Quân Vi Hạ

Chương 17: Tâm động

Tiêu Thừa Quân ngẩn người nhìn Thái tử phi, ánh trăng bàng bạc chiếu lên mái tóc suôn dài và gương mặt diễm lệ thật động lòng người, khóe môi y khẽ cong lên, đưa hai vật nhỏ vẫn cầm trong tay cho hắn, “Ngươi cầm lấy, đặt vào trong rương đi."

Lâu Cảnh cúi đầu nhìn một đôi tượng gỗ được điêu khắc thành hình hai đứa trẻ mà Thái tử điện hạ vừa nhét vào tay hắn. Gỗ cây chương có thể đuổi trùng, loại đồ chơi này thường được đặt vào trong hòm quần áo, một đứa trẻ ôm nguyên bảo, đứa còn lại ôm cá lớn, cả hai đều tròn vo, cực kì ngây thơ đáng yêu, “Ở đâu ra vậy?"

Tiêu Thừa Quân chỉ chỉ vào cái hộp sơn đỏ bên cạnh, “Hạ lễ của thứ sử Việt Châu."

Lâu Cảnh lại gần cầm lấy chiếc hộp, bỏ hai bức tượng vào, cười nói: “Thứ sử Việt Châu này thật đúng là thú vị, Thái tử đại hôn, người khác đều đưa vàng ngọc châu báu, hắn lại đưa đến một đôi tượng khắc gỗ."

“Tổ tiên nhà hắn bán đồ gỗ mà!" Ánh mắt Tiêu Thừa Quân nhìn cái hộp kia rất nhu hòa.

“Hay là, đây là do thứ sử Việt Châu tự tay khắc ra?" Lâu Cảnh ngạc nhiên nói, ôm cái hộp lật xem, phát hiện dưới đáy hộp khắc mấy hàng chữ:

Nghe thấy điện hạ đại hôn, thật là hoan hỉ, thời gian gấp gáp, không nghĩ ra quà gì để tặng.

Mắt đã mờ, đây là vật ba năm trước tự tay khắc ra, bèn dâng lên thay mặt cho tấm lòng của cựu thần.

Tuổi tác cựu thần đã cao, duy nguyện điện hạ bình an khỏe mạnh, mọi chuyện trôi chảy.

Việt Châu, Thuần Đức mười lăm tháng tám.

Tiêu Thừa Quân ngẩng đầu nhìn vầng trăng cong cong trên bầu trời đêm, chậm rãi nói: “Thứ sử Việt Châu là sinh phụ của Thục phi nương nương."

Lâu Cảnh choáng váng, hóa ra thứ sử Việt Châu là sinh phụ của Thục phi, vậy chính là ngoại công của Tiêu Thừa Quân rồi, khó trách lại đưa một món quà không mấy giá trị nhưng cực kì dụng tâm này. Nhìn mấy câu được khắc trên hộp, rõ ràng là sau khi khắc xong một câu mới nhớ tới câu tiếp theo rồi khắc tiếp, có thể tưởng tượng ra hình ảnh một lão nhân tóc hoa râm, dưới ánh trăng cẩn thận khắc lời nguyện cầu, lại cảm thấy nên nói thêm một chút, liền khắc thêm dòng nữa.

Tâm nguyện của lão nhân gia tất nhiên là rất tốt, chỉ là với tình cảnh của Tiêu Thừa Quân hiện giờ, tuyệt không có khả năng mọi chuyện đều trôi chảy. Bởi vì trên lưng y đang đeo, là toàn bộ thiên hạ, chứ không phải chỉ một gia đình nhỏ có Thái tử phi là hắn.

“Trạc Ngọc, ngươi nói, Tĩnh Nam hầu rời khỏi Đông Nam, ai sẽ tới chống đỡ giặc Oa?" Dưới ánh trăng, khuôn mặt của Thái tử điện hạ thoạt nhìn nhu hòa hơn rất nhiều, nhưng cũng thêm nhiều điểm phiền muộn. Tĩnh Nam hầu trấn thủ vùng Đông Nam, mười mấy năm đánh giặc Oa, cuối cùng rơi vào kết cục về kinh dưỡng lão mà kết thúc.

Tĩnh Nam hầu là phụ thân của Hoàng hậu, Hoàng Thượng chèn ép Tĩnh Nam hầu, kì thực là cố ý áp chế Thái tử, trước đại hôn đã có ý muốn thu hồi binh quyền. Tĩnh Nam hầu nghe âm biết nhã, thập phần thức thời mà chủ động giao lại binh quyền, hôm nay nghe được ý tứ của Hoàng hậu, có lẽ là tháng sau sẽ mang theo thê nhi, già trẻ trở về kinh thành.

“Dưỡng già cũng không phải là chuyện xấu." Lâu Cảnh đặt hai bức tượng vào trong hộp, cũng đi đến bên cửa sổ, “Gia gia ta đã mất, Tấn Châu hiện giờ vẫn tốt như cũ đó thôi."

Tiêu Thừa Quân thu hồi ánh mắt ngắm trăng, nhìn về phía Thái tử phi của y, thật lâu sau mới nói: “Là ta lo buồn vô cớ."

“Nhiều thế hệ An quốc công vẫn trấn thủ Tấn Châu, nhưng phụ thân ta không thể mang binh. Nếu giặc Thát lại xâm phạm Tấn Châu, triều đình phải phái một đại tướng khác." Thanh âm của Lâu Cảnh chợt có chút lạnh.

“Trạc Ngọc…" Tiêu Thừa Quân hơi hơi nhíu mày.

“Giặc Oa phía Đông Nam vẫn cướp phá không ngừng, nếu không phải có Tĩnh Nam hầu, dân chúng nơi đó đã sớm lầm than từ lâu. Nay Tĩnh Nam hầu phải về kinh, nhất định không quá ba tháng nữa giặc Oa sẽ chiếm đoạt Đông Nam." Lâu Cảnh không hề có ý dừng lại, hắn nhìn dáng vẻ cô tịch của Thái tử điện hạ dưới ánh trăng đêm nay, trong lòng cảm thấy thập phần ấm ức, khó chịu vô cùng. Rõ ràng người này là một kì tài, có năng lực, có trí tuệ vượt bậc, đủ khả năng cứu giúp người đời, lại sinh ra trong thời kì Thuần Đức hỗn loạn, rối ren không chịu nổi, còn phải liên tục ẩn nhẫn, nín nhịn bè lũ xui nịnh khắp nơi.

“Toà nhà lớn đang sụp đổ, lấy sức một người như ta chống đỡ, bất quá cũng chỉ như muốn bỏ biển mà thôi." Dưới ánh trăng thanh lãnh, con ngươi ngăm đen của Tiêu Thừa Quân càng thêm âm trầm, thanh âm trầm ổn hữu lực, không có chút suy sụp tinh thần nào, ngược lại ẩn chứa ngàn vạn uy nghi, chấn nhiếp tứ phương, “So với nỗ lực duy trì, không bằng noi theo phượng hoàng niết bàn, tìm kiếm sự tái sinh bên trong đống tro tàn."(6)

Lâu Cảnh lăng lăng nhìn người trước mặt, trong đại điện trống trải và vắng lặng này, Thái tử điện hạ khoanh tay mà đứng, khoảnh khắc nói ra lời này, phảng phất như đang đứng trên đỉnh sơn hà rộng lớn, cùng giang sơn nhiễm huyết dục hỏa trùng sinh trong đống tro tàn.

Khoảnh khắc này, trái tim Lâu Cảnh đập thình thịch, hắn đưa một tay lên chạm vào vị trí trái tim, chậm rãi nở nụ cười, “Thần, sẽ chờ, cùng điện hạ, đồng thời trọng chỉnh non sông."

Đêm đã khuya, hai người đơn giản nghỉ ngơi ngay tại điện Sùng Nhân.

Giường ở điện Sùng Nhân còn lớn hơn nhiều so với giường trong điện Bát Phượng, Lâu Cảnh dịch dịch người vào trong, tiến đến bên người Thái tử điện hạ, vươn tay ôm người đang ngủ say vào ngực, cái cằm nhẹ nhàng cọ cọ vào đỉnh đầu người ta. Về sau người này sẽ trở thành minh quân chấp chưởng thiên hạ, giờ phút này lại không hề phòng bị mà ngủ trong ngực hắn, chỉ nghĩ như vậy, trong lòng liền dâng lên một cảm giác thỏa mãn kì lạ.

Sáng sớm hôm sau, khi ánh sáng mặt trời chiếu vào trướng mạn màu vàng hơi đỏ, Tiêu Thừa Quân mở mắt ra, phát hiện ra Thái tử phi lại dán vào người y, một cái tay thon dài còn thập phần không thành thật mà với vào bên trong nội sam của y nữa. Thái tử điện hạ đưa tay muốn lấy cái móng vuốt kia ra, vừa động, đầu y lại đụng phải má của ai đó bên cạnh.

Tiêu Thừa Quân vươn tay lên, nhẹ nhàng sờ sờ hàng lông mi đen dài, sau đó chậm rãi tiến lại, dùng môi của mình, lặng lẽ chạm nhẹ vào đôi môi mỏng đang mím chặt kia. Ai biết vừa mới đụng vào, đã đột nhiên bị hút trụ.

Lâu Cảnh nhẫn cười nhẫn đến vất vả, thẳng đến khi Thái tử điện hạ trộm hôn hắn lần thứ hai, thế nhưng lần này lại là hôn môi, rốt cục không nhịn được, há mồm đem đồ vật mềm mại và ấm áp kia ngậm vào.

“Ưm…" Tiêu Thừa Quân không khỏi mở to hai mắt nhìn.

Lâu Cảnh mở mắt ra, một tay đè đầu Thái tử điện hạ xuống, khẽ cắn đôi môi đang có ý đồ chạy trốn kia, ma sát, mút chặt… thẳng đến khi hai người đều có chút hơi suyễn, hắn mới chống một tay tựa lên, dù bận vẫn ung dung mà nhìn y, “Điện hạ, mới sáng sớm đã khinh bạc ta như vậy, là vì sao a?"

Tiêu Thừa Quân nhìn đôi mắt xinh đẹp và sáng như sao kia, nhất thời có chút luống cuống, cứ cảm thấy lời này của hắn có gì đó không đúng, nhưng không đúng ở chỗ nào thì lại không nghĩ ra được.

Nhìn bộ dáng ngơ ngác của Thái tử điện hạ, hai vành tai dấu sau mái tóc lòa xòa cũng dần dần biến thành màu đỏ rực, Lâu Cảnh cảm thấy trong lòng lại bắt đầu ngứa ngáy không thôi.

“Khụ, nên dậy thôi." Tiêu Thừa Quân ho nhẹ một tiếng, lập tức ngồi dậy, “Hôm qua ta đã dâng tấu lên phụ hoàng, chúng ta sẽ đến núi Tĩnh Di chơi hai ngày."

Lâu Cảnh vẫn bán nằm trên giường như trước, vươn tay nắm lấy một góc áo của Thái tử điện hạ chơi đùa, biết đây là Tiêu Thừa Quân muốn tị hiềm, để Thuần Đức đế cảm thấy cái gì y cũng không biết, hẳn là trên triều đình đã có an bài khác, “Được a, hiện giờ núi Tĩnh Di đang mùa lá đỏ, đây đúng là thời điểm du ngoạn tốt nhất."

Núi Tĩnh Di nằm ở vùng ngoại ô phía đông của kinh thành, trên núi trồng toàn cây phong. Mỗi khi thu về, ngọn núi ngập tràn một màu lá đỏ, nhìn rất đẹp mắt. Dân chúng bình thường chỉ có thể đi lên phía Bắc núi Tĩnh Di, phía Nam là biệt viện của hoàng gia, nếu không được phép thì không thể đi vào.

Thuần Đức đế đáp ứng rất nhanh, buổi sáng còn cố ý phái người đến, cho phép Thái tử và Thái tử phi đến hành cung nghỉ ngơi vài ngày.

“Vốn muốn dẫn ngươi đến biệt viện của Thái tử, không nghĩ tới phụ hoàng lại cho phép chúng ta nghỉ ở hành cung." Sau khi thưởng cho thái giám đến truyền tin, Tiêu Thừa Quân quay đầu nhìn về phái Thái tử phi còn đang thay quần áo.

“Thật là đúng lúc mà, ta còn chưa được nghỉ ở trong hành cung bao giờ đâu!" Lâu Cảnh cười nói, khi làm tứ phẩm trung lang tướng thuộc Vũ Lâm quân, hắn có đi qua hành cung, bất quả lúc ấy là đi bảo vệ, bây giờ được vào với tư cách là chủ nhân, đúng là cực kì háo hức nha.

Muốn đi hành cung, tự nhiên là cung nhân của Đông Cung phải đi trước để thu thập, an bài tốt mọi chuyện. Hai người thong thả dùng đồ ăn sáng, lại đi cung Phượng Nghi nghe Hoàng hậu dặn dò một chút, sau giờ ngọ mới ngồi lên xa giá hướng vùng ngoại ô phía đông kinh thành mà đi.

Trong khi Đông Cung là một cảnh tượng an nhàn thì không khí trên triều lại vô cùng khẩn trương.

“Hoàng Thượng, huyện lệnh Thanh Hà cung khai, nói tháng ba năm nay Thái tử lệnh cho huyện Thanh Hà tu sửa chùa Thanh Lương, lại chậm chạp không thấy bạc đâu, thẳng đến tháng năm mới thấy bạc được phân đến, hắn liền lấy để tu sửa chùa Thanh Lương, cũng không biết số tiền này là để xây dựng, tu sửa đê điều." Hình bộ thị lang đem kết quả thẩm vấn hôm qua nói ra.

“Đúng là nói bậy, việc tu sửa đê điều chính là đại sự, thân là huyện lệnh huyện Thanh Hà, chẳng lẽ lại không phân rõ nặng nhẹ hay sao?" Thượng thư Lại bộ Dương Hựu Đình là một người rất thẳng tính, ghét nhất là nhìn quan viên làm việc cẩu thả, qua loa tắc trách, nghe vậy liền nhịn không được mà bước ra khỏi hàng.

“Chùa Thanh Lương được tu sửa ba năm một lần, không mất quá nhiều bạc." Thượng thư Hộ bộ cũng không vui, đứng ra nói: “Số bạc dùng để tu sửa, xây dựng đê điều và dùng để tu sửa chùa miếu cách nhau rất xa. Vả lại, vào đầu tháng ba Thái tử đã phê duyệt việc tu sửa chùa, giữa tháng ba bộ Hộ đã phân bạc xuống."

“Theo ý kiến của thần, sợ là việc này còn cần phải điều tra cẩn thận." Hữu thừa tướng Trần Thế Xương bước ra khỏi hàng, khom người nói.

Tả thừa tướng Triệu Đoan liếc mắt nhìn Trần Thế Xương một cái, lại rũ mắt không nói.

“Tra xét rõ ràng cho trẫm." Thuần Đức đế khoát tay áo, “Tham ô ngân lượng đê điều, quyết không dung túng."

Ánh mắt ẩn giấu sự âm trầm và hung bạo của Thẩm Liên lướt qua hữu thừa tướng, lạnh lùng không nói gì.

Đợi cho đến khi tan triều, tả tướng Triệu Đoan cười cười để hữu tướng đi trước, chính mình hoãn hai bước, dừng lại ở phía sau.

“Tả tướng, ngài nói, chuyện này thì có cái quái gì phải điều tra?" Thượng thư Hộ bộ thấp giọng nói, rõ ràng chính tên huyện lệnh Thanh Hà kia đã tham ô tiền xây dựng, tu sửa đê điều, thế quái nào mà vụ này lại dính cả lên đầu Hộ bộ bọn hắn?

Thượng thư Lại bộ Dương Hựu Đình đi ra, trừng mắt liếc bóng dáng hữu thừa tướng một cái, thổi thổi râu mép, hừ lạnh một tiếng, “Bụng dạ khó lường."

Mặc dù ai cũng có thể nhìn ra, hữu thừa tướng Trần Thế Xương là Hạng Trang vũ kiếm, ý tại Bái Công, nhưng dường như Thuần đức đế lại mù quáng, không hề nhận ra cái gì, cứ liên tục bắt bẻ và gây sức ép cho bọn họ.

Triệu Đoan đưa một tay vuốt vuốt chòm râu đẹp đẽ dưới cằm, “Tất cả đều về đi." Cái gì cũng chưa nói, dẫn đầu đi về phía trước, chính là giống như vô ý mà liếc liếc nhìn sắc mặt âm trầm của Thẩm Liên, như có điều suy nghĩ.

Vào thời kì Thái tổ, triều đình sử dụng chế độ tam tỉnh lục bộ, đến thời Thái tông đã phế đi môn hạ tỉnh, chỉ chừa lại thượng thư tỉnh và trung thư tỉnh. Thượng thư lệnh tức là tả tướng bây giờ, quản hạt Lại bộ, Lễ bộ, Hộ bộ; trung thư lệnh tức là hữu thừa tướng, quản hạt Binh bộ, Hình bộ, Công bộ. Đến thời Thế tông thì lập ra nội thị tỉnh, không quản một bộ nào, quyền hạn rất mơ hồ, mà hiện giờ Thẩm Liên làm nội thị giam, cái gì cũng muốn quản, bộ nào cũng chen một tay vào.

Lễ bộ thượng thư Diêu Trúc lặng lẽ xoa xoa mồ hôi lạnh trên trán, âm thầm may mắn trong lòng, sau khi nghe nhắc nhở của Thái tử điện hạ, hắn đã cấp tốc đưa đệ đệ rời khỏi kinh thành. Quả nhiên, ngay nửa đêm hôm qua liền có người xông vào tòa nhà đệ đệ Diêu Túc ở tạm, muốn bắt người đi nhưng lại bắt hụt. Hắn nhìn tình thế hôm nay, có lẽ là chỉ dám lén lút bắt người, chưa bắt được cũng không dám gióng trống khua chiêng.

“Ân sư, kế tiếp phải làm như thế nào?" Diêu Trúc bước nhanh hai bước đuổi kịp cước bộ của Triệu Đoan, nhỏ giọng hỏi. Mẫu thân hắn nghe xong chuyện hôm qua, sáng nay đã hướng phía Đông Cung mà tam quỳ cửu khấu, muốn trai giới bốn mươi chín ngày vì Thái tử điện hạ cầu phúc.

Triệu Đoan liếc nhìn Diêu Trúc một cái, nói: “Dĩ bất biến ứng vạn biến."

Núi Tĩnh Di nằm ở phía đông, cách kinh thành ba mươi dặm. Dưới chân núi có một chùa nổi danh của các ni cô, tên là chùa Thanh Liên, nữ quyến trong kinh thường tới nơi này thắp hương bái phật, một năm bốn mùa đều hương khói tràn đầy.

“Đầu tháng chín nơi này có hội chùa, chúng ta có thể xuống núi đến xem." Lâu Cảnh nhìn chùa Thanh Liên cách đó không xa, trên mặt lộ ra ý cười hàm xúc không rõ.

Tiêu Thừa Quân nhìn thoáng qua nét cười không có hảo ý của Thái tử phi, “Ngươi và ta đều là nam tử, sao lại muốn chạy đến chùa ni cô xem náo nhiệt làm gì?" Đầu tháng chín có Tết Trùng Cửu, bách tính thường rủ nhau lên núi ngắm hoa, nhóm nữ quyến sẽ đi hội làng và mua đồ ở dưới chân núi.

Lâu Cảnh cười thần bí, cũng không đáp lại, đem mặt chôn vào ngực Thái Tử điện hạ, ngáp một cái, “Cái đường núi lòng vòng này làm ta chóng cả mặt!"

Thái tử điện hạ bất đắc dĩ mà nhìn nhìn gia hỏa trong lòng mình. Đường núi xóc nảy, bọn họ liền đổi thành cưỡi ngựa. Mà trên đùi Lâu Cảnh có thương tích, không thể cưỡi ngựa, chỉ có thể cưỡi chung một ngựa với y, nhưng từ khi lên ngựa, chẳng thấy người này yên tĩnh bao giờ, dáng vẻ nào có giống người đang bị thương cơ chứ?

(1) Cây chương: có mùi thơm, cắt ra từng miếng cho vào đun, hơi bốc lên kết thành phấn trắng, dùng để làm thuốc và trừ trùng, gọi là chương não 樟腦 long não.

(2) nguyên bảo: nén bạc, nén vàng

(3) giặc Oa: ngày xưa gọi nước Nhật Bản là Oa 倭. ◎Như: Oa nhân 倭人 người Nhật.

(4) nghe âm biết nhã: âm: ám chỉ tin tức, nhã:đúng, tình thân, giao tình… =.= theo mình hiểu thì cụm từ này có thể hiểu là nghe được tin tức đã lập tức đưa ra quyết định đúng đắn.

(5) Thát tử: Thát Đát 韃靼 một bộ lạc ở phía bắc nước Tàu, tộc Khất Đan 契丹, lập ra nhà Nguyên 元. Ngày nay thuộc vùng Mông Cổ 蒙古 của Trung Quốc.

(6) Phượng Hoàng niết bàn, dục hỏa trùng sinh: là biểu tượng tượng trưng cho sự phúc lộc, giao duyên, hạnh phúc lứa đôi.

Phượng Hoàng là một loài chim huyền thoại, có vẻ đẹp rực rỡ vô song, sống lâu khác thường và luôn mang tới những phép mầu nhiệm, sở dĩ nói như vậy là bởi vì sau khi đã tự thiêu trên giàn lửa nhưng nó lại được tái sinh ra từ đám tro tàn.

Khi chim Phượng Hoàng biết mình sắp chết, nó đã tự làm cho mình một cái tổ bằng những nhánh cây có hương thơm và tự thiêu trong đó bằng nguồn nhiệt của bản thân. Ngày nay mọi người hay sử dụng câu nói trên để thể hiện rõ những khía cạnh quan trọng nhất trong biểu tượng của sự “phục sinh và bất tử" tái hiện theo chu kỳ.

Chim phượng hoàng là biểu tượng của những gì tồn tại bằng tên gọi; có nghĩa là những gì mà mọi trí tuệ và mọi tư duy đều không nhận thức được.

(7) Hạng Trang vũ kiếm, ý tại Bái Công: Hạng Trang là một võ tướng em của Hạng Vũ, còn “Bái Công" là Lưu Bang.

Ý của câu thành ngữ này là chỉ trong bữa tiệc Hồng Môn, Hạng Trang mượn tiếng ra múa kiếm trợ hứng, và muốn nhân cơ hội này giết chết Lưu Bang. Nay thường dùng để ví về người bề ngoài thì có lý do chính đáng, nhưng thực tế lại có dụng ý khác.

Ghi chép về Hạng Trang chỉ có vài dòng ngắn ngủi trong Sử ký – Hạng Vũ bản kỷ, liên quan đến sự kiện Hồng Môn yến: năm 206 TCN, Lỗ công Hạng Vũ bày tiệc ở Hồng Môn (ở phía ngoài đàn Giao của Hàm Dương), mời Bái công Lưu Bang đến dự, mục đích là giết chết Lưu Bang. Nhưng sau khi nghe Lưu Bang giải bày, Hạng Vũ muốn từ bỏ ý định. Mưu thần của họ Hạng là Phạm Tăng không cam tâm, sai Hạng Trang vờ múa kiếm giúp vui, tìm cơ hội giết chết Lưu Bang. Nhưng vì Hạng Bá ngăn trở, nên không thành công.

(8) tam tỉnh lục bộ: Tam Tỉnh (chữ Hán: 三省) là tên gọi chung cho ba cơ quan quyền lực trung ương cao nhất thời phong kiến Trung Hoa, bao gồm Thượng Thư Tỉnh, Môn Hạ Tỉnh và Trung Thư Tỉnh.

– Thượng thư tỉnh: là cơ quan hành chính tối cao, chưởng lãnh bá quan trong triều, nắm giữ quyền hành chính cao nhất dưới hoàng đế, thay mặt hoàng đế thi hành quyền quản lý hành chính, trực tiếp quản lý lục bộ thượng thư.

– Trung thu tỉnh: là cơ quan quyết định chính sách, phụ trách thảo luận, soạn thảo, ban hành chiếu lệnh của Hoàng đế.

– Môn hạ tỉnh: là cơ quan thẩm định, phụ trách thẩm định, xem xét các chính sách của Trung thư tỉnh.

Thông thường, Trung thư tỉnh chịu trách nhiệm hình thành, thảo luận và soạn thảo chính sách giúp Hoàng đế. Môn hạ tỉnh thẩm tra, nếu xét thấy không hợp thì gửi trả lạ Trung thư tỉnh thảo luận lại. Nếu chính lệnh được cả hai tỉnh thông qua thì giao cho Thượng thư lệnh chấp hành. Dưới Thượng thư lệnh là Lục bộ, bao gồm:

– Lại Bộ: phụ trách kiểm tra, thăng, giáng, nhậm chức hoặc bãi miễn quan viên từ tứ phẩm trở xuống.

– Hộ Bộ: phụ trách kiểm soát thuế khoá, tài chính, ngân khố của quốc gia.

– Lễ Bộ: phụ trách thi cử, tế tự, lễ chế, giáo dục toàn quốc.

– Binh Bộ: phụ trách quân sự

– Hình Bộ: phụ trách tư pháp, xem xét điều tra các sự vụ. Cụ thể do Đại Lý Tự chịu trách nhiệm điều tra, xét xử. Nếu là án lớn thì do Hình Bộ, Ngự Sử Đài và Đại Lý Tự cùng xét xử, gọi là Tam tư hội thẩm.

– Công Bộ: phụ trách các việc xây dựng, đường xá, cầu cống.

Trưởng quan Trung thư tỉnh đời Tuỳ xưng là Nội sử lệnh, đời Đường xưng là Trung thư lệnh, phó quan xưng là Trung thư thị lang. Trưởng quan Môn hạ tỉnh đời Tuỳ xưng là Nạp Ngôn, đời Đường đổi thành Thị trung, do Môn hạ thị lang làm phó. Thượng thư tỉnh do Thượng thư lệnh đứng đầu, phó là Thượng thư bộc xạ. Do Đường Thái Tông trước khi lên ngôi từng làm Thượng thư lệnh, nên sau này không nhà Đường không còn ai được phong Thượng thư lệnh nữa, chức Thượng thư lệnh để khuyết, Thượng thư bộc xạ trở thành quan đứng đầu trong thực tế. Chỉ đến sau Loạn An Sử, do công của Quách Tử Nghi quá lớn nên mới được phong làm Thượng thư lệnh.

Trong ba tỉnh còn có các cơ quan nội bộ trực thuộc, giúp việc cho Lệnh các Tỉnh. Trung thư tỉnh có Trung thư xá nhân, chịu trách nhiệm soạn thảo chiếu lệnh. Môn hạ tỉnh có Cấp sự trung, Tán kỵ thường thị, Gián nghị đại phu, Khởi cư lang, Thập di, tất cả chuyên lo việc kiểm tra, can gián. Thượng thư tỉnh có tả hữu thừa, phân nhau quản lý lục bộ, đứng đầu các bộ xưng là Thượng thư.

Trong Tam tỉnh thì tuy rằng Thượng thư lệnh và bộc xạ có địa vị cao nhất nhưng thật ra là hữu danh vô thực, toàn bộ quyền lực nằm trong tay hai tỉnh Trung thư, Môn hạ.

(9) tam quỳ cửu khấu: Tam quỳ của khấu là quỳ ba lần, lạy chín lạy. Ý nghĩa là rất kính trọng 1 người hay 1 nhân vật nào đó. (─‿‿─) hình như cái này chú thích ở mấy chương trước rồi.

(10) trai giới: Giữ trong sạch, ngăn tham dục, như: Ngày xưa sắp tế lễ tất kiêng rượu, kiêng thịt, ngủ nhà riêng gọi là trai giới 齋戒

(11) Dĩ bất biến ứng vạn biến: hiểu theo nghĩa đen là “Lấy cái bất động để đối phó với nhiều cái manh động". Tạm dịch vậy thôi, “dĩ bất biến" có thể hiểu là sự bình tĩnh, sự sáng suốt, và cứng rắn, không nóng vội thay đổi, “biến" động theo “vạn biến". Người hay là người biết cách đối phó, ứng xử khôn khéo với những việc xảy ra xung quanh mình. Mà để giải quyết cho khôn khéo trước hết ta phải có lập trường vững chắc và kiên định, phải bình tĩnh và sáng suốt để nắm lấy thời cơ cũng như đưa ra những cách thức hành động. Tóm lại “Dĩ bất biến, ứng vạn biến" là “lấy một sự bình tĩnh, chống lại ngàn sự biến động". Lòng ta không “biến" thì ắt không còn bất cứ “vạn biến" nào lung lạc được ta.

(12) Tết Trùng Cửu: Ngày Trùng Cửu hay còn gọi là tết Trùng Cửu, diễn ra vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm được xuất phát từ phong tục của người Trung Quốc.

Điển tích về ngày tết này có rất nhiều:

– Đời Hậu Hán (25-250) có người tên là Hoàng Cảnh, quê ở Nhữ Nam, theo học đạo tiên với đạo sĩ Phí Trường Phòng – một người tinh thông kim cổ, có thể đoán được tương lai. Một hôm, Trường Phòng bảo Cảnh: " Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn". Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả nhiên, đến tối ông trở về nhà trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị chết hết.

– Theo sách “Phong Thổ Ký" thì vào cuối đời nhà Hạ, vua Kiệt dâm bạo tàn ác, gây nên bao cảnh tang thương. Thượng Đế muốn răn nhà vua nên đã giáng một trận hồng thủy làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, động vật, người bị chết đuối nhiều không kể xiết. Nạn hồng thủy đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn, lâu dần trở thành tục lệ.

– Đến đời Hán Văn Đế (176-156 trước D.L.), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.

Cổ thi có câu: “Gặp ngày Trùng Cửu đăng cao". “Đăng cao" là lên chỗ cao. “Trùng cửu" và “Đăng cao" đều do điển tích trên.Chính từ những điển tích như trên mà dân gian xưa có câu, gặp ngày Trùng Cửu đăng cao, nghĩa là gặp ngày Trùng cửu thì lên cao. Vào ngày này, người dân Trung Quốc thường rủ nhau lên núi ngắm hoa.

(13) gia hỏa: gia chỉ vợ hoặc chồng, hỏa: tiếng gọi đùa.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Mới có chap mới rồi nhé mọi người: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại