Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 023

HỒI 23

Nễ Chính Bình khỏa thân mắng giặc;

Cát Thái Y đầu độc bị hình.

Tào Tháo muốn chém Lưu Đại và Vương Trung, Khổng Dung can rằng:

- Hai người vốn không phải là địch thủ với Lưu Bị, nếu thừa tướng chém đi, tôi e mất lòng tướng sĩ.

Tháo liền tha tội, nhưng cách tuột cả chức tước và bổng lộc, và muốn tự khởi binh đến đánh Huyền Đức, Khổng Dung can rằng:

- Nay đương mùa đông, trời rét, chưa nên động binh, đợi sang xuân cũng chưa muộn. Thừa tướng nên sai người đến chiêu an Trương Tú, Lưu Biểu trước đã, rồi sau hãy tính đến Từ Châu.

Tháo nghe Khổng Dung, sai Lưu Việp đến dụ Trương Tú. Việp đến Tương Thành, trước tiên vào gặp Giả Hủ, khen ngợi thịnh đức của Tào công. Hủ Lưu Việp ở lại nhà mình, rồi hôm sau vào gặp Trương Tú, nói chuyện việc Tào công sai Lưu Việp đến chiêu an. Trong khi đang bàn chuyện, chợt báo có sứ giả của Viên Thiệu đến. Tú cho gọi vào. Sứ giả trình thư, Tú xem xong. Đó cũng là thư chiêu an. Giả Hủ hỏi:

- Mới rồi Viên tướng quân cất quân đánh Tào Tháo, được thua thế nào?

Sứ giả đáp:

- Trời đông, tháng rét, còn tạm bãi binh. Nay thấy tướng quân cùng Lưu Biểu ở Kinh Châu đều có phong độ của kẻ quốc sĩ, cho nên sai tôi lại mời.

Hủ cười, nói:

- Ngươi về nói với Bản Sơ: Anh em trong nhà còn chẳng dung được nhau, nữa là quốc sĩ thiên hạ!

Nói rồi xé vụn lá thư ngay trước mặt sứ giả rồi đuổi sứ giả về.

Trương Tú nói:

- Hiện giờ Viên khỏe, Tào yếu; nay xé thư mắng sứ, nếu Thiệu đến đánh, thì làm thế nào?

Hủ nói:

- Không bằng theo với Tào Tháo.

Tú hỏi:

- Trước ta đã có thù với Tào Tháo, hắn dung sao được ta?

Hủ nói:

- Theo Tào có ba nhẽ phải, một là Tháo phụng chiếu thiên tử, đánh dẹp thiên hạ; hai là bây giờ Thiệu đương cường thịnh, ta lực bé mà đi theo, nó chẳng cho vào đâu; Tháo đương yếu được ta theo tất mừng; ba là Tào Tháo có chí lớn mưu nghiệp bá vương tất không nghĩ đến thù riêng, để rõ đức tốt với bốn bể. Xin tướng quân đừng ngần ngại.

Tú nghe Hủ, mời Lưu Việp vào tương kiến. Việp tâng bốc thịnh đức của Tào Tháo lên, và nói:

- Nếu thừa tướng còn nhớ oán cũ, sao lại sai tôi đến đây kết hiếu với tướng quân?

Tú mừng lắm, lập tức cùng Giả Hủ đến Hứa Đô đầu hàng. Tú vào bái yết Tào Tháo, lạy ở dưới thềm. Tháo vội vàng nâng dậy, nói:

- Những lỗi lầm nhỏ, xin đừng để bụng.

Bèn phong Tú làm Dương vũ tướng quân, phong Giả Hủ làm chập kim ngô sứ; lại sai Tú viết thư sang chiêu an Lưu Biểu. Giả Hủ đứng lên thưa:

- Lưu Biểu thích kết nạp những bậc danh lưu nay nên sai một danh sĩ đi, mới có thể chiêu hàng được.

Tháo hỏi Tuân Du:

- Ai đi được?

- Khổng Văn Cử có thể đi được.

Tháo lấy làm phải. Du ra gặp Khổng Dung, nói:

- Thừa tướng muốn có một danh sĩ, sung vào chức hành nhân, ông có nhận được chức này không?

Dung nói:

- Tôi có người bạn tên là Nễ Hành, tự là Chính Bình, tài giỏi gấp mười tôi, người ấy nếu được hầu ở bên cạnh vua, không những là sai đi sứ được và có thể sung chứa hành nhân. Nên tiến cử lên để thiên tử dùng.

Rồi viết ngay tờ biểu dâng thiên tử. Bài biểu như sau:

“Tôi nghĩ: Nước lớn ngập tràn, vua mong người giúp, tìm khắp bốn phương, mời đón những bậc hiền tuấn. Xưa vua Thế Tông kế vị, mở rộng cơ nghiệp; gặp buổi thịnh trị, mọi kẻ sĩ hưởng ứng đến giúp. Bệ hạ là bậc minh quân, vâng nối nghiệp lớn, gặp phải ách vận, lo bận suốt ngày; núi non thiêng liêng, sinh ra nhiều người lạ. Tôi trộm thấy một ẩn sĩ ở Bình nguyên tên là Nễ Hành, năm nay hai mươi bốn tuổi, tên tự là Chính Bình, phẩm chất kiên trinh, tài năng siêu việt; theo nghề văn học, hiểu biết sâu rộng. Mắt thấy cái gì, miệng nói ngay ra được; tai nghe cái gì, bụng nhớ mãi không quên. Tính tình hợp với đạo lí, suy nghĩ như có thần minh. So với người khéo suy tính như Hoằng Dương, người có tài nhớ lâu như An Thế, Nễ Hành chẳng thua kém gì. Trung trinh chính trực, chí khí trong sạch như tuyết sương, nghe thấy điều thiện thì giật mình tỉnh ngộ, ghét kẻ gian ác như thù địch; so với đức hạnh của Nhâm Tọa, tiết tháo của sử Ngư cũng không hơn được Nễ Hành. Hàng trăm chim ưng, không bằng một chim bằng. Nếu cho Hành được ở trong triều, chắc có nhiều việc tốt đẹp. Biện luận hăng hái, khí thế mạnh mẽ, có thể giải quyết được nhiều nghi vấn, và cho ai chống với địch cũng có thừa sức.

Gia Nghị muốn đi thử tài ở cõi ngoài, toan dùng mưu mẹo bắt chúa Thiền Vu; Chung Quân định lấy dải mũ dài khiên chế nước Việt; chí khí khẳng khái của những người thanh niên, rất được đời trước khen ngợi; gần đây Lộ Toái, Nghiêm Tượng cũng vì có tài lạ được cất nhắc làm đài lang; Nễ Hành có thể ví được với những người ấy. Nếu cho Nễ Hành được như rồng bay trên trời, chim vỗ cánh trên mây, nổi tiếng ở ngôi Tử Vi nhả ánh sáng sang hồng nghê, tất có thể làm vẻ vang cho sĩ phu trong triều, và thêm sự oai nghiêm cho bốn cõi. Nơi tấu khúc quảng nhạc ở Quân Thiên phải có kẻ kì diệu; chốn cung điện nhà vua, nên có thứ báu phi thường, cũng như Nễ Hành, thật là hiếm có. Những điệu hay như khúc Khích Sở, khúc Dương Kha đều là nghề nhạc phải chuộng; những ngựa hay như ngựa phí thỉ, ngựa yêu niễu, phi chạy rất nhanh đều là bọn Lương, Nhạc tám rất cần. Dù ý kiến nhỏ mọn, tôi cũng xin bạo dạn tâu lên vua nghe. Nhà vua dùng người rất cẩn thận, xin hãy thử xem. Xin cho phép Hành là người áo vải được gọi vào bệ kiến. Nếu Hành không có tài năng gì, tôi xin cam chịu dối vua."

Vua xem xong bài biểu, đưa cho Tào Tháo. Tháo sai người đi mời Hành đến. Hành đến, lễ xong, Tháo không mời ngồi. Hành ngửng mặt lên trời than rằng:

- Giời đất rộng thế này, sao không có một người nào?

Tháo nói:

- Thủ hạ ta vài mươi người đều là anh hùng đời nay, sao bảo là không có người?

Hành nói:

- Xin cho biết.

Tháo nói:

- Tuân Úc, Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục, có nhiều mưu trí, dù Tiêu Hà, Trần Bình ngày xưa vị tất đã bằng. Trương Liêu, Hứa Chử, Lý Điển, Nhạc Tiến sức khỏe không ai địch nổi, dù Xầm Bành, Mã Vũ ngày xưa chưa thấm vào đâu. Lã Kiền, Mãn Sủng làm tùng sự; Vu Cấm, Từ Hoảng làm tiên phong; Hạ Hầu Đôn là bậc kì tài trong thiên hạ; Tào Hồng là vị phúc tướng trên đời. Sao dám bảo là không có người?

Hành cười, đáp rằng:

- Ông nói lầm rồi! Những nhân vật ấy, tôi biết cả Tuân Úc nên sai đi viếng tang thăm bệnh, Tuân Du nên sai đi giữ mả coi mồ; Trình Dục nên cho đứng gác cửa ngõ; Quách Gia nên để bình phú ngâm thơ; Trương Liêu cho đi đánh trống khua chiêng, Hứa Chử cho đi chăn trâu dắt ngựa; Nhạc Tiến cho đi nhận thư đọc chiếu; Lý Điển cho đi chạy giấy đưa thư, Lã Kiền nên để mài dao đúc gươm; Mãn Sủng nên để uống rượu ăn giấm; Vu Cấm thì được việc khiêng ván đắp tường; Từ Hoảng thì giỏi về mổ lợn giết chó; Hạ Hầu Đôn thì gọi là tướng quân có đủ chân tay; Tào Hồng thì gọi là thái thú vòi tiền; còn những đồ kia là đồ giá áo túi cơm, thùng rượu bị thịt cả.

Tháo giận hỏi:

- Mày có tài gì?

Hành đáp:

- Thiên văn, địa lí, không thứ gì không biết; tam giáo, cửu lưu không thứ gì không hiểu; trên có thể giúp nhà vua làm được bậc Nghiêu, Thuấn, dưới có thể sánh đạo đức với bậc Khống, Nhan. Ta nào thèm bàn chuyện với hạng người tầm thường đâu!

Bấy giờ Trương Liêu đứng bên cạnh, tuốt gươm toan chém Nễ Hành, Tào Tháo nói:

- Ta đương thiếu một cổ lại (người đánh trống), nay mai trong triều có việc yến hạ nên sai Hành sung vào chức ấy.

Hành chẳng chối từ gì cả, nhận lời rồi đi ra.

Liêu hỏi Tháo:

- Người ấy nói xấc, sao không giết đi?

Tháo nói:

- Người ấy vốn có hư danh, gần xa đều biết, nay giết nó đi, sợ thiên hạ chê ta không biết dùng người. Nó đã tự khoe khoang thế, ta bắt làm cổ lại cho nó nhục.

Hôm sau Tháo mở tiệc yến trên sảnh đường thết các tân khách, sai cổ lại ra đánh trống. Người cổ lại cũ nói rằng:

- Đánh trống phải mặc áo mới.

Hành cứ mặc áo cũ đi vào, đánh ba hồi trống theo khúc Ngư Dương, âm điệu tiêu ta lắm, chìm bổng nhịp nhàng như tiếng kim tiếng thạch. Những người ngồi ăn nghe đều cảm thương chảy nước mắt.

Tả hữu quát rằng:

- Sao không thay áo?

Hành cởi tuột quần áo, khỏa thân đứng dậy, khách ngồi ai cũng che mặt. Hành lại khoan thai mặc quần áo, sắc mặt không thay đổi. Tháo mắng:

- Trên chỗ miếu đường, sao được vô lễ?

Hành nói:

- Dối vua lừa trên mới gọi là vô lễ, ta lộ cái hình của cha mẹ sinh ra là để tỏ cái thân thể thanh bạch của ta đấy!

Tháo hỏi:

- Mày là thanh bạch, thì ai là dơ đục?

Hành đáp:

- Mày không biết người hiền, người ngu là mắt đục; không học thi, thư, là mồm đục; không nghe lời trung, là tai đục; không hiểu chuyện xưa nay, là thân đục; không dung các chư hầu là bụng đục; thường muốn cướp ngôi là ruột đục. Ta là danh sĩ thiên hạ, mày dùng làm cổ lại, khác gì Dương Hóa khinh đức Khổng Tử, Tang Thương chê thầy Mạnh Tử. Mày muốn dựng nghiệp vương bá mà lại khinh người thế à?

Bấy giờ Khổng Dung cũng ngồi ở đó, sợ Tháo giết Nễ Hành, khoan thai tiến lên nói:

- Nễ Hành tội bằng kẻ tù đồ, không xứng đáng với lòng mong đợi người hiền của tướng công.

Tháo trỏ Nễ Hành bảo:

- Nay cho ngươi sang Kinh Châu, nếu dụ được Lưu Biểu quy hàng ta sẽ dùng ngươi làm chức công khanh.

Hành không chịu đi. Tháo sai chuẩn bị ba con ngựa; bắt hai người kèm thúc phải đi; lại sai văn võ thủ hạ đặt tiệc ở ngoài cửa đông để tiễn.

Tuân Úc dặn mọi người rằng:

- Hễ thấy Nễ Hành đến, đừng ai đứng dậy.

Khi Hành đến, xuống ngựa vào chào, mọi người đều ngồi yên. Hành cất tiếng khóc hu hu. Tuân Úc hỏi:

- Cớ sao khóc?

Hành đáp:

- Đi trong đám áo quan người chết, sao lại không khóc.

Mọi người đều nói:

- Chúng ta là thây chết, còn mày thì là con ma điên không đầu.

Hành nói:

- Ta là bầy tôi nhà Hán, không vào đảng với Tào Man, sao chẳng có đầu?

Mọi người muốn giết Hành, Úc ngăn lại nói:

- Nó như con chuột, con sẻ, giết chẳng bõ bẩn gươm.

Hành nói:

- Ta là chuột, sẻ còn có tính người. Chúng bay chỉ là giống sâu bọ!(*)

(*) Nguyên văn là khỏa trùng: Con tò vò.

Mọi người tức giận đứng dậy ra về cả.

Hành đến Kinh Châu vào yết kiến Lưu Biểu, miệng tuy khen ngợi đức tốt, nhưng vẫn có ý trào phúng. Biểu không bằng lòng, sai đến Giang Hạ gặp Hoàng Tổ. Có người hỏi Biểu rằng:

- Nễ Hành dám xấc đùa cợt chúa công, sao chúa công không giết đi?

Biểu nói:

- Nễ Hành nhiều lần làm nhục Tào Tháo. Tháo không giết, sợ mất lòng thiên hạ, cho nên mới sai hắn đến đây, có ý mượn tay ta giết hắn để cho ta mắc tiếng hại người hiền. Bởi vậy ta sai Hành đến gặp Hoàng Tổ, để cho Tháo biết là ta không dại gì đâu.

Mọi người đều khen phải.

Bấy giờ Viên Thiệu cũng sai sứ đến, Biểu hỏi các mưu sĩ:

- Bản Sơ sai sứ đến, Mạnh Đức cũng sai Nễ Hành đến nên theo bên nào?

Tùng sự trung lang tướng là Hàn Tung đứng dậy nói:

- Nay hai nhà ấy đang kình địch nhau, tướng quân nếu muốn làm việc lớn, nên thừa cơ xem bên nào được thì đánh, nếu không bên nào giỏi thì theo. Nay Tào Tháo khéo dùng binh, người hiền tuấn theo nhiều, thế tất đánh Viên Thiệu trước, rồi đem binh quay sang Giang Đông, tôi sợ tướng quân không chống nổi. Chi bằng đem Kinh Châu hàng Tào Tháo, Tháo tất trọng đãi tướng quân.

Biểu nói;

- Ngươi hãy đến Hứa Đô, xem động tĩnh sao đã, rồi sẽ làm sau.

Tung nói:

- Vua tôi đều định phân rõ ràng. Nay tôi thờ tướng quân, dù tướng quân sai tôi nhảy vào nước sôi, lửa nóng, tôi không dám từ. Nếu tướng quân thực lòng trên thờ thiên tử, dưới theo Tào công thì hãy sai tôi đi. Nếu còn dùng dằng chưa quyết, một khi tôi đến kinh sư, thiên tử cho tôi một chức quan nhỏ, thì bấy giờ tôi là tôi con của thiên tử, không còn là người liều chết theo tướng quân nữa.

Biểu nói:

- Người cứ đi. Ta đã có chủ ý.

Tung đến Hứa Đô ra mắt Tào Tháo. Tháo cho Tung làm thị trung, lĩnh chức thái thú ở Linh Lăng.

Tuân Úc nói:

- Thằng Tung đến đây để do thám, chưa có công lao gì, sao đã trọng thưởng cho chức ấy? Nễ Hành chưa thấy tin tức gì, sao thừa tướng lại lờ đi không hỏi.

Tháo nói:

- Nễ Hành làm nhục ta quá, cho nên mượn tay Lưu Biểu giết nó đi, còn hỏi làm gì?

Tháo sai Hàn Tung về Kinh Châu dụ Lưu Biểu, Tung về ra mắt Lưu Biểu, xưng tụng thịnh đức triều đình, và khuyên Biểu cho con vào chầu. Biểu giận lắm, nói:

- Mày hài lòng chăng?

Toan sai đem chém. Tung kêu to:

- Tướng quân phụ tôi, tôi có phụ tướng quân đâu?

Khoái Lương nói:

- Trước khi đi, Tung đã phân trần rõ rồi.

Lưu Biểu bèn tha cho Tung. Lúc ấy có người vào báo:

- Hoàng Tổ chém Nễ Hành rồi.

Biểu hỏi cớ làm sao, người báo thưa:

- Hoàng Tổ, Nễ Hành cùng uống rượu, hai người đều say. Tổ hỏi Hành: “Ngươi ở Hứa Đô có biết ai là người khá?" Hành đáp: “Có thằng bé nhớn là Khổng Văn Cử, thằng bé con là Dương Đức Tổ, ngoài hai đứa ấy không có đứa nào nữa!" Tổ hỏi: “Như ta thì thế nào?" Hành đáp: “Người như tượng thần trong miếu, tuy được người ta cúng tế nhưng chẳng thiêng liêng gì!" Tổ giận nói: “Mày bảo ta là tượng gỗ à?" rồi sai đem chém. Nễ Hành chửi Hoàng Tổ đến lúc chết không dứt mồm.

Lưu Biểu nghe tin Nễ Hành chết, cũng thương hại giờ lâu, rồi sai táng bên bãi Anh Võ.

Người sau có thơ than rằng:

Hoàng Tổ ra chi lượng hẹp hòi,

Nễ như ngọc quý bỗng chôn vùi!

Đến nay qua viếng châu Anh Võ,

Chỉ thấy vô tình nước chảy xuôi...

Tào Tháo nghe tin Nễ Hành bị hại, cười nói:

- Gươm lưỡi của kẻ hủ nho, mình lại giết mình!

Tháo không thấy Lưu Biểu đến hàng, muốn đem ngay quân đến hỏi tội, Tuân Úc can:

- Viên Thiệu chưa dẹp được, Lưu Biểu chưa giết được, mà muốn dùng binh ở Giang, Hán, khác nào bỏ chỗ gan ruột mà chỉ nhìn đến chân tay. Nay nên diệt Viên Thiệu trước, rồi đánh Lưu Bị, còn Giang, Hán thì chỉ quét một nhát là sạch.

Tháo nghe theo.

Đây nói Đổng Thừa từ Huyền Đức ra đi, ngày đêm bàn soạn cùng lũ Vương Tử Phục, nhưng không nghĩ được kế gì.

Năm Kiến An thứ năm (hai trăm sau công nguyên) nhân ngày nguyên đán, các quan vào chầu mừng vua. Đổng Thừa thấy Tào Tháo ngang ngược kiêu căng quá, tức giận thành bệnh. Vua biết tin có sai quan thái y đến chữa. Quan thái y là người Lạc Dương, họ Cát tên Thái, tự là Xưng Bình, người ta vẫn gọi là Cát Bình, là thầy thuốc giỏi từ lúc bấy giờ, Bình đến phủ Đổng Thừa, dùng thuốc điều trị, sớm tối không rời lúc nào. Bình thường thấy Đổng Thừa thở ngắn thở dài nhưng không dám hỏi rõ.

Gặp hôm rằm tháng Giêng, Cát Bình cáo từ xin về nhà, Đổng Thừa mời ở lại, hai người cùng uống rượu. Uống đến canh khuya, Thừa mệt mỏi, cứ mặc cả áo, ngả mình xuống ngủ. Chợt thấy người báo:

- Có bọn Vương Tử Phục bốn người nữa đến.

Thừa ra đón vào.

Tủ Phục nói:

- Việc lớn xong xuôi rồi!

Thừa hỏi:

- Xin cho biết đầu đuôi.

Tủ Phục nói:

- Lưu Biểu kết liên với Viên Thiệu, khởi năm mươi vạn quân chia làm mười đường kéo đến, Mã Đằng kết liên với Hàn Toại, khởi quân Tây Lương bảy mươi hai vạn từ mặt bắc đánh lại. Tào Tháo đem hết cả binh mã ở Hứa Xương, chia đường ra địch, trong bỏ thành không. Nếu chúng ta họp cả gia nhân năm nhà cũng được một nghìn người. Nhân đêm nay trong tướng phủ ăn tiệc to, vui tết nguyên tiêu, chúng ta vây tướng phủ, xông vào giết Tào. Không nên để lỡ cơ hội này.

Thừa mừng lắm, lập tức gọi gia nhân nhặt nhạnh các đồ khí giới, tự mình mặc áo giáp, cầm giáo lên ngựa, hội ở cửa trong tướng phủ, cùng tiến quân vào. Canh hai đêm hôm ấy, các quan đều đến, Đổng Thừa tay cầm bảo kiếm đi bộ thẳng vào, thấy Tào Tháo đang ăn tiệc ở nhà sau, gọi to lên rằng:

“Giặc Tháo không được chạy!" rồi phất gươm một nhát. Tháo gục ngay xuống... Thừa mở choàng mắt dậy, thì là một giấc chiêm bao. Miệng Thừa còn lảm nhảm chửi Tào tặc.

Cát Bình đến trước mặt, hỏi:

- Ông muốn hại Tào công à?

Thừa sợ cứng lưỡi không nói. Cát Bình nói:

- Xin quốc cữu yên tâm, tôi tuy là một thầy thuốc, nhưng không bao giờ quên nhà Hán. Mấy hôm nay tôi thấy quốc cữu thở than, chưa dám hỏi. Vừa rồi nghe lời nói trong mộng, biết rõ thực tình, xin đừng giấu giếm: Nếu quốc cữu có dùng được tôi vào việc gì, dù bị giết cả chín họ, tôi cũng không hối hận gì.

Thừa bưng mặt khóc:

- Chỉ sợ ngươi không có bụng thực!

Bình bèn cắn đứt một ngón tay ra để thề. Thừa đem tờ mật chiếu cho Bình xem, rồi nói:

- Nay mưu việc chưa xong, là vì Huyền Đức, Mã Đằng đi cả. Không nghĩ được cớ gì, nên ta thương cảm thành bệnh.

Cát Bình nói:

- Không cần các ông phải dụng tâm, tính mệnh Tào Tháo chỉ ở trong tay tôi.

Thừa hỏi vì cớ gì. Bình nói:

- Tháo thường có bệnh nhức đầu, đau thấu xương tủy. Mỗi khi bệnh phát là gọi tôi đến chữa. Phỏng thử nay mai có gọi, chỉ cho một liều thuốc độc là nó đi đời.

Thừa nói:

- Nếu được như thế, cứu được xã tắc nhà Hán, đều nhờ ông cả.

Cát Bình từ giã trở về. Thừa mừng thầm, đi vào nhà trong, gặp ngay người đầy tớ là Trần Khánh Đồng đang cùng con hầu là Vân Anh thì thầm nói chuyện với nhau trong xó tối.

Thừa cả giận gọi tả hữu sai đem giết cả hai người. Phu nhân can xin tha chết chỉ đánh mỗi người bốn mươi trượng, rồi đem Khánh Đồng giam vào trong buồng lạnh.

Khánh Đồng tức lắm, nhân đêm bẻ gãy khóa, nhảy qua tường ra ngoài, chạy tắt ngay đến phủ Tào Tháo cáo có việc cơ mật. Tháo gọi vào trong nhà kín gạn hỏi, Khánh Đồng nói:

- Tôi thấy Vương Tử Phục, Ngô Tử Lan, Sung Tập, Ngô Thạc, Mã Đằng, năm người ở trong phủ chủ tôi, bàn việc bí mật, chắc là bày mưu hại thừa tướng. Chủ tôi đem một đoạn lụa trắng, không biết viết những gì. Mấy hôm nay Cát Bình cắn ngón tay ăn thề, tôi cũng trông thấy.

Tào Tháo giấu Khánh Đồng trong phủ. Đổng Thừa tưởng là nó trốn đi phương khác, cũng chẳng tìm bắt.

Đến hôm sau, Tào Tháo giả tảng nhức đầu, cho mời Cát Bình đến chữa thuốc.

Cát Bình nghĩ thầm:

- Số thằng này đến ngày chết!

Bèn ngầm đem một lọ thuốc độc vào phủ. Tháo nằm trên giường, sai Bình bốc thuốc. Bình nói:

- Bệnh này, thừa tướng chỉ uống một nước thuốc là khỏi.

Tháo sai đem siêu thuốc đến, sắc ngay trước mặt. Thuốc sắp cạn. Bình ngầm đổ thuốc độc vào, rồi rót ra, dâng lên. Tháo đã biết trước, cố ý chậm chạp không uống vội, Bình nói:

- Thuốc đương nóng, thừa tướng uống ngay cho ra mồ hôi thì khỏi.

Tháo đứng lên nói:

- Ngươi đã đọc sách, tất biết lễ nghĩa. Vua có bệnh uống thuốc, bầy tôi phải nếm trước; bố có bệnh uống thuốc, con phải nếm trước. Ngươi là tâm phúc với ta, sao không nếm đi?

Cát Bình nói:

- Thuốc để trị bệnh, sao lại bảo người nếm trước?

Bấy giờ Cát Bình biết là việc đã bị lộ, bước nhanh lên trước định nắm lấy tai Tháo đè xuống để đổ thuốc vào. Tháo đẩy thuốc ra, đổ cả xuống đất, gạch đều nứt vỡ. Tháo chưa kịp nói:

- Ta có đau đâu, cốt thử mày đó thôi! Mày thực có bụng hại ta!

Nói rồi gọi hai mươi người ngục tốt lực lưỡng điệu Bình ra vườn sau khảo tra. Tháo ngồi trên đình, Bình bị trói nằm dưới đất. Bình mặt mũi tươi tỉnh như thường, không hề sợ hãi. Tháo cười mà hỏi rằng:

- Thứ mày là một thằng thầy thuốc, sao dám mưu hại ta? Tất nhiên có người xúi giục, hễ xưng ra thì ta tha cho.

Bình mắng:

- Mày là thằng giặc dối vua lừa trên, cả thiên hạ đếu muốn giết mày, có gì một mình ta!

Tháo lại hai ba lần tra hỏi. Bình giận nói:

- Tự ta muốn giết mày, sao lại bảo có người sai ta? Nay việc không thành, chỉ có chết là cùng.

Tháo giận lắm sai ngục tốt đánh thật đau. Đánh suốt hai giờ nát da xé thịt, máu chảy đầy thềm. Tháo sợ đánh chết không có ai làm đối chứng, bèn sai ngục tốt đem ra chỗ tĩnh, tạm cho nghỉ ngơi.

Tháo truyền lệnh cho đến hôm sau mở tiệc mời các quan đến uống rượu. Hôm sau các quan đến cả duy có Đổng Thừa cáo ốm không đến. Lũ Vương Tử Phục sợ Tháo sinh nghi, đành phải có mặt. Tháo mở tiệc trong hậu đường. Rượu được vài tuần, Tháo nói:

- Trong bữa tiệc chẳng có gì làm vui, nay tôi có một người có thể làm các quan tỉnh rượu.

Liền gọi hai mươi ngục tốt:

- Điệu ra đây cho ta!

Một lát thấy Cát Bình cổ đeo một cái gông dài, bị lính điệu đến. Tháo nói:

- Các quan không biết: Người này kết liên với ác đảng, muốn làm phản triều đình, mưu hại tôi. Nay trời làm cho mưu gian của nó bại lộ, xin các quan nghe lời cung của nó.

Tháo sai đánh cho một chập, bình nằm lịm ở dưới đất. Lính lấy nước phun vào mặt, Bình tỉnh lại trợn mắt nghiến răng mắng:

- Giặc Tháo! Không giết ta đi, còn đợi đến bao giờ!

Tháo nói:

- Trước có sáu người đồng mưu, cộng mày vào nữa là bảy, có phải không?

Bình chỉ mắng chửi rầm lên. Lũ Vương Tử Phục bốn người đưa mắt nhìn nhau, khác nào ngồi trên bàn chông. Tháo sai lính vừa đánh vừa lấy nước phun vào mặt, Bình tuyệt nhiên không mở miệng van xin. Tháo thấy không xưng, sai hãy mang đi.

Các quan tan tiệc trở về. Tháo chỉ lưu bọn Vương Tử Phục bốn người ở lại để ăn tiệc đêm. Bốn người không còn hồn vía nào nữa phải ở lại. Tháo nói:

- Đáng lẽ tôi không muốn lưu bốn ông lại làm gì, nhưng có chút việc muốn hỏi. Bốn ông cùng Đổng Thừa bàn nhau những việc gì?

Tử Phục nói:

- Không có bàn việc gì cả?

Tháo lại hỏi:

- Thế trên mảnh lụa trắng, viết những cái gì?

Lũ Tử Phục đều chối. Tháo lại sai gọi Khánh Đồng ra làm chứng.

Tử Phục nói:

- Mày trông thấy ở chỗ nào?

Khánh Đồng nói:

- Các người sáu người bí mật họp một chỗ viết chữ lên mảnh lụa, chối sao được!

Tử Phục nói:

- Thằng này là đầy tớ thông dâm với nàng hầu của quốc cữu, vì phải đòn nên tức mà vu càn cho chủ, xin thừa tướng đừng nghe.

Tháo nói:

- Cát Bình định đánh thuốc độc cho ta, phi Đổng Thừa sai nó thì còn ai?

Lũ Tử Phục đều nói là không biết.

Tháo nói:

- Bây giờ thú ngay còn có thể tha được. Nếu đợi đến việc vỡ ra thì không sao dung được nữa đâu!

Lũ Tử Phục đều nói là không có việc ấy.

Tháo quát tả hữu đem bốn người bỏ ngục.

Hôm sau, Tào Tháo đem mọi người thẳng đến phủ Đổng Thừa nói là để thăm bệnh.

Thừa phải ra đón, Tháo hỏi:

- Sao đêm qua quốc cữu không lại dự tiệc?

Thừa nói:

- Bệnh chưa khỏi, nên không dám đi.

Tháo hỏi:

- Đó là cái bệnh lo việc quốc gia chứ gì?

Thừa giật mình, Tháo hỏi:

- Quốc cữu có biết việc Cát Bình không?

Thừa nói không biết, Tháo cười mát nói:

- Sao quốc cữu lại không biết?

Rồi bảo tả hữu:

- Điệu nó lại đây để chữa bệnh cho quốc cữu.

Đổng Thừa rụng rời cả chân tay.

Được một lát, hai mươi tên ngục tốt dắt Cát Bình đến dưới thềm. Bình mắng lớn:

- Nghịch tặc Tào Tháo!

Tháo bảo Thừa:

- Cát Bình đã xưng ra bọn Tử Phục bốn người, ta đã bắt giam cả rồi, nay còn một người nữa, chưa bắt được.

Nhân hỏi Bình:

- Ai sai mày đến đánh thuốc độc cho ta, phải xưng ngay lập tức?

Bình nói:

- Trời sai ta đến giết thằng nghịch tặc!

Tháo giận thét đánh. Trên mình Cát Bình không còn chỗ nào đánh được nữa.

Thừa ngồi trông, lòng như dao cắt. Tháo lại hỏi Bình:

- Mày mười ngón tay sao còn có chín?

Bình nói:

- Còn ngón nữa ta cắn ra để thề giết thằng quốc tặc rồi!

Tháo sai mang dao chặt nốt chín ngón tay Bình và bảo:

- Cắt cả để cho mày ăn thề!

Bình nói:

- Mất tay, ta hãy còn mồm để nuốt giặc, còn lưỡi để chửi giặc.

Tháo sai lính lấy dao cắt lưỡi.

Bình nói:

- Hãy thong thả! Chịu hình không nổi, cởi trói ra để ta xưng.

Tháo nói:

- Thả chẳng ngại gì!

Bèn sai cởi trói ra. Bình đứng dậy quay mặt về cửa khuyết, thụp xuống lạy, và nói:

- Tôi nay không giết được giặc để cứu nước, cũng là số trời.

Lạy xong, đập đầu xuống thềm mà chết. Tháo sai xé thây ra để hiệu lệnh. Bấy giờ là tháng Giêng, năm thứ năm, niên hiệu Kiến An (hai trăm).

Sử quan có thơ rằng:

Hán triều đang vận yếu,

Thầy thuốc Xưng Bình,

Xin thề trừ gian đảng,

Liều thân báo thánh minh,

Cực hình không chịu khuất,

Chết thảm vẫn như sinh,

Mười ngón đầm đìa máu,

Muôn thuở còn lưu danh.

Tháo thấy Cát Bình đã chết, sai lính dẫn Khánh Đồng vào. Tháo hỏi:

- Quốc cữu dễ cũng biết người này chứ?

Thừa giận quát lên rằng:

- Quân đầy tớ đi trốn sao lại về đây, nên đem giết đi!

Tháo nói:

- Người ấy tố cáo kẻ làm phản, nay đến đối chứng, ai dám giết?

Thừa nói:

- Sao thừa tướng lại để tai nghe lời một đứa ở đi trốn?

Tháo nói:

- Bọn Vương Tử Phục ta đã bắt cả, chúng đã cung xưng rõ ràng, mày còn chối à?

Lập tức sai tả hữu lôi Đổng Thừa xuống, cho lính vào khám xét chỗ buồng nằm, tìm được tờ mật chiếu khâu trong đai và tờ nghĩa trạng.

Tháo đọc xong, cười nói:

- Lũ chuột, sao dám làm như thế?

Rồi sai bắt cả nhà Đổng Thừa tống giam, không để cho một người nào chạy thoát.

Tháo về phủ đem tờ chiếu và tờ trạng cho các mưu sĩ xem, bàn muốn bỏ Hiến Đế, lập vua khác.

Thế thực là:

Mấy hàng chiếu đỏ thành mợ hão,

Một mảnh thư thề xảy vạ to!

Chưa biết tính mệnh Hiến Đế ra sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.

Tác giả : La Quán Trung
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại