm vài tuổi, lòng dạ sâu sắc thêm vài phần, thì sẽ phát hiện khi đó thần sắc của lão đầu nhân này không hề tự nhiên như thế.
Bất quá, tuy nói nếu như trông mặt mà bắt hình dong, thì Thanh Hà khó tránh phải bị liệt vào hàng cổ hủ. Nhưng đầu óc lão linh hoạt, nhân tình thế sự thông hiểu lão luyện, làm việc chưa từng câu nệ thân phận người xuất gia, đó chính là "Nhập thế chi đạo" của lão!
Liệu Thanh Hà đạo sĩ có phải tu đạo không thành mới làm mấy chuyện ngốc này hay không, thì dù sao trong mắt Tỉnh Ngôn, việc "Nhập Thế này của Thanh Hà lão đạo, đúng là đạt đến cảnh giới lô hỏa thuần thanh, đến mức hay tính luôn cả y, bắt y vì thiện duyên thuận đường làm luôn các chuyện vặt.
Xem ra, Thượng Thanh Cung thiên hạ ai ai cũng biết tiếng này, đúng là không tầm thường. Lão đầu Thanh Hà này, không phải là điển hình của việc sử dụng nhân tài của Thượng Thanh Cung sao? Thế là, chuyện này càng làm tăng thêm sự sùng kính của Trương Tỉnh Ngôn đối với Thượng Thanh Cung. Đúng là:
Tiểu đồng tử, chí khí cao, muốn học thần tiên cỡi mây dạo.
Mặt trời lên cao chưa tỉnh giấc, vẫn cứ vui sướng trong giấc mộng.
Kì thật, đối với Tỉnh Ngôn mà nói, cái gọi là cầu tiên mộ đạo, cùng lắm cũng chỉ là một lý do đường hoàng để y quấn lấy lão đạo đòi bái sư mà thôi. Nguyên nhân chân chính bái sư là, hiện tại thiếu niên đang đến lúc thân thể trưởng thành, sức ăn tăng mạnh, mà trong nhà chỉ dựa vào núi kiếm sống, vợ chồng Trương thị dù đã cố gắng, nhưng vẫn duy trì không nổi.
Đồng thời, y ở trong Nhiêu Châu thành, không có chỗ ở trọ, mỗi ngày phải đi một quãng đường dài mới về đến nhà ở ngoại thành. Tuy hai chân nhờ đó luyện được sự khỏe mạnh vô bì, nhưng đối với một thiếu niên như Tỉnh Ngôn mà nói, ngày tháng lâu dài, thật sự không phải là chuyện dễ dàng.
Do đó, nếu như có thể lẫn lộn vào chỗ thiện duyên, chí ít có thể có chỗ dừng chân. Rất đáng tiếc, tuy Tỉnh Ngôn và Thanh Hà lão đạo cãi lộn đã quen, thỉnh thoảng cũng được nghỉ chân ở "Nơi thiện duyên của Thượng Thanh Cung La Phù Sơn ở Nhiêu Châu" này, nhưng chỗ thiện duyên ấy tịnh không chỉ có một mình Thanh Hà lão đạo. Thủ hạ của lão còn có hai đứa tiểu đạo sĩ nữa, Tịnh Trần và Tịnh Minh. Hai tiểu đạo sĩ này, thì không có thiện cảm đối với y.
Có lẽ, hai đứa đó phiền chán việc tá túc của Tỉnh Ngôn, hoặc là có nguyên nhân khác có thể thông cảm. Tuy chúng có bối phận rất thấp, nhưng có thể gia nhập Thương Thanh Cung đạo môn thanh cao vang danh thiên hạ này, đều phải phí một phen tâm lực, nên hầu hết đều mong có thể học vài thủ đạo thuật, quay về nhà vinh hiển.
Ai ngờ, không hiểu sao chúng lại bị tống đến nơi xa xôi này làm việc vặt. Đối với những kẻ kiên tâm mộ đạo này mà nói, việc này thật không khác gì việc sung quân đi đày. Chỗ xúi quẩy, là ngay cả thư nhà cũng không dễ viết, đúng là một bụng oán trách.
Bởi vậy, tuy đạo gia giảng dạy thanh tịnh vô vi, nhưng tích tụ một bụng xúi quẩy như thế, thì khó tránh khỏi việc khó chịu ra mặt đối với một thiếu niên tục gia ăn chực như Tỉnh Ngôn. Nhưng trải qua rèn luyện mấy năm ở trường học và chợ phố, Tỉnh Ngôn cũng không còn là một thiếu niên mù mà mù mờ trong núi năm xưa. Đối với mặt xấu của hai đạo sĩ tạp dịch, hán sớm đã hiểu rõ trong lòng.
Bởi thế, hắn càng muốn bái Thanh Hà làm sư phụ. Nếu sớm một ngày trở thành một thành viên trong bọn, thì có thể sớm một ngày danh chánh ngôn thuận ở chỗ thiện duyên này ăn chùa uống chùa ở chùa rồi!
Khác hẳn với cách nhìn của Tịnh Trần, Tịnh Minh, trong mắt một tiểu thiếu niên như Tỉnh Ngôn, chỗ thiện duyên của đám đạo sĩ bọn chúng, đúng là chốn thiên đường. Không lo thiếu cơm ăn áo mặc, không lo dầm mưa dãi nắng, cả ngày cãi lộn tranh luận, tiếp đãi tiếp nhận quyên góp của người mộ đạo. Cùng lắm bất quá cũng chỉ là đi qua mấy cái góc đường, chọn mua vật phẩm linh tinh, còn có thể luân phiên ba người đi làm, thật sự quá nhàn nhã!
So với những việc Tỉnh Ngôn đã làm qua, đây đúng là mơ mà không thấy được. Đã như thế, nhưng nhìn hai tên tiểu đạo sĩ cả ngày mặt nhíu mày chau, thân ở chỗ sướng mà không biết sướng. Mỗi ngày trên đường về nhà, trong lòng Tỉnh Ngôn luôn nghĩ đến vấn đề này.
Kì thật, cũng chẳng trách thiếu niên Trương Tỉnh Ngôn có suy nghĩ như thế, bởi vì y hiện tại, đang ở vị trí một người dân khốn khổ, còn đạo giáo lại đang trong thời kỳ bành trướng.
Lúc này thiên hạ mới ổn định. Vừa trải qua nhiều năm chiến loạn chinh phạt của các thế lực cát cứ, nhân khẩu trên Hoa hạ đại địa giảm mạnh. Vô luận là tầng lớp sĩ tộc trung lưu, hay là tầng lớp bình dân dưới cùng, đều đối với việc chạy ăn từng bữa nghĩ lại còn rùng mình. Cho nên, hiện tại lòng người thiên hạ đều muốn an định. Trên đến hoàng thân quốc thích, dưới đến lê dân bách tính, đều chán ngán sự ầm ĩ của chiến tranh, bắt đầu chữa trị vết thương nhiều năm do nó mang lại. Ở trong trào lưu như thế, phản đối vũ lực chinh phạt, tuyên truyền đạo giáo thanh tịnh vô vi gặp nhiều thuận lợi, nên đạo giáo bắt đầu từ trong các giáo phái lan truyền ra.
Lúc đó, khắp đất nước đều hâm mộ đạo gia, không chỉ đạo tông tự miếu hương hỏa đầy đủ, mà cả văn nhân danh sĩ trong trần thế, nhiều người cũng theo trào lưu nghiên cứu đạo gia điển tịch. Khi đó trong giới nhân sĩ, xuất hiện không ít đạo học gia trứ danh.
Có bối cảnh như thế, phong trào đạo gia huyền học thanh đàm cực thịnh ngoài ý liệu. Những tranh luận của đạo gia huyền học, lại được xưng là "Vi ngôn", "Thanh ngôn", "Thanh nghị", "Thanh biện".
Nghiên cứu xưng danh " Lão, Trang, Dịch" của "Đạo gia tam huyền", khi đó trở thành lựa chọn thời thượng để tranh luận. Danh sĩ tinh thông " Tam huyền", không chỉ tài trí mẫn tiệp trong thanh đàm, tranh luận ngay thẳng, còn là viết sách lập thuyết. Người có học thuật thành tựu, thì được người đời xưng làm: Huyền học gia.
Chỉ bất quá, tuy đương thời danh xưng " Huyền học gia" có thể được người cảm thấy kính nể, nhưng danh hiệu có được không phải dễ. Loại huyền học thanh đàm có liên quan đạo gia này, thường tiến hành cả đêm, mới đạt được cái gọi là " Vi ngôn đạt đán". Có vài nhân sĩ đắm chìm trong tranh luận, đến mức mất ăn mất ngủ, có khi " Tùy tùng dâng thức ăn, lạnh đem hâm nóng đến bốn lần". Thậm chí, có ít danh sĩ, vì để giành chiến thắng trong tranh luận, không ngờ thâu đêm trầm tư mà ngã bệnh đến gần chết.
Lão sư Quý lão tiên sinh của Tỉnh Ngôn, cũng coi là danh nhân trong giới nhân sĩ bản địa. Ở trong làn sóng đạo học toàn quốc này, tự nhiên cũng không thoát khỏi. Mỗi lúc hứng chí, lão tiên sinh lập tức có thể ở trong lớp học diễn thuyết huyền học luôn.
Bất quá, với học thức và hứng thú của thiếu niên đương thời, hắn thật sự không có hứng nghe lão sư bừng bừng khí thế nói cái gì, chỉ là ngơ ngác nhìn cái miệng giống như vĩnh viễn không ngừng nghỉ của lão tiên sinh. Trong đầu hắn lúc đó chỉ mong sao cho mau chóng kết thúc.
Hắn phải bận tâm rất nhiều thứ. Một là âu lo không thể đến kịp Đạo Hương lâu để làm thêm. Hai là lo nếu đến trễ ngoài việc phải lo dọn dẹp màn trướng thêm, mà còn lại bị trừ tiền công.
Trong đầu của Tỉnh Ngôn lúc này, rất nhiều tạp niệm ùn ùn kéo đến, giống như biến đổi khôn lường, chỉ bất quá không giống chủ đề có liên quan trên lớp học.
Thế là, Quý lão tiên sinh ở trên nói thì cứ nói, đệ tử Trương Tỉnh Ngôn của lão, thì ngồi nghiêm chỉnh ở dưới, tinh thần trôi đi vạn dặm.
Bất quá trong diễn giảng của Quý lão tiên sinh, thỉnh thoảng có một hai cố sự không phải khô khan như thế, trong vô ý được Tỉnh Ngôn để ý được. Mỗi lần lão tiên sinh nhắc đến, người con của Vệ thị nhà ở thành đông Nhiêu Châu, yếu ớt mà giỏi thanh đàm, một lần ước hẹn tranh luận với danh sĩ Tạ Côn ở Vị Thủy, kết quả biện luận suốt đêm, bị Tạ Côn từ xa tới bức đến sùi bọt mép, bệnh cũ phát tác mà vong!
Nhìn bộ dạng lão sư bi khái" Phong tiêu tiêu hề dịch thủy hàn" của lão sư lúc giảng chuyện này, trong lòng tiểu Tỉnh Ngôn liền vạn phần sợ hãi, quyết định tuy bản thân còn phải tiếp tục tranh thủ trà trộn vào chỗ thiện duyên của Thanh Hà lão đạo, nhưng ngày sau có thể ngàn vạn lần phải chú ý, không thể tán gẫu cả đêm với lão đạo!
Đã là đạo giáo lưu hành, khắp nơi cùng ngưỡng vọng, người có chí nguyện gia nhập đạo giáo cũng đại tăng. Đã là nhu cầu thịnh vượng, thì tự có nhiều người tìm đến.
Thế là, trong mấy chục năm, vô số đạo gia môn phái quật khởi giang hồ. Cái gì Cực quang, Toàn không, Thủy vô, Nguyên sơ, Quy nhất, Luân không, danh tự thì đua nhau cái này trội hơn cái kia về khoảng “Không", và khoảng “Huyền". Bất quá, ở trong quá nhiều đạo giáo môn phái tốt xấu lẫn lộn, chân chính danh mãn thiên hạ, vẫn là ba đạo giáo tông môn lớn thâm căn cố đế có lịch sử lâu đời:
Diệu Hoa Cung của Ủy Vũ Sơn, Thượng Thanh Cung của La Phù Sơn, và Thiên Sư Tông của Hạc Minh Sơn.
Diệu Hoa Cung nhiều nữ đạo nhân. Thượng Thanh Cung thờ hai đạo" Thượng Thanh", "Ngọc Hoàng". Thiên Sư Tông lại xưng là "Thiên Sư đạo", " Ngũ đấu mễ giáo". Nghe nói vì Trương Đạo Lăng Trương thiên sư sáng lập, tín đồ nhiều nhất trong ba đại đạo tông, thanh thế mạnh nhất.
Khác với Diệu Hoa Cung theo con đường nữ tử, Thiên Sư Tông theo con đường quần chúng, Thượng Thanh Cung của Thanh Hà là một trong ba đại tông phái khá thanh cao so với hai phái kia, tu luyện lấy kinh điển đạo giáo "Ngọc Hoàng Kinh", "Thượng Thanh Kinh" làm chủ. Cái tên Thượng Thanh của giáo, xuất phát từ việc sùng kính đối với Tam Thanh tổ sư.
Không biết là có ý hay là vô tâm, thanh danh của Thượng Thanh Cung chiếm được sự tôn trọng của lớp sĩ đại phu, được hoàng gia phân phối cho đồng ruộng phì nhiêu, ở La Phù Sơn, vùng đất núi bằng phẳng năm trăm dặm, cũng được chính thức phong làm tài sản riêng của Thượng Thanh Cung.
Ngược lại, Thiên Sư Tông có thanh danh lớn trong bách tính cùng khổ, lại không được giới nhân sĩ đón nhận.
Kì thật nếu tử tế truy tìm nguồn gốc mà nói, Thượng Thanh Cung này cùng Thiên Sư Tông đó, còn có nhiều uyên nguyên. Nghe nói năm xưa hai giáo nguyên là một nhà, chỉ là do đối với giáo nghĩa lý giải không hợp, trong môn xảy ra tranh chấp, thế là hậu nhân của Trương Đạo Lăng, đệ tứ đại thiên sư Trương Khanh, liền đem tông môn lên Hạc Minh Sơn, xưng danh "Thiên Sư Tông". Còn mấy trưởng lão lưu thủ thì sáng lập Thượng Thanh Cung, từ đó thành một phái.
Đối với đại đa số bách tính cùng khổ mà nói, Thượng Thanh Cung đương thời, tượng trưng cho thiên đường cơm no áo ấm không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu có ai có thể cùng Thượng Thanh Cung tạo quan hệ, đó sẽ là một đời không lo. Một đời không chịu đói, trong lòng đại đa số lão bách tính bần khổ đương thời, có lẽ là sự tình không thể, có chăng chỉ là nằm mộng trong giấc ngủ mới thấy được chuyện tốt đẹp đó.
Lúc Tỉnh Ngôn còn là một đứa bé ngu ngơ, đã nhận thức được sinh hoạt gian nan. Sau khi biết chuyện, càng phải tự mình kiếm ăn. Đối với tiểu Tỉnh Ngôn bôn ba vì cơm áo mà nói, đưa mắt nhìn "Nơi thiện duyên của Thượng Thanh Cung ở Nhiêu Châu", thật là quá tuyệt vời.
Nhưng bất hạnh đó là, Thượng Thanh Cung chính vì danh tiếng thanh cao, nên lựa chọn đồ đệ rất nghiêm. Đồng thời có lẽ họ cũng sợ không ứng phó nổi nhiều miệng ăn, bèn ra lệnh môn hạ nghiêm túc thu nhận đồ đệ. Vì thế, mới có đoạn đối thoại giữa Tỉnh Ngôn và Thanh Hà lão đạo lúc đầu, qua nhiều năm vẫn không đổi.
Đã qua nhiều năm tranh cãi như thế, Tỉnh Ngôn vẫn thân ở hồng trần. Kết quả duy nhất, đó là quen thân với lão đạo Thanh Hà.
Lại nói hôm nay, Tỉnh Ngôn làm xong công khóa bái sư thường lệ, thì đi đến Đạo Hương Lâu cách hai con đường làm công nhật. Thuận đường, cũng đi hoàn thành một công khóa thường ngày khác của y: ở góc ngã tư trên đường đông môn, nhìn trộm Lý Tiểu Mai con gái của chủ tiệm tạp hóa Lý Kí.
Hành động này cũng không trách thiếu niên phát dục sớm. Khi đó người ta phổ biến tảo hôn, thiếu niên mười bốn mười lăm tuổi như Trương Tỉnh Ngôn, đã thành hôn sinh con cũng không phải không có, chỉ là nhà Tỉnh Ngôn nghèo khổ không có lực đón dâu mà thôi.
Đến tuổi này, y đã có cảm tình mơ hồ đối với nữ tử. Lý Tiểu Mai này, chính là nữ tử xinh đẹp trong mắt y. Trong mắt y, da dẻ Lý Tiểu Mai rất đẹp, đôi mắt cũng trong trẻo, nhìn thế nào cũng thấy xinh xắn, chẳng trách, nàng không thẹn là đệ nhất mỹ nhân ở hai con đường này!
Kì thật, nếu phải so sánh thật sự, Lý Tiểu Mai đó cũng chính là nữ nhân chợ phố điển hình, nhìn chỉ là thanh xuân linh hoạt, thật không thể xem là mỹ nhân. Nhưng chuyện này thì có làm sao? Đối với thiếu niên mới biết mùi ái tình mà nói, trong mắt y, thiếu nữ mà y khao khát chính là người đẹp nhất.
Có lẽ, qua mấy chục năm sau nhớ lại, hồi ức về sự si mê của bản thân đối với mỗi thiếu nữ năm xưa, bất cứ ai đều sẽ cảm thấy không thể tưởng tượng nổi. Chỉ là, đó đã là chuyện mấy chục năm sau.
Lúc qua tiệm tạp hóa Lý Kí, thiếu niên cũng không quên lời nhờ vả của Thanh Hà. Cuối cùng hỏi thăm một chút hóa vật còn hay hết, thì hắn dương mắt trắng trợn nhìn Lý Tiểu Mai.