Tam Sinh Tam Thế - Chẩm Thượng Thư (Quyển Thượng)
Quyển 1 - Chương 6

Tam Sinh Tam Thế - Chẩm Thượng Thư (Quyển Thượng)

Quyển 1 - Chương 6

Đoạn đầu của mối tình này, Phượng Cửu biết hồi đó nàng và Cơ Hoành vẫn chưa có liên quan gì.

Ngày hôm đó của ba trăm năm trước, khi tiên quang chói lọi phá vỡ đỉnh Phù Vũ, Đông Hoa oai phong bước ra khỏi Thập ác liên hoa cảnh, việc đầu tiên không phải là đi hỏi tội Yến Trì Ngộ, mà là đưa nàng về cung Thái Thần. Thập Tam Thiên mênh mông, dưới chân thành, mấy chục tiên bác từ cung Thái Thần nhất loạt quỳ rạp đến tận cửa Nhất Thập Tam Thiên để chịu tội không bảo vệ chu đáo Tỏa hồn ngọc. Đông Hoa sải bước trên mênh mang mây xanh và tiếng niệm Phật đi thẳng vào cung môn, các vị tiên bác tự cảm thấy mắc trọng tội, đầu cúi sát đất, không dám ngẩng lên. Rất nhiều vị từng là những dũng tướng hiển hách trong chiến sử hồng hoang, mà nàng đã nhìn thấy chân dung trong sách khi còn đi học.

Đông Hoa đặc biệt giao nàng cho Trọng Lâm trưởng quân tận tâm nhất cung Thái Thần chăm sóc, nhưng Phượng Cửu không muốn người khác chăm sóc mình, cảm thấy Đông Hoa thay băng, rửa vết thương rất khéo, bộ vuốt bé nhỏ một mực bám chặt vạt áo Đông Hoa không đi. Đông Hoa giơ cánh tay trước mặt nàng ý bảo nàng với lên, nhưng chân nàng ngắn, chới với mãi không sao chạm đến cánh tay chàng, mặt ỉu xìu thất vọng.

Hai nữ hầu tiên có vẻ bạo gan đứng bên cười khúc khích, Phượng Cửu cảm thấy bị xúc phạm, quắc mắt lườm họ. Đôi mắt lãnh đạm của Đông Hoa lúc này cũng hiếm hoi lộ ra nụ cười, nhấc nàng đặt lên chiếc quạt mềm, xoa đầu nàng. Phượng Cửu cho là cử chỉ đó có nghĩa chàng thấy nàng đáng yêu, mắt vội liếc ngực áo chàng định chui vào đó lần nữa, nhưng Đông Hoa đã vẽ một vòng tròn, tạo kết giới xung quanh nàng, còn dặn mấy nô bộc đứng bên: “Tiểu hồ ly rất hiếu động, trông nom cẩn thận, đừng để nó chạy lung tung, tránh vết thương ở chân càng nặng."

Phượng Cửu vẫn muốn theo chàng, sử dụng tuyệt chiêu lợi hại giả vờ hu hu khóc, còn giơ chân giả bộ lau nước mắt. Có lẽ điệu bộ không thật giống, lúc lén liếc Đông Hoa liền bị bắt gặp, đành mặt dày lau mắt tiếp tục khóc, Đông Hoa đứng tựa vào cửa sổ nhìn nàng: “Ta rất thích chọc kẻ khác khóc, khóc to nữa lên". Tiếng khóc của nàng liền dừng trong cổ. Thấy nàng không khóc nữa, chàng mới đi đến, giơ tay xoa đầu nàng: “Phải ngoan, nghe lời Trọng Lâm, mấy ngày nữa công việc xong xuôi ta lại đến đón ngươi về". Nàng ngửa mặt nhìn chàng rất lâu, đành khuất phục miễn cưỡng gật đầu.

Phượng Cửu còn nhớ, lúc Đông Hoa cúi nhìn nàng trông rất dịu dàng. Thực ra bây giờ nghĩ lại, cũng chẳng khác gì bộ dạng của cô cô Bạch Thiển lúc xem kịch hoặc Ti Mệnh lúc xem cuốn sổ mệnh số người trần, rõ ràng là bộ dạng chủ nhân nhìn… vật cưng của mình.

Phượng Cửu thở dài. Tất cả những chuyện cũ vẫn rõ ràng như mới, nhớ lại sau lần đó đúng ba mươi ngày Đông Hoa cũng chưa quay lại đón nàng, cuối cùng do đợi chờ quá sốt ruột nàng mới lừa Trọng Lâm bỏ kết giới, lén đi tìm Đông Hoa, giữa đường lại gặp Ti Mệnh ở cổng Nam Thiên. Trước đó nàng không cảm thấy, trong ba mươi ngày đó có thể xảy ra chuyện gì lớn, lúc này mấy trăm năm sau, nghe Yến Trì Ngộ mặt mũi hớn hở nói một thôi, mới hiểu trong ba mươi ngày đó xảy ra mấy chuyện, chuyện nào cũng kinh thiên động địa.

Đây là nửa sau câu chuyện giữa ba người: nàng, Đông Hoa và Cơ Hoành mà nàng chưa biết.

Trong mấy ngày Đông Hoa mất tích, rõ ràng là đi tìm Tiểu Yến tráng sĩ khiêu chiến, rõ ràng khiêu chiến thành công, về đoạn này Tiểu Yến tráng sĩ chỉ nói mập mờ, có lựa chọn và rất vắn tắt, cuối cùng chàng Yến giơ tay xoa mũi nói: “Kỳ thực theo lý thì sau khi đánh nhau với mỗ, ông ta nên từ đâu đến thì cút về nơi đó, mỗ không hiểu, tại sao ông ra còn quanh quẩn ở núi Bạch Thủy."

Phượng Cửu đội nửa cái lá to hái ở cạnh vách núi, che ánh nắng gay gắt trên đầu trả lời Tiểu Yến: “Có lẽ đánh nhau xong chàng ta cảm thấy vẫn còn thời gian rỗi, liền nhân tiện đi núi Bạch Thủy tìm cây long não và cây thanh…".

Câu nói này đâm vào trái tim mẫn cảm, không chịu thua của Tiểu Yến tráng sĩ, ánh mắt phẫn nộ và ưu phiền của chàng đã lùi chữ “liên" cuối cùng sắp ra khỏi miệng Phượng Cửu: “Mỗ đây thân thể tráng kiện như vậy, trong mắt ngươi lại là đối thủ yếu ớt như vậy sao? Vừa đánh nhau xong với mỗ, ông ta lại vẫn có thể thư nhàn du sơn ngoạn thủy, ngắm hoa, ngắm cây ư?".

Phượng Cửu im lặng nhìn Tiểu Yến giây lát, mặt thản nhiên chỉnh lại lá cây trên đầu: “Đương nhiên không phải, ý tiểu bối nói…". Nàng dừng lại: “Có lẽ chàng ta đi núi Bạch Thủy tìm thảo dược trị thương cho mình".

Tiểu Yến tráng sĩ tương đối thích cách lý giải này, gật đầu, ngữ trọng tâm trường nói: “Ngươi nói đúng, để tìm thảo dược trị thương cho mình, Mặt lạnh đã đi khắp núi Bạch Thủy". Chàng ta lại tiếp tục câu chuyện: “Nếu không sao lại nói ông trời không có mắt, đúng lúc đó Cơ Hoành cũng chạy đến núi Bạch Thủy…".

Đúng như Phượng Cửu nói, chuyến đi núi Bạch Thủy của Đông Hoa quả thực để tìm kiếm hai thành phẩm điều chế một loại hương huyền bí. Trong đầm Bạch có mọc loài sen xanh và cây long não kí sinh trên cây sen xanh có tuổi cả vạn năm là một kì quan của núi Bạch Thủy. Do hai loại cây có mùi hương đó sống dựa vào nhau, khiến trong sen có mộc hương, trong mộc hương có hương sen, vạn năm nay đã thu hút bao nhiêu đại sư chế hương lặn lội đến tìm.

Sở dĩ phải “lặn lội tìm đến" là do bản thân núi Bạch Thủy địa thế vô cùng hiểm trở, lại thêm trong đầm có một con muỗi dữ sinh sống, những đại sư chế hương đến đây, không cẩn thận bỏ mạng trong đầm, đều trở thành bữa tiệc thịnh soạn cho con muỗi dữ nọ. Phượng Cửu từ nhỏ đã rất muốn thần phục con muỗi kia đem về nuôi chơi, những gì nghe được về con muỗi trứ danh này là khi Đông Hoa trở về cung Thái Thần, ung dung lôi trong tay áo ra một bọc nhụy sen khô và mấy đoạn vỏ long não, nàng hiểu ngay con muỗi trứ danh ở núi Bạch Thủy mà nàng rất ưng ý, e là đã xúi quẩy rồi.

Còn chuyện Cơ Hoành đi núi Bạch Thủy lại liên quan đến một bí mật của Ma tộc.

Ma tộc có bảy chi, Húc Dương ca ca của Cơ Hoành là quân vương của Xích chi. Nghe đâu lúc Cơ Hoành còn rất nhỏ Húc Dương đã cử riêng một thị vệ bảo vệ nàng. Thị vệ này mặc dù xuất thân bình thường, nhưng từ nhỏ có khuôn mặt thông minh hoạt bát, rất được các bậc trưởng bối trong dòng tộc yêu thích, được cả Vương thái hậu cô quả trong thâm cung rất mực sủng ái. Đến nỗi Húc Dương cảm thấy để tiểu đồng khôi ngô như vậy theo hầu Cơ Hoành không thỏa đáng lắm, nhưng khi định chọn một người kém sắc hơn, thì người đầu tiên phản đối kịch liệt lại là mẫu thân của họ. Vương thái hậu đầu tiên là khóc lóc rồi làm ầm ĩ cuối cùng dọa tự vẫn. Cơ Hoành tuy còn nhỏ chưa hiểu chuyện cũng đứng bên lau nước mắt dỗ dành, làm cho tiểu thị vệ tên Mân Tô đó với bộ mặt ngây thơ giật ống tay áo chàng cầu xin: “Quân thượng làm thái hậu khóc rồi, mau dỗ đi". Húc Dương điên đầu, đành chịu thua…

Về sau tiểu thị vệ Mân Tô lớn dần, càng trở nên một trang nam nhi tuấn tú, Húc Dương càng nhìn tiểu thị vệ càng thấy không ổn. Mân Tô dùng bữa với họ nhưng không hề động đến rau cần và cà chua là loại rau có nhiều chất dinh dưỡng, Húc Dương cau mày, cảm thấy không ổn. Mân Tô mặc áo chùng màu lam nhạt, mảnh mai như một cây hành, Cơ Hoành rất thích ngồi xích lại gần to nhỏ với tiểu thị vệ đó, Húc Dương cau mày cảm thấy không ổn. Mân Tô nửa đêm luyện kiếm ở hoa viên, luyện kiếm thì không hề chi, nhưng lại không biết đường chuẩn bị cái khăn để lau mồ hôi, nhỡ cảm lạnh không chăm sóc được Cơ Hoành thì sao, Húc Dương cau mày cảm thấy không ổn. Con ngựa của Mân Tô gần đây bị ốm, đi lại không tiện, nếu Cơ Hoành có việc sai tiểu tử đó đi chặng đường dài đến nơi nào đó, làm sao đi nhanh được, Húc Dương cau mày, cảm thấy không ổn. Vậy là Húc Dương hạ một đạo chỉ, đại ý có bốn điểm: Thứ nhất, mỗi người mỗi bữa ăn nhất thiết phải ăn rau cần và cà chua. Thứ hai, trong cung không được may áo, may tất cả bằng lụa màu lam. Thứ ba, xuất môn luyện kiếm nhất định phải mang theo khăn bông lau mồ hôi. Thứ tư, trong cung phải có một kho quản ngựa, ngựa của ai bị ốm có thể đến mượn dùng. Quả nhiên, kho quản ngựa vừa dựng xong, mới đưa vào mấy con ngựa, Mân Tô đã hớn hở đến mượn một con dắt đi, hơn nữa, tiểu tử đó dạo này do kiên trì ăn rau cần và cà chua, cơ thể vốn mảnh mai đã trở nên rắn chắc hơn nhiều, Húc Dương một mặt cảm thấy yên tâm, một mặt tự nhủ tất cả đều vì Cơ Hoành. Chàng cảm thấy vì tiểu muội chàng quả thực đã vất vả, nhọc lòng bao nhiêu.

Là một trong bảy vị quân vương của Ma tộc, bổn phận của chàng vốn đã nặng nề, mỗi ngày lại phải phân tâm để ý đến tiểu muội và tiểu thị vệ điển trai kia. Hôm nay tiểu thị vệ đó nói mấy câu với Cơ Hoành? Có phải nhiều hơn hôm qua hai câu? Khoảng cách gần nhất mà Mân Tô ở bên Cơ Hoành là mấy tấc? Có phải gần hơn một tấc so với hôm qua? Từng chi tiết đều khiến chàng bận tâm, lo lắng. Hơn nữa chỉ cần có mặt Mân Tô, ánh mắt chàng luôn không làm chủ được, luôn liếc mấy cái xem tiểu tử điển trai có biểu hiện nào không đúng thân phận đối với Cơ Hoành. Nhưng cho đến khi cùng các vị trưởng bối trong tộc nghị bàn xong hôn sự của Cơ Hoành, quyết định phải gả nàng vào cung Thái Thần của Đông Hoa Đế Quân, Húc Dương vẫn không phát giác được dấu hiệu tư tình nào của hai người đó, lòng chàng không hiểu sao lại có chút thất vọng, nhưng đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chàng cảm thấy Mân Tô rất ổn, cảm thấy cái vẻ hoạt bát của tiểu tử đó khi cúi mi nhìn xuống có vài phần khiến người ta yêu mến, dần dần thái độ, nói năng của chàng với Mân Tô cũng trở nên hòa nhã hơn trước vài phần.

Nhưng không biết vì sao, từ sau đó, chàng thấy Mân Tô thường lặng lẽ ngồi một mình ngơ ngẩn trong hoa viên, chàng sải bước đến trước mặt, mấy lần cũng không nhận ra, nếu có sực tỉnh phát hiện ra chàng, thì chàng chưa kịp lên tiếng đã chạy biến như con thỏ. Có lần chàng quả thực rất hiếu kì, khi rón rén đến gần tóm gáy áo Mân Tô, ai ngờ tiểu tử đó lại dùng đến cả chiêu ve sầu thoát xá, ngang nhiên tuột khỏi tay chàng, để lại chiếc áo rộng trống không trong tay chàng, bay bay trong gió. Chàng cầm chiếc áo, đứng nguyên chỗ đó rất lâu, cảm thấy hơi kì, mấy ngày sau đều không thấy Mân Tô, hoặc là từ xa phát hiện một góc vạt áo hơi giống, dụi mắt nhìn, lại đã biến mất tăm, chàng nghi ngờ mắt mình gần đây hơi kém.

Húc Dương từ nhỏ đã rất chú ý dưỡng sinh, luôn có thói quen đi dạo trong vườn hoa viên sau bữa trưa, hôm nay chàng đi đến bờ ao, từ xa đã nhìn thấy bóng Mân Tô mấy ngày nay không hiểu lủi đi đâu, đang cắm cúi làm gì bên ao sen, chàng nhón chân bước tới gần, quả nhiên là cậu ta, mặc chiếc áo chùng có những đường hồ màu thanh thiên giống như quả mướp, đang cầm bút bò trên những tảng đá tô tô vẽ vẽ gì đó, bộ dạng vừa chăm chú vừa thành kính. Húc Dương biết Mân Tô từ nhỏ không thích bút nghiên, lớn bằng ngần ấy chỉ biết vài chữ, làm sao có thể viết được gì, chàng quả thật vô cùng hiếu kì, trầm ngâm hồi lâu, rón rén đến sau lưng đứng xem.

Bờ ao, gió mang hơi sen thoáng lạnh, chàng ngó nhìn, có đến nửa trang giấy thô là chữ hoặc hình vẽ xiêu vẹo, xâu chuỗi lại thành mấy câu cũng rất văn vẻ ngụ tình, hình như là “Đêm về cảnh đẹp như thơ, nhớ chàng trằn trọc canh chầy". Húc Dương tuy tuổi không nhỏ nhưng cũng không rành chuyện phong tình, cũng có thể nhận ra đây là bức thư tình, phần mở đầu không thấy đề tên, cũng khó đoán rốt cuộc tiểu tử đó định viết cho ai.

Húc Dương giơ tay, rút nhanh tờ giấy trên bàn đá, Mân Tô đang cắn bút trầm tư, ngẩng đầu nhìn thấy chàng, mặt bỗng đỏ lựng, vô thức giơ tay định giật lại, nhưng không kịp.

Gió nhẹ thổi qua, một góc bức thư hơi cuốn lên, Húc Dương vừa đọc vừa đoán từng chữ, rồi nhìn lướt một lượt, trầm ngâm đọc hai câu: “Sàng tiền nguyệt quang bạch, triển chuyển bất đắc miên[1]". Dừng lại hỏi: “Viết cho ai?".

[1] Nghĩa là: Trước giường ánh trăng bạc, trằn trọc không ngủ được. Lấy ý câu thơ: “Trước giường ánh trăng sáng vằng vặc ngỡ sương sa trên mặt đất" trong bài Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch.

Mân Tô bình thường hoạt bát như một con khỉ con, lúc này mặt lại cúi gằm, tai đỏ tới tận vành, đứng im nhưng không trả lời.

Húc Dương hiểu ra: “Viết cho Cơ Hoành?".

Mân Tô kinh ngạc ngẩng nhìn chàng một cái thật nhanh, lại lập tức cúi xuống.

Gã tiểu thị vệ này dám thích tiểu muội của chàng, vậy mà trước nay không để lộ dấu vết. Chàng nghĩ, là do trước đây rất bình yên còn bây giờ thấy Cơ Hoành sắp được gả đi cho một nam tử hoàn hảo nhất tứ hải bát hoang, cho nên mới khiến tiểu tử đó lộ ra nỗi niềm giấu kín trong lòng đã lâu? Nhìn bộ dạng này, nhất định đã không thể nào kìm nén được tình cảm với Cơ Hoành nên mới viết thư thổ lộ, đương nhiên, Cơ Hoành là tiểu công chúa đáng yêu, rất xứng với bức thư tình này…Húc Dương suy nghĩ rất lung nhưng không để lộ ra mặt, đứng ngây ra mãi, rồi “hừ" một tiếng, bỏ đi…

Hai ngày sau, tin Yến Trì Ngộ giao đấu với Đông Hoa ở núi Phù Vũ đã lan khắp vùng Nam Hoang yên tĩnh bao năm, truyền đến tai Cơ Hoành. Cơ Hoành lòng muôn phần áy náy, trong đêm mưa tối mịt mùng, một mình lẻn đi núi Phù Vũ để can gián. Ngay đêm Cơ Hoành trốn đi, mấy thị vệ lọt vào phòng Mân Tô, trói chàng ta đang nằm ngơ ngẩn đưa ra khỏi cung.

Lúc này, bên cạnh thủy kính, Húc Dương một mình bày một ván cờ, vừa suy nghĩ nước đi, vừa bồn chồn quan sát động tĩnh trong thủy kính. Chàng nhìn thấy Mân Tô lúc đầu không ngoan ngoãn chịu để cho thị vệ trói, mà nhanh như cắt rút thanh kiếm ở đầu giường chặn toán thị vệ, định đấu một trận sống mái, đến khi thị vệ trưởng nghiêm mặt tuyên bố: “Quân thượng hạ lệnh đưa ngươi đến núi Bạch Thủy tự phản tỉnh lỗi lầm", thanh bảo kiếm trong tay Mân Tô mới “xoảng" một tiếng rơi xuống nền, các thị vệ mới nhân cơ hội xông đến nhanh chóng trói lại. Khi Mân Tô đã bỏ tay chịu trói, Húc Dương nghe thấy tiểu tử đó buồn rầu hỏi thị vệ trưởng: “Tiểu bối biết mình có tội…nhưng có đúng ý quân thượng là phải đến núi Bạch Thủy?". Thị vệ trưởng thở dài: “Quân thượng có chỉ đúng là núi Bạch Thủy". Nghe lời xác nhận đó, Mân Tô im lặng cúi đầu, từ chỗ của mình Húc Dương cũng không nhìn ra vẻ mặt Mân Tô lúc đó. Chỉ khi áp giải Mân Tô ra khỏi tẩm cung của Cơ Hoành, mới thấy tiểu tử đó đột nhiên ngẩng đầu nhìn về phía điện Xích Hồng nơi chàng thường ngày nghị sự, mặt trắng bệch không sắc máu, nhưng ánh mắt lại rất bình thản.

Tạm thời giam lỏng Mân Tô, mà lại giam ở núi Bạch Thủy, đưa ra quyết định này cũng khiến Húc Dương hao tổn một ít tâm lực. Bởi lẽ, trong tứ hải bát hoang, vùng thổ địa rộng lớn nhất chính là Nam Hoang do Ma tộc thống lĩnh, thứ đến là Tây Hoang do Quý tộc thống lĩnh. Còn các nước như Thanh Khâu do Hồ tộc chín đuôi và các vùng sở thuộc ngũ hoang như đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc đứng đầu là Đông Hoang tổng thổ địa cũng chỉ bằng Nam Hoang. Lãnh giới của Thiên tộc nhiều hơn một chút, ba sáu thiên trên trời và tứ hải đông tây nam bắc dưới đất cùng với Bắc Hoang đại địa đều dưới quyền cai quản của họ, có điều nhân khẩu của Thiên tộc cũng quả thực nhiều hơn, lại thêm hàng năm những bậc tiên tu ở phàm thế ngoài tứ hải bát hoang, sau khi tu tiên đắc đạo cũng nhập vào Thiên tộc nên bổn phận của Thiên tộc cũng nặng nề hơn. Tuy vậy, mặc dù Ma tộc thừa hưởng đức của tổ tông chiếm cứ vùng đại lục rộng nhất tứ hải bát hoang, tiện bề thống lĩnh, nhưng trong đại lục này cũng không ít rừng thiêng nước độc, núi Bạch Thủy chính là nơi đáng sợ nhất. Trong ấn tượng của người dân xung quanh, đó là ngon núi đã đến là không thể thoát ra. Thế dốc đứng cả bốn mặt, vô cùng hiểm trở, bên trong quanh năm đầy chướng khí, thảo mộc sinh trưởng ở đây đa phần đều có độc, dã thú do sinh sống trong môi trường khắc nghiệt cũng trở nên hung dữ. Người nào lọt vào đây coi như lọt vào tử địa. Khi nghe tin Húc Dương đưa mình đến núi Bạch Thủy, sắc mặt Mân Tô xám ngoét như vậy cũng không phải không có căn nguyên.

Thực ra khi quyết định đưa Mân Tô đến núi Bạch Thủy, Húc Dương không có ý đó, chàng chỉ định: Một là để tách Cơ Hoành và Mân Tô, chàng cảm thấy nếu tiểu tử kia dám bạo gan thổ lộ, Cơ Hoành đứa bé ngây thơ lương thiện chưa biết chừng đồng ý cũng nên, như vậy sẽ trở thành chuyện đàm tiếu đáng xấu hổ của bộ tộc. Hai là đưa Mân Tô đến núi Bạch Thủy cho dù Cơ Hoành từ núi Phù Vũ trở về biết, với mối thâm giao từ thưở nhỏ động lòng muốn cứu cũng không thể đi được, nhất định chỉ có đến tìm chàng khóc lóc ầm ĩ, như vậy cũng không sao. Chàng chỉ có một đối sách là trì hoãn, trì hoãn cho đến khi suôn sẻ gả Cơ Hoành cho Đông Hoa rồi sẽ thả Mân Tô, cách này là thượng sách. Vả lại, Mân Tô từ nhỏ bẩm sinh đã có đặc tính kì lạ, bách độc không thể xâm nhập được vào cơ thể, còn mặc dù núi Bạch Thủy nhiều mãnh thú, nhưng là thị vệ của công chúa, ngay mấy con mãnh thú cũng không trị nổi thì cũng không xứng là thị vệ của công chúa. Với suy tính như thế, Húc Dương thanh thản ra chỉ lệnh, đưa Mân Tô đến núi Bạch Thủy.

Ánh mắt Mân Tô lại nhìn về phía này lần cuối, đến mức dưới cái nhìn đó quân cờ trong tay chàng tuột ra, lăn theo mép bàn rơi xuống đất, chàng nhận ra nét bối rối trong đôi mắt bình thản đó. Húc Dương cầm quân cờ lên thầm nghĩ, tiểu tử kia từ nhỏ chưa từng nếm mùi lãnh cung, đưa đến núi Bạch Thủy rèn luyện cũng không phải không hay. Nhưng ngộ nhỡ Mân Tô không trở về được nữa thì sao, điều này chàng chưa hề nghĩ tới.

Cái đêm Cơ Hoành từ núi Phù Vũ trở về, Nam Hoang có một trận mưa như trút nước, chuyện Mân Tô bị phạt đưa đến núi Bạch Thủy chắc chắn Cơ Hoành sẽ biết ngay. Húc Dương ngồi trong điện Xích Hồng vừa uống trà vừa có ý chờ tiểu muội đến hỏi tội, nhưng đã uống cả mạt trà vào miệng vẫn chưa thấy bóng dáng Cơ Hoành. Đến sáng hôm sau, thị nữ của Cơ Hoành tay nâng váy loạng choạng chạy đến cửa tẩm điện của chàng, Húc Dương mới biết, tiểu muội của mình đã biến mất. Đương nhiên chàng cũng biết Cơ Hoành đến núi Bạch Thủy cứu Mân Tô. Mọi suy tính của chàng tuy vẹn toàn, nhưng lại bỏ qua nghĩa khí của tiểu muội mình.

Mà con đường hiểm trở khúc khuỷu lên núi chính là nhân duyên thực sự khiến Cơ Hoành gặp Đông Hoa Đế Quân ở đầm Bạch.

Mấy ngày hôm đó mưa liên miên không ngớt, cứ như dòng Thiên Hà bị khuấy đảo, nước dềnh lên dội thẳng xuống Nam Hoang, không khí ẩm ướt nặng nề. May là hoa sen hồng trồng khắp nơi ở cung Đan Lãnh được uống no nước trời, nở ra những đóa sen đỏ như đèn lồng, mơn mởn diễm sắc nhìn rất vui mắt. Từng tốp thị vệ được cử đi, kinh động đến cả thâm cung của Thái hậu, nhưng vẫn không mang được tin tức gì về Cơ Hoành. Vương thái hậu mặc dù có tuổi nhưng tiếng khóc vẫn không kém ngày xưa, mỗi bữa cơm đều đúng giờ đến trước mặt Húc Dương khóc một trận, khóc đến nỗi lòng chàng đau từng trận. Cả vương cung hỗn loạn xung quanh chuyện công chúa Cơ Hoành biến mất, đến quá Ngọ hôm đó, khi Húc Dương truyền lệnh đưa con sư tử trắng một cánh ra để chàng cưỡi, đích thân đến núi Bạch Thủy một chuyến, thì bất chợt Đông Hoa Đế Quân thân vận áo chùng tím ôm Cơ Hoành đang hôn mê xuất hiện ở cửa cung Đan Lãnh.

Rất nhiều người ở Ma tộc thật ra cả đời cũng chưa từng nghĩ họ có thể được chiêm ngưỡng tiên nhan của bá chủ thiên địa huyền thoại, cho nên, cảnh tượng đó đến giờ họ vẫn nhớ rất sâu. Cả tầng không xám xịt vần vũ mây mù, mưa ngớt dần, chỉ còn lác đác hạt nhỏ, mười dặm trước cung môn sen hồng trải thành thảm đỏ, hào quàng màu sen sáng rỡ cả vùng, một trang nam nhi tóc trắng tuấn mĩ uy nghi cưỡi gió đáp xuống. Sen hồng ma tính nặng, không chịu nổi tiên quang đó, cánh hoa từ từ khép lại, lộ ra con đường cỏ xanh rộng để gót tiên chàng bước lên, tiến thẳng tới cung môn. Còn Cơ Hoành mắt nhắm nghiền, mái tóc dài xổ tung như dòng thác đen, mặt tái nhợt nằm trong lòng Đông Hoa. Trông nàng vô cùng yếu ớt, hai tay vòng ôm cổ chàng, thân người hình như được quấn bằng áo choàng của chàng, lộ ra đôi gót chân trần nhỏ xinh trắng nõn, cổ chân mảnh dẻ còn đeo mấy viên huyết châu đỏ thắm yêu dị.

Trong hai đêm một ngày ở núi Bạch Thủy đó rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, trên đời ngoài Đông Hoa, Cơ Hoành cùng lắm là có thể cả con muỗi dữ xúi quẩy ở đầm Bạch, có lẽ không một ai khác biết. Những gì được biết chỉ là Đông Hoa lại ở thêm một ngày nữa trong cung Đan Lãnh, đợi Cơ Hoành hôn mê tỉnh dậy, cũng là để tiện người của Ma tộc ngưỡng mộ đến ngắm tiên nhan hiếm có của chàng. Cơ Hoành sau khi tỉnh, giống như chim non lạc mẹ, rất thân thiết với Đông Hoa, nhưng tuyệt nhiên không nhắc nửa lời đến Mân Tô. Húc Dương thấy vậy cả mừng, chàng thấy đưa Mân Tô lên núi Bạch Thủy vẫn là diệu kế, bởi vì tuy khiến Cơ Hoành rơi vào nguy hiểm một phen nhưng, nhưng lại làm cho tiểu muội bướng bỉnh đó nảy sinh tình cảm với Đông Hoa, nước cờ này chàng đi vẫn rất tuyệt. Ngày thứ ba, khi Đông Hoa chuẩn bị rời cung Đan Lãnh, Húc Dương mời chàng đến tiểu điện dùng trà, nghị sự, một tuần trà vừa dứt, Húc Dương với thành ý hôn sự nên làm liền tay, nhân lúc này, đề nghị ba ngày sau là ngày tốt gả Cơ Hoành vào cung Thái Thần vĩnh viễn kết giao hai tộc là hay nhất. Đông Hoa bằng lòng.

Yến Trì Ngộ kể đến đây, thở dài hai hơi, lại lầm bầm mấy câu, Phượng Cửu vẫn nghe rõ, đại ý chàng ta phàn nàn rằng, lúc đó chàng bị thương không nặng lắm, nếu biết Cơ Hoành trốn đi núi Bạch Thủy chàng ta nhất định sẽ đuổi theo chặn lại, như vậy sẽ không có chuyện Cơ Hoành gặp Đông Hoa, chàng ta và Cơ Hoành đã không kết lương duyên, rằng ông trời nhất thời mù mắt thế nào.

Chiếc lá Phượng Cửu đội trên đầu đã gần héo quắt bởi nắng, nàng thu mình dưới chiếc lá hỏi Yến Trì Ngộ: “Sao huynh biêt Đông Hoa nhất định thích Cơ Hoành? Biết đâu chàng có chỗ khó nói?".

Tiểu Yến nắm chặt bàn tay, các khớp ngón tay lạo xạo, nghiến răng, phẫn nộ rít lên: “Ông ta dám!". Càng phẫn nộ nói tiếp: “Cơ Hoành băng thanh ngọc khiết, tuệ chất lan tâm, chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa hờn như vậy, nam nhi thích nàng, một đại mỹ nhân như vậy lại còn có gì khó nói". Chàng Yến rít lên, lộ ra hàm răng trắng đều tăm tắp: “Ông ta không xứng là nam nhi!".

Yến Trì Ngộ là người lỗ mãng, lại có thể nói liền một hơi năm thành ngữ nho nhã như vậy khiến Phượng Cửu bội phần ngạc nhiên, nhưng nghĩ đến vị trí độc tôn của Cơ Hoành trong lòng chàng ta, nàng định mở miệng phản bác nhưng lại thôi, lặng kẽ chỉnh đi chỉnh lại cái lá gần héo trên đầu.

Thấy thái độ ngập ngừng của Phượng Cửu, Yến Trì Ngộ thở dài, trầm ngâm nói tiếp: “Thực ra mỗ hiểu ngươi đang nghĩ gì, nữ nhi các người một khi đã ưng đàn ông, cảm thấy chỉ có bản thân mình mới phù hợp nhất với người đó, những kẻ khác đều không xứng". Giọng Tiểu Yến rất thành thật: “Mỗ cảm thấy Mặt lạnh không thich Cơ Hoành, mỗ có thể hiểu, bởi năm xưa mỗ cũng từng cảm thấy Cơ Hoành không thích Mặt lạnh". Chàng Yến lại thở dài ảo não: “Nhưng hai người đó ở riêng với nhau một ngày hai đêm, thử nghĩ xem. Ôi dào, thực tình mỗ không muốn nghĩ, nhưng bao nhiêu đôi vốn ghét nhau, do cùng lạc vào rừng, hoặc cùng dạt lên đảo hoang, lâu dần trở nên có tình với nhau". Chàng Yến vẫn ảo não lại thở dài: “Lùi một bước nghĩ lại, nếu Mặt lạnh thực sự không có ý với Cơ Hoành, cớ sao còn cưới nàng, nếu hắn không ưng, Thiên tộc các ngươi ai dám ép?". Nói xong những lời làm Phượng Cửu buồn bã cúi đầu, lại ngẫm thấy những lời đó cũng làm bản thân tổn thương không nhẹ, Tiểu Yến im lặng chịu đựng nỗi đau ngấm ngầm.

Phượng Cửu cảm thấy Tiểu Yến thực sự nói rất có lý, lặng lẽ chỉnh cái lá trên đầu, ngồi yên một lát, nghĩ đến một chuyện lại nghiêng đầu hỏi Yến Trì Ngộ: “Nhưng muội biết". Nàng ho một tiếng: “Nghe đâu, lần đó họ cùng bị nhốt trong cái gì gọi là Liên hoa cảnh, khi chia tay Cơ Hoành còn muốn Đông Hoa cho nàng ta con tiểu linh hồ mà cả hai cùng tìm thấy, chẳng phải Đông Hoa không đồng ý, nếu chàng đúng là rất thích Cơ Hoành đã không hẹp hòi như vậy, chuyện này có vẻ như…".

Yến Trì Ngộ ngắt lời nàng: “Ngươi thì biết gì, đó là mưu kế!". Lại giải thích rõ: “Ví dụ ngươi thích Mặt lạnh, nhất định tìm cách gặp ông ta,vậy mỗ hỏi ngươi, cách tự nhiên nhất là gì?". Không đợi nàng trả lời, Tiểu Yến đã nói chắc như đinh đóng cột: “Là mượn sách! Ngươi mượn ông ta cuốn sách một lần, trả sách lại gặp lần nữa, có mượn có trả, cứ thế dần dần thành quen, một khi đã quen còn chuyện gì khó? Đông Hoa không cho Cơ Hoành con linh hồ đó, cũng là dụng ý như vậy. Ngươi nghĩ lại xem, Cơ Hoành đã thích con tiểu linh hồ như thế, sau này nhất định thường xuyên đến cung Thái Thần của ông ta thăm nó, vậy chẳng phải cho ông ta rất nhiều cơ hội?". Nói đoạn Tiểu Yến cau mày, phiền muộn một hồi, lại thở dài não ruột: “Con người Mặt lạnh thật thâm hiểm!".

Phượng Cửu ngẫm nghĩ, một lần nữa bàng hoàng nhận ra Yến Trì Ngộ nói đúng. Nhớ lại, hồi đó mặc dù không cảm thấy, thực ra sau khi Cơ Hoành vào cung Thái Thần, Đông Hoa đối xử với mình quả thực rất khác. Hồi đó nàng không biết hai người họ còn có những ngày cùng chung hoạn nạn ở núi Bạch Thủy, những gì biết về họ vẫn dừng lại ở đoạn Đông Hoa từ chối Cơ Hoành ở núi Phù Vũ và nàng không tìm ra ở giữa hai người có gì khác thường khi sống chung hàng ngày. Bây giờ nghĩ lại, thì ra là nàng đã không nghĩ đến những ẩn tình sâu xa.

Ba trăm năm trước, Cơ Hoành trong cung Thái Thần là một vị công chúa rất ham hiểu biết. Phượng Cửu còn nhỏ, khi nàng dựa vào chân Đông Hoa nhìn chàng câu cá ở bên bờ ao Phấn Đà Lợi, thường xuyên thấy Cơ Hoành tay cầm cuốn sách cổ đã ố vàng chạy đến thỉnh giáo Đông Hoa, chỗ này nên giải thích thế nào, có điển cố gì, Đông Hoa đều vui lòng chỉ bảo, theo con mắt nhìn nhận của nàng lúc đó, hai người không có gì vượt qua khuôn khổ, nhưng cái sự ham hiểu biết của Cơ Hoành thực sự khích lệ nàng, những cuốn Kinh Phật chàng chú giải xong, chưa kịp sai người đến Tây Thiên hoàn trả phật Tổ, chàng đều đưa cho Cơ Hoành đọc. Quả thật về mặt này chàng rất ưu ái Cơ Hoành .

Một ngày hạ nhàn rỗi của tháng bảy, Liên Tống Quân ở cung Vô Cực cầm một cuốn giấy nhỏ ung dung đến tìm Đông Hoa Đế Quân, sau một hồi vòng vo, mới nói ra sắp đến sinh nhật của Thành Ngọc Nguyên Quân, nghe nói gần đây nàng thích sưu tầm đoản đao, nên Liên Tống vẽ một kiểu đao mới, muốn nhờ Đông Hoa đúc cho một thanh đoản đao thật độc đáo làm quà mừng sinh nhật Thành Ngọc.

Sự độc đáo ở chỗ khi cần đánh giáp lá cà thì là đoản đao, nhưng khi giao đấu ở khoảng cách xa hơn nó sẽ là thanh trường kiếm, còn khi thực lực quá chênh lệch với đối phương, nó có thể tàng giấu ám khí, phóng những mũi kim độc vào đối phương, khi đi săn lại có thể gập lại thành một cây cung sắt, ngoài ra, trong bếp nó có thể trở thành một con dao thái rau. Liên Tống Quân phong độ ngời ngời phe phẩy cái quạt, lòng thầm toan tính như sau: nếu đúc thành công thanh đoản đao này, nghĩa là khi Thành Ngọc mang đoản đao đó là tương đương với mang theo năm loại khí giới là: đoản đao, trường kiếm, ám khí, cung và dao thái, hơn nữa, do công dụng đặc biệt như vậy, nó sẽ được nàng thường xuyên mang theo người. Mặt khác Liên Tống còn tính đến một chi tiết tinh tế, khí cụ độc đáo này tuyệt đối không thể sử dụng pháp thuật để chế tạo, nhất định phải được làm bằng phương pháp thủ công, mới thể hiện sự mới mẻ và thành ý vô song của Liên tam điện hạ với Thành Ngọc Nguyên Quân. Nhưng vấn đề nan giải là Liên tam điện hạ chàng mặc dù thường làm ra thần khí hàng yêu nhưng xưa nay thiên về dùng pháp lực chế ra. Bây giờ cần làm một đoản đao tinh vi như vậy, có chút khó khăn, nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy muốn làm thủ công một khí cụ lợi hại độc đáo như thế chỉ có nhờ cậy Đông Hoa.

Phượng Cửu từ trong lòng Đông Hoa nhảy phắt lên án thư có bản vẽ trải rộng, nhảy nhót một vòng xung quanh, phát hiện bản vẽ quá tinh vi, nhưng có mấy chỗ hơi thô, khi lắp ghép có thể để lại dấu vết, như vậy tiếng thơm về tài năng trác việt của Đông Hoa e cũng bị ảnh hưởng. Liên Tống điện hạ, mặc dù ở tứ hải bát hoang xưa nay nổi tiếng phong lưu có tài quyến rũ nữ nhi, nhưng cũng khó phát hiện ra chi tiết tinh tế như vậy. Phượng Cửu xúc động, tim đập thình thình, hôm nay đúng là ông trời mở mắt, cho nàng cơ hội thể hiện tài năng. Nàng cho rằng mình sửa lại bản vẽ này, Đông Hoa nhất định nhận ra tài năng của nàng không thua kém gì Cơ Hoành, nghĩ tới đó lòng rạo rực sung sướng, vừa lặng lẽ dùng móng chặn lên chi tiết chưa thỏa đáng trên bản vẽ, chỉ sợ Liên Tống lại nhận chính chàng ta phát hiện ra.

Nhưng nàng đã lo xa, Liên Tống lúc này đang thuyết phục Đông Hoa giúp mình: “Hiền huynh xưa nay cũng hứng thú làm đồ gốm, mấy ngày trước đệ tìm thấy một nơi sản xuất đồ gốm trên đất của Huyền Yến ở Bắc Hoang, là nơi có loại đất làm gốm nhất đẳng, nhưng bị lão tiểu tử Huyền Yến canh giữ quá chặt, huynh giúp đệ làm thanh đoản đao này, đệ sẽ vẽ sơ đồ nơi có loại đất quý kia cho huynh, huynh nói một câu với Huyền Yến, ông ta không dám từ chối".

Đông Hoa chậm rãi rót trà: “Hay là ta đem nguyên liệu cho ngươi để ngươi tự chế?".

Liên Tống thở dài: “Hiền huynh không phải không biết đệ có chút hiềm với Huyền Yến. Chả là năm xưa đệ đến phủ đệ của lão tiểu tử đó dự bữa tiệc nhỏ, tiểu phu nhân của lão không may lại để ý đến đệ, ngày nào cũng viết thơ tình cho đệ, Huyền Yến vẫn để bụng chuyện đó".

Đông Hoa thong thả đặt ấm trà xuống: “Con người ta xưa nay không nợ tình người khác nhiều, cũng không thích dùng uy ép ai". Một tay vuốt ve bộ lông mượt của Phượng Cửu, nói tiếp: “Sau hôm nay, ngươi đem hết đồ gốm sứ trong phủ đổi hết thành kim ngân ngọc khí, lại tung tin mình bị dị ứng với đất gốm đồ gốm, đồ gốm càng thượng hạng ngươi càng dị ứng nặng. Sinh nhật ngươi năm nay, Huyền Yến nhất định sẽ cống tiến đất gốm tốt nhất của ông ta cho ngươi. Ngươi hãy chuyển cho ta". Liên Tống nhìn chàng hồi lâu.

Đông Hoa ung dung uống ngụm trà, ngước nhìn chàng ta: “Có vấn đề sao?".

Liên tam điện hạ cười gượng lắc đầu: “Không, không có vấn đề gì."

Khi Liên Tống lòng phân vân, gập chiếc quạt trong tay ra về thì đã giáp Ngọ, Đông Hoa lại đi lấy cốc rót nửa cốc trà vào miệng Phượng Cửu, nàng ngoan ngoãn cúi đầu hớp hai ngụm, cảm thấy đúng là trà ngon, Đông Hoa luôn cho nàng ăn đồ ngon, uống đồ ngon, nếu nàng đúng là thú cưng thì chàng là một chủ nhân tốt hiếm có, Đông Hoa thấy nàng vẫn bất động quỳ cạnh bản vẽ, hỏi: “Ta đi chọn nguyên liệu làm đoản đao, ngươi đi không?". Thấy nàng dứt khoát lắc đầu, còn giả vờ ngoẹo đầu ngủ, chàng xoa nhẹ đầu nàng rồi một mình đi ra.

Đông Hoa chân trước vừa bước ra khỏi cửa, Phượng Cửu chân sau đã lập tức hành động, nàng đã dần dần biết cách sử dụng hoàn thành một số động tác khó, ví dụ miệng và chi phối hợp cuộn bản vẽ lại, miệng ngậm nó quẳng lên lưng, lén chạy một mạch khỏi cung Thái Thần tránh mấy tiểu tiên đồng đang đá cầu cạnh khóm hoa, chạy thẳng đến phủ của Ti Mệnh Tinh Quân.

Nàng và Ti Mệnh xứng đáng là chỗ thâm giao từ nhỏ, chỉ bằng mấy đường móng vạch đơn giant Ti Mệnh đã hiểu nàng muốn làm gì, lấy cuộn giấy trên lưng nàng xuống, dựa vào nét vẽ chỉ dẫn của nàng, dùng bút sửa lại chỗ chưa ổn trên bản vẽ theo đúng ý nàng. Sửa xong đang định cuộn lại thì Thành Ngọc Nguyên Quân ghé chơi phủ Ti Mệnh, hứng thú ngó nhìn, đột nhiên than thở: “Kẻ nào điên rồ vẽ ra thứ đồ chơi quái dị này!". Phượng Cửu từ bi nheo mắt nhìn xa, cảm thấy vô cùng thông cảm với Liên tam điện hạ.

Khi Phượng Cửu thở hổn hển mang được bản vẽ quay lại thư phòng, Đông Hoa vẫn chưa về, nàng ôm chân án thư thoăn thoắt trèo lên, giũ người hất bản vẽ xuống, miệng và chi phối hợp mở ra, rồi giữ cho phẳng, đang thầm nghĩ, làm thế nào dùng móng nói với Đông Hoa, bản vẽ này có chỗ không ổn, nàng đã nhờ bằng hữu sửa lại theo ý nàng, không biết có hợp ý Đông Hoa, thì có hai tiếng gõ cửa, ngừng một lát, lại “cạch" một tiếng tự mở ra. Nửa cái đầu xinh đẹp của Cơ Hoành thò vào, thấy nàng ngồi trên án thư hình như công chúa rất thích, vội vàng chạy đến bên án, Phượng Cửu mắt sắc nhìn thấy trong tay Cơ Hoành cầm một cuốn kinh Phật đã ngả vàng, Một thiếu nữ Ma tộc thích đọc kinh Phật như vậy nàng mới gặp lần đầu.

Cơ Hoành tìm trước tìm sau một lượt, trở về xoa xoa đầu nàng, nheo mắt hỏi: “Đế Quân không có nhà ư?"

Nàng ngoảnh đầu sang bên không cho nàng ta xoa, tung người nhảy vào chiếc ghế gỗ hoa lê bên cạnh án thư, tâm trạng Cơ Hoành hôm nay hình như rất tốt, lại không chấp thái độ thiếu thân thiện đó của nàng, vừa ngân nga một điệu hát vui vui vừa rút một cây bút trong ống bút trên án, nhìn Phượng Cửu đang thảo luận với nàng: “Hôm nay có một đoạn kinh đặc biệt khó hiểu, Đế Quân lại thường xuyên hành tung bất định, mi xem ta để lại mảnh giấy cho chàng được không?". Phượng Cửu ngoẹo đầu sang một bên, không nhìn công chúa.

Cơ Hoành vừa cầm bút, chấm mực, đầu ngọn bút lông dê còn chưa chạm vào mảnh giấy nhỏ nàng vừa tìm thấy trên án, cánh cửa đã mở ra. Lúc này người đứng ở ngưỡng cửa, ngược chiều ánh sáng chính là chủ nhân của thư phòng, Đông Hoa Đế Quân tay xoay xoay một mảnh thép thiên nhiên đen huyền óng ánh, sau khi đẩy cửa đi thẳng đến bên án thư như không nhìn thấy ai, lúc đó mới hơi liếc Cơ Hoành đang cầm bút và bức vẽ trên án.

Lát sau, chàng cầm bức vẽ lên ngắm ngía, trái tim Phượng Cửu như nhảy vọt lên tới cổ họng, quả nhiên nghe thấy giọng Đông Hoa trầm ngâm nói với Cơ Hoành: “Hai chỗ này là nàng thêm vào? Sửa rất hay". Trong giọng nói quả nhiên có một vẻ khâm phục hiếm hoi mới thấy chàng bộc lộ: “Ta tưởng nàng chỉ biết đọc sách, không ngờ còn biết cả thứ này" . Một nhân tài về binh khí đã hiếm, mà lại kim khí cho nên chàng lại hào phóng khen thêm hai câu: “Có thể hiểu được bản vẽ này của Liên Tống đã là khó lại còn tìm ra hai chỗ khiếm khuyết để sửa, ca ca nàng nói nàng hiểu nhiều biết rộng quả không sai". Cơ Hoành vẫn cầm bút mặt băn khoăn nhưng vẫn lộ vẻ phấn khởi, vô tình ghé sát Đông Hoa ngó xem bức vẽ.

Phượng Cửu sưng sờ nhìn nàng ta áp lại gần mà Đông Hoa không có ý né tránh, chàng còn thản nhiên đưa bức vẽ cho Cơ Hoành: “Nàng đã hiểu cái này lại có hứng thú, ngày mai ta bắt đầu mở lò luyện đao, nàng cùng ta làm nhé".

Cơ Hoành xưa nay ham hiểu biết, cần mẫn đọc sách, mặc dù không hiểu mấy câu hỏi trước của Đông Hoa nhưng câu sau thì hiểu vui vẻ nhận lời: “Có thể cùng làm việc với Đế Quân, học những điều mới mẻ là phúc phận của nô tỳ" . Rồi lại tỏ ra hơi lo lắng: “Nhưng nô tỳ vụng tay, sợ làm vướng chân Đế Quân". Đông Hoa nhìn bức vẽ lần nữa, rồi vừa đưa cho công chúa, giọng chàng vẫn vẻ khâm phục khó giấu: “Nàng chỉ nói vậy, nàng đâu có ngốc".

Phượng Cửu bi phẫn nhìn mọi chuyện xảy ra, không kìm được, lao đến cắn một cái vào tay Cơ Hoành, Cơ Hoành kinh hoàng kêu “ối" một tiếng, Đông Hoa giơ tay tóm Phượng Cửu đang giận giữ nhe răng, chàng cau mày hạ giọng hỏi: “Sao lại tùy tiện cắn người? Lại là ân nhân của ngươi?" Nàng muốn nói không phải lỗi của nàng, tại Cơ Hoành nói dối, chính nàng sửa bản vẽ chứ không phải Cơ Hoành. Nhưng không nói ra được, nàng bị Đông Hoa nâng lên ngang mặt, cử chỉ này của chàng rõ ràng là cưng chiều một con thú, họ xưa nay chưa từng thực sự bình đẳng. Phượng Cửu bỗng thấy buồn vô hạn, cố vùng vẫy thoát khỏi tay chàng, loạng choạng va hết chỗ nọ chỗ kia trong phòng mới ra tới cửa, chân vừa phóng qua cửa, nước mắt đã rơi lã chã. Một chút bất cẩn chân sau mắc vào bậu cửa, ngã lăn ra đất đau tái mặt, nấc lên một tiếng, khi ngoái đầu, đôi mắt nhòe ướt lại chỉ nhìn thấy Đông Hoa cúi đầu xem vết thương trên tay Cơ Hoành, đến một cái liếc mắt cũng không dành cho tiểu hồ ly bị bắt nạt này. Thực ra nàng không cắn sâu, cho dù ấm ức cũng không làm được chuyện xấu, có lẽ Cơ Hoành quá nhạy cảm, đặc biệt sợ đau, nếu sớm biết nàng đã cắn nhẹ hơn chút nữa, Phượng Cửu cố kìm nước mắt bỏ chạy, sau khi cơn tức tối qua đi lòng lại thấm buồn, nỗi buồn của một tiều hồ ly không được coi là nỗi buồn sao?

Phượng Cửu bị quân vương Huyền chi Nhiếp Sơ Dần của Ma tộc lấy đi hình hài vốn có, khốn đốn trong tấm da hồ ly tầm thường, không dễ thoát thân, hơn nữa trong khốn cảnh đó còn gánh vác trọng trách nhân sinh theo đuổi tình yêu với Đông Hoa, quả thực càng khó khăn. Nàng cũng hiểu đã rơi vào khốn cảnh như vậy việc gì cũng phải nhẫn nhịn. Câu tục ngữ “Xót con thì không lừa được chó sói" chính là vậy. Hành xử lần này với Cơ Hoành quả thực quá đáng, khiến nàng ta bộc lộ tính điệu đà tiểu thư vốn không mấy khi bộc lộ.

Nàng cảm thấy thái độ của Đông Hoa rõ ràng là đứng về phía Cơ Hoành, nàng với Cơ Hoành có xích mích, Đông Hoa lựa chọn giúp Cơ Hoành chứ không phải nàng, lại còn không phân biệt phải trái mắng nàng trước. Phượng Cửu càng tủi thân, phiền muộn, so vai rụt cổ thu mình trong khóm hoa.

Vốn định lủi ra xa một chút, nhưng lại hy vọng Đông Hoa thông minh như vậy, lát nữa biết đâu sẽ nghĩ lại ban ngày đã trách oan cho nàng, chạy đi tìm nàng xin lỗi? Ngồi xa quá nhỡ chàng không tìm được thì sao? Vậy thì vẫn nên ngồi gần một chút, nàng ủ rũ đi một vòng khắp cung Thái Thần, rầu rĩ lựa chọn khóm hoa câu tô ma trước cửa tẩm điện của Đông Hoa. Để nằm dễ chịu một chút, nàng lại lặng lẽ đi đến suối Tiểu Hoa gần đó nhặt ít cỏ cát tường vò rối, lặng lẽ làm một cái ổ cho mình trong khóm hoa. Bởi rất đau lòng lại mất sức, nằm co trong ổ ngáp mấy cái, hai mi mắt cố gắng gượng một hồi rồi từ từ khép lại.

Khi Phượng Cửu thức dậy đúng lúc có làn gió thổi qua, hoa câu tô ma trên đầu rung rào rào, mới mơ màng thò đầu ra, chỉ thấy ánh sao rực đầy trời, sáng đến nỗi hạt bụi trong đám mây bay bên cạnh cũng nhìn rõ, bồ đề vãng sinh phía xa phát ra những đốm sáng xanh yếu ớt trong màn đêm yên tĩnh, giống như những con đom đóm đột nhiên lớn gấp bội lặng lẽ đậu trên tường cung. Nàng ba chân bốn cẳng định chạy ra nhìn xem Đông Hoa đã về chưa, ngẩng đầu, quả nhiên thấy tẩm cung chỉ cách mấy bước, đã thắp đuốc. Nhưng Đông Hoa rốt cuộc có đi tìm nàng không lại khiến Phượng Cửu rất băn khoăn. Nàng nhảy lên bậc thềm trước đèn, kiễng chân ôm bậu cửa cao, qua cánh cửa mở hé nhìn vào trong điện, muốn tìm ra một chút manh mối, chỉ một cái nhìn, toàn thân đã như bị đóng đinh trên bậu cửa.

Vừa rồi ngửa nhìn trời, sao Nam Đẩu đã di chuyển vào Nhị Thập Tứ Thiên, theo chút ít kiến thức của nàng về sao, hiểu ra lúc này đã qua giờ Hợi. Giờ này mà Đông Hoa cơ hồ lại không hề buồn ngủ mà đang cầm bút vẽ gì, hình như là vẽ bình phong, nhưng tại sao Cơ Hoành lại ở trong tẩm điện của chàng? Phượng Cửu sững sờ dán người vào bậc cửa, mãi vẫn không hiểu ra thế nào.

Trên xà ngang treo bằng pha lê treo mấy chiếc đèn hình cành cây soi khắp tẩm điện sáng như ban ngày, chàng trai áo chùng tím đứng trước bức bình phong trắng tinh vẫn chưa vẽ được gì và thiếu nữ áo trắng phục trước án thư đang cầm bút cắm cúi vẽ. Nhìn xa đúng là bức họa tuyệt mỹ, mà bức họa này phải là kiệt tác của phụ thân nàng, một họa sư tài hoa nhất tứ hải bát hoang.

Gió lùa qua cửa sổ, làm ngọn đuốc trên cao chập chờn chực tắt, thực ra nên đổi những ngọn đuốc đó thành dạ minh châu, ánh sáng trong, tự nhiên lại bình ổn hơn nhiều nhưng Đông Hoa mấy năm nay hình như thích phong vị mập mờ sáng tối.

Trong khung cảnh tích mịch đó, Cơ Hoành đột nhiên gác bút, hơi nghiêng đầu nói với Đông Hoa: “Đây chính là chỗ gập trường kiếm thành cái hộp sắt, bên trong cần để những chiếc kim lê hoa tạo thành một ống đựng kim khí bí mật, bản vẽ của tam điện hạ cố nhiên là hoàn hảo, nhưng nét này nô tì suy nghĩ rất lâu cũng không hiểu điện hạ muốn thể hiện ý gì, Đế Quân…", đang nói thấy Đông Hoa tay cầm bút lướt trên bức lụa trắng, chăm chú như quên bẵng xung quanh, những bông hoa phật linh hiện ra dưới ngọn bút, bên rìa bức lụa, trông mềm mại sinh động tựa như chao mình trong gió, công chúa dừng một lát, nhẹ nhàng sửa lại cách xưng hô: “…sư phụ…" giọng mặc dù nhẹ hơn tiếng muỗi nhưng vẫn lọt vào tai Đông Hoa. Chàng dừng bút ngoái nhìn nàng, không phản đối cách xưng hô đó chỉ buông hai chữ: “Nói đi!" .

Phượng Cửu xưa nay vốn tinh mắt, dù ánh đuốc lập lòe lại cách một đại điện vẫn nhìn thấy gợn hồng trên má Cơ Hoành lúc cúi đầu. Ánh mắt Cơ Hoành cúi xuống trên nền điến sáng choang: “Ý nô tỳ là sư phụ có thể dừng bút chỉ dẫn nô tỳ một chút…".

Cuối cùng Phượng Cửu đã hiểu nàng ta đang vẽ gì, chế tạo thần khí xưa nay Đông Hoa vốn không phải động tay, các công việc tầm tầm, không nặng không nhẹ như mạ, đúc xưa nay đều do các tiên bác đảm nhiệm, lúc này có lẽ Cơ Hoành đọc bản vẽ của tam điên hạ, sau đó vẽ lại cho rõ ràng, đơn giản để các tiên bác dễ hiểu dễ thực hiện.

Hiểu ra nguyên do cảnh tượng kia, Phượng Cửu coi như không còn khúc mắc nữa, thấy Cơ Hoành vụng tay như vậy, nàng lại mừng, nỗi mừng chưa kịp lan ra, lại buồn. Mừng là vì chỗ Cơ Hoành thấy khó đối với nàng lại cực đơn giản, nghĩa là nàng sáng trí hơn nàng ta. Buồn bởi vì đây là điểm duy nhất nàng hơn Cơ Hoành nhưng công lao này cuối cùng lại bị nàng ta cướp mất. Nàng âm thầm nuôi hy vọng ngay một chuyện đơn giản như vậy Cơ Hoành cũng làm không tốt, theo tính cách Đông Hoa không biết có châm biếm vài câu. Lại khấp khởi chờ xem đoạn sau thế nào.

Nhưng trái với mong đợi, Đông Hoa lại chẳng nói gì, chỉ giơ tay đón cây bút Cơ Hoành đưa, cúi đầu vẽ hai nét trên bản vẽ, xong xuôi nhẹ nhàng giải thích: “Đây là chốt kim loại, ấn vào miếng thép là có thể thu kiếm về, Liên Tống vẽ quá đơn giản." Nói vắn tắt hai câu lại ngẩng nhìn Cơ Hoành: “Hiểu chưa?" Có vẻ rất sẵn lòng nhẫn nại giải thích thêm.

Phượng Cửu vô thức há miệng thấy cổ họng càng nghẹn càng đau. Nàng còn nhớ khi mình thỉnh thoảng ngốc nghếch, hoặc là Trọng Lâm làm gì không vừa ý Đông Hoa, chàng luôn giễu cợt làm tổn thương lòng tự trọng của họ, như một thói quen. Nhưng chàng không làm tổn thương lòng tự trọng của Đông Hoành, chàng rất dịu dàng với nàng ta.

Dưới ánh đuốc bập bùng khi Cơ Hoành đỏ mặt gật đầu, Đông Hoa lại cầm cây bút lúc trước gác trên nghiên mực, nhìn nàng một cái nói: “Hai chỗ kia Liên Tống cũng vẽ đơn giản chẳng phải nàng đã sửa rất tốt sao? Chỗ này thực ra đâu khó bằng."

Cơ Hoành ngớ người, sắc hồng trên mặt phai đi ít nhiều, lát sau nói: “… Hai chỗ đó…" lại dừng “…là do may mắn thôi." Nụ cười gượng vụt tắt: “Nhưng trước giờ nô tỳ chỉ đọc sách một mình, chỉ biết những điều vụn vặt, sao bằng hôm nay theo sư phụ học thêm được rất nhiều." Sắc hồng lại dậy trên má, át đi màu trắng xanh xao, trong yên lặng, ánh mắt Cơ Hoành dừng lại trên bức bình phong Đông Hoa đang vẽ, mắt chợt sáng lên, khẽ nói: “Cũng muộn rồi, nhưng… nô tỳ muốn đêm nay vẽ cho xong. Để kịp thời gian thi công của sư phụ, nếu đêm nay nô tỳ vẽ xong, sư phụ có thể tặng nô tỳ bức bình phong này coi như thưởng cho nô tỳ?"

Đông Hoa cơ hồ hơi ngạc nhiên, nhưng lại thoải mái nhận lời bằng một từ giản gọn: “Được." Đúng lúc ngòi bút lông điểm vào tấm lụa trắng căng phẳng, chỉ vài nét phác đơn giản cảnh sơn thủy với những đỉnh núi lẩn trong sương thấp thoáng hiện ra. Cơ Hoành bỏ cây bút trong tay, cũng ghé đến thưởng thức bút pháp của chàng, lát sau không cưỡng được cơn buồn ngủ, che miệng ngáp mấy cái. Đông Hoa tay cầm bút vẫn lướt như múa trên tấm lụa, giục nàng: “Về nghỉ đi, ngày mai làm tiếp."

Cơ Hoành lấy tay che miệng nói: “Nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời gian thi công của sư phụ?". Mắt liếc bức bình phong, lại bẽn lẽn: “Nô tỳ vốn định hoàn thành công việc sẽ được thưởng bức họa này đem về…"

Đông Hoa bỏ bút lông sói vào bình rửa, thay cỡ bút lông dê nhỏ hơn chấm mực: “Một ngày có là gì, còn bức bình phong này ta sẽ cho Trọng Lâm mang đến cho nàng".

Thực ra đến bây giờ, Phượng Cửu vẫn chưa làm rõ được lúc đó nàng đã rời tẩm điện của Đông Hoa như thế nào. Một số người sau khi tinh thần bị chấn động mạnh sẽ lựa chọn lãng quên ký ức gần với sự kiện đó, nàng đoán mình cũng thuộc số này. Chỉ còn nhớ là sau đó hình như nàng lại trở về cái ổ cỏ của mình, nằm ngắm sao một lúc, trong cái đầu trống rỗng vẫn vấn vương cái ý nghĩ xem chừng Đông Hoa không có ý đi tìm nàng nhưng rồi lại nghĩ, thì ra, nếu yêu cầu Đông Hoa cũng có thể đáp ứng, nhưng sao chưa thấy chàng làm thế với nàng?

Phượng Cửu từng nhiều lần thầm ao ước, tưởng tượng, nếu có một ngày nàng có thể qua lại với Đông Hoa dưới hình hài con người chứ không phải hồ ly, thậm chí nếu Đông Hoa thích nàng, họ sẽ sống chung thế nào, trước đó nàng luôn không thể tưởng tượng ra, nhưng qua đêm nay nhìn thấy cảnh chàng ở bên Cơ Hoành, nàng cảm thấy nếu thực sự có ngày đó, nàng và Đông Hoa ở bên nhau có lẽ cũng chỉ như thế. Rồi lại nghĩ Cơ Hoành vào cung Thái Thần vốn là để làm phu nhân của Đông Hoa, kề cận bên chàng, chỉ tại nàng xưa nay mãi không chịu nhìn thẳng vào sự thực đó mà thôi.

Nàng và Đông Hoa tựu chung có ngày đó không, lần đầu tiên Phượng Cửu cảm thấy chuyện đó trở nên quá xa vời. Nàng mơ hồ cảm thấy mình đến Cửu Trùng Thiên xa lạ, hy sinh nhiều như vậy tuyệt đối không phải vì kết cục đó, khi mới đến đây, nàng tràn trề hi vọng thế nào. Nhưng bây giờ, biết làm sao, bước tiếp theo sẽ thế nào nàng hầu như không có ý niệm gì hết, chỉ cảm thấy mệt mỏi bải hoải trong gió đêm thấm lạnh. Ngẩng đầu nhìn ánh sao lóng lánh như tuyết, bốn trăm năm nay, lần đầu tiên Phượng Cửu thấy nhớ Thanh Khâu xa cách vạn trùng, nhớ những người thân bị nàng bỏ lại quê hương.

Đêm nay cảnh huyền hoặc thơ mộng là thế, sao lòng nàng tan nát nhường này?

Đêm đó Đông Hoa không những không đi tìm nàng, mấy ngày sau cũng không. Phượng Cửu âm thầm nghĩ, ngày thường chàng làm gì cũng đưa nàng đi cùng, có phải chỉ do cảm thấy quá trống trải, cần có vật gì ở bên, vật đó là gì cũng không quan trọng. Hôm nay, chàng lại có một đệ tử thông minh lanh lợi xinh đẹp như Cơ Hoành ở bên, không chỉ có thể giúp chàng việc vặt mà còn có thể nói chuyện giải khuây, chàng đã không cần tiểu hồ ly này nữa.

Càng nghĩ càng thấy sự tình có lẽ đúng như thế, nỗi chua chát lại đầy vơi trong lòng.

Mấy ngày nay Cơ Hoành và Đông Hoa quả thực quấn quýt như hình với bóng, mặc dù khi họ ở bên nhau, Phượng Cửu luôn nấp trong khóm hoa hoặc bụi cỏ phía xa quan sát, do có đôi tai thính vẫn có thể loáng thoáng bắt được vài lời của họ. Nàng phát hiện, nhiều câu nói của Cơ Hoành làm Đông Hoa hứng thú. Ví dụ, nói tới chuyện nung gốm sứ, Phượng Cửu cảm thấy nếu nàng có thể nói được, khi Đông Hoa vừa nung thành công một bình rượu bằng sứ trắng bóng tinh xảo cầm trên tay ngắm nghía, nàng cũng chỉ có thể nói đại loại như, chiếc bình xem ra có thể bán được khá tiền. Nhưng Cơ Hoành thì khác. Cơ Hoành vuốt ve bình rượu dáng thon tinh xảo, mỉm một nụ cười đôn hậu nói với chàng: “Nếu sư phụ dùng đan thạch mài thành bột nhào với đất nặn hình, có thể chiếc bình sau khi nung sẽ có màu ráng hồng rất đẹp". Cơ Hoành nói vậy, mặc dù Đông Hoa chưa kịp trả lời, nhưng Phượng Cửu quan sát sắc mặt chàng nhận ra, chàng vô cùng hứng thú.

Nàng ém mình trong đầm cỏ nhìn một hồi, càng nhìn càng thấy chướng mắt, vẫy cái đuôi dài định lảng đi chỗ khác chơi. Không ngờ ém người lâu, chân hơi tê, khi tập tễnh đứng lên liền bị Cơ Hoành tinh mắt liếc thấy, vội vàng chạy đến, giơ tay như muốn ôm nàng.

Phượng Cửu lòng thầm cảm phục, Cơ Hoành thực sự không để bụng chuyện mấy hôm trước, nhìn đôi tay ngọc chìa ra, chỉ cách mình một đoạn bằng chiếc lá phỉ, cuối cùng Cơ Hoành cũng nhớ ra vết răng hôm trước vẫn còn trên tay, đôi tay đó thoáng đắn đo dừng lại, Phượng Cửu im lặng nhìn nàng ta một lát, lại nhìn Đông Hoa cũng theo Cơ Hoành vừa đến, nhưng hận cái chân vẫn còn tê không chạy được, đành cụp đôi mắt hồ ly tròn xoe xuống, tủi thân ngoảnh đầu sang bên. Bộ dạng này nhìn rất nhu mì tội nghiệp, không ngờ khiến Cơ Hoành động lòng, đôi tay ngọc vốn dừng trên không lại tiến tới kéo nàng vào lòng, rồi dịu dàng vuốt mảng lông trên đầu còn chưa phát triển đầy đủ của nàng, thấy nàng không phản đối, lại càng vui vẻ vuốt tiếp.

Phượng Cửu không phải không muốn cự lại, chỉ vì tứ chi đang tê, vừa tê vừa mỏi không có sức phản kháng. Lại thêm lòng sầu muộn, nhớ lại lúc ở núi Phù Vũ khi Cơ Hoành xin nuôi nàng, Đông Hoa đã từ chối thẳng thừng, bây giờ nàng bị Cơ Hoành thương hại như vậy, chàng lại như không thấy, đứng nhìn cảnh đó, cơ hồ lại thấy thú vị, quả nhiên chàng đã có ý khác với Cơ Hoành.

Cơ Hoành hài lòng vuốt ve nàng một hồi mới buông tay, nâng nàng lên cao hỏi: “Rõ ràng trong Thập ác liên hoa cảnh mi thích ta như vậy, lúc chia tay còn lưu luyến thế. Ồ, có lẽ mi cũng lưu luyến sư phụ, nhưng bây giờ ta và sư phụ có thể cùng chăm sóc mi, tiểu hồ ly mi lẽ ra nên vui chứ?". Thấy nàng mãi không có phản ứng, mạnh dạn ôm nàng lên quay về phía lò gốm chỗ hai người làm việc.

Phượng Cửu cảm thấy máu trong người dần dần lưu thông, muốn vùng vẫy thoát ra, không ngờ Cơ Hoành đọc bản vẽ thì yếu, nhưng tay ôm rất chặt, đi đến chiếc ghế đá mới hơi nới lỏng, giơ tay véo nắm đất nặn thành chiếc bát, vui vẻ nói với nàng: “Đây là bát ta với sư phụ làm riêng cho mi, vốn định vẽ một số họa tiết đánh dấu, vừa rồi đột nhiên nghĩ ra ấn móng của mi vào đánh dấu chẳng phải cũng rất thú vị sao".

Nói xong nắm lấy móng phải chi trước của nàng, ấn một dấu nhỏ vào cái bát.

Lòng tự trọng của Phượng Cửu thất tán sau mấy ngày lang thang bên ngoài đột nhiên quay về, tiếng Cơ Hoành vốn trong như giọng oanh vàng, nhưng không biết sao hôm nay nghe như chích vào tai, nhất là câu: ‘Ta và sư phụ có thể cùng chăm sóc mi. Ta và sư phụ làm riêng cho mi cái bát". Tựu chung tại sao nàng núp trong hình hài này phục bên cạnh Đông Hoa, mà đến giờ sau bao nhiêu nỗ lực bền bỉ, những gì đạt được chẳng qua chỉ là địa vị của con thú cưng, nàng thấy mình thật vô dụng. Nàng vốn là tiểu nữ thần tiên được sủng ái nhất Thanh Khâu, mặc dù vương thất Thanh Khâu của nàng trong con mắt Cửu Trùng Thiên có quan niệm đẳng cấp khắt khe, xem ra quá tùy tiện thiếu lễ nghi, nhưng đồ dùng bữa của nàng không phải là cái bát sứ thường, không phải ngủ trên ổ rơm, lòng tự trọng của nàng đột nhiên phình lên, lại thêm Cơ Hoành cơ hồ quên hẳn chuyện bị nàng cắn hôm trước, vẫn vui vẻ cầm chiếc móng ngọc của nàng hồn nhiên ấn vào cái bát bằng đất
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại