Phúc Nữ Nhà Nông
Chương 190-191
Chương 190:
Chuột tre ngon không?
Đó là chắc chắn, ngay đến tiểu Tiền cũng cảm thấy nó ngon hơn thịt gà, càng đừng nói các thôn dân.
Nhưng thứ này không dễ bắt, đặc biệt là ở trong rừng trúc, nó vừa chạy một lúc là có thể biến mất không dấu vết, hang trúc, hầm ngầm, nó đều có thể chui được, tốc độ còn nhanh.
Trừ phi bọn họ may mắn, có thể may mắn giống như bọn Chu tứ lang chặn bọn nó trong một cái hang nông và đơn lối.
Ngày đó bọn Chu ngũ lang xách hai con chuột tre về, ngày hôm sau các thôn dân liền chạy lên rừng trúc tìm chuột tre, kết quả tìm cả một buổi sáng mà ngay cả bóng dáng của bọn nó cũng không thấy đâu.
Bọn họ đành phải xuống núi, xuống núi nhìn thấy Chu lục lang đang chơi cùng đám bạn của hắn, liền gọi hắn qua hỏi chuyện, hỏi xem bọn họ bắt chuột tre kiểu gì.
Năm nay Chu lục lang mới mười ba tuổi, đúng là tuổi trẻ trâu chém gió ngút trời, nề hà người ta không tin, hắn quýnh lên, liền lộ ra chuyện Mãn Bảo tự mình bắt được một con chuột tre ra.
Các thôn dân càng không tin, Mãn Bảo mới mấy tuổi chứ, đôi chân ngắn cũn kia có thể chạy nhảy ở trong núi sao?
Vì sự nghi ngờ này, Chu lục lang liền nói hết chuyện bọn họ đuổi theo chuột tre như thế nào, sau lại trở về tìm được Mãn Bảo ra sao, trong tay Mãn Bảo còn cầm dây buộc con chuột tre.
Lúc ấy Chu lão đầu đứng ngay sau đám người, lúc đầu nghe con trai khoác lác ông còn nghe say sưa, nghe đến đoạn sau mới ra chuyện.
Đến bây giờ, không chỉ có Chu tứ lang và Chu ngũ lang trách hắn nói lỡ miệng, ngay đến Chu lão đầu cũng oán hắn to miệng.
Cảm thấy nếu không phải do hắn to miệng làm lộ chuyện này ra, ông sẽ không phạt Mãn Bảo quỳ, còn lấy trúc đánh bé, vậy thì bé sẽ không bị tà phong vào người; ông cũng không hù dọa bé, vậy bé cũng không bị kinh sợ, càng không có chuyện Mãn Bảo phát sốt ở phía sau.
Cho nên Chu lão đầu tức giận vô cùng, mấy ngày liên tiếp đều bắt hắn xuống đất khai hoang với Chu tam lang.
Không, là tất cả huynh đệ của nhà họ Chu đều bị liên lụy, tất cả đều bị Chu lão đầu đuổi ra ngoài khai hoang giúp lão tam.
Chu tam lang đã xác định muốn khai hoang một miếng đất, từ sau mùa nông rảnh rỗi liền bắt đầu xuống đất cắt cỏ nhặt đá.
Đương nhiên, mấy huynh đệ Chu đại lang lúc rảnh rỗi cũng vác cuốc đến hỗ trợ, nhưng cũng không đến nhiều lắm, vì trong nhà chính còn phải ủ phân.
Sang năm trong nhà phải cày thêm hai mươi mẫu ruộng, cần rất nhiều phân bón, cho nên tuy nói mà mùa nông nhàn, nhưng cũng không có ngày nào thật sự thanh nhàn.
Bọn họ cần phải ủ một lượng phân lớn, cho nên nhiều nhất là bọn hắn tiếp nhận việc của Chu tam lang, để hắn có thể đi khai hoang mà thôi.
Nhưng Chu lão đầu vừa giận, dứt khoát không cho bọn họ làm mèo lười mùa đông nữa, khôi phục việc mỗi ngày trời chưa sáng đã phải rời giường, làm xong việc trong nhà, buổi sáng đi ủ phân, buổi chiều phải xuống giúp lão tam khai hoang.
Rõ ràng là mùa nông nhàn, mà còn mệt hơn cả ngày mùa.
Không chỉ có mấy đứa hàng dưới Chu tứ lang, ngay cả chính chủ đạt được ích lợi là Chu tam lang đều cảm thấy có chút ăn không tiêu.
Nhưng cha già đang nổi nóng, hiển nhiên không có ai dám không nghe lời.
Vì thế, thời gian từng chút vụt qua, chờ đến khi bọn họ dọn dẹp xong mảnh đất hoang kia, còn cuốc một lần, tưới nước bón phân xong, thì đã sắp đến cuối năm rồi.
Sau đó, Chu tứ lang chuẩn bị đính hôn.
Sinh hoạt phong phú, mỗi ngày đều bận không hết chuyện – Mãn Bảo nghe thấy mẫu thân muốn chuẩn bị lễ hỏi đính hôn sợ đến ngây người.
Bé mở to mắt hỏi, "Mẹ, tứ tẩu con là ai ạ?"
"Chính là tiểu nương tử nhà họ Phương đó, con gặp rồi mà, không nhớ hả?"
Mãn Bảo sợ ngây người, "Mọi người quyết định bao giờ vậy ạ, sao con không biết?"
Tiền thị cười, "Có phải là con lấy vợ đâu, sao cần con phải tham dự từng bước chứ? Tứ ca con biết là được.
"
Mãn Bảo liền nhìn về phía Chu tứ lang, thấy vẻ mặt hắn vui mừng, lại hỏi: "Tứ ca, hóa ra huynh vẫn luôn biết à?"
"Biết," Chu tứ lang liếc bé một cái, nói: "Nếu không phải vì muội sinh bệnh, thì có khi chúng ta đã sớm đính hôn rồi, nói không chừng bọn ta còn có thể thành thân trước năm mới ấy.
"
Tiền thị liếc mắt nhìn hắn nói: "Con tưởng thành thân là chơi đồ hàng à, vừa định ra là có thể làm tiệc rượu? Đi đi đi, đừng có đẩy chuyện này lên đầu muội muội con.
"
Nhưng đúng là chuyện này có liên quan đến Mãn Bảo.
Lúc ấy hai nhà gặp gỡ, nhà họ Phương chỉ miễn cưỡng hài lòng với nhà họ Chu, nhưng không chịu nổi con gái rất thích Chu tứ lang, vì thế không từ chối bà mối.
Mà Tiền thị cũng rất hài lòng với với Phương tiểu nương tử, cảm thấy cô gái này hào phóng, gan cũng to, rất có chủ ý, vì thế liền lộ tiếng gió với bà mối.
Một bên không từ chối, một bên còn cố ý, bà mối liền biết việc này tám phần có thể thành công, vì thế càng cần mẫn qua lại hai bên.
Hai ngày Mãn Bảo sinh bệnh kia, Tiền thị không rút được ra, nhưng Mãn Bảo vừa khỏi, Tiền thị đã dẫn Chu tứ lang đến thôn Đại Lê một chuyến.
Lúc này mới là làm mai quang minh chính đại, Tiền thị và Trình thị chính thức nói rõ tình hình của hai nhà, xem như chính thức định thân.
Về sau nữa, Chu tứ lang liền có thể thường xuyên đến nhà họ Phương thể hiện.
Chẳng qua bởi vì Chu lão đầu phát giận, nên hắn rút ra được rất ít thời gian, toàn là cách hai ba ngày mới có thể đến thôn Đại Lê một chuyến.
Hoặc là tìm Phương tiểu nương tử đi dạo một chút, hoặc là đến nhà họ Phương làm việc.
Đây là yêu cầu để hiểu rõ con rể hơn, đến nhà vợ làm việc là một trong các khảo sát, cũng là quy củ đã ước định đã thành tục lệ.
Ít nhất trong thôn là như thế.
Chờ nhà họ Phương đủ hiểu Chu tứ lang, gia đình nhà họ Chu xong mới có thể quyết định rốt cuộc có gả con gái cho đối phương không.
Chẳng qua có thể đi đến một bước này, trừ phi biểu hiện nhà họ trai thật sự quá kém cỏi, nếu không thì gần như đều có thể thành công.
truyện xuyên nhanh
Khoảng thời gian này mấy huynh đệ nhà họ Chu đều đi sớm về trễ, mà Mãn Bảo lại trầm mê với việc học không thể thoát ra được, cho nên không biết mấy việc này.
Bé cũng không biết rằng những viên kẹo bé vì áy náy mà đưa cho tứ ca ăn cuối cùng đều bị hắn đưa cho Phương tiểu nương tử, trở thành một món ăn vặt ngọt ngào của tứ tẩu tương lai.
Trải qua một tháng khảo sát, nhà họ Phương cuối cùng cũng đồng ý bà mối tới cửa cầu hôn lần thứ hai, chính thức xác định thành công.
Cho nên kế tiếp, nhà họ Chu phải chuẩn bị lễ hỏi tốt, sau đó mới chọn ngày thân.
Chẳng qua Tiền thị tính rồi, cảm thấy xác suất thành thân trước năm mới không lớn, mà năm sau! !
Tiền thị nghĩ rồi nói: "Không thể để nàng dâu mới vội vàng xuất giá vào đầu xuân, cho nên theo ý của ta, vẫn là chờ gieo trồng vụ xuân xong lại qua đón dâu, cũng để tiểu nương tử được nghỉ ngơi một chút.
"
Chu lão đầu gật đầu, "Vậy chọn một ngày trong tháng năm, lúc ấy bận xong vụ xuân rồi, thời tiết cũng mới nóng, nàng dâu mới vào nhà có thể có hai tháng để thích ứng.
"
Chuyện này tự nhiên là chủ nhà làm chủ, mọi người đều không có ý kiến gì.
Tiền thị truyền lời tới nhà họ Phương thông qua bà mối, Trịnh thị không kìm được nói với Phương đồ tể: "Nhà họ Chu cũng là nhà phúc hậu, tuy rằng Chu tứ lang còn kém chút, nhưng cha mẹ chồng hiểu lý lẽ, ngày tháng sau này của Nhị Nữu cũng có thể tốt hơn.
"
Phương đồ tể gật đầu, vừa lòng nói: "Lúc trước Nhị Nữu vừa nói nàng vừa ý Chu tứ, ta đã bảo người hỏi thăm qua, cả ba nàng dâu nhà bọn họ, đều không phải vội vàng gả vào trước tết, tất cả đều là sau thu hoạch vụ thu mới gả vào, Nhị Nữu nhà chúng ta là do không kịp ngày đẹp, chẳng qua thời điểm này cũng không quá tệ.
".
Chương 191:
Ông nói: "Nhà họ Chu rộng lượng, chúng ta cũng không làm khó bọn họ, lễ hỏi lấy ba lượng là được, chúng ta giữ lại hai lượng, còn một lượng thì đưa cho Nhị Nữu mang theo, chúng ta lại thêm chút của hồi môn cho nàng là đủ."
Ở nông thôn có một câu tục ngữ, thà gả con ngày tết còn hơn lấy nhiều tiền.
Nhà nào rộng lượng, sẽ cưới vợ trước ngày đông chí, như vậy thì nàng dâu mới vào cửa tốt xấu gì cũng có thể được thoải mái hai tháng, chờ sang năm sau mới bận rộn lên.
Nhưng cũng đúng là lần này không khéo, một là không chọn được ngày lành, hai là hai nhà bọn họ định thân quá muộn, như nhà bọn họ thì đa số đều vội vàng thành thân trước năm mới. Đừng nhìn bây giờ đã sắp hết năm rồi, nhưng ở nông thôn không phải chú trọng gì nhiều, chỉ cần làm lễ hỏi nhanh thì ba ngày làm xong tiệc cưới cũng là chuyện bình thường.
Như vậy thì đầu xuân trong nhà sẽ có thêm một người lao động xuống ruộng vụ xuân.
Có nhà hà khắc, kể cả có làm mai sớm cũng cố ý áp thời gian đến trước tết mới thành thân, một là bớt được miếng ăn, hai là có thể kịp thành thân trước vụ xuân.
Nhà nào càng khắc nghiệt còn sẽ chọn thành thân ngay sau tháng giêng, nàng dâu mới vừa vào cửa đã bước vào vụ xuân.
Nói thật, bọn họ làm mai quá muộn, mà tuổi Chu tứ lang cũng không nhỏ, nhà họ Phương thật đúng là lo lắng nhà họ Chu sẽ chọn thành thân vào năm mới, như vậy Nhị Nữu vừa vào cửa đã phải xuống ruộng, còn phải thích ứng cuộc sống mới với cha mẹ chồng chị em dâu.
Nhà họ Chu có thể chủ động hoãn lại ngày đến tháng năm thuyết minh đã rất suy nghĩ cho bọn họ.
Nhà họ Chu rộng lượng, nhà họ Phương cũng không phải là nhà không biết nói lý, hai bên thông qua bà mối có qua có lại, quyết định các khâu đính hôn.
Bây giờ ba lượng bạc sính lễ không tính là ít nhưng cũng không phải là nhiều, đối với gia cảnh nhà họ Phương, chỉ lấy ba lượng xem như là ít.
Tiền thị đã tính rồi, ngoại trừ sính lễ còn phải chuẩn bị đồ cho tiệc rượu, tổng cộng cũng không ít hơn năm lượng bạc.
Vốn dĩ sau khi Chu tứ lang đánh bạc, bà tính tiêu phí để cưới một người vợ cho hắn ít nhất cũng phải bảy đến chín lượng.
Không còn cách nào, chất lượng tân lang không tốt, chỉ có thể bổ sung ở sính lễ thôi.
Cũng may Chu tứ lang cuối cùng cũng không hại nhà hắn trong việc này, dựa vào gương mặt cùng cái miệng kia của hắn lừa được, à không, là tìm được một người vợ tốt như Phương tiểu nương tử.
Bây giờ quỹ chung không lấy ra được từng này tiền, đặc biệt là sau khi nhà họ làm phòng mới.
Sau khi Mãn Bảo khỏi bệnh không lâu, Chu lão đầu đã tìm thợ mộc lấy hết các đồ dùng gia đình đã làm xong về.
Phòng nào cũng có một chiếc giường, mấy người tiểu Tiền thị bọn họ cũng đã mua vải dệt để làm chăn, nhét bông vào, hơn nữa Chu nhị lang cũng đan một ít đồ dùng bằng trúc, nhà họ đã chọn một ngày lành để vào chuyển vào phòng mới.
Đương nhiên là phải làm cỗ, qua đó Chu lão đầu đã thu được một khoản tiền mừng, chẳng qua tiền quà biếu cũng ngang với tiền bày cỗ, nên dù ông không bị hao tổn thì cũng không có lợi nhuận.
Cho nên vốn dĩ chỉ có hơn hai trăm văn tiền, bây giờ cũng vẫn chỉ có 200 văn.
Bởi vậy ba lượng sính lễ đưa cho nhà họ Phương phải mượn của Chu Hỉ, Tiền thị còn mượn thêm hai lượng để chuẩn bị cho bàn cỗ cưới tháng năm.
Bởi vì bà đoán chừng từ nay cho đến thu hoạch vụ thu, trong nhà sẽ không còn khoản thu lớn nào nữa.
Khoản nợ nần này, tuy rằng Chu lão đầu vẫn luôn la hét bảo Chu tứ lang tự mình trả, nhưng trên thực tế lại không có khả năng.
Một ngày cuối năm, Chu lão đầu theo dòng thời gian mở một cuộc họp gia đình.
"Lão tứ không ra hồn, năm trước thua mười lăm lượng bạc, nhưng năm nay hắn đã trả lại hết rồi, tiền hắn nợ các ngươi đều ở chỗ của chúng ta, lúc trước xây phòng mới đã lấy ra hết." Chu lão đầu nói: "Khoản này tính vào ta và mẹ của các ngươi, chờ sau này trong quỹ chung có tiền, ta sẽ trả lại các ngươi."
Không ai có ý kiến.
Chu lão đầu tiếp tục nói: "Tuy rằng ta nói lão tứ cưới vợ hắn phải tự mình trả, nhưng các ngươi cưới vợ cũng đều lấy tiền từ quỹ chung, đến lượt hắn cũng không thể ngoại lệ, cho nên năm lượng bạc vay Hỉ này cũng là ta và mẹ các ngươi trả."
Chu Hỉ há miệng định nói gì đó, nhưng cuối cùng vẫn không cất thành tiếng.
Chu lão đầu liền nhìn về phía Chu tứ lang nói: "Cưới vợ xong thì ngươi chính là người lớn rồi, nói không chừng cũng sắp đến lúc làm cha, làm việc phải cố gắng vào, lòng cũng phải biết lo xa, còn cứ cà lơ phất phơ như vậy, ta đánh ngươi."
Chu tứ lang nhỏ giọng đáp vâng.
Chuyện cứ định ra như vậy.
Bởi vì hết tiền, nên năm mới này đạm bạc hơn trước, vì tiết kiệm tiền, Tiền thị đã bỏ đi rất nhiều khoản chi tất yếu.
Ví dụ như thịt.
Nếu là ngày tết trước kia, ngoại trừ năm ngoái bởi vì Chu tứ lang bài bạc thua phải đưa hết của cải ra ngoài, thì Tiền thị đều sẽ mua một ít thịt làm thịt khô.
Không những có thể để cho nhà ăn, còn có thể cầm đi thăm người thân.
Năm nay cũng giống như năm ngoái, nhà lại không mua thịt.
Chẳng qua không giống với năm ngoái, năm nay tuy rằng vẫn thiếu rất nhiều đồ ăn ngon, nhưng mọi người đều rất vui vẻ, bởi vì có phòng mới để ở nha.
Đặc biệt là đám trẻ con Mãn Bảo, đúng kiểu ngày nào cũng vui như ngày tết.
Bé dọn vào phòng mới của mình, Chu lão đầu cầm tiền của bé tuy chưa đánh một cái giường siêu lớn cho bé, nhưng cũng đánh một cái giường cỡ trung, tốt hơn cái giường đơn giản Mãn Bảo đang ngủ do nhà bọn họ tự làm này nhiều.
Mãn Bảo không kìm được lăn hai cái trên giường, sau đó mới đi xem bài trí trong phòng.
Ngày nào Chu nhị lang cũng chăm chỉ làm đồ tre trúc, ngoại trừ có thể cầm mấy thứ như giỏ tre, cái ky linh tinh lên chợ bán, thì còn có thể để cho nhà sử dụng.
Ví dụ như bức bình phong bằng trúc ở trong phòng Mãn Bảo này, dùng để ngăn cách gian trong với thư phòng.
Bởi vì biết Mãn Bảo thích các loại hoa hoa cỏ cỏ, Chu nhị lang còn vẽ tranh trên bức bình phong bằng trúc cho bé, phơi khô xong mới bỏ vào phòng.
Ngoài ra, Chu lão đầu còn đánh cho bé một cái bàn trang điểm và hai cái ghế dựa, một cái đặt ở trước bàn trang điểm, một cái đặt ở trước bàn đọc sách.
Bàn đọc sách cũng là Chu lão đầu tiêu tiền mời thợ mộc đánh, ở cuộc họp gia đình trước đó ông đã tuyên bố, về sau mấy thứ này đều là của hồi môn của Mãn Bảo.
Có thể nói, chi phí cho phòng của Mãn Bảo là lớn nhất, cũng là phòng có đầy đủ đồ dùng nhất.
Chu đại lang và Chu nhị lang còn dùng trúc làm cho bé một cái kệ sách có ba ô vuông, đặt ở ngay bên cạnh bàn đọc sách.
Sau đó lại lấy trúc đan cho bé hai cái giỏ có nắp, có thể để quần áo và mấy thứ linh tinh.
Đương nhiên, đồ tre trúc tất nhiên kém đồ mộc, nhưng đối với một đứa con gái chưa xuất giá, đặc biệt còn chỉ là một cô nhóc nhỏ sáu bảy tuổi, mấy thứ này đều rất quý giá.
Tóm lại là Mãn Bảo vui vẻ vô cùng.
Vì thế cho dù ăn Tết chỉ được mấy bữa thịt, thì bé vẫn vui vui vẻ vẻ mỗi ngày.
Vui sướng đến nỗi bé quên cả việc phải tránh hiềm nghi, ngày nào cũng chạy đi chạy lại với Bạch Thiện Bảo, ngay cả ngày mùng một tết cũng đi chúc tết cả thôn với nhau, sau đó thu được một đống lì xì.
Đương nhiên, bao lì xì của các thôn dân cũng chỉ có một văn tiền, nhưng Mãn Bảo vẫn rất vui vẻ là được.
Sau đó vừa vui vẻ, bé liền đi sau mông Bạch Thiện Bảo đến nhà họ Bạch chúc tết.
Bạch lão gia đương nhiên sẽ không chỉ cho bọn họ bao lì xì một văn tiền, hắn cho hai người một cái túi tiền rất tinh xảo, trong túi tiền là ấn tiến sĩ và đồng tiền vàng.
Lúc ấy Mãn Bảo không để ý, bé chỉ cảm thấy túi tiền này quá là đẹp, còn cẩn thận ngắm nghía một lúc.
Bạch lão gia rất thích Mãn Bảo, cảm thấy bé là một đứa trẻ rất thông minh, bởi vậy cố ý xách đứa con thứ hai lại đây, trịnh trọng giao cho hai đứa trẻ thông minh này, nói: "Các con dẫn ca ca đi chơi cùng nhé, đừng để lạc mất nó."
Bạch Thiện Bảo và Mãn Bảo mới nhận quà tặng, tuy rằng rất không muốn chơi với đứa bạn cùng trường ngốc nghếch này, nhưng vẫn vỗ ngực tỏ vẻ với Bạch lão gia, bọn họ sẽ chơi đùa vui vẻ với cậu.
Bạch nhị lang bị xách theo:...... Nhưng ta không muốn chơi với các ngươi.