Phương Trình
Chương 9: ANH ẤY BIẾT QUÁ KHỨ CỦA CÔ?
Dịch: Nguyễn Hạ Lan
***
"Không vì sao hết, cô có thể tức giận chứ? Tôi để cô mắng tôi, được không?"
Dứt lời, Chu Nhất ngắm kỹ bức ảnh mà anh chụp.
"Tôi không biết mắng người. Trước giờ tôi chưa từng mắng người khác."
Phương Trình Vũ bỗng ngượng ngập cúi đầu, không biết phải làm sao. Cô nghĩ chuyện mình có thể làm ít ỏi quá.
Đột nhiên Chu Nhất ngẩng đầu nhìn Phương Trình Vũ: "Cô không nổi cáu à?"
Cô gật gật đầu, một lọn tóc không bị tóm vào dây buộc đang phất lên trong không khí lại rơi xuống cổ cô.
"Tôi... anh đói bụng chưa? Tôi lấy cơm cho anh."
Chu Nhất dán mắt nhìn lọn tóc kia: "Tôi không muốn ăn gì cả. Cô qua đây đỡ tôi chút!"
Phương Trình Vũ bất giác nghĩ tới thay đổi chủ đề. Cô vô dụng quá, ngay cả sự hài lòng của chủ thuê cũng không đạt được. Cô hối hận tháng ngày không mở miệng ấy, còn bỏ lỡ cả những cơ hội quở trách người khác, hiện tại chỉ có thể tự trách mình thôi.
Người đàn ông nhẹ nhàng thay cô gái đang cúi người như làm tay vịn, vén gọn lọn tóc kia, đem nó gài ra sau vành tai. Đồng thời anh cũng hơi thấp xuống, ghé sát tai Phương Trình Vũ và bảo: "Thật ra cô có bực mình mà!". Lời nói như chuồn chuồn lướt nước. Sau đấy, tự anh chật vật đi về phía trước, bỏ lại Phương Trình Vũ với vành tai ửng hồng vẫn giữ nguyên tư thế cứng ngắc.
Trở về phòng, Chu Nhất lại bắt đầu gõ chữ.
'Phụ nữ giống đầm nước nhưng là nước bị đóng băng thành bất kỳ hình dạng nào.'
Mãi cho đến tối muộn, Phương Trình Vũ vẫn cứ ngẩn người ngồi trên giường. Lúc ăn cơm cũng không để ý, bố hỏi có phải làm việc lơ mơ nên bị người ta nói mấy câu đúng không, cô uể oải lắc đầu. Mẹ cảm thấy Phương Trình Vũ nên tìm một đối tượng rồi. Trong mắt Trình Phương, con gái bà luôn tuyệt nhất. Nghĩ tới mình không thể bầu bạn cả đời với con bé ngốc này, bà quyết định tự đi giành lấy thứ mà con gái chẳng biết giành thế chủ động ấy.
Nằm xuống gối, Phương Trình Vũ bắt đầu hồi tưởng cuộc sống từ nhỏ đến lớn của mình, đem trọn vẹn hai mươi năm như thể ủi quần áo, ủi một lượt để nhớ lại hết. Giai đoạn đầu đi mẫu giáo hiếu thắng, cô giáo luôn coi Phương Trình Vũ là đứa trẻ nghịch ngợm. Hễ rảnh là Phương Trình Vũ liền đi bắt nạt một cô nhóc, tranh đùi gà của cô nhóc, buổi trưa không cho cô nhóc ấy ngủ. Nghe đâu cô bé mà Phương Trình Vũ bắt nạt đó là người đầu tiên nhận biết hết 1000 chữ và đọc thuộc 300 bài thơ đời Đường trong toàn trường mẫu giáo. Phương Trình Vũ nghĩ, ngoài làm chuyện xấu ra thì mình chẳng biết làm gì khác cả.
Lên tiểu học, Phương Trình Vũ bắt đầu chăm chỉ nghe giảng, có câu hỏi thì cô luôn là người đầu tiên giơ tay phát biểu. Cô nhớ sau một câu nhận xét 'Văn hay vẽ đẹp! Tốt lắm!' của giáo viên, bản thân đã vui sướng rất nhiều ngày. Về nhà, cô tra ngay ý nghĩa của câu 'Văn hay vẽ đẹp ', sau đó mỗi cuốn nhật ký cô đều sẽ vẽ hình một số con vật nhỏ hoặc hoa cỏ gì đấy.
Nhưng về sau cô không theo kịp môn Toán, bài thi của các bạn khác đạt điểm tuyệt đối, cô chỉ có thể được 70 điểm. Không ai cho cô hay phải làm thế nào, cô khóc ròng với mỗi bài thi, mà chẳng hề biết người ta đang học lớp toán nâng cao đấy.
Lớp ba, tiếng anh là ác mộng của tất cả học sinh học năm 3, kỳ lạ là cô vừa mở miệng thì dễ dàng học được cách phát âm. Thế là Phương Trình Vũ bắt đầu mở ra tài năng trong lĩnh vực mới. Có điều cô cũng nhìn thấy sự thiếu sót của bản thân, chẳng khác gì một người bị cụt chân, cái chân đó mãi mãi không thể dài ra nổi nữa.
Bắt đầu cấp hai, Phương Trình Vũ rơi vào hai cửa toán học và khoa học, càng lúc cô càng cuống. Tuy nhiên cô vẫn kiên trì tới thư viện đọc sách, sáu quyển một tuần, không ngừng ghi chép lại. Cô còn nhớ niềm vui của bố mẹ khi cô đem bản in trang báo có bài văn của mình về nhà.
Thời gian học cấp ba, cô bị tám môn học xoay mòng mòng chóng cả mặt, không rớt cái này thì quăng cái nọ, cuối cùng môn văn cũng kém đi. Lớp 11 chạy theo đám đông chọn ban khoa học tự nhiên, thành tích luôn khiến người ta không hài lòng, viết văn cũng không phải ở trong đề cương ban đầu, phòng thi văn có giới hạn, có quy định. Cô bắt đầu phai nhạt, biến thành phông nền đen trắng, học bổng của người khác, chiến trường của người khác, hoa tươi của người khác. Dẫu không từ bỏ nhưng chẳng thể thành công.
Từ đắc ý tới chán nản, cuối cùng trầm lặng ít nói thành quen, đây chính là cái gọi là 'chiến trường tuổi trẻ'.
Cô đã trở thành tù binh. Trước khi hiến thân vào lò luyện của xã hội, Phương Trình Vũ bị rút hết sợi dây tuổi trẻ động lòng người cuối cùng, sau tám năm thì tràn ngập linh hồn già cỗi và biến vị, làm một thùng chứa biết đi lại.
Phương Trình Vũ nhắm mắt, nhận ra bản thân nên nổi cơn tam bành, nên khóc lóc ầm ĩ một trận thật to. Cô nghiêng người, kéo chăn lên. Trong đêm tối, cô khóc đến nghẹt thở, há miệng hít thở hệt một con cá bị xô lên bờ, phải cái đã chẳng thể trở lại biển khơi mà nó từng lưu luyến kia nữa.