Phán Quan

Chương 85

Thường thì người trần đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo, tử vong, linh tướng bất ổn hoặc sầu lo quá mức, đủ loại chấp niệm và đau thương đột ngột đánh úp tới sẽ khiến người ta tự trói mình trong phạm vi nhỏ hẹp, đó chính là lồng.

Người ta bảo rằng người trong lồng đang mơ một giấc chiêm bao mà bản thân không thể buông bỏ, miễn cưỡng đánh thức họ khỏi giấc mơ đôi khi khó như lên trời và đau không nói nổi, cho nên đó là một công việc cực khổ.

Đồn rằng khoảnh khắc chủ lồng thức tỉnh là quá trình khủng khiếp và đau đớn nhất trên đời này.

….

Tất cả những điều này chỉ được ghi rải rác vài dòng trên sách, chẳng chiếm được mấy trang, nó hệt như một sự thật đơn giản nhất, bất cứ phán quan đời sau nào cũng đều có thể thuộc nằm lòng.

Người học cảm thấy việc ấy trời sinh đã như vậy, chính là lẽ dĩ nhiên. Họ lại chưa bao giờ nghĩ rằng thuở ban đầu đã từng có người viết xuống từng câu chữ này.

Kiếp đó, Trương Uyển trơ mắt nhìn vị công tử cao quý văn nhã và tràn đầy sức sống nhà mình hóa thành lồng, ngày ngày đứng trong Tạ phủ hối hả nhộn nhịp nhìn người ra người vào, đắm chìm trong một giấc mộng đẹp dài lâu.

Sau đó lại trơ mắt nhìn anh tự “đánh thức" bản thân, tự tay phá giấc mộng kia thành mảnh vụn.

Khoảnh khắc lồng bị phá giải….

Tất cả những phồn hoa thịnh vượng đều rút khỏi người Tạ Vấn hệt như thủy triều.

Hành lang sơn đỏ tươi đẹp trở nên u ám loang lổ, cuối cùng vang lên tiếng kẽo kẹt, mảnh gỗ lăn xuống đất dấy lên một tầng bụi xám.

Bóng người mỉm cười ra vào xa dần, tản vào trong gió như sương khói rồi trở nên yên ắng.

Tạ Vấn đứng trong khoảng lặng ấy, lặng lẽ liếc quanh một vòng….

Từ đây một thân một mình.

Cảnh tượng kia thực sự khiến người ta khổ sở, Trương Uyển đã từng cho rằng bản thân chẳng bao giờ có thể quên được. Nhưng trên thực tế, khi lồng được giải thì cô cũng tan vào trong gió theo tiếng người cười nói, thuận lợi lên đường.

Đợi khi cô đi hết một vòng luân hồi quay về trần thế, không biết đã bao nhiêu mùa trôi qua. Một vòng sinh tử, chuyện cũ ngày trước chẳng ai nhớ rõ nữa.

Cô từng trải qua rất nhiều cuộc đời, có lúc tốt cũng có lúc xấu. Có khi vui vẻ bình an, giàu có sống lâu. Khi lại buồn phiền, nếm hết đau khổ một đời.

Cô cũng từng gặp rất nhiều người, một số không vừa ý, một số người vừa gặp mà đã như quen. Cô không rõ nguồn gốc sâu xa như phần lớn người trên thế gian này, vậy nên quy kết tất cả thành duyên phận.

Cô đã quên họ tên mình là gì, nhà ở đâu, từng trải qua cuộc sống như thế nào của kiếp trước, kiếp trước nữa và thậm chí còn lâu hơn thế.

Cô cũng không nhớ rõ bản thân đã từng luẩn quẩn và chăm chú nhìn một người tên “Tạ Vấn" bao lâu.

Cô càng không thể biết được rằng người kia đã tự tay tiễn đưa một bản thân khác, bước vào một con đường khác. Từ đây thế gian không còn Tạ Vấn nữa, chỉ có Trần Bất Đáo mà thôi.

Đợi khi cô nhớ lại hết thảy, đông qua hạ tới đã hơn một nghìn năm.



Trương Uyển nhìn Tạ Vấn hồi lâu, xúc động cười nói: “Rõ ràng là muốn để lại thư cho con nhưng lại chẳng biết nói gì."

Bọn họ từng là người nhà, cách cả nghìn năm lại trở thành người lạ chưa từng gặp nhau bao giờ.

Đến mức có rất nhiều chuyện muốn nói nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Tạ Vấn thấy mắt cô ửng đỏ, mãi sau mới nói: “Vậy nói xem vì sao mẹ lại ở đây đi."

Được anh nhẹ nhàng mở lời, Trương Uyển nói: “Men theo một vài dấu vết đặc biệt tìm tới đây."

Tạ Vấn: “Tìm nơi này làm gì?"

Trương Uyển thở dài: “Đến để thực hiện một nguyện vọng."

“Nguyện vọng của ai?"

“Của mẹ." Trương Uyển nhìn về phía Tạ Vấn, “Có một kiếp mẹ sinh ra trong một thôn nhỏ chốn núi rừng, người trong thôn đa số mang họ Liễu, vì có quan hệ thân thích với nhau cho nên nơi đó được gọi là thôn Liễu. Sau này xảy ra thiên tai, vách núi kề sát thôn sạt lở chôn sống chừng trăm hộ gia đình. Mẹ cũng là một trong số đó, sau cùng hóa thành một cái lồng…."

Ánh mắt cô hướng về phía Văn Thời rồi gật đầu nở nụ cười với hắn: “Là các con vào lồng giúp mẹ hóa giải."

Văn Thời hơi ngẩn người rồi gật đầu với cô.

“Ta nhớ rõ lúc tiễn ta rời đi, con có hỏi mấy câu." Trương Uyển nói với Văn Thời.

Nội dung cụ thể Văn Thời đã không còn nhớ rõ. Trong ấn tượng của hắn thì hình như hỏi vài điều về việc trước khi thiên tai ập đến, muốn thử xem có điềm báo hay việc lạ lùng nào hay không.

“Con e rằng đó không phải thiên tai mà do người gây ra." Văn Thời dừng một chút, hắn nói thẳng hệt như khi đối mặt với Trần Bất Đáo năm mười chín tuổi: “Trước đó chúng con cũng tính được sẽ xảy ra một thảm họa tự nhiên, quẻ tượng biểu thị ở núi Tùng Vân nên chúng con đã bày trận gia cố cho ngọn núi—-"

“Thảo nào…" Trương Uyển nói: “Thảo nào lại hỏi ta những câu đó, con sợ thảm họa tại thôn Liễu là do các con gây ra phải không?"

Văn Thời trả lời “vâng".

“Con đúng thật là không biết trốn tránh." Trương Uyển lắc đầu nói, “Nếu người khác có nỗi băn khoăn như vậy thì cũng chẳng hỏi những chuyện ấy đâu, thế chẳng phải ôm họa vào mình hay sao?"

Dứt lời cô nói với Tạ Vấn: “Hơn một nghìn năm rồi, thằng bé vẫn vậy."

Tạ Vấn nhìn Văn Thời một chút rồi cười đáp: “Vâng."

“Năm đó thật ra mẹ cũng đoán được ý của cậu ấy cho nên…." Trương Uyển dừng một chút, “Cho nên mẹ giấu vài câu và lảng tránh một số chuyện, chỉ nói với các con rằng không có dấu hiệu nào, do trời đổ mưa lâu ngày, núi đá lại có vết nứt từ trước nên dễ bị sập mà thôi."

Văn Thời nghe vậy nhíu chặt hàng mày.

Nếu cô nói mình giấu vài câu và lảng tránh một số chuyện, điều đó cho thấy tình huống thật sự không hề như vậy.

“Cho nên sự thật là?"

“Sự thật là…" Trương Uyển cụp mắt nói: “Việc thôn Liễu bị sập đúng là do bàn tay con người gây ra."

Văn Thời sửng sốt, sắc mặt biến đổi.

Hắn nhìn thoáng qua Tạ Vấn rồi lại nhìn về phía Trương Uyển, đang định mở miệng thì nghe thấy đối phương nói: “Nhưng không liên quan tới các con."

“Nghĩa là sao? Vì sao người biết?" Văn Thời hỏi.

“Ta biết." Trương Uyển hơi bần thần, nói khẽ: “Ta đã từng thấy."

Tạ Vấn: “Vì sao lúc đó mẹ không nói."

Trương Uyển: “Bởi vì có hơi băn khoăn…"

Thật ra cuộc đời kia của cô không được tốt lắm, vừa sinh ra thì mẹ đã mất, đến khi ba tuổi thì cha cũng qua đời, cô ôm cánh tay xác chết trong phòng một ngày một đêm mới được hàng xóm sát vách phát hiện rồi ôm ra ngoài.

Nhưng may mắn thay trong làng có người phụ nữ câm, con trai của bà ấy mới ra đời không lâu đã bị người ta bắt cóc, cố gắng tìm kiếm mãi mà không có kết quả rồi cũng hết hy vọng, thấy cô lẻ loi một mình bèn có lòng tốt nhận nuôi và coi cô như con gái ruột.

Người phụ nữ câm tính nết dịu dàng, chăm sóc cô chu đáo, dạy cô nữ công gia chánh và đan lát. Việc tay chân nặng nhọc không bao giờ để cô phải làm. Những người khác trong thôn cũng hiền lành nhiệt tình, biết cuộc sống của hai mẹ con bọn họ chẳng dễ dàng gì nên luôn giúp đỡ ít nhiều.

Thể chất đời đó của Trương Uyển khác hẳn với người thường, bẩm sinh đã có một chút linh khiếu. Còn nhỏ tuổi đã có thể giúp người trong thôn xem phong thủy nhà cửa và bấm đốt ngón tay tính số trời.

Có đôi lần tỉnh giấc lúc nửa đêm, cô trông thấy người phụ nữ câm lặng lẽ gạt nước mắt ôm một chiếc giày nhỏ, biết đối phương vẫn nhớ mong đứa con trai bị thất lạc kia bèn vụng trộm tính thử một chút.

Kết quả tính ra rất kỳ quái, nó luôn biểu thị con trai của người phụ nữ đang ở ngay trong thôn.

Đây đúng là chuyện ma, đổi thành ai cũng sẽ bị dọa cho nhảy dựng lên rồi suy đoán mấy chuyện vô căn cứ.

Nhưng tính cách kiếp đó của Trương Uyển khá trầm tĩnh, cô tính ra được kết quả ấy cũng không dám tùy tiện nói cho người phụ nữ câm.

Cô nhớ rõ người phụ nữ câm từng kể sau gáy con trai mình có một vết bớt to bằng ngón tay cái, thế là ngày nào cô cũng nhìn chằm chằm mấy người trạc tuổi trong ngoài thôn, lúc xuống ruộng cũng thường hay chú ý, cô chỉ lo một ngày nào đó đào được ra thứ gì mà thôi.

Thôn Liễu chỉ lớn chừng ấy, cô nhìn đi nhìn lại mấy lần cũng chẳng có kết quả, thực sự là vừa thất vọng lại vừa thở phào nhẹ nhõm. Cô nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng quy kết vấn đề này do năng lực bản thân có hạn nên tính toán không chuẩn xác.

Thế giới rộng lớn như vậy, đứa con trai mà người phụ nữ câm nhớ nhung hằng đêm chắc đang lớn lên ở một nơi nào đó mà cô không biết thôi.

“Khi đó ta thường hay mơ một vài giấc mơ cổ quái kỳ lạ, thỉnh thoảng sẽ mang theo một vài điềm báo." Trương Uyển nói, “Những điềm báo đó giúp ta và một số người khác tránh được không ít chuyện."

Nhưng vì thành công tránh thoát rất nhiều lần nên cô cũng trở nên tự tin một cách thái quá. Cô cho rằng trước khi rắc rối tai họa ập tới thì mình nhất định sẽ mơ thấy điều gì đó, thời gian cũng luôn vừa khéo để kịp chuẩn bị. Ngược lại, chỉ cần không nằm mơ thấy gì thì chắc chắn là không xảy ra chuyện lớn.

“Thế mà lần đó lại khác." Trương Uyển nhớ lại: “Ngày đó cũng là ban đêm…."

Mưa trút xuống thôn Liễu rất nhiều ngày, ngay cả trong đêm cũng không thấy ngừng. Mỗi khi mưa to như vậy là trong thôn vô cùng yên tĩnh, tiếng mưa rơi thôi thúc người ta buồn ngủ, hôm đó mọi người ngủ rất ngon ngoại trừ Trương Uyển.

Trước nửa đêm cô ngủ khá ngon, sau nửa đêm lại đột ngột rơi vào trong cơn mơ.

Cô mơ thấy một cái thôn tương tự với thôn Liễu, vị trí dựa núi, bên cạnh thôn cũng có một con đường lớn, bên đường có một trạm dừng chân dựng một cọc buộc ngựa và quầy trà rượu.

Nơi đó cũng đang đổ mưa, sấm chớp liên hồi. Cô trông thấy hai thanh niên mặc áo bào màu nâu xơ cọ chạy ra khỏi thôn tới trú mưa bên cạnh cọc buộc ngựa không người.

Người vóc dáng thấp hơn một chút vắt nước trên quần áo nói: “Mày nghe được tin ngọn núi này sắp sập từ đâu? Bên chỗ Trang sư huynh à?"

Người còn lại cao hơn và khỏe khoắn hơn bảo: “Không thấy nhắc tới, hắn chỉ bảo mấy ngày này không xuống núi thôi. Đừng để ý chuyện tao lấy tin tức từ đâu, dù sao cũng là thật đó, nếu không thì mày nói xem vì sao Trang sư huynh và Chung sư huynh vừa khéo lại không xuống núi mấy ngày này?"

Gã hỏi vặn lại xong thì tự trả lời luôn: “Để tránh họa chứ sao."

Tên lùn tin bảy tám phần, mặt sa sầm nhưng vẫn nói: “Vậy… vậy chắc cũng không phải chuyện lớn, mấy vị trên núi đều biết thì còn sợ cái quái gì?"

“Biết thì sao." Người còn lại không ngẩng đầu xắn tay áo nói, “Mày đã thấy bọn họ nhúng tay vào những chuyện thế này bao giờ chưa."

Sắc mặt tên lùn càng tệ hơn: “Nhưng mà ——"

“Vả lại trên núi dưới núi trước giờ luôn chia thành hai nơi, đệ tử trên núi mới là thật, dưới núi chẳng qua chỉ là…." Gã to con xắn xong một bên tay áo, rút một sợi vải rồi dùng răng thắt nút: “Chỉ là đám người tầm thường không đuổi đi được nên nuôi thả ở đó thôi. Tai họa dưới núi đâu thể ảnh hưởng tới trên núi được, cần gì phải tốn công giải quyết?"

“Mày không thể nói như thế, chẳng phải trước kia mày bảo phải chăm chỉ khổ luyện hơn để tranh thủ sớm…."

Gã to con không vui ngắt lời: “Đó đều là lời nói nhảm lúc nhỏ, là chuyện xưa xửa xừa xưa rồi."

Gã buộc chặt bên tay áo còn lại rồi hỏi tên lùn: “Mày với tao lớn lên ở cái thôn này, thôn họ Trương, chúng mình đều họ Trương, dưới núi cũng có không ít đệ tử xuất thân từ họ Trương nên vốn dĩ là người một nhà. Lý do tao kéo mày chứ không tìm người ngoài là cảm thấy tao với mày thân thiết như anh em, mày cũng là người trọng tình trọng nghĩa chứ không phải đám thần tiên giả suốt ngày tu luyện theo con đường bạc tình bạc nghĩa kia."

Tên lùn bị những lời này của gã dọa cho sợ khiếp vía, sắc mặt trắng bệch như tờ giấy: “Sao lại gọi là tiên giả, gần đây mày gặp phải chuyện gì à? Câu nào câu nấy sắc nhọn như gai ấy."

“Nín nhịn lâu ngày mà thôi. Nói tóm lại là hiện giờ thôn ta sắp gặp phải tai họa, lại còn là đại họa. Mày nói nghe xem nào, cứu hay không cứu?"

“Cứu! Nhưng cứu thế nào?"

“Tìm một ngọn núi hoang có quẻ tượng tương đồng, dịch chuyển sang là được." Gã to con nói.

Trên trời nổ vang một trận sấm sét chiếu lên mặt bọn họ trắng bệch như ma quỷ. Tên lùn giật bắn mình không nghe rõ lắm, muốn hỏi lại thì gã to con đã đi vào trong màn mưa.

Gã tìm phương vị một hồi, cuối cùng ngồi xổm xuống một chỗ nào đó móc ra một lá bùa từ trong ngực. Lúc cúi đầu để lộ cái ót.

……

“Mẹ tỉnh dậy đúng lúc đó." Trương Uyển nói, “Lúc tỉnh dậy mẹ phát hiện mình không nằm trên giường mà đã mộng du đi ra ngoài và đang ngồi xổm bên cạnh cọc buộc ngựa ở trạm dừng chân trên đường lớn của thôn Liễu y hệt người trong mộng."

Giây phút ấy Trương Uyển cảm thấy mình đã giúp đối phương hoàn thành chuyện gã muốn làm từ xa.

Mà chuyện gã muốn làm chính là dịch chuyển mầm mống tai họa của ngọn núi kia.

“Mẹ nhận ra điều không bình thường bèn chạy như điên về thôn để đánh thức những người khác. Thế nhưng —"
Tác giả : Mộc Tô Lý
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại