Phượng Hí Cửu Thiên

Chương 69: A Ngưu đãng trí

Thánh nhân có câu: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu."

Có nghĩa là sự vật phát triển tới cực điểm thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được dài lâu.

Lịch sử Nam Thiệm bắt nguồn từ thời thượng cổ sau khi Hoang Thần dùng tu vi cường hãn đánh phá về một phương trời mới, giúp dân tộc của mình thoát khỏi ách thống trị của tam châu Tây Ngưu, Bắc Cưu, Đông Thắng đã tồn tại từ thời viễn cổ.

Trải qua trăm vạn năm, đại thế trong thiên hạ lúc thịnh lúc suy, hợp rồi tan, tan rồi hợp, chẳng mấy chốc đã đến thời đại cần có một sự thay đổi lớn lao để đưa Nam Thiệm trở về thời kỳ huy hoàng. Cụ thể huyết mạch Hoang Thần đã loãng đến cực hạn, phàm nhân ngày một nhiều, số người có thể tu linh không tới một phần ngàn. Chính bởi vậy mới có việc Linh Tiên đế sau khi ra ngoài Nam Thiệm trở về liền tự phế đi huyết mạch cải biến thành ngoại tộc, cũng ép người trong vương triều của mình làm theo, chuyển vương triều thành tông phái, hoàn toàn đoạn tuyệt quan hệ với Hoang tộc.

Ban đầu dân chúng trong Linh Tiên vương triều vô cùng phẫn nộ dẫn đến vô số cuộc bạo loạn, khởi nghĩa. Bên ngoài thì tứ quốc nhân cơ hội đục nước béo cò, dấy binh xâm lăng. Chiến loạn kéo dài liên miên, phải đến ba trăm năm sau, khi tu chân pháp hoàn toàn bộc lộ rõ điểm mạnh trước tu linh pháp thì suy nghĩ của dân chúng mới thay đổi. Họ bắt đầu tung hô Linh Tiên đế - hiện tại là Tử Dận chân nhân như một vị cái thế đại anh hùng có công vực dậy tu luyện giới đã xuống dốc nghiêm trọng ở Nam Thiệm.

Tuy bốn vương triều kia vô cùng bất bình nhưng vì e ngại thực lực lớn mạnh của Linh Tiên nên cũng im lặng cho qua. Cục diện Nam Thiệm hiện nay tuy nói là ngũ quốc phân tranh song thực chất lại là tứ quốc đấu Linh Tiên tông, mục đích lớn nhất là bảo vệ huyết mạch Hoang Thần. Với đà phát triển và bành trướng khủng khiếp như hiện nay thì nhiều kỳ nhân dị sĩ nhận định không tới mười năm nữa Linh Tiên tông sẽ khai chiến với tứ quốc, mở ra cuộc chiến thống nhất Nam Thiệm, diệt sạch huyết mạch Hoang Thần.

Có điều trong quãng thời gian mười năm này một sự kiện trọng đại đã phát sinh khiến Tử Dận chân nhân như ngồi trên đống lửa, đó là việc xuất hiện Chuyển Luân Pháp Vương khai sáng ra hai con đường tu luyện mới trong trời đất.

Kể cũng lạ, ở mỗi nơi trong Nam Thiệm đều xảy ra tranh cãi về việc ai mới chân chính là người sáng tạo ra con đường tu tâm. Có nơi bảo rằng đó là Bạch Vô Thiên của Thanh Vân sơn, có nơi lại nói là Lăng Vân của Quang Minh hội, lại có nơi khẳng định Chuyển Luân Pháp Vương chân thật chính là tân Cửu Thiên đế - Tào Phi!

Bởi vì Tào Phi cũng chính là tác giả của con đường huyết văn (tu văn), một sự sáng tạo vĩ đại thay đổi cuộc sống của tất cả phàm nhân ở Nam Thiệm. Nhờ có huyết văn mà phàm nhân giờ đây có thể đối địch trực tiếp với tu chân giả cũng như tu linh giả. Phương pháp huyết văn này chủ tu thân thể, và điều kỳ lạ là người đã tu linh hoặc tu chân thì không thể tu văn. Ba con đường tu luyện này tách rời với nhau không thể chung đụng. Chỉ có con đường tu tâm bất kể phàm nhân hay tu sĩ đều có thể tu luyện được.

Tên tuổi Tào Phi vì lẽ đó lấn át hoàn toàn Bạch Vô Thiên và Lăng Vân, thậm chí Tử Dận chân nhân khi nói về hắn cũng phải dùng kính ngữ là "Tào Pháp Vương". Tu văn pháp này tuy khiến yêu tộc bất mãn vô cùng nhưng bằng một cách nào đó chỉ sau một năm Tào Phi đã đạt được hiệp định với họ, khiến yêu tộc giờ đây cũng ủng hộ, chủ động tự bán hồn huyết để đổi lấy những vật phẩm có giá trị tương đương.

Dưới sự uy hiếp ngày một khủng khiếp đến từ Tào Phi, Bạch Vô Thiên và Lữ quốc công cùng bốn mươi vạn đại quân chính thức làm phản, chiếm lấy bốn quận Cửu Thiên vương triều trong đó có Thanh Vân sơn. Đồng thời không rõ Lý Ảnh đã gây sức ép thế nào mà Huyết Hoả vương triều cũng đồng ý nhượng một phần đất đai là ba quận vùng biên giới cho Lữ quốc công. Đất đai đã có, binh mã dồi dào, Cửu Thiên vương triều bị mất đại quân nên cũng không dám khai chiến, Lữ quốc công nắm được đại thế liền tôn thái tử Đại Ngu tiền triều lên làm Lương Thánh đế, nước gọi là Đại Lương vương triều. Ngoài mặt vẫn nói là quy thuận Đại Ngu, xong thực chất ý đồ cạnh tranh đã rõ ràng.

Việc này có sự nhúng tay rất lớn của Thái Miếu. Vốn dĩ Nam Thiệm xuất hiện một cường giả Phong Vị cảnh là chuyện hy hữu vô cùng, thậm chí có khi cả vạn năm còn chưa thấy ai. Nhưng từ sau khi Phong Vô Kiếm Ma chết thì liền có không ít Phong Vị cảnh từ Thái Miếu đi tới ngũ quốc để thao túng chính sự. Đại Ngu thánh hoàng triều với sự thành lập của Đại Lương vương triều vô cùng tức giận nhưng chỉ đành ngậm ngùi cho qua.

Về phần Lăng Vân thì chuyển sang đầu quân cho Vô Nhật vương triều, được Vô Nhật đế tán thưởng công lao sáng pháp, phong làm Bắc Bình vương trấn giữ ba quận phía bắc.

Tình hình Nam Thiệm nhìn thì như im lặng song thực chất là quả bom nổ chậm, ai ai cũng có tính toán riêng, chỉ chờ một mồi lửa xuất hiện thì thiên hạ sẽ chìm trong khói lửa liên miên của chiến tranh.

Cho đến ba năm về trước, thêm một sự kiện trọng đại phát sinh khiến tu luyện giới gần như dậy sóng hoàn toàn.

Tể tướng Đại Lương vương triều Bạch Vô Thiên sau khi bế quan tham ngộ con đường tu tâm lại sáng tạo ra thêm một con đường tu luyện khác - thần thức, sự kiện này đưa tên tuổi của y lên ngang hàng với Cửu Thiên đế Tào Phi.

Con đường này tách biệt hoàn toàn với tu tâm, một tu luyện giả có thể song tu hai con đường cùng lúc mà không gặp chút trở ngại nào.

Những phương pháp tu luyện mới không ngừng được sinh ra đã khiến ngọn lửa khát vọng truy cầu sức mạnh của chúng tu sĩ Nam Thiệm dâng cao đến tột điểm. Người người, nhà nhà điên cuồng tu luyện để không bị lạc hậu. Ai cũng cảm thấy thời đại hưng thịnh của tu luyện giới Nam Thiệm đã tới rất gần rồi.

- ---------

Hoang địa là một vùng đất hẻo lánh nằm ở nơi biên giới giáp ranh của hai vương triều Vô Nhật, Đại Ngu và Linh Tiên tông.

Nói hẻo lánh là vì nơi đây thường xuyên xảy ra nạn cướp bóc bởi các bộ lạc du mục, khiến dân cư ngán ngẩm rời đi hàng loạt. Mặc dù về sau ba thế lực Vô Nhật, Đại Ngu và Linh Tiên có dốc tài nguyên xây nên ba toà thành vô cùng kiên cố để canh giữ lãnh thổ nhưng vì thu phí vào thành quá đắt, nên cũng chẳng mấy ai đủ sức định cư lâu dài.

Dù vậy, ở Hoang Địa vẫn tồn tại lác đác vài thôn xóm nằm xung quanh ba toà thành, dân cư cũng đến vài trăm hộ. Bọn họ lấy ngành nghề chăn nuôi gia súc và nông nghiệp để kiếm sống, nếu số lượng nhiều thì có thể đem vào thành bán.

Nhưng đó là trước kia, còn hiện tại sau khi tu văn thịnh hành thì phàm nhân không còn thói quen chăn nuôi trồng trọt như trước. Họ chuyển qua săn bắt yêu thú để lấy hồn huyết. Đây cũng là tài nguyên được chào đón nhất bây giờ. Cũng bởi vì số lượng phàm nhân quá lớn, mà hồn huyết trước giờ chỉ là phế phẩm không ai quan tâm, nay nhu cầu bộc phát liền khiến mọi người đổ xô đi tìm.

Dần đà dưới sự săn lùng quá lớn của con người, yêu tộc bắt đầu nổi giận. Cũng may có Tào Pháp Vương đứng ra ký một hiệp định với yêu tộc. Đó là nếu lấy hồn huyết yêu thú cấp hai trở lên thì phải giữ mạng cho yêu thú, đồng thời bồi thường một số tài nguyên có giá trị tương đương như đan dược, thảo dược... Tất nhiên đây chỉ là quy định chung, việc giết hại đơn lẻ vẫn xảy ra giữa yêu tộc và cả nhân tộc, nhưng chỉ cần không tàn sát hàng loạt thì chẳng mấy ai quan tâm...

Hạnh Hoa thôn là một trong mười hai thôn lệ thuộc vào U Lam thành của Vô Nhật vương triều.

Vì thuộc biên giới Vô Nhật nên bầu trời nơi đây quanh năm tối đen như mực. Trong không trung ma khí dày đặc, sự âm trầm u ám như một tấm màn phủ kín nơi này. Nếu người từ vương triều khác mới lần đầu tới Vô Nhật vương triều thì rất dễ sinh bệnh bởi điều kiện sống khắc nghiệt nơi đây.

Lúc này đây trên con đường nhỏ trong Hạnh Hoa thôn có một thanh niên tuổi tầm hai mươi lăm mặc y phục xanh, đầu tóc bạc trắng, lưng đeo một gùi chứa đầy cỏ thuốc đang bước đi về phía cổng thôn.

Tướng mạo thanh niên tầm thường vô cùng, nếu không muốn nói là xấu xí. Ánh mắt hắn ngốc nghếch ngơ ngẩn, đi thì không nhìn đường mà cứ dáo dác ngó tới ngó lui, miệng lẩm bẩm mấy câu khó hiểu.

Tuy vậy, người dân trong làng khi thấy hắn đi ngang qua thì đều nở nụ cười vui vẻ, thậm chí còn đưa tay vẫy chào hắn.

- A Ngưu đãng trí hôm nay lại vào thành à? Có nhớ đường không?

Nghe một vị đại nương đang giã thóc gần đấy hỏi, gã thanh niên quay sang cười ngô nghê:

- Lý đại thẩm, người lại trêu con. Bản đồ Hoang địa đã được tỷ tỷ con vẽ ngay trang đầu trong nhật ký, không thể quên được.

- Lý nương, đã biết A Ngưu đãng trí còn hay ghẹo hắn. Chốc nữa về thì nhớ ghé qua nhà ta đem mấy cái áo đưa cho tỷ tỷ ngươi vá lại giúp ta! Ta là Trương lão thợ mộc!

Một ông lão chống gậy từ trong một căn nhà tranh gọi vọng ra.

A Ngưu đãng trí gãi gãi đầu, dường như không nhớ Trương lão là ai. Hắn bèn rút một cuốn sổ tay nhỏ từ trong ngực áo ra, sau khi lật qua lật lại thì thấy một hàng chữ: "Trương lão thợ mộc, nhà thứ mười bốn bên trái đếm từ cổng thôn vào. Hôm trước tiền vá áo còn dư mười đồng chưa trả lại."
Tác giả : TieuBachLong90
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại