Tam Quốc Diễn Nghĩa
Chương 076
HỒI 76
Từ Công Minh đánh đến Miện Thủy;
Quan Vân Trường thua chạy ra Mạch Thành.
My Phương nghe tin Kinh Châu đã mất, đang không biết nghĩ ra sao, chợt có tin Phó Sĩ Nhân đến. Phương ra thành tiếp vào. Phương hỏi chuyện thì Sĩ Nhân nói rằng:
- Tôi không phải là không trung đâu, nay thế nguy suy yếu, không sao địch lại được, nên tôi đã hàng với Đông Ngô rồi, tướng quân cũng nên hàng đi cho sớm.
Phương nói:
- Chúng ta đội ơn Hán Trung vương nhiều lắm, sao nỡ bỏ mà theo hàng người khác?
Sĩ Nhân nói:
- Khi Quan Công ra đi, tức giận chúng ta lắm, nếu một mai thắng trận trở về, chắc không tha thứ cho đâu, ông thử nghĩ kĩ xem!
Phương nói:
- Anh em tôi nhờ Hán Trung Vương đã lâu, bỗng chốc bỏ mà đi làm sao cho đành!
Đang khi trò chuyện, thì có sứ giả của Quan Công sai đến. Phương ra tiếp vào.
Sứ giả nói:
- Quân sĩ ở ngoài Phàn Thành thiếu lương, Quan Công cho về Nam Quận và Công An, thúc hai sứ phải tải ngay mười vạn gánh gạo đến, hễ chậm chạp thì chém lập tức.
Phương giật mình bảo Phó Sĩ rằng:
- Nay Kinh Châu đã bị Đông Ngô lấy mất rồi, kiếm đâu cho được mười vạn gánh gạo bây giờ?
Sĩ Nhân quát lên rằng:
- Bất tất phải hồ nghi cho lắm!
Nói xong, rút ngay gươm ra chém chết sứ giả.
Phương kinh hoàng, nói:
- Ông định làm sao bây giờ?
Sĩ Nhân nói:
- Quan Công làm như thế, chính là cố ý muốn giết chúng ta, lẽ đâu ta ngồi chắp tay mà chịu chết? Nếu ông không sớm hàng Đông Ngô, tất không khỏi chết về tay Quan Công.
Đang khi ấy thì Lã Mông dẫn quân đến ngoài thành. Phương giật mình, liền cùng Sĩ Nhân ra thành chịu hàng.
Mông mừng lắm, dẫn Phương đến ra mắt Tôn Quyền. Quyền trọng thưởng cho hai người, yên dân đâu đấy, mở tiệc khao thưởng ba quân.
Khi ấy Tào Tháo ở Hứa Đô, đang cùng với bọn mưu sĩ bàn việc Kinh Châu, chợt có tin sứ giả Đông Ngô mang thư đến. Tháo gọi vào, sứ giả trình thư lên. Tháo mở xem, trong thư nói rõ quân Ngô sắp đánh úp Kinh Châu, xin Tháo tiến binh đến để giáp hai mặt lại đánh Vân Trường, và dặn đừng tiết lộ ra ngoài, sợ Vân Trường biết mà phòng bị trước.
Tháo bàn với các mưu sĩ. Chủ bộ là Đổng Chiêu nói rằng:
- Nay Phàn Thành bị khốn, quân sĩ nóng lòng chờ cứu viện. Ta nên đem thư bắn vào trong thành, nói rõ như thế, cho yên lòng quân, vả lại, để cho Quan Công biết rằng Đông Ngô sắp úp Kinh Châu, y tất phải rút quân về, bấy giờ ta sẽ sai Từ Hoảng thừa cơ đánh ập lại quyết nhiên là được.
Tháo nghe kế ấy, một mặt thúc Từ Hoảng đánh cho mau một mặt tự mình dẫn quân đại quân đi tắt đường Lạc Dương đến gò Dương Lục để cứu Tào Nhân.
Từ Hoảng đang ở trong trướng, thấy có sứ giả đến, bèn tiếp vào trong trại, hỏi có việc gì. Sứ giả nói:
- Ngụy Vương đã dẫn quân qua Lạc Dương rồi, sai tướng quân đánh ngay Vân Trường để cứu Phàn Thành.
Lại có thám mã về báo rằng:
- Quan Bình đóng binh tại Uyển Thành, Liêu Hóa đóng đồn ở Tử Chủng, trước sau cả thảy mười hai trại, nối liền với nhau dài lắm.
Hoảng lập tức sai phó tướng là Từ Thương và Lã Kiến mang cờ hiệu Tử Hoảng, đến Uyển Thành đánh nhau với Quan Bình. Còn mình thì dẫn năm trăm tinh binh đi men sông Miện Thủy, ra đánh mặt sau Uyển Thành.
Quan Bình nghe tin Từ Hoảng dẫn quân đến, liền đem quân bản bộ ra nghênh địch. Hai bên dàn trận Quan Bình ra ngựa, cùng với Từ Thương giao phong. Mới được ba hiệp, Thương thua chạy. Lã Kiến lại ra, được năm sáu hiệp cũng chạy nốt. Bình thừa thế đuổi theo hơn hai chục dặm. Chợt tin báo trong thành bốc cháy. Bình biết là mắc mưu giặc, vội vàng rút quân về cứu Uyển Thành, thì gặp một toán quân ra chặn.
Hoảng đứng dưới cửa cờ, gọi to lên rằng:
- Hiền điệt Quan Bình! Kinh Châu nhà mày đã bị Đông Ngô cướp mất rồi, chết đến nơi, còn không biết, mà cứ ở đây ngông nghênh mãi!
Bình nổi giận, tế ngựa múa đao xông vào đánh Từ Hoảng. Được vài ba hiệp thì quân sĩ reo ầm cả lên, trong thành lửa bốc lên ngùn ngụt, Quan Bình không dám mải đánh, phải tháo đường chạy tắt đến trại Tứ Chủng.
Liêu Hóa ra tiếp vào, nói:
- Người ta đồn rằng Lã Mông đã lấy mất Kinh Châu rồi, bụng quân rối loạn cả, làm thế nào thế bây giờ?
Bình nói:
- Đây hẳn là họ ngoa truyền như thế, hễ quân sĩ thằng nào nói đến thì chém phăng đi là xong.
Chợt có ngựa lưu tinh chạy về báo rằng:
- Từ Hoảng dẫn quân đến đánh đồn thứ nhất ở phía bắc.
Bình nói:
- Nếu đồn thứ nhất mà mất, thì các trại kia cũng nhốn nháo cả. Trại này gần sông Miện Thủy, quân giặc tất không dám đến. Ta với ngươi nên cùng đến cứu trại thứ nhất mới được.
Liêu Hóa gọi bộ tướng lại dặn rằng:
- Các ngươi phải giữ trại này cho vững, hễ có giặc đến, thì há đốt lửa lên làm hiệu.
Bộ tướng nói:
- Trại này rào mười lần chống trả, con chim bay cũng không lọt, lo gì quân giặc!
Quan Bình, Liêu Hóa mới khởi hết tất cả tinh binh ở trại Tú Thủng để cứu đồn thứ nhất.
Quan Bình trông thấy quân Ngụy đóng ở trên ngọn núi thấp, bảo với Liêu Hóa rằng:
Từ Hoảng đóng quân ở đây địa thế không được lợi, đêm nay ta sẽ dẫn quân đến cướp trại.
Hóa nói:
- Tướng quân nên chia một nửa quân đem đi, để tôi ở nhà giữ trại mới được.
Đêm hôm ấy, Quan Bình dẫn một toán quân kéo thẳng vào trại Ngụy, nhưng không thấy bóng một người nào. Bình biết là mắc mẹo, vội vàng rút lui thì thấy mé tả có Từ Hoảng, mé hữu có Lã Kiền, hai mặt đánh dồn lại. Bình thua to chạy về, quân Ngụy thừa cơ đuổi theo, vây kín cả bốn phía. Quan Bình. Liêu Hóa chống giữ không nổi, phải bỏ mất đồn thứ nhất, chạy sang trại Tứ Chủng, thì đã thấy có ngọn lửa cháy; kíp lại gần xem té ra trong trại cắm toàn cờ hiệu nước Ngụy cả rồi. Hai tướng giật mình, vội vàng chạy theo đường Phàn Thành, lại gặp Từ Hoảng chặn đường. Hai tướng cố chết lăn xả vào đánh, mới tháo được đường chạy về trại lớn, ra mắt Quan Công kêu rằng:
- Nay Từ Hoảng đã cướp mất cả các trại ở Uyển Thành, lại nhiều người đồn rằng Lã Mông đã cướp mất Kinh Châu.
Quan Công quát mắng rằng:
- Đó là giặc đồn nhảm ra thế, để làm rối bụng quân ta; chớ Lã Mông thì ốm nặng, thằng nhãi con Lục Tốn thay chức, làm trò gì được mà sợ?
Nói chưa dứt lời, thì Từ Hoảng đã kéo quân đến. Quan Công sai gióng ngựa để ra đánh. Quan Bình can rằng:
- Phụ thân chưa được khỏe lắm, chớ nên ra trận vội.
Quan Công nói:
- Từ Hoảng có ân tình cũ với ta, ta đã biết tài sức của y, nếu y không rút lui, thì ta chém y trước, để răn các tướng Ngụy.
Nói rồi, mặc áo giáp, cầm đao lên ngựa, ra trước trận. Quân Ngụy trông thấy hết vía. Quan Công dừng ngựa lại hỏi rằng:
- Từ Công Minh ở đâu?
Từ Hoảng ở trong trận tế ngựa ra ngoài, nhổm mình lên mà nói rằng:
- Từ khi tôi biệt nhau với quân hầu nay đã đầu bạc râu trắng cả! Nhớ đến khi xưa chơi với nhau, được nhờ dạy bảo cho nhiều, không biết bao giờ quên cái ơn ấy! Nay quân hầu oai danh lừng lẫy cả trong nước, cố nhân nghe thấy vậy, lấy làm hâm mộ lắm. May lại được trông thấy nhau ở đây, thực là thỏa lòng khao khát bấy nay!
Quan Công nói:
- Ta với Công Minh, tình bạn thân thiết lắm, không như người khác, cớ sao đuổi dài mãi con ta làm vậy?
Hoảng ngoảnh lại quát bảo bộ tướng:
- Hễ ai lấy được đầu Vân Trường, thì thưởng cho nghìn vàng!
Quan Công giật mình, hỏi:
- Công Minh sao giở mặt ngay được thế?
Hoảng nói:
- Hôm nay là việc nhà nước, tôi không dám vị chút tình riêng mà bỏ việc công!
Nói dứt lời, múa búa vào đánh. Quan Công giận lắm, cũng khoa đào lại địch. Hai người đánh nhau hơn tám chục hiệp, Quan Công tuy rằng khỏe, nhưng cánh tay bị thương, vẫn còn kém sức. Quan Bình sợ có nhỡ nhàng, vội vàng khua chiêng thu quân. Quan Công quay ngựa về trại. Bỗng nghe thấy bốn mặt tiếng reo như sấm, té ra Tào Nhân ở Phàn Thành, thấy có quân cứu đến, nên dẫn quân ra hợp với Từ Hoảng, hai mặt đánh đồn lại, quân Kinh Châu rối loạn.
Quan Công tế ngựa dẫn các tướng chạy lên mé trên sông Tương Giang. Quân Ngụy đuổi theo, Quan Công sang sông, chạy về Tương Dương.
Chợt có ngựa lưu tinh chạy đến bảo rằng:
- Kinh Châu đã bị Lã Mông cướp mất rồi, gia quyến bị hãm cả trong thành.
Quan Công giật mình, không dám chạy về Tương Dương nữa, phải kéo quân về Công An.
Lại có thám mã báo rằng:
- Phó Sĩ Nhân ở Công An đầu hàng Đông Ngô rồi!
Quan Công nghe báo giận lắm.
Lại có quân đi thúc lương về báo rằng:
- Phó sĩ Nhân giết mất sứ giả ở Nam Quận, xúi My Phương ra hàng Đông Ngô rồi!
Quan Công khí tức uất lên đầy ruột, vết thương lại vỡ ra, ngất đi ngã lăn xuống đất. Các tướng vội vàng cứu tỉnh dậy.
Quan Công ngoảnh lại nói với Vương Phủ rằng:
- Tiếc thay! Ta không nghe lời túc hạ, hôm nay quả nhiên có việc thế này!
Lại nói rằng:
- Trên dưới ven sông, sao không thấy đốt lửa?
Thám mã bẩm lại rằng:
- Lã Mông sai thủy thủ mặc áo trắng, giả làm lái buôn, còn tinh binh thì phục ở dưới khoang thuyền, trước hết bắt cả quân sĩ giữ vụ, bởi thế không đốt được lửa.
Quan Công giẫm chân xuống đất than rằng:
- Ta mắc phải mẹo gian tặc rồi, còn mặt mũi nào trông thấy anh ta nữa!
Quản lương đô đốc Triệu Lũy thưa rằng:
- Nay việc đã nguy cấp rồi, nên một mặt sai người về Thành Đô cầu cứu; một mặt đi đường bộ về lấy Kinh Châu.
Quan Công nghe theo, sai Mã Lương, Y Tịch đem thư ngày đem về Thành Đô cầu cứu. Một mặt thì dẫn quân về Kinh Châu, tự mình đi trước, để Quan Bình, Liêu Hóa đi chặn hậu.
Đây nói Phàn Thành được giải vây, Tào Nhân dẫn các tướng lại ra mắt Tào Tháo, khóc lạy xuống đất xin chịu tội.
Tháo nói:
- Đó cũng là số trời, không phải lỗi tại các ngươi.
Tháo khao thưởng ba quân đến trại Tứ Chủng ngắm xem bốn mặt, rồi ngoảnh lại bảo các tướng rằng:
- Trại này chung quanh có hào, lại rào chông chàmấy lần, thế mà Từ Công Minh dám lẻn vào nơi hiểm ấy, mà lại thắng trận. Ta dùng binh hơn ba chục năm, cũng chưa dám táo gan xông vào trong đất giặc như thế, Công Minh thực là người can đảm và có trí!
Chúng đều phán phục.
Tháo dẫn quân về đóng ở Ma Pha. Từ Hoảng dẫn quân đến, Tháo ra tận cửa trại đứng đón. Trông thấy quân Từ Hoảng hàng nào đội ấy, răm rắp một lượt. Tháo mừng nói rằng:
- Từ tướng quân quả thật có dáng như Chu Á Phu ngày xưa!
Liền phong Từ Hoảng làm Bình nam tướng quân, cùng với Hạ Hầu Thượng giữ ở Tương Dương, để phòng chống quân Kinh Châu.
Tháo thấy việc Kinh Châu chưa xong, đóng quân ở lại Ma Pha để đợi tin tức.
Quan Công ở trên đường Kinh Châu, tiến lên cũng khó mà lui về cũng không xong bèn bảo Triệu Lũy rằng:
- Nay trước mặt có quân Ngô, sau lưng có quân Ngụy, ta bị chẹt vào giữa, quân cứu không thấy đến, làm thế nào bây giờ?
Lũy thưa:
- Khi xưa Lã Mông ở Lục Khẩu, có hẹn hai nhà kết hiếu với nhau, để đồng tâm mà cự Tào Tháo. Nay giúp Tào mà đánh lại ta, thế là trái lời hẹn trước. Quân hầu nên hãy đóng quân lại ở đây, cho người mang thư đến trách Lã Mông, xem y nói ra sao?
Quan Công nghe theo, viết thư sai sứ đến Kinh Châu.
Lã Mông từ khi lấy được Kinh Châu, truyền lệnh rằng:
- Nội ở trong các quận Kinh Châu, bao nhiêu gia quyến của những tướng sĩ theo Quan Công ra đánh trận, đều không cho quân Ngô được quấy nhiễu, hàng tháng được cấp lương gạo, ai đau ốm có thầy thuốc đến chữa.
Bởi thế mọi nhà đều cảm cái ơn ấy, đâu đấy yên ổn cả.
Chợt có tin Quan Công sai sứ đến, Lã Mông ra ngoài quách đón vào thết đãi cực kì tử tế. Sứ giả trình thư lên. Mông xem xong, bảo với sứ giả rằng:
- Khi xưa tôi với Quan tướng quân kết hiếu, đó là ý riêng một mình tôi. Nay là phụng mệnh trên sai khiến, không được tự chủ, nhờ sứ giả về nói với tướng quân cho khéo.
Nói đoạn, mở tiệc yến khoan đãi, rồi đưa ra nhà khách nghỉ ngơi.
Các nhà có tướng sĩ theo đi trận, cũng lại thăm hỏi tin tức. Người thì giữ thư, người thì nhắn lời, đều nói chuyện cửa nhà yên ổn, no ăn đủ mặc cả.
Sứ giả từ biệt. Mông tiễn ra khởi hành. Sứ giả về ra mắt Quan Công, thuật lại lời Lã Mông, và kể chuyện gia quyến Quan Công và gia thuộc các tướng sĩ ở trong thành, đều được yên ổn gạo đầy đủ.
Quan Công cả giận nói rằng:
- Đó là mẹo của gian tặc đó thôi! Ta sống không giết được nó, thì chết cũng giết được nó, mới hả được bụng ta!
Nói rồi quát sứ giả lui ra.
Sứ giả ra trại, các tướng xúm lại hỏi thăm tin tức cửa nhà. Sứ giả thuật chuyện cửa nhà bình yên. Lã Mông trông nom tử tế; lại đưa thư của các nhà giữ cho các tướng. Bởi thế tướng sĩ mừng rỡ, không ai có bụng đánh nhau nữa.
Quan Công dẫn quân về Kinh Châu. Dọc đường, quân sĩ lắm người trốn về trước. Quan Công lại càng giận lắm, giục quân đi cho mau. Bỗng có tiếng reo ầm ĩ, một toán quân kéo ra chặn đường. Tướng đầu là Tưởng Khâm.
Khâm vác đao gọi trong lên rằng:
- Vân Trường sao không hàng ngày đi cho chóng việc.
Quan Công mắng lại rằng:
- Ta là tướng nhà Hán thèm hàng giặc à?
Liền tế ngựa múa đao xông vào đánh Tưởng Khâm. Khâm thua chạy, Quan Công đuổi đánh hơn hai chục dặm, lại nghe có tiếng reo, thì là Hàn Đương ở mé hang núi đổ ra, Chu Thái ở mé hữu kéo đến; Tưởng Khâm quay đánh ập lại. Quan Công vội rút lui. Đi chưa được vài dặm, thấy trên gò núi Nam Sơn, có một số người tụ ở đấy, khói bốc nghi ngút. Trên núi có là cờ trắng bay phấp phới, đề bốn chữ: “Kinh Châu Thổ Nhân". Họ gọi ơi ới: “Những người bản xứ, mau mau ra hàng đi."
Quan Công giận lắm, muốn lên núi giết bọn ấy. Bỗng ở trong hang núi lại có hai toán quân của Đinh Phụng, Từ Thịnh đổ dậy đất, chiêng chống rầm trời, vây khốn Quan Công mà đánh, tướng sĩ thủ hạ dần dần tán hết. Đánh nhau mãi đến mờ mờ tối, Quan Công trông ra bốn phía núi, thấy toàn là quân Kinh Châu, người thì gọi anh tìm em, kẻ thì réo con gọi cha, tiếng kêu như ri, rủ nhau đi mất cả. Quan Công quát ngăn lại cũng không được.
Quân sĩ của Quan Công chỉ còn hơn ba trăm người, đánh mãi đến canh ba, ở mé đông lại có tiếng reo, té ra là hai toán quân của Quan Bình, Liêu Hóa đánh xốc vào giữa trận để cứu Quan Công.
Quan Bình nói rằng:
- Bụng quân biến mất cả rồi, phải được một thành trì nào tạm đóng quân, để chờ quân cứu đến. Gần đây, có Mạch Thành tuy rằng nhỏ, nhưng cũng đủ đóng quân.
Quan Công nghe lời, thúc quân đến Mạch Thành, chia quân ra giữ bốn cửa, rồi họp, các tướng lại bàn bạc.
Triệu Lũy nói:
- Chỗ này gần Thượng Dung, hiện có Mạnh Đạt, Lưu Phong giữ ở đó, nên sai người đến cầu cứu cho mau. Nếu được quân mà nơi ấy lại cứu, rồi đợi đại quân ở Xuyên đến, thì bụng quân tự khắc phải yên.
Đang bàn chuyện thì quân Ngô kéo đến, vây kín bốn mặt thành.
Quan Công hỏi:
- Ai dám đánh phá vòng vây, ra Thượng Dung cầu cứu không?
Lưu Hóa xin đi.
Quan Bình nói:
- Để ta đưa ngươi ra khỏi trùng vây!
Quan Công viết thư giao cho Liêu Hóa giắt vào trong mình, ăn no lên ngựa, mở cửa ra thành. Tướng Ngô là Định Phụng, chặn đường. Quan Bình hết sức đánh xốc vào. Phụng phải chạy. Liêu Hóa thừa thế đánh ra khỏi được trùng vây, sang thẳng Thượng Dung. Quan Bình trở vào trong thành.
Lưu Phong, Mạnh Đạt, từ khi lấy được Thương Dung, thái thú Thân Đam đem quân ra hàng, nên Huyền Đức phong cho Lưu Phong làm phó tướng quân, cùng với Mạnh Đạt giữ thành. Hôm ấy, nghe tin Quan Công thua trận, hai tướng đang bàn bạc với nhau. Chợt thấy Liêu Hóa đến, Phong ra tiếp vào hỏi chuyện.
Hóa nói:
- Quan Công bị thua, hiện đang khốn ở Mạch Thành tình hình nguy cấp lắm. Quân cứu trong Thục thì chưa hồ dễ mà sớm tối đến ngay được, cho nên sai tôi phá trùng vây chạy ra đây cầu cứu. Xin hai tướng quân khởi ngay quân Thượng Dung để giải nguy ngay cho, nếu chậm chạp thì Quan Công hỏng mất.
Phong nói:
- Tướng quân hãy nghỉ ngơi, để tôi bàn xem đã.
Liêu Hóa ra nghỉ ngơi ngoài nhà khách, chờ đợi phát binh.
Phong bàn với Mạnh Đạt rằng:
- Chú ta bị khốn ngoài ấy, làm thế nào bây giờ.
Đạt nói:
- Đông Ngô binh nhiều, tướng khỏe, vả lại chín quận Kinh Tương đã lấy được cả rồi, chỉ còn Mạch Thành là một chỗ đất nhỏ bằng viên đạn. Lại nghe Tào Tháo dẫn bốn năm mươi vạn quân, đóng ở Ma Pha, thứ chúng ta có một ít quân ở xó thành núi này, địch sao nổi hùng binh hai nhà ấy, ta không nên khinh địch.
Phong nói:
- Ta cũng đã biết như thế rồi, nhưng Quan Công là chú ta, lẽ nào ngồi nhìn mà chẳng cứu?
Đạt cười nói rằng:
- Tướng quân nhận Quan Công là chú, chỉ sợ Quan Công không coi tướng quân như cháu mà thôi. Tôi nghe khi Hán Trung vương muốn nhận tướng quân làm con nuôi, thì Quan Công đã không bằng lòng. Về sau Hán Trung vương lên ngôi, muốn lập hậu tự, hỏi Khổng Minh. Khổng Minh nói việc ấy là việc trong nhà, nên hỏi Quan, Trương. Hán Trung Vương mới sai người sang Kinh Châu hỏi Quan Công. Quan Công bảo tướng quân là con tò vò, không nên tiến lập. Việc ấy ai cũng biết, tướng quân há lại không hay ư? Sao nay còn khăng khăng giữ nghĩa chú cháu, muốn đem thân xông pha vào nơi hiểm nghèo làm chi?
Phong nói:
- Ông nói cũng phải, nhưng từ chối làm sao bây giờ?
Đạt nói:
- Nay chỉ nên nói dối rằng; chỗ thành núi này mới lấy được, nhân tâm chưa yên ổn, không dám hấp tấp cất quân đi, sợ lại mất chỗ này.
Phong nghe lời ấy. Hôm sau, Phong mời Liêu Hóa đến, nói rằng dân ở đây mới thu phục, chưa dám chia quân ra cứu được.
Hóa giật mình nói rằng:
- Nếu thế Quan Công nguy mất!
Đạt nói:
- Dù tôi có đi cứu chăng nữa, thì cũng như một giọt nước, cứu làm sao được một xe củi cháy? Tướng quân nên trở về cho mau, thong thả chờ quân Thục đến cứu mới xong.
Hóa kêu khóc năn nỉ mãi, Lưu Phong, Mạnh Đạt cùng giũ tay áo đứng dậy trở vào nhà trong.
Liêu Hóa thấy vậy, biết việc không xuôi, nghĩ đi nghĩ lại, phải về Hán Trung vương mà cầu mới xong. Liền lên ngựa, chửi mắng rầm rĩ, rồi ra thành đi thẳng về Thành Đô.
Lại nói, Quan Công ở Mạch Thành, mong ngóng quân Thượng Dung đến cứu, mà mãi không thấy đến. Thủ hạ thì chỉ còn năm sáu trăm người, lại bị thương hơn một nửa; trong thành lương đã cạn, khổ sở vô cùng.
Chợt ở dưới thành có một người, tỏ ý xin đừng bắn tên ra, muốn vào ra mắt Quan Công nói chuyện.
Quan Công sai mở cửa cho vào, thì là Gia Cát Cẩn. Cẩn vào lạy xong, nói rằng:
- Tôi phụng mệnh Ngô hầu, đến đây dụ tướng quân. Từ xưa có câu rằng: “Biết thời thế gọi là tuấn kiệt". Nay chín quận Kinh Tương của tướng quân đã vào tay người khác cả rồi, chỉ còn một xó Mạch Thành này, trong thì hết lương, ngoài thì không có quân cứu, nguy đến ngay trước mắt. Tướng quân sao không về hàng với Ngô hầu, lại trấn thủ ở Kinh Tương, và giữ toàn được cả gia quyến, xin quân hầu nghĩ cho kĩ mà xem!
Quan Công sầm mặt lại, nói rằng:
- Ta là một kẻ võ phu ở Giải Lương, được nhờ chủ ta coi như anh em thủ túc, có lẽ đâu ta lại trái nghĩa mà theo hàng với người khác! Thành này mà phá, ta chỉ còn cái chết nữa thôi. Ngọc tuy đập vụn được, nhưng không sao đổi được sắc trắng; trúc đốt cháy được, nhưng không sao hủy được gióng thẳng; thân người tuy chết, nhưng còn danh tiếng truyền mãi trong sử sách đời sau. Ngươi đừng nói làm chi cho phí lời, xin mời ra thành cho mau, ta muốn đánh nhau với Tôn Quyền một trận nữa!
Cẩn nói:
- Ngô hầu muốn cùng với quân hầu kết làm dâu gia với nhau, hiệp sức lại để đánh Tào Tháo, chớ không có bụng dạ nào đâu, quân hầu sao lại gàn thế.
Cẩn nói vừa dứt lời thì Quan Bình rút gươm ra, chạy xâm xâm đến toan chém.
- Em hắn là Khổng Minh ở Thục, giúp bác con, nếu giết đi thì chẳng làm cho đau lòng anh em người ta lắm ru?
Liền sai tả hữu đuổi gia Cát Cẩn ra thành. Cẩn thẹn đỏ mặt, lên ngựa đi về, nói với Tôn Quyền rằng:
- Quan Công bụng vững như sắt đá, không sao nói chuyển được!
Tôn Quyền than rằng:
- Người như thế mới thực là trung thần! Bấy giờ làm thế nào cho được?
Lã Phạm thưa:
- Tôi xin bói một quẻ xem hay dở ra sao?
Quyền ưng lời. Phạm bói cỏ thi. Thành quẻ rồi, thì là quẻ địa thủy sư, lại có sao Huyền Võ làm vào hào Ứng, chủ về việc giặc chạy ra ngoài.
Quyền hỏi Lã Mông rằng:
- Cứ như quẻ này, thì giặc tất phải chạy, ngươi nên dùng mẹo gì mà bắt cho được.
Mông cười nói rằng:
- Quẻ này chính hợp với ý tôi. Quan Công dẫu có tài hay lên trời, cũng không thoát được ra ngoài lưới của tôi phen này
Thế là:
Rồng lạc ao ngòi, tôm cũng bỡn.
Phượng vào lồng lưới, sẽ coi thường.
Chưa biết mẹo Lã Mông ra làm sao, xem hồi sau mới rõ.