Thanh Cung Mười Ba Triều
Chương 156 Công Trình Kiến Trúc Di Hoà Viên

Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 156 Công Trình Kiến Trúc Di Hoà Viên



Sau khi đi du ngoạn Tam Hải về cung, Từ Hi thái hậu phàn nàn với Lý Liên Anh là nơi này đã từ lâu không sửa chữa gì cả, để đến nỗi nhiều chỗ lở lói suy sụp cả.

Bà còn nói thêm là trước đó vài năm, bà đã cho gọi Nội Vụ phủ bảo sửa chữa lại nhưng Cung thân vương tâu không có tiền sửa chữa, Đông thái hậu lại bảo khỏi sửa, thế là chuyện dẹp.

Hiện nay, tình trạng nơi đây đã quá tệ, nếu không lo sửa sang lại, thì còn gì là hoa viên nữa!
Lý Liên Anh nghe Từ Hi thái hậu phàn nàn như vậy, vội chạy tới quân cơ xứ báo cáo cho bọn đại thần nơi đây hay.
Bọn đại thần quân cơ, anh nào chả mong được lòng thái hậu.

Bởi thế họ đi gọi nhau lại, họp hành luôn mấy ngày đêm để bàn tính việc tu bổ.

Họ cho gọi cả viên đại thần Nội vụ đến, rồi biểu quyết ngay một số tiền lớn khởi công động thồ tức khắc Khu Tam Hải đã lớn, họ còn mở rộng thêm vây luôn cả một con đường lớn chạy dọc suốt từ khu thành tây cũ đến mãi tận cửa sau, để xây cất thêm hai toà Bạch Thạch Kiều rất là cao lớn gọi Kim Ngao, Ngọc Đống.
Tam Hải sửa chữa lại xong, bọn đại thần liền tới thỉnh thái hậu đi du ngoạn.

Tây thái hậu bày giá tới Tam Hải, quả nơi đây lúc này khác hẳn khi xưa, cả một khu hoa viên đổ nát hoang tàn bỗng trở nên rộng lớn lộng lẫy, nào đền đài tráng lệ, nào hồ ao trong mát, không thiếu một cảnh đẹp nào! Tây thái hậu đi tới đâu khen tới đấy, thực là không ngớt lời khen.

Rất nhiều thân vương phúc tấn, đi hầu cạnh thái hậu du ngoạn hết nơi này đến chỗ nọ, nhởn nhơ y như tiên nga trên thượng giới.
Giữa lúc đoàn du ngoạn đi hết chỗ này sang chỗ khác, vô cùng cao hứng sướng khoái, bỗng Tây thái hậu nhớ tới vườn Viên Minh thuở nọ.

Bà cảm khái thốt ra lời nói:
- Tam Hải ngày nay đẹp nhưng sánh với vườn Viên Minh lúc trước thực chỉ bằng một phần muôn! Đáng tiếc là Tiên đế đã mất, mà vườn Viên Minh cũng đã huỷ! Cái ngày náo nhiệt phồn hoa xưa kia bên cạnh Tiên đế, ta còn làm sao mà thấy lại được nữa!
Nói đoạn, Từ Hi thái hậu bỗng lộ vẻ mặt thê thảm, đôi dòng lệ từ từ lăn trên đôi gò má.

Bọn phi tần thấy vậy, vội kiếm lời an ủi bà và hộ vệ bà trở về cung an nghỉ.
Lý Liên Anh thấy Thái hậu nhớ tới vườn Viên Minh, trong lòng bỗng phát sinh một ý định.

Bởi thế qua ngày hôm sau, Anh vội vã chạy tới chốn quân cơ, bàn tính với bọn đại thần phác hoạ một chương trình trùng tu vườn Viên Minh để làm vui lòng Thái hậu.
Trong số đại thần quân, có một vị lên tiếng:
- Muốn trùng tu vườn Viên Minh, nếu không có năm ngàn vạn lạng bạc thì đừng hòng.

Nay Hoàng đế không còn tại thế, trong vườn chỗ nào chỗ nấy đều có lưu lại những cảnh thương tâm thuở nọ.

Nếu Lão Phật gia qua đấy du ngoạn, tôi quyết Lão Phật gia không thể nào vui vẻ được.

Chi bằng bọn ta lấy số tiền trùng tu vườn Viên Minh làm một cái vườn khác cũng rộng lớn như vườn Viên Mình.

Khi Lão Phật gia xem thấy mới đẹp mà lại còn tránh được chuyện thương tâm do kỷ niệm cũ gây ra.
Nghe lời bàn tính này bọn đại thần đồng thanh khen hay.
Đôn Thân Vương Dịch Tôn nói:
- Lễ vạn thọ lục tuần của Lão Phật gia sắp tới rồi! Vậy toà hoa viên này phải xong trước cái ngày lễ trọng đại đó mới được! Đúng cái ngày lễ hôm đó, bọn ta sẽ thỉnh Lão Phật gia vào vườn du ngoạn một hôm để cho Lão Phật gia nức lòng hởi dạ…
Nói tới đây, Vương bấm đốt ngón tay, nói tiếp:
- Hiện nay là Quang Tự thứ mười lăm.

Năm thượng thọ lục tuần của Lão Phật gia là năm Quang Tự thứ hai mươi.


Trong quãng năm năm đó, công cuộc kiến thiết hoa viên đó chắc hoàn thành được.
Bọn đại thần nghe tới đây, đều đồng thanh công nhận.
Chưa hết, Vương gia còn nói thêm:
- Có điều toà hoa viên rộng lớn như vậy, xây cất ít nhất cũng phải hơn một ngàn vạn lạng bạc, thử hỏi đào đâu ra giữa lúc này? Chẳng lẽ bọn mình bắt Lão Phật gia mở hầu bao cho bọn mình xây cất.

Khó! Khó lắm!
Trong khi Dịch Tôn nói tới đây, khựng lại, thở dài, thì bọn đại thần quân cơ anh nào anh nấy dập gãy cái đầu xuống để suy nghĩ xem tiền đó đào tại nơi nào!
Thái giám Lý Liên Anh lúc này cũng có mặt nơi đây.

Giữa lúc bầu không khí nặng như đá đeo, Anh bỗng vỗ tay đôm đốp mắt sáng lên, hấp tấp nói lẹ:
- Có rồi! Có rồi!
Bọn đại thần bỗng như có điện giật, cồ đều ngóc lên, nhao nhao hỏi vội.
Tỏ vẻ đắc chí, Anh thong thả nói y như một ông thầy đồ giảng bài:
- Chẳng phải bọn ta mỗi năm phải trích ra hai trăm vạn lạng trong kinh phí của Hải quân đó sao? Nếu ta dành số tiền đó lại trong năm năm, thì đã thấy có ngàn vạn lạng rồi còn gì?
Thử nghĩ xem nước Trung Quốc ta toàn là đất liền; dùng Hải quân mà làm quỷ gì! Còn bọn ngoại quốc chúng đều là thần tử của Đại Thanh triều ta cả, hơn nữa chúng lại là những tiểu quốc, thì bố bảo chúng cũng chẳng dám sờ đến lông chân của thiên triều ta! Do đó, Hải quân thực chẳng biết dùng vào việc gì.

Bởi thế lấy kinh phí của đám quân này ai dám nói ra nói vào một nửa lời chứ? Ví thử số tiền xoay sở được đó quá ít, không đủ chi tôi đã có cách.

Xin thưa ngay cách đây: ta mượn danh nghĩa Chấn hưng hải quân mở rộng một cuộc quyên cũng để gọi là "Báo đáp Hải quân".

Giả dụ số kinh phí Báo đáp Hải quân thực ngân là bảy ngàn lạng ta sẽ tính cao lên một vạn lạng, rồi xin Lão Phật gia cho họ một cái chức tri huyện thế là xong.! Đến cách này mà chưa đủ, thì bọn ta anh em xúm lại chịu khó móc hầu bao lần chót, lẽ nào lại chẳng được như ý nguyện để đạt tới thành công?
Nghe Lý Liên Anh diễn thuyết một thôi, bọn đại thần đều đồng thanh coi như một diệu kế, nhất là khi nghe nói Lão Phật gia biệt đãi đối với mình, anh nào anh nấy đều hí hửng, và còn xác nhận thêm lời Anh nói quả chẳng sai tí nào!
Thế là nội vụ đã được quyết định.

Tất nhiên việc thực hiện phải đi theo ngay với lời nói.

Chẳng bao ngày, việc đầu tiên phải làm của bọn đại thần quân cơ này là kiểm kê hết mọi sổ sách để đem ra dùng số kinh phí của Hải quân một triệu lạng bạc bớt số, tích trữ, giấu diếm được bao lâu nay.
Việc thứ hai là xin Tây thái hậu chỉ dụ cho mở một cuộc quyên cúng "Báo đáp Hải quân".

Đến việc thứ ba là chỉ định một vùng đất trống rộng lớn bao la bát ngát tại Vạn Thọ sơn để kiến tạo hoa viên.
Hoa viên này vốn để chuẩn bị khánh chúc ngày lễ Vạn thọ của Thái hậu, bởi thế mọi người đồng thanh đặt tên là Di Hoà viên.

Di Hoà có nghĩa là di dưỡng mối Thiên hoà.
Khi đưa ra chương trình kiến tạo hoa viên Di Hoà, thì Vinh Lộc đã lại được bổ dụng chức tướng quân Tây An.

Lộc nghe được tin này, vội vàng quyên cúng ngay một số tiền lớn hai mươi lăm vạn lạng bạc để lấy tiếng người đầu sổ, và tất nhiên để làm cái lễ mọn dâng ngày vạn thọ của Thái hậu.
Từ Hi thái hậu vốn vẫn quý mến Vinh Lộc bởi thế bà cho lệnh điều động Lộc về ngay kinh đô, đồng thời nhập vào quân cơ xứ.

Thấy đã có người xung phong quyên cúng, bọn vương công lo đến thân mình, ngại đến cái quyền chức của mình, vội ùn ùn ghi danh đóng góp, kẻ thì mười vạn, người thì hai chục vạn, tiền lúc đó được khiêng tới ùn ùn nơi quân cơ.
Mặt khác, số tiền kinh phí Hải quân thu được đến bốn, năm trăm vạn lạng bạc.

Chưa hết, còn một khoản tiền đặc biệt này nữa: đó là khoản tiền gọi "Nhân khoản" do Hộ bộ thượng thư Diệm Kính Minh tâu lên sau tài khoá năm đó.
Nhân khoản là tiền gì? Chiếu lệ cuối mỗi năm Hộ bộ thượng thư phải kiểm kê lập thành bản tồn khoản (những khoản tiền còn lại) báo cáo vào cung để Lưỡng cung Thái hậu xem xét.
Bản tồn khoản này thường chỉ ghi những khoản chính.

Còn một khoản phụ kiểm kê từ các năm trước trở lại, những khoản tiền đổi giá, tất cả những khoản đó đều là nhân khoản?
Nhân khoản không ghi vào biên bản, và thường đem chia nhau từ anh quan to xuống tới anh quan nhỏ, mỗi anh cứ cuối năm, có chút tiền bổng, khả dĩ an ủi lắm!
Nhưng từ khi Diệm Kinh Minh lên làm Hộ bộ thượng thư thì nhân khoản không còn là nguồn an ủi của bọn quan lại bộ Hộ nữa.

Diệm sở dĩ cắt hết nhân khoản này, một là vì sợ chính khoản thiếu hụt, cần phải có nhân khoản để đập vào, hai là để lấy lòng Thái hậu, chủ đích mong bà khen giỏi trù tính chi tiêu.
Thế là năm đó, bản báo cáo dâng lên, Thái hậu xem qua, mừng rú lên, vì tự nhiên mà có được một nhân khoản lớn đến hơn bảy trăm vạn lạng bạc.

Bà vội bảo Lý Liên Anh tới hội bê ngay số tiền lớn đó về cho bà, để dồn vào số tiền chi phí trong công cuộc xây cất Di Hoà viên.
Tiền nong dư dả, tha hồ mà vẽ vời tô điểm cho Di Hoà viên.

Thực thế, có thể nói Di Hoà viên được kiến thiết chẳng kém phần hoa lệ, nguy nga so với bất cứ một hoa viên nào!
Hoa viên xây cất đằng đăng suốt mấy năm trời, mãi tới năm Quang Tự thứ mười chín thì hoàn thành.

Vị đại thần giám đốc kiến tạo hoa viên bèn mời các vị vương gia đại thần vào thăm vườn và xem xét lại một lần chót.
Hôm đó, Đôn thân vương chuẩn bị từ sáng sớm, đem theo một đám đông đại thần tiến vào hoa viên để xem xét.

Di Hoà viên hoa lệ ra sao, kiến trúc như thế nào, xin mô tả qua để quý vị độc giả biết thêm một công trình kiến trúc của thời quân chủ cách đây chưa bao xa, với bao nhiêu mồ hôi nước mắt của quần chúng, hầu mong cung phụng cho hạnh phúc riêng của một người, một dòng họ.
Di Hoà viên vốn xây cất trên cái nền cũ của Thanh Y viên ngày trước, tại mặt tây Bắc Kinh, cách xa đô thành chừng hai mươi dặm.

Lưng tựa vào Vạn Thọ sơn, Động Nguyên viên, vây khắp hồ Côn Minh vào giữa.

Nếu do góc cửa đông mà đi vào, người ta phải qua cửa Nhân Thọ môn.
Điện đài nơi đây đồ sộ cao lớn, nhất là điện Nhân Thọ.

Tiến vào cửa điện, người ta gặp ngay một toà lâu đài gọi là Nguyệt Đài.

Trong đài, tại tầng thứ nhất có bày bốn các tĩnh lớn.
Lên tầng thứ nhì, người ta thấy có hai cái chum đồng chạm trổ hai con rồng và hai con phượng múa lượn chung quanh.

Trong giữa điện, đặt một cái ngai quý bằng gỗ mun, cửa ngoài khoá chặt.

Quay sang hướng tây, đi chẳng mấy bước, ta sẽ thấy một tấm biển, trên khắc bốn chữ: "Thuỷ mộc từ thân".
Mặt tây ấy chính là hồ Côn Minh.

Phía bắc hồ, là toà Lạc Thọ đường.

Toà đường này về sau trở thành tẩm cung của Hoàng thái hậu.

Trước mặt đường, cũng có một nguyệt đài.
Bên cạnh đài, lại còn có một ngôi đình, xây cất theo kiểu noãn phòng (phòng ấm) toàn bằng pha lê.

Phía trong đình có trồng một cây thông, chẳng khác gì một cây san hô.

Lại về hướng tây, đi quanh quẩn một hồi, ta sẽ phải đi qua một dãy hành lang dài đến mấy chục trượng.

Nhìn về phía Bắc, ta thấy một toà núi, trên đỉnh xây một toạ đài, tên gọi Quốc hoạ đài cao đến vài chục trượng.

Phía dưới đài là một cái điện, gọi tên là Bài Văn.
Điện dài chín gian, hết sức rộng lớn, về sau thái hậu dùng nơi đây làm chỗ toạ triều.

Trong điện, có một đôi câu đối, vế trên viết:
"Vạn hốt tinh sơn triều Bắc cực".
Còn vế dưới viết:
"Cửu hoa tiên nhạc tấu Nam huân"
Hai bên vách điện, xây đắp đến mấy chục cây thập cẩm cao mãi đến tận xà nhà.

Thềm điện tính cả thảy mười bốn tầng.
Trên nguyệt đài bày bốn cái đỉnh và chum bằng đồng, có chạm trổ từng cặp long, phượng trên từng đôi một.
Ở phía sau điện, có một cái gác gọi là Phật Hương các, thềm cao đến vài chục bực toàn đá.

Nếu theo cửa ngách mà vào, ta sẽ thấy một cái bia đá lớn, trên khắc bảy chữ: "Mộ ái triều phong thường tự tả"
Nếu lại mặt bắc mà đi, ta cung sẽ gặp một cái gác, gọi là Bảo Vân các.

Gác có mái đình bát quái, cửa cột bao lơn, chấn song đều bằng đồng đúc.
Từ Bảo Vân các, có ba pho tượng Kim thân.

Phía sau gác, lại còn có một ngôi đình, gọi là Chung Hương giới.

Đây chính là nơi cao nhất của Vạn Thọ sơn.
Lại theo hướng nam mà đi ra, để gặp một cái cổng, trên cổng đề bốn chữ "Đạo dưỡng chính tính".

Trước cổng, một dãy tường thấp ôm quanh lấy đỉnh núi.

Tựa vào bức sơn tường này mà nhìn về nam, ta thấy trên mặt hồ, nào đình đài, nào lầu gác chẳng khác chi như nhìn phong cảnh trên một áng mây bạc, rõ mồn một.
Bên cạnh điện, cất mấy ngôi đình bát giác.

Chuyển luân tạng vốn là hai toà bảo tháp làm bằng gỗ, mỗi toà cao tới mười mấy tầng.

Cứ mỗi tầng, mặt ngoài đều có khắc tượng Phật.

Mỗi một toà tạng cao đúng ba trượng, ngày đêm xoay chuyển liên tiếp, không bao giờ ngừng.

Mãi về sau, năm Canh Tý, năm Bát quốc liên minh đánh vào kinh thành, chiếm đóng Di Hoà viên, lúc đó, hai toà chuyển luân tạng mới ngừng hẳn, không xoay chuyển được nữa.
Trong điện, còn có hai toà nhật quỹ (đồng hồ mặt trời), trên mặt khắc ghi số giờ số khắc, giữa đặt một cái kim đồng.
Mỗi khi mặt trời chiếu sáng, cây kim chỉ vào số giờ nào, khắc nào, là ta biết ngay mấy giờ, mấy khắc.

Bỏ Chuyển luân tạng mà đi quanh ra, ta gặp điện Huy Đức phía trên có biển đề bốn chữ Phu quang vinh khánh.

Chốn này đã là mặt đông của điện Bài Văn.

Về mặt tây, lại còn có một ngôi điện nữa: điện Thánh Ly.

Điện này đối diện với một cái rạp hát, xây cất hết sức huy hoàng rực rỡ.

Đấy chính là nơi Thái hậu đi xem hát.
Đi dọc theo đường núi quanh co một lát, ta thấy một ngôi đình biển đề ba chữ "Hoạ trung du " chung quanh có rất nhiều câu đối viết chữ hết sức tươi đẹp, để ca tụng phong cảnh như sau:
1.
Cảnh tự viễn trần giai nhập vịnh
Vật hàm diệu lý tổng kham tầm.
2.
Kỷ hử sùng tình ký viễn tích
Vô biên giai huống thiếp hương khâm.
3.
Nhàn vân quy tụ liên phong ám
Phi bộc thuỳ không thân thạch lương.
4.
U lại tĩnh trung quan thuỷ động
Trần tâm tức hậu mịch lương lai.
5.
Xuyên nham độc chung tú
Thiên địa bất ngôn công.
6.
Sơ sắc nhân tâm viễn
Tuyền thanh nhập mục lương.
Bên cạnh ngôi đình này có một cái động đá.

Đi xuyên qua động này, ta thấy một cái bia đá lớn đập ngay vào mắt.

Trên mặt bia khắc một hàng mười chữ: "Sơn xuyên ánh phát sử nhân ứng tiếp bất hạ".

Lại đi lên chút nữa, ta gặp một ngôi đình nữa, biển đề bốn chữ "Hổ sơn chân ý".

Đây chính là nơi thừa lương (nghỉ mát) của Thái hậu sau này.

Và đây cũng là nơi cao nhất của Vạn Thọ sơn rồi.
Đứng từ nơi đây, hướng về bắc, nhìn xuôi xuống phía dưới núi, ta thấy bên ngoài bức tường lớn vây quanh, độ hơn mười dặm, phố xá chốn kinh thành dọc ngang như bàn cờ, ngựa xe chạy như mắc cửi.

Ngay trước mặt ngôi đình, phía trên đề ba chữ "Chỉ thụ lâm".
Từ phía sau lầu cao có hơi thấp hơn một chút, ta phóng tầm mắt về hướng đông bắc, ắt thấy ngoài xa chừng vài dặm, một dãy tường thấp chạy loanh quanh như con rắn bò trên một khu đất bằng.
Khu đất này chính là cái nền cũ của vườn Viên Minh thuở trước.


Trên đỉnh núi ta đi về phía đông, tất phải theo một con đường lớn lát toàn bằng đá hoa cương mài nhẵn thín, miếng nào miếng nấy vuông vức.
Con đường này dài có đến vài dặm, tuy khi còn ở trên núi có chỗ chìm xuống lại có chỗ vươn lên cao nhưng tổng quát đều bằng phẳng rất dễ đi.

Tận đầu mút con đường là một ngôi đình gọi tên là Hội đình.
Từ Hội đình này, ta đi xuống núi tới gác Cảnh Phúc, nơi đây Từ Hi thái hậu ăn cháo hằng ngày.

Rồi lại từ gác Cảnh Phúc đi ra, ta qua Như Y trang, rồi Bình An thất thăng tới Lạc Nông hiên.

Ở chính giữa hiên này đặt một cái ngai vàng.

Phía sau ngai vàng bày một cái ghế.

Mé tả để một cái giao ỷ làm theo kiểu Tây phương, bên trên trùm một cái màn vải vàng.
Lại từ Lạc Nông hiên đi xuôi theo về hướng đông nam, ta gặp Chúc Tân lâu, Hàm Viễn đường.

Trước ngôi đường Hàm Viễn này, có một cái ao vuông, ăn thông với con suối, nước chảy róc rách suốt ngày đêm từ trong núi ra.

Khu đất này xây cất giống in như khu "Đồng Âm thâm xứ" lúc Từ Hi thái hậu còn là một phi tử trong cung.

Những dãy lan can, những chiếc chấn song quanh co vẽ chạm hết sức tinh vi khiến phong cảnh càng thanh u hơn.
Bên cạnh ao, cất một ngôi đường gọi là Hoà Xuân đường, bên bìa chìa ra ao xây một cái cầu gọi là Tri Ngư kiều.

Bốn mặt chung quanh cây cầu này, đều có đình đài xây cất tinh xảo tráng lệ.
Đi qua cầu Tri Ngư, ta gặp một toà viên lạc, mặt nam cũng như mặt bắc, đều có bốn, năm căn nhà đối diện nhau.

Khu nhà mặt nam chứa một chiếc thuyền rồng.
Khu nhà mặt bắc lại chứa một bộ đồ thư tập thành.

Bỏ qua viên lạc này, tới toà Đức Hoà viên.

Chính giữa vườn, xây một ngôi điện vũ, tên gọi Di Lạc điện.
Trước mặt điện, xây một cái rạp hát lớn.

Rạp cao ba tầng.

Từ tầng cao nhất, ta nhìn ra xa, thấy Ngọc Lan đường ở trước mặt.

Đây chính là tẩm cung của Quang Tự hoàng đế sau này.
Hai bên giải vũ trước mặt điện đều có những dãy phòng dài mười một gian, mỗi gian dùng ván chắn ngang.

Hai dãy phòng này dành cho các bậc vương công đại thần ngồi xem hát.

Lại từ đây tiến về hướng nam, ta tới hồ Côn Minh.

Bước dọc theo bức tường đông mà đi bộ chừng hai dặm đường ta gặp cửa cung môn, và một cái bia đá dựng ngay bên mé tả.
Cái bia này gọi là Chức Nữ thạch, cao có tới bốn, năm thước, dựng lên từ năm Giáp Thân.

Còn mé hữu cửa cung, một con trâu đồng nằm trên mặt đất, dài bốn, năm thước, được đặt tên là Khiên Ngưu.
Đối diện cửa cung môn, một cái cầu tàu xây trên bờ Bạch Thạch hà dùng làm chỗ cặp thuyền du ngoạn trên hồ Côn Minh.
Dọc theo hồ Côn Minh, đi về hướng tây, ta gặp một cây cầu mười bảy nhịp.

Đi qua cầu, tiến về hướng bắc, ta thấy một cái miếu, đó là miếu Long Vương.

Cột miếu hai bên có treo đôi câu đối như sau:
Thiên ngoại thị ngân hà yên ba uyển chuyên.
Vân tiền khai thuỷ ốc, hướng vũ phi vi
Ba mặt đông tây nam ngoài cổng miếu, đều có dựng bia đá.

Đằng sau miếu là Hàm Hư đường.

Phía sau ngôi đường này, lại là Côn Minh hồ.

Về phía tây, đối diện với hồ là Ngọc Tuyền sơn…
Phong cảnh của vườn Di Hoà đại khái là như thế.

Trong vườn có nhà máy điện, đốt đèn điện, có đường sắt, có tàu thuỷ chạy hơi nước.
Cứ mỗi một nơi, đều có đến vài chục viên tổng biện, bang biện uỷ viên, quá nửa đều là người Mãn.
Về sau, khi Hoàng thái hậu đem Quang Tự hoàng đế vả hoàng hậu vào ở trong vườn, thì chỉ duy có tiền hoả thực (tiền bếp) mà đã lên tới một vạn hai ngàn quan tiền mỗi ngày…
Kiến tạo khu vườn Di Hoà mục đích để đợi ngày lễ vạn thọ của Hoàng thái hậu, mời bà vào du ngoạn mong làm vui lòng bà.

Bởi thế ban đốc công phải cố làm xong vào năm Quang Tự thứ mười chín, tức là năm trước khi Từ Hi thái hậu vừa đúng sáu mươi tuổi..


5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi

Truyện cùng thể loại