Ruồi Trâu

Chương 19

Sau đó năm tuần lễ liền, Ruồi trâu và Giê-ma dường như sống trong cơn lốc của lo âu, hồi hộp và công việc khẩn trương. Họ không còn thời giờ và hơi sức đâu nghĩ đến chuyện riêng nữa. Vũ khí đã được chở an toàn tới lãnh địa của Giáo hoàng. Nhưng nhiệm vụ trước mắt còn khó khăn và nguy hiểm hơn : phải kín đáo chuyên chở vũ khí từ các kho bí mật trong hang và các khe núi tới các trung tâm địa phương rồi phân phối tới các thôn xóm. Toàn khu rừng đầy rẫy mật thám. Ruồi trâu giao nhiệm vụ ấy cho Đô-mi-ni-ki-nô. Nhưng Đô-mi-ni-ki-nô đã phải viết thư về Phơ-lo-răng-xơ tha thiết yêu cầu giúp đỡ, nếu không thì phải gia thêm hạn.

Trái lại, Ruồi trâu vẫn kiên quyết chủ trương hoàn thành mọi công việc vào giữa tháng sáu, điều đó làm cho Đô-mi-ni-ki-nô rất thất vọng. Chuyên chở hàng nặng qua các ngả đường xấu không phải là chuyện dễ. Hơn nữa, lại phải thường xuyên trốn tránh việc tra xét nên cứ bị trắc trở luôn.

Thư Đô-mi-ni-ki-nô viết :

" Hiện nay tôi đang ở giữa Si-la và Kha-ri-ba (Scylla and Charybdis - Tên hai quái vật trong thần thoại Hy lạp, được đặt cho một mỏm đá và xoáy nước ở bên bở eo biển Mét-xi-na giữa nước Ý và đảo Xi-xin, thường gây hoạc cho những người đi biển. Câu này có nghĩa "Hiện nay tôi đang ở tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" hoặc "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"), vừa không dám làm gấp sợ lộ vừa không thể kéo dài việc chuyên chở vì phải hoàn thành cho kịp thời hạn. Mong anh hoặc cho ngay một người giúp việc đắc lực đến, hoặc báo cho Vơ-ni-dơ biết chúng tôi không thể chuẩn bị xong trước thượng tuần tháng sáu được".

Ruồi trâu mang bức thư tới cho Giê-ma xem.

Giê-ma chăm chú đọc, còn anh thì cau mày , ngồi xuống sân, vuốt lông con mèo Pát.

Giê-ma nói :

- Hỏng bét. Nói làm sao cho những người ở Vơ-ni-dơ chờ suốt ba tuần lễ được.

- Tất nhiên là không nói được. Ý nghĩ kỳ quặc quá ! Đô-mi-ni-ki-nô cũng phải hiểu điều ấy chứ . Không phải người Vơ-di-nơ theo chúng ta mà chúng ta phải theo họ.

- Nhưng cũng không thể trách Đô-mi-ni-ki-nô được. Chắc là anh ấy đã cố hết sức nhưng không thể nào làm hơn được.

- Phải, không phải lỗi ở Đô-mi-ni-ki-nô. Khổ một nỗi là ở đấy chỉ có một người chứ không có đến hai. Lẽ ra một người phải coi kho còn một người nữa theo dõi việc chuyên chở. Đô-mi-ni-ki-nô nói rất đúng. Cần phải có một người giúp việc đắc lực cho anh ta.

- Nhưng cho ai đi bây giờ ?Ở Phơ-lo-răng-xơ này lấy cho ai mà đi ?

- Nếu thế thì chính...chính tôi phải đi .

Giê-ma ngả người vào ghế. Chị cau mày nhìn Ruồi trâu :

- Không, không đươc anh ạ. Như thế mạo hiểm lắm.

- Nếu không... Không còn cách nào khác thì đành phải mạo hiểm vậy.

- Tìm cho ra cách giải quyết nào khác là được chứ gì. Lúc này anh lại đi nữa thì không được đâu, đừng nghĩ tới chuyện ấy nữa.

Ruồi trâu mím môi lại một cách bướng bỉnh :

- Tôi...tôi không hiểu tại sao ?

- Anh cứ bình tĩnh nghĩ một tí thì hiểu. Anh mới về đây được có năm tuần. Cảnh sát đã đánh hơi được phần nào về ông khách thập phương già nua và bây giờ thì đang lùng riết. Em biết anh trá hình rất khéo. Nhưng anh thử nhớ lại xem, anh đã cải trang là Đi-ê-gô và nông dân bao nhiêu lần rồi. Còn dáng đi khập khiễng và vết sẹo của anh, anh không thể giấu được.

- Trên đời này thiếu...thiếu gì những người khập khiễng.

- Phải, nhưng ở Rô-ma-nha, những người khập khiễng có vết dao chém ở má, tay bị tật mắt xanh, da ngăm đen như anh không phải là nhiều.

- Mắt thì không thành vấn đề. Tôi có thể dùng thuốc ben-la-đôn để thay đổi màu sắc.

- Thế còn những đặc điểm khác ?...Không, không được đâu anh ạ. Nhận dạng như anh mà đi đến đó ngay lúc này thì sẽ là tự chui vào cạm bẫy. Chúng tôm anh ngay tức khắc.

- Nhưng... nhưng phải có người giúp đỡ Đô-mi-ni-ki-nô chứ !

- Nếu trong giờ phút gay go này anh bị bắt thì có giúp được gì cho Đô-mi-ni-ki-nô không ? Anh mà bị bắt thì tan vỡ cả.

Song, thuyết phục được Ruồi trâu không phải là dễ, và cuộc tranh luận cứ kéo dài không đem lại kết quả gì. Bây giờ Giê-ma mới thật thấy con người ấy có một kho ý chí kiên cường, bình tĩnh vô tận. Nếu đây là một vấn đề không quan trọng lắm thì có lẽ Giê-ma đã chịu lún rồi. Nhưng vấn đề này không thể nhượng bộ được : chị cho rằng không đáng mạo hiểm vì những lợi ích nhỏ mà chuyến đi của Ruồi trâu có thể mang lại. Giê-ma ngờ rằng Ruồi trâu có ý định đi giúp Đô-mi-ni-ki-nô chủ yếu không phải là một nhu cầu chính trị nghiêm trọng mà là vì Ruồi trâu say mê mạo hiểm. Liều mạng xông vào những nơi hiểm nghèo là một cách không cần thiết đã trở thành thói quen của Ruồi trâu. Anh say sưa lao vào nguy hiểm như con ma men thấy rượu. Vì thế chị cần phải đấu tranh bình tĩnh mà kiên quyết. Thấy mình không đủ lý lẽ để đẩy lùi quyết tâm sắt đá của Ruồi trâu, Giê-ma viện nốt lý do cuối cùng :

- Thế thì chúng ta đành thẳng thắn nói hết lẽ với nhau vậy. Không phải tại Đô-mi-ni-ki-nô gặp khó khăn mà anh kiên quyết đòi đi đâu, trái lại chính là tại anh yêu...

Ruồi trâu sôi nổi cắt ngang :

- Không phải thế đâu, Giê-ma ạ ! Ông ta đối với tôi chẳng có ý nghĩa gì cả. Dù suốt đời không gặp ông ta nữa cũng chẳng sao...

Và Ruồi trâu im bặt. Nhìn mặt chị, Ruồi trâu biết ngay rằng anh đã để lộ mình rồi.

Hai cặp mắt nhìn nhau và cả hai đều nhìn xuống. Họ cùng nghĩ đến tến một người nhưng không nói ra.

Ruồi trâu gục mặt vào bộ lông êm dịu của con mèo. Cuối cùng anh lẩm bẩm :

- Không phải tôi...tôi định đi cứu Đô-mi-ni-ki-nô. Nhưng tôi biết nếu không có người đến giúp Đô-mi-ni-ki-nô thì công việc sẽ nguy hiểm vô cùng.

Giê-ma không để ý đến những lời thanh minh tội nghiệp ấy, chị cứ nói tuồn tuột như không hề có ai ngắt lời :

- Không, đây chỉ vì anh say sưa mạo hiểm đó thôi. Khi nào tâm hồn anh không được bình tĩnh thì anh lăn vào gian nguy, như khi ốm lăn vào thuốc phiện vậy.

Ruồi trâu lại sôi lên :

- Có phải lúc đó tôi đòi thuốc phiện đâu ! Người ta bắt tôi uống đấy chứ !

- Tất nhiên ! Anh vẫn tự hào là anh chịu đựng giỏi, có khi nào anh lại xin thuốc uống. Nhưng liều mạng để cố làm cho cân não khỏi căng thẳng đó lại là chuyện khác hẳn !! Làm như vậy lòng tự hào của anh không bị thương tổn mà ! Nhưng xét đến cùng cả hai sự việc chỉ khác nhau ở bề ngoài thôi.

Ruồi trâu ngửa đầu con mèo lên và nhìn thẳng vào đôi mắt xanh tròn xoe của nó. Anh nói :

- Pat, mày nghĩ thế nào ? Những lời bà chủ mày nói xấu tao có đúng chút nào không ? Thế nghĩa là Mea culpa, mea maxima culpa ( câu trích trong kinh đạo, tiếng la tinh nghĩa là lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng) chứ gì ? Còn mèo này khôn, chắc chẳng bao giờ mày đòi thuốc phiện nhỉ ? Ở Ai cập người ta thờ tổ tiên mày. Nhưng nếu ta cầm một chân mày dí vào cây nến thì mày có giữ được thói bệ vệ khinh lờn mọi đau khổ ở chốn trần gian này không ? Chắc lúc ấy mày sẽ xin thuốc phiện chứ ? Phải không, Pát? Muốn thuốc phiên...hay là muốn chết ? Không, mèo ơi chúng ta không có quyền chết yểu nếu chết chỉ là một lối thoát tiện lợi nhất cho cá nhân mình. Nếu có thể tự an ủi được thì chúng ta hãy phỉ nhổ và nguyền rủa đôi chút đi nào! Nhưng đừng...đừng có giơ chân ra làm gì, Pát ạ !

Giê-ma giật lấy con mèo, đặt nó lên ghế đẩu.

- Thôi ! Những vấn đề ấy lần sau chúng ta sẽ bàn. Bây giờ hãy tính chuyện giúp Đô-mi-ni-ki-nô đã... Gì thế Kê-ti ? Có khách à ? Tôi đang bận.

- Thưa bà, có Rai-tơ cho người đem gói này đến !

Trong gói bọc kỹ có một bức thư đóng dấu lãnh địa Giáo cũ của Giêma vẫn ở Phơ-lo-răng-xơ và những thứ đặc biệt quan trọng thường được thận trọng gửi qua địa chỉ của những người bạn ấy.

Giê-ma đọc nhanh lá thư báo giá tiền học hè ở một trường có ký túc xá tại A-pe-nanh rồi trỏ hai vết mực ở góc trang giấy nói :

- Đây là ám hiệu của Mi-kê-lê. Anh ta viết bằng mực hoá học. Thuốc để thử cất trong bàn viết, ô kéo thứ ba... Phải, đúng nó đấy.

Ruồi trâu đặt thư lên bàn, lấy bút lông quệt thuốc lên. Khi dòng chữ xanh biết hiện lên trên tờ giấy thì anh ngả mình vào ghế phá lên cười .

Giê-ma vội hỏi :

- Cái gì thế hở anh ?

Ruồi trâu đưa cho chị bức thư.

"Đô-mi-ni-ki-nô bị bắt. Anh đến ngay."

Giê-ma gieo mình xuống ghế, tay không rời bức thư, nhìn Ruồi trâu một cách tuyệt vọng.

Buồn quá, bao giờ mới hết một tuần nhỉ?

Post giúp bạn silver light mấy đoạn nhé

Giê-ma gieo mình xuống ghế, tay không rời bức thư, nhìn Ruồi Trâu một cách tuyệt vọng.

Cuối cùng, với một giọng kéodài và chấm biếm, nhỏ nhẹ, anh nói:

- Thế nhé... Bây giờ Giê-ma thấy rõ tôi phải đi rồi chứ?

Giê-ma thở dài đáp:

- Vâng, anh phải đi thôi. Và cả em nữa.

Ruồi Trâu giật mình, ngước nhìn chị:

- Cả Giê-ma nữa? Nhưng...

- Tất nhiên. Không còn người nào ở lại Phơ-lô-răng-xơ thì đã đành là không tốt. Nhưng bây giờ mọi chuyện đều không quan trọng mà chỉ cốt ở đó có thêm một vài người nữa.

- Ở đó lấy thêm bao nhiêu người chẳng được!

- Nhưng không phải là những người có thể tin cậy được hoàn toàn. Chính anh nói ở đó cần ít nhất là hai người tin cẩn. Nếu một mình Đô-mi-ki-nô đã không làm nổi thì một mình anh cũng không làm nổi. Tính mệnh anh đang treo đầu sợi tóc, anh hoạt động bí mật rất khó, chính anh cần có người giúp đỡ hơn ai hết. Anh định làm việc với Đô-mi-ni-ki-nô, bây giờ em thay Đô-mi-ni-ki-nô làm việc với anh.

Ruồi Trâu cau mày nghĩ ngợi một lúc rồi nói:

- Phải, Giê-ma nói đúng, và càng đi sớm chừng nào càng tốt. Nhưng chúng mình không nên đi cùng một lúc. Nếu tối nay tôi đi, thì Giê-ma nên đợi đến chiều mai chẳng hạn rồi hẵng lên xe ngựa.

- Thế em nên đi hướng nào?

- Việc đó cần bàn. Tôi thì tốt nhất là đi thẳng tới Pha-en-sta(1). Đêm nay tôi đi đến Xan Lô-ren-dô, cải trang ở đó rồi lại đi luôn.

Giê-ma cau mày lo lắng:

- Cũng chẳng có cách nào hay hơn nữa nhỉ? Đã đi gấp lại cải trang ở chỗ những người buôn lậu như thế thì rất là mạo hiểm. Ít nhất cũng phải vài ba ngày ròng rã anh mới tới được biên giới, vì phải đi vòng vèo cho khỏi lộ vết tích.

Ruồi Trâu mỉm cười đáp:

- Điều đó Giê-ma đừng sợ. Nếu chúng bắt tôi thì bắt ở xa hơn nữa kia, chứ không thể bắt ở biên giới được. Một khi đã ở trong núi thì tôi cũng an toàn chẳng kém gì ở đây. Không một người buôn lậu nào ở A-pe-nanh phản lại tôi đâu. Nhưng còn Giê-ma, tôi chưa hiểu Giê-ma sẽ vượt biên giới bằng cách nào.

- Việc ấy không khó gì! Em sẽ lấy hộ chiếu của Lu-i-da Rai-tơ để đi lên núi nghỉ m> Ở Rô-ma-nha, không ai không biết em, còn anh thì tên mật thám nào cũng rõ.

- Và may mắn thay người buôn lậu nào cũng biết tôi nữa.

Giê-ma nhìn đồng hồ:

- Hai rưỡi rồi. Nếu anh định đi ngay đêm nay thì chỉ còn chiều và tối nay nữa thôi.

- Vậy tôi phải về nhà sửa soạn ngay và phải tìm được một con ngựa cho tốt. Tôi sẽ đi ngựa tới Xan Lô-ren-dô. Như thế an toàn hơn.

-Thuê ngựa không phải là chuyện an toàn đâu anh ạ. Chủ ngựa sẽ...

- Không phải thuê. Một người tin cẩn sẽ cho tôi mượn ngựa. Người này trước đã từng giúp tôi. Hai tuần sau tôi sẽ cho một người chăn cừu mang ngựa về trả... vậy chừng năm giờ hoặc năm rưỡi thtôi sẽ trở lại đây. Trong thời gian ấy, Giê-ma nên đi tìm Mác-ti-ni và nói cho anh ấy rõ.

Giê-ma quay lại, ngạc nhiên nhìn anh:

- Mác-ti-ni à?

- Phải. Chúng mình cần cho anh ấy biết việc chúng mình làm nếu Giê-ma không tìm được người nào khác.

- Em không hiểu tại sao phải làm như thế?

- Chúng ta cần có người tin cẩn ở đây để đề phòng trường hợp khó khăn bất trắc. Trong những bạn bè ở đây, tôi tin Mác-ti-ni hơn hết. Dĩ nhiên Ri-các-đô cũng hết sức tận tâm, nhưng Mác-ti-ni chắc chắn hơn. Giê-ma biết Mác-ti-ni hơn tôi nhiều... Giê-ma quyết định đi.

- Em cũng tin chắc rằng Mác-ti-ni là người rất đáng tin cậy và có khả năng về mọi mặt. Và em chắc Mác-ti-ni cũng sẵn lòng giúp chúng ta. Nhưng...

Ruồi Trâu hiểu ngay:

- Giê ma thử nghĩ xem, nếu một đồng chí khác gặp cơn hoạn nạn nhưng không dám nhờ Giê-ma giúp đỡ vì sợ làm cho Giê-ma đau lòng, thì Giê-ma cảm thấy thế nào? Và liệu như thế có tốt hay không?

Giê-ma im lặng giây lát rồi nói:

- Thôi được, em cho Kê-ti mời ngay Mác-ti-ni đến. Còn em thì đến nhà Lu-i-da mượn hộ chiếu. Chị ấy đã hứa sẵn sàng cho mượn bất cứ lúc nào... Còn tiền nong thì sao hở anh? Em có phải ra ngân hàng lấy tiền không?

- Thôi, kẻo mất thì giờ. Tiền tôi cũng khá đủ cho cả hai chúng ta rồi, bao giờ cạn sẽ dùng tới tiền của Giê-ma. Vậy ta sẽ gặp nhau lúc năm giờ rưỡi nhé. Lúc ấy Giê-ma có nhà chứ?

- Tất nhiên. Em sẽ về sớm hơn anh nhiều.

Sáu giờ, Ruồi Trâu đến thì thấy Giê-ma và Mác-ti-ni ở ngoài hiên. Anh đoán biết câu chuyện giữa hai người rất nặng nề vì vẻ xúc động vẫn còn lộ rõ trên nét mặt của họ. Mác-ti-ni trầm lặng và không vui một cách khác thường.

Giê-ma ngước nhìn Ruồi Trâu hỏi:

- Xong cả rồi chứ, anh?

Ruồi Trâu đáp:

- Phải, tôi mang tiền đi đường lại cho Giê-ma đây. Một giờ đêm, ngựa sẽ chờ tôi ở trạm cầu Rô-xô.

- Như thế có muộn quá không anh? Anh phải tới Xan Lô-ren-dô trước khi trời sáng, trước khi mọi người ngủ dậy kia mà?

- Kịp chán. Ngựa tốt lắm. Vả lại tôi không muốn có người biết lúc tôi ra đi. Tôi không trở về nhà nữa. Bây giờ mật thám đang rình trước cửa nhà tôi, tưởng tôi vẫn còn ở nhà.

- Anh lén ra thế nào mà hắn không trông thấy?

- Tôi trèo qua cửa sổ nhà bếp tót ra vườn sau, rồi trèo qua tường sang vườn nhà bên cạnh. Vì thế tôi đến muộn một chút. Suốt tối nay người chủ ngựa sẽ thắp đèn ngồi trong phòng làm việc của tôi. Mật thám trông thấy ánh đèn và bóng người sẽ yên trí rằng tôi đang viết lách ở nhà.

- Vậy chưa đến giờ lên đường thì anh cứ ở lại đây nhé!

- Vâng, tôi cũng không muốn ra ngoài phố cho người ta trông thấy. Mác-ti-ni, ta hút với nhau một điếu xì gà nào. Tôi biết bà Bô-la không cấm chúng ta hút thuốc đâu.

- Tôi cũng chẳng ngồi đây nữa đâu mà cấm. Tôi phải giúp Kê-ti làm bếp đây.

Giê-ma vừa đi khỏi thì Mác-ti-ni đứng dậy, chắp tay sau lưng đi bách bộ trong phòng. Ruồi Trâu lặng lẽ hút thuốc nhìn mưa rơi lâm thâm ngoài cửa sổ.

- Ri-va-rét!

Mác-ti-ni dừng bước trước mặt Ruồi Trâu, nhưng mắt vẫn nhìn xuống đất:

- Anh định lôi kéo chị ấy vào chuyện gì thế?

Ruồi Trâu rút điếu xì gà khỏi môi, phà ra một làn khói dài và chậm rãi trả lời:

- Quyết định là ở chị ấy. Chẳng ai ép chị ấy làm chuyện gì cả.

- Phải, phải, tôi hiểu. Nhưng anh hãy cho tôi biết...

Rồi anh nín lặng.

- Cái gì có thể nói tôi sẽ nói hết với anh.

- Tôi rất ít biết chuyện anh làm ở trên núi. Nhưng tôi chỉ cần anh cho biết chị ấy có phải trải qua nhiều nguy hiểm lắm không?

- Anh muốn biết sự thật chứ?

- Lẽ dĩ nhiên.

- Phải, rất nguy hiểm.

Mác-ti-ni quay đi, hết bước ngang lại bước dọc. Rồi anh lại dừng bước:

- Còn một câu hỏi nữa. Câu hỏi này lẽ dĩ nhiên anh có thể không trả lời, nhưng nếu anh muốn trả lời thì xin hãy trả lời cho thật: Anh có yêu Giê-ma không?

Ruồi Trâu điềm nhiên vẩy tàn thuốc lá rồi lại lặng hút.

- Thế nghĩa là... anh không muốn trả lời câu hỏi của tôi?

- Không, tôi muốn trả lời. Nhưng tôi có quyền biết tại sao anh hỏi chuyện ấy?

- Trời ơi! Anh mà không hiểu tại sao?

Ruồi Trâu đặt điếu xì gà xuống, chăm chú nhìn thẳng vào mắt Mác-ti-ni:

- À, ra thế!

Rồi anh dịu dàng và chậm rãi nói tiếp:

- Phải, tôi yêu Giê-ma. Nhưng anh đừng tưởng tôi sẽ tỏ tình với Giê-ma hoặc bận tâm về chuyện đó đâu. Tôi chỉ sắp...

Những tiếng cuối cùng của anh tắt dần và nhẹ như một hơi thở. Mác-ti-ni tiến lại gần:

- Anh chỉ sắp làm sao?

- Chỉ sắp chết.

Ruồi Trâu nhìn thẳng về phía trước, đôi mắt lạnh lùng và đờ đẫn như đã chết rồi. Và khi anh cất tiếng nói tiếp thì giọng anh đều đều, mất hết sức sống.

- Anh không nên làm cho Giê-ma lo âu quá sớm. Tôi không hy vọng gì sẽ trở về được vẹn toan. Việc này nguy hiểm cho mọi người. Tôi hiểu và Giê-ma cũng thừa hiểu điều đó. Nhưng những người buôn lậu sẽ dùng mọi cách để Giê-ma khỏi bị bắt. Mặc dù hơi thô lỗ nhưng họ đều là những người đồng đội rất tốt. Còn tôi thì cổ tôi đã đút vào tròng từ lâu rồi. Vượt qua biên giới tôi chỉ còn việc rút thòng lọng mà thôi.

- Ri-va-rét! Thế là thế nào? Tất nhiên tôi biết việc này nguy hiểm, nhất là nguy hiểm cho anh. Nhưng anh qua lại biên giới luôn luôn, lần nào cũng trót lọt cả.

- Phải, nhưng lần này tôi sẽ sa lưới.

- Tại sao thế? Tại sao anh lại biết trước như vậy?

Ruồi Trâu nhăn nhó mỉm cười

- Anh còn nhớ câu chuyện thần thoại nước Đức không? Chuyện một người chết vì gặp người thứ hai giống hệt mình ấy mà! Không biết ? Chuyện như thế này: một đêm anh ta gặp người này ở một nơi vắng vẻ... người này đang hết sức đau đớn trong cơn tuyệt vọng và cái chết đã đến với anh ta. Vừa qua, tôi cũng gặp người giống y như tôi ở A-pe-nanh, vì thế lần này tôi vượt biên giới thì không hòng trở lại đâu.

Mác-ti-ni lại gần anh, tay đặt lên ghế.

- Ri-va-rét, anh nghe tôi. Tôi chẳng hiểu gì về câu chuyện siêu hình của anh cả, nhưng tôi tin chắc một điều là: nếu anh đã cảm thấy trước như thế thì anh không nên đi nữa. Chưa đi mà đã nghĩ rằng mình sẽ thất bại thì thế nào cũng bị sa lưới. Chắc anh ốm hoặc có điều gì lo lắng nên mới nghĩ vớ vẩn như thế. Thôi anh hãy ở lại đi, để tôi đi cho. Tôi sẽ làm việc đúng như ý anh. Anh chỉ việc viết cho tôi một bức thư giới thiệu với các đồng chí của anh...

- Để anh chết thay tôi à? Gớm, anh khôn quá nhỉ!

- Tôi không chết được đâu! Ở đó chúng có biết tôi như anh đâu! Mà nếu có chết chăng nữa thì...

Mác-ti-ni nín lặng, và Ruồi Trâu từ từ ngước mắt nhìn anh như muốn dò hỏi điều gì. Bàn tay Mác-ti-ni thõng xuống cạnh ghế. Anh nói một cách hết sức thực tế:

- Mất anh, Giê-ma sẽ khổ nhiều hơn là mất tôi. Hơn nữa, Ri-va-rét ạ, việc này là việc chung. Chỉ có một lối giải thoát duy nhất thôi, là làm sao đem lại lợi ích nhiều nhất cho tuyệt đại đa số người. Nói theo các nhà kinh tế học thì "giá trị cuối cùng" của anh cao hơn "giá trị cuối cùng" của tôi. Tôi cũng còn đủ thông minh để hiểu điều đó. Mặc dù tôi không thích anh lắm. Con người của anh lớn hơn con người của tôi. Anh và tôi ai tốt hơn, điều đó tôi chưa rõ, nhưng anh có nhiều ưu điểm hơn tôi, và nếu anh chết đi thì tổn thất nhiều hơn.

Mác-ti-ni nói những câu đó y như người mặc cả cổ phần trong thị trường chứng khoán. Ruồi Trâu nhìn anh, so vai như ớn lạnh:

- Anh muốn tôi cứ chờ đợi để nấm mồ đến cướp tôi đi hay sao?

Ví bằng ta phải chết

Thì ta sẽ đón chào bóng đêm như đón chào vị hôn thế (1).

Ông bạn của tôi ơi, chúng ta nói lăng nhăng nhiều quá rồi đấy!

Mác-ti-ni bực mình nói:

- Chính anh nói lăng nhăng thì có!

- Anh cũng thế. Thôi ta đừng học đòi gương xả thân của Đông Các-lốt và hầu tước Pô-da nữa.(2) Chúng ta đang sống ở thế kỷ mười chín. Nếu nhiệm vụ của tôi là phải chết thì tôi sẽ chết.

- Và nếu nhiệm vụ của tôi là phải sống thì tôi sẽ sống chứ gì? Anh thật là hạnh phúc, Ri-va-rét ạ!

- Phải, bao giờ tôi cũng gặp may.

Họ lặng lẽ hút thuốc rồi cùng nhau bàn bạc tỉ mỉ hành trình sắp tới; và khi Giê-ma đến, họ vẫn không để lộ ra tí gì tỏ ra rằng câu chuyện vừa rồi giữa họ không phải là một câu chuyện bình thường.

Ăn xong cả ba người lại quay ra bàn kế hoạch và chuẩn bị mọi việc cần thiết. Khi đồng hồ điểm mười một tiếng thì Mác-ti-ni đứng dậy cầm mũ.

- Tôi về lấy cho anh chiếc áo tơi đi đường, Ri-va-rét ạ. Anh mặc chiếc áo ấy vào thì sẽ kho nhận hơn là mặc bộ quần áo này. Tiện thể tôi sẽ dò xét xem có mật thám rình quanh nhà trước khi ta lên đường không

- Anh sẽ cùng đi với tôi đến trạm à?

- Vâng. Nếu có kẻ theo dõi thì bốn mắt chúng ta nhìn bảo đảm hơn. Khoảng mười hai giờ tôi sẽ trở lại. Chờ nhé, tôi chưa đến thì đừng đi vội nhé… Chị Giê-ma ạ, tôi mang chìa khóa đi để lúc trở lại khỏi gọi chuông phiền phức.

Khi Mác-ti-ni cầm chùm chìa khóa. Giê-ma ngước mắt nhìn anh. Chị hiểu rằng anh đã cố ý kiếm cớ để cho chị và Ruồi Trâu ở lại với nhau.

Chị nói:

- Mai tôi sẽ cùng anh nói chuyện. Mai tôi thu xếp xong chúng ta sẽ có thời giờ

- Vâng, còn có nhiều thời giờ… Và – Mác-ti-ni nói với Ruồi Trâu – Ri-va-rét ạ, tôi còn muốn hỏi anh vài việc nhỏ nữa, nhưng để trên đường ra trạm ta sẽ nói sau… Giê-ma, cho Kê-ti đi ngủ đi thôi và ả hai người nói khẽ chứ nhé. Thôi, xin chào, nửa đêm tôi sẽ trở lại.

Mác-ti-ni khẽ gật đầu chào và mỉm cười bước xuống thang gác. Anh đóng mạnh cửa ngoài để hàng xóm biết rằng khách của bà Bô-la đã ra về.

Sau khi xuống bếp cho Kê-ti về ngru, Giê-ma trở lại, tay bưng một khay cà phê đen…

Chị nói:

- Anh có muốn ngả lưng một chút không? Đêm nay anh sẽ phải suốt đêm không ngủ đấy.

- Không, chẳng sao đâu, Giê-ma thân yêu! Đến Xan Lô-ren-dô tôi sẽ ngủ để chờ lấy quần áo và đồ hóa trang.

- Thế anh uống cà phê nhé… Anh chò một chút em đi lấy bánh quy.

Chị quỳ gối trước mặt tủ thức ăn. Ruồi Trâu lại gần và bỗng cúi xuống cạnh chi.

- Giê-ma, có những gì thế? Sô-cô-la và kẹo ca-ra-men có phải không? Giê-ma sang trọng như bà hoàng ấy!

Giê-ma ngước nhìn bộ mặt tươi rói của Ruồi Trâu rồi mỉm cười:

- Anh cũng thích của ngọt cơ à? Bao giờ em cũng có kẹo để mời Xê-da. Anh ấy thích kẹo ngọt như trẻ con vậy.

- Thật… thật à? Thế mai… mai mua cho anh ấy kẹo khác, còn kẹo này Giê-ma cho tôi nhé. Tôi bỏ kẹo ca-ra-men vào túi. Nó sẽ an ủi tôi, một con người đã mất hết lạc thú ở đời. Tôi… tôi mong ước trước khi chúng đưa tôi đi treo cổ, tôi còn được một ít kẹo ca-ra-men để ngậm.

- Chờ em một chút nhé. Em đi lấy hộp đựng, kẻo ướt ra túi… Thôi, ngồi xuống đi anh, đừng bông đùa nữa. Chắc rằng từ nay cho đến khi một trong hai chúng ta bị giết, chúng ta chẳng còn lúc nào nói chuyện ung dung như thế này với nhau được nữa và…

Ruồi Trâu khẽ lẩm bẩm:

- À ra Giê-ma không… không thích sô-cô-la nhỉ!

Rồi anh nói tiếp

- Vậy thì tôi sẽ ăn một mình. Chẳng phải là bữa anư thỏa thích trước giờ xử tử đó sao? Đêm nay Giê-ma phải chiều mọi sự vòi vĩnh của tôi. Trước hết tôi muốn Giê-ma ngồi vào ghế bành này. Còn tôi thì ngả lưng xuống đây vì Giê-ma đã cho phép tôi. Như thế này dễ chịu hơn.

Ruồi Trâu nằm lên thảm trải dưới chân Giê-ma. Tựa tay vào ghế, anh nhìn thẳng vào mặt chị.

- Giê-ma, sao mặt Giê-ma tái đi thế! Chắc vì Giê-ma chỉ nhìn thấy mặt bi đát của cuộc sống và vì không thích sô-cô-la chứ gì…

- Anh hãy nghiêm chỉnh cho năm phút đi nào! Đây là chuyện sống chết chứ đâu phải chuyện đùa.

- Hai phút tôi cũng chẳng thể nghiêm chỉnh được đâu, Giê-ma thân yêu! Dù sống, dù chết cũng chẳng lúc nào nên nghiêm nghị.

Ruồi Trâu nắm lấy tay chị và vuốt ve đôi bàn tay ấy.

- Nữ thần Mi-néc-vơ (1), xin bà đừng nghiêm nghị như thế. Tôi khóc lên bây giờ thì bà sẽ phải thương tôi. Tôi muốn bà mỉm cười. Giê-ma có nụ cười vui, hồn nhiên lắm… Chớ, chớ có mắng tôi, Giê-ma thân yêu ạ! Ta ăn bánh đi, ăn như hai đứa trẻ ngoan ấy và đừng tranh giành nhau nhé, vì ngày mai chúng ta sẽ phải chết rồi.

Ruồi Trâu lấy một chiếc bánh chia hai thật đều và cố bẻ cho phần nào cũng có nhân đường

- Nào, chúng ta cùng nhau chịu lễ đi, như người ta vẫn thường thường chịu lễ trong nhà thờ vậy. “Này là mình tao, bay hãy nhận lấy mà ăn" (2). Và chúng ta phải uống… uống chung một cốc rượu… Phải, phải, như thế đấy. “Bay hãy làm việc này nhớ đến tao".

Giê-ma đặt cốc len bàn và nói bằng một giọng gần như nức nở.

- Thôi, anh ơi!

Ruồi Trâu nhìn Giê-ma và nắm lấy tay chị

- Thế thôi nhé ! Yên tĩnh một lúc nhé! Nếu một trong hai ta chết đi thì người còn lại hãy nhớ lấy giây phút này nhé. Chúng ta hãy quên đi, quên thế giới huyên náo này, đừng để nó làm bận tai ta nữa, chúng ta sẽ dắt tay nhau tới những cung điện bí ẩn của thần chết, và sẽ ngả xuống yên nghỉ ngàn thu giữa những đóa hoa anh túc rắc đầy bốn phía. Ồ, lúc đó chúng ta mới thật là yên tĩnh.

Ruồi Trâu ngả đầu vào lòng chị và lấy tay bưng lấy mặt.

Giê-ma lặng lẽ cúi xuống vuốt mái tóc đen nhánh của anh. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua… hai người vẫn ngồi yên, không nói nửa lời.

Cuối cùng Giê-ma cất tiếng. Ruồi Trâu ngửng đầu lên.

- Anh thân yêu, sắp nửa đêm rồi. Chúng ta chỉ còn vài phút nữa thôi. Mác-ti-ni sắp trở lại. Có lẽ không bao giờ chúng ta còn được trông thấy nhau nữa. Chẳng lẽ lúc này anh không có gì để nói với em cả ư?

Ruồi Trâu từ từ đứng dậy, đi về phía cuối phòng. Họ im lặng trong giây lát.

Tiếng nói của Ruồi Trâu chỉ như một hơi thở:

- Tôi sẽ chỉ nói một điều thôi. Tôi sẽ nói với Giê-ma một điều…

Ruồi Trâu nghẹn lời, ngồi bên cửa sổ, hai tay bưng lấy mặt. Giê-ma dịu dàng nói:

- Mãi đến giờ đây anh mới thương em.

- Vì cuộc đời tôi cũng có mấy lúc được yêu thương đâu. Lúc đầu tôi… tôi tưởng Giê-ma… biết cũng chẳng để làm gì.

- Bây giờ anh không nghĩ như thế nữa chứ, hở anh?

Không đợi trả lời, Giê-ma tiến lại, đứng sát vào người anh. Chị thủ thỉ:

- Nói thật đi anh! Vì nếu như lúc anh chết, em không có mặt ở đó, thì đến phút hai tay buông xuôi em vẫn không tin chắc rằng…

Ruồi Trâu nắm tay chị và ghì chặt lấy:

- Nếu tôi chết… Giê-ma ơi, Giê-ma có biết không, lúc tôi đi sang Nam Mỹ… Ô kìa, Mác-ti-ni đã đến rồi!

Ruồi Trâu vùng dậy rời khỏi Giê-ma và mở rộng cửa phòng. Mác-ti-ni chùi giày cẩn thận vào chiếc thảm con.

- Con người lúc nào cũng đúng giờ, đúng… đúng từng phút một! Mác-ti-ni, anh thật là một chiếc đồng hồ sống. Áo tơi đi… đi đường của anh đây phải không?

- Phải, còn một vài thứ lặt vặt nữa. Tôi đã cố giữ cho khỏi ướt, nhưng trời cứ mưa tầm tã. Đêm nay anh đi vất vả lắm đấy!

- Có hề chi! Sao, ngoài phố thế nào anh, yên tĩnh cả chứ?

- Vâng. Chắc mật thám về ngủ cả rồi. Trời sao mà xấu thế này, lạ thật… Cà phê đấy à, chị Giê-ma? Chị phải cho anh Ri-va-rét uống cái gì thật nóng, kẻo đi mưa rất dễ bị cảm lạnh.

- Cà phê đen đấy. Đặc lắm. Để tôi đi đun ít sữa nhé.

Giê-ma lủi thủi xuống bếp. Chị nghiến chặt răng và nắm chặt hai tay để khỏi bật ra tiếng khóc. Khi Giê-ma mang sữa lên thì Ruồi Trâu đã khoác áo tơi và đang đi ủng da do Mác-ti-ni cho mượn. Ruồi Trâu đứng uống cạn chén cà phê rồi cầm lấy chiếc mũ rộng vành.

- Mác-ti-ni, đến giờ rồi. Chúng ta phải đi đường vòng để tới trạm cho chắc chắn… Thôi, xin tạm biệt Giê-ma. Nếu không có gì xảy ra, thứ sáu này tôi sẽ gặp Giê-ma ở Phoóc-li.(3) Chờ một chút nhé, địa… địa chỉ đây.

Ruồi Trâu giở sổ tay xé một tờ giấy và lấy bút chì viết mấy chữ.

Giê-ma trả lời, giọng đều đều, yếu ớt:

- Địa chỉ đó tôi có rồi, anh ạ.

- Thế à? Không… không sao, Giê-ma cứ cầm thêm cho chắc chắn… Nào chúng ta lên đường, Mác-ti-ni, suỵt, khẽ chứ! Đừng để cửa cọt kẹt một chút nào hết.

Họ thận trọng bước xuống đường. Cửa ngoài khép chặt. Khi trở về phòng, Giê-ma bất giác nhìn mẩu giấy Ruồi Trâu vừa dúi vào tay chị. Bên dưới địa chỉ viết:

“Khi gặp nhau tôi sẽ nói hết với Giê-ma".

--- ------ ------ ----

(1) Pha-en-tsa - một thành phố lớn ở Ý nổi tiếng về làm đồ gốm

(1) Mi-néc-vơ – Trong thần thoại Hy Lạp, Mi-néc-vơ là nữ thần của trí khôn ngoan, nữ thần của nghệ thuật, khoa học và công nghệ, và cũng được coi như vị thần hướng dẫn người ta trong thảm họa chiến tranh.

(2) “Này là mình tao…" Câu nguyện khi làm phép bánh thánh

(3) Phoóc-li - một thành phố ở Rô-ma-nha.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại