Sơn Hà Biểu Lý

Quyển 1 - Chương 11

Edit: Yển

Chử Hoàn báo cáo Lão Vương về hướng đi mới của mình bằng giọng điệu và hiệu suất như báo tin, đồng thời trước khi đối phương kịp bày tỏ quan điểm – tức là lôi mẹ ra chửi, đã cúp máy cái rụp, sau đó họ cùng lên một chiếc xe buýt không biết chạy về phương nào.

Chử Hoàn vừa lên xe liền bắt đầu nhắm mắt nghỉ ngơi, tận đến lúc này trong đầu anh vẫn không nhịn được chiếu lại cảnh Nam Sơn trị kẻ lừa đảo, và nếu như có thể, anh thật sự muốn quay lại cảnh đó để phân tích từ từ.

Lúc ấy, sau khi kẻ lừa đảo sùi bọt mép ngã xuống đất, đã thu hút rất nhiều người dừng chân vây xem, nhưng do hắn đã ở đây một thời gian, dân bản xứ đều nhẵn mặt, cho nên xem thì xem vậy thôi, chứ ban đầu mọi người đều cho là hắn đang giả bộ, chẳng ai thèm quan tâm.

Đầu sỏ Nam Sơn này công nhiên đứng bên ngoài đám đông, hai tay chắp sau lưng, sắc mặt bình tĩnh, biểu cảm tự nhiên, giống như chẳng liên quan gì đến mình.

Kẻ lừa đảo vừa nôn mửa vừa co giật như rối gỗ bị giật dây, như thể có một bàn tay vô hình đang chơi đùa tứ chi hắn, thoạt nhìn chẳng những giống làm bộ, hành động còn hơi khoa trương. Có người ở bên cười cợt hóng hớt, cho đến khi thấy hắn ta nôn ra màu đỏ.

Mới đầu là máu li ti, sau đó lại lẫn cả máu cục.

Những người xung quanh thấy máu, rốt cuộc trở nên nghiêm túc, có một ông cụ khá lớn tuổi dẫn đầu tiến lại, sắc mặt do dự, chuẩn bị đưa hắn tới bệnh viện. Chử Hoàn nhìn Nam Sơn một cái, chỉ thấy vị “thánh mẫu" phong cách khác người kia hơi nhướng mày, hình như là đại phát từ bi mà bảo “Hôm nay còn có việc, cứ vậy đi", sau đó nghênh ngang bỏ đi, có vẻ vẫn chưa thỏa mãn.

Cậu vừa bước đi, kẻ mới hộc máu giống như được ấn nút dừng, lập tức ngừng lăn lộn, giây tiếp theo, kẻ lừa đảo bụi đất đầy mặt vậy mà lại hoang mang bò dậy.

Những người vây xem lập tức giải tán, ông cụ ban nãy nhiệt tình giúp đỡ biến sắc, cảm thấy mình bị lừa, liền nhổ vào mặt tên lừa đảo, giận dữ bỏ đi luôn.

Có lẽ Nam Sơn đã sử dụng một số thảo dược không biết tên, Chử Hoàn không am hiểu về thảo dược, nên phương diện này anh cũng chẳng suy nghĩ nhiều, nhưng phải giải thích thế nào về hai mươi đồng bay tới?

Chẳng lẽ lúc ấy đột nhiên có một cơn gió lạ lùng, trùng hợp thổi lật cái bát đựng tiền, lại trùng hợp thổi đúng hai mươi đồng về tay Nam Sơn mà không thừa thiếu một xu nào?

Chử Hoàn hầu như phải hoài nghi đó là khí công trong truyền thuyết, không phải anh muốn tuyên truyền mấy trò mê tín dị đoan, mà là anh thật sự đã phân tích tỉ mỉ một lần, nhưng vẫn chẳng thể nghĩ ra Nam Sơn rốt cuộc làm bằng cách nào.

Cứ như vậy, chốn đào nguyên trong suy đoán bỗng được phủ lên một tầng sắc thái có chút thần bí.

Chử Hoàn đoán trước là đường sẽ dài lâu, nhưng không ngờ lại lâu đến thế.

Đầu tiên họ lên một chiếc xe buýt gió lùa bốn phía, ngồi đến tận trạm cuối hiếm thấy vết chân. Nam Sơn và Tiểu Phương nghiêm túc cảm ơn khiến bác tài hết sức ngỡ ngàng, sau đó họ bắt đầu cuốc bộ hơn mười kilomet đường núi, đến một khu rừng núi hoang vu xa gần đều vắng bóng người.

Thấy Nam Sơn dừng lại, Chử Hoàn tưởng đối phương muốn nghỉ ngơi, không ngờ Tiểu Phương đột nhiên nhảy tót lên cây bằng sự khỏe khoắn nhanh nhẹn không hề hợp với hình thể cường tráng ấy.

Đại thụ đã có tuổi, vừa to vừa thẳng tắp, phải cao đến bảy tám mét, Tiểu Phương thoắt cái đã lên đến ngọn cây, thoải mái như đi trên đất bằng. Chử Hoàn dùng tay che nắng ngẩng đầu nhìn hắn, hiểu được sự tồn tại của “khỉ lông".

Tiểu Phương lấy một cái tù và nhỏ bằng kim loại trên hông, đưa lên miệng bắt đầu thổi ù ù. Thứ ấy dài chưa bằng bàn tay, Chử Hoàn còn tưởng chỉ là trang sức đeo trên thắt lưng thôi chứ.

Tiếng tù và trầm thấp xa xăm, lại tựa như hàm chứa sự lạnh lẽo thấu xương của tiếng kim thạch, theo gió truyền đi thật xa. Chử Hoàn nheo mắt, cảm thấy mấy tiếng này như lời hiệu triệu vậy.

Quả nhiên, giây lát sau đã nghe thấy tiếng vó ngựa, Chử Hoàn sửng sốt ngẩng đầu lên, nhìn thấy ba con ngựa từ phương xa chạy tới. Chúng chỉnh tề đứng trước mặt Nam Sơn, vòng quanh cậu ngửa đầu hưng phấn hí dài, con dẫn đầu còn cúi cái mặt ngựa dài ngoằng xuống, để Nam Sơn vuốt ve mũi như làm nũng.

Lại một kỹ năng không thể tưởng tượng nổi.

Cứ thế, phương tiện giao thông của cả ba từ “thập nhất lộ" đổi thành “tứ lộ". (Thập nhất – 11 là chỉ đôi chân, ý ở đây là họ từ cuốc bộ chuyển sang đi ngựa)

Trên đường, Chử Hoàn suy nghĩ lan man, không biết cậu thanh niên gặp gỡ thoáng qua kia có biết cưỡi ngựa hay chăng. Những người bình thường phần lớn tiếp xúc với ngựa trong một số trường hợp nghỉ ngơi giải trí, nếu chỉ là cưỡi ngựa một chút thì vấn đề có thể không lớn lắm, nhưng cưỡi ngựa đi trên đường núi gập ghềnh thế này… chắc sẽ không vui lắm đâu.

Xem ra quyết định lâm trận bỏ chạy của anh bạn kia là không thể chính xác hơn.

Họ đi giữa vùng rừng núi hoang vắng, không dấu chân người, đến tối liền nghỉ ngơi ngay trong cảnh màn trời chiếu đất.

Hai con dế nhũi Nam Sơn và Tiểu Phương ngay cả máy chụp ảnh cũng chưa biết dùng, càng không biết trên thế giới còn có một thứ gọi là “lều bạt", cả hai ăn gió nằm sương thể hiện trọn vẹn mình da dày thịt chắc, đốt đại một đống lửa là có thể vui vẻ qua một đêm.

Chử Hoàn không biết lỡ đâu thay bằng một thư sinh trói gà không chặt, dưới sự dẫn dắt của hai tên này, liệu có toàn mạng đến được mục đích hay không.

Đủ thấy xin bao nhiêu năm mà không ai thèm đến cũng là cực kỳ bình thường thôi.

Nhưng với Chử Hoàn thì lữ trình vẫn rất vui vẻ, bởi vì lúc gác đêm Nam Sơn sẽ dùng lá cây thổi các khúc nhạc khác nhau. Cậu vừa thổi, Chử Hoàn vừa dùng chip giấu trong kính ghi âm lại, tiếng kèn lá ấy hòa vào gió đêm, phong lưu du dương, không cần hậu kỳ xử lý đã tự có phong cách rồi.

Chử Hoàn đã thành fan cuồng của cậu trai biểu diễn âm nhạc nguyên sinh thái này. (Nguyên sinh thái chỉ hình thái biểu diễn nguyên sơ chưa từng qua gọt giũa, đậm chất quê nhà, trên thực tế là văn hóa dân tộc đã bị mọi người lãng quên hoặc vứt bỏ, hoạt động nghệ thuật này đã phát triển rất lâu trong dân gian.)

Cưỡi ngựa đi suốt một ngày một đêm, khi Chử Hoàn đang hoài nghi là mình đã qua khỏi biên giới, thì họ gặp một con sông.

Trong chớp mắt nhìn thấy con sông ấy, Chử Hoàn lập tức hiểu vì sao Nam Sơn lại có cách nói “bên này sông", trước đó Chử Hoàn tự cho là đã sắp đi hết thế giới chưa bao giờ nghĩ tới, một ngày kia mình sẽ há hốc mồm trước một con sông.

Chỉ thấy sau con sông là núi non chạy dài, bờ bên kia phủ trong màn sương mù mờ mờ, với thị lực của anh mà cũng hoàn toàn không nhìn rõ. Dòng sông như một chiếc đai gấm uốn lượn quanh co chảy xuống núi, nước không sâu, lại rất trong, cưỡi ngựa có thể trực tiếp qua được, nhưng Chử Hoàn lại có cảm giác – rằng bờ đối diện là một thế giới khác.

Tiểu Phương giục ngựa lên trước, oang oang la hét, âm thanh vang vọng trên núi, khiến lũ chim trong rừng giật mình bay vút lên không trung xanh thẳm chẳng một chút khói mù.

Nam Sơn quay đầu lại nói với Chử Hoàn: “Qua sông là đến rồi."

Chử Hoàn: “Nhà cậu?"

Nam Sơn híp mắt: “Nhà tôi."

Nói xong, cậu thúc nhẹ bụng ngựa, phóng ngựa đạp nước qua sông. Chử Hoàn đi theo, đến giữa sông thì sương mù tựa hồ càng lúc càng dày, màn sương ấy dần dần lan xuống nước, tầm nhìn ngày càng thấp hơn.

Trong nháy mắt Chử Hoàn mơ hồ nhớ tới “Đào hoa nguyên ký" lúc nhỏ từng học.

“Lâm tận thủy nguyên, tiện đắc nhất sơn, sơn hữu tiểu khẩu, phảng phất nhược hữu quang."(1) (Rừng hết thì suối hiện và thấy một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, mờ mờ như có ánh sáng)

Một bàn tay đưa lại kéo cương ngựa.

Nam Sơn: “Để tôi dẫn anh."

Màn sương mù ấy thoạt đầu càng lúc càng dày đặc, chỗ dày nhất tầm nhìn chưa đến nửa thước, không biết đi bao xa, sương mù mới lại bắt đầu loãng đi, dần dần, có ánh dương chiếu vào, giữa màn sương bị ánh sáng xua tan thoáng cái đã hệt như tiên cảnh vậy.

“Tiện xá thuyền, tòng khẩu nhập, sơ cực hiệp, tài thông nhân, phục hành sổ thập bộ, khoát nhiên khai lãng, thổ địa bình khoáng, ốc xá nghiễm nhiên…" (Bèn rời thuyền, theo cửa hang mà vô. Mới đầu hang rất hẹp, chỉ vừa lọt một người. Vô vài chục bước, hang mở rộng ra, sáng sủa; đất bằng phẳng trống trải, nhà cửa tề chỉnh)

Bỗng nhiên, tai Chử Hoàn động nhẹ, anh nghe thấy một tiếng kêu dài mà non nớt, hình như là một đứa trẻ, nó hô gì thì anh không hiểu, nhưng âm thanh trong trẻo mà vui mừng.

Sau đó, thấp hơn một chút, càng nhiều giọng trẻ con xen vào, chúng đua nhau nói.

Nam Sơn đột nhiên vỗ con ngựa của Chử Hoàn một phát, Chử Hoàn cảm thấy nó bay vọt lên không, anh không cầm được lòng túm dây cương, màn sương mù dày đặc trước mắt đột nhiên tan mất, tầm nhìn trong phút chốc đã sáng rõ.

Chử Hoàn không nhịn được nhất thời ngây ra.

Tây Nam nhiều núi, thôn xóm bản địa không thể so với đồng bằng, đa phần quy mô rất nhỏ, mấy hộ liền nhau thành một thôn, thế nhưng nơi này lại là một vùng đất bằng phẳng hiếm thấy, dòng sông thần bí kia chia làm ba nhánh, như một con linh xà trườn vào thôn, một bên là rừng rậm bạt ngàn, một bên là những căn lầu nhỏ nhấp nhô.

Do đất đai rộng rãi nên các nhà cách nhau cũng rất xa, đan xen rất thú vị, một đám nhóc con chắc mới biết đi đang thành quần kết đội chạy lăng quăng, người lớn cũng mặc kệ, giống như không hề sợ chúng rơi xuống sông.

Có mấy đứa hơi lớn hơn đã chờ ở bờ sông từ sớm, trông thấy họ, con nhóc dẫn đầu nhảy lên cao ba thước, liều mạng vẫy tay, gọi to một cái tên rất dài, Chử Hoàn nghe thấy Tiểu Phương cũng gọi Nam Sơn như vậy, anh đoán chắc là đại biểu cho địa vị của Nam Sơn ở trong tộc.

Chử Hoàn không tùy tiện mở miệng hỏi, nơi này có quá nhiều điểm lạ lùng, ánh mắt anh có phần không theo kịp.

Con bé đầu lĩnh dũng mãnh bên bờ sông bay lên đạp một phát vào mông đàn em tùy tùng, đá thằng bé để trần hai cánh tay ấy văng mấy bước. Con nhỏ “oang oang" nói gì đó, nó cũng không giận, thật thà gãi đầu, đoạn quay đầu chạy mất, chắc là đi gọi người.

Ba người lên bờ, con nhóc lập tức dẫn dắt một đám nít ranh choai choai vây lấy Nam Sơn.

Tiểu Phương lại làm bộ nổi giận bợp đầu con nhóc một phát, giống như quở mắng tội vô lễ, nhưng nó cũng không chịu thua, như một con chó hoang, vừa bị đánh thì lập tức phản kích, nhảy lên cắn tay Tiểu Phương.

Một lớn một nhỏ cứ thế lao vào cắn nhau như không có ai bên cạnh vậy.

Nam Sơn cũng không ngăn cản, quay đầu lại chỉ cô nhóc ấy mà nói với Chử Hoàn vẫn đứng bên bờ sông: “Đây là con anh ta, Mộc Mộc Cổ Đồ, nghĩa là… nụ hoa mới nhú."

Chử Hoàn: “…"

“Nụ Hoa" này quả là hổ phụ vô khuyển nữ, hiếu thuận đến hung mãnh như thế.

Một đoàn thiếu niên nhi đồng tụ lại quanh Nam Sơn, thò đầu đánh giá Chử Hoàn như một con gấu trúc ngoại lai, hết sức mới lạ, có điều chưa biết con vật hiếm thấy này tập tính ra sao, nên cả bọn chỉ dám nhìn chứ không dám lại gần.

Thực ra Chử Hoàn không thích con nít lắm, lũ nít quỷ om sòm có thể khiến đầu anh căng lên gấp đôi, song nhớ tới thân phận giáo viên bịp bợm kia, anh lại cảm thấy không tiện quá nghiêm túc, vì thế hơi cúi đầu, cười gật đầu chào chúng để tỏ ra thân thiện.

Đám thiếu niên nhi đồng “Ồ" một tiếng, giống như ngạc nhiên lắm vậy, chớp nhoáng trốn hết ra sau Nam Sơn.

Chử Hoàn: “… Chú không cắn người đâu, thật đấy."

Người lớn cũng nhanh chóng nhận được tin tức, nối đuôi chạy ra đây.

Dân nơi đây bất kể nam nữ đều để tóc dài, đàn ông đa số không mặc áo, đàn bà thì hầu hết mắt rất to, long lanh như nước, chỉ là cơ thể đa số tráng kiện vạm vỡ.

Trừ lũ trẻ con không chú trọng lễ phép lắm, mỗi một người trưởng thành gặp Nam Sơn đều dừng chân cung kính hành lễ. Kế đó, đoàn người vây quanh mấy ông cụ đi đến, mấy cụ ông có vẻ như địa vị rất cao đứng thành một hàng, cùng nhau chào hỏi Nam Sơn, Nam Sơn phất tay không để ý lắm, quay đầu lại nắm tay Chử Hoàn, giơ lên tuyên bố một câu gì đó.

Nói xong, cậu dắt Chử Hoàn đi qua đám đông, mọi người đều chỉ đi theo sau, không ai dám vượt qua họ.

Dù có bị mù thì Chử Hoàn cũng nhận ra Nam Sơn là tộc trưởng.

Tộc trưởng một tộc, ở trên địa bàn của mình nhất hô bá ứng, nói một không hai, các cụ già gặp cũng chỉ hận không thể quỳ lạy, lại dẫn theo mỗi một tùy tùng, lặn lội đường xa đến một huyện lạ lẫm để đón người. Cậu ăn mặc quái dị, tiếng phổ thông lại lộn xộn như thế, thêm nữa hành vi cử chỉ hết sức khác người, chắc hẳn bị dòm ngó chê cười không ít… Thế nhưng cậu vẫn tràn trề hi vọng, song vẫn nhiều lần không đón được người muốn tìm.

Chử Hoàn bỗng nhiên cảm thấy anh bạn trẻ này thật là tài giỏi.

—Câu này trích trong Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm, mạn phép trích đăng bản dịch của Nguyễn Hiến Lê:“Lâm tận thủy nguyên, tiện đắc nhất sơn. Sơn hữu tiểu khẩu, phảng phất nhược hữu quang, tiện xả thuyền tòng khẩu nhập. Sơ cực hiệp, tài thông nhân. Phục hành sổ thập bộ, khoát nhiên khai lãng, thổ địa bình khoáng, ốc xá nghiễm nhiên, hữu lương điền, mỹ trì, tang trúc chi thuộc, thiên mạch giao thông, kê khuyển tương văn."

Dịch: Rừng hết thì suối hiện và thấy một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, mờ mờ như có ánh sáng, bèn rời thuyền, theo cửa hang mà vô. Mới đầu hang rất hẹp, chỉ vừa lọt một người. Vô vài chục bước, hang mở rộng ra, sáng sủa; đất bằng phẳng trống trải, nhà cửa tề chỉnh, có ruộng tốt, ao đẹp, có loại dâu loại trúc, đường bờ thông nhau, tiếng gà tiếng chó tiếp nhau.
Tác giả : Priest
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại