Thành Phần Cá Biệt
Chương 37 C37 Đi Bắt Gian
Cường có cảm giác như mình đang bị bắt gian.
Nhưng thực tế cho thấy, Bảo cùng Ái Lạp chả có cái quan hệ mẹ gì để mà bắt gian cả.
- Có bỏ ra không hả Bảo, tao ghét mày!
- Ừ.
Bảo không để tâm lắm, ôm Ái Lạp ngày càng chặt hơn. Cậu len lén cắn vào vai nó một nhát, quả nhiên Ái Lạp liền rụt cổ lại. Con bé không biết chính xác ai làm, ấm ức nghĩ đó là Cường nên rất mạnh dạn chửi:
- Cường khốn nạn, mai tao sẽ cho mày ăn tỏi luôn!
- ....
Cường nằm không cũng dính đạn, bỗng dưng muốn khóc.
Ái Lạp bị Bảo đè ở dưới giường, cả người úp sấp, không thể thấy rõ điều gì đang xảy đến phía trên. Nó muốn cầu cứu Vinh, nhưng hình như thằng bé đang lo cho cái cửa phòng hơn, hoàn toàn làm lơ Ái Lạp.
Ái Lạp bất lực, chắp tay lên mặt, cam chịu bị Bảo đè bẹp dí. Sách vở sớm đã được Bảo đá rớt hết xuống đất, chuẩn bị đầy đủ cho chuyên mục tâm sự buổi chiều. Bảo nghĩ bụng, hoa mình nuôi trong vườn, chả nhẽ lại để cho người khác hái đi dễ thế? Bón bao nhiêu KitKat vào đây, lãi chưa thu được đã phải đối mặt với nguy cơ mất vốn rồi.
- Tao không thể tin nổi mày dám khoá cửa khi chỉ có hai đứa trong phòng, Ái Lạp ạ.
Bảo nhẹ nhàng nói, Cường cười cười, còn Ái Lạp thì ngẩn ra. Lần chạm chán đầu tiên của Cường với Ái Lạp vẫn còn là một bí mật. Bảo không biết, Vinh dĩ nhiên càng không biết. Nếu Ái Lạp khai thật lí do chốt cửa ra, liệu Bảo có cho nó ăn cờ không nhỉ?
- Hai người hẹn hò trên này đấy à? Sao cứ chốt cửa thế?
Vinh hỏi, nụ cười trên mặt Cường vẫn vẹn nguyên không thay đổi, rất nhạt, rất bất cần, kiểu như chúng mày hiểu lầm kệ chúng mày tao càng vui. Ái Lạp hả một cái rõ to, chân quơ quơ chỉ vào đống sách vở rơi vãi dưới sàn, cực lực phủ nhận:
- Điên à, bọn tao học tiếng anh mà? Mày nhìn sách vở kìa, còn cả máy điện thoại vẫn đang bật phần mềm dịch kìa!
- Này, hai người có đang quản quá nhiều không?
Cường lật mình khỏi trận thế hỗn loạn, ngồi co chân, tay chống lên đầu gối. Cậu nhìn một lượt sách vở rơi tả tơi khắp phòng, gỡ tay Bảo kéo Ái Lạp dậy, thẳng thừng nói:
- Nhất là mày đấy Bảo. Kể cả tao với nó hẹn hò trên này, xin hỏi mày lấy tư cách gì để thắc mắc thế?
Thằng nhóc Bảo này có thói độc chiếm xấu thật đấy!
Cường đối diện với ánh mắt lạnh dần của Bảo, nụ cười trên khoé miệng ngày càng sâu. Rõ ràng là hai người này ngay từ đầu chẳng hề hợp nhau, chỉ nhờ có chất xúc tác là Ái Lạp nên mới chơi trong cùng một nhóm. Một người quá phóng khoáng, một người tính chiếm hữu lại quá cao. Trong đầu Bảo có thể không có khái niệm "chia sẻ tình bạn", nhưng Cường thì có.
Ái Lạp cùng Vinh ngồi giữa thế trận, hứng hết mưa bom bão đạn vào người. Vinh liếc người này rồi liếc người nọ, khẽ tách tay Cường ra để kéo Ái Lạp xuống ghế ngồi, nói thầm:
- Hình như hai ông ý sắp đánh nhau.
- Ngay trên này á? Chúng nó điên à?
Ái Lạp khó hiểu hỏi lại, Vinh chả buồn đáp, cùng Ái Lạp nhặt đồ rơi vãi lên bàn, đoạn ra kiểm tra xem cái cửa có cần sửa không. Chim cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi, Vinh chả vui quá, xen vào làm gì.
- Bạn bè giúp nhau học hành là điều bình thường, vấn đề nằm ở chỗ mày tự suy diễn rồi tự giận lẫy đấy Bảo ạ.
- Vấn đề không nằm ở chỗ tao suy diễn hay không, vấn đề là giúp nhau không giúp công khai trên lớp, mà dắt nhau lên phòng riêng rồi chốt cửa đấy Cường ạ.
Bảo vớ lấy cái gối kê đầu cho đỡ mỏi, nhàn nhã nghịch đầu ngón tay:
- Mày thử kể tao nghe xem, nguyên nhân ban đầu của chuyện này là nó đi nhờ mày, hay mày tự tới tìm nó thế?
Một câu hỏi đã có sẵn đáp án, dù Cường có trả lời thế nào cũng vẫn phải lao vào choảng nhau. Trong việc này không có ai đúng ai sai, chỉ có tư tưởng khác biệt. Bất đồng tư tưởng, lẹ nhất là giải quyết bằng nắm đấm. Cường chắc chắn bắt đầu với mục đích riêng, nhưng mục đích này đối với Cường có thể đứng đắn, còn với Bảo thì không.
- Không được đánh nhau trên này đâu nhớ!
Ái Lạp bận rộn săm soi cái cửa, nói vọng vào không khí sặc mùi thuốc súng ở trong phòng. Ái Lạp đã quá quen với cảnh thế này rồi, đơn giản hiểu nó là cách để bọn con trai chơi với nhau. Cứ nhìn cái đám của Thống Trị Thế Giới là biết, ngày nào không gây lộn là không chịu được, xong cuối cùng vẫn cười hề hề ôm vai bá cổ nhau đấy thôi.
Khổ nỗi, lời Ái Lạp nói chẳng thấm nổi vào đầu hai thanh niên kia. Chỉ 3 giây sau, căn phòng nhỏ lập tức vang lên những âm thanh dữ dội. Ái Lạp phải nhảy vào can, vội vã quay sang dặn Vinh:
- Nhắn tin cho Trí, nói Bảo với Cường đang vật nhau trên giường, giường sắp sập, ông sang đây ngay!
- Thật sự đấy?
Ok chị tôi!
Rốt cuộc, Trí dù hoảng đến rơi cả nước mắt ra ngoài vẫn không sang được, cuộc ẩu đả phải mãi tới khi mẹ Ái Lạp về mới chịu ngừng. Cô Quế từ ngoài thản nhiên đi vào, đặt lên bàn một đĩa hoa quả, một bình trà, tinh tế xếp gọn hộp băng cứu thương, rồi híp mắt nhìn Ái Lạp đang sơ cứu cho hai đứa xây xát ngồi trên giường. Người phụ nữ xiên một miếng táo đút cho Ái Lạp, đoạn xiên miếng nữa giơ đến trước mặt hai đứa con trai, cười nói:
- Hay là như này, trong hai đứa ai nấu ăn thắng Vinh thì kèm Ái Lạp học Anh được không?
Đúng là cô Quế, chuyện học hành mà cũng đá sang nấu nướng được, đến là giỏi. Căn bản cô biết thừa chẳng có đứa nào nấu ngon hơn Vinh cả, mà lão chồng nhà này đã có chỉ thị từ xa rồi. Đại ý không cần đứa nào kèm học cho Ái Lạp hết, con gái nhà này thích học thì học, không học được thì thôi. Người đẻ ra chẳng phải cái máy, đâu thể cái gì cũng giỏi được. Như Ái Lạp đây là đã quá ổn rồi, không học tiếng Anh thì học tiếng Nhật, Pháp, Trung,... Thiếu gì.
Nghe mẹ nói xong, Ái Lạp cùng Vinh gật đầu lia lịa. Phương án này được quá ấy chứ, vừa không bác bỏ ý tốt của Cường, vừa ngăn chúng nó đánh nhau. Hai thằng con trai ngồi trên giường liếc nhìn đối phương, mày hơi nhíu nhíu nhưng không dám cãi. Lời người lớn thật ra muốn cãi cũng cãi không nổi, chỉ có thể thuận theo thôi.
Bảo thở dài, cậu đâu có định kèm Ái Lạp học anh, cậu chỉ muốn đến ngăn cản Cường mà thôi.
***
Người ta nói, thế giới bao la, rộng nhất vẫn là lòng người. Cô Quế đúng là quá tinh tế luôn chứ không phải vừa.
Tự nhiên có hai đứa nấu bữa tối free cho cả nhà, ba người giúp việc có điều kiện làm việc khác, tiết kiệm tiền bạc và thời gian.
Hơn nữa còn tiện thể chấm luôn tiêu chí chọn "bạn" cho con gái. Con gái cưng vụng, "bạn" nó mai sau phải khéo, không khéo là không có được.
Thế nên hôm nay đứa nào mà không nấu nổi nồi cơm, đứa đấy chỉ có chết, chết ngắc.
- Ấy anh Bảo ơi, chỗ anh đứng trơn hẳn hoi ngã đấy, kiếm cái giẻ lau đi anh.
Vinh nhắc, phớt lờ cái nhíu mày đầy sát ý của Bảo. Thanh niên Bảo sau khi phát hiện ông kễnh kia muốn kiếm cớ sai vặt mình thì bực dọc, đành phải mò lấy cái giẻ lau sàn thật. Đến lượt Cường bị dính đòn, Vinh bắt Cường ngồi cọ đít nồi với lí do nồi không sạch ăn mất ngon. Cường không hề có phản ứng gì, chỉ ngoan ngoãn làm theo. Cứ thế hai ông giời phải loay hoay trong bếp cọ hết thứ này tới thứ nọ mà mãi chưa nấu nổi món chính.
- Có khi anh phải lên lau cả nóc nhà ấy chứ nhỉ?
Bảo gằn giọng, vắt khăn ướt mạnh đến nỗi cái khăn gần như khô luôn. Vinh không đáp, bắt đầu lôi đồ ở trong tủ lạnh ra. Cậu thành thục chỉ chính xác vài nguyên liệu trong tủ lạnh, khoan thai phân phó công việc như đã làm đi làm lại hàng trăm lần:
- Anh Bảo làm cá rán, còn anh kia nấu canh trứng đi. Đồ trong tủ lạnh, thiếu gì cứ lấy.
Con cá mà Vinh để sẵn trên thớt cứ như bài toán khó cho Bảo. Cậu xắn tay, bắt đầu quơ dao lung tung, vô cùng bình tĩnh rửa hết máu trên thân cá rồi sắt miếng nhìn rất đẹp. Bảo nhớ ở nhà người làm hay phải cắt nhỏ miếng đậu rồi mới cho lên chảo dầu. Cậu làm theo y chang, ngửi mùi bốc lên từ chỗ lửa khói thơm lừng, khá chắc kèo mọi thứ đã ổn cả rồi nên yên tâm bật bếp.
- Ối giồi ôi anh ơi, cá rán anh phải rán nguyên con chứ ai lại cắt tí ra như rán đậu phụ thế?
Giọng Vinh vang lên từ phía sau, con dao trên tay Bảo lập tức chém xuống. Miếng cá đứt đôi, và miếng thớt cũng thế. Vinh nén tiếng cười trong cổ, giả vờ như không có gì lấy ra thêm một cái thớt, đặt xuống chỗ Bảo rồi giở giọng cảm thông:
- Thôi trót rồi, cắt tiếp đi. Tôi hiểu mà, não toàn đậu, nên nghĩ cái gì cũng thành ra đậu được.
Sự hiền hậu của Vinh cứ như vũ khí tẩm đường, giáng cho Bảo dăm ba nhát dao chí mạng. Thằng bé ngó sang chỗ Cường, thấy anh ta nấu canh với dáng vẻ rất tự tin thì tò mò ra mặt. Chẳng lẽ Vinh đã quá xem thường khả năng của người ngoại quốc đối với những món ăn truyền thống Việt Nam? Nguyên liệu làm canh Vinh đã đặt sẵn lên bàn rồi, ván này Cường có dễ ăn quá không nhỉ?
Vinh nhịn không nổi, lén đợi tới lúc Cường không chú ý, rón rén đến gần mở nồi canh ra. Một làn khói mỏng bao quanh tầm mắt Vinh, tiếp đến là mặt nước trong không nhiễm chút tạp chất. Thật sự là một nồi canh đẹp, nồi nước sôi đơn giản chấm phá thêm một vài điểm nhấn đang chìm nổi. Người nọ nấu canh trứng, bỏ luôn cà chua và trứng vào luộc không...
Cuối cùng món canh trứng biến thành món trứng luộc xếp cùng bát với cà chua luộc. Cả bát canh to đùng đựng toàn nước đun sôi với trứng luộc cà chua chín chìm dưới đáy...
- À, còn nữa.
Trước con mắt mong chờ của mọi người, Cường đảm đang lấy hành ra, cắt thành đống rồi điệu nghệ rắc đều lên bát canh. Cả căn phòng lúc này ngập tràn sự tĩnh lặng, mùi hành hăng hăng sộc vào mũi. Cường bình thản chẹp miệng, lạnh lùng cất tiếng:
- Hoàn hảo.
Mẹ Ái Lạp thân là người đề xuất cuộc thi này, cũng chỉ đành đăm chiêu nhìn vào phòng bếp mà cổ họng nghẹn đắng. Mẹ mím môi tới gần hai thằng bé, vươn tay cốc vào đầu từng đứa một, bắt đầu hỏi rằng hai đứa không biết nấu ăn phải không? Sau một khoảng thời gian khá dài đắn đo, cả Cường và Bảo đều ngại ngùng gật đầu. Mẹ Quế ôm mặt, lôi nốt cả Ái Lạp vào, khiển trách một thể cả ba đứa. Mẹ mắng rất nhiều, trọng tâm vẫn là mắng bọn nhỏ học hành cho lắm vào, cơm còn không biết nấu thì còn đòi học những thứ cao sang gì nữa?
Cường rất chăm chú lắng nghe, Vinh thì cười ngất. Bởi rõ ràng cô Quế nhà mình mắng cho oai, chứ mục đích vẫn là không cho đứa nào kèm Ái Lạp học. Vinh đã nghe lỏm được chỉ thị từ bố rồi, kể cả hôm nay Bảo hoặc Cường có nấu ngon thật, mẹ cũng sẽ kiếm bằng được cái cớ để huỷ trò dạy kèm này đi cho xem. May là đám bạn của Ái Lạp toàn cậu ấm cô chiêu, bếp núc chẳng bao giờ phải động, thành ra kế hoạch của mẹ mới kết thúc sớm hơn một xíu.
Cuối cùng sau nửa tiếng răn dạy, quá trình nấu nướng vất vả thế nào không ai nhắc lại nữa. Chỉ biết tối đó bố Sơn về được cho ăn mì tôm, bố hỏi mãi không ra lí do nên đành ngậm ngùi ăn trong nước mắt.
Ái Lạp ngồi bên cạnh xì xụp húp mì, tự nhủ thủ pháp của em trai nhà mình là đỉnh nhất rồi. Mai sau Vinh mà lấy vợ thì nó sẽ sang nhà thằng bé ăn bám, đếch đi lấy chồng nữa.
- Vinh ạ...
- Hử?
Vinh bóc quả trứng Cường luộc ra thả vào cốc mì, dìm xuống rồi ngẩng đầu đáp.
- Tao nghĩ mai sau mi lấy vợ, mi nên gói cả tao đem đi...
Nói đoạn Ái Lạp bất ngờ quỳ rạp xuống đất ôm chân Vinh. Trước sự ngạc nhiên của cả nhà, nó đau thương mà rằng:
- Tao nguyện vứt bỏ thanh danh, ăn bám vợ chồng mi cả đời!
Cùng lúc đó ngoài đầu đường văng vẳng tiếng hát karaoke của ông hàng xóm, tiếng hát nghe da diết và xót xa khôn cùng:
"Nếu nỗi buồn có thể chuyển thành sít, em nguyện ị bãi thật to.
Vì sao anh ơi? Vì nay em chưa muốn lấy chồng..."
***