Phượng Tù Hoàng
Chương 82: Sổ chiết gió nhẹ tụ
Sở Ngọc đang định hỏi, nhưng Vương Ý Chi lại chuyển sang đề tài khác: “Một số thứ mà hôm trước nàng góp ý với ta rất rõ ràng. Nhưng có một chuyện ta không hiểu, chẳng lẽ nước đã nấu sạch hơn nước chưa nấu?" Sở Ngọc biết không có chuyện thì hắn sẽ không nhiều lời, nên nhẹ nhàng giải thích: “Ý Chi huynh không biết đấy thôi, nước chúng ta sử dụng hàng ngày trông thì trong vắt như vậy, nhưng lại chứa rất nhiều bụi bặm mà mắt thường không thể nhìn thấy được!" Vương Ý Chi giảo hoạt hỏi lại: “Đã không nhìn thấy, làm sao nàng lại biết có bụi bặm?" Sở Ngọc ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Ý Chi huynh, thỉnh thoảng vào lúc sáng sớm, khi ánh nắng chiếu qua song cửa, huynh có nhìn thấy những hạt bụi li ti không?" Sở Ngọc không có điều kiện chế tạo kính hiển vi, nên chỉ có thể tìm ví dụ mà người khác quan sát được để làm mẫu “Đấy chính là bụi bặm mà ngày thường chúng ta không nhìn thấy, cũng giống như bụi bẩn trong nước. Ta không nhìn thấy nhưng nó vẫn tồn tại". Ngay sau đó nàng lại bổ sung: “Ý Chi huynh cứ hỏi người thường xuyên đun nước thì biết. Nồi dùng để nấu nước một thời gian dài, dù không làm bất cứ việc gì khác, nhưng ở vách nồi sẽ đóng một lớp váng. Đây cũng là một chứng cớ rõ ràng!" Thực ra lớp váng này là do các khoáng chất trong nước lắng đọng lại, nhưng trước mắt Sở Ngọc cần tìm cách chứng minh quan điểm của mình nên tiện thể sử dụng lung tung. Chỉ cần thuyết phục được Vương Ý Chi thì chuyện thật hay giả cũng không sao hết! Nếu Vương Ý Chi còn không tin, nàng sẽ dẫn hắn đi xem tận mắt những thứ kết tinh lắng đọng này, cho hắn tâm phục khẩu phục. Trước hai chứng cớ liên tục của Sở Ngọc, Vương Ý Chi không khỏi dao động. Hắn nhíu mày: “Hóa ra nước mà chúng ta ăn uống hàng ngày lại dơ bẩn thế sao?" Sở Ngọc vừa nghe liền phát hoảng, không khéo dọa Vương Ý Chi sợ đến nỗi hàng ngày không dám uống nước nữa thì hỏng bét. Nàng vội nói chữa: “Cũng không hẳn là như thế! Huynh xem, hàng ngày chúng ta sống trong bầu không khí bụi bặm như vậy mà vẫn khỏe mạnh đấy thôi! Chẳng qua đối với thực nghiệm thì phải dùng nguyên liệu tinh khiết, sai số một chút xíu cũng không được!" “Thực nghiệm?" Vương Ý Chi bắt ngay được từ mới mà Sở Ngọc vừa nói. Sở Ngọc giật mình, nhưng nàng giải thích không chút hoang mang: “Đúng thế! Thực nghiệm, thực nghiệm, kiểm tra trên hiện trường. Nếu không thực nghiệm, sao tìm được chân lý?" “Tuyệt vời!" Sau một lát suy tư, Vương Ý Chi vỗ tay, tỏ vẻ cực kỳ tán thưởng lời giải thích của Sở Ngọc, khuôn mặt hắn sáng ngời phấn khởi: “Nếu không thực nghiệm, sao tìm được chân lý! Nói chung không thể tin vào đánh trận trên giấy! Tử Sở huynh nói, thực là những lời răn dạy quý báu!" Tiếp đó Sở Ngọc lại dặn dò Vương Ý Chi, trước khi đựng nước cất, dụng cụ phải tẩy rửa sạch sẽ. Tuy bản thân không nghiên cứu sâu về hóa học, nhưng Sở Ngọc vẫn còn nhớ những kiến thức cơ bản. Đối với thực nghiệm, điều kiện tiên quyết là mọi dụng cụ và nguyên liệu phải tinh khiết. Sau khi dặn dò xong xuôi, bất thình lình Sở Ngọc nghe thấy Vương Ý Chi hỏi: “Nàng nói rất có lý! Nhưng ta còn một thắc mắc, công chúa tôn quý như nàng, sao lại biết những chuyện này tường tận thế?" Tiểu đồng dẫn đường đã đi đón khách, nên Vương Ý Chi không ngần ngại nói thẳng ra thân phận của nàng, và cũng khiến Sở Ngọc cả kinh, ý thức mình đã lỡ lời. Tro bụi dưới ánh mặt trời, ai cũng có thể nhìn thấy, việc này không vấn đề gì. Nhưng với thân phận công chúa của nàng, sao lại chú ý đến cả nồi nấu nước? Trong khoảng thời gian ngắn Sở Ngọc chưa biết tìm lời chữa cháy thế nào, vô thức nắm lấy tay áo của mình, ngón tay chạm vào một vật cứng. Nàng bỗng nhớ ra có mang một thứ bên mình, liền lấy ra đưa cho Vương Ý Chi, miệng nói lảng sang chuyện khác: “Để cảm tạ sự giúp đỡ to lớn của Ý Chi huynh vài ngày trước, hôm nay tại hạ có chút lễ mọn muốn kính tặng!" Nàng lấy từ trong tay áo ra một chiếc quạt gấp, hai tay nâng lên đưa cho Ý Chi, biểu hiện thành ý. Quạt gấp là một vật rất bình thường, nhưng ở thời đại này vẫn chưa có. Sở Ngọc cho người nghe ngóng, được biết đương thời mọi người sử dụng quạt lông một phiến, chứ không có quạt gấp, quạt giấy. Trước đây nàng đã sai người làm một chiếc để mình sử dụng, là cái đầu tiên trên đời. Tuy nhiên vì trời chưa nóng, nên quạt vẫn bị nàng vứt xó. Mấy ngày trước muốn tìm lễ vật độc đáo để tặng Vương Ý Chi, Sở Ngọc quyết định chọn quạt gấp. Những thứ khác đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật quá cao, nàng không làm được. Còn quạt gấp thì chỉ cần có ý tưởng, nàng mô tả là thợ thủ công có thể làm được ngay. Nàng có tật giật mình, chuyển đề tài rất không tự nhiên, không hiểu người khác thì nghĩ thế nào, nhưng Vương Ý Chi cũng không truy cứu nữa, chỉ cười cười nhận lấy cây quạt gấp. Xem xét một hồi hắn phát hiện có điểm lạ lùng, bèn hiếu kỳ dùng cả hai tay kéo nan quạt ra. Nhìn thấy trên quạt vẽ tranh thủy mặc, non nước hữu tình, vẻ ngạc nhiên trong mắt hắn càng đậm. Sở Ngọc mang ra một thanh quạt khác, xoay cổ tay, mấy ngón tay khẽ chuyển động mở quạt, rồi cười nói: “Ý Chi huynh, làm thế này cơ mà!" Nàng gấp quạt lại, rồi chậm rãi làm mẫu một lần nữa. Vương Ý Chi nhìn một lần là hiểu, bắt chước Sở Ngọc chỉ dùng một tay để gấp, mở quạt. Tay hắn linh hoạt mạnh mẽ, cầm quạt càng đẹp đẽ tiêu sái. Gấp quạt lại, Vương Ý Chi tỏ vẻ mừng rỡ phấn khích, nhưng ngoài miệng lại nói: “Nàng là công chúa, làm gì tùy ý. Nhưng mang một thứ chỉ có vài nan tre với hai tờ giấy mỏng đến đáp lễ, chẳng phải là khinh người quá đáng sao?" Vương Ý Chi xưa nay vốn không quan tâm đến tiền tài, nhưng lại rất hứng thú với những vật độc đáo tinh xảo. Hắn rất vừa lòng với lễ vật này, nhưng vẫn muốn trêu chọc Sở Ngọc một chút. Sở Ngọc mỉm cười đáp lời: “Tất nhiên không phải thế, khối ngọc này cũng rất hay, Ý Chi huynh thử nhìn xem!" Nàng giơ ra một khối bạch ngọc dài chừng một bàn tay. Bạch ngọc tuy quý hiếm đắt tiền, nhưng trong nhà Vương Ý Chi rất nhiều nên chẳng thèm để tâm, thậm chí còn sợ bạch ngọc xếp cạnh quạt gấp làm hỏng sự tao nhã thanh lịch của chiếc quạt. Nhưng vì Sở Ngọc nhắc nhở, hắn cũng thử cầm lên xem, phát hiện ra khối bạch ngọc cũng là một chiếc quạt gấp. Một chiếc quạt gấp làm bằng bạch ngọc, màu trắng tinh khiết, đồng nhất một khối khiến cho Vương Ý Chi lúc đầu không phát hiện ra. Chậm rãi mở chiếc quạt ngọc, hắn thấy mỗi nan quạt là một thanh ngọc được mài đều nhẵn mịn, tinh xảo lung linh, mỏng nhẹ đến mức có cảm giác mạnh tay một chút là vỡ. Trên mặt quạt ngọc, điêu khắc một lời mời tinh tế. Mặt quạt phía sau khắc hình sơn thủy, khá giống bức tranh thủy mặc vẽ trên quạt giấy. Nhìn từ mặt trước, dòng chữ ẩn hiện trong cảnh núi sông, nội dung là, mời Vương Ý Chi một tháng sau tham gia tụ họp ở Sở viên. Dùng quạt gấp để gửi lời mời, lại dùng lời mời để tặng quạt gấp. Tuy quạt gấp là kết tinh trí tuệ của người đời sau, nhưng Sở Ngọc đã phải mất nhiều tâm trí để nghĩ ra ý tưởng: dùng quạt để gửi lời mời, trong chữ có tranh, trong tranh có chữ. Nhưng mài giũa cây quạt bạch ngọc tinh tế tỉ mỉ, rồi viết và vẽ lên đó lại là công sức của Dung Chỉ. Tuy trong phủ có thợ thủ công, nhưng không thể chạm trổ tinh tế tỉ mỉ như vậy. Phải khổ công tốn sức như thế, mới thể hiện được thành ý của Sở Ngọc!
Tác giả :
Thiên Y Hữu Phong