Papillon - Người Tù Khổ Sai
Chương 15: Trốn thoát khỏi Rio Hacha

Papillon - Người Tù Khổ Sai

Chương 15: Trốn thoát khỏi Rio Hacha

Trong sân nhà tù có một anh chàng lúc nào cũng thấy đeo khóa tay. Tôi kết bạn với anh ta. Hai người hút chung một điếu xì-gà: thứ xì-gà dài và mảnh, rất nặng. Tôi hiểu ra rằng anh ta đi buôn lậu, cứ đi đi về về hết xứ Venezuela lại đảo Araba. Anh ta bị buộc tội là đã giết mấy người lính canh bờ biển và hiện đang đợi xét xử. Có những ngày anh ta điềm tĩnh lạ lùng, nhưng lại có những ngày khác anh ta tỏ ra dễ bị kích động và dễ cáu bẳn. Tôi nhận thấy anh ta điềm tĩnh lại khi có người vào thăm và đưa cho anh mấy chiếc lá để nhai.

Một hôm anh ta cho tôi một nửa chiếc lá thế là tôi hiểu ngay. Lưỡi tôi, lợi tôi và môi tôi đều tê dại đi, trở thành vô tri vô giác. Những chiếc lá này là lá cô ca. Người đàn ông ba mươi lăm tuổi này, hai cánh tay và tấm ngực đều phủ một lớp lông quăn đen thẩm chắc phải có một sức lực phi thường. Hai bàn chân không của anh ta ở phía dưới có một lớp chai dày đến nỗi thỉnh thoảng anh ta lại rút từ đấy ra một mảnh chai hay là một cái đinh đã cấm ngập vào đấy nhưng chưa chạm đến thịt. Một buổi tối tôi nói với anh buôn lậu:

- Fuga (trốn), anh và tôi, (tôi đã nhờ người tù Haiti tìm cho một cuốn từ điển Pháp - Tây Ban Nha và đã học được mấy từ cần thiết như từ "trốn").

Anh kia đã hiểu và ra hiệu nói với tôi rằng anh ta cũng muốn trốn, nhưng không biết làm thế nào thoát được cái khóa tay. Đó là một bộ khóa Mỹ, có một khe hở để đút chìa khóa vào: đó chắc chắn phải là một cái chìa khóa dẹp. Anh chàng người Bretagne làm cho tôi một cái móc bằng dây thép đập dẹp ở đầu. Sau mấy lần thử, tôi đã mở được cái khóa của anh bạn mới bất cứ lúc nào tôi muốn. Ban đêm anh ta bị giam riêng trong một căn xà-lim có chấn song sắt khá lớn. Ở phòng chúng tôi chấn song rất mảnh, chắc chắn là có thể nong ra được. Vậy chỉ cần cưa một cái song là đủ, song sắt của buồng giam Antonio (tên người buôn lậu Colombia).

- Làm thế nào có được một sacette (một cái cưa)?

- Plata (tiền).

- Cuanto (bao nhiêu?)

- Một trăm pesos.

- Dollar?

- Mười.

Nói tóm lại là với mười dollars mà tôi đưa cho anh ta, Antonio đã có được hai lưỡi cưa sắt. Tôi vẽ hình xuống sân giảng giải cho anh ta hiểu rằng mỗi lần đã cưa được một ít thì phải lấy mạt cưa sắt trộn với ruột bánh mì bịt chỗ cưa lại cho kín. Vào phút cuối, trước khi Antonio về xà-lim, tôi mở một vòng khóa cho anh ta. Trong trường hợp có ai muốn kiểm tra khóa, anh ta chỉ có việc ấn một cái là vòng khóa đóng sập lại ngay. Anh ta cưa ba đêm mới đứt được cái song sắt. Anh ta nói rằng không đầy một phút anh ta có thể cưa đứt hẳn và tin chắc là có thể dùng tay bẻ quặt nó ra. Sau đó anh ta sẽ đến tìm tôi. Trời mưa luôn, cho nên anh ta nói rằng "La primera noche de lluvia" (đêm mưa đầu tiên) anh ta sẽ đến.

Đêm hôm ấy trời mưa như trút. Các bạn tôi đều biết rõ các dự định của tôi, không có ai muốn đi theo tôi vì họ đều nghĩ rằng miền tôi muốn đến quá xa. Nơi tôi định đến là ở cuối bán đảo Colombia, giáp giới Venezuela. Trên tấm bản đồ của chúng tôi có ghi rằng miền đất này được gọi là Guajira, đó là một lãnh thổ đang tranh chấp, không thuộc Colombia, mà cũng không thuộc Vezezuela. Anh bạn Colombia của tôi nói rằng "đó là đất của thổ dân Anh- điêng" và ở đấy không có một thứ cảnh sát nào, của Colombia cũng không, của Venezuela cũng không. Chỉ có vài người buôn lậu đi qua vùng này. Đi như vậy rất nguy hiểm vì người Anh- điêng Guajiros không chấp nhận cho một người văn minh đi vào lãnh thổ của họ. Càng vào sâu trong vùng càng nguy hiểm. Ở bờ biển có những người Anh- điêng làm nghề đánh cá: qua trung gian của những người Anh- điêng khác văn minh hơn họ một chút, họ giao dịch buôn bán với làng Castilette và với xóm La Vela.

Antonio không muốn đến vùng ấy. Mấy người bạn của anh ta hoặc chính bản thân anh ta đã từng giết vài ba người Anh- điêng trong một trận đánh nhau với họ, vào hôm chiếc thuyền chở hàng lậu của anh ta buộc lòng phải lánh vào bờ biển thuộc địa phận của họ. Nhưng Antonio cam kết là sẽ đưa tôi đến sát vùng Guajira, sau đó tôi phải đi tiếp một mình. Tôi không cần phải nói thì các bạn cũng thừa hiểu tất cả những cuộc bàn bạc như vậy giữa Antonio và tôi đều hết sức công phu, vì anh ta hay dùng những từ không hề có trong từ điển. Vậy thì đêm hôm ấy trời mưa như trút. Tôi đứng gần cửa sổ. Một tấm ván đã được tháo ra khỏi giường từ lâu: chúng tôi sẽ dùng nó để nong các chấn song ra. Hai đêm trước chúng tôi đã thử thì thấy chỉ cần dẫm lên tấm ván là song sắt oằn ngay.

- Listo (sẵn sàng). Khuôn mặt Antonio hiện ra trong đêm, dí sát vào chấn song.

Cùng với Maturette và anh chàng người Bretagne, tôi dẫm lên tấm ván đặt chen vào giữa hai chấn song: không những hai cái chấn song bị nong ra hai bên mà một cái còn tuột chân ra nữa. Hai bạn đẩy tôi ra ngoài, và trước khi tôi lọt ra họ vỗ mạnh vào mông tôi mấy cái: đó chính là những cái bắt tay của bạn bè chúc tôi lên đường may mắn. Hai chúng tôi đã đứng giữa sân. Trận mưa to trút lên các mái tôn gây nên một tiếng ồn điếc tai. Antonio cầm tay tôi kéo đến sát tường. Nhảy qua tường dễ như bỡn, vì nó chỉ cao có hai mét. Thế mà tôi vẫn bị đứt tay vì cọ vào mấy cái mảnh chai cắm ở trên tường. Không sao, cứ lên đường.

Cái anh chàng Antonio quỷ quái kia vẫn nhận ra lối đi dưới trận mưa dày đặc, cách ba thước đã không trông thấy gì. Anh ta lợi dụng nó để đi từ đầu làng đến cuối làng rồi men theo một con đường len lỏi giữa rừng và bờ biển. Khuya thế này mà cũng thấy một ánh đèn ở phía trước. Chúng tôi phải đi vòng vào rừng để tránh chỗ ấy (May thay rừng ở chỗ này không rộng lắm), rồi lại đi ra đường. Chúng tôi đi dưới trời mưa cho đến sáng. Lúc ra đi anh ta đã cho tôi một cái lá coca để tôi nhai theo kiểu vẫn thấy anh ta làm ở nhà tù. Khi trời sáng tôi chẳng thấy mệt chút nào. Không biết có phải nhờ cái lá ấy không? Chắc chắn là phải. Khi trời đã sáng chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Thỉnh thoảng anh ta lại nằm rạp xuống và áp tai xuống mặt đất ướt sũng nước mưa. Rồi chúng tôi lại đi tiếp. Anh ta có một kiểu đi rất lạ. Chẳng ra chạy mà cũng chẳng ra đi, đó là những bước nhảy ngắn liên tiếp, khoảng cách rất đều, hai tay như chèo trong không khí. Vừa rồi chắc hẳn anh ta có nghe thấy một tiếng động gì khả nghi, vì anh ta kéo tôi vào rừng.

Trời vẫn mưa. Quả nhiên, nhìn xuống đường tôi thấy có một cái máy kéo đang kéo một cái hồ-lô san đất, chắn hẳn họ đang sửa đường. Mười giờ rưỡi sáng. Mưa đã tạnh, trời đã hửng nắng. Chúng tôi đã đi vào rừng sau hơn một cây số đi trên lề cỏ chứ không đi giữa đường. Nằm nghỉ ở dưới một lùm cây rậm rạp, xung quanh toàn bụi rậm mọc dày đặc và đầy gai góc, tôi nghĩ là ở đây chẳng còn sợ gì thế nhưng Antonio vẫn không cho tôi hút thuốc hay nói chuyện khe khẽ. Thấy anh ta vẫn nuốt nước lá coca, tôi bắt chước làm theo nhưng một cách dè dặt hơn. Anh ta có một túi đựng hơn hai chục lá, có đưa ra cho tôi xem. Bộ răng thượng hảo hạng của anh lấp lánh trong bóng tôi khi anh ngoác mồm ra cười nhưng không thành tiếng. Vì xung quanh đầy muỗi, anh ta nhai một điếu xì gà rồi lấy nước miếng trộn lẫn nicotin bôi lên mặt và lên tay. Tôi cũng làm như vậy. Từ đấy trở đi muỗi không dám bâu vào nữa.

Bảy giờ tối. Đêm đã xuống nhưng đường vẫn sáng quá vì có trăng. Antonio để ngón tay lên con số chín và nói: "Lluvia (mưa)". Tôi hiểu rằng đến chín giờ trời sẽ mưa. Quả nhiên đến chín giờ hai mươi thì trời đổ mưa, chúng tôi lại lên đường. Để theo kịp Antonio tôi đã học được cái kiểu đi nhảy nhảy và chèo hai tay trong không khí. Đi như thế không có gì khó lại nhanh hơn là đi nhanh, mà vẫn không phải là chạy. Trong đêm ấy chúng tôi đã ba lần phải tránh vào rừng để nhường đường cho một chiếc xe hơi du lịch, một chiếc xe vận tải và một chiếc xe bò có hai con lừa kéo. Nhờ có lá coca, đến sáng tôi vẫn không thấy mệt. Đến tám giờ mưa tạnh, và vẫn như hôm qua chúng tôi đi nhè nhẹ trên cỏ khoảng hơn một cây số rồi nấp vào rừng. Ngậm mấy cái lá kia có một cái bất tiện là không thể ngủ được. Từ khi ra đi chúng tôi chưa có lần nào chợp mắt. Đôi đồng từ của Antonio giãn to đến nỗi không thấy tròng xanh đâu nữa. Mắt tôi chắc cũng vậy.

Chín giờ tối. Trời mưa. Dường như trời đợi đến đúng giờ ấy thì bắt đầu đổ mưa. Về sau tôi được biết rằng ở miền nhiệt đới khi trời bắt đầu mưa vào một giờ nào đấy thì suốt tuần trăng ngày nào cũng sẽ bắt đầu mưa vào giờ ấy và cũng sẽ tạnh vào giờ ấy. Đêm nay khi bắt đầu đi chúng tôi nghe những tiếng gọi í ới rồi trông thấy những ánh đèn. "Castillette", Antonio nói. Con người quỷ quái ấy nắm lấy tay tôi không chút do dự và chúng tôi lại vào rừng, rồi sau hai giờ đi rất khó nhọc chúng tôi lại trở ra đường cái. Chúng tôi đi, hay nói là nhảy nhót thì đúng hơn, cho đến hết đêm và gần hết buổi sáng. Nắng đã hong khô áo quần chúng tôi mặc trên người. Chúng tôi ướt đã ba ngày rồi, và kể từ miếng đường đen chúng tôi ăn vào ngày thứ nhất, đã ba ngày chúng tôi chưa ăn thêm một chút gì.

Antonio có vẻ như tin chắc rằng chúng tôi sẽ không gặp những người xấu. Anh ta đi một cách vô tư lự và đã mấy giờ liền anh ta không áp tai xuống đất nghe ngóng gì cả. Vì con đường đi dọc bãi biển, Antonio chặt một cái gậy. Bây giờ chúng tôi đi trên cát ướt. Chúng tôi đã rời hẳn đường cái. Antonio dừng lại xem xét một cái vết rộng năm mươi phân đi từ biển lên đến chỗ cát khô. Anh ta đi theo cái vết và khi đến chỗ nó loe rộng ra thành hình tròn, Antonio cắm gậy xuống. Khi rút gậy lên thấy có một chất nước vàng vàng như lòng đỏ trứng gà dính ở đầu gậy. Chúng tôi bới cát thành cái lỗ và chẳng bao lâu thấy hiện ra một mớ trứng, ba bốn trăm cái gì đó không biết nữa. Đó là trứng con vích, một loại rùa biển. Trứng này không có vỏ, chỉ bọc một lớp da mỏng. Chúng tôi hốt đầy cái áo sơ-mi mà Antonio đã cởi ra, dễ đến một trăm quả trứng. Chúng tôi rời bãi biển, băng qua đường để lại đi vào rừng. Đến một chỗ thật kín đáo, chúng tôi bắt đầu ăn.

- Chỉ ăn lòng đỏ thôi nhé - Antonio dặn tôi như vậy.

Với hàm răng chó sói của anh ta, Antonio cắn đứt lớp da bọc quanh trứng, để cho lòng trắng chảy hết rồi hút cái lòng đỏ. Anh ta cắn cả một loạt trứng, rồi vừa đưa cho tôi một cái vừa hút cái kia. No đến vỡ bụng, chúng tôi nằm dài ra đất, đầu gối lên chiếc áo vét. Antonio nói: Manana tu sigues so lo đos dias más. De manana enadelante no hay policias (Mai anh tiếp tục đi một mình hai ngày nữa. Kể từ mai sẽ không có cảnh sát đâu) Đồn biên phòng cuối cùng: mười giờ tối naỵ.

Chúng tôi nhận ra vị trí của đồn biên phòng này nhờ tiếng chó sủa, và đến gần hơn thì trông thấy một ngôi nhà nhỏ đèn thắp sáng trưng Antonio tránh các thứ đó một cách tài tình. Từ đấy chúng tôi đi suốt đêm không cần đề phòng gì cả. Đường đi không rộng, nó chỉ là một con đường mòn, nhưng cũng có thể cảm thấy là nó được dùng thường xuyên vì lối đi không hề có cỏ. Nó rộng khoảng năm mươi phân và đi dọc theo cánh rừng, cao hơn bãi biển chừng hai mét. Có nhiều chỗ thấy rõ vết móng ngựa và móng lừa. Antonio ngồi lên một cái rễ cây to và ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Trời nắng rất gắt. Đồng hồ tôi chỉ mười một giờ, nhưng nhìn mặt trời thì phải đến giữa trưa: nếu cắm thẳng một cây gậy xuống đất thì không hề thấy bóng hắt xuống, vậy là đúng giữa trưa, tôi liền sửa đồng hồ lại thành mười hai giờ.

Antonio dốc cái túi đựng lá coca ra: còn cả thảy bảy cái. Anh ta đưa cho tôi bốn cái và giữ lại ba cái. Tôi đi vào rừng một lát rồi quay lại đưa cho anh ta một trăm năm mươi dollars Trinidad và sáu mươi florins. Anh ta ngơ ngác nhìn tôi hết sức ngạc nhiên sờ sờ lên mấy tờ giấy bạc, không hiểu nổi tại sao nó lại có thể mới tinh như vậy và làm sao nó lại không bao giờ bị ướt nhất là anh ta không lần nào thấy tôi đem ra phơi phóng gì cả. Anh ta cám ơn tôi, tay cầm cả nắm giấy bạc, suy nghĩ hồi lâu rồi lấy sáu tờ năm florins, vị chi là ba mươi florins, rồi trả cho tôi số còn lại. Tuy tôi cố nài, anh ta nhất định không chịu lấy thêm. Lúc này có thể nhận thấy ở Antonio có một cái gì thay đổi.

Chúng tôi đã dự định là sẽ chia tay nhau ở đây, nhưng bây giờ anh có vẻ như muốn đưa tôi đi thêm một ngày nữa. Sau đó anh sẽ quay trở lại, - anh ta vừa nói vừa ra hiệu cho tôi hiểu như thế. Thế là chúng tôi lại cùng lên đường, sau khi nuốt mấy cái lòng đỏ trứng vích và châm một điếu xì-gà (việc này phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới làm được vì phải xát hai hòn đá vào nhau cho lửa bén vào một nhúm rêu khô). Chúng tôi đi được hơn ba tiếng đồng hồ thì thấy một người cưỡi ngựa đi thẳng về phía chúng tôi. Người ấy đội một cái mũ rơm rộng mênh mông, chân đi ủng, không mặc quần mà mặc một thứ slip bằng da, một cái áo sơ-mi màu xanh lá cây và một cái áo vét cũng màu xanh lá cây nhưng đã phai bạc, kiểu nhà binh. Vũ khí mang theo là một khẩu các bin rất đẹp và một khấu súng lục to tướng đeo ở thắt lưng.

- Caramba! Kìa Antonio, cậu đấy à? - Người ấy reo lên.

Từ rất xa Antonio đã nhận ra người cưỡi ngựa, anh ta không nói gì với tôi cả, nhưng tôi biết chắc là như vậy. Người kia xuống ngựa: đó là một người đàn ông cao lớn, nước da màu đồng đỏ, trạc bốn mươi tuổi là ít. Hai người vỗ rất mạnh lên vai nhau mấy cái. Cách chào thân ái này về sau tôi sẽ còn gặp nhiều ở các nơi.

- Còn gã kia là ai thế?

- Companero de fuga (bạn vượt ngục), người Pháp.

- Cậu đi đâu?

- Đến nơi nào thật gần dân chài Anh- điêng. - Anh này muốn đi qua lãnh thổ Anh- điêng, vào Venezuela rồi từ đó tìm cách trở về Aruba hay Curacao.

- Anh- điêng Guajiros: không tốt, - người kia nói. - Anh không có vũ khí, hãy cầm lấy cái này. - Hắn đưa cho tôi một con dao găm có cả bao da, cán làm bằng sừng đánh bóng.

Chúng tôi ngồi xuống bên vệ đường. Tôi cởi giày ra: hai chân tôi đều rớm máu. Antonio và người cưỡi ngựa nói gì rất nhanh với nhau, có thể thấy rõ rằng dự định của tôi đi qua lãnh thổ Guajira không làm cho họ hài lòng chút nào. Antonio ra hiệu cho tôi lên ngựa: đôi giày buộc dây lại quàng ngang vai, tôi sẽ để trần đôi chân cho những vết thương khô lại. Tôi hiểu được những điều đó qua những cử chỉ của Antonio. Người cưỡi ngựa lên ngựa, Antonio đưa tay ra cho tôi, và chưa kịp hiểu ra sao, tôi đã được ngồi trên lưng con ngựa vừa bắt đầu phi nước đại, sau lưng người bạn của Antonio.

Suốt một ngày và một đêm chúng tôi đã phi ngựa như thế. Thỉnh thoảng người kia dừng ngựa lại, đưa cho tôi một chai rượu hồi, và cứ mỗi lần như thế tôi lại uống một hớp. Đến tảng sáng anh ta dừng lại. Mặt trời đã lên. Anh ta đưa cho tôi một bánh pho-mát cứng như sắt và hai cái bánh nướng, sáu cái lá coca, lại biếu tôi một cái túi đặc biệt để đựng thứ lá này, không thấm nước, buộc vào thắt lưng. Rồi anh ta vỗ mạnh mấy cái lên vai tôi như đã từng làm với Antonio, rồi lên ngựa và phi đi.
Tác giả : Henry Charrière
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại