Thương Hải

Chương 47-1: Luyện binh (1)

Thích Kế Quang đáp: "Gần đây, ta phải lo tập luyện quân sĩ bên ngoài doanh trại, việc đó chưa xong, ta chưa ra quân được". Ngừng một chặp, gã hỏi: "Nhị đệ, đệ còn nhớ câu chuyện mình trao đổi vào cái ngày ta bị thua trận không?". Lục Tiệm đáp: "Còn nhớ chứ. Đại ca bảo, binh lính ở các tỉnh bên ngoài điều động đến phần lớn mang nhiều tệ đoan, muốn trừ tuyệt oa khấu, không tổ chức dân quân tuyển từ trai làng, ắt không xong!"

"Đúng vậy, " Thích Kế Quang mỉm cười, "sau khi ta được Hồ tổng đốc và Trầm tiên sinh đồng ý chấp thuận sách lược đó, đã cấp cho ta quân phí, ta đã đến Nghĩa Ô tụ tập hương dõng, huấn luyện được một đội dân quân"

Lục Tiệm tinh thần phấn chấn, hỏi: "Quân số được bao nhiêu?". Thích Kế Quang đáp: "Hơn ba ngàn người!". Lục Tiệm thoáng chau mày, nói: "Đáng tiếc, quân số quá ít!"

"Không quá ít đâu!", Thích Kế Quang cười ha hả, bảo: "Quân không vụ vào số đông, mà trông vào sự luyện tập. Xưa, có một ông tướng, dưới tay chỉ có vỏn vẹn ba ngàn người ngựa, trong vòng có mười bốn tuần đã ra tay bình định được ba mươi hai thành trì, đánh bốn mươi bảy trận, không thua trận nào, đánh cho cả trăm ngàn quân địch tơi bời, đến nỗi chúng hò nhau bỏ chạy khi nhác thấy ông tướng giáp bạc!"

Cốc Chẩn cao giọng ngâm nga: "

'Danh quân đại tướng mạc tự lao,

Thiên quân vạn mã tị bạch bào'!",

rồi mỉm cười, hỏi: "Thích tướng quân có phải muốn nói đến ông tướng mặc giáp bạc Trần Khánh Chi?"

"Đúng đấy!", Thích Kế Quang cao hứng, hỏi: "Cốc lão đệ cũng đã có đọc qua sách sử hả?" Lục Tiệm thắc mắc: "Ông tướng giáp bạc Trần Khánh Chi là ai vậy?". Cốc Chẩn đáp: "Đó là một danh tướng thời Nam Bắc triều, giỏi nghề cầm quân, ưa mặc giáp bạc, ông tung hoành khắp cõi Hà Nam, quân địch thoáng thấy giáp bạc là kéo nhau bỏ chạy"

"Ta dẫu bất tài, cũng muốn học đòi theo người xưa", Thích Kế Quang khảng khái cất tiếng nói, "Ba ngàn hương dõng tuy ít, nhưng nếu huấn luyện đúng bài bản, đem trừ oa khấu, dư sức!"

Cốc Chẩn xoay chuyển ánh mắt, chợt hỏi: "Nếu sự tình là vậy, Thích tướng quân sao không ở lại Nghĩa Ô luyện binh, đi Nam Kinh làm gì thế?" Thích Kế Quang thoáng nét nhăn nhó,: "Ta đi Nam Kinh, để làm khiếu hoá xin tiền!". Lục Tiệm lấy làm lạ, hỏi: "Nghĩa là sao?"

Thích Kế Quang đáp: "Quân phí mà Hồ tổng đốc đã cấp, chỉ có hai ngàn lượng, đã không đủ cho lương thảo, lấy đâu ra tiền mua võ khí, khôi giáp. Thiếu thốn như vậy, quân sĩ có tập luyện mấy, cũng chỉ để làm cảnh! Ta đi Nam Kinh, chính để xoay xở vụ lương tiền này đấy! Vừa qua, ta có được diện kiến Hồ tổng đốc, ông ta cũng rầu, bảo, do vụ thiếu đói năm nay, tiền bạc trở thành eo hẹp, bọn tướng sĩ thảy đều muốn được lĩnh lương tiền sớm sủa, nếu cấp cho ta nhiều quá, dễ gây xào xáo trong quân sĩ, vả lại chuyện thành lập và huấn luyện dân quân, nếu muốn làm cho đạt được kết quả tốt, sẽ phải chi vào đấy rất nhiều tiền bạc, dĩ nhiên sẽ có rất nhiều người phản đối dự định đó. Nói tới nói lui, rốt cục cũng chẳng cho ta đồng nào, ta đành tay không ra về!"

Cốc Chẩn nghe đến đấy, cất tiếng cười hô hố. Thích Kế Quang cau mày, hỏi: "Sao túc hạ lại cười?". Cốc Chẩn vui vẻ đáp: "Ta cười quan lại nhà Đại Minh, có nhiều nhân vật thú vị quá! Quan Tổng đốc thì bủn xỉn, quan Tham Tướng đi làm khiếu hoá, các quan ở giữa thì no béo, chỉ có hai quan ở hai đầu là chịu khổ sở!"

Thích Kế Quang hỏi: "Vậy nghĩa là sao?" Cốc Chẩn đáp: "Hồ Tôn Hiến với Trầm Chu Hư toàn là những người tinh minh. Huấn luyện dân quân là kế sách lâu dài, có quan hệ đến vận mệnh an nguy của đất nước, làm sao họ không hiểu! Bó buộc phải cấp quân phí cho ông, đã chi cho ông hai ngàn lượng, chẳng qua từ Tổng Đốc trở xuống, qua các quan Đô Tì, Thiêm sự, Trấn phủ, Tri phủ, Tổng binh, có nhiều chấm mút ở giữa quá, vậy lo chạy tiền bạc lót tay như thế nào đây? Đó là trường hợp thông thường, còn đến trường hợp bất thường, sư gia trong phủ là trưởng phòng văn thư, lúc vào sổ sách, huơ ngọn bút một phát, mười vạn lạng bạc chiết khấu đi phần lọt vào túi cuả hắn, của các quan trung gian, cỡ bảy tàm phần, khi về đến tay Tham tướng, còn hai ngàn lượng là đúng quá rồi!".

Thích Kế Quang xưa nay chưa từng đơn thân đảm nhiệm trọng trách lớn lao, dĩ nhiên không rành chuyện quân nhu tài vụ, lúc này nghe Cốc Chẩn nói sơ lược, gã bất giác hiểu rõ, đưa tay đập bàn lia lịa, la hét ầm lên: "Bọn nó tham ô như vậy, bộ Hồ tổng đốc không hay biết gì cả à?"

Cốc Chẩn lắc đầu, đáp: "Hồ Tôn Hiến bộ không tinh minh sao? Ông ta không những biết, mà còn biết rành mạch là khác. Nhưng càng biết nhiều, càng né tránh dữ hơn nữa! Bọn thuộc hạ dưới quyền ông, chẳng đứa nào là chẳng có chống lưng. Lấy một chức quan nhỏ coi, đâu có dè hắn là bạn học đồng khoá với một quan thượng thư, là môn sinh của các vị lão quan nội các, là đầy tớ của bậc vương giả, là anh em bà con bên vợ với quan ngự sử... đồng tiền bò vào túi, phần tiến cống cho các quan ở kinh đã đến bảy, tám phần. Hồ Tôn Hiến mà đi truy cứu, chả phải là đi kiếm thù địch đầy triều đình à! Chuyện đến nuớc này, dù muốn dù không, ông chỉ có cách làm bộ hồ đồ, trước mặt tướng quân, ra bộ vờ vịt giả nai!"

Lục Tiệm nhíu mày, thắc mắc: "Ngài Hồ tổng đốc đã ngại chuyện đó, sao lại không trực tiếp đưa tất cả các khoản lương hướng tận tay đại ca?"

"Huynh không biết đấy thôi", Cốc Chẩn đáp, "Cái triều đình đó tuy loạn, chuyện quân lương phát ra đã có quy củ rõ rệt. Từ trên đưa xuống, qua bao nhiêu tầng chuyển khoản, bao nhiêu tầng tra xét, để đề phòng có kẻ dựa vào đấy mà dấy quân đội mưu phản. Huynh nghĩ xem, từ xưa, xuất quân đánh nhau, quan trọng hàng đầu là gì? Binh pháp? Mưu kế? Không phải vậy đâu, chẳng phải thế đâu, toàn là quân lương. Hoàng đế này mà muốn xuất quân đánh nhau, chẳng thân chinh đâu, chỉ cần kiểm soát vụ quân lương, là tha hồ lên kế hoạch vận trù cung cấp lương thảo, ngồi trong trướng ở nhà mà quyết định trận đánh ở xa ngàn dặm. Trên chính trường, Hồ Tôn Hiến có không ít địch thủ, nếu ông không tuân thủ quy củ đó, đưa thẳng lương tiền cho Thích tướng quân, hôm nay đưa tiền, ngày mai sẽ có kể đến cắt ngay khẩu phần của quan ngài liền tù tì! Càng nắm binh quyền càng cao, càng phải sắm cái mũ đội đầu cho rộng lớn (ý nói càng phải ô dù cho mạnh, càng phải phe đảng cho nhiều!)

Lục Tiệm hít vào một hơi thở thật sâu, nói: "Nếu quả tình là vậy, thì đánh đấm ngoài trận ra sao?" Cốc Chẩn đứng lên, rầu rĩ bảo: "Cái tài văn chương chốn quan trường không đem đi đánh nhau được, nhưng sau chiến trận, nhờ văn tài các quan, công lao chiến trận vẫn được ghi chép đầy đủ, cho dù mình đã chẳng cần giốc lòng chinh chiến. Ôi, ta thiệt chẳng muốn nói mấy cái chuyện đó làm gì, nhưng giá Trầm Chu Hư còn sống, ông ấy, với thân phận mưu sĩ hạ thuộc của Tổng đốc, công chuyện có khi đỡ rắc rối được quá nửa! Bây giờ ông ấy đã quá cố, Hồ Tôn Hiến mất đi một cánh tay, cái tương lai quan trường cua ông ta, sẽ bị gặp khá nhiều hiểm nguy!" Hắn nói đến đấy, thấy vẻ ưu sầu trong mắt Thích Kế Quang, bèn dừng lại, cười cười, rồi tiếp: "Quan lại nhà Đại Minh vơ vét đục khoét, chúng cấu kết nhau tầng tầng lớp lớp, giống như một cái võng lưới đang chăng ra thật to, động nhẹ vào một góc, cả cái lưới sẽ rung lên. Ngày nay, Thích tướng quân làm đến chức quan đó, toàn là nhờ vào chiến công lớn lao, nhưng chỉ với những cái đó, có khi tướng quân còn chưa hiểu nhiều! À mà này, trên mình tướng quân hiện còn giữ được bao nhiêu ngân lượng vậy?"

Thích Kế Quang trả lời: "Hơn hai trăm lượng". Cốc Chẩn bảo: "Số hai trăm lượng đó, Thích tướng quân hãy đưa cho tại hạ, tại hạ sẽ dùng nó làm vốn sinh nhai trên thương trường, quay vài vòng vốn, có thể đẻ ra đủ lợi tức lo cho vụ quân lương!"

"Hay quá!", Thích Kế Quang mừng rỡ kêu lên, "nhưng không biết cần bao nhiêu thời gian?". Cốc Chẩn cười, đáp: "Không lâu đâu, không lâu đâu! Nhưng tướng quân phải chấp thuận hai điều kiện, nếu không, sinh ý sẽ không xong!" Thích Kế Quang hỏi: "Xin được nghe qua." Cốc Chẩn đáp: "Điều thứ nhất, ta buôn bán làm ăn thế nào, tướng quân không được dọ hỏi". Thích Kế Quang suy nghĩ, rồi đáp: "Cái đó dễ, chỉ cần không phạm pháp thôi!".Cốc Chẩn nói: "Luật lệ nhà Đại Minh, có nhiều lỗ hổng, cho dù ta muốn qua mặt, cũng không phải dễ!"

Thích Kế Quang vừa nghe xong, Cốc Chẩn chẳng chờ ông ta hiểu rõ hay không, cười cười, tiếp tục: "Vậy tướng quân có đồng ý điều kiện thứ nhất đó không?" Thích Kế Quang đành chỉ gật đầu, Cốc Chẩn tiếp: "Điều kiện thứ hai, phải để cho ta làm quân tiếp vụ, tất cả binh khí, lương thảo của dân quân đó, là do tự tay ta mua về, tốt xấu ra sao, tướng quân đều phải thu dụng hết!".

Thích Kế Quang cười ầm, la lớn: "Thích mỗ đang như người đắm thuyền, đụng đâu chụp đấy, chỉ cần là lương thảo, binh khí... đưa gì, ta cũng vui vẻ nhận hết!"

"Vậy là xong!", Cốc Chẩn vỗ tay một cái, rồi cười, hỏi: "Khi nào thì Thích Tham tướng trở về Nghĩa Ô?". Thích Kế Quang đáp: "Việc quân khá bận rộn, hôm nay ta bó buộc phải ra đi". Cốc Chẩn đứng lên, nói: "Thế thì tốt quá. Lục Tiệm, hai đứa mình cũng đi hôm nay luôn, cùng đến xem lính mới của Thích tướng quân."

Lục, Thích hai người có vẻ ngạc nhiên, Lục Tiệm hỏi: "Sao gấp dữ vậy?". Cốc Chẩn thần sắc nghiêm trang, vung tay nói: "Gấp lắm, gấp gáp như lửa cháy!". Nhìn đôi nhãn châu long lanh của gã, thần thái gã lại ung dung, thoáng một giây, Lục Tiệm chợt hiểu ý gã, bèn gật đầu, đáp: "Ừ... thì đi!". Nghe hai người đối đáp có chiều khác lạ, Thích Kế Quang hơi ngờ vực, nhưng khi nghĩ đến sẽ được cả hai đồng hành đi Nghĩa Ô, nỗi vui mừng bèn lấn át các nghi ngờ, ông cũng vỗ tay reo lên: "Tốt quá, có được nhị vị theo giúp, còn lo gì sự việc không thành!". Nói xong, cùng hoà tiếng cười vang.

Lục Tiệm hơi nhíu mày, bảo: "Cốc Chẩn, trước khi đi, mình cũng phải vào bẩm báo với mẹ một câu". Cốc Chẩn đáp: "Huynh chỉ nên nói là mình phải đi xa, Rồi huynh sắp đặt cao thủ canh gác sơn trang, quanh đây trong vòng trăm dặm, ta đã có bố trí khá đông người, trước mắt không có gì đáng ngại." Lục Tiệm thầm hiểu Cốc Chẩn đã phải thu xếp như vậy, chính vì lo ngại đại địch, lo có nguy cấp xảy đến với mẹ và em gái, nhưng xem chừng, nếu vòng đai đó chẳng may bị phá vỡ, thật chưa lường trước được hậu quả sẽ ra sao!

Cả hai cùng đi chào từ biệt Thương Thanh Ảnh, Cốc Chẩn vẫn nói cười như không, còn Lục Tiệm nỗi lo trong lòng hằn trên nét mặt, Thương Thanh Ảnh đoán đại sự sắp xảy đến nơi, miệng bà đắng ngắt, bà chỉ đành cố gượng khuyên cả hai đi đường phải giữ gìn sức khoẻ cẩn thận, tránh gió máy!

Lục Tiệm cắt đặt người canh gác sơn trang, nhưng vì nạn Hắc Thiên kiếp, kiếp chủ, kiếp nô không thể tách rời, bó buộc gã đã phải đem cả năm đại kiếp nô cùng đi theo. Dẫu lòng y chẳng muốn chút nào, Lục Tiệm không thể làm ngược với bốn điều luật Thiên Kiếp, gã phải đành lòng đưa lưng gánh vác bọn kiếp nô đó!

Lúc ra đi, bà Thương Thanh Ảnh theo tiễn ra ngoài trang đến hơn dặm đường, cả hai người Lục, Cốc phải khó khăn lắm mới khuyên bà dừng bước được. Rồi họ mới ra roi giục ngựa đi vài dặm đường nữa, lúc Lục Tiệm ngoái trông lại, vẫn còn thấy hình dáng bà vận áo trắng đứng nơi đầu đường, người tựa vào thân một cây liễu, tay còn không ngớt vẫy vẫy. Nghĩ đến chuyến đi đầy hiểm nguy trước mắt, lần chia tay này không chừng sẽ là vĩnh biệt, trong lòng Lục Tiệm đau đớn, nước mắt gã tuôn rơi lai láng. Cốc Chẩn hiểu tâm tư gã, đã cất đi nét cười cợt cố hữu, khe khẽ thở dài. Từ đuôi mắt, Thích Kế Quang nhìn thấu sự tình, nhưng vốn là người thâm trầm, ít ưa nói năng dông dài, cả hai người kia không lên tiếng, ông cũng giữ im lặng.

Trên đường xuôi nam, bầu trời trong vắt, màu xanh cỏ cây ngút ngàn, đang tiết mùa hạ, cỏ hoa trải rộng đến tận chân trời. Ba người một nhóm rong ruổi, tay đưa ngọn roi chỉ vào đó đây, miệng không ngừng trao đổi về thắng cảnh ven đường, cười nói không dứt tiếng. Thích Kế Quang văn vũ song toàn, ung dung biện luận, Cốc Chẩn học rộng nghe nhiều, mồm miệng nhanh nhảu, hai người trao đổi dí dỏm, đôi lúc có ý nhị, Lục Tiệm tuy ít nói, nhưng nếu bàn về những chuyện cơ bản, những nguyên tắc cốt lõi, gã luôn đề ra những lý luận xác đáng, người nghe bó buộc phải mỉm cười đồng ý.

Rong ruổi khá lâu, bốn bề sương chiều đang xuống, các rặng núi xa xa đã ngả sang màu tím, một góc chân trời đã nhuốm màu đỏ thắm, phản chiếu ánh hồng trên sông nước, cùng hiện lấp loáng ánh nắng vàng buổi chiều hôm, hai bên bờ sông, gió chiều nổi lên từng chặp, lay động ngàn hoa ngàn lá, khiến chúng như đang cười, đang giận. Thích Kế Quang vưà gặp tri kỷ, vừa được thêm cường viện, trong lòng hết sức khoan khoái, nhìn cảnh sông nước về chiều, ông nổi đại hứng, bất giác cất giọng ngâm nga:

"Nam bắc khu trì báo chủ tình,

Giang hoa biên thảo tiếu bình sanh.

Nhất niên tam bách lục thập nhật,

Đô thị hoành qua mã thượng hành. "

(Dịch nôm: Rong ruổi bắc nam để báo đáp ơn vua, Nhìn hoa cỏ ven sông đang tươi cười cùng ta, một năm ba trăm sáu mươi ngày, đều hoành thương cưỡi ngựa xông pha khắp nẻo - Tựa đề: Mã thượng tác - Tác giả: Thích Kế Quang, đời Minh, vốn là một nhân vật có thật, một viên tướng lừng danh trong công cuộc tiễu phạt oa khấu.,)

"Hay cho cái câu:'

Nhất niên tam bách lục thập nhật,

Đô thị hoành qua mã thượng hành.'!"

Cốc Chẩn cát tiếng khen, "Hai câu đó, ý tứ sâu sắc, thâm trầm, đúng là có ghi đậm hơi hướm của Đỗ Công bộ (Đỗ Phủ) từ xưa truyền lại!"

Thích Kế Quang đã cùng gã trao đổi, thừa hiểu tâm tư gã, bên cười xoà mà rằng: " Sao chỉ bình có hai câu dưới thôi, hai câu trên chắc không đáng lọt vào mắt xanh?". Cốc Chẩn lắc đầu, bảo: "Hai câu trước không hay, có khẩu khí của hạng nô tài!".Thích Kế Quang hỏi: "Bắt tôi chết, tôi phải chết vì chữ trung, vì chữ hiếu, bắt con chết, con tất phải chết! Hễ nói đến trung hiếu, bộ là khẩu khí nô tài sao?".

Cốc Chẩn đáp: "Ta hằng tin tưởng vào Thiên Đạo chí công, trời sinh muôn người, vốn bình đẳng, đem đặt ra tôn ti trật tự trên và dưới, đó là dụng ý của đời sau. Sao lại đem cái đó cưỡng bức vào người khác vậy? Hoàng đế cũng chỉ một miệng hai tai, ta cũng hai tai một miệng, chẳng thấy lão hơn ta chỗ nào hết!"

Thích Kế Quang cau mày, nói: "Điều Cốc lão đệ nói đó, tuy có mới mẻ, nhưng xem chừng có phần đại nghịch bất đạo!". Cốc Chẩn cười, trả lời: "Ta đúng là đại nghịch bất đạo, cái lão Gia Tĩnh đó, thân làm thiên tử, mà đi bái tượng gỗ, đi cầu đồng bóng, đi luyện kim đan, đi đoạt gái trinh, đi tin cậy bọn tỉểu nhân, làm chuyện kiêu xa dâm dật, để cho quan lại cường quyền hoành hành, dân tình không dược an cư. Trên thì dối cái nhân cái đức của trời, dưới thì làm ngược lại cơ nghiệp tổ tông, thế mới là đại nghịch bất đạo đó!"

Cốc Chẩn tuy ăn nói ngược ngạo, nhưng cũng có phần đúng bên trong. Thích Kế Quang nhất thời không phản bác được, đành im lặng hồi lâu, rồi đáp: "Thánh thượng dẫu không tốt, bá tánh hoàn toàn vô duyên cớ mà phải chịu, đã sinh ra làm thần tử, chỉ biết cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi!"

Cốc Chẩn gật đầu, nói: "Trên đời này. nếu tất cả các quan quân đều cùng một tư tưởng với tướng quân đây, lão hoàng đế sẽ ung dung vô sự, tha hồ dửng dưng mọi chuyện". Thích Kế Quang khoát tay, đáp: "Cái đó đáng xấu hổ ư? Ta tuổi mười bẩy đã cầm quân, đi chinh chiến sa trường hơn mười năm, giờ đây phương bắc quân Thát đát ngỗ nghịch, nơi phía nam bọn oa khấu xâm lăng, nếu không có ý chí báo quốc, không đem tài ra báo quốc, cái đó mới đáng xấu hổ!"

Cốc Chẩn cười cười: "Giữa chốn tam quân dễ đoạt được chức tướng suý, nhưng trong cuộc đời, rất khó mà đọat đi được cái chí khí của kẻ thất phu, Chí đã có đấy, tài cũng có đấy, ba quân dễ kiếm. một tướng khó tìm, tướng quân đây đã có ý chí báo quốc, sao còn lo lắng không có tài đi giúp nước? Đi đánh dẹp oa khấu, gặp phải đứa đần độn ngăn chặn lương hướng, chỉ cần búng ngón tay một cái, mọi chuyện là giải quyết xong, chuyện đâu đáng để ý làm chi!"

Thích Kế Quang loé sáng tròng mắt, vui vẻ nói: "Cốc lão đệ, phong cách khác người, nếu đi thi đi cử, thể nào cũng sẽ là quan lương đống cho đất nước!"

"Xin tha cho!", Cốc Chẩn hì hì trả lời, "Muốn đi làm quan với nhà Đại Minh, trước hết phải thi qua món bát cổ, rồi hạch khảo tiến sĩ, ba cái 'chi hồ giả dã' đó, nghĩ đến đã thấy nhức nhối trong đầu, bắt ta đi làm cái trò huơ bút viết văn bát cổ trên giấy, thà ta đi đập đầu vào tường còn sướng hơn. Còn đi thi võ, ta không rành nghề cưỡi ngựa bắn cung, một thân trên ngựa, bắn ra ba phát tên lạc mất cả ba! Ta rốt cuộc chỉ muốn làm như Đào Chu Công (chú: Phạm Lãi sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn chiến thắng vua Ngô, đã đổi tên, kinh doanh thành công, trở thành phú gia địch quốc) mua đàng đông, đem bán đàng tây, cần thì lên bắc xuống nam, nhưng kinh doanh cũng không phải là chuyện tối quan trọng!"

Thích Kế Quang đạo: "Ừ! Vậy chuyện tối quan trọng là gì?" Cốc Chẩn đáp: "Tối quan trọng là, ta đường đường một tay hảo nam tử, tự ta muốn tung hoành dọc ngang, chẳng ai gò, chẳng ai ép, cớ gì lại đem đầu, cúc cung đi làm nô lệ cho cái lão hoàng đế đó?". Thích Kế Quang chẳng nhẫn nhịn được, nhăn nhó mà rằng: "Cái câu đó của lão đệ, xem ra đã nhục mạ ta không ít!". Cốc Chẩn đáp: "Thích huynh là Thích huynh, hoàng đế là hoàng đế, ta đây đứng ra làm quân tiếp vụ cho Thích huynh, không làm cho bọn bồi bếp của cái lão hoàng đế đó." Thích Kế Quang gượng cười, bảo: "Lão đệ đúng là đầy khí phách cuả tuổi thiếu niên."

Đang lúc hăng say thảo luận, đã thấy mặt trời lặn hẳn, màn đêm buông xuống, cả đoàn liền kéo nhau đi tìm quán trọ nghỉ ngơi. Cơm nước xomg, Cốc Chẩn đang ngồi uống rượu một mình, chợt thấy năm kiếp nô đứng lấp ló nơi bực cửa nhìn vào. Cốc Chẩn bèn vui vẻ hỏi: "Các ngươi đang làm gì thế?"

Năm người sượng sùng tiến vào, rồi quỳ cả xuống, chỉ mình Yến Vị Quy hãy còn đang ngần ngại nửa quỳ nửa đứng, đã bị Tần Tri Vị nắm áo kéo xuống. Nguyên năm người họ đã có thương nghị với nhau, ngày xưa, cùng vì chủ cũ Trầm Chu Hư mà xuất lực, đã có dính dáng vào mối thù giết cha Cốc Chẩn, bây giờ, đổi qua chủ mới, Lục Cốc hai người giao tình thân thiết, Cốc Chẩn đối với năm người họ lúc nào cũng hết sức lạnh nhạt. Nếu gã ra tay báo phụ cừu, thi hành thủ đoạn, cả năm người tuy không chết ngay, cũng khó thoát cái hoạ của Hắc Thiên kiếp. Lúc còn ở sơn trang, cả năm người có thể kiếm chỗ tránh mặt Cốc Chẩn, nhưng bây giờ, cùng nhau vầy đoàn đồng hành, không tránh né được nữa, bọn họ thảy đều kinh hoàng, đã bàn nhau, quyết ý đến gặp Cốc Chẩn xưng tội.

Cốc Chẩn nhìn điệu bộ năm người, đã đoán ra ý bọn họ, bèn hỏi: "Các người đã hại chết cha ta, có phải bây giờ đang sợ bị ta trả thù chăng?". Cả năm người gật đầu lia lịa, Cốc Chẩn bèn bảo: "Phạm tội có chủ mưu, có a tòng. Chủ mưu giờ đã chết, tòng phạm có thể được khoan thứ, huống hồ các ngươi đều mang thân kiếp nô, không tự làm chủ lấy mình được. Được rồi, tội chết có thể tha, tội sống chẳng thể dung tha được!"

Cả năm người nghe y tuyên bố như thế, thảy đều xanh mặt. Cốc Chẩn liếc nhìn từng người, khoát tay, cười, nói: "Không có gì cả đâu! Ta bảo hành tội sống, là phải bồi tiếp ta bữa rượu!" Nói xong, truyền tiểu nhị đem ra năm vò rượu, cười cười: "Mỗi người một vò, uống xong, là xí xoá tất!"

Năm kiếp nô đều không quen uống rượu, lúc đó vô phương chối từ, mỗi người lãnh một vò, ráng nhăn mặt nhíu mày uống cho hết, lại được Cốc Chẩn ân cần cổ vũ, chẳng mấy chốc, cả năm đều say khướt, hành động thành đảo điên, điên đảo. Yến Vị Quy lịch kịch leo tường, thượng lên xà nhà, bay qua bay lại trên trần, Mạc Ất lớn tiếng tụng bộ kinh "Đại tạng", Tiết Nhĩ thì đem cái 'Ốc lý oa lạp' ra tấu một khúc mê ly, Tô Văn Hương hỉnh mũi bò lồm cồm đi dò khắp nền nhà, vừa bò vừa đánh hơi, Tần Tri Vị thì thè cái lưỡi dài ra liếm vét sạch nhẵn tất cả chén đĩa trên bàn. Cốc Chẩn ngồi bên vỗ tay, luôn miệng reo hò cổ vũ, trợ thêm khí thế, đến nỗi Lục Tiệm nghe ầm ĩ quá, phải chạy ra can thiệp, đình chỉ trò huyên náo, cho đưa cả năm người đi nằm.

Sáng ngày hôm sau, cả năm đều còn váng vất hậu quả cơn say, đầu nhức như búa bổ, mặt nhăn mày nhó, lểnh mểnh theo sau ba người đăng trình. Cốc Chẩn giữ đúng lời hứa, sau bữa rượu đó, đã dẹp bỏ hết mọi hiềm khích cùng cả năm. Tần Tri Vị vốn là chỗ quen biết cũ của Cốc Chẩn, bèn mở đầu câu chuyện bằng các tích cũ, hết chuyện nọ xọ sang chuyện kia, liên tu bất tận, cả bốn người thấy thế, dần dà cũng thấy nhẹ nhõm, rồi ngày ngày lại bị Cốc Chẩn phục rượu, diễn trò hý lộng lúc say sưa, trước khi đến Nghĩa Ô, cả năm đều đã làm quen được với rượu, sau chừng hai chén, đều đã trở nên thân thiết với Cốc Chẩn tựa huynh đệ lâu năm.

Họ đến Nghĩa Ô vào đêm khuya, sớm bữa sau, Thích Kế Quang cho triệu tập quân sĩ, điểm binh bên bờ đông của sông Dương Giang. Trời cao trong xanh, dòng sông như dải lụa, xa xa mấy rặng núi phủ mây trắng đứng sừng sựng như thành trì. Ven bờ sông là một bãi cát rộng, thấy đứng đen kịt ba ngàn tướng sĩ, tiếng trống thì thụp như sấm động, cờ xí tung bay phất phới. Thích Kế Quang cho phất lá cờ lệnh, tiếng quân sĩ hô vang rung chuyển trời đất, lay động toàn cảnh vật.

Lục Tiệm chăm chú quan sát, bên trong hàng quân, trừ các tiểu tướng mình vận giáp trụ, quân lính toàn gốc gác nông dân, da đen nhẻm, quần áo tơi tả, chân đi hài bện bằng cỏ, trong tay là gậy gỗ, thương mâu bằng tre trúc. Tuy trang bị thật giản dị, hàng ngũ lại rất chỉnh tề, một hô, trăm đáp, không hề có chút rối loạn. Lục Tiệm, Cốc Chẩn đưa mắt nhìn nhau, thầm nhè nhẹ gật đầu tán thưởng.

Thích Kế Quang điểm danh sĩ tốt xong, nhìn Lục Tiệm hỏi: "Các quân sĩ này đều tuyển từ các vùng khai thác quặng mỏ lân cận, tuy chất phác, nhưng rất có kỷ luật. Mấy ngày gần đây, ta đã chiếu theo địa hình đông nam, tập luyện họ các chiến pháp đối địch bọn oa nhân, ta có lập ra một thế trận gọi tên 'Âm Dương trận', hai đệ có muốn xem qua không?"

Lục Tiệm cười,đáp: "Cầu còn không được!". Thích Kế Quang buông tiếng cười, cao giọng gọi, "Vương Như Long". Từ giữa hàng quân, có tiếng đáp ứng, rồi một người bước ra, thân hình cao vừa tầm, nhưng thể lực rắn rỏi, đôi mắt sáng có thần, tựa như mắt hổ dữ chiếu vào sơn dương, toàn thân y tràn ngập khí thế.

Thích Kế Quang dõi nhìn y, cười nụ, rồi bảo: "Vương Như Long, ngươi thường ngày hay khoe có sức lực mạnh mẽ, võ nghệ tinh thông, có ý xem thường người khác, phải vậy không?"

"Ai bảo thế?", Vương Như Long ngoác miệng ra cười, "Tiểu nhân, đời này có một người mà tiểu nhân rất bội phục, chính là Thích đại nhân ngài đó." Y mở miệng nói to, tiếng y sang sảng như tiếng chuông, Cốc Chẩn bất giác thấy vui vui, nghĩ bụng: "Cái tên này giọng oang oang như cóc gầm, khẩu khí cũng không tồi."

Lại nghe Thích Kế Quang bảo: "Ngươi hãy khoan lớn lối đã, hôm nay, ta có triệu đến đây một người giỏi, ngươi có dám thử sức với ông ta không?" Vương Như Long đáp: "Được lắm, Vương Như Long bổn sự không nhiều, nhưng thừa đảm lượng!" Thích Kế Quang quay qua Lục Tiệm hỏi: "Đệ thấy y lớn lối. có thể thay ta giáo huấn y một phen cho đẹp không?"

Vương Như Long đưa mắt đánh gía Lục Tiệm, miệng không nói gì, nhưng trong lòng nghĩ thầm, nét mặt lộ ra vẻ coi thường: "Cái tên thiếu niên này, mặt mày chẳng có gì là kinh người cả, ốm nhom ốm nhách, không hiểu có bao nhiêu bản sự?" Y lập tức cởi áo, cung tay vào thế. Thích Kế Quang hỏi: "Ngươi làm gì vậy?" Vương Như Long ngạc nhiên hỏi lại: "Chẳng phải là so tài với nhau sao?". Thích Kế Quang đáp: "Đúng là có so tài, nhưng không phải một chọi một! Ngươi hãy thống lĩnh mười huynh đệ khác, lập 'Âm Dương trận' để so tài"

Vương Như Long sững người, la lớn: "Sao thế được? Mười một chọi một, mà lại còn dùng trận pháp nữa?" Thích Kế Quang bảo: "Đúng thế!". Vương Như Long nhảy lui ra ba bước, ôm ồm lớn tiếng: "Không dược! Không được! Như thế là không công bình!" Thích Kế Quang chau mày, hỏi: "Tên tiểu tử nhà ngươi chẳng biết lợi hại là gì, chỉ nói nhăng, dám trái lệnh ta à?"

Trong hàng quân có tiếng ồn ào nghị luận, nghe rì rầm Vương Như Long liếc nhìn Lục Tiệm, đôi gò má y đỏ bừng, khí nóng dồn lên đầu, gã lớn tiếng nói: "Thích đại nhân, tiểu tốt có một thỉnh nguyện!". Thích Kế Quang mặt như chàm đổ, "Quân lệnh như sơn, ngươi dám kháng mệnh ư?" Vương Như Long ngẩng cao đầu, đáp: "Ngài không khứng lời, xin cứ cho lôi ra chém đầu tiểu tốt là xong!" Thích Kế Quang vừa giận, vừa tức cười, bảo "Được rồi, ngươi đã có điều kiện, ta cho nói ra, nếu không hợp lý, xem xem ta có cho chặt phăng cái đầu đó xuống không thì biết!"

Vương Như Long dòm vào Lục Tiệm, đáp: "Tôi muốn cùng y tỷ thí khí lực, nếu y thắng được tôi, tôi sẽ cùng các huynh đệ chọi với y sau."

"Tỷ thí khí lực?" Thích Kế Quang hỏi, "Tỷ thí như thế nào?". Vương Như Long nhếch mép, đáp: "Xây tháp.... Tháp ai cao, người đó thắng!" Y vừa dứt lời, lập tức có tiếng phụ hoạ của cả ba ngàn con người, tiếng vỗ tay, reo hò: "Đúng... Đúng.... Chơi xây tháp, chơi xây tháp!" Ngàn người cùng một giọng, tiếng ầm ầm như núi đổ!

Thích Kế Quang bị bất ngờ, đôi mày hơi cau lại, quay sang ngó Lục Tiệm. Lục Tiệm chưa kjp trả lời y, Cốc Chẩn đã hớt vào: "Đấu thì đấu, Núi chưa so tài, chưa biết núi nào cao, sông chưa đọ sức, chưa biết sông nào sâu!". Lục Tiệm vốn chẳng muốn khoe khoang, nghe Cốc Chẩn bảo vậy, không tiện nói ngược lại, gã chỉ đành gật đầu.

Vương Như Long cởi trần trùng trục, cơ bắp cuồn cuộn, y rảo bước đến bên bờ sông. Vách đá ven sông bị xói mòn nhiều đời, đã sụp đổ nhiều tảng lớn có, nhỏ có, nằm rải rác ven bờ nước, tảng lớn nặng trên ngàn cân, tảng nhỏ cũng vài trăm cân có dư.

Vương Như Long đến bên một tảng cao ngang đầu người, khom mình xuống, quát lên một tiếng, khối cự thạch đã bị y nâng lên, chợt nghe rộ lên tiếng quân sĩ reo hò từ trong hàng quân. Lục Tiệm cũng biến sắc, gã nghĩ thầm: "Khối đá đó sợ nặng trên dưới ngàn cân, người này khí lực thật mạnh mẽ khác thường!"

Vương Như Long nâng tảng đá đi bẩy tám bước, quẳng khối cự thạch ven bờ sông, rôi chuyển thân, đi đến khuân một khối đá khác nhỏ hơn, đem đến đặt trên tảng đá to. Một chặp sau, đi đi về về, hắn ta đã bưng được ba tảng đá, xếp chồng lên nhau, cao như một toà tháp, vượt trên cái đầu Vương Như Long chừng hai xích. Rồi sau đó, lại thấy Vương Như Long ôm về một tảng đá khác cỡ chừng bốn năm trăm cân, đi đến trước tòa tháp, y xuống tấn Mã bộ, quát một tiếng trầm trầm, hai tay vụt cử khối đá lên cao, nghe rầm một tiếng, đã ném, đặt nó nằm chễm chệ trên đỉnh tháp.

Cốc Chẩn lè lưỡi, kêu lên: "Chu choa! Cái đó không thể nào làm được bằng sức mạnh tự nhiên trời cho đâu!" Lục Tiệm khẽ gật đầu, tự nhủ: "Cái ông Vương tiểu tướng này kiêm đủ hai môn nội ngoại công phu, rõ ràng là một cao thủ võ học."

Tiếng kêu chưa dứt, đã thấy Vương Như Long lại ôm một tảng đá nữa, nhấc bổng, tung nó lên cao, nghe ầm một tiếng, tảng đá đã yên vị trên đỉnh tháp. Phải biết rằng, nâng tảng đá lên, chính là dùng sức bản thân, nhưng ném nó tung lên, cần một nửa là sức mình, nửa kia phải nhờ vào xảo kình của nội lực vận lên từ lồng ngực, bằng không, chẳng thể nào chỉ trông sức bản thân mà có thể tung lên, tảng đá đạt vừa tầm, không cao, không thấp, không nghiêng không lệch, không chao đảo, đặt đúng bằng bặn ngay vào đỉnh tháp, phải tính toán khéo léo phương vị, lực dùng...Nếu không, tảng đá ở cao trên không sẽ chao đảo, lúc rơi xuống, sẽ va chạm mạnh với góc độ lệch lạc vào tảng đá đầu tháp, dễ đưa đến làm lung lay, đổ xiên đổ vẹo cả toà tháp. Vương Như Long cử chỉ ôm, ném xem ra nhẹ nhàng dễ dàng, nhưng với con mắt đại hành gia, Cốc Chẩn và Lục Tiệm đều đã nhìn thấy các ảo diệu bên trong, trong lòng cả hai đều không khỏi kinh ngạc.

Sau một lúc, chỉ thấy Vương Như Long liên tục nâng và tung đá, toà tháp mỗi lúc một cao dần, sau một khắc, đã lên đến độ cao chừng bốn trượng, thẳng tắp như tháp bút. Mà tháp càng lên cao, sự sắp xếp đặt đá lên đỉnh càng khó hơn, chỉ cần nghiêng ngửa một chút, toà tháp sẽ đổ ập xuống, cho nên khối lượng các tảng đá giảm dần, đi từ bốn trăm cân lúc đầu xuống còn chừng trăm cân, gã dùng tận lực, đã thấy mồ hôi chảy xuống ròng ròng như mưa, mặt đỏ bừng, gân xanh trên cổ nổi rõ, hơi thở dồn dập.

Khối đá thứ chín vừa đặt xong, Vương Như Long gót chân lảo đảo, lui lại vài bước, ngồi bệt xuống, nói: "Xem chừng, tôi đã không đủ sức làm cho tốt như đã có ý định!". Mọi người hết sức kính phục, không ngớt vỗ tay hò reo khích lệ. Vương Như Long dõi nhìn sắc mặt Lục Tiệm, không nói ra miệng, nhưng vẻ mặt đầy nét khiêu khích, thách thức. Thích Kế Quang cũng ngó Lục Tiệm, miệng không nói gì, nhưng ánh mắt lộ vẻ thập phần lo âu.

Lục Tiệm chẳng thay đổi thanh sắc, bước đến gần toà tháp, cười, nói: "Cho ta mượn huynh vài tảng đá nhé!" Chẳng chờ Vương Như Long trả lời, gã đã ngầm vận Đại Kim Cương thần lực, song chưởng kéo, đẩy, luồng kình lực chợt điểm vào chân toà tháp, một trong những tảng đá làm đế bỗng bị đẩy dịch ra ngoài, đỉnh tháp vụt thấp xuống, nhưng toà tháp chẳng thấy lay động, chẳng khua vang một tiếng nào cả.

Nhìn chuyện kinh thế hãi tục đó, Vương Như Long trợn tròn đôi mắt, vẻ mặt kinh hãi, còn toàn thể quân lính đều sững sờ, trong khắp cả đội quân binh, không nghe lấy một tiếng động!

"Cạch", một tiếng, song chưởng của Lục Tiệm lại kéo, đẩy, một phiến đá làm nền đã lại bị đẩy ra, các tảng bên trên tuyệt chẳng máy động. Sau một lúc, chỉ thấy dường như Lục Tiệm đang dàn các quân bài đô-mi-nô bằng sừng, từng tảng đá một được đẩy ra khỏi tháp, độ cao toà tháp cứ giảm dần, cuối cùng, đã thấy sắp la liệt chín tảng đá ra chung quanh đấy!

"Mấy tảng đá đã mượn xong", Lục Tiệm nói, "Tiểu tử ta vụng về, cũng xin xây chơi một toà tháp bằng đá!". Lập tức chọn tảng đá bé nhất làm nền, tuần tự đặt các tảng lớn dần lên trên, như vậy, sau tảng cuối cùng. một tòa tháp sẽ làm xong, ngược chiều với toà tháp của Vương Như Long, giống như là đã lấy toà tháp của Vương Như Long mà xoay lại, đặt đỉnh xuống dưới, đáy tháp hướng lên trên.

Lục Tiệm sử "Đại Kim Cương thần lực" dung hoà với "Thiên Kiếp Ngự Bình pháp", xảo kình thi triển đến mức đăng phong tạo cực, đá cứ sắp bằng bặn hòn nọ tiếp hòn kia, vừa rất nhanh, vừa rất ổn định, mỗi lúc một cao, chẳng mấy chốc, đôi cánh tay Lục Tiệm chập lại, nâng khối đá to nhất nặng độ ngàn cân tung lên cao, khối đá kêu ầm một tiếng, đã rơi nằm chễm chệ lên trên cùng, chôn sâu tảng đá nhỏ nhất bên dưới vào lòng đất. Lúc đó, toàn thể tướng sĩ đều chăm chú vào đấy, vỗ tay rầm rầm như sấm động. Thích Kế Quang rảo bước đến cạnh Lục Tiệm, nắm tay gã, mắt chăm chú nhìn vào Lục Tiệm một lúc lâu, rồi cười, bảo: "Nhị đệ, cái bổn sự đó, ngoài đệ, chắc chỉ thấy nơi người nhà trời!"

Lục Tiệm gò má chợt đỏ bừng, vội đáp: "Rồi đó, theo như thoả thuận xây tháp, tháp ai cao thì người đó thắng, bây giờ dùng tất cả chín tảng, ta thấy hình như ta thua, Như huynh đây đã thắng!" Lời gã chưa dứt, Vương Như Long đang ngồi bệt, vụt chồm dậy, mồm năm miệng mười, la lớn: "Nói bậy! Nói bậy! Tôi nói ai cao thì thắng, đó là nói xây tháp từ lớn dưới, đến nhỏ trên, công tử nhà ta đây, xây tháp từ nhỏ đến lớn, cái nghề xây tháp như vậy, Vương Như Long tôi ngàn vạn lần chẳng thể làm nổi!". Nói xong, y quỳ ngay xuống, dập đầu bái phục. Lục Tiệm vội tiến đến đỡ y đứng lên, nói: "Như huynh đâu cần vái lạy ta như thế!"

Vương Như Long đáp: "Công tử gia đây không rõ, hồi tôi còn bé, có gặp một đạo sĩ núi Hoa Sơn, ngài đã truyền nghề cho tôi được hai tháng, rồi có việc phải ra đi. Lúc chia tay, ngài nói công phu vừa truyền cho tôi tên là 'Cự Linh huyền công', vốn xuất phát từ huyền môn, nếu tôi chịu khó luyện tập,chỉ cần mười năm thôi, sức lực sẽ tăng tiến vô cùng, không có địch thủ. Chỉ là trong tương lai, lúc gặp truyền nhân của Kim Cương Môn, tuyệt đối, tuyệt chớ đem lòng tranh đua, phải hết lòng cung kính người đó. Công tử gia đây đã thi triển thần công kinh người như vậy, nhất định phải là truyền nhân của Kim Cương Môn rồi!"

Lục Tiệm ngạc nhiên khi nghe y nói, gật đầu, bảo: "Đúng thế!" Vương Như Long quá sức mừng rỡ, lại muốn quỳ xuống, nhưng đã bị Lục Tiệm ngăn lại, cười cười, bảo y: "Như huynh, chuyện đó rồi sẽ bàn sau, bây giờ, quân lệnh như sơn, hãy cho ta được thử qua 'Âm Dương trận pháp' cuả huynh đi!"

Vương Như Long chấn động tinh thần, cho người đem từ trong hàng quân ra một cây tre lớn, hãy còn cành lá xum xuê bên trên. Lại cho đòi hai tên quân sĩ, trong tay mỗi người cũng có cây tre, cùng Vương Như Long tạo thành hình thế như cái sừng trâu, đàng trước ba cây tre, có sắp đặt quân lính trang bị mộc thuẫn, mộc đao, đàng sau đó, có hai quân lính tay cầm trường thương, có hai người sử đinh ba. Trận thế lấy ba cây tre làm chủ, triển khai hai bên tả hữu, ra dáng một con chim đại bàng tung cánh.

Cốc Chẩn thoáng nhìn qua, gã chẳng nhịn được, cười rộ lên. Thích Kế Quang nghe tiếng cười, quay lại hỏi: "Sao Cốc huynh đệ lại cười?" Cốc Chẩn đáp: "Cái trận pháp này, chưa biết uy lực sẽ ra sao, nhưng dòm sơ qua, thấy coi bộ không đẹp mắt lắm!". Thích Kế Quang cười, đáp: "Cốc huynh đệ có điều còn chưa rõ, phàm các công chuyện đem dùng đều không cần xem cho đẹp mắt, nếu đẹp mắt thì lại chẳng có công dụng gì, trận pháp này, xem qua thấy có vẻ vụng về, nhưng thật rất hữu hiệu!". Cốc Chẩn giơ hai ngón cái lên, bảo: "Hai câu của Thích huynh đó, đúng là chân ngôn truyền lại từ ngàn xưa!"

Lục Tiệm quan sát trận thế một lúc, thắc mắc: "Đại ca, mấy cây tre đó..." Thích Kế Quang đáp: "Cây tre đầu, chính là cây tre chủ động của hai cây kia, xa thì thủ, gần thì công, rất công hiệu, đó là cửa ngõ chính của cái trận Âm Dương này, tại không tìm ra tên nào hay hơn, ta đành gọi nó là 'Lang Tiển', Lang sói là con vật cực hung, TIỂN hàm ý làm cây chổi càn quét!"

"Tên hay đấy!", Cốc Chẩn vỗ tay khen, "Vưà giống như lang sói tấn công, vừa như cây chổi chà quét sạnh, đem càn quét bọn oa khấu một phát là sạch trơn!"
Tác giả : Phượng Ca
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại