Quần Long Chi Thủ [Luận Anh Hùng]
Chương 101: Mưa lớn gió lớn

Quần Long Chi Thủ [Luận Anh Hùng]

Chương 101: Mưa lớn gió lớn

Đột biến.

Thẳng thắn mà nói, Thích Thiếu Thương bình sinh ghét nhất chính là đột biến.

Đột biến không phải chuyện tốt.

Đột biến thường thường chính là kinh biến.

Thích Thiếu Thương luôn cho rằng võ lâm phải biến, nên biến, không thể không biến.

Không biến sẽ trở nên cứng nhắc, không phát triển, mất đi sinh cơ.

Mất đi sinh cơ sẽ bị người ta đào thải.

Nhưng biến không nên thình lình đột ngột, mà là tuần tự tiến dần, đãi cát tìm vàng, tốt thắng xấu thua, bỏ yếu giữ mạnh.

Biến như vậy mới bình thường, mới có sáng tạo, mới có thể sừng sững không ngã, vĩnh viễn trường tồn trên trên giang hồ thay đổi từng ngày, mưa to gió lớn.

Đây là suy nghĩ của y, cũng là lập trường của y.

Cho nên, những tổ chức mà y quản lý, những đoàn thể mà y chủ trì, nhất định phải mưu cầu tiến bộ, không ngừng cố gắng.

Nhưng đây là “biến" giống như bốn mùa luân chuyển, gió thổi hoa trời, chứ không phải “đột biến".

Y cực kỳ không thích biến hóa đột ngột.

Liên Vân trại do một tay y gây dựng nên, cũng bởi vì thủ hạ mà y tín nhiệm phát sinh biến cố, trong một lần “đột biến", khiến cho y phải lưu vong chân trời, nhà tan cửa nát.

Võ công của y cũng như vậy.

Y không ngừng tìm cái mới, cầu biến đổi, nhưng dù thay đổi thế nào thì bản chất vẫn không thay đổi. Y tìm tòi sáng tạo, sửa cũ thành mới, nhưng vẫn dựa trên căn cơ võ học truyền thống của mình, hợp tình hợp lý.

Trên thực tế, y luôn cho rằng không có cũ thì nào có mới, không có già thì nào có trẻ, không có truyền thống thì nào có hiện tại.

Do đó truyền thống cơ sở của y rất tốt, công phu cũng rất vững chắc. Về điểm này, rất nhiều người chỉ cho rằng Thích Thiếu Thương trẻ tuổi xuất chúng, mà không để ý cơ sở của y rất dày, nỗ lực rất lớn.

Y thậm chí còn cố ý khiến người ta lầm tưởng công phu cơ bản của mình không đủ vững chắc. Người khác càng xem thường, đối với y lại càng có lợi.

Nhưng vẫn có người biết.

Trong đó người biết rõ nhất có lẽ là Thiết Thủ thần bổ Thiết Du Hạ.

Nguyên nhân không có gì khác, bởi vì Thiết Thủ đã từng giao thủ với y.

Sau lần giao thủ đó, Thiết Thủ khắp nơi khen ngợi Thích Thiếu Thương có “bốn cao", phong độ cao, cơ sở cao, hơn nữa chẳng những tâm chí cao, ngay cả xuất thủ sáng tạo cũng cao.

Đây là những lời từ đáy lòng của y.

Bởi vì trận chiến Liên Vân trại, Thích Thiếu Thương và Thiết Thủ đã giao đấu mười chiêu. Thiết Thủ nói rõ Thích Thiếu Thương phải dùng “Nhất Tự kiếm pháp". Nói cách khác, mỗi lần Thích Thiếu Thương xuất thủ, đều phải dùng kiếm pháp trong tên gọi có một chữ “Nhất", chẳng hạn như “Nhất Phách Lưỡng Tán", “Nhất Triều Đắc Chí", “Nhất Kiến Phát Tài", “Nhất Thạch Nhị Điểu"… nếu không phù hợp với điểm này thì xem như thất bại.

Dưới tình huống bị hạn chế như vậy, Thích Thiếu Thương đã giao đấu với Thiết Thủ. Đương nhiên khi đó Thiết Thủ cũng có hạn chế của mình (xin đọc “Tứ Đại Danh Bổ Hội Kinh Sư").

Theo tình hình lúc đó, nếu Thích Thiếu Thương không thông hiểu “Nhất Tự kiếm pháp" của các nhà các phái, đừng nói đến đối phó ngăn cản kẻ địch, ngay cả thi triển mười chiêu kiếm pháp có tên gọi chữ “Nhất" cũng khó khăn. Hơn nữa lúc đó rất nhiều quân mã của Liên Vân trại đã bao vây trùng trùng đám người Thiết Thủ, cho dù Thích Thiếu Thương bị thua cũng có thể không thừa nhận, chỉ cần sai thủ hạ quần đấu bao vây, giết sạch đám người Thiết Thủ là có thể bình chân như vại.

Nhưng Thích Thiếu Thương không làm như vậy.

Khi đó tuổi trẻ bốc đồng, cũng chỉ thua một chiêu nửa thức. Y thắng là thắng, bại là bại, một khi rơi xuống thế yếu, lập tức hiệu lệnh hợp quân rút lui, bại một cách khí phách, rút lui một cách gọn gàng lưu loát.

Từ đó có thể suy ra, Thích Thiếu Thương chỉ dựa vào “Nhất Tự kiếm pháp" bị hạn chế, vẫn có thể giao đấu mười chiêu với Thiết Thủ (khi đó ước hẹn mười chiêu phân định thắng thua). Sau đó bởi vì biến chiêu mà dùng sai chiêu thức với Thiết Thủ, trên thực tế cũng không bị Thiết Thủ đánh bại. Dùng chiêu thức tiện tay thi triển mà còn có thể phát huy như vậy, có thể thấy võ công của y là chân tài thực học, dung nạp bao hàm, không thể xem thường.

Cho nên Thiết Thủ không nhịn được gặp người khác đều nói Thích Thiếu Thương là một nhân tài.

Thích Thiếu Thương dĩ nhiên là nhân tài, nhưng y cũng coi trọng biến hóa, dần biến chứ không phải là đột biến.

Đột biến nhìn về truyền thống, đánh vỡ phá tan tất cả, kết quả có thể xây dựng hay không? Có thể đứng vững hay không? Rốt cuộc lại là một vấn đề. Cũng không thể chỉ phá hủy, không có xây dựng.

Bởi vì y cũng là chúa tể một phương, thủ lĩnh quần long trên giang hồ, trong võ lâm, trong kinh sư, cho nên rất nhiều lúc, y chẳng những khăng khăng giữ vững quan niệm cá nhân, còn bày tỏ ý kiến của mình với mọi người, tiến hành thuyết phục, thậm chí biểu hiện trên bút mực, viết thành văn tự, tạo ảnh hưởng tốt đối với huynh đệ anh em trong lâu, trong tháp.

Giáo hóa là một khâu rất quan trọng.

Vế mặt này, ý kiến của y và Dương Vô Tà lại tình cờ trùng khớp. Muốn quản lý cục diện giống như Kim Phong Tế Vũ lâu, Tượng Tị tháp, người làm lãnh đạo nhất định phải tiến hành công việc giáo hóa, nếu không thì khó tránh khỏi xuất hiện việc đáng tiếc như Tô Mộng Chẩm.

Tô Mộng Chẩm thật sự là một lãnh tụ đáng quý, y chưa từng hoài nghi huynh đệ của mình, y tín nhiệm huynh đệ của mình. Y trí kế vô song, trù tính chuẩn xác, nhưng việc gì cũng phải tự mình làm lấy. Dù trên người mắc phải hai mươi bảy loại bệnh, y vẫn phấn đấu cầu tiến, cơ trí khôn ngoan, đúng là kiêu hùng nhân kiệt trăm năm khó gặp.

Y biết cách dùng người, cho nên có thể sử dụng nhân tài như Vương Tiểu Thạch, Bạch Sầu Phi.

Đáng tiếc y không đề phòng người khác, cũng xem nhẹ tác dụng của “giáo hóa".

Do đó y bị Bạch Sầu Phi tạo phản, đến nỗi thất bại thảm hại. Mặc dù cuối cùng vẫn có thể lập lại trật tự, nhưng vì không muốn Phong Vũ lâu biến thành con rối bị người khác thao túng, cho nên chỉ có con đường chết.

Chấm dứt tất cả ân cừu trói buộc.

Bất kể thế nào, Tô Mộng Chẩm chết đi là một chuyện khiến người ta đau xót.

Bạch Sầu Phi lớn gan đoạt quyền, cũng xem nhẹ “giáo hóa", do đó trong lúc nguy cấp, những người bên cạnh hắn đều phản bội, hơn nữa càng ác, càng tuyệt, càng độc hơn so với hắn phản bội Tô Mộng Chẩm.

Sau này, Vương Tiểu Thạch có một dạo nắm giữ quyền hành của Kim Phong Tế Vũ lâu, hắn lại rất coi trọng “thân giáo" (giáo dục bằng hành động).

Còn Thích Thiếu Thương lại coi trọng “ngôn giáo" (giáo dục bằng lời nói).

Hai người đều chú ý tới “đức giáo".

Giống như hai đảng Phát Mộng, vây cánh nhiều, nhân thủ hỗn tạp, ăn sâu bén rễ trong dân gian phố phường, lẽ ra sức ảnh hưởng trong võ lâm phải vượt xa Kim Phong Tế Vũ lâu mới đúng.

Nhưng sức hiệu triệu của họ trên giang hồ còn không bằng cả Tượng Tỵ tháp do Vương Tiểu Thạch mới xây dựng nên gần đây.

Nguyên nhân là thủ lĩnh của hai đảng Phát Mộng, Hoa Khô Phát và Ôn Mộng Thành không coi trọng lập ngôn, lập công, lập đức.

Nói cách khác, bọn họ không coi trọng hiệu dụng và hiệu quả của “giáo hóa", cho nên sức ảnh hưởng, sức hiệu triệu cũng không thể bộc lộ.

Vương Tiểu Thạch giỏi về giao du đi lại, đối nhân xử thế, truyền đạt tinh thần và ý kiến của hắn, khiến cho những người sống chung với hắn đều bất giác bị hắn ảnh hưởng và cảm hóa.

Thích Thiếu Thương lại giỏi về lời lẽ.

Y cũng có đầy đầu văn chương, đầy bụng kinh luân.

Y giỏi về lôi kéo, biểu đạt ý kiến của mình một cách động lòng người, cảm động người, đầy sức thuyết phục, khiến người khác khâm phục lý luận và quan điểm của y, từ đó đi theo y.

Thế nhưng ngôn từ khó diễn đạt ý nghĩa.

Ngôn từ có ưu việt cũng khó tránh khỏi bị hiểu lầm xuyên tạc, văn tự có ưu tú cũng khó giải thích một số việc ý ở ngoài lời.

Do đó, Thích Thiếu Thương đưa ra “luận điểm cần biến" và “phương án ứng biến" cho giang hồ, võ lâm (tuần tự tiến dần, không cần cố sức cầu công, không cần trau chuốt), khi nói chuyện lại bị người ta cố ý xuyên tạc.

Đột biến và cần (ứng) biến, đó là hai chuyện khác nhau, hai sự khác biệt rất lớn.

Đột biến là một loại tan vỡ, cần biến lại là một loại trình tự.

Đột biến là một nước cờ lật đổ, phá vỡ toàn bộ, ứng biến lại là một bước đi trường tồn, kẻ biết thích ứng với hoàn cảnh mới có thể sống sót.

Vì vậy, Thích Thiếu Thương bị những người cố ý ngụy tạo lời đồn rêu rao “muốn làm tan rã hệ thống giang hồ ban đầu, muốn phá hủy truyền thống võ lâm vốn có", kêu gọi mọi người hợp nhau công kích.

Do đó Thích Thiếu Thương không hiểu, cảm thấy rất ủy khuất, đột ngột. Trước giờ nếu như y nói sai, làm sai, có người chỉ điểm, nhắc nhở y, y cao hứng cảm kích còn không kịp. Nhưng xuyên tạc phỉ báng cách nói của y như vậy, thậm chí dùng những chuyện mà y vốn rất phản đối để chỉ trích, lại khiến y dở khóc dở cười, hết sức ủy khuất. Những người công kích y thậm chí còn sửa đổi những lời mà y phát biểu tại Hoàng Nham thi xã, châm biếm vạch trần quan lại đương thời giả dối lừa gạt, lén lút hại người, đó là “mời, mời mời, mời mời mời" (dù ngoài mặt nói lời khách sáo “ngươi cung ta kính, khiêm nhường với nhau", thực ra trong lòng chỉ mong sao giết chết đối phương), đổi thành “mời, mời mời mời nói", hai câu hoàn toàn không liên quan đến nhau. Lý lẽ của nó giống như, y từng có một người bạn, vợ của người này giỏi nấu một loại mì, nhất là vào ngày đông giá rét, ăn vào trong bụng chợt cảm thấy cả người khỏe khoắn, nhiều người gọi là “lực bạt sơn hề khí cái thế mì thịt bò", ý là Tây Sở Bá Vương cũng thích loại mì này. Người người truyền ra, “lực bạt sơn hề khí cái thế mì thịt bò" cũng đã trở thành chiêu bài tại khu vực Đài Châu. Nhưng lại gặp phải một tên quân binh không phân rõ phải trái, nói rằng câu này không thông, bởi vì “lực bạt sơn hề khí cái thế, mì thịt bò" hoàn toàn không liên quan, không dính dáng gì đến nhau. Chủ tiệm năm lần bảy lượt giải thích đây là một câu hoản chỉnh, nhưng đối phương vẫn không để ý tới, đập bàn mắng lớn rắm chó không kêu, sau đó rời đi.

Đối với loại người này, Thích Thiếu Thương nhún nhường lễ độ, năm lần bảy lượt giải thích, thanh minh, nhưng đối phương vẫn nhất quyết không nghe, lại càng lan truyền rộng rãi.

Sau đó Thích Thiếu Thương không để ý tới nữa.

(Ta không cần loại người này hiểu rõ.)

(Ta làm việc cũng không cần loại người này đồng ý.)

Ta chỉ cần cúi đầu và ngẩng đầu không thẹn, tự mình hiểu mình là được.

(Ngươi muốn tin cũng tốt, không tin cũng tốt, đồng ý cũng được, không đồng ý cũng không sao. Ta là ta, ngươi không ngăn được ta, có gan thì giết ta đi.)

Giả sử hỏi một câu “giết ta được không", sẽ không bị đối phương đổi thành “giết ta, được không" đấy chứ? Thích Thiếu Thương từng nghĩ như thế, lại cười cho qua chuyện.

Bà nội nó!

Đối với những kẻ không nói lý, không đáng để bàn, thay vì tranh luận vô nghĩa, không bằng làm những chuyện có ý nghĩa nhiều một chút.

Y nghĩ như vậy, trong lòng liền yên tĩnh, sự bực bội cũng không còn.

Sau này nhờ Dương Vô Tà điều tra, quả nhiên đã tra được, đó là lời đồn do Lục Phân Bán đường tung ra.

Bọn họ còn lan truyền, Thích Thiếu Thương đã biến chất, mục nát, không luyện công, không cố gắng, đã dần dần “sa đọa", người người thương tiếc vân vân.

Có lẽ là Địch Phi Kinh cố ý truyền bá lời đồn để đả kích y?

Y càng cảm thấy con người Địch Phi Kinh này thú vị, hơn nữa còn rất đáng sợ, quả là sâu không lường được.

Bởi vì người này không nhất định dùng vũ lực, thậm chí không nhất định dùng trí kế, vẫn có thể đả kích kẻ địch. Có lúc hắn lan truyền lời đồn, cũng có khả năng trói người, thương người.

(Hóa ra là hắn cố ý xuyên tạc lời nói của ta, muốn ta tốn công biện bạch, làm ta nóng nảy bực tức.)

Làm đối thủ của hắn, thật sự rất thú vị.

Bởi vì có kẻ địch như Địch Phi Kinh, cho nên càng không thể lười biếng, cần phải cố gắng.

Đây là kẻ địch tốt.

Đây mới là kẻ địch tốt.

Kẻ địch này khiến cho y thường gặp phải “kinh biến".

Mặc dù Thích Thiếu Thương luôn luôn không thích kinh biến, cũng không thích đột biến.

Mà hiện giờ y lại phải đối diện với kinh biến và đột biến trong nháy mắt.

Bởi vì Quan Thất lại làm một chuyện. Một chuyện mà vào lúc này, bất cứ người nào, bất kỳ cao thủ nào, võ công có cao đến đâu cũng không thể, không dám làm.

Y đột ngột biến chiêu, không phải tấn công Mễ Thương Khung, mà là tấn công một người đang đứng ngoài quan sát, Tôn Thanh Hà.

Tôn Thanh Hà đang nhìn đến lúc nhập thần nhất, chuyên chú nhất, kinh tâm động phách nhất, không ngờ Quan Thất lại đột nhiên tấn công hắn.

Lần này, chẳng những hắn không kịp chuẩn bị, ngay cả Thích Thiếu Thương bên cạnh luôn giỏi về ứng biến cũng không dự liệu được. Quan Thất lại giống như Mễ Hữu Kiều lúc trước, đối diện với cường địch còn ném côn về phía Chu Nguyệt Minh.

Nhưng Chu Nguyệt Minh và Tôn Thanh Hà không giống nhau.

Ít nhất, trong suy nghĩ của Thích Thiếu Thương là hết sức, vô cùng, cực kỳ không giống nhau, bởi vì Tôn Thanh Hà đã là bằng hữu của y.

Không đánh thì không quen biết, anh hùng trọng anh hùng.

Quan Thất phát ra một kiếm (đó chỉ là khí, nhưng còn sắc và nhanh hơn kiếm) về phía Tôn Thanh Hà đang ở một bên quan sát, đồng thời hét lên:

- Đánh với một người không đã ghiền, ngươi nhìn đến nhập thần nhất, vậy cũng đồng thời đến đây đi!

Y chỉ phát ra một kiếm, nhưng đối với Tôn Thanh Hà, cho dù trời lớn đất lớn, kiếm còn người còn, nhưng một kiếm kia phát ra, chỉ cảm thấy trăng tối sao mờ, mưa to gió lớn, trước mắt đều là ánh kiếm, kiếm khí, nhất thời không thể tránh, không thể né, không thể cản, không thể lùi. Trời lớn đất lớn đều là đường chết, đều là đường cùng.

Hay cho một Quan Thất.

Hay cho một kiếm.
Tác giả : Ôn Thụy An
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247
Tran 2 năm trước
đã có chap mới nhất rồi nha anh em. link đây nha: bit.ly/mga899

Truyện cùng thể loại