Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 26

Osano ẩn thân an toàn ở Vegas xong, tôi phải lo liệu cho vấn đề khác của tôi. Tôi không còn chỗ làm thường xuyên nữa vì vậy phải tìm càng nhiều chỗ cộng tác càng tốt. Tôi viết nhiều bài điểm sách cho tạp chí Times, và tờ New York Times, và tay tổng biên tập mới của tạp chí cũng giao cho tôi một số việc. Nhưng đối với tôi chuyện đó đúng là tra tấn thần kinh. Tôi chẳng bao giờ biết được sẽ có bao nhiêu tiền đến vào tay mình vào một lúc nào đó. Thế là tôi quyết định sẽ chuyên chú để hoàn tất quyển tiểu thuyết của mình và hi vọng rằng nó sẽ đem lại thật nhiều tiền. Trong vòng hai năm sau đó, cuộc sống của tôi rất đơn giản. Tôi để ra từ mười hai đến mười lăm giờ mỗi ngày trong phòng làm việc. Mỗi tuần đưa vợ đi siêu thị một vài lần. Vào những ngày chủ nhật mùa hè, tôi đưa lũ nhóc đến thành phố biển Jones Beach, để Vallie được nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng, vào nửa đêm tôi uống vài viên Dexamyls cho tỉnh ngủ để có thể làm việc đến ba bốn giờ sáng.

Trong thời gian đó, thỉnh thoảng tôi gặp Eddie Lancer để cùng đi ăn tối ở New York. Từ lâu Eddie đã trở thành một tác giả kịch bản phim ở Hollywood và rõ ràng là anh không viết tiểu thuyết nữa. Anh thích thú với cuộc sống đó nơi "ra ngõ gặp người đẹp", tiền bạc dễ kiếm, và anh thề sẽ không bao giờ viết tiểu thuyết nữa.

Bốn trong số các kịch bản điện ảnh đã trở thành những cuốn phim ăn khách và anh được người ta đặt hàng rất nhiều, anh ngỏ lời sẽ kiếm cho tôi một việc làm với anh nếu tôi muốn đến đó, nhưng tôi từ chối. Tôi không thích làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh. Dù những chuyện tếu mà Eddie kể cho tôi nghe, điều rõ ràng là làm một nhà văn viết kịch bản phim cũng lắm chuyện cười ra nước mắt. Bạn không còn là một nghệ sĩ nữa. Bạn chỉ thuần tuý phiên dịch những ý tưởng của người khác.

Trong hai năm đó, tôi thường gặp Osano mỗi tháng một lần. Ông ta ở Vegas có một tuần, rồi sau đó biến mất. Cully gọi điện cho tôi than phiền là Osano đã chạy trốn, cuỗm theo cô bồ ruột của anh, một cô gái tên là Charlie Brown. Cully không điên lên vì chuyện đó (anh có khối em ngon xơi dưới trướng). Anh ta chỉ hơi ngạc nhiên cho thói đời đen bạc lại hiện ra nơi một nhà văn lớn mà anh vẫn ngường mộ. Cho hay tài năng, tiếng tăm là một chuyện còn nhân cách lại là một chuyện khác.

Cully cho tôi biết rằng cô gái ấy rất đẹp, đang ăn nên làm ra ở Vegas dưới sự chỉ đạo của anh và đáng hưởng một cuộc sống xa hoa, thế mà cô ta lại bỏ tất cả để đỉ theo một văn sĩ già thấp béo chẳng những mang cái bụng bự vì bia mà còn là một thằng cha điên rồ nhất mà anh từng thấy.

Tôi nói với Cully rằng đây là ân huệ khác mà tôi nợ anh và nếu như tôi bắt gặp cô gái ấy với Osano ở New York, tôi sẽ mua ngay cho cô ta một vé máy bay quay về Vegas liền tuýt suýt.

- Hãy nói với nàng liên hệ ngay với tôi, - Cully nói. - Nói với nàng rằng mình nhớ cô ta, rằng mình yêu cô ta, nói với nàng bất kỳ chuyện gì anh nghĩ ra. Mình chỉ muốn cô ta quay về. Cô ta đáng giá cả một gia tài cho mình ở Vegas này đấy.

- OK. - tôi nói.

Nhưng khi tôi gặp Osano ở New York để cùng đi ăn tối thì ông vẫn "chiều một mình qua phố, cô đơn bóng đổ đường dài", chẳng có vẻ gì giống với một anh chàng đào hoa vừa chiếm được quả tim của một nàng thanh nữ đang xuân hương sắc với những đường nét mê hồn như Cully mô tả.

Khi nghe nói về thành công, danh vọng đến với một người nào đó, ta thấy lắm lúc có vẻ buồn cười. Danh vọng đó như một ánh sao băng vụt hiện ra trên bầu trời, không hiểu đến từ đâu. Nhưng cái mà danh vọng đến với tôi lại rất thuần hậu một cách đáng ngạc nhiên.

Tôi sống đời ẩn sĩ trong hai năm và cuối cùng quyển sách hoàn thành và tôi cho người đầu tư xuất bản và quên nó đi.

Một tháng sau người biên tập gọi tôi đến New York và bảo tôi là họ đã bán quyển tiểu thuyết của tôi cho một nhà xuất bản sách bìa thường với giá hơn nửa triệu đô-la.

Tôi thật sự sửng sốt đến tê liệt phản ứng. Mọi người, từ người biên tập, người đại lý văn học, Osano, Cully, đều đã cảnh báo tôi rằng một quyển sách về chuyện bắt cóc trẻ con trong đó tên bắt cóc lại là nhân vật chính, là người hùng, e khó hấp dẫn công chúng độc giả. Tôi biểu lộ sự ngạc nhiên với người biên tập và anh ta nói:

- Cậu kể một chuyện quá hấp dẫn cho nên tình tiết đó cũng không thành vấn đề.

Đêm ấy khi tôi về nhà kể lại với Vallie những gì đã xảy ra, nàng cũng không hề tỏ ra ngạc nhiên. Nàng chỉ bình thản nói:

- Chúng ta có thể mua một căn nhà lớn hơn. Con cái chúng ta đang lớn lên, chúng cần một phòng rộng rãi hơn.

Và rồi cuộc sống lại đơn giản tiếp tục như trước, ngoài việc là Vallie tìm được căn nhà chỉ cách nhà bố mẹ nàng mười phút chạy xe. Chúng tôi mua và dọn về căn nhà đó.

Vào thời điểm đó, quyển tiểu thuyết của tôi được xuất bản. Nó có mặt trong tất cả các danh sách best-seller trên cả nước. Nó thực sự là quyển sách bán chạy có hạng, nhưng thực sự cũng không thay đổi cuộc sống của tôi mấy.

Khi suy nghĩ về chuyện này, tôi nhận ra rằng lý do là vì tôi có ít bạn bè. Chỉ có Cully, Osano và Eddie Lancer và chỉ bấy nhiêu. Tất nhiên là anh Artie vô cùng tự hào về tôi và muốn tổ chức một party lớn để ăn mừng thành công của tôi cho đến khi tôi bảo rằng anh muốn tổ chức thì tổ chức chứ tôi không dự đâu, anh mới chịu thôi. Điều thực sự làm tôi xúc động là một bài giới thiệu quyển sách do Osano viết xuất hiện trên trang đầu của tờ tạp chí văn học. Ông khen tôi rất "đúng khía" và đồng thời cũng vạch ra những chỗ hà tì đúng y boong. Và cũng theo phong cách thường lệ của ông, ông đánh giá quyển sách có phần hơi quá bởi vì tôi là bạn của ông. Và rồi cũng như thông lệ, ông lại tiếp tục bằng cách nói về mình và quyển tiểu thuyết sắp ra mắt bạn đọc của ông.

Tôi gọi đến căn hộ của ông nhưng không nghe tiếng trả lời Tôi viết cho ông một bức thư ngắn và nhận được thư phúc đáp. Chúng tôi cùng đi ăn tối ở New York. Ông có vẻ hơi thất thần, nhưng lại có một em tóc vàng trẻ đẹp lộng lẫy đi theo. Em này được cái nết tốt là rất kiệm lời nhưng ăn thì bằng cả hai xuất của Osano và tôi cộng lại!

Ông giới thiệu là Charlie Brown và tôi nhận ra nàng chính là bồ ruột của Cully, nhưng tôi sẽ không bao giờ nói lại với nàng những lời nhắn nhủ thắm thiết của Cully. Sao tôi lại phải làm cho Osano đau khổ trong khi quanh Cully thiếu gì em mướt mượt? Thầy Lão đã chẳng dạy: "Đạo trời là lấy chỗ dư bù chỗ thiếu" cơ mà?

Có một sự kiện nho nhỏ mà tôi luôn nhớ. Tôi bảo Vallie đi shopping để nàng tự mua sắm quần áo mới, bất kỳ thứ gì nàng muốn và ngay đó tôi sẽ trông con cho.

Nàng đi cùng với mấy người bạn gái và quay về với đầy các thùng hàng. Nàng mở một gói hàng và khoe với tôi một cái áo mới màu vàng:

- Anh biết không, - nàng nói - Thực sự em đã không thể quyết định rằng mình thích cái áo màu vàng hay áo màu xanh. Rồi em lấy cái áo màu vàng. Em nghĩ em hợp với áo màu vàng hơn, phải không anh?

Tôi cười và nói:

- Cưng à, sao em không nghĩ là em có thể mua cả hai?

Nàng nhìn tôi, hơi sững người một lát, rồi nàng cũng phá ra cười. Và tôi nói:

- Em có thể mua một cái áo vàng, một cái áo xanh, một cái trắng, một cái đỏ, có nhằm nhò gì đâu.

Và cả hai chúng tôi cùng hoà chung tiếng cười, và lần đầu tiên nhận ra rằng chúng tôi đã đi vào một cuộc sống mới. Nhưng về đại thể, tôi thấy thành công cũng không hào hứng hay đem lại nhiều thoả mãn như tôi từng nghĩ hẳn nó phải như thế. Cho nên, như vẫn thường làm, tôi tìm đọc đề tài này và thấy rằng trường hợp của tôi chẳng phải là biệt lệ, rằng trong thực tế, nhiều người đã từng phấn đấu cả đời để đạt đến tột đỉnh của sự nghiệp mà họ theo đuổi, rồi liền ngay sau đó lại mừng thành công bàng cách lao mình ra khoảng không từ một tầng lầu cao chót vót.

Lúc này đang là mùa đông và tôi quyết định đưa cả gia đình đến Puerto Rico để nghỉ dưỡng. Đó là lần đầu tiên trong đời sống vợ chồng, chúng tôi có điều kiện đi chơi xa. Các con của tôi chưa từng được đi dự trại hè.

Chúng tôi có được khoảng thời gian tuyệt diệu để bơi lội, nô đùa với sóng nước và ánh nắng, sự vui thú khi rời bỏ mùa đông lạnh lẽo trong một buổi sáng và ngay trong buổi chiều đó đã tắm mình trong ánh nắng chói chang, hưởng những làn gió biển lồng lộng. Buổi tối Vallie dẫn mấy đứa nhỏ đi chơi, ăn kem, uống nước dừa, xem hát kịch hay xem tivi còn tôi chơi bài ở casino của khách sạn để giải trí. Chúng tôi được hưởng một lạc thú của một cuộc sống thoải mái về tiền bạc và sự hoà hợp gia đình.

Khi tôi quay về nhà, một điều ngạc nhiên còn lớn hơn nữa đang đợi tôi. Một hãng phim, Malomar Films, đã tung ra một trăm ngàn đô-la để mua quyền chuyển thể điện ảnh quyển sách tôi và năm mươi ngàn đô-la nữa, cộng thêm tiền lộ phí để tôi đến Hollywood viết kịch bản phim.

Tôi bàn chuyện đó với Vallie. Thực sự tôi không thích viết kịch bản phim. Tôi bảo nàng tôi sẽ bán tác quyền sách để chuyển thể điện ảnh nhưng từ chối hợp đồng viết kịch bản. Tôi nghĩ nàng sẽ hài lòng, nhưng thay vì thế, nàng lại nói:

- Em nghĩ anh đến Hollywood là tốt đấy. Em nghĩ anh nên đi để gặp gỡ, quen biết nhiều người hơn. Anh biết rằng nhiều lúc em cũng lo ngại là anh đơn độc quá.

- Thế thì cả nhà ta cùng đi, - tôi nói.

- Không, - Vallie đáp. - Em thực sự cảm thấy hạnh phúc ở đây với gia đình, con cái, và chúng ta không thể đổi trường giữa chừng năm học cho các con. Vả lại em cũng không muốn con cái chúng ta lớn lên ở California.

Giống như mọi người khác ở New York, Vallie nhìn California như một tiền đồn nơi miền quan tái của Hiệp chủng quốc, đầy những kẻ nghiện ma tuý, bọn sát nhân và những kẻ truyền giáo cuồng tín sẵn sàng rút súng bắn bỏ những ai mà chúng cho là tà giáo.

- Hợp đồng có thời hạn sáu tháng, - tôi nói - Nhưng anh có thể làm việc một tháng rồi lại về thăm nhà ít ngày và sau đó đi làm lại.

- Thế thì hay quá, - Vallie nói, - Ngoài ra, nói thật với anh, chúng ta có thể nghỉ ngơi đối với nhau đôi chút.

Điều đó làm tôi ngạc nhiên.

- Anh đâu cần nghỉ ngơi với em, - tôi nói.

- Nhưng em cần nghỉ ngơi với anh, - Vallie nói - Một người đàn ông làm việc ở nhà bên cạnh mình, điều đó dễ gây căng thẳng thần kinh lắm. Anh cứ hỏi bất kỳ phụ nữ nào xem. Nó làm đảo lộn thói quen hàng ngày của em trong việc tề gia nội trợ. Trước đây em không thể nói gì bởi vì anh chưa đủ điều kiện về tiền bạc để có một studio ở nơi khác để làm việc nhưng bây giờ thì được rồi, em mong anh sẽ không làm việc ở nhà nữa. Anh có thể thuê một nơi nào đó, buổi sáng đến đó làm việc, đêm anh về nhà. Chắc chắn là anh sẽ làm việc tốt hơn.

Giờ đây tôi cũng không rõ tại sao việc nàng nói như vây lại xúc phạm tôi đến thế. Tôi đã thấy hạnh phúc khi làm việc ở nhà và tôi thực sự tổn thương khi nàng không cảm nhận giống như tôi và nghĩ chính điều này đã thúc đẩy tôi viết kịch bản phim cho quyển tiểu thuyết của mình.

Đó là một phản ứng trẻ con. Nếu nàng không thích tôi ở nhà thì tôi ra đi để xem nàng thấy thế nào. Cho đến thời điểm ấy, tôi vẫn nghĩ rằng Hollywood là nơi đáng để nghiên cứu qua sách vở nhưng tôi vẫn không muốn tham quan thực địa.

Tôi nhận ra rằng một phần lịch sử đời tôi đã sang trang. Trong một bài giới thiệu, Osano đã viết "Mọi tiểu thuyết gia, dù hay dù dở, đều là những anh hùng. Họ chiến đấu đơn độc, phải có niềm tin của những vị thánh tuẫn đạo. Họ thường bị đánh bại hơn là chiến thắng và bị ruồng bỏ không chút xót thương bởi một thế giới bất nhân. Nội lực của họ bị xói mòn (đó là lý do tại sao phần lớn mọi tiểu thuyết đều mang những hà tì khiếm khuyết, dễ thành tiêu điểm cho người ta tán công), bao âu lo từ những chuyện cơm áo đời thường, con đau vợ đẻ, bạn bè phản bội, vợ phụ bạc, tình nhân bỏ rơi tất cả cần được dẹp qua một bên. Họ quên đi những vết thương, tiếp tục chiến đấu, kêu cầu phép lạ cho mình những nguồn năng lượng mới.

Tôi không tán đồng tính chất ca nhạc kịch sướt mướt trong những dòng trên đây của ông nhưng đúng là tôi cảm thấy như thể tôi đang đào ngũ khỏi sự bầu bạn với các vị anh hùng. Tôi cũng chẳng cần quan tâm xem có phải đó chính là tâm thức lãng mạn của nhà văn - kẻ lưu đày, hay không.
Tác giả : Mario Puzo
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại