Thiêu
Chương 13
Một lúc sau, hai y tá mới gõ cửa vào phòng, chưa hiểu rõ được tình hình ở trong phòng.
Nên là, Lam Sơn liếc mắt nhìn họ một cái, hỏi lương cùng tiền thưởng của họ, dùng giọng điệu khách khí mà dịu dàng giải thích rằng trước khi chuyển viện bà còn cần người chiếu cố.
Nhưng tôi đây yêu cầu rất hà khắc, bà ở đây phải ăn ngon mặc đẹp ngủ tốt, phải có người kể chuyện cho bà nghe, sáng thì đẩy bà ra sau hoa viên đi dạo phơi nắng.
Tôi không cần biết hai người làm sao xử lý hết đống việc khác, nhưng phải luôn đáp ứng điều kiện phòng bệnh này đề ra.
Hai người cũng phải giám sát, đốc thúc lẫn nhau, một khi người nào đó có hành vi lời nói chỉ cần sai sót một chút, người còn lại cứ trực tiếp báo cáo, tôi có tiền thưởng.
Lam Sơn nhìn tôi, tôi lập tức lôi tiền trong bao ra.
Nhưng nói thật tôi là một đứa nghèo rớt mồng tơi chỉ học vẹt được cái cách ném tiền lên bàn mà từng xem ở trên tivi thôi, tay của tôi đang run, chỉ có Lam Sơn phát hiện ra.
Nhưng chị ấy không nói gì, lắc lư điếu thuốc giữa hai ngón tay, ánh mắt không dính chặt vào bọn họ nữa, nhàn nhạt nói: "Bao nhiêu tiền thì mới làm tốt được việc tôi đề ra, hai người tự bàn đi."
Đến lần thứ ba tôi thò tay vào áo thì hai người họ bắt đầu đối mắt nhìn nhau, lần thứ năm lôi tiền ra thì có một người run lên bần bật nói đủ rồi, thật sự nhiều quá rồi.
Lam Sơn cười, giọng điệu nhẹ tênh nói tiền ở trên bàn đều thuộc về hai người, sau này làm tốt tôi còn đưa tiếp, bây giờ có thể giúp tôi tìm một chiếc xe lăn và tấm thảm lông được không.
Lúc này làm gì có ai dám không phục tùng mệnh lệnh của Lam Sơn đây, hai người họ hoang mang mà đi ra ngoài.
Y tá Lý cũng muốn đi, nhưng cô ta cách gần bàn quá, vừa nhấc người thì va lệch cả bàn, những tờ tiền đỏ tươi vương vãi rơi khắp sàn, gió ngoài cửa sổ thổi phồng lên, tiền bay tứ tung loạn xạ.
Lam Sơn mở nửa con mắt nhìn cô ta, ngữ khí nhàn nhạt: Nhặt.
Tôi lạnh lùng nhìn cô y tá nhỏ bé nhẫn nhục nhặt từng tờ từng tờ in hình bác Mao lên, trong lòng có bao nhiêu sảng khoái.
Cô ta nhặt xong không chào hỏi lấy câu liền đi luôn rồi, Lam Sơn không ngăn cô ta cũng không làm khó cô ta nữa, nở một nụ cười kỳ quái khó hiểu, giống như một con côn trùng nhỏ bé thấp hèn.
Nửa tiếng sau Lam Sơn đẩy bà ra sau vườn hoa đi dạo, trò chuyện cùng bà, đại đa số thời gian là chị ấy im lặng không nói gì.
Lam Sơn mệt rồi không đẩy xe lăn nữa, để bà ngồi yên bên ngoài tắm nắng, tôi và chị ấy ngồi ở trong sân đình cách đó không xa nghỉ ngơi.
Tôi cảm thấy lúc này Lam Sơn vẫn chưa thu đao lại, nhưng trên người chị ấy lại tồn tại một làn khói mờ mịt, như một vị thần tối cao lại giống như một vị anh hùng tuổi đã xế chiều không còn nhà để quay về.
Lần gần nhất tôi nhìn thấy một Lam Sơn như vậy là lần trước ánh đèn hồng ở quầy bar đó, khi đó sự mệt mỏi chán chường hiện đầy lên mặt chị ấy, còn tôi thì quang minh chính đại mà đi quan tâm.
Hiện tại Lam Sơn giấu kín không một kẽ hở, đẩy tôi ra xa đến nghìn vạn dặm.
Vì vậy tôi không dám động cũng không dám lên tiếng, tôi sợ tôi vừa mở miệng Lam Sơn liền đuổi tôi đi.
Nhưng tôi càng sợ Lam Sơn khóc hơn.
Tôi nghĩ một lúc, tôi vẫn chưa từng nhìn thấy Lam Sơn khóc, thế thì trong mắt tôi nó có khác gì với tận thế chứ?
Tôi vẫn đang suy nghĩ linh tinh, Lam Sơn ấy thế mà lại mở miệng trước, nhìn sang tôi, hỏi, có phải hôm nay tôi rất dữ không.
Tôi muốn chọc chị ấy vui, nên giọng điệu nhanh nhẹn: "Không có, chị giống kiểu nhà giàu mới nổi ấy."
"Nhà giàu mới nổi không tốt sao?"
"Kiểu nhà giàu mới nổi có tình có nghĩa như chị đây, nhân gian lấy đâu ra hồi báo nữa."
Lam Sơn quả nhiên cười rồi, nói nhìn sau lưng em kìa.
Ban ngày ban mặt còn dọa ma ai, nhưng tôi vẫn phối hợp quay đầu mà nhìn, nói có gì đâu nào.
Lam Sơn nói, không thấy cái đuôi sao? Sau đó chị ấy sáp lại gần nói: Châu Châu, em giống một chú cún Pug chỉ điên cuồng vẫy đuôi với tôi thôi.
Đậu xanh, tôi lại tức giận, nhưng không phải tức cái chuyện này.
Tôi nói giờ chị mới phát hiện ra à?
Lam Sơn ngây người, tôi rất chi là hiểu chuyện mà dán người lên chị ấy,kêu gâu gâu hai tiếng.
Lam Sơn liền ôm bụng cười lăn lộn.
Chị ấy cười là tốt rồi, tôi nói chị cười đểu em, em không chơi với chị nữa, em đi chơi với bà ngoại, bà ngoại mới không bắt nạt em, hừ.
Tôi nhiều chuyện hơn Lam Sơn một chút, cũng không quản bà ngoại có nghe hiểu hay không, một đường ríu ra ríu rít trò chuyện với bà.
Nói với bà đây là hoa gì kia là loài chim gì, nhưng bản thân tôi cũng không biết nha, chỉ có thể cầm lấy điện thoại, gặp thứ gì không biết thì dùng app quét một cái, sau đó phổ cập kiến thức lại cho bà, đi được một vòng thì tôi cũng cảm giác được mình như đang bơi lội trong vùng biển kiến thức, tinh thần tỉnh táo hẳn ra.
Chúng tôi vòng lại sân đình, mặt trời cũng vừa lặn, bà ngoại hình như rất thích hoàng hôn, ngửa đầu lên xem.
Tôi hiểu được ý của bà mà dừng lại, cùng bà ngắm nhìn mây trôi về trời.
Trời sắp tối rồi, tôi muốn đẩy bà đi, bà lại chỉ lên trên trời, thả ra hai chữ.
Phi Quang.
Cái tên này nghe rất quen, nhưng nhất thời tôi nhớ không ra.
Tôi muốn hỏi Lam Sơn, nên quay đầu tìm chị ấy.
Lam Sơn đứng dựa vào cái cột gỗ sơn màu đỏ nơi đầu hành lang dài, dáng người chị ấy cao ráo mảnh khảnh.
Tôi nhìn vào chiếc cổ mảnh mai duyên dáng của chị ấy giống như một con thiên nga đang chờ được chết, chị ấy làm tôi nhớ đến thước phim bi kịch Thiên nga trong hồ nước của Nureyev.
Là chú thiên nga trắng hoặc cũng có thể là con thiên nga đen đứng im lặng trước cổng cung đình ngày đêm trông ngóng, sau đó bức rèm sân khấu nặng nề từ từ khép lại, kiềm nén đến ngạt thở.
Trên đường trở về Lam Sơn ngồi ở đằng sau ôm lấy tôi, nói em đưa tôi ra bên ngoài hóng gió chút nhé.
Tôi đối Lam Sơn thật sự kiểu xin gì được nấy, đáp ứng một tiếng rồi chở chị ấy ra ngoại ô.
Chị ấy cứ ôm tôi mà chẳng nói một lời, tôi nghĩ không thể để chị ấy cứ trầm mặc như chết vậy được, thế nên tôi tìm chuyện để nói.
"Phi Quang là gì?"
"Giải thưởng vinh dự to lớn nhất thế giới, đối với một người mẫu mà nói, có thể chạm tay vào nó thôi thì chết cũng nhắm mắt." Lam Sơn nói rồi hỏi lại tôi, "Làm trong ngành thời trang, mà đến cái này cũng không biết?"
"Đâu có, chỉ là tự nhiên quên mất." Tôi lý lẽ hùng hồn vặn lại, "Nói cầm được nó chết cũng nhắm mắt cũng quá rồi, thật sự quan trọng đến vậy sao?"
"Nói như vậy cũng hơi quá, bởi vì nhắc đến Phi Quang thì chỉ có mẹ tôi người còn cách một bước thôi là có được nó, mới không thể nhắm mắt xuôi tay được."
Tôi trầm mặc, từ giọng điệu điềm tĩnh của Lam Sơn, tôi nhìn ra được lấy được Phi Quang là kế hoạch tương lai chị ấy đã vạch ra từ lâu, dù cách thiên đao vạn dặm núi lửa trập trùng cũng phải lao về phía trước.
Suy cho cùng thì di hận của mẹ vẫn nặng nề quá, một Lam Sơn có thể gánh vác di hận này dũng cảm hơn hàng nghìn hàng vạn lần so với tưởng tượng của tôi.
Tôi muốn nói lời xin lỗi, nhưng Lam Sơn từ kính chiếu hậu cười với tôi, lắc nhẹ đầu, lần nữa chôn đầu vào sau lưng tôi.
Một lúc sau, Lam Sơn nói với tôi, hôm nay làm trò cười trước mặt em rồi.
Tôi cười bảo không sao mà, nói may mà chị đưa em đi cùng, không thì một mình chị phải chịu ủy khuất rồi.
Lam Sơn phì cười, nói em còn non hơn tôi nhiều, ai dám bắt nạt tôi.
Đậu xanh, tôi nhịn, không muốn nhắc đến cái này nữa, thế nên chuyển sang chuyện khác: Chị hôm nay hỏi em có thuốc không, chị hút thuốc hả?
Lam Sơn nói không phải, chị ấy không hút thuốc.
Chỉ là trong trường hợp đó, ngậm lấy điếu thuốc thì nhìn sẽ hung hăng hơn.
Chà chà, người mẫu đích thực là đây chứ đâu, biết trọng dụng từng đạo cụ nhỏ nhất nha.
Lam Sơn đột nhiên lại hỏi tôi có hút thuốc không, tôi nói không, chị xem hôm nay chị nói muốn hút thuốc, một Doraemon như em đây còn không lôi ra được cho chị đấy thôi.
Lam Sơn cười nói thế thì tốt, không hút là tốt rồi.
Tôi không biết chị ấy bị làm sao nữa, cứ bám dính lấy cái chuyện này không buông, nói đi nói lại mấy chục lần Châu Châu em không được phép hút thuốc, ngàn vạn lần đừng hút thuốc.
Hút thuốc là tôi không hôn em nữa đâu đấy, tôi ghét mùi thuốc lá, vì vậy em mà hút thuốc là tôi ghét em luôn đấy, em nghe rõ chưa?
Lam Sơn mà không thân mật với tôi thì đúng là tận thế.
Tôi gật đầu một cái, nói dạ.
Tôi nghe được thanh âm nghẹn ngào như sắp khóc của chị ấy.
Tôi im lặng lái xe về phía trước, cứ đi mãi.
Đèn đường hư làm tôi có một loại ảo giác đang lao về rìa bên kia thế giới, chúng tôi đi vào ngã rẽ xong lao vào đường hầm, trước khi vào miệng con rắn to dài đèn đuốc sáng trưng thì tôi nghe thấy tiếng sấm đánh bên kia trời.
Tôi giảm tốc độ xuống nói công chúa điện hạ kính yêu của tôi ơi, trời sắp mưa rồi, còn không về nhà hả?
Chị ấy víu lấy áo của tôi không chịu nhấc đầu lên, hoàn toàn không quan tâm đến nửa sau câu nói của tôi, hỏi không phải nữ vương sao?
Tôi nói vậy chị muốn em kính chị, hay muốn em yêu chị?
Câu trả lời của chị ấy vào giây phút tôi lao ra khỏi đường hầm hòa lẫn vào âm thanh động cơ cùng với tiếng sấm.
Lại lái xe thêm mười phút tôi chọn cách phớt lờ lướt qua ngã rẽ đầu tiên, cách ngã rẽ về nhà tiếp theo còn phải nửa tiếng đi xe nữa.
Trời bắt đầu mưa rồi, từ mưa lăn phăn đến mưa rơi xối xả, tôi bị nước mưa thấm ướt lạnh cả người, chỉ có một vùng nhỏ nơi mà Lam Sơn kề má là ấm áp, ở đó nước mưa có chút nóng.
Khoảng khắc ấy tôi chợt ngộ ra một điều, tình yêu và hận thù sinh sôi hay tan biến đều có nguyên do của nó.
Cũng giống như tôi biết rằng chạy xe dưới trời mưa là chuyện lãng mạn chỉ dành cho thời niên thiếu, nhưng tôi vẫn cố chấp bỏ qua ngã rẽ thứ nhất, cho dù ngã rẽ về nhà tiếp theo phải chạy thêm nửa tiếng nữa.
Cũng trong lúc này, tôi quyết định sẽ giúp Lam Sơn ngồi trên đỉnh cao sáng rọi nhất thế giới, trả giá đắt thế nào đi chăng nữa cũng đáng.
Chỉ cần Lam Sơn nói muốn tôi liền đưa, thậm chí tôi còn cam tâm tình nguyện chết vì chị ấy.
Nhưng tất cả cái nguyên do oanh liệt này lại đơn giản đến mức nực cười, bởi vì giây phút rời đường hầm đó Lam Sơn nói.
Tôi muốn em yêu tôi..