The Khải Huyền
Quyển 2 - Chương 1-6: Mangrove forest – Rừng ngập mặn (6)

The Khải Huyền

Quyển 2 - Chương 1-6: Mangrove forest – Rừng ngập mặn (6)

Đoạn đường hơn 4 cây số, con bé Nguyên nói là phải đi theo hướng này, xong thế này, rồi như này nữa là đến nhưng ai ngờ lại còn vất vả hơn lên núi đao xuống biển lửa. Sau vài trăm mét đường mòn trong rừng khô ráo thì chúng tôi phải đi xuyên  qua 1 cánh đồng lúa cũ ẩm ướt nay đã mọc đầy lau sậy, cả rừng lau cao quá đầu che chắn tầm nhìn, chỉ thấy đường đi vào mà không thấy đường ra. Trước đây 2 đứa nó cũng chỉ tiễn cha tới đây là hết, vào trong đó đi như thế nào đành phải nhờ vào tài vạch dấu tìm vết của tôi.

Con đường là bờ bao giữa những thửa ruộng, đã bao lâu không ai đi, cỏ cây mọc chi chít đến cái chỗ đặt chân cũng không có, đã vậy lại đầy muỗi vắt. Lúc đầu tôi dẫn đoàn còn kiên trì phạt cây chặt cỏ, đi 1 lúc cũng chỉ còn có nước đưa thân lách mình để đi qua. Dấu vết không để lại gì nhiều, tôi chỉ biết định hướng bằng mặt trời rồi cứ thế mà dò dẫm.

Đi 1 lúc mặt đất ẩm ướt từ từ chuyển thành bùn lấy rồi sâm sấp nước lúc nào không hay, khổ thân thằng Vinh, què 1 cẳng nên trọng lực dồn hết vào cẳng chân còn lại khiến cho mỗi bước của nó  lún sâu vào bùn hơn, cây gậy chống cũng trở nên vô dụng. Di chuyển khó khăn nên tôi cũng chỉ còn biết  đạp vào thân lau cho nó ngã xuống, sau đó 2 thằng chúng nó dìu nhau dẫm theo cho đỡ lún.

Không lâu sau thì rừng lau sậy cũng thưa dần thay bằng những tán cây lưa thưa, dưới chân bây giờ toàn nước là nước đến bắp chân. Ráng đi 1 lúc cho tới khi Thằng Vinh không thể di chuyển được nữa cả đám mới đứng đực ra đó mà tìm cách. Nhìn thấy xa xa có cái gò đất với mấy cây chuối, tôi với thằng Hoàng liền đến chặt hạ 2 thân. Thân chuối to lại dễ nổi nhưng mà nước thì nông còn đường thì nhỏ, chúng tôi phải xẻ đôi chúng ra xong nghép 3 miếng nửa thân thành một bằng mấy thanh tre chặt được gần đó. Coi cũng ổn ổn liền đẩy xuống nước ai ngờ cái bè chuối nay tốt hơn dự kiến, thằng Vinh ngồi lên không bị chìm mà còn đủ sức chở đồ cho cả bọn.

Tôi vẫn dẫn đoàn, thằng Hoàng và Lâm xỏ dây vào bè kéo thằng Vinh đi từng chút một. Ban đầu những cây bần còn lưa thưa nay đã thành rừng, thứ cây mọc dưới nước, rể lại mọc ngược lên trên tua tủa sắc nhọn như chông, ai không may ngã vào chắc chắn sẽ lủng lỗ chỗ không khác gì bị dính bẫy. Trong cánh rừng hướng nào cũng như hướng nào, tán cây che khuất mặt trời  nên rất dễ bị lạc, cũng may ông chú kia lúc trước đi đã phạt sạch những cái rễ sắc nhọn tạo thành dấu vết đặc biệt, chúng tôi cứ thế mà đi theo.

Đây gọi là con đường có lẽ cũng không phải, nói là con kênh thì đúng hơn, có điều con kênh cạn này đường đi lắt léo như rắn bò vì phải luồn lách qua vô số những đám gai nhọn tua tủa. Chúng tôi cứ thế mà đi, tôi thì lo dẫn đường, 2 đứa nhóc kia vẫn thất thần vô hồn gằm mặt bước đi, thằng Hoàng đang phồng mang trợn má mà kéo cái bè chuối. Bè thì không nặng, nhưng kéo thế nào cho nó khỏi va chỗ này đụng chỗ kia mới là vấn đề vì đường đi khá ngoằn nghèo. Tưởng như thằng Vinh an nhàn nhất, hóa ra vẫn phải cầm gậy chống chỗ này, đẩy chỗ kia cho mau mau để theo kịp chúng tôi, khổ nổi nó đẩy qua bên này thằng Hoàng lại kéo qua bên kia, không khỏi cãi nhau ỏm tỏi.

Cứ đi rồi sẽ đến, sau 1 hồi mướt mồ hôi thì rừng bần cũng lui dần ra sau, con sông đã hiện ra trước mắt sẫm màu phù sa chầm chậm trôi lững lờ. Trời đã về chiều, trên đầu chúng tôi những đám mây đã trở thành màu gạch từ bao giờ, cảnh đẹp là thế nhưng ai biết được ẩn trong lòng sông là những thứ hiểm nguy gì.

-Xuống để ở đâu em có biết không? Tôi nuốt nước bọt trong cái cổ họng khô khan rồi cất tiếng chấm dứt cái chuối im lặng từ nãy đến giờ.

Nó không nói, nhìn quanh 1 hồi rồi giơ cái mã tấu chỉ về bờ kênh, lẫn khuất trong đám cây là con xuồng cũ được neo lỏng lẽo đang dập dềnh theo nhịp sóng. Tôi bảo cả bọn đứng 1 chỗ rồi lội ra lấy, mới đi được mấy bước liền thấy nước sâu hẳn, tới được con xuồng thì nước đã quá ngực.

Biết chắc trèo lên ngang mạng xuồng kiểu gì nó cũng lật nên tôi bám lên cành cây rồi nhảy vào, con xuồng dài gần 4 mét, chắc cũng vừa đủ cho 5 người ngồi. Bình sinh tôi vốn không ở vùng sông nước, tháo được dây neo cầm mái chèo khua khoắng 1 hồi mà con thuyền cứ quay mòng mòng. Nhìn tôi vất vả cả đảm trong kia cũng không khỏi bật cười, thấy tôi mãi không xong con Bé Nguyên liền bơi ra, nó lắp chèo lên chạc cây sau đuôi xuồng rồi kê 2 chân lên khua khoắn, con ngựa bất kham bây giờ đã trôi nhanh theo sự điều khiển của con bé.

Từng người 1 trèo lên, vượt sông ngày thường vốn chẳng có gì to tát vì nước cũng không siết lắm. Xa xa đã thấy cái cầu cảng nơi chúng tôi đáp xuống hôm qua nhưng đoạn đường 300 mét từ đây sang đó khiến tôi rất lo lằng. Con xuồng vốn dĩ chạy bằng cơm lại mong manh, chưa nói đến việc chúng nó tấn công, chỉ cần thằng Vinh nó đánh rắm 1 cái cũng đã chòng chành muốn lật, Chẳng may đàn rab bổ ra thì coi như chúng tôi chắc chắn là mất mạng.

Ổn định xong xuôi tôi bố trí lại hỏa lực, chỉ còn 2 khẩu súng trường và 2 khẩu súng lục. Tôi với Hoàng súng trường mỗi thằng 1 khẩu, Vinh 2 tay 2 khẩu súng lục và vài quả lựu đạn còn lại. Thằng Lâm giữ đồ và con bé thì chèo xuồng. 2 đứa kia vốn quen sông nước, mặt mũi lầm lì như không. 3 thằng chúng tôi hôm qua bị đuổi cho hồn vía lên mây nên bù lại căng thẳng đến cực độ.

Nắng sắp tắt dần, dây dưa nữa càng bất lợi nên chúng tôi xuất phát ngay. Tôi với thằng Hoàng đứa ống nhòm đứa ống nhắm vừa ngồi vừa quỳ quét từ mặt sông vào đến trong bờ cực kỳ  cẩn thận. Con thuyền bơi dần dần ra giữa sông rồi trôi chầm chậm xuôi dòng, con bé khéo léo lái xuồng thuận theo dòng nước, chả mấy chốc đã sang được bờ bên kia mà không tốn lấy 1 hòn tên mũi đạn khiến tôi thở phào nhẹ nhõm.

Trung tâm xã không lớn lắm, gọi là trung tâm vì là nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính và cái chợ quê chứ không có mấy nóc nhà. Dân cư đây gọi là thưa thớt cũng không phải nhưng họ canh nông canh điền, đặt vó bắt cá là chủ yếu nên sống trong kênh trong rạch nhiều hơn. Sáng hôm qua cả đám đã có dịp ngồi trên máy bay nhìn xuống nên không lạ lẫm gì mấy. Xuồng vừa cập bến thấy ổn liền đi vào trong để kiếm chỗ nghỉ đêm.

Nhà cửa ở đây tất nhiên không được như thành phố, chủ yếu là nhà cấp 4, sau mấy mùa mưa nắng hoang vắng đã sụp mái đổ tường. Cảnh tượng hoang tàn đổ nát, nếu không nhờ con đường nhựa giữa trung tâm chúng tôi cũng không biết phải đi theo lối nào giữa đám cỏ cây mịt mùng. Vào những nơi trung tâm kỵ nhất là mùi xác thối, ấy vậy mà ở đây đến khúc xương cũng không có, hỏi con bé Nguyên mới biết khi đại dịch vừa xảy ra chưa kịp tính toán gì đã nghe quân Cam bốt đổ qua biên giới, dân chúng  trong vùng liền vơ vét của cải chạy hết về hướng Sài gòn, những người nghèo như gia đình nó thì chạy vào rừng trốn nhưng cuối cùng cũng chẳng còn được mấy ai.

Chúng tôi đi bộ 1 hồi vào thẳng được trung tâm mà không khó khăn gì mấy, ở đây có 1 con lộ lớn cắt đôi khu này làm 2, chợ thì ở đối diện Uỷ Ban Xã, dọc 2 bên đường là những căn nhà bình thường chìm trong cây cỏ. Ban đầu tôi chấm cái Ủy ban vốn là khu nhà 2 tầng kiên cố để nghỉ qua đêm nhưng bên trong cửa nẻo đã gãy đổ hết cả, muốn nhóm 1 đống lửa e là cũng khó. Bên hông chợ  phía bên kia đường có cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa sắt đã khóa kỹ nhưng nom lại chắc chắn hơn nên tôi với thằng Hoàng định phá khóa vào trong.

Dù biết ở đây dân chúng đã tản cư từ khi có dịch nhưng cần thận vẫn không thừa, chúng tôi vẫn phải đi 1 vòng lật tung hết cửa sổ ra đã kiểm tra, thậm chí phải leo lên ban công mà nhìn vào, chắc chắn không có gì mới dùng cái mỏ lết đập khóa. Phá được rồi vẫn phải kiểm tra từng phòng.

Căn nhà vốn là chỗ kinh doanh nên cũng rộng rãi, hàng hóa có lẽ không quan trọng lắm nên chủ nhà bỏ lại hết cả, nào là bã ma tít đến sơn, rồi lavabô, bồn cầu, ống nước để đầy  nhà dưới và sau kho. Ở giữa là phòng ngủ và căn bếp. Phía lầu 2 có thêm 1 phòng ngủ và phòng thờ.

Kiểm tra xong tôi bảo chúng nó dìu thằng Vinh lên hẳn lầu 2 rồi phân chia nhiệm vụ. Tôi với Hoàng quay lại Uỷ ban tìm cách liên lạc với bên kia, bé Nguyên chuẩn bị cơm tối còn thằng Lâm tháo chắn song cửa sổ lầu 2 rồi lấy rèm màn che chắn cho kỹ càng. Thằng cu vẫn lạnh lùng với tôi nhưng chuyện sống chết quan trọng, tôi bảo nó đừng để bụng vả lại con Nguyên cũng đã kể ngọn nghành cho nó nghe trên đường đi nên nó đã xuôi xuôi.

Thằng Hoàng vác ba lô đồ nghề đi cùng tôi quay lại bên Uỷ ban, ở sân sau có 1 tháp phát thanh rất lớn, trên có treo mấy cái loa và có cả ăng ten phát sóng. Vào phòng truyền thanh tuy máy móc tuy còn nguyên nhưng cũng đã bám đầy bụi bẩn và rỉ sét, chắc có lẽ không còn dùng được nữa. Tôi giao cho nó việc sửa chữa và liên lạc còn phần mình cầm máy GPS ra ngoài đo tọa độ và cài cắm mìn.

Muốn máy bay ném boom chuẩn xác trước hết phải lấy tọa độ khu vực sau đó lấy tọa độ các mốc như bến xuồng, ủy ban, chợ, đường và quan trọng nhất là tọa độ an toàn nơi chúng tôi ẩn náu, mục đích là để cánh phi công không tốn nhiều thời gian xác định mục tiêu. Tất cả được nghi lại rôi cung cấp trước khi họ xuất kích, tôi đo tới đo lui nghi chép xong thì gài thêm mấy gói bộc phá C4 trên con đường trước nhà. Xong phần việc quay lại thì thằng Hoàng vẫn còn đang vã mồ hôi, cái máy phát chắc chắn là sửa không được và cũng không có điện nên nó chỉ có nước tháo bảng mạch và tụ khuếch đại rồi đấu thẳng vào bộ đàm xem sao. Loay hoay 1 hồi cuối cùng cũng phát được sóng tuy nhiên gọi đi mấy hồi vẫn không có hồi âm.

Trời lúc này đã tối hẳn, chuyện gọi cứu viện chưa cần gấp vì gọi lúc này cũng phải đến sáng họ mới đến nên cả 2 trở về căn nhà. Mọi chuyện ở đây chúng nó đã dàn xếp xong cả nhưng tôi thấy thằng Lâm đang ôm bao vôi sống ra vung vãi khắp nơi trắng cả 1 đoạn đường và xung quanh căn nhà, tôi tò mò lại hỏi nó chỉ bảo gỏn lọn để tránh bọn người điên. Lát sau con Nguyên mới giải thích là bọn rab dưới sông lên nếu gặp vôi sống hay bị vảy vào người sẽ bị nóng điên cuồng mà bỏ chạy, cách này là do cha nó nghĩ ra và thường làm bẫy loại này vào mùa khô.Tôi nghĩ một hồi mới luận ra, rabs dưới sông thường ướt từ đầu đến chân mà vôi sống gặp nước thì phản ứng tạo thành vôi tôi, phản ứng này tạo ra rất nhiều nhiệt thậm chí gây bỏng nên cách này biết đâu lại hiệu quả.

Bếp ga trong nhà vẫn dùng được, đồ dùng nhà bếp căn bản cũng còn nguyên nên chúng tôi cũng có được bữa cơm gọi cho ấm bụng quanh đống củi tù mù ở giữa giang phòng thờ. Cả ngày vất vả, ai nấy đều đau xương mỏi khớp, ngả lưng xuống là muốn ngủ ngay nhưng không thể lơ là mất cảnh giác.

Tôi nghé đầu ra cửa sổ nhìn vào màn đêm  bên ngoài, có lẽ tối qua bao nhiêu mưa cũng đã trút xuống hết nên hôm nay trời trong, trăng sáng đến lạ thường. Từ đây có thể nhìn ra được bến xuồng và con sông bàn bạc ngoài xa. Ếch nhái rồi dế ngoài sông kêu rộn ràng, cảnh quê vừa tĩnh mịch vừa có chút gì xôn xao khó tả. Tôi định chuyện phím ít câu với mọi người nhưng nom ai cũng đã mệt liền hối thằng Hoàng quay lại ủy ban xem sao rồi còn ngủ.

Chúng tôi vốn ưa leo trèo lại không muốn kéo cửa sắt làm kinh động nên đu dây từ ban công xuống, rút kinh nghiệm cái vụ tay không bắt trăn hôm qua nên dù chỉ cần băng qua đường tôi cũng ôm theo đủ thứ đồ nghề lỉnh kỉnh. Giữa đêm tối 2 thằng luồn lách qua bụi cỏ rồi chui vào phòng phát thanh.

Chúng tôi gắn bộ đàm rồi bắt đầu dò sóng, ai ngờ vừa gọi bằng tần số quy ước đã có trả lời.

-Alo!  lực lượng tác chiến đặc biệt U.N gọi lực lượng trực chiến trong khu vực nghe rõ trả lời.

-Chốt số 4 Mỹ Phong nghe rõ U.N, xác định danh tính.

-Trung Uý Nguyễn Bảo Minh U.N.S.C số quân tịch 828130, tác chiến nhiệm Vụ MP24. Gọi bộ chỉ huy liên quân E24 Biên Hòa Xác nhận.

-E24 Biên Hòa? Giọng tay lính bên kia hỏi lại

-E24 nhiệm vụ MP24, tôi nhắc lại lần nữa.

-Xác nhận xong, đồng chí nói rõ yêu cầu.

-Chốt đang ở đâu?

-Kilomet 24 +300 tỉnh lộ 30 Tiền Giang.

Tôi nhắc lại cho thằng Hoàng nghe để nó dò bản đồ phần mình tiếp tục trao đổi.

-Chúng tôi bị mất liên lạc với E24, các anh nối máy trực tiếp được không?

-Đợi 1 chút, giọng bên kia ngắt quãng rồi tắt hẳn.

-Gọi lại tần số 122Mhz, 122Mhz trực tiếp với E24 Biên Hòa. Họ hồi đáp.

-Cảm ơn Chốt.

Tôi đổi tần số rồi gọi lại thằng về Bộ chỉ huy gặp sĩ quan trực chiến:

-Minh U.N.S.C 828130 gọi cứu viện.

-E24 nghe Minh, tại sao mất liên lạc?

-Bị truy đuổi nhưng đã an toàn, có 1 thương binh, yêu cầu sơ tán.

-Còn nhiệm vụ?

-Mất dấu, yêu cầu hủy.

-Vị trí?

-Trung tâm xã Tân Phong, tọa độ 10°18’41.4″N – 105°59’44.3″E

– 1530 được không?

-Không!

-Ngày mai tất cả máy bay không vận đều đã có nhiệm vụ. Sớm nhất là 1530, tình trạng thương binh?

-Đàn rab có thể đuổi tới đây bất cứ lúc nào, chúng tôi còn có 2 thường dân.Thương Binh gãy chân, Yêu cầu khẩn cấp.

-Không có không vận, chỉ còn tiêm kích. Định vị tọa độ oanh tạc sẽ cử tiêm kích.

Tôi thở dài bực dọc, ngày mai lịch bay kín cả rồi nên không có máy bay vận tải đến đón. Nếu chờ đến 3 giờ chiều có khi tụi rab đã mò tới nhưng hiện không có các nào khác, tôi đành đọc lại mớ tọa độ khi chiều cho bên thông tin.

-Máy bay?

-2 chiếc A-10 Warthog. tôi đáp

-Vũ trang.

-Napal với Gatling GAU-8

-Phá cái gì mà phải dùng GAU-8. Tay kia ngạc nhiên hỏi lại, vì đây là  pháo 6 nòng 30mm chuyên bắn xe tăng.

-Có 1 con trăn to như cái nhà ở đây. Tôi đáp

-Cậu đùa đấy ah??

-Không, Napal và Gau-8. Mã đỏ. (Dùng khói đỏ làm hiệu). Tôi đanh giọng.

-Hết?

-Hết!

Cuối cùng cũng xong, tôi thở phào nhẹ nhõm. Thằng Hoàng xem bản đồ nãy giờ mới biết cái chốt kia cách đây18 cây số đường lộ, cơ bản có muốn cầu cứu gì cũng không được.

Dù sao tôi cũng gọi lại chốt đó, cảm ơn và hỏi thăm vài câu trong khi đợi thằng Hoàng đấu nối thêm vài chi tiết để có thể gọi trực tiếp từ bộ đàm bằng cách nối sóng mà không phải sang đây.

Trở về căn nhà, cả 2 đứa kia đều đã ngắc ngoải, riêng thằng Vinh sáng nay ngủ được chút ít nên vẫn đang ngồi nghịch lửa nhưng vẫn liệt vào hạng thương phế binh.Coi bộ tối nay chỉ có tôi với thằng Hoàng là phải gác. Mới 7h hơn, muốn ngủ e cũng hơi sớm nên tôi thông báo tính hình chung cho cả bọn rồi sau đó 2 thằng lục đồ nghề trong balo ra kiểm kê xem còn lại gì.

Đồ nghề của chúng tôi tính ra toàn hàng thửa loại đặc biệt, như dao 3 lưỡi, cán có thể kéo dài ngắn, mỗi loại lưỡi có 1 chức năng khác nhau như chém, chặt, cưa.Ngoài ra còn có đạn vạch đường, lựu đạn mồi chuyên dùng để dụ rabs, mìn kích hoạt từ xa, flash 3 lần nổ. Kể ra thì nhiều ấy vậy mà hôm qua tới giờ có chuyện lại chạy trối chết đến nỗi không nhớ ra mà dùng.

Tôi thích nhất là con dao, cán rỗng bằng thép không gỉ có thể kéo dài được 50 phân, lưỡi bọc titanium nặng nhưng lại mỏng. Cơ bản khi dùng thì kéo dài ra nhìn như 1 cây thương thu nhỏ, có thể thoải mái vung lên hoặc đâm trước khi con rab có thể vồ lấy mình.

Đối với rab phải dùng 1 đòn chí mạng như đâm vào tim, bẻ hoặc cắt cổ, đập vỡ đầu vì bản tính chúng càng bị thương lại càng điên tiết mà tấn công dữ dội. Vì vậy tấn công phải dứt khoát, vũ khí sắc bén, đâm vào lẹ, rút ra nhanh, ngoài ra cũng nên tránh dùng đao to búa lớn vì rất mất sức khi phải đối mặt với số lượng vượt trội.

Sau 1 hồi kiểm kê ngoài đạn là không còn nhiều, mấy thứ khác cơ bản vẫn ổn nên tôi thúc mọi người ngủ sớm, riêng mình giành ca gác đầu tiên.

Vùi đống lửa đã gần tàn tôi ôm súng ra ban công ngồi, ở bên trong mỗi đứa nằm 1 góc, vừa đặt lưng đã thiếp đi ngay. 2 chị em Nguyên-Lâm chắc đã quen không khí ở rừng, nay nằm nền gạch có lẽ cũng không thoải mái mà trở mình mấy lần.

Tôi ở ngoài nghe dế kêu nhái hót,không khí lại lạnh lạnh, mắt như muốn sụp xuống mà vẫn phải cố gắn để thức cho trọn ca. Đêm nay chỉ có 2 thằng, tôi phải gác đến hơn 2h rồi đổi cho thằng Hoàng mà bây giờ mới 9 giờ hơn. Chẳng biết làm gì tôi mới ngẫm lại những chuyện đã qua.

2 tháng trước

Tôi cũng không còn nhớ gì nhiều, khi tỉnh dậy đã thấy nằm trong phòng thí nghiệm, tay chân bị cột chặt trong lồng kính, trong miệng thì có 1 ống truyền dịch cắm vào trong họng nên muốn kêu cũng không được. Lúc đó đầu óc tôi trống rỗng, không suy nghĩ được gì, những hình ảnh cứ lờ mờ hiện ra 1 cách chập chờn như 1 đoạn video bị lỗi, những người trong phòng thí nghiệm thỉnh thoảng lại đi qua đi lại, soi tròng mắt hay đo nhịp thở rồi bỏ đi. Tôi đều có thể nhìn thấy nhưng tuyệt đối không biết phải làm gì và cũng không điều khiển được cơ thể ra dấu cho họ, điều duy nhất tôi có thể làm là thở cho đều.

Tôi không biết tình trạng đó diễn ra trong bao lâu cho tới khi 1 khuôn mặt thân quen hiện ra với cặp kính cận. Fisher đến với 2 người y tá, họ đẩy tôi vào 1 căn phòng khác có vẻ như phòng mổ,  trước hết là mở lồng kính ra, rút ống dinh dưỡng và chụp thuốc mê, tiếp đó 1 người  vạch áo tôi ra rồi thoa cồn lên đầy ngực nghe mát lạnh. Lúc này Fisher mới ra tay dùng máy dò khắp ổ bụng tôi rồi lấy bút kẻ mấy đường, sau đó anh ta lạnh lùng dùng dao mổ mà rạch.

Tôi cũng chẳng cảm thấy đau đớn gì, chỉ thấy cơ thể phản ứng bằng cách giật mạnh 1 cái. bất giác tôi cũng thở hắt ra 1 hơi dài. Fisher không hiểu sao thấy vậy  lại dừng tay, dùng đèn soi vào mắt tôi rồi nhanh chóng dừng phẫu thuật, không quên khâu cái ổ bụng tôi lại.

Anh ta bảo y tá lắp điện não đồ cho tôi rồi ngắt ống truyền thuốc mê, tôi bây giờ mới từ từ hồi tỉnh chớp mắt được mấy cái. Những ngày tiếp theo là chuỗi ngày tôi tự chiến đấu với bản thân, cơ thể hoàn toàn bán thân bất toại trong khi não bộ đã phục hồi được phần nào. Tôi phải tập vận động lại với từng bộ phần một, trước hết là chớp mắt rồi cử động lưỡi, sau đó là ngón tay, ngón chân, mất phải nửa tháng trời tôi cơ bản mới giơ cánh tay lên được.

Cũng may Fisher đã phát hiện ra sớm, hỗ trợ tôi phần nào tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế vì tôi vẫn bị nhốt trong lồng kính, cả 2 thường trao đổi bằng cách hỏi và trả lời bằng những cái chớp mắt. 1 lần là có, 2 lần là không.

Đến ngày thứ hai mươi mấy tôi đã cử động được và có thể nói những câu ngắt quãng có 3-4 từ như xin nước hay sắp phải đi toilet. Trải qua suốt quá trình hồi phục của tôi là cả đám nhà khoa học lúc nha lúc nhúc, không sờ mó, vạch mắt, vạch mồm cũng quay phim rồi lấy máu.

Tôi cũng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ nằm đó cho họ làm gì thì làm nhưng có vẻ tôi khá nguy hiểm nên khi tiếp xúc ai nấy đều mang đồ bảo hộ từ đầu đến chân, bao tay cũng bọc giáp Kevlar đề phòng bị cắn. Đến 1 đêm không hiểu tôi chán chường thế nào mà bứt  hết dây nhợ và mở lồng kính định dậy đi 1 lòng, mới được 2 bước thì chuông báo động kêu ầm lên, lính lác ở đâu trang bị tận răng đổ ra đòi bắn. Fisher lúc này mắt nhắm mắt mở khoát áo chạy ra can ngăn rồi bảo tôi giơ tay chịu trói, tôi làm theo nhưng tuyệt nhiên không ai dám lại mà còng tay.

1 hồi sau họ lùa tôi vào 1 căn phòng kín bằng kính như phòng nuôi vật thí nghiệm. Tôi bây giờ mới nói chuyện lưu loát được với Fisher trong khi anh ta nhìn tôi đắm đuối như muốn ăn tươi nuốt sống vậy.

– Anh đang làm cái quỷ gì với tôi vậy Fisher? Cho tôi ra mau!

-Cậu không hiểu được đâu, thật là thần kì, cậu đúng là kẻ trời đánh không chết đó

-Thế tóm lại anh đang làm gì với tôi? Tại sao tôi lại ở đây? tôi tưởng…

-Đúng, đáng ra cậu đã chết rồi, cậu bị nhiễm virus nhưng không ngờ… đúng là thần kì mà. Tôi phải giữ cậu lại đến bao giờ tìm được vacxin mới thôi.

-Trời ạ, anh lãi nhãi cái gì thế. Đem tới giùm tôi 1 bộ đồ đi. Tôi vừa nói vừa giờ cái áo khoát bệnh nhân lên. Cơ bản nó chỉ là 1 cái áo khoát còn bên trong tôi hoàn toàn chẳng có 1 cái phụ kiện nào khác cả. Ngại thế cơ chứ.

-Rồi rồi, Mary đang đến, ít ra cậu cũng phải tươm tất 1 chút nếu không cô ta giết tôi mất. Anh ta nói đoạn rồi bỏ đi.

Lát sau có người đem đến 1 bộ quân phục màu đen cũng chăn đệm và đồ ăn, coi bộ tôi còn bị nhốt ở đây lâu. Tôi đợi cô nhân viên người châu Phi đi khuất mới dám thay đồ, vừa cởi áo ra đã không còn tin vào mắt mình. Khắp người tôi chằng chịt đầy vết sẹo từ bị bỏng đến những vết cắn còn nguyên dấu răng nhưng nghê gớm nhất là những vết sẹo phẫu thuật được may qua loa đầy ổ bụng và ngực, đặc biệt nhất là cánh tay trái không còn cử động linh hoạt như trước, lại có thêm 1 vết mổ dài từ khủy tới bàn tay. Tôi không hiểu chuyện quoái gì đang xảy ra, đưa tay lên miết những vết sẹo lỗi lõm mà cảm thấy cực kỳ băng khoăn. Giờ cũng đã là nửa đêm tôi mới cố gắn nhớ lại những gì đã diễn ra vào đêm hôm ấy.

Tôi vừa bị bỏng lại vừa bị 1 thanh thép đâm ngang qua ổ bụng nên khi quân đồng minh tới tôi đã từ từ ngất đi, phút chốc đinh ninh mình sắp chết nên tôi chỉ kịp nghĩ đến gia đình và người thân rồi không biết do đau đớn hay mất máu tôi thiếp đi lúc nào không hay. Rồi bỗng nhiên cảm thấy 1 cơn đau tới tận xương cốt nơi bả vai khiến tối tỉnh dậy, 1 con rab không biết ở đâu ra đang gặm lấy tay tôi mà ăn ngấu ăn nghiến.

-Mẹ kiếp! tôi nghĩ, bố chết rồi mà cũng không yên. Chắc do bị nó cắn vào xương thịt đau quá, trong tay lại chẳng có gì nên tôi điên tiết lấy hết sực lực còn lại rút luôn thanh thép nơi bụng mà cắm vào cái đầu con rab đang cấu xé tay tôi. Ra tay xong tôi chết luôn, chẳng còn nhớ gì thêm nữa.

Nghĩ tới đây tôi mới biết hóa ra mình đã bị nhiễm virus do rab cắn, rôi được đưa về làm thí nghiệm chữa trị, hèn gì họ phải gây mê rồi giam giữ tôi chặt thế này. Nhưng tại sao tôi lại bình phục? ai đã đưa tôi đến đây? Tôi đang ở đâu? Bao giờ mới được về hay sẽ mãi bị nhốt như thế này?

Tôi đi ngủ với 1 mớ hỗn độn trong đầu, trong cơn mê chập chờn thì có tiếng gõ cóc cóc lên cửa kính làm tôi tỉnh dậy. Là Mary.

-Anh Minhhhhhhhhhhhhhhh! Cô nàng hét lên

Tôi mắt nhắm mắt mờ

-Ừ! em.

-Anh khỏe không?

-Em xem thử anh có khỏe không? Nói đoạn tôi đưa bộ mặt đầy bi thương ra

-Fisher giỏi quá, không ngờ lại có thể chữa khỏi cho anh.

-Em có chắc là Fisher chữa cho anh không đấy, tôi hỏi 1 cách đầy nghi ngờ vì theo tôi thấy anh ta đem tôi ra thí nghiệm thì có lý hơn.

-Em không rõ nhưng anh tỉnh lại là mừng rồi, còn hơn là sống dở chết dở như lúc tìm thấy anh.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại

-Em tìm thấy anh?

-Đúng, chính là em tìm thấy anh. Cô nàng nháy mắt tinh ranh.

Lúc này tôi mới nhờ Mary kể lại đầu đuôi câu chuyện. Chẳng là vừa nghe tin thắng trận, Mary cùng ban bệ U.N.S.C cũ cả thảy đều trở lại Sài gòn không chỉ vì lý do cá nhân mà còn phải thu hồi quả boom chưa nổ. Được tin quân Việt Nam hy sinh sạch sẽ cô nàng đau lòng nhưng cũng muốn chôn cất người quen cho tươm tất, đã đích thân mở hết tất cả các túi xác ra để tìm tôi nhưng tuyệt nhiên không tìm ra. Mary biết chắc tôi không phải là kẻ tham sống sợ chết bỏ chạy vào phút cuối nên nhờ Christ đưa đi quanh sân bay và khu vực lân cận để tìm xác tôi.

Khi Mary tìm thấy tôi thì tôi đã là 1 cái xác không hồn, hoàn toàn đã bị biến thành rab.Không những vậy Tay và vai đã bị ăn lở dở không chút sức sống, đang bò lết dưới mương nước ngoài rìa sân bay. Ban đầu họ cũng không nhận ra, Christ đang định cho con rab kia 1 phát súng ân huệ thì Mary bất ngờ cản lại rồi nhờ Christ lấy cái bi đông nước bên hông con rab lên xem. May thay trên bi đông có nghi mấy chữ nguệch ngoạc: Minh – 26/7/1992 –Ban Mê- Đaklak. Cô nàng muốn khóc ngất lên trong khi con rab vẫn đang cố trườn đi dưới con mương đầy nước bẩn. Christ bảo nên kết liễu tôi rồi đưa thì thể về là nhân đạo hơn cả, ai ngờ lúc này bộ đàm lại bất thình lình rung lên. Là Fisher, anh ta đang gọi Christ tập hợp quân để bắt thêm mấy con rab về  nghiên cứu, thế là 1 ý nghĩ trong đầu Mary lóe lên, cả 2 người họ lập tức đưa tôi lên máy bay cùng những con rab khác và bay thẳng về phòng thí nghiệm ở Singapore.

Tôi tới đây là luận được mấy phần sự việc, đáng lý ra tôi đã chết do vết thương trong khi đánh trận nhưng chính con rab lại là vị cứu tinh của tôi. Vancouver là loại Virus có sức sống mãnh liệt, 1 khi vào cơ thể mà phát tát ra thì khiến cho người bị nhiễm không những trở nên cuồng loạn mà còn có sức mạnh hơn bình thường, chính nhờ vậy loài rab mới có thể sống dai và nghê gớm đến như vậy.

Đang dở câu chuyện thì Fisher tới, bộ mặt vẫn háo hức như tối qua, có khi anh ta không ngủ cũng nên.

-Này! anh định bao giờ mới cho tôi ra khỏi đây. Tôi cất tiếng khi Fisher vừa bước vào phòng.

-Cậu bình tĩnh đã, cậu không biết mọi chuyện quan trọng như thế nào đâu?

-Anh chữa cho tôi được thì chữa cho người khác cũng được, mau mau cho tôi ra.

-Không! cậu là trường hợp đặc biệt hơn nữa cậu đã khỏi đâu.

-Anh nói vậy là sao?

Mary thấy tôi hấp tấp mới cắt ngang

-Fisher nói đúng, a chưa khỏi, nói đúng hơn là sẽ không thể khỏi cho tới khi tìm được thuốc. Virus vẫn còn trong người của anh.

-Không hiểu sao tế bào não của cậu lại được phục hồi sau khi nhiễm virus, cơ bản cậu vẫn là rab nhưng bù lại không bị rơi vào trạng thái mất kiểm soát ở hệ thần kinh. Fisher tiếp lời

-Rối rắm quá đi mất, ah mà khoan, anh mổ xẻ gì khắp người tôi thế hả ? tôi bực mình chống nạnh hỏi Fisher.

Fisher nhìn Mary ý báo cô ấy giải thích cho tôi nghe.

-Khi em đưa anh về thân thể anh không còn được mấy mảnh, gãy xương sườn, bỏng nửa người, bị đâm lủng gan, còn cánh tay thì bị ăn nham nhở mất cả 1 phần xương….Cô nàng ái ngại kể lể

-Rồi mọi người làm thế nào cho tôi bình phục ?

-Fisher đã phải dùng  gan của 1 con rab dị biến nghép cho anh, rất may là nhờ virus và chăm sóc đặc biệt nên anh bình phục nhanh gấp mấy lần người thường. Riêng xương cánh tay hỏng hoàn toàn, bọn em đã phải làm lại 1 phần bằng Titan, cũng nhờ virus mà da thịt anh mau chóng lành lặng không đào thải nó ra.

Tôi nghe xong thở dài thường thượt, không biết nên cảm ơn hay nên trách họ vì bây giờ tôi là cái giống nửa ngừoi nửa rab, sống dở chết dở.

-Mà Fisher, a nói thật là anh chữa cho tôi hay thí nghiệm đấy hả ? Tôi vẫn còn điên tiết

Anh ta nhướng mày cười lẽng bẽng, làm tôi muốn đấm cho một cái. Lúc sau anh ta mới thú nhận là tôi thuộc dạng rab dị biến, về sức mạnh, tốc độ phục hồi và thích nghi không những nhanh hơn người thường mà còn nhanh hơn cả rab, nếu không thí nghiệm và tìm hiểu thì uổng phí quá.

Cũng không dài dòng với họ lâu hơn được, lát sau vài nhà khoa học khác lại tới, có người học hàm học vị còn cao hơn Fisher. Tôi phải chìa tay ra 1 cái lỗ để họ lấy máu rồi săm soi linh tinh. Mary lại phải đi công cán nên rời đi vào chiều hôm đó, tôi bị ở lại theo dõi 1 thời gian. Các nhà khoa học đã có mẫu máu, mô và gene, nghiên cứu tới lui vẫn không ra, ngay cả fisher thí nghiệm, thay máu, lắp nghép đủ thứ trên người tôi cũng chẳng biết lý do ra làm sao, tóm lại giữ tôi lại cũng chẳng để làm gì nên sau 1 tuần theo dõi cũng tống tôi đi.

Tất nhiên Fisher không muốn mất kiểm soát tôi nên tôi được điều về quân đoàn bảo an liên hợp quốc tại Việt Nam. Đây là lực lượng do quân đồng minh xây dựng, đồn trú và di chuyển đến khắp các nước có đại dịch để tiêu diệt các đàn rab. Song song với hoạt động quân sự là cứu trợ, y tế và thông tin. Mục đích cuối cùng là tiêu diệt rab và đưa thế giới về ổn định.

Cơ chế đột biến và tiến hóa của rab mỗi lúc càng khôn lường đặc biệt là về vấn đề sinh sản, họ hiểu rằng để càng lâu thì đại dịch càng bùng phát mạnh thậm chí đưa con người đến chỗ diệt vong nên mọi nhân lực và vật lực đều đổ vào cuộc chiến này.

Tôi trở lại Sài Gòn trên chuyến hàng viện trợ vào nửa đêm, vì được gửi gắm như con ông cháu cha nên bị phân về bộ phận bàn giấy đi tuyển quân Việt Nam bổ sung vào lực lượng. Sài Gòn cũng không khác lúc tôi đi là mấy, cả triệu con rab vẫn còn nguyên, sau khi đánh đuổi được quân Trung Quốc thì tất cả đều phải rút ra sau đó cô lập như lúc đầu. Việc này làm tôi nhớ đến trận Khe Sanh năm 1968, 2 bên đổ máu giành 1 vị trí nhưng chiếm được rồi lại bỏ không. Đơn giản vì đó là bàn đạp để tiến công, bến tấn công giành được thì bên kia sẽ thất thủ. Nhưng bên phòng thủ lấy được thì chẳng có tác dụng gì sấc.

Nói vậy không có nghĩa là hơn một trăm mấy chục mạng anh em hy sinh trong trận đánh là oan uổng. Sau khi lấy được bằng chứng cho thấy quân Trung Quốc có chuẩn bị và sử dụng đại dịch để xâm chiếm ra thế giới, Hội đồng liên hợp liền tập hợp quân đồng minh bao vây Trung Quốc và chư hầu ở tứ bề, nếu lúc trước các nước lớn chỉ ầm thầm giúp đỡ nước nhỏ bằng viện trợ quân sự bí mật dưới mác nhân đạo và y tế thì bây giờ liên quân công khai vây hãm và tái chiếm 1 số vị trí chiến lược bị mất.

Trung Quốc không lấy được Việt Nam nên bị mất bàn đạp đánh ra Đông Nam Á, Phía Đông thì bị Nhật – Hàn Quốc –Triều Tiên liên quân đánh cho tơi tả phải vượt biển Hoa Đông chạy ngược về Đại Lục. Phía Bắc Nga lấy danh nghĩa liên quân tái chiếm được Mông Cổ. Riêng Phía Tây và châu phi chiến trường vẫn khốc liệt do Paskitan và các chư hầu vẫn liên tục đánh phá Ấn độ và thôn tính châu Phi. Nhìn chung xung đột dọc biên giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tất cả đều vẫn đang còn trong tình trạng chiến tranh.

Ngoài ra, khi trở về các nhà Khoa học mới khám phá ra loại sóng hạ âm Trung Quốc dùng có tần số rất thấp nhờ sử dụng các kim loại hiếm tạo xung động, bán kính hiệu quả chỉ từ 5-8 kilomét, các kim loại này chỉ có ở Trung Quốc và 1 số nước chư hầu ở Châu Phi nên  Liên Quân dù biết kỹ thuật nhưng cũng không chế tạo được máy móc tương đương. Bù lại họ tạo được máy phá sóng âm, cơ bản cũng cân bằng được lực lượng.

Về nguồn gốc virus có phải do Trung Quốc phát tán ra hay không vẫn là 1 câu hỏi lớn, trước bàn đàm phán họ vẫn 1 mực từ chối, chỉ thừa nhận việc ăn cắp Vancouver khi nó đang còn thử nghiệm và biết trước hệ quả nhưng phủ nhận việc tạo ra Vancouver. Riêng về việc lợi dụng virus để xâm chiếm thế giới thì không còn gì phải bàn cãi.

Tôi sau khi về Biên Hòa thì có cơ hội đi 1 số nơi để tuyển quân vào lực lượng đặc biệt, tất nhiên không quên thăm gia đình và Nhi. Sau cái chết của Thạch, Nhi chịu 1 cú sốc rất nặng, khi chúng tôi gặp lại đã không còn tự nhiên như trước, chỉ biết thăm hỏi vài câu. Riêng về phần Ông Tuấn khi lấy được xe tăng thì đã cùng 1 số tay chân bỏ trại mà đi vì trại lúc đó cũng không thể cải tạo được nữa, cũng may tôi nhờ Christ đến đón, nên giờ họ mới còn sống.

Ngoải ra tôi cũng quay lại trại 48 tìm 2 thằng ôn dịch, thằng Tùy chắc ngứa mắt thế nào nên tống 2 đứa nó vào bộ Binh, đã xuống Cam Ranh được mấy tháng. Tôi truy mãi mới tìm tới đơn vị đóng quân của 2 thằng lôi cổ về. Chúng nó đi lính lại hay, được đào tạo bài bản về kỹ thuật lẫn tác chiến nên có khi hơn cả tôi.

Xong nhiệm vụ tôi tuyển được non 1 tiểu đoàn về Biên Hòa, đa số chưa tác chiến được ngay mà phải học nhiều thứ như chuyển loại vũ khí, đa số là hàng cũ được viện trợ từ Nga- Mỹ. Tôi từ tuyển quân, biết tiếng Anh nên chuyển luôn sang giảng dạy và thông dịch 1 số kỹ-chiến thuật.Tôi tuy năng nổ nhưng còn trẻ, sợ nói quân không nghe nên bộ chỉ huy thăng liền cho 1 lúc mấy cấp lên trung Úy.

Căn cứ Biên Hòa được sử dụng chung giữa quân VN và Liên Quân, tập hợp đủ Lục quân như thiết giáp, pháo binh, bộ binh công Binh và cả Không quân. Tôi về căn cứ được ít lâu, ngứa tay ngứa chân nên có nhiệm vụ là đi, chuyện gởi gắm kia mấy ông sĩ quan quên bén hồi nào không hay, bởi vậy hôm nay mới có dịp ngồi đây mà suy ngẫm

Kể lể 1 hồi đã hơn 1h khi nào không hay. Còn mấy phút nữa hết ca gác nhưng tôi buồn ngủ quá rồi nên vào lay thằng Hoàng dậy. Nó dũi chân dũi cẳng la oai oái vài câu nhưng tôi bảo ra gác vài tiếng rồi gọi thằng Vinh phụ, lúc đó cũng sắp sáng tới nơi rồi. Chẳng đợi nó đồng ý, vừa ngã lưng là tôi ngủ liền không mảy may suy nghĩ. Âý vậy mà trong cơn mơ cứ chập chờn hình ảnh con trăn đớp lấy ông chú kia, lần này nó không nuốt lấy ông ấy mà quăng cái xác qua 1 bên bổ nhào tới chỗ tôi, chiếc mỏ lết trong tay so với cái thân hình đồ sộ và cái mỏ lởm chởm đầy răng nhọn của nó thì cũng chỉ vô dụng. Tôi muốn bỏ chạy mà cũng không được, chớp mắt 1 cái đã bị đớp 1 cú chí mạng.

Giật mình tỉnh dậy tôi mồ hôi mồ kê chảy ra khắp người, thở gấp như người mất hồn. Mới có 4 giờ sáng, hóa ra là chợp mắt được vài tiếng mà đã gặp ác mộng. Nhìn quanh 3 đứa kia vẫn ngon giấc, đứng dậy ra kiểm tra xem thằng Hoàng thế nào thì thấy nó đang nép mình ở ban công nhìn xuống dưới, thấy điệu bộ lạ lùng tôi vỗ đầu nó cái bốp 1 cái.

Không biết vô tình phản xạ hay cố ý nó giật bán súng ra sau thụi vào bụng tôi cái hự. Đang định la lên thì nó liền bịt miệng lại rồi nháy mắt nhìn xuống dưới.

Từ bao giờ cả ngàn con rab đã tràn vào khắp trung tâm xã, đi lại ngáo nghê và bò trườn lùng xục khắp nơi. Những cái lưng trần trắng phau sáng rõ dưới ánh trăng như 1 đàn rùa đang di chuyển. Cũng may nhờ đám vôi sống, 1 số con lân la lại soi xét cánh cửa liền bị bỏng chân mà giảy nảy chạy ra sau, miệng kêu oai oái.
Tác giả : Đăng Minh
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Mới có chap mới rồi nhé mọi người: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại