Thông tin truyện
Dịch giả: Lê Ngọc Mai, Phạm Việt Cường
Người tình là một tiều thuyết dạng hồi ký của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras. Từ cuộc đời thơ ấu của mình, bà tái hiện lại bối cảnh đầy bi kịch của người Pháp trên đất thuộc địa Đông Dương một thuở.… là một cô gái đẹp, có một sức sống cuồng nhiệt tỏa ra từ sức quyến rũ lạ kỳ. Theo cha sang tham chiến ở Việt Nam với những giấc mộng xa hoa, cả gia đình cô đã sớm mang nỗi thất vọng câm lặng. Nỗi thất vọng đó trở thành vũng lầy khi cha cô chết và người mẹ đau khổ của cô trở nên điên loạn trong mọi cư xử thường nhật, cũng như trong nỗ lực bám trụ vùng thuộc địa. Cuộc sống gia đình là một địa ngục, nơi cô thậm chí không dám vùng vẫy thoát ra vì biết nếu những người thân còn hơi thở, thì sự khốn khổ của họ còn phả phất khôn nguôi trong tâm trí của cô.
Đối diện với cái chết, đói khát, tuyệt vọng, những linh hồn bị đọa đày, bệnh hoạn, cô gái trẻ 15 tuổi rưỡi đã ngột thở trong nỗi đau đầy ám ảnh. Một trí tuệ hơn người càng khiến cho sự ám ảnh đó bóp chặt trái tim non trẻ, đưa cô đến những tâm tưởng vượt qua thời thiếu nữ, những suy nghĩ khinh nạm trong bất lực, những mơ ước bị chôn vùi. Và khi gặp người đàn ông gốc Hoa trên bến phà Cửu Long đó, cô tức khắc hiểu được con đường duy nhất giải thoát linh hồn bằng bản năng thơ dại. Đó là một người tình. Tất cả chuyện yêu đương của họ nằm trong vòng tình dục. Tình dục lôi họ ra khỏi nỗi đau thực tại, xóa bỏ tất cả sợ hãi, khơi dậy mọi mặc cảm để rồi nhấn chìm nó trong niềm kiêu hãnh của thể xác…Cuộc tình đó có số phận hòa lẫn vào số phận cô gái trẻ. Và cũng như cái thực tại mong manh, vô vọng, cuộc tình của họ đã biết một ngày mai không hứa hẹn. Vết thương chia ly đó hàng chục năm sau cũng không lành. Người tình là tột cùng đau khổ của những số phận trong tác phẩm, nhưng cũng chính là chấm điểm hạnh phúc nhỏ nhoi duy nhất mà, bám vào đó, họ biết mình còn tồn tại.
****Và rồi anh không còn biết nói gì với cô nữa. Và rồi anh đã nói với cô. Anh nói rằng mọi sự vẫn như trước, rằng anh vẫn yêu cô, rằng anh không bao giờ có thể ngừng yêu cô được, rằng anh sẽ yêu cô cho đến chết.
Nhiều người quả quyết đây là cuốn tự truyện của nữ văn sĩ MarguieritaDuras, một cái tên rực rỡ trên văn đàn Pháp. Cho dù thế, người ta vẫn không khỏi bối rối trước những đoạn văn ngắn tưởng như tác giả cố ý giấu đi. Những câu văn trống trải ấy luôn thấp thoáng trong suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết. Có người gọi đó là “vùng im lặng của ngôn ngữ", nơi mà độc giả thỏa sức suy tưởng của mình.
Cuốn tự truyện này không suôn sẻ trôi như những dòng sông được nhắc tên. Mạch truyện cứ chốc lát lại ngập ngừng bẻ khúc, rẽ sang một nhánh khác. Vừa như phân trần. Vừa như hối thúc mọi người chớ lãng quên.
Bao phủ khắp cuốn sách là không gian buồn chán và bức bối ở một nước thuộc địa. Ngay cả người Pháp cũng không thoát khỏi ám ảnh, điều mà chính phủ của họ đã gây ra trên xứ sở này. Một bà mẹ chán sống, mộtngười tuyệt vọng bởi một nỗi tuyệt vọng không thể nguôi ngoai. Một ngườitình Chợ Lớn, một người giàu có nhưng yếu ớt cả thể xác lẫn tinh thần. Cả những phòng khách của Marie-Claude Carpenter, Betty Fernandez khoác sắc màu nhợt nhạt. Hiếm hoi mới có những nụ cười vụt lóe ngắn ngủi trong cảnh lau rửa nhà bằng xà phòng Marseille của bốn mẹ con bà lớn. Cả đoạn văn mô tả chiến tranh cũng trong mạch chảy ấy, vụt qua, nhói đau và vô nghĩa.
Bởi thế mà tình yêu phải đến quá sớm với cô gái da trắng mười lăm tuổi rưỡi ấy. Nơi mà cô chạy trốn cũng chẳng thể nương náu dài lâu với hàng loạt dự cảm chẳng mấy tốt lành. Nơi cô chẳng thể được an ủi khi ngườiđàn ông lớn hơn mình 12 tuổi ấy vừa làm tình vừa khóc lóc. Nơi mỗi ngườiđều khó thốt lên về bản thân. Nơi họ chỉ còn mỗi cách duy nhất là quấn chặt vào nhau như muốn trôi vào một dòng thác, muốn mượn sức mạnh của dục vọng để lãng quên…
Nữ văn sĩ, người kể câu chuyện này, viết câu chuyện này, sinh ra ở Việt Nam. Marguerite Duras khiến người ta nhớ đến bà không chỉ vì cuốn sách xuất bản năm 1984 đã nhanh chóng trở thành best-seller, mà còn bởi giải thưởng Goncourt ngay sau đó. Người tình đã mau chóng vượt ra ngoài biên giới nước Pháp, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và dựng thành phim vào năm 1992.
Duras đã trả lời tuần báo Le Nouvel Observateur về cuốn sách, về Việt Nam thế này: “Tôi không thể giải thích được rõ rệt tại sao, chỉ cảm thấy nơi chốn chào đời ấy, với tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi ở đó, càng về cuối đời càng trở thành một hiện tại sáng rỡ trong tôi, như đó là bản mệnh tôi, như chính phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau đó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như sự chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra"… (Huỳnh Mai Liên - Evan)