Nợ Em Một Đời Hạnh Phúc
Chương 26: Phần 1
CHƯƠNG 13 Tinh thần ông Nhiếp Đông Viễn khá tốt, có điều các loại trị liệu khiến sắc mặt của ông tái đi, tóc bắt đầu rụng, không ăn uống được gì. Gặp con trai, ông rất vui, thấy anh dẫn theo Thư Cầm ông lại càng vui hơn: “Tiểu Thư, sao lại mang hộp giữ nhiệt thế kia, đem gì ngon cho bác à?" “Bác phải ăn kiêng mà, cháu không dám mang gì vào, sợ bác sẽ lại vứt đi. Nhiếp Vũ Thịnh hôm nay tăng ca nên cháu đem chút bánh chẻo cho anh ấy". “Cháu đừng đối tốt với thằng bé này quá, cứ thế nó sẽ không biết điều đâu. Lần sau gói bánh chẻo nhớ phần bác một nửa, bác sĩ bảo bác ăn được bánh chẻo." Thư Cầm cười nhận lời, Nhiếp Vũ Thịnh ra ngoài nói vài câu với bác sĩ trực ban, rồi quay lại xem số liệu về bệnh trạng của bố. Ông Nhiếp Đồng Viên nói: “Đừng xem nữa, bố anh không chết trong một sớm một chiều được đâu. Hơn nữa đây đâu phải chuyên khoa của anh, đọc thì hiểu gì chứ?" “Những thứ chung chung con vẫn hiểu được." Nhiếp Vũ Thịnh đặt bản báo cáo kiểm tra về chỗ cũ, bình thản đáp. Phòng của bố anh là phòng VIP, rất rộng, điều kiện cũng rất tốt. Ti vi tinh thể lỏng treo trên tường đang phát tin tức, vừa hay có tin về đứa bé bị ngã trong công trường chiều nay, đưa đến bệnh biện mổ mất bảy tám tiếng, hiện giờ đã vào ICU[1]. [1] Khu chăm sóc đặc biệt. Ông Nhiếp Đông Viễn nói: “Ủa, đó không phải bệnh viện này sao? Nhà đó trông con thế nào vậy? Sao lại đưa nó đến công trường? Xảy ra chuyện như vậy rất nguy hiểm. Tôi phải gọi cho Tổng giám đốc bất động sản bên ấy, công trường của chúng ta không thể để xảy ra chuyện đó được." Nhiếp Vũ Thịnh nói: “Con cái của những công nhân xuất thân nông thôn đến kỳ nghỉ hè không có nơi nào để đi cả. Nhưng đúng là có vấn đề trong khâu quản lý ở công trường, không nên để trẻ chưa thành niên vào trong, lại không đội mũ bảo hiểm, ngã như vậy làm tổn thương rất nhiều bộ phận trong cơ thể, đầu cũng bị thương ngoài da, cả khoa Ngoại đều tất bật suốt buổi chiều vì đứa trẻ đó. Phần tim do con phụ trách bị một sợi sắt cắm vào, dịch lên vào mi li mét có lẽ không còn mạng nữa rồi." Ông Nhiếp Đông Viễn chau mày: “Vết thương đó có lành được không?" “Còn phải trông vào may mắn nữa, nếu vượt qua được đêm nay, chưa biết chừng tình hình sẽ lạc quan hơn." Ti vi lại nói có người trong bệnh viện đang quyên góp tiền cho đứa bé, ông Nhiếp Đông Viễn sực nhớ ra: “Viện phí của đứa bé đó là bao nhiêu?" “Không biết nữa, ICU đắt như thế, xem nó phải ở bao lâu, lại cộng thêm phí mổ cấp cứu, chắc cũng đến hơn hai vạn." “Anh đi nói với bố mẹ của đứa bé, viện phí bố trả, cứ yên tâm điều trị." Nhiếp Vũ Thịnh kinh ngạc nhìn bố mình. Ông Nhiếp Đông Viễn cũng không phải chưa từng làm từ thiện, tập đoàn Đông Viễn từng quyên góp xây hơn chục trường tiểu học ở những vùng nghèo đói khó khăn, còn đưa cả phóng viên theo đến vùng núi phía Tây Nam Quý Châu làm từ thiện. Có điều, thực lòng ông ủng hộ các hoạt động từ thiện rất đơn giản, một là để xây dựng hình ảnh cho công ty, hai là nhằm được giảm thuế hợp pháp. “Sống đến ngày hôm nay mới hiểu tiền là gì, mệnh là gì." Ông Nhiếp Đông Viễn dường như rất thương cảm, “Chẳng biết bố có sống được đến lúc nhìn thấy mặt cháu không, cứu mạng con người ta coi như tích chút đức." Thư Cầm vội nói: “Bác đừng bi quan như vậy, thật ra chuyên gia cũng nói rồi mà, nếu chịu khó kiêng khem, giữ vững hiệu quả điều trị thì sống thêm tám đến mười năm nữa là bình thường. Khoa học bây giờ phát triển như thế, trong nước ngoài nước có biết bao nhiêu loại thuốc, bác điều trị vài năm chưa biết chừng, thế giới lại phát minh ra loại thuốc mới, có thể trị khỏi hoàn toàn." Ông Nhiếp Đông Viễn nói: “Không phải bác giục các con kết hôn đâu." Đoạn ông thở dài, “Chỉ là số mệnh rồi cũng đến khi kết thúc, không thể miễn cưỡng được. Trước đây bác luôn cho rằng mình hơn người, dù có già cũng không đến nỗi hồ đồ như người ta. Giờ mới biết, thì ra mình đã già thật rồi, suy nghĩ cũng giống hệt người khác. Một người có thể sống đến già, sau khi nghỉ hưu thì ở nhà rảnh rang trông cháu, mới đúng là hạnh phúc." Nhiếp Vũ Thịnh không thể không chen vào: “Bố đừng nghĩ ngợi lung tung nữa, phối hợp điều trị cho tốt, tuần sau còn phải họp hội đồng quản trị đấy." “Đúng rồi." Ông Nhiếp Đông Viễn lấy lại tinh thần, “Anh làm hai việc này cho bố, một là gọi điện cho Tổng giám đốc Tưởng bên bất động sản, hai là gọi cho Thư kí Trương bảo cậu ấy đến bệnh viện nộp viện phí cho đứa bé kia." Từ sau khi bị bệnh, thỉnh thoảng ông cũng sai Nhiếp Vũ Thịnh làm một vài việc, phần lớn là những việc nhỏ nhặt thế này. Nhiếp Vũ Thịnh liền đi ngay đến bệnh viện, thay mặt ông Nhiếp Đông Viễn góp mười vạn cho đứa trẻ kia, gửi vào tài khoản bệnh viện coi như tiền đặt cọc nằm viện, còn nói những chi phí tiếp theo sẽ do quỹ từ thiện của tập đoàn Đông Viễn phụ trách. Người nhà đứa bé cảm ơn rối rít, Nhiếp Vũ Thịnh không muốn nhìn cảnh tượng đó nên đã tránh đi từ sớm, không hề lộ diện. Ông Nhiếp Đông Viễn đương nhiên cũng không thể lộ diện. Nhưng sau khi làm xong các việc đó, thư ký Trương vẫn đến phòng bệnh của ông Nhiếp Đông Viễn đưa cho Nhiếp Vũ Thịnh một cuốn sổ địa chỉ: “Đây là cách thức liên lạc với tổng giám đốc tất cả các công ty trực thuộc tập đoàn, cùng các quan chức quản lý cấp cao và cấp trung của tập đoàn." “Đưa tôi làm gì?" “Ông Nhiếp đang ốm, lại nằm ở viện của cậu, có những lúc tôi không có ở bên cạnh, nếu ông ấy muốn gọi điện thoại thì tìm cậu sẽ tiện hơn." “Được rồi." Nhiếp Vũ Thịnh cũng không bận tâm nhiều liền nhận lấy. “Còn nữa, ông Nhiếp nói phải gọi điện cho Tổng giám đốc Tưởng, cậu đừng quên." “Tôi biết rồi." Nhiếp Vũ Thịnh thấy chuyện này cũng không có gì to tát, nhìn đồng hồ thấy còn sớm, liền gọi cho Tổng giám đốc Tưởng bên bất động sản, truyền đạt ý của ông Nhiếp Đông Viễn. Tổng giám đốc Tưởng trong điện thoại rất khách khí, hứa ngày mai sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp, thông báo cho các công ty con trên toàn quốc cùng với bên B giám sát đơn vị thi công thanh tra công trường, quy phạm chế độ, tổ chức tháng an toàn. Nói xong việc công, ông ta lại hỏi thăm tình hình ông Nhiếp Đông Viễn, an ủi Nhiếp Vũ Thịnh vài câu rồi mới ngắt máy. Khi Nhiếp Vũ Thịnh rời khỏi bệnh biện thì đã là lúc phòng bệnh tắt đèn. Trên xe, Thư Cầm không kìm được phì cười thành tiếng. Nhiếp Vũ Thịnh không hiểu, hỏi: “Em cười gì vậy?" “Em cười anh là Tôn Ngộ Không, làm thế nào cũng không thoát khỏi bàn tay Phật Tổ Như Lai." “Em muốn nói bố anh?" “Đúng thế." Thư Cầm nhìn anh cười, “Bác bảo anh gọi điện thoại là anh gọi, anh có bao giờ nghĩ mình gọi với thân phận gì không?" “Còn thân phận gì được nữa, không phải con trai ông ấy sao?" “Em đoán… ông Tưởng kia rất khách sáo với anh." “Cấp dưới của bố anh lúc nào cũng khách sáo với anh." “Tối nay lại khác, anh không thấy ông ấy đặc biệt khách sáo sao?" Nhiếp Vũ Thịnh nghĩ một lát rồi nói: “Đặc biệt khách sáo thì không. Nhưng ông ta nói sẽ làm cái gì mà tháng an toàn ở các công trường của công ty con trên toàn quốc, hỏi ý anh thế nào. Anh chẳng hiểu gì về ngành của họ, căn bản không hiểu tại sao lại hỏi ý kiến anh, chỉ bảo ông ta cứ tự liệu mà làm." “Thái tử gia ơi là thái tử gia, người ta coi anh là người kế nhiệm ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị rồi, đương nhiên sẽ hỏi ý kiến của anh về phương án họ đưa ra. Anh còn bảo cứ liệu mà làm, gặp phải ông chủ như anh thì người ta xui xẻo rồi." “Anh chỉ thay mặt bố gọi cho ông ta…" “Người ta coi anh là thái tử giám quốc rồi, anh vẫn còn lơ ngơ thế à." “Bố anh đã bảo ông sẽ không ép anh tiếp nhận sự nghiệp." “Thế anh định làm gì với cả cái tập đoàn Đông Viễn đây? Đó là công ty đã lên sàn chứng khoán, nói một câu không phải, nhỡ chẳng may bác gặp chuyện gì, quyền sở hữu cổ phần đều thuộc về anh, đến lúc đó anh định thế nào? Không lẽ anh nói với tất cả cổ đông là, tôi không hiểu gì cả, cũng không muốn quản, các anh cứ liệu mà làm à?" “Nghĩ một cách lạc quan thì ít nhất trong mấy năm nữa sẽ không xảy ra chuyện đó." “Vì thế trong mấy năm này, bác trai sẽ dần dần dẫn anh vào vị trí quản lý. Nhiếp Vũ Thịnh, anh chấp nhận số phận đi, ai bảo anh là con trai độc nhất chứ?" “Anh không phải con độc nhất, bố anh còn một người con nữa. Vì thế anh vẫn luôn cho rằng mình không thể tha thứ cho ông ấy được." Thư Cầm kinh ngạc, sững người ra. “Anh chưa kể với em… Thật ra ngoài em, anh mới chỉ nói ột người thôi." Nhiếp Vũ Thịnh bất giác siết chặt vô lăng, như thế thứ anh đang bóp chặt không phải vô lăng mà là cổ họng của vận mệnh mưa bão mười năm trước, anh bỏ nhà đi tìm Đàm Tĩnh giữa mưa to gió lớn. Lúc đó anh có cảm giác mình đã bị cả thế giới bỏ rơi. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình chỉ có bố hoặc mẹ thường rất nhạy cảm với gia đình, với tình yêu thương từ bố mẹ. Đó cũng là lí do tại sao ban đầu anh lại tiếp cận Đàm Tĩnh. Vì cô cũng lớn lên trong gia đình chỉ có mẹ. Đàm Tĩnh mở cửa nhìn thấy anh, ánh mắt đó cả đời này anh cũng không quên được. Cô kéo anh vào nhà, lấy khăn lau tóc cho anh, quần áo anh đã ướt nhẹp dính chặt vào người, lạnh đến mức toàn thân run rẩy. Anh hỏi: “Đàm Tĩnh, nếu anh không có bất cứ thứ gì, liệu em còn thích anh không?" Lúc đó cô trả lời: “Cho dù anh là tên ăn mày đầu đường xó chợ, em vẫn thích anh!" Định nghĩa về tình yêu của thanh niên mười bảy mười tám tuổi vẫn chỉ là thích. Đàm Tĩnh ít tuổi hơn anh, nhưng hôm đó cứ ôm anh như ôm một đứa trẻ mà dỗ dành. Hôm sau anh sốt cao, nhưng cô lại không thể không về trường. Cô đành lấy một cái đĩa, đổ chút nước, ấy hạt đậu vào, cười bảo anh: “Bao giờ đậu nảy mầm thì em về." Rất nhiều chuyện cũ, những khoảng thời gian bên nhau, những ký ức cả vui lẫn buồn, thì ra tất cả vẫn nguyên vẹn trong tâm trí anh, chưa bao giờ mất đi. Bao năm nay, mỗi khi ở một mình, anh lại theo thói quen bỏ vài hạt đậu vào một cái đĩa đựng nước, để lên bệ cửa sổ, ngồi nhìn chúng dần nảy mầm. Ban đầu mầm cây trắng trắng mập mập, rồi dẫn đổi thành màu xanh, cuối cùng sẽ trở nên vừa dài vừa mảnh. Nỗi xót xa ban đầu cuối cùng đã trở thành tỉnh ngộ. Đàm Tĩnh sẽ không bao giờ quay về nữa, dù anh có chờ đợi thế nào, dù anh có mong chờ ra sao, dù mầm cây mọc dài thế nào chăng nữa. Thậm chí, sự chờ đợi đó ngay từ ban đầu đã là khởi nguồn của một bi kịch. Làm gì có hạt đậu nào sinh trưởng được thành quả đậu khi ngâm trong nước? Chẳng qua nó cũng chỉ có thể mọc mầm, rồi cuối cùng, vì không có cội rễ, không có dinh dưỡng, mà dần khô héo đi. Giống như tình yêu của anh và cô vậy, ban đầu khi mới chớm nở, cũng chỉ là niềm mơ ước giản đơn như thế, nhưng nó đã được định sẵn rằng không có kết quả. Thư Cầm không truy hỏi còn ai biết bí mật này, cũng không hỏi đứa con kia của ông Nhiếp Đông Viễn là người thế nào. Cô biết Nhiếp Vũ Thịnh không cần sự an ủi, anh chỉ cần nơi để trút bí mật mà thôi. Khi biết được điều này, chắc chắn anh đã bị tổn thương sâu sắc. Tuy rằng nhìn bề ngoài anh có vẻ lạnh lùng, thanh cao, nhưng thật ra anh lại là người nhạy cảm mà yếu đuối. Anh quá coi trọng tình thân và tình yêu, cũng quá nặng tình, nên chỉ cần tổn thương một lần, cũng như lấy mạng anh rồi Trước đây, khi biết được chân tướng, chắc hẳn anh vô cùng khủng hoảng và đau khổ. Người an ủi anh khi ấy có lẽ chính là cô bạn gái trước, người duy nhất từng chia sẻ bí mật này với anh, người duy nhất anh từng toàn tâm toàn ý tin tưởng. Cũng là người duy nhất mà bao năm nay anh vẫn chưa thể thực sự buông tay. Thư Cầm chợt cảm thấy Nhiếp Vũ Thịnh thật may mắn, có những người cả đời cũng không gặp được người khiến mình khắc cốt ghi tâm, có người gặp được nhưng rồi càng ngày lại càng xa nhau. Nhiếp Vũ Thịnh thì khác, anh đã chia sẻ mọi điều từ sâu thẳm đáy lòng với người đó, từng yêu một người bằng trọn vẹn con tim, dù rằng cuối cùng bị tổn thương, nhưng anh cũng đã có được một khoảng thời gian không hối tiếc. Nhiếp Vũ Thịnh im lặng suốt dọc đường về, cuối cùng, trước khi anh xuống xe, cô mới nói: “Anh đừng trách bác trai, bác ấy không có lỗi gì với anh, nhưng lại có lỗi với người con kia." “Anh biết." Nhiếp Vũ Thịnh cười đầy chua xót, “Mọi việc đã qua lâu rồi, thật tình, nói ra được cũng rất nhẹ nhõm. Anh đã giữ chuyện này trong lòng bao nhiêu năm, cuối cùng cũng có thể trải lòng thổ lộ rồi." Thật ra, anh quên mất rằng mình từng nói chuyện này với một người từ nhiều năm trước, nhưng điều đó khác mà, phải không nhỉ? Thư Cầm nghĩ bụng, anh vẫn coi cô là bạn, là tri kỷ nhiều hơn. Còn người kia, lại là một phần của cuộc đời anh. Anh chưa từng coi cô ấy là người ngoài, nên không cảm thấy khó khăn khi chia sẻ những điều đó với cô ấy. “Anh ngủ sớm đi, đừng nghĩ ngợi nhiều quá!" “Ngủ ngon!" “Ngủ ngon!" Thư Cầm khởi động xe, lái trở lại đường lớn. Ánh đèn từ những ngôi nhà hai bên đường dần thưa thớt hẳn đi. Thành phố chìm dần vào giấc ngủ, những ngọn đèn màu trên phố vẫn nhấp nháy sáng, nhưng rất nhiều người đã ngủ rồi. Đèn từ các ngôi nhà dần tắt, xe cộ trên đường cũng ít hơn hẳn. Thư Cầm mở radio, trên đài đang phát một bài tình ca, giọng hát khàn khàn vang lên: Anh chưa từng kháng cự nổi sức hấp dẫn của em Dù rằng em chưa từng say đắ anh Nhưng anh vẫn luôn mỉm cười nhìn em Tình ý của anh mãi nồng nàn trong ánh mắt … Lần đầu tiên trong đời anh gạt bỏ sự cẩn trọng Mặc cho bản thân ảo tưởng về chúng Rằng em yêu anh, yêu anh đến cùng Lần đầu tiên trong đời anh gạt bỏ sự cẩn trọng Tin chắc mình thật sự có thể yêu em đắm say… … Cuối cùng cô không nhịn được gọi điện cho Thịnh Phương Đình: “Tại sao anh lại cho Đàm Tĩnh vay tiền?" Có lẽ anh đang ở trong phòng bệnh nên trong điện thoại rất yên tĩnh, anh nói: “Giữa đồng nghiệp nên giúp đỡ nhau, hơn nữa cô ấy từng cứu tôi, cô biết mà." Thư Cầm nghiến răng: “Anh trở thành người tốt có tấm lòng lương thiện từ bao giờ thế? Lẽ nào anh đã biết từ lâu? Tại sao không cho tôi biết?" “Tôi cũng chỉ mới phát hiện thôi, dường như cô ấy có mối quan hệ không bình thường với Nhiếp Vũ Thịnh." “Ánh mắt anh ấy nhìn Đàm Tĩnh không bình thường, chắc chắn cô ấy là bạn gái cũ của anh ấy. Tôi vừa thăm dò thử, nhưng Nhiếp Vũ Thịnh chẳng để lộ gì cả." “Thư Cầm." Giọng Thịnh Phương Đình rất bình tình, “Cô đừng nhập tâm quá! Như vậy sẽ khiến tôi hiểu nhầm đấy." “Không phải anh chưa bao giờ lo lắng tôi sẽ yêu Nhiếp Vũ Thịnh sao?" Thư Cầm mỉa mai, “So với anh ta, đúng là anh còn giống ma quỷ hơn đấy." Thịnh Phương Đình khẽ cười, nói: “Ma quỷ và ma quỷ mới bên nhau mãi mãi được. Cô và tôi cùng là một loại người, nên tôi chẳng bao giờ lo cô sẽ yêu một thiên sứ như Nhiếp Vũ Thịnh cả. Vì thế cô cũng đừng lo, tôi và bạn gái của Nhiếp Vũ Thịnh sẽ chẳng có gì đâu." Cả đêm Đàm Tĩnh không ngủ được, người nhà bệnh nhân ai nấy đều thể hiện sự hiểu biết của mình. Một bà cụ tốt bụng cho cô biết có thể thuê ghế nằm mà ngủ, nhưng một đêm mất tám mươi tệ, cô tiếc nên đành ghép hai cái ghế lại, nửa nằm nửa ngồi, mơ màng suốt đêm. Cứ cách hai tiếng y tá lại đến xem máy, kiểm tra dưỡng khí và dịch truyền, như thế cô càng không ngủ được, đến tận khi trời tảng sáng mới thiu thiu ngủ được một lúc thì đã nghe thấy ngoài hành lang ồn ào cả lên. Buổi giao ban kiểm tra phòng bệnh sáng, tất cả bác sĩ đều đến. Hôm nay là Chủ nhật, không phải lịch tổng kiểm tra phòng bệnh, nhưng vừa hay hôm qua Chủ nhiệm Phương mổ một ca đặc biệt, sáng nay đi kiểm tra bệnh nhân sau phẫu thuật như thường lệ. Đã do ông dẫn đoàn, đội ngũ kiểm tra đương nhiên sẽ rất hùng hậu. Phòng bệnh không rộng, nhiều bác sĩ vào cùng một lúc thế này khiến nhìn đâu cũng thấy áo blouse trắng. Chủ nhiệm Phương xem tình hình của từng bệnh nhân, khi đến Tôn Bình, ông hỏi han rất kỹ. Mọi người đều nơm nớp lo lắng, ai cũng biết chắc chắn Nhiếp Vũ Thịnh hôm nay sẽ gặp xui xẻo. Chuyện Chủ nhiệm Phương tối qua nổi trận lôi đình bên bàn mổ gần như cả khoa đều đã biết. Sáng nay đi kiểm tra phòng bênh, hễ gặp bệnh nhân của Nhiếp Vũ Thịnh, Chủ nhiệm Phương lại đích thân hỏi. Quả nhiên, đến một chữ cái La-tinh trong tên thuốc trong lời căn dặn của bác sĩ viết hơi tháu ông cũng không bỏ qua, giáo huấn từ việc viết đơn thuốc có quy phạm, đến sự an toàn khi dùng thuốc trong điều trị. Tuy nhiên ông không hề nhắc đến tên Nhiếp Vũ Thịnh, cũng chẳng nhìn thẳng vào anh, mọi người đều cúi đầu nghe ông giáo huấn, chẳng ai dám ngắt lời. Cuối cùng, một vị Phó chủ nhiệm khoa Ngoại phải giải vây: “Bệnh nhân giường số 7 bốn giờ sáng nay phải đeo máy thở. Chín giờ anh lại có cuộc họp rồi, giờ anh có muốn qua đó xem trước không…" Dù Chủ nhiệm Phương không nể mặt ai thì cũng phải nể mặt Phó chủ nhiệm. Vì thế ông không nói thêm gì nữa, quay người bước đi, cả đoàn người nối đuôi theo sau. Nhiếp Vũ Thịnh đi cuối hàng, vốn đã ra khỏi phòng bệnh nhưng rồi anh lại quay vào, lấy bút mực trong túi ra, cẩn thận viết lại từng nét trong cái tên La-tinh kia.
Tác giả :
Phỉ Ngã Tư Tồn