Sông Đông Êm Đềm

Chương 226

Đến lúc sắp bình minh trời hơi giá bốt. Các vũng nước phủ một váng băng mỏng màu xanh xám. Tuyết rắn lại, kêu lạo xạo. Trên lớp tuyết to hạt của vùng đất hoang, vó ngựa in những dấu tròn lờ mờ, lở xuống dần, còn ở những chỗ mà tiết trời ấm áp hôm qua đã làm tan tuyết, mặt đất bị bóc trần cùng với lớp cỏ chết từ năm ngoái ngả gục trên đó chỉ hơi lún xuống và khẽ kêu trầm trầm dưới vó ngựa.

Toán thổ phỉ của Fomin đã tập hợp bên ngoài thôn thành đội hình hành quân hàng dọc. Xa xa trên con đường đã thấy thấp thoáng sáu tên cưỡi ngựa được phái đi trước làm trinh sát tiền vệ.

- Cậu xem, đội quân của mình đấy! - Fomin cho ngựa chạy tới gần Grigori, mỉm cười nói - Với những anh em như thế nầy mà muốn bẻ sừng quỉ dữ thì cũng được!

Grigori đưa mắt nhìn cả đội hình hàng dọc, chàng buồn rầu nghĩ thầm: "Nếu mầy đem đội quân của mày chạm trán với đại đội của tao trong kỵ binh Budionnyi thì chỉ nửa giờ là bao nhiêu cái xương của mầy đều bị đập vụn hết?".

Fomin giơ roi chỉ và hỏi:

- Cậu thấy chúng nó thế nào?

- Chúng nó chém tù binh cũng cừ, lột quần áo tù binh cũng giỏi, chuyện đánh đấm như thế nào thì mình cũng chưa biết. - Grigori trả lời lạnh lùng.

Fomin quay người trên yên, lấy lưng che gió, châm thuốc hút rồi nói:

- Cậu sẽ có dịp nhìn thấy chúng nó trong chiến đấu. Các anh em trong tay mình đều đã đi lính lâu năm, chúng nó sẽ không phụ lòng tin của chúng ta đâu.

Sáu chiếc xe tải hai ngựa chở đạn và lương thực chạy tới đứng vào giữa đội hình, Fomin cho ngựa phóng lên phía trước, ra lệnh xuất phát. Lên đến trên ngọn gò, hắn lại tới gần Grigori và hỏi:

- Thế nào, cậu thấy con ngựa của mình thế nào? Có vừa ý cậu không?

- Con ngựa tốt đấy.

Hai người ngậm tăm cưỡi ngựa bên cạnh nhau, bàn đạp sát bên bàn đạp. Bỗng Grigori hỏi:

- Cậu có định tạt qua thôn Tatarsky không?

- Cậu nhớ nhà à?

- Cũng muốn về thăm một cái.

- Có thể là chúng mình sẽ tính sau. Còn bây giờ thì mình muốn rẽ sang vùng sông Tria, lắc dân Cô- dắc, cho họ động lên một chút…

Song dân chúng Cô- dắc cũng không sẵn sàng "động" lên lắm… Ngay trong khoảng vài ngày sau đó, Grigori đã có thể tin chắc như thế. Mỗi khi chiếm được một thôn hay một thị trấn nào, Fomin đều ra lệnh triệu tập dân chúng đến khai hội. Phần nhiều là chính hắn lên phát biểu, đôi khi Kaparin cũng làm thay hắn việc ấy. Chúng kêu gọi dân chúng Cô- dắc cầm lấy vũ khí, chúng nói về "những cái ách nặng nề mà Chính quyền Xô viết lồng vào cổ nông dân", "về sự phá sản hoàn toàn nhất định sẽ xảy đến với Chính quyền Xô viết không bị lật đổ". Fomin nói không được văn chương trôi chảy như Kaparin, nhưng hắn đề cập tới nhiều vấn đề rộng hơn và nói bằng những lời lẽ mà dân Cô- dắc dễ hiểu hơn. Bao giờ hắn cũng kết thúc những lời phát biểu bằng mấy câu đã thuộc lòng: "Từ ngày hôm nay chúng tôi đã giải phóng được bà con khỏi chế độ trưng thu lương thực. Bà con sẽ không chở thóc đến các địa điểm trưng thu nữa. Đã đến lúc thôi không nuôi báo cô những thằng cộng sản ăn bám nữa rồi. Chúng nó đã béo căng béo núc chờ thóc lúa của bà con, nhưng sự thống trị của những kẻ từ nơi khác đã chấm dứt rồi. Bà con là những người tự do? Bà con hãy cầm lấy vũ khí và hãy ủng hộ chính quyền của chúng tôi! Người Cô- dắc muôn năm!"

Bọn đàn ông Cô- dắc dán mắt xuống đất, âm thầm nín lặng, nhưng cánh dàn bà cứ nói cho sướng mồm. Từ những hàng người đứng sau nhau, vang lên những câu hỏi và những tiếng kêu đầy phẫn nộ:

- Chính quyền của anh tốt, thế anh sẽ chở xà phòng tới cho chúng tôi chứ?

- Cái chính quyền của anh, mang nó theo ở chỗ nào thế, ở đai yên?

- Thế chính các anh thì ăn bằng lúa mì của ai?

- Có lẽ ngay bây giờ các anh sẽ đến từng nhà để xin của bố thí đấy?

- Trong tay họ có gươm. Gà qué sẽ bị họ chém cổ đi, không cần hỏi han gì đâu!

- Không chở lương thực đi nữa là nghĩa thế nào? Hôm nay các anh còn ở đây, nhưng ngày mai xua chó đi lùng cũng chẳng thấy bóng vía các anh đâu nữa, và chúng tôi sẽ giơ đầu chịu báng phải không!

- Chúng tôi không cho chồng con đi với các anh đâu? Các anh hãy tự đi mà đánh nhau!

Bọn đàn bà gào lên nhiều lời khác nữa với một tinh thần tức tối điên cuồng vì qua những năm chiến tranh họ đã mất niềm tin vào tất cả mọi điều, họ chỉ lo lại nổ ra một cuộc chiến tranh nữa vì thế cố sống cố chết giữ chồng con ở nhà.

Họ la thét loạn lên một hồi, trong khi đó Fomin cứ phớt lạnh lắng nghe. Vốn là hắn đã biết rõ giá trị của những lời kêu gào đó.

Hắn chờ tất cả lặng đi rồi nói với bọn đàn ông Cô- dắc. Và lúc ấy bọn nầy mới trả lời rất ngắn gọn nhưng cũng rất chín chắn và cứng lý:

- Đồng chí Fomin ạ, đồng chí đừng cưỡng ép chúng tôi, chúng tôi đánh nhau mãi chán lắm rồi.

- Chúng tôi đã thử nếm mùi ấy rồi, năm Một nghìn chín trăm mười chín chúng tôi đã bạo động một lần rồi!

- Trong tay chẳng có gì để bạo động mà cũng chẳng bạo động làm gì cả? Trong lúc nầy thì không cần gì phải bạo động.

- Bây giờ đến lúc cần phải gieo hạt chứ không cần phải đánh nhau.

Và một hôm trong những hàng cuối cùng có một người nào đó gào lên:

- Bây giờ nghe anh nói thì bùi tai lắm! Nhưng năm Một nghìn chín trăm mười chín, hồi chúng tôi bạo động thì anh ở đâu hử?

- Fomin ạ, anh muốn làm mưa làm gió quá muộn đấy!

Grigori thấy Fomin biến sắc mặt nhưng vẫn cố nhẫn nhục không trả lời gì cả.

Một tuần đầu, trong các buổi họp, nói chung Fomin đã giữ được thái độ khá bình tĩnh trong khi lắng nghe mọi ý kiến phản đối của những người dân Cô- dắc cùng những lời từ chối gọn lỏn không ủng hộ cuộc bạo động của hắn. Ngay đến những tiếng gào la, chửi bới của cánh đàn bà cũng không làm hắn hoang mang bối rối. "Không hề gì rồi chúng ta sẽ thuyết phục được chúng nó thôi?" - Hắn cứ tủm tỉm cười sau hàng ria, nói rất tự tin. Nhưng sau khi nhận định chắc chắn rằng quần chúng cơ bản trong dân chúng Cô- dắc có thái độ không tán thành mình, hắn đã thay đổi hẳn thái độ đối với những người phát biểu ý kiến trong các cuộc họp. Trong khi nói hắn không còn xuống ngựa nữa và thái độ có vẻ hăm doạ hơn là thuyết phục.

Nhưng kết quả vẫn chỉ như trước kia: những người dân Cô- dắc mà hắn muốn dùng làm chỗ dựa nín lặng nghe hắn nói rồi cũng lại lầm lì bỏ về.

Ở một thôn, khi hắn nói xong, có một người đàn bà Cô- dắc đứng ra trả lời hắn. Đó là một mụ goá chồng cao lớn, đẫy đà và to xương, mụ nói bằng một giọng trầm trầm như đàn ông, và hoa tay múa chân với những cử động và mạnh cũng như đàn ông. Khuôn mặt rộng bè bè rỗ nhằng rỗ nhịt của mụ đầy vẻ tức tối và kiên quyết, cặp môi dầy cong tớn của mụ luôn luôn dành ra trong một nụ cười nhạo báng.

Mụ vừa đưa bàn tay xưng húp đỏ xỉa xói vào mặt Fomin trong khi hắn vẫn ngồi yên như phỗng trên yên, vừa như khạc ra những lời cay độc:

- Tại sao anh lại đến nơi nầy đề gây chuyện rối loạn hả? Anh muốn lôi bọn đàn ông Cô- dắc của chúng tôi đi đâu, xuống cái hố nào hử? Trong vùng chúng tôi còn ít chị em đang chịu cảnh goá bụa vì cái cuộc chiến tranh chết tiệt nầy hay sao? Còn ít trẻ con bị côi cút hay sao? Anh còn định đổ thêm tai hoạ xuống đầu chúng tôi một lần nữa phải không? Cái anh chàng dân thôn Rubezyn mò đến đây định làm một ông hoàng đế cứu tinh theo kiểu gì thế nầy? Tốt nhất anh hãy đem lại trật tự ngay trong nhà anh, chấm dứt cái cảnh đổ nát tan hoang, xong xuôi đâu đó hãy đến đây dạy chúng tôi nên sống như thế nào, nên theo chính quyền nào và không nên theo chính quyền nào! Nếu không thì ngay ở nhà anh, vợ anh cũng không chui cổ ra khỏi cái vai bò đâu, chúng tôi biết rõ là như thế! Thế mà anh lại để cho ria dài, vênh vang trên ngựa, khuấy động nhân dân. Ngay cái nhà của anh, ngay đến công việc làm ăn của anh, nếu không cố chống đỡ thì cũng đổ sụp từ đời tám hoánh nào rồi. Tự nhiên lại có một thằng dạy khôn như thế nầy! Làm gì mà câm như hến thế hử, cái thằng râu đỏ nầy, hay là gái nầy nói không đúng hử?

Trong đám người có tiếng cười rúc rích, truyền đi ràn rạt như một làn gió rồi lại lắng bặt. Bàn tay trái của Fomin đặt trên mũi yên từ từ sửa lại những chiếc dây cương. Hắn đã tức lộn ruột mà phải cố nhịn nên mặt đen sạm lại, nhưng hắn nín lặng, cố moi óc tìm một lối thoát cho tình thế trước mắt mà vẫn giữ được thể diện.

- Thế cái chính quyền của anh là chính quyền như thế nào mà anh lại kêu gọi ủng hộ nó hử? - Mẹ goá đã phát điên phát rồ vẫn tiếp tục hỏi dồn.

Mụ nghiêng người núng nính cặp mông to tầy dành từ từ tiến tới trước mặt Fomin. Những người Cô- dắc cố giấu nụ cười đưa những cặp mắt khoái trá nhìn xuống, tránh ra cho mụ đi… Họ xô đẩy nhau, lui dần ra, làm thành một vòng tròn như để khiêu vũ…

- Anh đi rồi thì cái chính quyền của anh cũng không còn lại được trên mặt đất nầy đâu. - Mụ goá nói bằng một giọng rất trầm. - Nó cứ bị kéo lê sau đít anh và không ở yên một chỗ nào được quá một giờ đâu? "Hôm nay vênh vang trên ngựa, ngày mai chết rữa dưới bùn". Con người của anh là như thế, và cái chính quyền của anh thì nó cũng như thế thôi?

Fomin kẹp mạnh hai chân vào sườn ngựa, thúc nó xông tới đám người. Dân chúng chạy tán loạn ra tứ phía. Chỉ còn lại một mình mụ goá đứng giữa cái vòng rất rộng. Mụ đã nếm đủ mùi đời, vì thế vẫn bình tĩnh nhìn cái mõm con ngựa của Fomin đang nhe răng nhe lợi và khuôn mặt của gã cưỡi ngựa trắng bệch ra trong cơn tức điên.

Fomin giơ cao ngọn roi, thúc con ngựa xông thẳng tới chỗ mụ.

- Câm cái mồm, cái con thối thây mặt rỗ nầy? Mày dùng chỗ nầy để tuyên truyền những gì hử?

Con ngựa nhe răng, vươn thẳng cái mõm của nó ở ngay trên đầu người đàn bà Cô- dắc không biết sợ. Từ cái hàm thiếc, một đám nước bọt ngựa màu xanh lá cây nhạt chảy ra, rơi xuống chiếc khăn tang đen bịt đầu của người đàn bà goá, rồi từ cái khăn chảy xuống má mụ. Mụ goá đưa tay lên chùi và lùi một bước.

- Chỉ có mầy được nói, còn tao thì không à? - Mụ kêu lên, nhìn Fomin bằng cặp mắt trợn tròn, long lanh trong cơn tức giận.

Fomin không đánh mụ. Hắn vung cái roi ngựa, quát to:

- Đồ vi trùng Bolsevich? Tao sẽ đánh cho bật cái ngu xuẩn ra khỏi xác mày! Tao sẽ ra lệnh tốc váy mầy lên, cho mầy một trận que thông nòng, rồi mầy sẽ thông minh ra ngay!

Người đàn bà goá lùi thêm hai bước, nhưng bất thình lình mụ quay lưng về phía Fomin, rồi cúi đầu xuống rất thấp, chổng mông tốc vạt váy lên.

- Mầy đã trông thấy cái nầy chưa, thằng dũng sĩ Anhica nầy? - Mụ kêu to, rồi đứng thẳng dậy nhanh nhẹn một cách lạ lùng và lại quay về phía Fomin. - Đánh ấy à? Đánh tao đấy à? Cái thớ mầy không làm nổi trò ấy đâu?

Fomin nhổ toẹt bãi nước bọt một cách hung hãn và cứ phải kéo chặt dây cương giữ con ngựa đang lùi lại.

- Câm cái mồm, con ngựa cái không sinh con đẻ cái được nầy!

- Mầy lắm thịt quá, nứng lên rồi phải không? - Fomin cố giữ vẻ mặt nghiêm khắc nói to, và cho con ngựa quay đi.

Những tiếng cười rộ cố ghìm nén vang lên trầm trầm trong đám người. Một tên lâu la của Fomin muốn gỡ nhục cho chủ tướng bèn chạy đến trước mặt người đàn bà goá, vung cái báng của khẩu súng trường kỵ binh lên, nhưng một anh chàng Cô- dắc to lớn khoẻ mạnh, cao hơn tên kia hẳn hai đầu người, đã đưa một bên vai rất rộng che cho người đàn bà, và nói bằng một giọng rất khẽ nhưng đầy hứa hẹn:

- Đừng có động vào?

Còn thêm ba người dân trong thôn nữa chạy vội đến đẩy người đàn bà goá ra phía sau. Một người còn trẻ, đề bờm tóc xoã trước trán, khẽ bảo tên thổ phỉ của Fomin:

- Tại sao anh lại định đánh người ta thế hử? Đánh một người đàn bà thì có gì là khó? Cái can trường của anh, anh hãy mang ra ngoài kia, lên ngọn gò ấy mà phơi bày, nếu không, ở gần nhà thì tất cả chúng ta đều là anh hùng hảo hán…

Fomin cho ngựa lùi từng bước ra tới dãy hàng rào rồi dướn người trên bàn đạp.

- Bà con Cô- dắc! Bà con hãy nghĩ lại cho kỹ! - Hắn quát to với đám người đang từ từ bỏ về nhà. - Bây giờ chúng tôi còn dùng lời hay lẽ phải mà đề nghị, chứ một tuần nữa chúng tôi quay trở lại thì câu chuyện sẽ nói bằng một giọng khác đấy?

Không hiểu sao hắn bỗng cảm thấy trong lòng vui vui, bèn vừa cười vừa giữ con ngựa đang nhảy cỡn tại chỗ và kêu lên:

- Chúng tôi không phải là những thằng nhát gan đâu? Đem những cái (tiếp theo là vài tiếng hết sức tục tĩu) ấy của đàn bà ra mà doạ chúng tôi thì không nổi đâu? Chúng tôi đã trông thấy cả những mụ rỗ hoa và những mụ đủ mọi kiểu khác rồi! Chúng tôi sẽ quay trở lại và nếu trong số bà con không có ai tự nguyện ghi tên vào đại đội chúng tôi thì chúng tôi sẽ động viên cưỡng bức tất cả các Cô- dắc trẻ tuổi Các người hãy rõ là sẽ như thế? Chúng tôi không có đâu thì giờ để mà vuốt ve mơn trớn các người?

Đám người đứng lại chừng một phút. Từ chỗ đó vẳng tới tiếng cười và những tiếng chuyện trò sôi nổi. Fomin ra lệnh với nụ cười vẫn còn chưa tắt trên môi:

- Lên ngư… ựa.

Grigori phi ngựa về với trung đội của chàng, mặt đỏ dừ vì buồn cười mà phải cố nhịn.

Trong một đội hình kéo dài trên con đường lầy lội, chi đội của Fomin đã kéo nhau lên đến ngọn gò và con mắt của chúng không còn trông thấy cái thôn thiếu mến khách ấy nữa. Nhưng thỉnh thoảng Grigori vẫn còn mỉm cười, chàng nghĩ thầm: "Cũng may mà dân Cô- dắc chúng mình là những con người vui nhộn. Kể ra câu đùa vẫn còn đến chúng ta nhiều hơn những sự đau buồn. Nếu Chúa bắt chúng ta làm tất cả mọi việc một cách nghiêm trang thì với một cuộc sống như thế từ lâu đã có thể treo cổ tự tử được rồi đấy!" Chàng vẫn còn giữ được rất lâu cái tâm trạng vui vẻ ấy, và mãi đến lúc nghỉ chân chàng mới lo lắng và chua chát nghĩ rằng việc khuấy cho dân Cô- dắc nổi dậy chắc hẳn không thể làm được và toàn bộ mưu đồ của Fomin sẽ không thể nào thoát khỏi tan vỡ hoàn toàn.

227

Trời đã sang xuân, mặt trời đã cho thêm nhiều hơi ấm. Tuyết tan dần trên sườn phía nam các ngọn đồi, và đến trưa mặt đất vàng hoe vì lớp cỏ năm ngoái đã phủ một làn hơi bốc lên như một làn khói tím tím trong suốt. Trên các mặt đất dốc, các nấm kurgan, dưới chân những tảng đá thiên nhiên mọc lên giữa những đám đất sét đã thấy những búp cỏ mật đầu tiên xanh tươi, nhọn hoắt. Các khoảng đất trồng trọt đã lộ trần. Những con quạ đã rời bỏ những con đường mùa đông không dùng tới nữa, bay tới những sân đập thóc, những khoảng lúa mạch mùa đông lõm bõm tuyết. Trong các khoảng đất trũng và các khe núi, tuyết lũng nhũng nước từ dưới lên trên mang một màu xanh lam. Từ các nơi đó vẫn còn thoảng đưa đến một làn hơi lạnh gắt, nhưng bên dưới lớp tuyết, trong các khe núi, những con suối mùa xuân mà mắt người còn chưa nhìn thấy đã réo lên những tiếng thanh thanh như tiếng hát và trong các cánh rừng thưa, thân các cây tiêu huyền đã hơi nhuộm một màu xanh lá cây rất dịu mắt, hoàn toàn như khi trời đã sang xuân.

Đã sắp đến mùa cày bừa gieo hạt, vì thế toán thổ phỉ của Fomin mỗi ngày một tan đi như tuyết. Ở mỗi chỗ nghỉ đêm, sáng hôm sau lại thấy thiếu một hai tên và có lần gần như nửa trung đội cùng bỏ đi một lúc: tám tên mang cả ngựa lẫn vũ khí về Vosenskaia đầu thú.

Đã đến lúc phải cày bừa và gieo hạt rồi. Mảnh đất đang kêu gọi, đang lôi kéo về với công việc làm ăn, vì thế sau khi thấy rằng đánh đấm không đem lại kết quả gì, nhiều tên trong toán Fomin bí mật rời khỏi bầy thổ phỉ, đứa nào về nhà đức nấy. Chỉ còn lại những thằng quá hung ác không thể nào quay về, những tên phạm tội quá lớn đối với Chính quyền Xô viết nên không thể mong được hưởng chính sách khoan hồng.

Đến những ngày đầu tháng Tư, Fomin chỉ còn nắm được không quá tám mươi tay gươm. Grigori vẫn còn ở lại với toán thổ phỉ.

Chàng không đủ can đảm để trở về nhà tuy chàng đã tin chắc rằng sự nghiệp của Fomin sẽ phá sản và sớm hay muộn bầy thổ phỉ sẽ bị đánh tan. Chàng biết rằng ngay trong trận chạm trán đầu tiên với một đơn vị chính quy của kỵ binh Hồng quân, chúng sẽ bị đánh vụn như cám. Song chàng vẫn cứ ở lại làm tay sai cho Fomin với ước mơ thầm kín là bằng cách nầy hay cách khác sẽ nấn ná chờ được đến mùa hạ và khi đó sẽ chiếm lấy đôi ngựa tốt nhất trong bọn, chuồn về thôn Tatarsky vào ban đêm rồi từ đó cùng Acxinhia chạy về miền Nam. Đồng cỏ sông Đông rộng mênh mông, có rất nhiều con đường không có người đi. Sang hè, mọi con đường đều có thể đi được và đến đâu cũng sẽ kiếm được chỗ nương thân… Chàng nghĩ rằng mình sẽ vứt bỏ đôi ngựa ở một chỗ nào đó, sẽ cùng với Acxinhia đi bộ mò tới Kuban, tới vùng chân núi, lánh xa nơi chôn nhau cắt rốn, và sẽ ẩn náu ở đấy để độ cho qua thời kỳ loạn lạc. Chàng càng thấy như không còn có lối thoát nào khác.

Theo lời khuyên của Kaparin, Fomin quyết định sẽ vượt sang bờ bên trái sông Đông trước khi băng tan. Ở vùng sát địa giới khu Khopesky vốn có nhiều rừng, hắn hy vọng rằng trong trường hợp cần thiết sẽ có thể vào đấy để trốn các cuộc truy bắt.

Bầy thổ phỉ vượt qua sông Đông phía trên thôn Ryvnyi. Ở vài nơi, những chỗ nước chảy siết, băng đã bị cuốn đi. Dưới ánh nắng chói chang của vừng mặt trời tháng Tư, nước lấp loáng như vẩy cá bạc, song ở những chỗ con đường dùng về mùa đông ra đến đấy thì tắc, băng vẫn nổi trên mặt nước hàng ác- sin, sông Đông vẫn còn giữ nguyên lớp băng của nó. Bọn thổ phỉ lấy những đoạn hàng rào lót xuống ven bờ sông, chúng tập họp, phái trinh sát sục sạo phía trước và tiến về hướng thị trấn ếlanskaia.

Một ngày sau, Grigori được gặp một bà con cùng thôn là ông lão chột Trumakov. Ông lão tới thôn Griatnovsky để thăm họ hàng và đã gặp bọn thổ phỉ ở một chỗ gần thôn ấy. Grigori kéo ông lão sang bên cạnh đường và hỏi:

- Hai đứa cháu nhà tôi có còn sống, còn khoẻ mạnh không cụ?

- Bác Grigori Pantelevich ạ, nhờ có Chúa che chở, chúng nó đều còn sống, còn khoẻ mạnh.

- Tôi tha thiết nhờ cụ giúp cho một việc nhé: cụ chuyển hộ cho hai đứa cháu và con em gái tôi là Epdôkia Pantelevna lời thăm hỏi thân thiết nhất, cụ cũng giúp tôi hỏi thăm Prokho Zykov và bảo hộ chị Acxinhia nhà Astakhov là cứ chờ tôi, không bao lâu nữa tôi sẽ về. Nhưng ngoài mấy người ấy, cụ đừng nói với ai là có gặp tôi nhé, có được không cụ?

- Tôi sẽ làm, bác Grigori thân mến ạ, tôi sẽ làm như thế? Bác đừng có ngại tất cả những lời đó tôi sẽ chuyển lại đầy đủ.

- Thế trong thôn có chuyện gì mới không?

- Chẳng có gì đâu, tất cả vẫn đều như cũ.

- Miska Kosevoi vẫn làm chủ tịch à?

- Chính hắn đấy.

- Gia đình tôi có bị người ta hà hiếp không?

- Tôi không nghe thấy có chuyện gì cả, có lẽ không bị động đến đâu. Vả lại họ có lý do gì để gây chuyện? Những người ở nhà đâu phải chịu trách nhiệm về bác…

- Thế trong thôn người ta nói về tôi những gì?

Cự già hỉ mũi, lấy chiếc khăn quàng cổ màu đỏ chùi râu chùi ria rất lâu rồi mới trả lời qua quít.

- Chỉ có Chúa hiểu được họ… Người ta đua nhau đồn đủ mọi chuyện lung tung. Nhưng các bác cũng sắp giảng hoà với Chính quyền Xô viết chứ?

Grigori còn có thể trả lời thế nào được nữa? Chàng cố ghìm con ngựa chồm lên muốn đuổi theo toán thổ phỉ đã bỏ đi xa phía trước, mỉm cười nói:

- Tôi cũng không biết, cụ ạ. Tạm thời còn chưa thấy rõ gì cả.

- Sao còn chưa thấy rõ? Chúng ta đã đánh nhau với quân Cherket, với quân Thổ nhĩ kỳ, cuối cùng đều đi đến giảng hoà. Còn tất cả các bác lại đều là người nhà với nhau, thế mà vẫn chẳng làm thế nào thương lương với nhau được… Như thế không tốt đâu, bác Grigori Pantelevich ạ, tôi nói thật đấy, như thế không tốt đâu? Chúa vốn nhân từ, Người nhìn thấy rõ hết mọi điều và sẽ không tha thứ cho các bác về tất cả các việc nầy đâu, bác hãy nhớ lấy lời tôi nói!

Chà, như thế nầy thì còn nghĩa lý gì nữa: cùng là người Nga, người chính giáo mà lại đánh lộn lẫn nhau, không làm sao ghìm lại được nữa. Hừ, cứ tưởng chỉ choảng nhau qua quít một chút, thế mà các bác đã đánh lộn sang đến năm thứ tư rồi. Cái đầu óc già nua của tôi nó cứ nghĩ như thế nầy nầy: đã đến lúc nên chấm dứt rồi đấy?

Grigori chia tay với ông già rồi đánh ngựa phi nhanh đuổi theo trung đội của chàng. Cụ Trumakov tỳ lên cái gậy, lấy tay áo chùi con mắt chột chảy nước nhầy nhụa. Và còn dứng lại giờ lâu. Cụ đưa con mắt còn lại rất tinh, rất trẻ nhìn theo Grigori, tấm tắc khen dáng cưỡi ngựa hùng dũng của chàng và khẽ lẩm bẩm: "Một tay Cô- dắc cừ đến thế! Mọi mặt đều tốt hết, tư cách thái độ cũng như tất cả các mặt khác, chỉ phải cái không tìm được đúng con đường mà đi… Nó đã lầm đường lạc lối mất rồi. Về mọi mặt thì đáng là nó phải đi đánh nhau với bọn Cher- két, thế mà nó lại nghĩ ra làm cái trò như thế nầy? Nhưng nó cần đến thứ chính quyền nầy làm cái ôn dịch gì? Những thằng thanh niên Cô- dắc ấy, không hiểu chúng nó nghĩ ngợi như thế nào? Đối với thằng Griska thì chẳng có gì đáng hỏi, toàn bộ cái tông cái giống nhà nó bao giờ cũng lung tung như thế… Cả cái lão Panteley vừa chết đi cũng leng beng rắc rối như thế, ngay đến ông cụ Prokofi, mình vẫn còn nhớ… đều là những của trái chua, chứ đâu phải là những con người… Song những thằng Cô- dắc suy nghĩ như thế nào, xin Chúa cứ đập vào đầu tôi, tôi chẳng còn hiểu ra sao cả.

Đến hồi nầy, mỗi khi chiếm được thôn nào, Fomin không còn triệu tập dân chúng đến họp nữa. Hắn đã thấy rõ là tuyên truyền vận động không còn có thể đem lại kết quả gì. Bây giờ thì chỉ cần giữ lại những thằng lâu la cũ chứ không cần tuyển thêm những thằng mới. Hắn trở nên cau có âm thầm và ngày càng lầm lì ít nói. Hắn bắt đầu tìm đến rượu để có được khuây khoả. Tại bất kỳ chỗ nghỉ đêm nào cũng diễn ra những cuộc rượu be bét. Nhìn thấy thằng ataman như thế, bọn lâu la cũng lao đầu vào rượu chè. Kỷ luật trở nên lỏng lẻo. Các trường hợp cướp bóc xảy ra ngày càng nhiều. Khi thấy bọn thổ phỉ sắp kéo đến, những người làm việc cho Chính quyền Xô viết đều bỏ trốn. Bọn nầy đến nhà họ lấy đi tất cả những thứ gì có thể mang theo trên yên ngựa. Những cái túi mắc vào yên ngựa của nhiều tên phồng to không thể tưởng tượng được. Một lần Grigori đã thấy một thằng trong trung đội của chàng có một chiếc máy khâu quay tay. Nó mắc dây cương vào mũi yên và kẹp cái máy khâu dưới nách tay trái. Chỉ sau khi dùng đến ngọn roi, Grigori mới bắt được thằng Cô- dắc kia vứt bỏ chiến lợi phẩm của nó. Tối hôm ấy giữa Fomin và Grigori đã có một cuộc nói chuyện gay gắt. Trong phòng chỉ có hai người. Mặt phị ra vì rượu, Fomin ngồi bên cạnh cái bàn.

Grigori bước những bước rất dài, đi đi lại lại trong phòng.

- Thôi ngồi xuống, đừng lượn đi lượn lại trước mặt mình mãi như thế. - Fomin nói giọng bực bội.

Grigori không để ý những lời hắn nói, cứ đi ngang đi dọc rất lâu trong căn phòng chật chội của ngôi nhà Cô- dắc. Cuối cùng chàng nói:

- Mình chán cái trò nầy lắm rồi, Fomin ạ! Cậu hãy chấm dứt những chuyện cướp bóc rượu chè đi mới được!

- Hôm nay cậu vừa nằm mơ thấy những cơn ác mộng đấy phải không?

- Thế mà còn pha trò được… Dân chúng đã bắt đầu nói những lời không hay về chúng ta rồi đấy?

- Nhưng cậu cũng thấy đấy, mình chẳng còn làm thế nào với anh em được nữa. - Fomin nói miễn cưỡng.

- Nhưng cậu có động chân động tay làm gì đâu?

- Hừ, cậu đừng có ra lệnh cho mình? Còn cái dân chúng của cậu, nó cũng không đáng được nghe một lời tốt đẹp nào đâu. Cái bọn chết tiệt ấy, chúng mình đang chịu cực khổ vì chúng nó, thế mà chúng nó… Mình chỉ còn nghĩ tới mình, và thế là đủ rồi.

- Nhưng ngay cả chuyện nghĩ đến cậu, cậu nghĩ cũng kém lắm đấy. Rượu bí tỉ rồi thì còn lúc nào mà nghĩ nữa. Cậu uống liên miên đến nay đã là ngày thứ tư rồi, và tất cả những thằng khác cũng đều uống. Ngay ở các vọng gác đêm nào chúng nó cũng nốc rượu. Cậu muốn cái gì hử? Cậu muốn chúng ta bị tóm cổ giữa lúc đang say sưa và bị chọc tiết ngay trong thôn có phải không?

- Thế cậu tưởng chúng mình sẽ thoát được cái chuyện ấy hay sao? - Fomin cười nhạt. - Đến một lúc nào đó thể nào rồi cũng phải chết thôi. Chơi dao thì có ngày đứt tay… Cậu hiểu không? Nếu thế thì ngày mai chúng ta sẽ tự dẫn xác đến Vosenskaia, giơ hai tay lên và bảo: các anh bắt chúng tôi đi, chúng tôi đầu hàng đây - Không, chúng ta vẫn còn rong chơi một hồi đã…

Grigori đến đứng trước cái bàn, hai chân dạng rộng.

- Nếu cậu không lấy lại trật tự, nếu cậu không chấm dứt các chuyện cướp bóc rượu chè thì mình sẽ tách rời khỏi cậu và sẽ mang nửa số anh em đi theo mình. - Chàng khẽ nói.

- Cứ thử làm thế mà xem. - Fomin kéo dài giọng, nói đầy vẻ hăm doạ.

- Không cần phải thử cũng sẽ xong xuôi.

- Mày… mày đừng có doạ tao! - Fomin chộp tay lên cái bao của khẩu Nagan.

- Đừng sờ vào cái bao súng, kẻo chỉ cách có cái bàn tao với tới đầu mày chóng hơn đấy? - Grigori tái mặt đi, chàng rút thanh gươm ra đến nửa, nói rất nhanh.

Fomin đặt hai tay lên bàn mỉm cười.

- Nhưng cậu gây chuyện với mình để làm gì? Không có cậu đầu mình cũng đã sắp nứt ra rồi, thế mà cậu còn đến đây nói những chuyện ngu xuẩn. Thôi tra gươm vào vỏ đi! Chỉ đùa với cậu một chút cũng không được hay sao? Cậu thử nói đi nào. - Anh chàng lại nghiêm khắc chặt chẽ đến như thế. Y như một cô gái mười sáu ấy…

- Mình đã nói với cậu là mình muốn gì rồi, và cậu hãy nhớ cho kỹ những điều đó. Chúng ta ở đây không phải ai cũng có cái tinh thần như cậu đâu.

- Mình cũng biết.

- Cậu phải biết và hãy nhớ lấy! Ngay ngày mai cậu phải ra lệnh cho chúng nó quẳng tất cả những cái gì trong các túi yên ngựa ra. Chúng ta là một đơn vị kỵ binh chứ không phải là một đoàn ngựa thồ. Phải chấm dứt các chuyện ấy đi, phải cắt đứt hẳn đi! Thế nầy mà cũng tự xưng là những chiến sĩ vì nhân dân. Chở các của cướp được trên lưng ngựa, đem tới các thôn để bán rong, thật cứ như những thằng buôn hàng xén xưa kia ấy… Thẹn không còn biết giấu mặt đi đâu nữa! Còn mình thì gây chuyện với các cậu làm cái quái gì? - Grigori nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi quay ra cửa sổ, mặt tái đi vì phẫn nộ và tức tối.

Fomin phá lên cười và nói.

- Chúng mình còn chưa bị kỵ binh dồn theo sát nút lần nào… Khi bị những thằng cưỡi ngựa đuổi theo, con sói nào ăn no sẽ phải vừa chạy vừa mửa ra cho kỳ hết. Những thằng quen vơ vét ăn bẩn của mình cũng thế thôi, chỉ cần bị truy kích một trận ra trò là có gì cũng sẽ quẳng hết đi cho mà xem. Không sao đâu, cậu Melekhov ạ, cậu đừng bực mình nữa, mình sẽ làm tất cả các việc ấy! Mình vốn là như thế đấy, vừa qua cũng hơi mất tinh thần một chút. Có phần thả lỏng dây cương, nhưng rồi mình sẽ lại giữ chặt thôi! Còn chuyện chia rẽ chúng mình không nên làm, hãy cùng nhau chịu đựng cơn gian nan nầy.

Câu chuyện giữa hai người đã bị quấy rối không thể nói nốt: chủ nhà bưng lên một cái bát to đựng súp bắp cải khói bốc nghi ngút, rồi một toán Cô- dắc do Trumakov cầm đầu ập vào.

Nhưng dù sao câu chuyện cũng đã đem lại kết quả. Sáng hôm sau Fomin ra lệnh vứt bỏ tất cả các thứ trong các túi yên ngựa rồi hắn đích thân kiểm tra việc chấp hành mệnh lệnh. Một thằng bất trị trong các trò cướp bóc không chịu để cho khám xét các túi yên ngựa của nó và không muốn vứt bỏ các thứ cướp được. Fomin đã bắn nó chết ngay trong hàng bằng khẩu Nagan.

- Quẳng ngay cái của nợ nầy đi! - Hắn đưa chân đá cái xác chết và nói thản nhiên. Rồi hắn nhìn thẳng vào hàng quân, cất cao giọng:

- Lũ chó đẻ chúng mày, từ nay không được làm cái trò lục lọi hòm xiểng nào! Tao đưa chúng mày đi chống lại Chính quyền Xô viết không phải là để có những chuyện như thế nầy. Đối với những thằng địch bị giết thì chúng mày có thể lột tất cả mọi thứ, kể cả đồ lót bẩn nếu không gớm tay, song không được động đến gia đình chúng nó! Chúng ta không đánh nhau với đàn bà. Đứa nào chống lại qui tắc đó thì sẽ bị trừng trị như thế kia.

Những tiếng rì rầm khe khẽ truyền lan trong các hàng một lát rồi lắng đi…

Trật tự tựa như đã lấy được. Toán thổ phỉ rong ruổi chừng ba ngày trên vùng bên trái sông Đông. Chúng tiêu diệt được vài nhóm tự vệ nhỏ của địa phương trong những trận đụng độ nhỏ.

Tại trấn Sumilinskaia, Kaparin đề nghị di chuyển tới địa hạt tỉnh Voronezskaia. Hắn viện cớ rằng sang đến bên ấy, bọn chúng chắc chắn sẽ có được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, vì mới đây họ đã nổi lên bạo động chống Chính quyền Xô viết. Nhưng khi tuyên bố điều đó với bọn Cô- dắc thì chúng đều đồng thanh nói dứt khoát: "Chúng ta sẽ không ra khỏi khu nhà!" Bọn thổ phỉ họp hội nghị và quyết định đã bị huỷ bỏ. Trong bốn ngày liền, cả toán liên tục lao đầu chạy về phía đông, không chịu nghênh chiến một toán kỵ binh đã bắt đầu đuổi theo sát gót Fomin từ thị trấn Kazanskaia.

Hồi nầy làm mất các dấu vết của mình không phải là chuyện dễ dàng vì trên các cánh đồng chỗ nào người ta cũng đang làm các công việc đồng áng mùa đông và ở ngay những nơi khỉ ho cò gáy nhất trên đồng cỏ, người cũng rất đông. Bọn thổ phỉ thường di chuyển ban đêm, nhưng sáng hôm sau vừa dừng lại ở một nơi nào đó để cho ngựa ăn thì đã thấy trinh sát kỵ binh của địch xuất hiện gần đấy và dùng trung liên nã vài tràng ngắn. Thế là bọn thổ phỉ lại phải vội vã thắng ngựa ngay dưới làn đạn. Khi chạy quá thôn Mennhikov thuộc trấn Vosenskaia, Fomin đã vận động khôn khéo lừa được địch và bứt được ra khỏi cuộc truy kích. Theo báo cáo của trinh sát trong đội, Fomin được biết người chỉ huy nhóm kỵ binh nầy là Egor Giurafev, một người Cô- dắc trấn Bukanovskaia rất kiên quyết và cũng rất am hiểu về quân sự. Hắn biết rằng nhóm kỵ binh có quân số gần gấp đôi bầy thổ phỉ của hắn, họ có sáu khẩu trung liên và những con ngựa còn rất khoẻ, chưa bị kiệt sức sau những chặng di động dài. Tất cả các điều kiện đó bắt buộc Fomin phải lẩn tránh các trận chiến đấu, cho ngựa và người có khả năng được nghỉ ngơi, và sau đó, nếu có cơ hội sẽ đánh loạn nhóm kỵ binh bằng tập kích bất ngờ chứ không bằng chiến đấu trực diện, và nhờ đó ra thoát được cuộc truy kích luôn luôn quấy rầy. Hắn cũng có tính tới chuyện cướp được của địch súng máy và đạn súng trường. Song các mưu đồ của hắn đã không được thực hiện. Trái lại, điều mà Grigori lo lắng đã xảy ra ngày mười tám tháng Tư tại cửa khu rừng rậm Slasevskaia. Hôm trước Fomin và phần lớn bọn lâu la đã uống một chầu say bí tỉ ở thôn Xebaxchianovsky, đến khi trời rạng thì chúng rời khỏi thôn nầy. Đêm qua hầu như chẳng có tên nào chợp mắt vì thế bây giờ nhiều tên ngủ gà ngủ gật trên yên. Chừng chín giờ sáng thì cả bọn dừng lại nghỉ ở gần thôn Ogioghin. Fomin cắt vọng tiêu cảnh giới rồi ra lệnh lấy lúa mạch cho ngựa ăn.

Gió đông thổi giần giật từng đợt rất mạnh. Một đám mây hung hung đỏ phủ lên đường chân trời, nom như làn bụi cát. Một màn sương mù dày đặc nằm chập chờn trên đồng cỏ. Mặt trời chỉ chiếu sáng chút ít vì đã bị che lấp bởi lợp sương mù cuộn lên rất cao. Gió đập phần phật các tà áo ca- pôt và đuôi ngựa, bờm ngựa. Đàn ngựa quay lưng ngược chiều gió, tìm chỗ tránh gió bên cạnh những bụi sơn trà thưa thớt mọc rải rác ở cửa rừng. Bụi cát như có gai làm nước mắt chảy ràn rụa, vì thế dù ở khoảng cách gần cũng khó nhìn thấy rõ được gì.

Grigori ân cần lau cái mũi và hai chỗ gồ đẫm mồ hôi bên trên mắt con ngựa, đeo túi thóc cho nó ăn rồi bước tới gần Kaparin. Tên nầy đang nâng vạt áo ca- pốt đùm thóc cho con ngựa của hắn ăn.

- Người ta chọn được một chỗ như thế nầy để dừng lại nghỉ đấy! - Chàng giơ cái roi ngựa chỉ khu rừng.

Kaparin nhún vai.

- Tôi đã nói với thằng ngu ấy, nhưng chẳng nhẽ có thể thuyết phục được nó điều gì hay sao?

- Đáng là phải dừng lại nghỉ trên đồng cỏ hoặc ở đầu thôn mới đúng.

- Ngài nghĩ rằng có thể chờ đợi một cuộc tập kích từ trong rừng ra phải không?

- Vâng.

- Nhưng quân địch còn xa.

- Quân địch cũng có thể gần, ngài nên biết rằng chúng nó không phải là bộ binh.

- Cánh rừng nầy trơ trụi. Có lẽ chúng ta cũng có thể nhìn thấy nếu có chuyện gì xảy ra.

- Lấy ai mà nhìn bây giờ, gần như tất cả đều đã lăn ra ngủ. Tôi chỉ sợ ngay cả bọn gác cũng ngủ nốt.

Sau bữa nhậu nhẹt hôm qua, chúng nó bủn rủn hết tay chân rồi còn gì, bây giờ thì không thể đánh thức chúng được đâu. - Kaparin cau mặt như bị đau rồi khẽ nói - Với một kẻ lãnh đạo như thế nầy thì chúng ta cũng đến bỏ mạng. Nó rỗng tuếch như cây bấc và ngu xuẩn đúng là ở cấp thượng thặng? Nhưng tại sao ngài không tự nắm lấy quyền chỉ huy? Bọn Cô- dắc kính trọng ngài. Có lẽ chúng nó sẽ sẵn sàng đi theo ngài.

- Chuyện ấy thì tôi không cần đến, tôi chỉ ở chơi với các ngài trong thời gian ngắn thôi. - Grigori trả lời khô khan rồi quay về với con ngựa, vừa đi vừa tiếc rằng mình đã vô tình buột miệng nói ra một lời thú nhận thiếu thận trọng.

Kaparin mặc cho chỗ thóc còn lại trên vạt áo ca- pốt rơi lả tả xuống đất, chạy theo Grigori.

- Ngài có biết không, ngài Melekhov, - Hắn vừa đi vừa ngắt một nhánh sơn trà nhỏ và bứt từng cái chồi non mọng nước rất bụ, - Tôi nghĩ rằng chúng mình sẽ không chống cự được lâu nêu không sát nhập vào đơn vị chống Xô viết nào đó tương đối lớn, chẳng hạn như lữ đoàn Maxlak hiện nay đang lưu động tại nơi nào đó ở miền nam khu vực nầy. Phải mò về đấy thôi, nếu không chúng mình sẽ bị tiêu diệt ở đây lúc nào không biết.

- Bây giờ đang mùa lũ. Sông Đông không để cho chúng mình qua đâu.

- Không phải ngay bây giờ, nhưng khi nào nước rút là phải chuồn đi Ngài nghĩ khác hay sao?

Grigori trầm ngâm một lát rồi trả lời:

- Đúng đấy. Cần phải bỏ nơi nầy mà đi thôi. Không ở lại đây làm gì cả.

Kaparin sôi nổi hẳn lên. Hắn bắt đầu nói thao thao bất tuyệt rằng các hy vọng có được sự ủng hộ của dân chúng đến nay đã không được chứng thực, và bây giờ thì cần phải dùng mọi cách thuyết phục Fomin, để hắn thôi đừng chạy loạn lên không mục đích trong khu nữa, mà phải quyết định sát nhập vào một cụm lực lượng nào còn mạnh hơn.

Grigori chán không muốn nghe những lời ba hoa của hắn nữa. Chàng cứ chăm chú nhìn con ngựa ăn và ngay lúc nó vừa ăn hết sạch túi thóc, chàng đã tháo túi thóc đóng hàm thiếc và buộc chặt đai bụng cho con ngựa.

- Chúng ta chưa lên đường ngay đâu, ngài vội vã cũng vô ích. - Kaparin nói.

- Tốt nhất là ngài hãy sửa soạn ngựa, nếu không đến lúc ấy sẽ không còn kịp đóng yên đâu. - Grigori trả lời.

Kaparin nhìn chàng chằm chằm rồi bước tới bên con ngựa của hắn đứng ở gần chỗ những chiếc xe tải.

Grigori nắm dây cương dắt con ngựa tới gần Fomin. Fomin dang rộng hai chân, nằm trên chiếc áo choàng bằng dạ trải dưới đất, lười nhác gặm một cái cánh gà luộc. Hắn nằm lánh ra và đưa tay ra hiệu mời chàng ngồi xuống bên cạnh.

- Cậu ngồi xuống ăn trưa với bọn mình đi.

- Việc cần phải làm là rời khỏi nơi nầy chứ không phải là ăn trưa. - Grigori nói.

Chúng ta cho ngựa ăn xong rồi sẽ lên đường.

- Cho ăn sau cũng được.

- Làm gì mà cậu nóng như lửa thế? - Fomin quăng miếng xương đã gặm xong, chùi hai tay vào áo choàng.

- Chúng nó sẽ chộp chúng ta ở chỗ nầy. Địa hình thuận lợi lắm.

- Quỉ dữ nào đến chộp chúng ta? Vừa nãy trinh sát về nói rằng trên gò không có gì cả. Có lẽ thằng Giurafev mất hút chúng ta nếu không bây giờ nó còn đang bám sát đuôi. Từ Bukanovskaia sẽ không có thằng nào mò tới đâu. Uỷ viên quân sự ở đấy là Mikhey Pavlov, một thằng cha đánh đấm cũng cừ, nhưng binh lực của chúng nó hơi ít, chưa chắc nó đã tới đón đánh chúng mình. Chúng mình hãy nghỉ ngơi cho khoẻ người, chờ một chút cho đợt gió nầy lặng đi, rồi sẽ lên đường đi Slasevskaia. Cậu hãy ngồi xuống đây, chén thịt gà đi, trong bụng có gì mà nóng nảy thế? Cậu làm sao thế, cậu Melekhov, cậu hơi đâm ra nhát gan rồi đấy, rồi không bao lâu nữa cậu sẽ tránh tất cả các bụi cây, và cậu sẽ đi vòng một đường như thế nầy nầy. - Fomin khoát rộng tay, cười khà khà.

Grigori chửi thầm và bỏ đi chỗ khác. Chàng buộc con ngựa vào một bụi cây, nằm xuống bên cạnh và kéo vạt áo ca- pốt lên che mặt cho khỏi gió. Chàng mơ màng thiếp đi trong tiếng gió rít và tiếng rạt rào như tiếng hát của những đám cỏ cao đã khô nỏ rũ đầu xuống người chàng.

Một tràng súng máy dài bắt Grigori nhảy chồm dậy. Loạt súng còn chưa dứt, Grigori đã tháo xong dây cương. Fomin gào lên át cả các tiếng khác: "Ra lấy ngựa!" Lại thêm hai ba khẩu súng máy nữa nổ tằng tằng ở bên phải, từ trong rừng, Grigori nhảy lên yên và chỉ trong nháy mắt chàng đã đánh giá xong tình thế. Bên phải, ở chỗ cửa rừng, qua làn bụi có thể thấy loáng thoáng chừng năm chục chiến sĩ Hồng quân dàn thành đội hình xung phong của kỵ binh, đang xông lên để cắt con đường rút lên gò. Dưới ánh sáng của vừng mặt trời ảm đạm, những lưỡi gươm vung loang loáng trên đầu họ với cái ánh lạnh lẽo quen thuộc. Thẳng từ trong rừng ra, những khẩu súng máy bố trí trên cái gò nhỏ mọc đầy bụi rậm vội vã dốc hết đĩa đạn nọ đến đĩa đạn kia như lên cơn sốt rét. Bên trái cũng có chừng nửa đại đội kỵ binh Hồng quân vung gươm tản khai xông tới để khép kín vòng vây nhưng không hò hét gì cả. Chỉ còn lối thoát duy nhất là chọc thủng qua những đội hình xung phong thưa thớt ở bên trái và chạy ra sông Đông. Grigori kêu to gọi Fomin: "Bám sát lấy mình!" rồi rút gươm thả cho con ngựa phi vụt lên.

Sau khi vượt chừng hai chục xa- gien, chàng quay đầu nhìn lại. Fomin, Kaparin, Trumakov cùng vài tên lâu la nữa đang cho ngựa phi bạt mạng phía sau, cách chàng chừng một chục xa- gien. Mấy khẩu súng máy trong rừng đã lặng đi, chỉ còn khẩu ở đầu cùng bên phải hung hãn bắn thêm những loạt đạn ngắn vào những tên phỉ của Fomin đang chạy rối lên bên những chiếc xe vận tải. Nhưng cả khẩu cuối cùng nầy cũng lập tức câm tiếng. Grigori biết rằng các chiến sĩ Hồng quân đã tiến tới chỗ dừng chân lúc nãy của bọn thổ phỉ và cuộc đâm chém đã bắt đầu diễn ra sau lưng chàng. Chàng đoán như thế vì nghe thấy những tiếng kêu trầm trầm đầy tuyệt vọng và những tiếng súng trường thưa thớt, ngắt quãng của những kẻ chống cự. Chàng không còn đâu thì giờ để ngoái nhìn lại. Làn sóng kỵ binh phía trước lao vun vút mỗi lúc một gần, chàng bèn chọn một mục tiêu. Một chiến sĩ Hồng quân mặc chiếc áo da thuộc ngắn cũn cỡn đang phi ngựa thẳng từ trước mặt tới. Anh ta cưỡi một con ngựa xám không nhanh lắm. Như dưới một ánh chớp, Grigori chỉ nhìn thấy trong khoảnh khắc hết sức ngắn cả con ngựa đầy những đám mồ hôi sủi bọt, có ngôi sao trắng trên ức, lẫn người cưỡi ngựa với khuôn mặt đỏ bừng, sôi nổi, còn trẻ, cùng cánh đồng cỏ âm thầm, bát ngát, kéo dài ra tới bờ sông Đông ở sau lưng anh ta… Trong khoảnh khắc thứ hai thì phải tránh nhát gươm và chính mình cũng chém. Khi tới cách người kỵ binh kia chừng năm xa- gien, Grigori bất thần ngả hẳn người sang trái, nghe thấy tiếng đường gươm rú đánh vút qua đầu mình, rồi thoắt một cái chàng dướn thẳng người trên yên và chỉ kịp thúc mũi gươm vào đầu người chiến sĩ Hồng quân đã phi qua chỗ mình. Bàn tay của Grigori hầu như không cảm thấy sức mạnh của nhát gươm nhưng khi chàng ngoái đầu nhìn lại thì thấy người chiến sĩ Hồng quân từ từ tụt trên yên xuống, đầu thõng hẳn xuống và một dòng máu đặc sệt chảy trên lưng cái áo da thuộc màu vàng của anh ta. Con ngựa xám thôi không phi nước đại nữa mà đã chuyển sang nước kiệu nhanh. Nó vươn đầu một cách man rợ và cứ chạy nghiêng nghiêng, tựa như sợ cái bóng của chính nó…

Grigori áp hẳn người xuống cổ ngựa, hạ thấp thanh gươm xuống trong một động tác quen thuộc. Những viên đạn bay qua víu víu bên trên đầu chàng với những tiếng rất thanh, rất gắt. Hai tai của con ngựa áp chặt vào nhau, run lên bần bật, những giọt mồ hôi hiện lên trên hai đầu tai nhọn hoắt như những hạt cườm. Grigori chỉ nghe tiếng rú rít của những viên đạn bắn đuổi theo mình cùng tiếng thở hổn hển rất mạnh của con ngựa. Chàng ngoái nhìn lại một lần nữa, trông thấy Fomin và Trumakov; Kaparin hơi chậm lại phía sau, cách khoảng năm mươi xa- gien, và xa hơn nữa chỉ còn một tên lâu la thuộc trung đội hai là tên thọt Xcheliatnhikov đang ra sức chống đỡ hai chiến sĩ Hồng quân bám đuổi theo sau. Còn tám hay chín tên khác cũng cố sống cố chết lao đầu chạy theo Fomin, song tất cả đều bị chém chết. Những con ngựa không có người cưỡi chạy tung ra bốn phía với những cái đuôi phấp phới trước gió. Chúng đều bị các chiến sĩ Hồng quân chặn bắt. Chỉ có một con ngựa rất cao, màu hạt dẻ của tên Pribykov, lâu la của Fomin, vẫn chạy sát bên cạnh sườn con ngựa của Kaparin, vừa chạy vừa thở phì phì và còn lôi theo thằng chủ vẫn còn bị vướng chân trong bàn đạp lúc ngã xuống.

Sau khi chạy qua gò cát, Grigori ghìm ngựa, nhảy trên yên xuống, tra gươm vào vỏ. Chỉ cần vài giây chàng đã bắt được con ngựa nằm xuống. Động tác đơn giản nầy, chàng đã bỏ một tuần để dạy. Nấp sau con ngựa, chàng bắn hết một kẹp đạn, nhưng vì quá vội vã và cảm động trong khi nhắm bắn cho nên mãi đến phát cuối cùng chàng mới hạ được con ngựa của một chiến sĩ Hồng quân. Kết quả ấy đã giúp cho tên thứ năm trong bầy thổ phỉ Fomin thoát khỏi cuộc truy kích.

- Lên ngựa đi! Cậu nguy mất bây giờ! - Lúc phi ngựa tới ngang chỗ Grigori, Fomin kêu lên.

Lần nầy thật là tan vỡ hoàn toàn. Cả bầy thổ phỉ chỉ có năm tên chạy thoát. Chúng bị bám đuổi cho tới thôn Antonovsky và cuộc truy kích chỉ ngừng lại khi những tên chạy trốn đã lẩn vào khu rừng vây quanh thôn. Suốt thời gian phóng ngựa, không tên nào trong năm thằng hé răng nửa lời. Khi ra tới gần bờ sông, con ngựa của Kaparin bỗng gục xuống và không làm thế nào vực nó dậy được nữa. Những con ngựa mà mấy tên kia cưỡi cũng đã kiệt sức. Chúng lảo đảo, cất vó rất khó khăn, nước bọt đặc sệt chảy ròng ròng xuống đất thành những đám trắng loá

- Không phải là cậu chỉ huy một đội quân mà là cậu chăn một bầy cừu? - Grigori không nhìn mặt Fomin, vừa nói vừa xuống ngựa.

Tên kia nín thinh tụt trên lưng ngựa xuống. Hắn bắt đầu tháo yên, nhưng đến giữa chừng thì hắn bỏ ra chỗ khác mà không tháo xong hẳn, rồi ngồi xuống một mô đất mọc đầy dương xỉ.

- Thôi, đến phải bỏ ngựa lại mất. - Hắn vừa nói vừa hốt hoảng nhìn quanh.

- Rồi sau đó thì sao? - Trumakov hỏi.

- Sẽ phải đi bộ mò sang bờ bên kia.

- Để đi đâu?

- Chúng ta sẽ ở lại trong rừng đến đêm, sau đó sẽ sang sông và lẩn tránh thời gian đầu ở Rubezyn, tại đấy họ hàng thân thuộc của mình đông lắm.

- Lại thêm một chuyện ngu xuẩn nữa! - Kaparin điên tiết quát lên. - Cậu tưởng chúng nó không đến đấy lùng cậu phải không? Chính thôn cậu là nơi hiện giờ chúng nó đang chờ cậu đấy? Cậu nghĩ ngợi bằng cái gì thế hử?

- Hừ, thế thì chúng ta đi đâu bây giờ? - Fomin ngơ ngác hỏi.

Grigori lấy trong túi yên ngựa ra những viên đạn và một miếng bánh mì rồi nói:

- Các cậu còn định tính toán dềnh dàng bao nhiêu lâu nữa? Thôi đi đi! Tạm buộc những con ngựa lại, tháo yên ra rồi đi ngay, nếu không chúng nó có thể tóm cổ bọn mình ngay ở chỗ nầy đấy.

Trumakov ném cái roi ngựa xuống đất, dẫm nó xuống bùn và nói giọng run run:

- Thế là chúng ta biến thành bộ binh rồi… Còn bao nhiêu anh em khác của chúng ta thì đều mất mạng… Lạy Đức Mẹ, chúng con đã bị nện một trận tơi bời khói lửa? Hôm nay mình cũng không ngờ còn sống sót…, Cái chết đã lù lù trước mắt.

Cả bọn lặng lẽ tháo yên ngựa, buộc cả bốn con ngựa vào một gốc liễu đỏ rồi với những cái yên trên tay, chúng nối đuôi nhau đi hàng một ra sông Đông như một đàn sói và cố lẩn vào những chỗ cây cối thật rậm rạp.

228

Mùa xuân, khi sông Đông lên to, nước lũ tràn ngập toàn bộ bãi cỏ do nước sông bồi lên, thì ở bờ bên trái, trước mặt thôn Rubezyn vẫn còn khoảng đất nhỏ, cao, không bị ngập.

Mùa xuân mà đứng trên những ngọn núi ở vùng ven sông Đông thì có thể trông thấy ở xa có hòn đảo nhỏ nhô lên trên làn nước lũ.

Những cây liễu non, những đám sồi và những bụi hắc dương màu xanh xám cành đâm ngang dọc mọc rậm rì trên hòn đảo nầy.

Đến mùa hè, mọi thứ cây trên đó đều bị hốt bố dại cuốn nhằng nhịt lên đến ngọn còn ở bên dưới những bụi đùm đũm đầy gai mọc đầy mặt đất, không sao len qua được, bìm bìm màu xanh nhạt bám loăn xoăn trên các bụi cây và trong những khoảng rừng trồn hiếm hoi, cỏ dại được chất đất màu mỡ cho ăn không tiếc mọc rất cao, vượt cả đầu người. Mùa hè ở trong rừng thì ngay giữa trưa vẫn yên tĩnh, râm mát. Ảnh hưởng tới bầu không khí tĩnh mịch chỉ có tiếng chim vàng anh và chim cu tranh nhau đếm không biết hộ ai những năm còn được sống thêm 1. Nhưng đến mùa đông thì khu rừng trở nên hoàn toàn trống trải, trần trụi, bị đè nặng dưới bầu không khí chết lặng. Những ngọn cây nhọn hoắt như những cái răng hiện lên âm thầm, đen đen trên cái nền trắng nhợt của bầu trời mùa đông. Chỉ những đàn sói con là nằm suốt ngày dưới những bụi cỏ dại đầy tuyết. Năm nào chúng cũng tìm được trong rừng rậm một nơi nương thân chắc chắn.

Fomin, Grigori, Melekhov cùng mấy tên khác sống sót sau lần toán thổ phỉ của Fomin bị tiêu diệt đã đến ở trên hòn đảo nầy. Chúng sống qua quít lần hồi với ít thức ăn nghèo nàn mà tên anh em con chú con bác của Fomin đêm đêm chở thuyền đem đến. Chúng chỉ được ăn bữa đói bữa no, nhưng muốn ngủ thì chỉ cần gối đầu lên những cái lót yên là có thể ngủ kỳ chán mắt. Đêm đêm chúng chia nhau luân phiên canh gác. Lửa thì không dám đốt vì sợ có người phát hiện thấy chỗ trốn.

Nước lũ trần qua hòn đảo, ào ào rút về phía nam. Nước gào rú khủng khiếp, xông qua dãy tiêu huyền cổ thụ chắn ngang đường nó rồi vừa khẽ êm ả cất tiếng hát rầm rì, vừa lắc ngọn các bụi rậm ngập nước…

Chẳng mấy chốc Grigori đã quen với tiếng nước róc rách không lúc nào ngớt ngay bên cạnh mình. Chàng nằm rất lâu gần đoạn bờ sông lở xuống thành một cái vách thẳng đứng, nhìn ra mặt nước mênh mông, nhìn những nhánh núi đá phấn của vùng ven sông Đông chìm trong làn sương khói mung lung màu tím nhạt sáng lên dưới ánh mặt trời. Đằng kia, sau màn sương khói ấy là nơi thôn xóm chôn nhau cắt rốn, ở đấy có Acxinhia và hai đứa con của chàng…

Bao nhiêu ý nghĩ âu sầu của chàng đều bay về đấy. Mỗi khi nhớ tới những người thân yêu, trong khoảnh khắc cả một nỗi buồn nhớ lại loáng bừng lên nóng rực, thiêu đốt trái tim chàng, và lòng căm hờn âm ỉ đối với Miska lại sôi lên trong lòng, nhưng chàng cố nén các tình cảm đó, cố không nhìn những trái núi ven sông Đông nữa đế tránh thương nhớ thêm: Chẳng tội gì mà để cho ký ức độc ác ấy tự do tác yêu tác quái. Chưa thế tình cảm của chàng cũng đã đủ nặng nề rồi. Chưa thế trong lồng ngực của chàng cũng đã ê ẩm nhức nhối, đến nỗi đôi khi chàng có cảm tưởng như trái tim của mình bị móc ra, không đập được nữa mà chỉ rỉ máu. Xem ra Grigori đang phải chịu hậu quả của những vết thương, những cơn sóng gió gặp phải trong chiến tranh và bệnh thương hàn. Grigori bắt đầu nghe thấy từng giây từng phút tiếng tim mình đập một cách ám ảnh. Có khi cái cảm giác buốt nhói trong ngực, chỗ dưới vú bên trái dội lên đến mức không tài nào chịu nổi, làm môi chàng bất thần khô bỏng, và chàng phải vất vả lắm mới giữ cho mình khỏi bật ra tiếng rên rỉ. Nhưng chàng cũng đã tìm ra một phương pháp có hiệu quả để mình đỡ đau là nằm áp bên trái ngực xuống đất ẩm hoặc lấy nước lạnh dấp vào áo sơ- mi, thế là cái cảm giác đau đớn từ từ, tựa như miễn cưỡng rời bỏ thể xác chàng.

Những ngày đẹp trời và lặng gió nối tiếp nhau trôi qua. Chỉ năm thì mười hoạ mới thấy trên bầu trời trong sáng chập chờn vài đám mây trắng bị những làn gió trên cao tước xơ ra, hình của những áng mây in xuống làn nước lũ, trườn đi như một đàn thiên nga đến khoảng bờ sông phía xa thì biến mất…

Thật thú vị khi được ngắm luồng nước xiết réo ầm ầm một cách điên cuồng và vỗ đập tung toé vào bờ sông, được nghe tiếng nước chảy đủ các giọng và không nghĩ tới điều gì cả, đồng thời cũng cố không nhớ tới điều gì có thể làm mình đau khổ. Grigori để hàng giờ ngắm những đám nước muôn hình muôn vẻ quay lộn đỏng đảnh không lúc nào ngừng trên dòng nước. Các đám nước ấy thay hình đổi dạng từng giây từng phút; ở chỗ vừa nãy còn là làn nước lặng lờ trôi mang theo trên mặt nước những thân lau sậy gãy, những cái lá và những tụm cỏ bị vo nát, thì chỉ một phút sau đã hiện ra một cái lòng phễu kỳ lạ cuốn hút tham lam tất cả những gì trôi qua bên cạnh, và chỉ một lát sau nữa là cái lòng phễu lại nhường ngay chỗ cho đám nước sô sục đục ngầu, đưa lên trên mặt nước khi thì một gốc hương bồ đen sì, khi thì một cái lá sồi trải phẳng, khi thì một nắm rơm không biết từ đâu đưa tới.

Mỗi khi hoàng hôn xuống, ráng chiều bên phía trời tây lại rực lên như màu anh đào. Mặt trăng từ từ mọc lên từ sau cây tiêu huyền cao ngất. Ánh trăng bị tãi ra khắp mặt sông như một ánh lửa màu trắng lạnh lẽo. Những chỗ gió gợn lên trên mặt nước một làn sóng lăn tăn thì nước lại phản chiếu ánh trăng với những vạch nhấp nhoáng đen đen. Đêm đêm, hoà lẫn với tiếng nước dạt dào, trên hòn đảo còn vang lên những tiếng kêu không lúc nào ngớt của những đàn ngỗng trời đông không thể nào đếm được bay về phía bắc. Không bị ai làm khiếp hãi, những con ngỗng thường sà xuống đậu trên hòn đảo ở phần phía đông. Ở những chỗ nước lặng và những khoảng rừng ngập nước luôn luôn có tiếng những con gà nước vùng sông Tria kêu ra rả, tiếng vịt trời, ngỗng trời quang quác gọi nhau. Một hôm Grigori đi rất khẽ ra bờ sông nhìn thấy một đàn thiên nga rất lớn ở ngay gần hòn đảo. Mặt trời còn chưa mọc, nhưng sau dải rừng đằng xa, ánh ban mai đã rực lên như lửa. Phản chiếu ánh sáng ấy, mặt nước nom như biến thành mầu hồng và những con chim rất to oai nghiêm, kiêu hãnh quay đầu về phía đông nom cũng hồng hồng.

Nghe thấy tiếng loạt soạt trên bờ sông, đàn chim cất cánh bay lên với những tiếng kêu oang oang như tiếng kèn đồng. Đến khi đàn chim bay vượt lên khỏi khu rừng thì cái màu trắng như tuyết đẹp tuyệt trần của lông ngỗng sáng rực lên đập vào mắt Grigori.

Fomin và những tên đồng bọn của hắn giết thì giờ mỗi tên một cách. Vốn là một tên thạo công việc làm ăn, Xcheliatnhikov tìm cách đặt bên chân thọt một cách thoải mái nhất và ngồi lì từ sáng đến tối để sửa chữa quần áo giày ủng và lau chùi vũ khí rất cẩn thận.

Đối với Kaparin, ngủ đêm trên đất ẩm thì không tốt, vì thế hắn nằm ngoài nắng suốt ngày với chiếc áo da ngắn trùm kín đầu, chốc chốc lại húng hắng ho những tiếng khàn khàn. Fomin và Trumakov đánh bài không biết mệt mỏi với những quân bài làm lấy cắt bằng giấy.

Grigori thì lang thang khắp hòn đảo, có lúc ngồi hàng giờ bên bờ nước. Cả bọn rất ít chuyện trò với nhau vì mọi chuyện đã nói hết từ lâu rồi. Chúng chỉ tụ t
Tác giả : Mikhail Sholokhov
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại