Tây Tiến - Quang Dũng
Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ sau:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
(Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)
Từ đó liên hệ với hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu (Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) để thấy rõ sự kế thừa và đổi mới của nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam.
* Yêu cầu chung
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn và đậm chất bi tráng của người lính Tây Tiến; liên hệ với hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu để thấy rõ sự kế thừa và đổi mới của nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Vận dụng tốt các thao tác lập; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
* Yêu cầu cụ thể
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.
2. Cảm nhận về vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn và đậm chất bị tráng của người lính Tây Tiến
Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng theo các yêu cầu sau:
a. Về nội dung
- Khái quát chung về đơn vị Tây Tiến, hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng và bút pháp xây dựng hình tượng người lính của Quang Dũng.
- Bốn câu đầu: Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn của người lính Tây Tiến trong cuộc sống và chiến đấu.
- Bốn câu sau: Vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến trong chiến đấu và hi sinh. b. Về nghệ thuật
- Cảm hứng lãng mạn và bút pháp bi tráng. - Ngôn từ tinh tế, hình ảnh đặc sắc, giàu cảm xúc. - Sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc,...
3. Liên hệ với hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, chỉ ra sự kế thừa và đổi mới của nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam
a. Liên hệ với hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc
- Hình tượng người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc và hình tượng người lính Tây Tiến: đều mang vẻ đẹp sử thi; đều được tác giả dành cho tình cảm tự hào, ngưỡng mộ và tiến thương vô hạn; qua đó thể hiện nội dung yêu nước sâu sắc.
- Xuất thân: Người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc xuất thân từ nông dân nghèo kh (người lính Tây Tiến xuất thân từ tầng lớp trí thức), không được giáo dục lòng yêu nước từ những trang sách nhưng họ đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước bằng lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc, mãnh liệt (khi đất nước bị ngoại xâm, triều đình bạc nhược, đầu hàng).
- Vẻ đẹp bi tráng của người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc toát lên từ sự chân chất, mộc mạc, bộc trực của người nông dân nghèo khó ở mảnh đất Nam Bộ thế kỉ XIX, khác với vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, lãng mạn của những chàng trai Tây Tiến ở mảnh đất Hà Thành trong thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỉ XX).
b. Sự kế thừa và đổi mới của nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam
- Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu và Tây Tiến của Quang Dũng đều là những tác phẩm mang nội dung yêu nước sâu sắc dù ở thời đại khác nhau. Qua đó, ta thấy được sự kế thừa và đổi mới của nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam.
- Sự kế thừa nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945: yêu nước là nội dung lớn, kế thừa nội dung yêu nước trong văn học trung đại cả về cảm xúc và giọng điệu.
Nhiều điểm gặp gỡ giữa Tây Tiến và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: yêu nước là yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, ý thức trách nhiệm đối với đất nước, quyết tâm đánh giặc, sẵn sàng xả thân vì đất nước,...; giọng điệu tự hào, xót thương, tiếc nuối,...
- Sự đổi mới trong dung yêu nước của văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 ở Tây Tiến: Không còn tư tưởng trung quân mà là lòng tự hào dân tộc, ý thức về một giang sơn thống nhất, toàn vẹn, thiêng liêng; tình yêu đất nước không trừu tượng, cao siêu mà hết sức cụ thể, thân thuộc: tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, quê hương,...
- Sự đổi mới là do quy luật phát triển của văn học.