Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 142

Thư nhà đi từ phủ Cô Tô đến Thịnh Kinh, lúc gửi được tới U Châu thì đã sang tháng năm rồi.

Đường Thận nhận thư từ Cô Tô mới biết, hóa ra sau khi từ quan, Phó Vị đã xuống Giang Nam du ngoạn.

Năm Khai Bình thứ ba mươi hai đã được định trước là sẽ khác xưa. Kỷ tướng bị bãi quan, Phó Vị cáo lão về quê, những bậc quyền thần từng nắm quyền sinh quyền sát, từng trải bao phen mây mưa tráo trở1 trên triều đình lần lượt từ chức. Có lẽ, đây cũng là điềm báo cho sự khép lại của thời đại hoàng đế Khai Bình.

Cuối tháng năm, Vương Trăn về kinh trước.

Trong vòng hai năm, Ngân khế trang bộ Binh đã được thành lập trên toàn bộ ba mươi sáu châu Đại Tống, gây dựng nền móng vững vàng. Ban đầu ty Ngân Dẫn chỉ quản lí tiền lương và lương thực của quân doanh Tây Bắc, nhưng kể từ năm nay, lương hướng của đại quân Tây Nam và Thống quân2 các vùng đều thu về kho của ty Ngân Dẫn hết.

[2] Một chức chỉ huy trong quân đội.

Hiển nhiên ty Ngân Dẫn không chỉ được thiết lập ở U Châu, lần này Vương Trăn về chủ yếu là để đốc thúc việc thành lập ty Ngân Dẫn ở kinh đô.

Đường Thận tiễn chàng rời U Châu. Bên đình Thập Lý ngoài thành, Vương Trăn vén rèm xe, cười với cậu: “Tiểu sư đệ, không phải tiễn nữa đâu."

Đường Thận: “Sư huynh lên đường bình an."

Xung quanh có thật nhiều quan viên, hai người chẳng thể nói với nhau những lời âu yếm riêng tư được. Vương Trăn nhìn sâu vào mắt Đường Thận, buông rèm. Cỗ xe lăn bánh.

Chỉ vài hôm sau khi Vương Trăn về kinh, hoàng đế hạ thánh chỉ thành lập ty Ngân Dẫn ở cả Thịnh Kinh và Giang Nam.

Trong phút chốc, quyền lực của ty Ngân Dẫn lên đến đỉnh điểm.

Vương Trăn nắm quyền cao, ngay cả Hữu tướng Vương Thuyên cũng phải tạm tránh đi3.

Giờ khi nhắc đến Vương đảng, các quan đều nghĩ đến Vương Trăn đầu tiên chứ không còn nghĩ tới Vương Thuyên nữa.

Quan viên và nha dịch toàn người nhìn mâm đặt món4, dù ai đang nắm quyền đi chăng nữa thì cũng không dây vào được, thành thử họ càng dốc sức làm việc cho người đó hơn. Thượng thư bộ Công Viên Mục vốn bất hòa với Vương Trăn, song vì Vương Trăn đang đắc thế, Viên Thượng thư biết co biết duỗi bèn gạt bỏ hết mâu thuẫn giữa hai người, tận tâm tận lực xây dựng nha môn ty Ngân Dẫn ở Thịnh Kinh.

Chỉ vỏn vẹn một tháng, ty Ngân Dẫn Thịnh Kinh, Giang Nam lần lượt được xây xong.

Trong bữa tiệc riêng tại nhà, Hữu tướng Vương Thuyên cảm khái với cháu mình: “Con thấy đấy, lần này bọn họ tuyệt nhiên không dám kiếm chác gì." Ông ngừng lời một thoáng, có lẽ cho rằng nói thế chưa hợp lý, bèn bổ sung: “Dù tham ô đi chăng nữa cũng chỉ dám bòn rút một phần mười là hết cỡ, nhưng chẳng phải chúng làm việc vì con đâu. Có ai mà không biết, hiện giờ con là quyền thần nhất phẩm đang lên kia chứ?"

Vương Trăn kinh ngạc nói: “Việc giám sát ty Ngân Dẫn cốt là để phụng sự Thánh thượng, nào có liên quan gì tới con đâu, sao thúc tổ lại nói vậy?"

Vương Thuyên không đáp lời chàng, hừ một tiếng: “Kỷ Ông Tập, Phó Hi Như đi hết rồi, năm nay lão phu cũng đã ngoài sáu mươi, cũng đến lúc phải suy xét thôi."

Ngoài cửa miệng thì Vương Thuyên nói thế, nhưng liệu ông có thể từ quan được không?

Chớ thấy Vương đảng mạnh mà lầm tưởng, bởi Vương Trăn chỉ được coi là nửa Vương đảng thôi. Nếu ông cáo lão về quê, một nửa Vương đảng sẽ sụp đổ ngay tức thì!

Công việc của ty Ngân Dẫn được xúc tiến với khí thế hừng hực, đến tháng bảy thì mọi việc đều tiến triển rất thuận lợi. Vương Trăn bày mưu bao năm, tính kế ròng rã mới khiến các thế gia đại tộc trở tay không kịp, đến lúc nhận ra sự bất thường của ty Ngân Dẫn và Ngân khế trang bộ Binh thì đã muộn rồi. Mỗi Ngân khế trang bộ Binh là một quân cờ rải khắp thần lục cửu châu5, dệt nên một mạng lưới chằng chịt.

Ty Ngân Dẫn đã vào đà, tất cả chỉ còn chờ gió Đông thôi.

Vương Trăn biết, ty Ngân Dẫn hiện giờ không còn có thể bị thế gia đại tộc lay chuyển nữa. Tuy nhiên, nếu thực thi chính sách “dùng giấy làm tiền" bây giờ thì quá hấp tấp. Họ vẫn cần phải đợi. Có thể là một năm, có thể là hai năm nữa, nhưng khoảng thời gian ấy sẽ không còn dài. Chàng đã bày sẵn đường đi nước bước cho ván cờ này, chỉ cần thời cơ đến, hoàng đế hạ chỉ, Ngân khế trang bộ Binh vốn dành riêng cho quân đội sẽ chuyển sang phục vụ chi tiêu hàng ngày của toàn dân chúng. Đó sẽ là bước đi đầu tiên của vĩ nghiệp ngàn thuở này.

Suốt đêm ấy, Vương Trăn đánh cờ một mình trong thư phòng phủ Thượng thư bộ Hộ.

Một tay chàng cầm quân đen, tay kia chàng dẫn quân trắng, tự đấu với mình mà cũng thành thế giằng co, địch ta ngang ngửa.

Quân đen như con rồng dài hung hãn, xông xáo khắp nơi, phá toang thành trì; quân trắng như biển cả rộng mênh mông, lòng sâu thăm thẳm, mò không thấy đáy. Càng về sau, tốc độ hạ cờ của Vương Trăn càng chậm. Lúc chàng nhấc một quân cờ bé xíu màu trắng lên lần nữa, ngoài phòng có tiếng quản gia gọi vào: “Công tử, đã đến lúc lên triều, giờ chuẩn bị triều phục cho ngài được chưa ạ?"

Thì ra bình minh đã ló rạng.

Vương Trăn bỗng hồi tỉnh, chàng ngẩng lên, ngẩn ngơ trong giây lát.

“Chuẩn bị triều phục đi."

“Vâng."

Vương Trăn cúi đầu, đặt viên cờ bé nhỏ lên bàn. Chỉ trong tích tắc, đại dương trào sóng cả, trút sạch lớp vỏ trầm lặng nãy giờ, nuốt chửng con ác long đen đúa. Nhìn bàn cờ, Vương Trăn thở dài thườn thượt, cảm thấy cô đơn đến khôn cùng.

Chàng lập tức đứng dậy đi qua bàn sách, lấy bút lông sói, chấm mực viết một lá thư.

Quản gia vào phòng đưa triều phục cho chàng, Vương Trăn chìa thư bảo: “Gửi đến U Châu, gấp6."

Ba ngày sau, Đường Thận nhận được lá thư ấy. Vì Vương Trăn gửi hỏa tốc nên cậu nghĩ có việc khẩn cấp phát sinh, lo lắng bóc thư đọc ngay. Vừa thấy dòng chữ ngắn gọn trong lá thư, Đường Thận ngỡ ngàng trong thoáng chốc, rồi chẳng thể làm gì hơn ngoài mỉm cười.

“Ta cũng nhớ huynh biết bao."

Cậu đọc đi đọc lại lá thư đến ba lượt rồi mới cất vào tay áo, gọi Lâm Hủ tới.

Lâm Hủ là Ty chính ty Ngân Dẫn U Châu, cũng là tâm phúc của Vương Trăn. Vương Trăn chỉ gửi gắm nỗi nhớ nhung trong lòng đến Đường Thận thôi, nhưng Đường Thận vẫn nhận ra đôi chút khác thường. Cậu hỏi Lâm Hủ: “Hiện giờ ông có nắm rõ các quan thuộc ty Ngân Dẫn ở U Châu không, có thể tin cậy được hết chứ?"

Mắt Lâm Hủ đảo quanh, nói nhỏ: “Đại nhân yên tâm, toàn người nhà cả."

Đường Thận: “Sư huynh vất vả thật!"

Lâm Hủ không hiểu lắm nhưng vẫn lưu tâm, định bụng sẽ tìm cơ hội nhổ bớt mấy cái đinh đáng ngại còn sót trong ty.

Cuối tháng bảy, Vương Trăn đệ trình tấu chương, tiến cung diện thánh.

Điện Thùy Củng sáng sủa tinh tươm, những cánh cửa sổ thủy tinh khiến tòa cung điện ngời ngời như cõi tiên. Vương Trăn được gọi vào cung, nhưng chỉ một lát sau, các Khởi cư lang, Khởi cư xá nhân phụ trách ghi chép hôm nay đều rời khỏi cung điện, các thái giám đứng chầu cũng lui ra ngoài cửa điện hết.

Trong điện Thùy Củng chỉ còn lại hai người Triệu Phụ, Vương Trăn, và cả Quý Phúc.

Triệu Phụ và Vương Trăn bàn kín với nhau, sau nửa canh giờ, Vương Trăn mới rời khỏi điện Thùy Củng.

Vương Trăn mặc quan bào màu đỏ, màu áo tươi nhưng không quá rực rỡ, càng tôn lên thần thái phóng khoáng phong nhã, ung dung tựa tiên của chàng. Chàng rời cung với nét mặt thản nhiên, lên xe ngựa về thẳng bộ Hộ. Sau khi chàng đi, điện Thùy Củng chìm trong sự yên tĩnh đến hiu quạnh.

Các quan Khởi cư chưa vào điện ngay, lũ thái giám cũng đang chờ ngoài cửa.

Triệu Phụ ngồi trên ngai, ngửa mặt nhìn lên, Đại thái giám Quý Phúc cúi đầu đứng chầu bên cạnh.

Rất lâu sau, Triệu Phụ mới nhẹ nhàng cất tiếng, giọng điệu chậm rãi ôn hòa: “Ngươi nói xem, làm thế nào mà Vương Tử Phong hiểu lòng trẫm đến vậy nhỉ?"

Quý Phúc nghe mà điếng người, lão đâu biết mình nên đáp gì, nhưng vì hoàng đế vẫn đang chờ câu trả lời của lão, lão đành thưa: “Vương tướng công một lòng vì Đại Tống, mà quan gia cũng vậy, cho nên tướng công mới có thể hợp ý quan gia." Quý Phúc và Vương Trăn rất thân, đương nhiên trong tình huống này lão sẽ nói tốt cho chàng.

Triệu Phụ có suy tính nhiều hơn nữa cũng không ngờ rằng, người kề cận hầu hạ mình mấy chục năm nay lại cùng hội cùng thuyền với Vương Trăn. Ông ta gật đầu, lấy một quyển tấu mới trong đống tấu chương trên bàn. Đọc bản tấu một lát, Triệu Phụ vứt nó cho Quý Phúc: “Xử lí gọn ghẽ vào, trẫm không muốn bất kì kẻ nào thấy nó."

Quý Phúc vội vàng nhận quyển tấu, vâng lời: “Dạ."

Triệu Phụ còn lẩm bẩm thêm một câu: “Sao ba đứa con trai của trẫm chẳng có đứa nào được như Vương Tử Phong nhỉ? Khéo đến Phỉ Nhiên chúng cũng chẳng bằng."

Quý Phúc nghĩ thầm: Ba vị hoàng tử đầu thai khéo nên mới sinh ra trong hoàng thất. Còn các quyền thần trên triều đình có ai mà không phải anh tài kiệt xuất, được sàng lọc từ hàng nghìn, hàng vạn người đâu? Các hoàng tử của ngài làm sao bì kịp với người ta? Chớ kể tới Vương Tử Phong, Tô Ôn Duẫn, ngay đến Đường Cảnh Tắc ba vị hoàng tử còn thua xa nữa là!

Quý Phúc cầm tấu chương ra khỏi điện Thùy Củng, lão sai con nuôi là Tạ Bảo đốt một chậu than, định thả vào tiêu hủy luôn. Trước khi vứt quyển tấu vào chậu than, Quý Phúc khựng lại, ngó nghiêng kĩ càng xung quanh. Thấy nơi đây không một bóng người, cung điện hẻo lánh này cũng chẳng còn thái giám, cung nữ nào khác chầu chực, Quý Phúc mới rón rén mở quyển tấu, đọc lướt nội dung.

Mắt trố ra vì kinh ngạc, lão cuống cuồng vứt vội quyển tấu xuống chậu than.

Cung điện trống huếch chỉ có một mình Quý Phúc và chậu than bập bùng. Quý Phúc vỗ vỗ ngực, luôn mồm than: “Chết khiếp lão đây7 rồi." Đến khi bình tĩnh, lão nghiêm giọng nói: “Vương Tử Phong quả là khác người."

Vương Trăn làm việc trong hoàng cung bao nhiêu năm nay, chủ động giao hảo với những người gần gũi hoàng đế như Quý Phúc, Lý Tiêu Nhân, lợi ích ra sao giờ đã rõ8.

Quý Phúc sai con nuôi Tạ Bảo đích thân xuất cung đưa thư cho Vương Trăn.

Vương Trăn đọc thư, mỉm cười nhẹ bẫng. Chàng chìa góc lá thư vào ngọn nến, nhìn lưỡi lửa liếm trụi lá thư này.

Chẳng ai có thể tưởng tượng nổi, chỉ cần sai một li thôi, Dư Triều Sinh suýt nữa đã kiêm cả hai chức Thượng thư bộ Hình lẫn Thượng thư bộ Hộ!

Hôm sau, hoàng đế hạ chỉ, thăng Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh lên Tham tri chính sự Trung thư tỉnh, quản hạt ty Ngân Dẫn Giang Nam. Tuy chức quan vẫn thuộc hàm nhị phẩm, nhưng quyền hành lại tăng gấp bội. Không chỉ có vậy, việc hoàng đế giao ty Ngân Dẫn Giang Nam cho Dư Triều Sinh cũng làm suy yếu bớt quyền lực của Vương Trăn.

Các quan phục dịch hoàng đế Khai Bình đã ba mươi hai năm nay, chẳng mấy chốc đã tường tận bản chất sự việc.

Dư Triều Sinh là học trò xuất sắc nhất của Tả tướng Từ Bí, là nòng cốt của Từ đảng, hoàng đế trọng dụng anh ta tức là đang nâng đỡ Từ đảng. Hơn nữa, ty Ngân Dẫn Giang Nam còn là đại bản doanh của Vương Trăn, có ai không biết Vương Trăn xuất thân từ Lang Gia Vương thị, là người Kim Lăng kia chứ? Sắp đặt này vừa làm suy yếu Vương đảng, vừa tiếp sức cho Từ đảng. Quanh đi quẩn lại, quyền mưu đế vương được vận dụng vô cùng nhuần nhuyễn.

Tô Ôn Duẫn về kinh đã lâu, nghe tin ấy liền cười khẩy: “Nếu Thánh thượng muốn nâng Từ đảng thật thì sao không lột quách cái chức Thượng thư bộ Hộ của Vương Tử Phong đi? Hắn đã là đại thần nhất phẩm, lại còn kiêm thêm cả bộ Hộ, quản lí quốc khố, chậc, thế có hợp lí không?"

Chúng quan nhỏ ngơ ngác, chẳng hiểu mô tê gì.

Nhóm quan lớn tự phụ cứ tưởng mình nhìn thấu được ý đồ của Triệu Phụ, cho rằng Triệu Phụ kiềm hãm Vương đảng, chèn ép Vương Trăn, tăng thêm quyền hành cho phe Tả tướng.

Chỉ có những bề tôi thân tín thực thụ của Triệu Phụ mới hiểu rằng, quyết định này của Triệu Phụ ẩn chứa toan tính quá sâu xa.

Làm sao Dư Triều Sinh lại không biết, tuy mình thăng chức thật đấy, nhưng chẳng tiến lên được là bao?

Hai thầy trò ngồi trong thư phòng, ngắm mưa nảy trên tàu lục bình ngoài song cửa.

Hồi lâu sau, Từ Bí nhẹ nhàng thở dài, nói: “Lão phu thua Vương Tử Phong mất rồi."

Dư Triều Sinh cúi đầu: “Là lỗi của học trò, học trò đi sai một nước."

Từ Bí cười: “Con cứ ôm lỗi lầm về mình thế, nhưng để cầm quân đánh cờ với Vương Tử Phong thì con chưa đủ tư cách đâu. Lão phu ủ mưu9 suốt cả năm trời, nâng đỡ10 hắn và ty Ngân Dẫn của hắn lên tới đỉnh cao, nâng đến độ hoàng đế không thể nào khoan nhượng thêm, vậy mà vẫn bị hắn hóa giải. Nghe nói mấy hôm trước hắn vào điện Thùy Củng một chuyến, không biết đã nói gì nữa đây."

Dư Triều Sinh hổ thẹn đến đỏ cả mặt, không nói nổi câu nào.

Đây là lần đầu tiên, cảm giác không cam lòng trong anh ta bùng lên dữ dội như thế.

Anh ta và Vương Trăn là tiến sĩ cùng bảng, anh ta là Bảng Nhãn xếp sau Vương Trăn, anh ta còn lớn hơn Vương Trăn mấy tuổi, thế mà Từ Bí nói, anh ta chưa đủ tư cách đấu cờ với Vương Tử Phong.

Sóng lòng trào dâng, tay Dư Triều Sinh run lên, gần như không kiềm chế nổi cảm xúc nữa.

Từ Bí nhìn anh ta, nói: “Biết hổ thẹn mới nên đức dũng11. Con vốn xuất thân hàn vi, cố nhiên từ nhỏ đã không được học nhiều, thấy nhiều bằng hắn. Song, thời giờ đằng đẵng, trước đây có người dòng dõi thế gia, tài nghệ siêu quần, thuở sinh tiền còn được khắc tên trên bia công đức, vậy mà lúc chết chỉ còn tiếng xấu vạn năm, con có biết là ai không?"

Dư Triều Sinh: “Ai thế ạ?"

Từ Bí nhâm nhi một hớp trà, cười đáp: “Chung Thái Sinh. Biết đâu, Vương Tử Phong lại là Chung Thái Sinh tiếp theo?"

Tháng tám, Đường Thận nhận được thánh chỉ, chuẩn bị về kinh.

Trước khi về, cậu thu xếp công việc ở ty Ngân Dẫn đâu ra đấy. Đến lúc gần đi, cậu lại nhận được một bức thiếp mời.

Chinh Tây đại nguyên soái Lý Cảnh Đức mời Đường Thận đến phủ gẫu chuyện.
Tác giả : Mạc Thần Hoan
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại