Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 153

Vương Trăn và Đường Thận đến gần ngay.

Triệu Phụ chầm chậm nói: “Các người lui hết đi.".

Quý Phúc và thần y hầu cạnh bên đáp “vâng", cùng hành lễ rồi ra ngoài ngay.

Triệu Phụ ngẩng lên nhìn Đường Thận và Vương Trăn, cuối cùng dừng mắt ở Vương Trăn, mỉm cười. Giọng ông khào khào vì đang yếu: “Tử Phong xuống Giang Nam chuyến này cũng mất nửa năm nhỉ.".

“Tâu bệ hạ, thần xuống Giang Nam từ tháng mười năm ngoái, đến nay đã hơn năm tháng rồi."

“Tình hình sao?"

Vương Trăn báo cáo lại đầy đủ việc ở ty Ngân Dẫn Giang Nam.

Triệu Phụ vừa nghe chàng bẩm báo vừa gật gù. Đoạn ông nói: “Ngươi có thể trách trẫm vì đã giao ty Ngân Dẫn Giang Nam cho Dư Triều Sinh. Nếu không phải vì thế, người xử lí việc Giang Nam sẽ thuận lợi hơn nhiều."

Ánh mắt Vương Trăn khẽ lay động. Trước đây Triệu Phụ không đời nào nói với chàng về việc cân đối triều chính, vậy mà bây giờ ông lại nhắc đến. Vương Trăn kính cẩn chắp tay, giọng chàng ấm nhuận rành rọt: “Bệ hạ ắt có dụng ý riêng. Trong ba mươi sáu châu Đại Tống thì ba châu Nam, Bắc Trực Lệ và Giang Nam là những vùng sung túc nhất, khó lập Ngân khế trang Đại Tống nhất. Hai vùng Trực Lệ đã có bệ hạ trấn giữ, thần không mảy may phải lo lắng. Nếu ngay cả Giang Nam bệ hạ cũng lót đường sẵn thì chẳng hóa thần là hạng cắn cơm không vỡ sao?".

“Ngươi đúng là…" Triệu Phụ cười khơ khớ, nhưng chỉ được một lúc ông đã có vẻ khó thở, bèn dừng lại.

Sau đó, Triệu Phụ không nhắc lại chuyện triều đình nữa. Trái lại, ông nói về sức khỏe mình: “Lần này lâm trọng bệnh, trẫm thấy mình mơ màng đi giữa mịt mùng sương đặc đến một tòa điện nguy nga hùng vĩ. Trên điện có vị quan lớn mặt mày hùng tợn, nện kinh đường mộc hỏi trẫm tên họ là gì, vì sao tới đây.".

Đường Thận nghĩ thầm: Gặp Diêm La Vương1 rồi đó ư?

Nhưng thường thì lời nói của Triệu Phụ luôn có ẩn ý khác.

Hai người tiếp tục lắng nghe.

Triệu Phụ rằng: “Trẫm tuần tự trả lời từng điều. Nhà quan lại chất vấn trẫm, thế có công đức gì không. Câu hỏi ấy làm trẫm cứng họng, vắt óc suy nghĩ mà không ra. Trẫm mới hỏi ông ấy rằng thế nào là công đức, đại nhân mách giúp đôi điều được không? Ông quan hung dữ bèn bảo trẫm, cứu vớt lê dân trong thiên hạ, làm việc có ích cho muôn đời, đều là công đức lớn lao không gì sánh nổi."

Triệu Phụ thở dài thườn thượt: “Ngặt nỗi trẫm sống hơn sáu chục năm trời mà chẳng thực hiện nổi bất cứ điều nào!"

Vương Trăn và Đường Thận gần như hành lễ cùng lúc, hai miệng đồng thanh.

“Xin bệ hạ thứ tội."

“Xin bệ hạ thứ tội."

Triệu Phụ hơi ngỡ ngàng. Ông nhìn họ một thoáng rồi cười: “Quả là tâm linh tương thông."

Đường Thận: “Thần có tội, xin bệ hạ xá cho, nhưng có lời này, mong bệ hạ cho phép thần được nói."

“Nói đi."

“Năm ngoái, thần đến Tấn châu công tác do bộ Công có kế hoạch mở đường quan. Thần từng nghe người ta kể về Tấn Châu qua thơ rằng:

‘Ở Tấn châu có một con hùm ác

Chén thịt người đẫy dạ, đã quen mồm

Nơi nó qua, làng tiêu điều xơ xác

Nàng dâu trẻ khóc tang cả nhà chồng2.’

Tấn châu nằm ở vùng tây nam nơi đường núi gập ghềnh, khó liên thông với vùng ngoài. Thơ này kể rằng ở Tấn châu có con hổ dữ ăn thịt người, dân chúng lầm than khổ sở, cứ mười hộ thì chín hộ bị nó ăn thịt mất, thế mà người ngoài tuyệt nhiên không biết." Đường Thận chắp tay nói tiếp, “Song lần này thần đến Tấn châu thì không hề thấy một vùng đất xác xơ nghèo khổ, sói hổ hoành hoành, chỉ thấy dân chúng sung túc yên vui. Âu cũng là nhờ nước yên nên dân mới ổn."

“Chẳng phải đó là công đức vĩ đại cho thiên hạ sao?"

Nét cười trên gương mặt Triệu Phụ rỡ ràng hơn, ông huơ tay chỉ về phía Đường Thận mãi, cuối cùng mới cười nói: “Ngươi nhé, giỏi phỉnh phờ trẫm nhất đấy. Giấc ngủ này của trẫm kéo dài qua cả năm mới, bây giờ Cảnh Tắc hai mươi ba tuổi rồi nhỉ?"

“Đúng thế ạ, năm nay thần đã hai mươi ba."

“Ngày xưa thì còn bảo là trẻ con miệng ngọt mía lùi, sau này còn phỉnh phờ trẫm thế nữa, trẫm chỉ có thể coi ngươi là sủng thần gian nịnh thôi."

Triệu Phụ nhắc đến cái tội tày đình đáng chém chín họ mà chẳng hề có thái độ trách cứ.  

Đường Thận chầm chậm ngước nhìn nhà vua trên trường kỉ. Ông ốm đến nỗi kiệt quệ cả người, song diện mạo không vì thế mà bớt uy nghi phần nào. Mặc dù vậy, dường như lúc này ông giống với bậc trưởng bối trong gia đình hơn là đấng quân vương. Đường Thận bỗng cảm thấy xót xa, lặng thinh cúi đầu.

Triệu Phụ nói chuyện với hai người Vương Đường thêm một chốc. Vì chưa hồi lại sức sau cơn bạo bệnh nên chẳng mấy ông đã buồn ngủ, bèn gọi Quý Phúc vào. Trước khi hai người ra về, ông xúc động nói với Vương Trăn và Đường Thận: “Trẫm muốn lập nên công đức lớn lao!"

Hỏi rằng trên cõi đời này, có ai không muốn được ca tụng muôn đời, lưu danh thiên cổ?

Đường Thận trịnh trọng đáp lời vua: “Thần quyết không nhục mệnh."

Vương Trăn và Đường Thận cùng ra khỏi cung. Dọc đường cả hai không nói nhiều, nhưng ra đến cửa cung thì bất ngờ gặp xe ngựa của Chu Thái sư. Xe ngựa dừng lại cạnh họ, Chu Thái sư vén màn lên. Vị nguyên soái già đang ngồi ngay ngắn trong xe, thấy Vương Trăn và Đường Thận thì khẽ gật đầu.

“Hạ quan Vương Trăn/ Đường Thận bái kiến Thái sư."

“Không cần đa lễ. Giờ Vương tướng là Thượng thư Tả bộc xạ hàm nhất phẩm đồng cấp với lão phu, hành lễ làm gì."

Vương Trăn khẽ mỉm cười: “Hạ quan đâu có vái chào Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, người hạ quan muốn tỏ lòng tôn kính là Thái sư kia."

Chu Thái sư nở nụ cười hiếm hoi, gật đầu tỏ ý ngợi khen. Thoáng cái, xe ngựa của ông đã tiếp tục lăn bánh vào cung.

Đường Thận thầm nghĩ: Triệu Phụ bảo cậu khéo phỉnh nịnh, giỏi tán tụng, song kì thực nếu so ra, e là cậu chẳng với đến cái ngón chân của Vương Tử Phong mất! Trông chiêu vuốt mông ngựa kia kìa, thản nhiên như không!

“Úi!" Thình lình bị búng trán, Đường Thận quay đầu sang, “Kìa sư huynh?"

Vương Trăn nhìn xuống cậu, chau mày: “Ngấm ngầm đặt điều nói xấu ta đấy phỏng?"

Đường Thận ngồi ngay chẳng sợ bóng nghiêng: “Đâu ra, huynh có bằng chứng không?"

Vương Trăn cũng đến phì cười với cậu: “Cái bản lĩnh hiên ngang như đúng rồi này em học từ chỗ nào vậy hả?"

“Học huynh chứ còn ai."

Vương Trăn đỡ trán thở than bằng một giọng bi ai hùng hồn: “Chao ôi, bất hạnh thay cho cái nhà này! Lẽ nào danh tiếng trăm năm của Lang Gia Vương thị lại đi đứt trong tay phu nhân thằng đích tôn đời thứ mười một là ta đây… Ấy, đừng quậy, chưa ra khỏi cung đâu đấy."

Đường Thận trố mắt, hóa ra đức ngài còn biết chúng ta vẫn ở trong cung đó hở?!

Hai người sánh vai rời hoàng cung. Cùng lúc đó, Chu Thái sư bước vào cung Phúc Ninh.

Tháng hai năm Khai Bình thứ ba mươi lăm, Triệu Phụ đã tỉnh, nhưng không một ai cảm thấy ông còn sống lâu được nữa. Mọi người đều ngầm hiểu đây chỉ là hồi quang phản chiếu, là phút minh mẫn trước lúc lâm chung. Thuở còn trai tráng, Triệu Phụ từng chinh chiến nên cũng sẵn bệnh trong người. So bề sức khỏe, ngay cả hoàng đế nước Liêu trẻ hơn ông đến mười hai tuổi còn ngày một sa sút, nữa là Triệu Phụ nay đã già. Vì thế,  lần này Triệu Phụ tỉnh được đã là ngoài dự đoán của mọi người.

Đáng ngạc nhiên hơn, Triệu Phụ chẳng những hết mê man mà còn hồi phục từ từ dưới sự điều dưỡng của thần y và các Thái y.

Đường Thận cũng cảm thấy diệu kì quá đỗi. Hằng năm, cứ mỗi độ đông về là Triệu Phụ dần dần già đi, tựa hồ bất cứ lúc nào cũng có thể giã từ nhân thế. Tại sao vừa sang xuân thì bỗng dưng ông ta tràn trề sinh lực, cứ như thừa sức sống cả trăm năm nữa?

Thành thử các quan cũng thấy phí hoài tình cảm vì chưa chi đã thương tâm buồn khổ chuyện hoàng đế sắp băng hà.

Ai biết đâu ông vua này tự nhiên lại khỏe như vâm thế!

Mùng sáu tháng Tư năm Khai Bình thứ ba mươi sáu, buổi chầu được tiến hành lại, bá quan triều kiến hoàng đế.

Đứng đầu hàng quan văn bên trái vẫn là Tả tướng Từ Bí, song người dẫn đầu hàng quan võ bên phải bữa nay lại là Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái Chu Thái sư!

Buổi đại triều này đáng lẽ phải được cử hành từ tháng giêng, nhưng vì Triệu Phụ hôn mê bất tỉnh nên đã hoãn tới tận bây giờ. Bá quan vào chầu, báo cáo thành tích một năm qua. Tròn một giờ sau, lễ đại triều mới kết thúc.

Ngay hôm sau, Chu Thái sư đã sửa soạn rời kinh về U châu. Chỉ có điều, không ai ngờ Triệu Phụ lại sai ông dẫn theo Nhị hoàng tử Triệu Thượng!

Khi thánh chỉ ban đến phủ Nhị hoàng tử, chính Triệu Thượng cũng thấy hết sức mơ hồ. Anh ta hoang mang tiếp chỉ, rồi tức tốc triệu các quân sư đến: “Mạnh tiên sinh, thế này là thế nào? Ngay cả doanh trại ta còn chưa đặt chân đến lần nào nữa là đi U châu. Sao bỗng dưng phụ hoàng lại giáng chỉ như thế!"

Vị quân sư được gọi là Mạnh tiên sinh làm sao mà hiểu nổi dụng ý của Triệu Phụ. Ông ta vắt óc suy nghĩ: “Điện hạ đừng cuống, đây chưa hẳn đã là chuyện tồi. Ý chỉ đã ban tất nhiên không thể kháng, kiểu gì chúng ta cũng phải đến U châu. Có điều hiện giờ người duy nhất tiếp chỉ chính là ngài, không có Tứ hoàng tử và Ngũ hoàng tử. Rõ ràng, Thánh thượng có sắp đặt khác cho ngài. Chu Thái sư là ai? Là người mà Thánh thượng tin cậy nhất. Nếu ngài đi theo Thái sư, có khi sẽ gặp cơ may lớn ở U châu cũng nên!"

Triệu Thượng nghe thế, mắt sáng rỡ ràng.

“Tiên sinh nói chí phải. Xin tiên sinh hãy theo ta đến U châu, giúp ta một tay!"

“Kẻ này xin được vào sinh ra tử cùng điện hạ!"

Chỉ mấy hôm sau, Chu Thái sư đã dẫn nhị hoàng tử Triệu Thượng về U châu, nhằm hướng tây mà đi.

Sang tháng năm, bộ Tạo Cải đạt được một số thành công nhất định. Chủ sự bộ Tạo Cải Quý Mạnh Văn viết ba bản tấu để lên bàn Đường Thận. Đường Thận đọc bản tấu xong thì gọi ngay ông ta từ Nam Trực Lệ về.

Ngay đêm đó, trong phủ Hữu tướng.

Gần cuối tháng năm, hoa sen nở rộ khắp mặt ao. Ánh trăng như tấm sa buông trên hồ sen thắm, chẳng khác nào làn sương trắng nhẹ tênh bồng bềnh.

Nâng chén cùng trăng, Hữu tướng Vương Thuyên bỗng thấy dạt dào thi hứng. Ông ngâm một bài thơ vịnh trăng của người xưa, quay đầu đề xuất: “Tử Phong, sao con không làm bài thơ cho thêm phần hứng khởi nhỉ?"

Vương Trăn lắc lư cái chén bạch ngọc, ánh mắt trong ngời của chàng đảo quanh: “Cảnh Tắc từng nói một câu thế này."

“Ồ, câu gì? Nói ta nghe xem nào."

Vương Trăn: “Mấy ông quan to các huynh đang moi tiền thuế của nhân dân để ăn chơi đàng điếm, hưởng thụ sướng sung đấy."

“… Hả?"

Vương Trăn cười nói: “Em ấy giải thích với con, đại ý câu đấy là quốc thổ bị chiếm còn chưa giành lại, muôn dân trăm họ chưa sung túc ấm no, những người quyền cao chức trọng như chúng ta chớ nên ham hưởng thụ mà nên cần cù tận tụy, đổ mồ hôi sôi nước mắt vì nhân dân đến hơi thở cuối cùng."

“…"

Hữu tướng bỗng thấy nữ chúa sơn lâm nhà mình mới đáng yêu làm sao.

Dĩ nhiên, cái đó người ta gọi là “mắt tình nhìn thấy Tây Thi"3. Vương Thuyên biết làm sao được cái thú nơi giường chiếu của người khác, cũng chẳng biết Đường Thận nói câu ấy trong hoàn cảnh nào.

Vương Thuyên uống cạn bầu rượu, bàn việc chính: “Sao hôm nay không dẫn Đường Cảnh Tắc theo cùng?"

Vương Trăn trầm ngâm, làn mi hững hờ rủ xuống: “Việc cần bàn hôm nay không nên lôi cả em ấy vào."

Vương Thuyên cười: “Có làm sao đâu. Chẳng qua là dăm ba chuyện ra luồn vào cúi, vu oan giá họa thôi. Chính con cũng là gian thần, nào phải lần đầu làm thế? Về sau cũng không thể chỉ có mỗi lần này."

Vương Trăn ngước nhìn ông: “Phong cho rằng thúc tổ mới là người đóng vai trò chủ chốt lần này chứ."

Vương Thuyên đằng hắng hai tiếng, vờ như không nghe thấy gì.

Vương Trăn nhấc chén toan uống thêm, nhưng ngẫm lại đêm nay đã uống kha khá rồi, về nhà say quá không khéo lộ manh mối. Con gái bình thường, hay kể cả thư sinh, quan lại bình thường cũng không thể lần ra sự khác lạ chỉ từ một lời nói hay cử chỉ của chàng, nhưng tiểu sư đệ nhà chàng thì chẳng giống thế. Chỉ sợ lộ chút tăm hơi thôi Đường Thận đã sinh nghi rồi.

Vương Trăn chợt nói: “Con có phải người tử tế không?"

Vương Thuyên đã ngà ngà say, được người hầu dìu về hậu viện. Ông buông một câu với Vương Trăn: “Việc ấy con tự làm đi nhé!"

Vương Trăn bật cười. Thấy vô vị quá, chàng bèn đứng dậy ra về.
Tác giả : Mạc Thần Hoan
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại