Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 107

HỒI 107

Ngụy chủ trao quyền họ Tư Mã;

Khương Duy bại trận núi Ngưu Đầu.

Tư Mã Ý, nghe tin Tào Sảng dẫn ba anh em và bọn tâm phúc, cùng quân ngự lâm theo cả Ngụy chủ ra thành, yết lăng vua Minh Đế nhân thể đi săn. Ý mừng lắm, lập tức vào nơi công đường, sai tư đồ là Cao Nhu lĩnh chức đại tướng quân, trước hết đến giữ dinh Tào Sảng. Lại sai thái bộc là Vương Quan, quyền chức là trung lĩnh quân, giữ dinh Tào Hy. Ý dẫn các quan vào hậu cung tâu với Quách thái hậu việc Tào Sảng bỏ lời tiên đế thác cô, gian tà loạn nước, xin trị tội.

Quách thái hậu thất kinh, nói:

- Thiên tử ta ngoài chưa về, thì làm thế nào?

Ý tâu rằng:

- Tôi đã dâng biểu tâu với thiên tử có mẹo giết được gian thần, thái hậu chớ ngại.

Thái hậu sợ hãi phải theo lời. Ý sai thái úy là Tưởng Tế, thượng thư lệnh là Tư Mã Phu cùng với mình viết biểu, phái hoàng môn mang ra ngoài thành tâu với Ngụy chủ.

Ý tự dẫn đại quân giữ kho khí giới.

Có người báo tin về nhà Tào Sảng. Vợ Tào Sảng là Lưu thị vội vàng gọi quan giữ phủ đến hỏi rằng:

- Chủ công ở ngoài, Trọng Đạt khởi binh ý làm sao?

Tướng giữ cửa là Phan Cử nói:

- Phu nhân chớ ngại, để tôi hỏi xem sao.

Đoạn nói, dẫn vài mươi tay cung nỏ lên lầu ngoài cửa đứng trông. Một lát, thấy Tư Mã Ý dẫn quân đi qua trước phủ. Cử sai quân bắn xuống tíu tít, Ý không sao qua được. Có tên tì tướng là Tôn Khiêm ở mặt sau ngăn lại, nói:

- Thái phó vì việc to nhà nước mà đi qua đây, không được bắn tên.

Khiêm ngăn lại hai ba lần, Cử mới không bắn nữa. Tư Mã Chiêu hộ vệ cha đi khỏi cửa phủ, rồi dẫn quân ra thành, đóng trên bờ sông Lạc Hà, chặn lấy đầu cầu.

Nói về thủ hạ Tào Sảng là Lỗ Chi thấy việc biến động làm vậy, đến nhà tham quân là Tân Tệ bàn rằng:

- Nay Trọng Đạt gây biến loạn thế này, ta nghĩ làm sao bây giờ?

Tệ nói:

- Chúng ta nên dẫn quân bản bộ ra thành, để tâu thiên tử.

Chi lấy làm phải. Tân Tệ trở vào nhà trong. Người chị là nàng Tân Hiến Anh trông thấy hỏi rằng:

- Em có việc gì mà ra dáng lật đật thế?

Tệ nói:

- Thiên tử ở ngoài, thái phó đóng cửa thành, hẳn là mưu làm phản.

Nàng Hiến Anh nói:

- Tư Mã công vị tất đã làm phản, chỉ vì muốn giết Tào tướng quân đó thôi.

Tệ thất kinh nói:

- Việc này không biết rồi ra sao?

Hiến Anh nói:

- Tào tướng quân không phải là tay đối thủ Tư Mã công, tất nhiên phải thua.

- Hôm nay Lỗ Chi rủ tôi cùng ra thành, không biết có nên đi không?

Hiến Anh nói:

- Chức phận của mình thì phải giữ, đó là nghĩa lớn ở đời. Người ta hoạn nạn còn nên thương, huống chi xưa nay vẫn hầu hạ người ta? Nếu bỏ phận mình, thì tất là không hay lắm.

Tệ nghe lời ấy, cùng với Lỗ Chi dẫn vài mươi tên kị chặt khóa, cướp cửa thành chạy ra. Có người báo cho Tư Mã Ý. Ý sợ Hoàn Phạm cũng chạy, kíp sai người đòi đến. Phạm bàn với con. Con nói:

- Xa giá vua ở ngoài thành, không bằng chạy ra ở cửa nam.

Phạm nghe lời, vội vàng lên ngựa, chạy ra cửa Bình Xương. Tới nơi thì cửa thành đã đóng rồi. Tướng giữ cửa tên là Tư Phiên, nguyên là bạn cũ của Hoàn Phạm. Phạm thò tay vào bọc lấy một cái thẻ tre giơ ra bảo rằng:

- Thái hậu có chiếu sai ta đi, phải mở cửa thành mau.

Tư Phiên xin xem chiếu.

Phạm mắng rằng:

- Mày là bạn cũ của ta, sao dám hỗn thế?

Phiên phải mở cửa cho ra. Phạm ra được khỏi thành, gọi Tư Phiên bảo rằng:

- Thái phó làm phản, mày nên theo ta đi một thể.

Phiên cả kinh, đuổi theo bắt lại không được. Có người báo với Tư Mã Ý. Ý giật mình nói:

- “Túi khôn" lọt ra mất rồi, thì làm thế nào?

Tưởng Tế nói:

- Ngựa hèn tham nắm đậu trong chuồng, dù có túi khôn, cũng không dùng được.

Ý gọi Hứa Doãn, Trần Thái đến bảo rằng:

- Hai ngươi ra gặp Tào Sảng, nói thái phó không có bụng nào hại đâu, chỉ muốn tước hết binh quyền của anh em họ đấy thôi.

Hứa, Trần hai người đi liền.

Lại đòi quan điện trung hiệu úy là Doãn Đại Mục đến, sai Tưởng Tế viết thư, cho Đại Mục cầm ra đưa cho Tào Sảng, Ý dặn rằng:

- Người thân thiết với Tào Sảng, nên giúp việc này. Ngươi có ra mắt Tào Sảng, thì nói rằng ta với Tưởng Tế trỏ sông Lạc Thủy ăn thề, chỉ vì việc binh quyền, chớ không có bụng nào cả.

Doãn Đại Mục tuân lệnh đi ra.

Nói về Tào Sảng đang mải mê săn bắn, huýt chó thả chim. Chợt có tin báo trong thành nổi loạn, thái phó có biểu văn đưa đến. Sảng giật nảy mình, suýt nửa ngã ngựa. Quan hoàng môn dâng biểu quỳ trước mặt thiên tử. Sảng tiếp lấy tờ biểu mở ra, sai cận thần đọc lên vua nghe.

Biểu rằng:

“Chinh tây đại tướng quân thái phó là Tư Mã Ý, rất sợ rất hãi, cúi đầu kính dâng biểu lên bệ hạ nghe: Thần tự khi đánh Liêu Đông trở về, tiên đế giao phó bệ hạ cho Tuần vương và bọn thần, lên giường ngự, cầm tay thần, gắn bó dặn dò việc sau. Nay đại tướng quân Tào Sảng bỏ lời cố mệnh, loạn phép nhà nước, trong thì tiếp pháp, ngoài thì chuyên quyền, dùng hoàng môn là Trương Đương làm đô giám, cùng nhau tư thông, để ngấp nghé ngôi báu, rình trực đồ thần, làm cho lìa cách hai cung, tàn hại trong tình cốt nhục. Thiên hạ nôn nao, mang lòng sợ hãi. Đó không phải là ý tiên đế bảo bệ hạ và dặn thần như thế. Thần tuy già yếu, dám đâu quên lời xưa. Thái úy thần là Tế, thượng thư thần là Phu cũng nghĩ rằng Tào Sảng không có bụng tôn vua, không nên cho anh em y được túc giữ binh quyền túc vệ trong cung nữa. Vì thế thần tâu với hoàng thái hậu, thái hậu sai thần tâu biểu với bệ hạ để ra lệnh. Vậy thần dâng biểu này, xin bắt Sảng, Hy, Huấn phải bãi binh đi mà về nhà, không được để xa giá bệ hạ ở lâu ngoài thành. Nếu trậm trễ, xin án quân pháp mà trị tội. Thần phải gượng bệnh đem quân ra đóng tại cầu Lạc Thủy, để coi xét việc bất thường. Vì vậy bày tỏ, xin được coi xét."

Ngụy chủ Tào Phương nghe xong, bảo với Tào Sảng rằng:

- Thái phó nói vậy, ngươi khu xử làm sao?

Tào Sảng cuốn cả người lại, bảo với hai em rằng:

- Làm thế nào bây giờ?

Hy nói:

- Em đã can mãi anh, anh chẳng nghe cho, mới đến nỗi này. Tư Mã Ý quỷ quyệt vô cùng, Khổng Minh còn không đánh nổi, huống chi anh em chúng ta! Chi bằng tự trói mình về chịu lỗi, cầu khỏi cái chết là hơn!

Một lát, tham quân Tân Tệ, tư mã Lỗ Chi đến. Sảng hỏi chuyện. Hai người nói:

- Trong thành vây kín như rào sắt, thái phó dẫn quân đóng ở trên cầu sông Lạc, không tài nào mà về được đâu. Nên định kế lớn đi!

Đang nói thì tư nông là Hoàn Phạm tế ngựa chạy đến, Phạm nói:

- Thái phó đã khởi biến rồi, tướng quân sao không rước thiên tử ra Hứa Đô, cất quân ngoài mà đánh Tư Mã Ý?

Sảng nói:

- Cả nhà ta ở trong thành, sao nên đi nơi khác mà cầu cứu?

Phạm nói:

- Sất phu đương lúc nạn, còn muốn cầu sống. Nay chủ công theo với thiên tử, hiệu lệnh thiên hạ, đâu chẳng phải nghe, sao lại đâm đầu về đất chết làm chi?

Sảng nghe nói phân vân chưa quyết, chỉ ứa nước mắt khóc.

Phạm lại nói:

- Tự đây ra Hứa Đô, chẳng qua nữa đêm thì đến nơi. Lương thảo trong thành, đủ chi được vài năm. Vả lại quân mã trại riêng của chủ công, ở ngay Quan Nam gần đấy, gọi một tiếng là đến. Ấn đại tư mã tôi mang ra đây, chủ công nên làm cho kịp đi, nếu chậm thì việc hỏng mất.

Sảng nói:

- Các ngươi chớ thôi thúc lắm, để ta nghĩ kĩ xem đã.

Được một lát, thị trung Hứa Doãn, thượng thư lệnh Trần Thái đến. Hai người nói:

- Thái phó chỉ vì việc tướng quân quyền to quá, muốn tước bớt binh quyền đi, chớ không có bụng gì đâu, tướng quân nên về ngay trong thành cho sớm.

Sảng nín lặng chẳng nói gì. Một lát, lại có Doãn Đại Mục đến nói:

- Thái phó trỏ sông Lạc phát lời thề, tịnh không có bụng nào. Có thư của Tưởng thái úy ở đây. Tướng quân nên bỏ binh quyền, về ngay tướng phủ cho.

Sảng tin là thực.

Hoàn Phạm lại nói:

- Việc đã cấp rồi, chớ nghe người ta nói mà đâm vào đất chết!

Đêm hôm ấy, Tào Sảng vẫn không quyết bề nào, tay cầm thanh gươm thở ngắn thở dài cho đến sáng, lúc nào cũng nước mắt chạy vòng quanh mà vẫn hồ nghi không biết nghĩ ra sao.

Hoàn Phạm vào trướng giục rằng:

- Chủ công nghĩ suốt cả đêm, mà vẫn chưa quyết ư?

Sảng vất thanh gươm xuống, than rằng:

- Bụng ta không muốn cất quân, ta tình nguyện bỏ quân, chỉ làm một tên phú ông là đủ.

Phạm khóc ầm lên, ra trướng nói:

- Tào Tử Đan khoe mình trí mưu, nay được ba con đụt như chó lợn cả.

Hứa Doãn, Trần Thái xúi Sảng nộp ấn tín trước cho Tư Mã Ý. Sảng sai đem ấn tín đưa ra. Chủ bộ là Dương Tổng giằng lại ấn tín, khóc rằng:

- Hôm nay chủ công bỏ binh quyền, tự trói xin hàng, không tránh khỏi chết ở chợ cửa đông đâu.

Sảng nói:

- Thái phó tất không thất tín với ta!

Bởi thế, Tào Sảng đem ấn tín cho Hứa, Trần hai người mang về trước, giao nộp Tư Mã Ý. Quân sĩ thấy không có tướng ấn, lẻ tẻ tan mất cả. Thủ hạ Tào Sảng chỉ còn mấy người, đi theo về đến phù kiều, Tư Mã Ý cho ba anh em Tào Sảng hãy về nhà riêng, còn các quan đi theo thì tống giam chờ sắc chỉ.

Anh em Tào Sảng, khi vào đến thành, không còn một người nào theo hầu.

Phạm Hoàn về đến cầu, Tư Mã Ý ngồi trên ngựa trỏ roi mà rằng:

- Hoàn đại phu cớ sao lại thế?

Hoàn Phạm cúi gằm mặt xuống không nói gì, rồi đi vào thành.

Tư Mã Ý rước xa giá nhổ trại về Lạc Dương. Ba anh em Tào Sảng về đến nhà, Tư Mã Ý dùng khóa to khóa cửa lại, sai tám trăm dân phu vây giữ.

Tào Sảng trong bụng lo buồn, Hy nói:

- Trong nhà ta thiếu lương ăn, anh thử viết thư đưa cho thái phó vay lương. Nếu y đem lương đỡ cho ta, thì tất không nỡ hại nhau.

Sảng liền viết thư sai người cầm đến. Tư Mã Ý xem thư, cho vận một trăm hộc lương vào phủ Tào Sảng.

Sảng mừng, nói:

- Tư Mã công hẳn không bụng nào nỡ hại ta!

Từ đó không lo gì nữa.

Tư Mã Ý trước hết bắt Tương Đương tống ngục tra hỏi. Đương xưng ra bọn Hà Yến, Đặng Dương, Lý Thắng, Tất Phạm, Đinh Bật năm người đồng mưu phản nghịch. Ý lấy khẩu cung, rồi sai bắt bọn Hà Yến, tra hỏi minh bạch, cả bọn cùng xưng là trong ba tháng nữa thì làm phản. Ý sai đóng gông ráo cả lại.

Tướng giữ cửa thành là Tư Phiên tố cáo Hoàn Phạm trá xưng phụng chiếu ra thành, nói là thái phó làm phản.

Ý nói:

- Vu cho ngươi làm phản, tội cũng như làm phản.

Liền sai bắt cả bọn Hoàn Phạm vào ngục. Rồi bắt ba anh em Tào Sảng và các người phạm tội, cùng cả ba họ điệu ra ngoài chợ chém sạch. Bao nhiêu của cải tịch thu bỏ kho làm của công.

Bấy giờ, có vợ Văn Thúc, em con chú Tào Sảng là con gái họ Hạ Hầu, góa chồng sớm, không có con, cha muốn đem về gả cho người khác. Người con cắt tai thề không lấy chồng nữa. Đến khi Tào Sảng bị giết, cha lại muốn đem về gả chồng. Người con gái tự cắt nốt mũi. Cả nhà kinh hoàng nói rằng:

- Người ta ở đời, ví như cái bụi bám vào cây cỏ yếu, can gì mà khổ thân đến thế? Vả lại nhà chồng đã bị Tư Mã Ý giết cả rồi, thì thủ tiết cho ai nữa?

Người con gái khóc, nói:

- Tôi nghe: Người có nhân, không vì cớ thịnh suy mà đổi tiết; người biết nghĩa, không vì việc còn mất mà ngã lòng. Đang lúc họ Tào còn thịnh, còn muốn giữ tiết cho trọn vẹn, huống chi nay đã tuyệt diệt, nỡ nào bỏ đi cho đành? Đó là hành vi của giống cầm thú, tôi lại thèm làm thế ư?

Ý nghe chuyện khen là người hiền, cho nuôi con để nối dõi họ Tào.

Có thơ khen rằng:

Nhỏ nhặt đời người mảnh bụi con

Gái đâu nghĩa khí nặng tầy non!

Trượng phu nếu kém bề trung nghĩa,

Hổ mặt khi nhìn khách phấn son!

Tư Mã Ý giết xong Tào Sảng, Tưởng Tế lại xui rằng:

- Lỗ Chi, Tân Tệ chặt khóa thành chạy ra, Dương tổng cướp ấn không cho, bọn ấy cũng không nên tha.

Ý nói:

- Họ đều ai vì chủ ấy, đó là người có nghĩa, sao lại giết đi.

Bèn phục nguyên chức cho hai ngươi.

Tân Tệ than rằng:

- Nếu ta không hỏi chị ta thì hóa ra bỏ mất đại nghĩa!

Có thơ khen nàng Tân Hiến Anh rằng:

Làm tôi ân lộc nên đền báo,

Thờ chúa lâm nguy phải hết lòng,

Tân thị khuyên em lời đạo nghĩa,

Ngàn năm còn cất tiếng cao phong.

Tư Mã Ý tha cho bọn Tân Tệ, rồi treo bảng hiểu dụ: Phàm những người môn hạ Tào Sảng, đều tha tội cho cả. Ai làm quan gì, cứ nguyên chức ấy. Bởi thế đâu quân dân yên nghiệp đấy, trong ngoài yên ổn. Hà Yến, Đặng Dương chết uổng, quả nhiên nghiệm lời Quản Lộ thực.

Đời sau có thơ khen Quản Lộ rằng:

Học được thánh hiền phép diệu linh,

Bình nguyên Quản Lộ biết mưu thần,

Thông thuộc đủ tà ma chước quỷ,

Người sống mà tin sẽ lìa trần.

Ngụy chủ Tào Phương phong Tư Mã Ý làm thừa tướng, cho được dùng lễ cửu tích. Ý cố từ không chịu nhận. Tào Phương không nghe, sai ba cha con cùng lĩnh quốc chính.

Tư Mã Ý sực nhớ đến nhà Tào Sảng, tuy đã giết cả rồi, nhưng còn Hạ Hầu Bá giữ ở các xứ Ung Châu, họ có thân thích với Tào Sảng. Ví bằng đột nhiên nổi loạn, thì khó chế được, tất phải liệu trước mới xong. Liền giáng chiếu sai sứ ra Ung Châu đòi chinh tây tướng quân Hạ Hầu Bá về Lạc Dương bàn việc.

Hạ Hầu Bá nghe tin giật mình, định dẫn ba nghìn quân nổi loạn. Thứ sử Ung Châu là Quách Hoài nghe tin Hạ Hầu Bá làm phản, lập tức dẫn quân lại đánh.

Quách Hoài mắng rằng:

- Ngươi đã làm hoàng tộc nhà Đại Ngụy, thiên tử chưa từng bạc tình với ngươi, cớ sao ngươi làm phản?

Bá cũng mắng rằng:

- Cha ông ta lập bao nhiêu công lao với nước. Nay Tư Mã Ý là người nào, dám giết cả tôn tộc nhà Tào ta, lại muốn bắt nốt ta? Nay may Ý tất muốn cướp ngôi. Ta khởi nghĩa đánh giặc, phản gì mà phản?

Hoài nổi giận, vác đao thúc ngựa vào đánh Hạ Hầu Bá. Bá múa đao quất ngựa ra địch. Đánh nhau chưa được mười hiệp, Hoài thua chạy, Bá đuổi theo. Bỗng nghe tiếng hậu quân nổi reo. Bá kíp ngựa chạy về, té ra Trần Thái dẫn quân đánh đến. Hoài cũng vây binh đánh vật lại. Bá thua to, mất già nữa quân, không biết nghĩ làm sao, mới chạy vào Hán Trung hàng Hậu chủ.

Có người báo tin với Khương Duy. Duy không tin, sai người gạn hỏi, biết hết thực tình mới cho Bá vào thành, Bá vào ra mắt Khương Duy, khóc lóc thuật lại đầu đuôi sự việc.

Duy nói:

- Ngày xưa, Vi Tử bỏ nhà Ân theo hàng nhà Chu, nên được tiếng muôn đời. Ông nếu hay, giúp được nhà Hán, thì cũng không kém gì cổ nhân.

Khương Duy mở tiệc thết đãi Hạ Hầu Bá. Trong khi uống rượu, Duy hỏi rằng:

- Cha con Tư Mã Ý coi giữ quyền chính, có bụng nào dòm nom đến nước ta không?

Bá nói:

- Lão tặc còn toan việc mưu nghịch, chưa kịp nghĩ đến việc ngoài. Nhưng nước Ngụy mới có hai người, đang trạc tuổi trẻ, nếu hai người ấy lĩnh quân mã, thì là một sự lo to cho Ngô, Thục đó.

Duy nói:

- Hai người nào?

Bá nói:

- Một người hiện làm thư thị lang, quê ở Trường Sa, Châu Dĩnh, họ Chung tên Hội, tự là Sĩ Quý, con quan thái phó Chung Do. Người ấy can đảm, khôn ngoan từ thuở nhỏ. Khi Hội lên bảy tuổi cùng với anh là Chung Dục đang học, có vua Văn Đế đến chơi. Dục bấy giờ mười tám tuổi, thấy vua đến sợ run lập cập, mồ hôi toát ra mặt. Vua hỏi: “Mày sao mà đổ mồ hôi?" Dục thưa: “Kinh sợ quá nên đổ mồ hôi không dám chảy." Vua lấy lời nói làm lạ. Khi Hội gần lớn, ham xem binh thư, tường hiểu thao lược. Tư Mã Ý và Tưởng Tế cũng khen tài của hắn. Còn một người ở Nghĩa Dương, hiện đang làm lại, họ Đặng tên Ngải tự là Sĩ Tái, cha mất sớm, từ thuở nhỏ đã có chí to. Phàm trông thấy ở đâu có núi cao, đầm lớn tức thì ngắm nghía, đo vẽ, chỗ nào nên đóng binh, chỗ nào nên chứa lương, chỗ nào nên mai phục, ghi chép vào một bức địa đồ. Ai cũng chê cười, chỉ có Tư Mã Ý khen là người có chí, mới cho tham tán việc quân cơ. Đặng Ngải nói lắp, mỗi khi nói đến tên mình, thường hay nói: “Ngải, Ngải..." Tư Mã Ý nói bỡn rằng: “Ngươi nói Ngải Ngải... Thì ra bao nhiêu Ngải kia?" Ngải ứng khẩu đáp rằng: “Phượng hề! Phượng hề! Thì cũng một phượng chứ mấy phượng?" Ứng đối nhanh nhảu, đại để như thể cả. Hai người này thật đáng ngại.

Duy cười nói:

- Thứ chúng nó là tuồng trẻ con, có làm trò gì!

Khương Duy bèn dẫn Hạ Hầu Bá đến Thành Đô, vào bái kiến Hậu chủ.

Duy tâu rằng:

- Tư Mã Ý giết Tào Sảng, lại đến giữ Hạ Hầu Bá. Vì thế Bá đến xin hàng. Nay cha con Tư Mã Ý chuyên quyền, Tào Phương hèn yếu, nước Ngụy sắp nguy. Tôi ở Hán Trung đã lâu, binh tinh lương nhiều. Vậy xin lĩnh quân đánh Ngụy, dùng ngay Hạ Hầu Bá làm quan hướng đạo, tiến sang lấy Trung Nguyên, đem lại giang sơn nhà Hán, để báo ơn bệ hạ và cho trọn vẹn chí thừa tướng xưa kia.

Thượng thư lệnh là Phi Vĩ can rằng:

- Gần nay Tưởng Uyển, Đổng Doãn kế nhau mất đi trong triều thiếu người coi sóc, Bá Ước hãy chờ ít lâu, không nên kinh động vội.

Duy nói:

- Người ta ở đời được mấy, ngày tháng thoi đưa ví như bóng cau qua cửa sổ. Nếu như để dây dưa, thì bao giờ khôi phục được Trung Nguyên?

Vĩ nói:

- Tôi ở Lũng Thượng đã lâu, quen biết tính khí người rợ Khương. Nay bằng kết liên với họ làm ngoại viện thì dẫu chẳng lấy được Trung Nguyên, nhưng từ Lũng Thượng trở sang mé tây, có thể ta chiếm được cả.

Hậu chủ nói:

- Có phải ngươi muốn đánh nước Ngụy, nên hết lòng gắng sức, chớ để mất nhuệ khí mà phụ lòng trẫm.

Khương Duy lĩnh sắc chỉ, lạy từ trở ra, cùng với Hạ Hầu Bá về Trung Hán, thương nghị việc cất quân.

Duy nói:

- Ta nên cho người sang kết hiếu với rợ Khương trước, rồi sẽ sai tướng đem quân ra cửa Tây Bình, tiến gần đến Ung Châu, đắp hai tòa thành ở dưới núi Khúc Sơn, để làm thế ỷ giốc. Chúng ta thì vận hết lương thảo ra cửa Xuyên, y theo cách thức thừa tướng khi xưa, dần dần mà tiến binh.

Tháng tám năm ấy, Khương Duy sai Thục tướng là Cẩu An, Lý Hâm dẫn mười lăm nghìn quân ra núi Khúc Sơn đắp hai tòa thành. Cẩu An giữ thành phía đông. Lý Hâm giữ thành phía tây.

Có quân tế tác báo với thứ sử Ung châu là Quách Hoài. Hoài một mặt báo tin về Lạc Dương, một mặt sai phó tướng Trần Thái dẫn năm vạn quân ra đánh. Cẩu An, Lý Hâm ít quân, địch không nổi, phải lui vào trong thành. Trần Thái sai quân vây bọc bốn mặt thành mà đánh. Hoài lại chặn đường mang lương ở Hán Trung ra. Trong thành Cẩu An, Lý Hâm thiếu lương.

Không bao lâu Quách Hoài cũng dẫn quân đến. Hoài xem xét địa thế, mừng rỡ về trại báo với Trần Thái rằng:

- Thành này địa thế cao lắm, tất nhiên phải ra thành lấy nước. Nếu ta lấp mé thượng lưu, quân Thục phải chết khát cả.

Bèn sai quân sĩ đào đất lấp trên thượng lưu. Trong thành quả nhiên cạn nước. Lý Hâm dẫn quân ra lấy nước, bị quân Ung Châu vây lại đánh rát quá. Hâm không sao ra được, lại phải lộn vào.

Trong thành Cẩu An cũng khan nước mới hội binh với Lý Hâm kéo ra. Quân Ngụy vây chặn lại. Hai bên đánh nhau một hồi lâu quân Thục lại phải trở vào.

Quân Thục khô khát lắm. Cẩu An bàn nhau với Lý Hâm rằng:

- Khương đô đốc bây giờ chưa đến, không biết vì cớ làm sao?

Hâm nói:

- Ta liều bỏ một mạng này, đánh ra mà chạy về cầu cứu mới xong.

Liền dẫn vài mươi tên kị mã, mở cửa thành kéo ra. Quân Ung Châu đổ lại vây kín bốn mặt. Hâm hăng sức đánh tung ra, tháo đường chạy thoát. Quân đi theo chết sạch, chỉ còn trật một mình bị trọng thương, trốn thoát.

Đêm hôm ấy, nổi cơn gió bấc, mây đen kéo, phủ lắp trời, rồi đổ cơn mưa tuyết cực to. Quân Thục ở trong thành, may nhờ có mưa tuyết, mới có nước thổi cơm ăn.

Lý Hâm ra thoát được vòng vây, đi lẻn theo đường nhỏ ở núi Tây Sơn chạy về. Đi được hai hôm, vừa gặp được quân mã Khương Duy kéo đến, Hâm xuống ngựa lạy phục xuống đất kêu rằng:

- Hai thành ở Khúc Sơn bị quân Ngụy vây khốn đã lâu, lại chặn mất đường lấy nước. May nhờ có trận mưa tuyết, mới hòa tuyết ra thổi cơm ăn, hiện tình nguy cấp lắm.

Duy nói:

- Ta không phải là đến cứu chậm đâu, vì chờ mãi quân Khương chưa đến, bởi thế lỡ mất việc.

Bèn sai người đưa Lý Hâm về thành Đô dưỡng bệnh.

Khương Duy hỏi Hạ Hầu Bá rằng:

- Quân Khương chưa đến, mà quân Ngụy vây thành Khúc Sơn kíp lắm, tướng quân có cao kiến gì không?

Bá nói:

- Nếu đợi quân Khương đến thì hai thành núi Khúc Sơn cùng mất cả. Tôi đồ rằng quân Ung Châu tất đến hết cả vây đánh núi Khúc Sơn; Ung Châu quyết nhiên bỏ trống. Tướng quân nên dẫn quân đi tắt núi Ngưu Đầu, lẻn đến mé sau thành, Quách Hoài, Trần Thái tất phải đem quân về cứu, thì tự khắc giải được vây Khúc Sơn.

Duy mừng nói:

- Mẹo này hay lắm!

Lập tức dẫn quân kéo ra núi Ngưu Đầu.

Trần Thái thấy Lý Hâm chạy thoát ra được đi mất, bảo với Quách Hoài rằng:

- Lý Hâm nếu cáo cấp với Khương Duy, Khương Duy đồ rằng đại quân ta ở cả đây, tất lẻn qua núi Ngưu Đầu, đến úp mé sau quân ta. Tướng quân nên dẫn một đội quân đến sông Thao Thủy, chặn đường mang lương của quân Thục, tôi thì dẫn một nữa quân, đến đánh chặn núi Ngưu Đầu. Nếu hắn biết tin bị nghẽn đường vận lương, tất phải chạy về.

Quách Hoài theo kế hoạch ấy, dẫn quân đến Thao Thủy, Trần Thái mang quân tắt đến núi Ngưu Đầu.

Khương Duy vừa dẫn quân đến núi Ngưu Đầu, bỗng nhiên quân hò reo bảo rằng quân Ngụy chặn mất đường đi. Duy vội vàng đến trước trận xem thì thấy Trần Thái quát to lên rằng:

- Mày muốn cướp Ung Châu của ta, ta đợi ở đây đã lâu rồi!

Duy nổi giận, vác giáo thúc ngựa vào đánh Trần Thái. Thái múa đao lại địch. Được vài hiệp Thái thua chạy, Duy giục quân đánh tràn sang. Quân Ung Châu rút về chiếm giữ trên đầu núi. Duy thu quân hạ trại ở cạnh núi Ngưu Đầu.

Duy mỗi ngày cho quân ra khơi chiến, đánh nhau lải nhải mấy hôm, không phân được thua.

Hạ Hầu Bá bảo với Khương Duy rằng:

- Chỗ này không phải chỗ ở lâu được, giao chiến mấy hôm, không phân thắng bại; đó là kế dụ binh đấy, tất có mẹo mực gì đây, không bằng hãy tạm rút quân về, sẽ liệu kế khác.

Đang thương nghị, sực có tin báo rằng:

- Quách Hoài dẫn quân đến Thao Thủy, chặn đường mang lương của ta.

Duy giật mình, sai Hạ Hầu Bá rút quân về trước. Duy tự dẫn quân đoạn hậu. Trần Thái chia quân làm năm đường đuổi theo. Duy độc lực chặn cửa năm ngả, chịt đường quân Ngụy, Trần Thái kéo quân lên núi, tên đạn bắn xuống như mưa. Duy vội vàng rút quân. Khi về đến sông Thao Thủy, thì Quách Hoài dẫn quân đến đánh. Duy xông vào đánh, quân Ngụy chặn đường về, chắc như rào sắt. Duy đánh phá vỡ vòng vây, thoát được ra ngoài, thiệt hơn một nửa quân. Duy chạy về cửa Dương Bình. Trước mặt lại có một toán quân xông đến. Một viên đại tướng, cầm đao thúc ngựa xổ ra. Người ấy mặt tròn tai to, miệng vuông môi dày, dưới mắt tả có một nốt ruồi đen; trên nốt ruồi có vài mươi chiếc lông; nguyên là Tư Mã Sư con cả Tư Mã Ý, hiện làm phiêu kị tướng quân.

Duy nổi giận nói:

- Thằng nhãi con kia, sao dám chặn đường ta về?

Nói đoạn, quất ngựa xổ vào đâm vào Tư Mã Sư. Sư khoa đao đón đánh. Được vài hiệp, Sư núng thế chạy mất. Duy về đến cửa Dương Bình, người trong thành mở cửa cho vào. Tư Mã Sư theo hút đến cướp giật cửa ải. Trên ải hai bên cung nỏ bắn ra, mỗi cái nỏ bắn luôn mười phát tên, nguyên là phép của Võ Hầu khi gần mất để lại cho Khương Duy.

Ấy là:

Bại trận khó giương quân một cánh.

Phép tài nhờ có nỏ mười tên.

Chưa biết tính mạng Tư Mã Sư thế nào, xem hồi sau phân giải.

Tác giả : La Quán Trung
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại