Ngược Về Thời Minh
Chương 192: Đại vương nạp phi

Ngược Về Thời Minh

Chương 192: Đại vương nạp phi

Dương Lăng vừa đọc thư vừa nghe tiếng diễn viên vọng đến từ sân khấu, lòng y rối bời, chốc thì hoan hỉ, chốc lại lo âu. Mã Liên Nhi cư tang chưa đủ ba năm, nếu lúc này mà rước nàng về nhà sẽ không hợp với lễ tục, không tránh khỏi bị người ta chỉ trích.

Không biết giữ lễ tục thực chẳng phải chuyện nhỏ, đủ để trở thành công cụ nguy hiểm trong tay những kẻ hữu tâm, cho dù được Hoàng đế che chở nên không vì vậy mà bị bãi quan, song lúc nào cũng sẽ bị người ta lấy nhược điểm đó ra công kích, vô luận làm gì cũng sẽ khó tránh bị cản trở tay chân.

Còn nếu để mặc Liên Nhi sống một mình ở Giang Nam, tìm cớ giấu nàng ấy rồi lén sinh con thực không khó, có điều làm như vậy khó tránh quá bạc đãi nàng ấy. Phải sống một cuộc sống lén lút, mai danh ẩn tánh thêm hai năm nữa nhất định sẽ tạo thành tổn thương sâu sắc cho Liên Nhi.

Lòng rối như tơ vò, lúc thì Dương Lăng muốn bất chấp tất cả mà phái người đến Giang Nam đón Liên Nhi về phủ ngay lập tức, lúc thì lại nghĩ đến nay mình muốn lợi dụng quyền thế và địa vị của bản thân để làm một số chuyện cho Đại Minh, cho trăm họ, chứ không còn như lúc trước mà muốn làm gì thì làm không phải lo nghĩ gì.

Trầm ngâm một hồi lâu y mới sực nhớ hiện tại Liên Nhi mang thai chưa được ba tháng, đến khi bụng to dần không thể che giấu được nữa thì ít nhất cũng phải hơn hai tháng nữa, lúc đó mình đã trở về kinh thành. Chuyện này quả thực cần phải bàn tính kỹ lưỡng, không nên vội đưa ra quyết định ngay.

Y gọi viên phiên tử cùng vào trong thư phòng rồi vội vàng viết liền ba bức thư. Bức đầu viết cho Ấu Nương, trong thư không hề giấu giếm chuyện của Liên Nhi, căn dặn Ấu Nương thông qua Nội xưởng gửi cho nàng ấy một số bạc và vật phẩm bồi bổ. Bức khác y viết cho Mã Liên Nhi, nói với nàng rằng hiện tại mình đang bận tuần tra biên tái, khi trở về kinh thành nhất định sẽ mau chóng giải quyết ổn thoả chuyện nàng đi hay ở, nàng cứ yên tâm đợi ở Giang Nam, chăm sóc bản thân cho tốt.

Bức thứ ba y lại viết cho Thành Khởi Vận. Hiện tại nàng ta là đầu lĩnh tối cao của Nội xưởng tại Kim Lăng còn Liên Nhi đang sống một thân một mình trong nhà bá phụ, nếu không thu xếp thủ hạ đắc lực để săn sóc nàng chu đáo, y thực không yên tâm.

Dương Lăng niêm thêm xi đóng lên ba bức thư, căn dặn viên phiên tử cấp tốc giao cho dịch trạm quân sự chuyển về kinh thành. Vừa đưa mắt nhìn viên phiên tử bước ra khỏi cửa, y vừa thừ người nghĩ ngợi, rồi chợt bật cười thành tiếng:

Vốn dĩ chỉ lo không có con, giờ thì tốt quá rồi. Ấu Nương và Liên Nhi như thể đang thi nhau đẻ vậy. Ấu Nương thì đúng rồi, mình siêng năng "cày cấy" một tháng hơn, dẫu sao cũng phải trúng một lần. Nhưng còn Liên Nhi, "một tên trúng đích" hình như hơi quá may mắn rồi thì phải? Chẳng lẽ mình thật sự mang gien tốt của Dương gia tướng?

Chính Đức ban thưởng rất hậu hĩnh, trang phục biểu diễn và trống chiên chất đầy hết mấy chiếc hòm to, người của gánh hát cứ ngỡ là của khâm sai Dương đại nhân thưởng cho. Mấy ngày nay diễn hát trong dịch quán, thu nhập của bọn họ so với lúc dựng rạp ca hát ở đầu phố cao hơn không chỉ hai lần. Sau khi trở về mỗi người đều kiếm thêm được vài nén bạc, cho nên ai nấy cao hứng vô cùng.

Gánh hát thuê một cỗ xe ngựa lớn chở trang phục và đạo cụ về cổng chùa Phổ Độ nơi bọn họ đã thuê một dãy nhà trệt để trọ. Chủ gánh hát tên là Bình Đại Đầu ngồi xổm trên một chiếc cối xay đá, mặt mày hớn hở nói với mọi người:

- Mấy ngày nay đã cực khổ cho mọi người rồi! Ngày mai nghỉ hát một ngày, mọi người nghỉ ngơi cho khoẻ. Nhưng mà đừng quên luyện công đấy! Ngày kia biểu diễn tại phủ của Đại vương gia sẽ phải kéo dài đến tận năm ngày lận đó.

Đoạn lão cười tủm tỉm nói tiếp:

- Ai cũng bảo chúng ta là một gánh hát cỏn con. Đúng thật, nếu không phải do Đại Đồng đang lúc chiến tranh, khó mời được những đào kép danh tiếng thì phủ vương gia đời nào có chỗ cho gánh hát chúng ta đứng? Luận tài nghệ chúng ta thua kém bọn đào kép có tiếng sao? Chẳng qua chúng ta không có cơ duyên thôi. Lần này chúng ta đã hát ở phủ Dương đại nhân ba ngày, sau đó lại trở về từ phủ của Đại vương gia, thanh danh của gánh hát chúng ta sẽ tăng cao ngay thôi.

Trước đây khung cảnh lớn nhất mà chúng ta được gặp qua là hậu hoa viên của Huyện thái gia, nay chúng ta đã được gặp khâm sai giống như gặp thiên tử đích thân giá lâm; mấy ngày nữa cao quý như con rồng cháu phượng chúng ta cũng sẽ được gặp, cho nên mọi người hãy phấn chấn lên cho ta đi! Vương gia ban thưởng sẽ còn nhiều hơn khâm sai lão gia nữa đó.

Nghe thế, một người con gái trong đám người đang đứng chung quanh chợt chớp mắt, cặp mắt nhạy bén có thần liếc lão một cái thật sâu, đoạn chen người ra tới trước mặt lão, ôm quyền hỏi:

- Phải chăng ngài đây là chủ gánh hát?

Bình Đại Đầu hơi sững người đoạn quan sát cô ta một lượt: tuy người con gái trước mặt lão mặc áo quần giản dị bằng vải thô, nhưng với nhãn lực của mình, Bình Đại Đầu lại nhìn ra ẩn giấu dưới lớp áo quần thùng thình sơ sài này là một dáng người cực kỳ yểu điệu, dung mạo ngũ quan của cô nàng cũng quyến rũ vô cùng, đáng tiếc là trên làn da trắng mịn lấm chấm những vết rỗ làm hỏng vẻ đẹp của nàng ta.

Bình Đại Đầu nhảy xuống đất đánh xoạt, thân hình thấp tè của lão cao chưa đến vai cô gái nọ, rồi lão cũng chắp tay theo nghi lễ giang hồ đáp:

- Không dám! Tiểu lão nhi chỉ là người dẫn một đám nghèo khó đi kiếm miếng ăn mà thôi. Cô nương là?

Cô gái nọ hơi mỉm cười, đáp lời hết sự tự nhiên:

- Tiểu nữ chỉ là một tiểu thương đơn lẻ mới xông pha giang hồ mãi võ. Nay kiếm chút cơm ăn không dễ, thấy đại gia đây mặt mày phúc hậu, có thể chèo chống gánh hát lớn như vậy, ắt phải là người có nghĩa khí, có tài cáng đáng, nên tính gia nhập vào gánh hát của ngài. Không biết đại gia thấy thế nào?

Bình Đại Đầu cười nói:

- Nào có! Nào có! Chẳng qua gánh hát này của lão diễn hí khúc là chính, mà nữ nhân thì không thể bước lên sân khấu, tuy rằng có tạp kỹ và xiếc thú, bất quá là phần dạo trong lúc rỗi để đàn ông giải sầu thôi. Cô nương biết làm những gì?

Cô gái nọ cười lớn đáp:

- Cưỡi ngựa, bắn tên, đánh võ, món nào tiểu nữ cũng tinh thông.

Bình Đại Đầu lắc đầu:

- Không được, không được rồi! Gánh hát này của chúng ta không nuôi nổi ngựa, hơn nữa hiện đã có mối làm ăn ở phủ khâm sai và phủ vương gia, sau này thanh danh tăng vọt, những nơi đi đến nhất định sẽ đều là nhà cao cửa rộng. Mấy trò phóng ngựa bắn tên, vung đao múa thương sẽ không mang được vào nhà người ta đâu.

Cô gái nọ liền đảo mắt, cười nói:

- Đi trên dây thừng, nhào lộn trên sào cao, mấy trò mua vui cho người ta đó tiểu nữ cũng biết.

Bình Đại Đầu lại lắc đầu, chợt một giọng nói trong trẻo chen vào:

- Mấy trò này khách giang hồ mãi võ có ai mà không biết? Thấy một người phụ nữ như cô đi lại một mình trên giang hồ cũng không dễ, vậy cô hãy biểu diễn nhào lộn thử xem! Nếu làm tốt, ta sẽ làm chủ mà thu nhận cô.

Người này vẫn đang mặc đồ diễn rườm rà, ống lụa như mây, mày ngài má hồng, mắt hạnh long lanh, chính là Trình Tiểu Vân, diễn viên chính của gánh hát Bình gia. Tuy hắn là nam nhân nhưng đã quen sắm vai nữ, không chỉ nói chuyện dịu dàng mềm mỏng mà cử chỉ hình dáng cũng khá là thanh tú.

Trước mặt hắn, tuy là chủ gánh hát song Bình Đại Đầu cũng phải nể mặt mấy phần, bèn vội cười phụ họa:

- Đúng rồi! Vậy cô hãy thử tài nghệ chút xem.

Đám nhạc công chuyên gõ chiêng, đánh trống, thổi sáo, khảy đàn nghe vậy đều hỉ hả kéo sang, quây lại thành một vòng tròn. Cô gái nọ mỉm cười gật đầu đồng ý:

- Vậy đa tạ chủ gánh và vị lão bản này, tiểu nữ tử sẽ lộ dốt đây.

Cô nàng thoải mái bước đến chính giữa sân, ôm quyền bước một bước tuồng, rồi chợt đứng sững lại hít sâu một hơi, liền sau đó búng người nhào lộn. Màn nhào lộn của cô không có gì là đặc sắc: lấy tay chống đất, hai chân liên tục đá ra sau, tuy thân thủ hết sức gọn gàng, song cũng chẳng có chỗ nào là kỳ diệu. Bình Đại Đầu và Trình lão bản không khỏi lộ vẻ thất vọng.

Không ngờ sau khi búng người nhào lộn mấy vòng, cô gái nọ đột nhiên tăng tốc lộn vòng vừa nhanh vừa dứt khoát, như thể biến thành một bánh xe tròn xoay tít; động tác mềm mại liên miên trông mỹ cảm cực kỳ; eo thon mềm mại mà có lực. Cặp mắt Bình Đại Đầu không khỏi sáng rực, bên cạnh đã có người thốt lên khen giỏi.

Xoay người trên không, lộn một vòng trên không rồi tiếp đất, búng người ưỡn thân vút lên cao rồi tiếp đất nhẹ nhàng,…, đủ loại động tác khó không ngừng được thể hiện, liên miên không dứt, không thấy lúc nào ngừng nghỉ. Giữa những tràng khen ngợi của đám đông, Bình Đại Đầu cười lớn bảo:

- Đủ rồi! Đủ rồi! Không cần nhào lộn nữa. Thu dọn một chút rồi ăn cơm cùng mọi người đi. Bắt đầu từ hôm nay, cô sẽ là người của gánh hát Bình gia.

Cô gái nọ lộn trên không thêm hai vòng nữa, rồi mỉm cười tiếp đất, mặt không đỏ, hơi vẫn đều. Nàng ta phủi bụi trên tay rồi chắp tay nói:

- Đa tạ chủ gánh!

Trình Tiểu Vân mỉm cười chào hỏi:

- Tại hạ tên là Trình Tiểu Vân, tỷ tỷ tên là gì?

Ánh mắt cô gái thoáng loé lên, nàng ta mỉm cười đáp:

- Ta tên Liễu Oanh Nhi, sau này vẫn mong Trình lão bản chiếu cố nhiều hơn.

Trình Tiểu Vân nhoẻn miệng cười nói:

- Ừm, Liễu Oanh Nhi, tên rất đẹp! Oanh oanh yến yến xuân xuân, hoa hoa liễu liễu chân chân, sự sự phong phong vận vận. Kiều kiều nộn nộn, đình đình đương đương nhân nhân(1). Với tư thái và dáng điệu như vậy, nếu tỷ tỷ lại mặc đồ diễn vào, vẽ mặt bôi son lên, trông sẽ rất đẹp đấy!

Hồng Nương Tử hoá thân thành Liễu Oanh Nhi nghe hiểu được là hắn đang khen tên mình hay, song lại không biết nó có nghĩa gì cho nên chỉ cười gượng gạo, không dám đáp lời.

Đám Dương Hổ vốn là đại đạo lục lâm. Bình thường nếu muốn bắt cóc kẻ nhà giàu thì cùng lắm là phái vài người đi dò xét tình hình, nắm rõ gia cảnh, thế lực và kết cục bố trí trong nhà con "dê béo", rồi mới thừa lúc đêm tối đến nhà bắt người. Bọn chúng chưa từng kiên nhẫn xây dựng và bố trí cơ sở thám tử lâu dài, nay muốn đối phó với Hoàng đế Đại Minh song hai mắt lại như mù, muốn biết hắn ở đâu nhưng lại không cách nào dò hỏi.

Hồng Nương Tử thấy trượng phu bị lợi che mờ mắt, biết rõ bị Di Lặc giáo lợi dụng song vẫn u mê không chịu từ bỏ giấc mơ làm Hoàng đế, nên nàng không dằn được lửa giận trong lòng. Nhiều lần khuyên nhủ không kết quả, nàng bèn thổ lộ nỗi khổ với Ngũ thúc, song không ngờ Ngũ thúc lại đáp lại một thôi một hồi khiến lòng nàng hoàn toàn nguội lạnh.

Cho dù nói thế nào thì cuối cùng nàng vẫn là một người phụ nữ, trong mắt một thủ lĩnh thổ phỉ cực kỳ trọng nam khinh nữ như Thôi lão đại, đứa con rể Dương Hổ còn quan trọng hơn con gái mình nhiều. Thấy mấy năm nay Dương Hổ chiêu binh mãi mã khá giỏi, nhiệt huyết trong lòng Thôi lão đại cũng dâng trào. Lão lại bắt đầu trông mong con rể mình có thể đánh chiếm lấy giang sơn, một nhà họ Thôi cũng có thể được phong vương phong hầu.

Cho nên lần này mười mấy sơn trại bị tiễu trừ, thế lực Dương Hổ bị tổn thương lớn, huynh đệ những sơn trại cũ đã bắt đầu nảy lòng nghi ngờ về lời lan truyền "chân mệnh thiên tử" của hắn, mấy người tâm phúc của Thôi lão đại như Ngũ thúc đã thầm bàn riêng với lão về chuyện này. Thôi lão đại ngầm gợi ý rằng, vô luận lời đồn này là thật hay giả cũng phải dốc sức phò trợ con rể, thay vì làm sơn tặc đời đời kiếp kiếp chi bằng đánh một trận nhằm kiếm chút tước vương hầu công khanh mà hưởng.

Sau khi nghe Dương Hổ kể chuyện, Thôi lão đại biết được vì chuyện tập kích phủ Uy Vũ Bá mà con gái và con rể mình hục hặc với nhau. Do đó lần này lão chủ động sai người của mình đến giúp Dương Hổ, một mặt là để biểu lộ thái độ của chính mình; mặt khác cũng bởi e ngại con mình sẽ phác tác cơn giận đại tiểu thư mà làm khó Dương Hổ, nên mới phái cả Ngũ thúc đến để áp chế nàng.

Nghe biết thái độ của cha như vậy, Hồng Nương Tử không khỏi thất vọng vô cùng. Chỉ có điều tuy có vị trưởng bối là Ngũ thúc này áp chế nên nàng không thể gây lộn với Dương Hổ nhưng Hồng Nương Tử tính tình cứng cỏi, trong lòng đã có chủ ý rồi thì cho dù là Thôi lão đại cũng đừng hòng thay đổi. Nghe xong lời giải thích của Ngũ thúc, nàng không nổi nóng gây gổ tại chỗ mà chỉ quay về thu thập hành trang rồi lặng lẽ bỏ đi.

Nàng biết đám người Dương Hổ không có kế sách nào khác, bọn họ muốn tìm được Chính Đức thì chỉ có cách theo dõi Dương Lăng cho nên nàng cũng cải trang rồi chú ý mọi động tĩnh trong dịch quán. Gánh hát này mỗi ngày đều đến hành dinh quan khâm sai diễn hí khúc, nàng đã sớm lần tra tỏ tường. Trong suy nghĩ của nàng, Đại vương là vương thúc của Hoàng đế Chính Đức, ngày lão nạp phi nếu như Chính Đức còn ở Đại Đồng, thì chín phần mười hắn sẽ phải đến chúc mừng.

Vậy Di Lặc giáo và cả đám người Dương Hổ rất có thể sẽ hạ thủ vào lúc này. Nàng phải ngăn cản Dương Hổ bị kẻ khác lợi dụng, phá hỏng kế hoạch của Di Lặc giáo. Như thế nàng cũng phải nghĩ cách trà trộn để vào phủ, do vậy nàng mới cải trang làm người giang hồ mãi võ, trở thành một thành viên trong gánh hát Bình gia.

Ngày hai mươi hai tháng giêng, Đại vương nạp trắc phi.

Hay tin đại quân Bá Nhan đã dời sang vùng Bình Thuận, Hồ Quan, dân chúng Đại Đồng thở phào nhẹ nhõm. Từ nay, đêm ngủ không phải ăn mặc chỉnh tề, đặt sẵn túi hành trang bên gối để bất cứ lúc nào cũng có thể chuẩn bị trốn chạy. Trong phủ Đại vương tràn ngập một bầu không khí vui mừng, giăng đèn đón khách.

Từng chiếc kiệu xe, từng thớt tuấn mã chở quan văn tướng võ vùng Tuyên Phủ, Đại Đồng kéo đến phủ Đại vương gia để chúc mừng. Do Hoàng đế đang ở Đại Đồng nên Tam biên tổng chế Dương Nhất Thanh hết sức coi trọng việc phòng ngự biên quân. Vốn dĩ hắn đã đưa thư và lễ vật chúc mừng đến phủ Đại vương, tỏ ý rằng vì vướng bận việc quân nên không thể đích thân đến dự, điều này đã khiến cho lão Đại vương không vui trong lòng. Không ngờ hôm nay hắn bỗng nhiên đổi ý, vội vội vàng vàng dẫn theo ba trăm thân quân chạy đến phủ Đại vương chúc mừng.

Chung quanh phủ Đại vương vẫn đầy giáp sĩ kề vai san sát, song trong vương phủ lại ắp tiếng sênh ca, Hồng Nương Tử cũng theo gánh hát mới gia nhập mà tiến vào trong. Song nằm ngoài dự liệu của nàng chính là vương phủ rộng lớn hơn nhiều so với những gì mà nàng tưởng tượng, hơn nữa vương phủ cho gánh hát của nàng diễn ở hậu điện. Gánh hát lớn được vời tới thì diễn ở trung điện, tám gánh hát có quy mô như của nàng chỉ có thể dựng rạp biểu diễn trong sân khu ngoại điện quanh phủ, căn bản không thể tiếp xúc với khu vực trung tâm.

Cả phủ Đại vương lọt trong tiếng nói cười, tiếng chúc mừng rộn rã, những chỗ yên tĩnh hơn chỉ có Ngân An điện, Xã Tắc đàn, Phong Vân Lôi Vũ Sơn Xuyên đàn, Hoàng miếu, từ đường và Tích Thiện tự. Điển Thiện sở cung cấp rượu ngon và đồ ăn, Đại Phủ điếm tiếp đãi tân khách, đăng ký tiếp nhận lễ vật, còn những vị khách quan trọng sẽ do tổng quản vương phủ đích thân đón vào.

Chỗ gánh hát của Hồng Nương Tử biểu diễn nằm bên trong Đoan Lễ môn và phía ngoài Thừa Vận môn, đại thần các bộ ra vào đều không thoát khỏi mắt nàng. Trong sân, các rạp diễn đã sớm được dựng xong, trên sân khấu rèm giăng, màn hoa và đèn treo đã đâu vào đấy. Theo quy củ thì vở diễn đầu tiên khi diễn tại tư gia đều sẽ là "Thiên quan tứ phước" (lễ quan trời ban phước bốn phương).

Một lòng mong muốn biến gánh hát Bình gia thành gánh hát nổi tiếng nhất Đại Đồng, đợi khi biên cảnh bình định xong còn phải nêu chiêu bài đã từng được mời đến hành dinh của khâm sai và vương phủ Đại vương để được lưu diễn khắp cửu biên, Bình Đại Đầu đương nhiên cũng phải tuân theo quy củ này. Tuy rằng gánh hát của lão không chính quy lắm, vở này cũng chưa được học đầy đủ, nhưng cũng may xem kịch trong sân đều là thị vệ, thư đồng và gia bộc hạ nhân của đám quan văn tướng võ đến mừng lễ cưới, cho nên khi biểu diễn cũng không bị bọn họ soi mói gì.

Nhất là sau khi vở "Thiên quan tứ phước" được diễn xong, các vở hí kịch hơi "mặn" mà lại không phạm vào những điều kiêng kị của vương phủ như là "Lữ động tân tam hí bạch mẫu đơn", "Trương thiên sư đại họa phù" được trình diễn, thì càng được đám người hầu và gia tướng đó mê thích.

- Khâm sai phụng chỉ tuần biên kiêm Thống lĩnh thân quân thị vệ của Hoàng thượng kiêm Đại đô đốc Nội xưởng Dương Lăng Dương đại nhân và Đốc quân Kinh doanh Trương công công đến!

Vừa mới biểu diễn giữa giờ nghỉ xong, nghe tiếng xướng sang sảng của quan xướng lễ, Hồng Nương Tử thoắt ngẩng đầu nhìn lại. Nàng thấy một vị thư sinh mặt như thoa ngọc mỉm cười bước vào. Y mặc một bộ áo dài lông chồn sang trọng, ngoài khoác áo choàng lớn lợp Cô nhung, thân hình cao thon, nổi bật vô cùng.

Mười hai viên hiệu úy trẻ tuổi anh tuấn dằn đao theo sát sau lưng y. Vị Trương công công Trương Vĩnh đi cạnh tuy mặc mãng bào chỉ vàng màu xanh da trời, song lưng vai hơi còng, bước chân lại nhanh, trông thực giống nô tài thân cận một vị công tử con vua cháu chúa.

Hồng Nương Tử thoáng nhếch môi, lộ ra một nụ cười nhàn nhạt. Hôm nay đến chúc mừng, vị tướng quân này lại không mặc quân trang, y phục nho nhã xứng với khuôn mặt thanh tú của y, áo choàng rộng bay, trên chiếc đai gấm ngũ sắc quấn hông cài một miếng ngọc bích đang đong đưa khe khẽ. Cái khí phái ấy... nếu hôm nay nàng đến nhằm bắt một con dê béo mang về thì chỉ cần nhìn vào dáng vẻ ấy, đương nhiên “con dê béo" chỉ có thể là y.

Được tổng quản vương phủ đưa vào, Dương Lăng và Trương Vĩnh đi qua khỏi cổng Thừa Vận, vừa đến cổng Sùng Tín, bước chân Dương Lăng hơi khựng lại, y ngoái đầu liếc về phía sau. Khi ánh mắt y chạm ánh mắt viên tiểu hiệu đứng giữa mười hai viên thị vệ của y, viên tiểu hiệu đó liền nở một nụ cười tinh nghịch. Dương Lăng kín đáo gật nhẹ đầu với hắn, rồi tiếp tục cùng Trương Vĩnh sóng vai đi vào.

Thị vệ của khâm sai cũng không được phép bước vào nội điện của vương phủ, sẽ có chấp dịch (người hầu, cấp cao hơn đầy tớ bình thương) dẫn bọn họ sang điện bên kế cổng Sùng Tín. Nơi đây bày dọc các mâm tiệc lưu thủy(2), rất đông người hầu của các tướng quân và quan văn đang ăn ham uống tục.

Bởi Đại Đồng là nơi trú quân trấn giữ biên thùy, cho nên ngay cả vương phủ cũng không chỉ chú trọng về vẻ nguy nga tráng lệ mà kiến trúc lẫn sân tường cũng đều được xây cao lớn và kiên cố. Trên bốn góc tường cao của vương phủ đều có thành lũy và thị vệ đồn trú. Có điều khi bước vào trong "yến tử cư" (tổ chim én), hoa viên vương phủ chốn phương bắc này vẫn có giả sơn uốn lượn quanh co, hành lang khúc khuỷu mái uốn cong cong; tuy nhỏ nhưng vẫn có đủ.

Men theo lối nhỏ quanh co xuyên qua "Yến tử cư", vừa bước vào điện Cẩn Đức tổng quản vương phủ liền khom người cười nói:

- Hai vị đại nhân! Lễ nạp phi của vương gia vẫn chưa cử hành, mời hai vị đến điện bên nghỉ ngơi trước. Đến giờ lành, cha gia sẽ dẫn đại nhân đến điện Ngân An tuyên đọc chiếu thư của Hoàng thượng, thỉnh mời vương gia và vương phi làm lễ.

Dương Lăng và Trương Vĩnh mỉm cười gật đầu, rồi xoay người đi vòng sang tòa điện ở chái bên. Trước cửa điện có hai tiểu thái giám đang đứng, thấy bọn họ đi tới bèn vội vén rèm nỉ nhung lạc đà lên. Hai người vừa bước vào liền sững người.

Ánh sáng trong điện hơi u ám, vừa bước vào liền lập tức cảm thấy không thoải mái. Khi khôi phục thị lực lại bình thường, hai ngườimới phát hiện trong điện đang có mấy vị đại nhân đang đứng: tuần phủ Hồ Toản của Đại Đồng, tam biên tổng chế Dương Nhất Thanh, một vị quan văn đứng bên cạnh vận bổ phục(*) giống tuần phủ Hồ Toản; nhất thời y không nhớ Đại Đồng còn có vị quan văn nào có cùng phẩm hàm là tòng nhị phẩm như lão ấy. (*: xem lại chú thích chương 27)

Trong điện, phía bên trái là bộ bàn nhỏ uống trà và ghế dựa hình mũ quan, bên phải là một chiếc giường sưởi, trên giường đặt một chiếc bàn chân thấp. Chính diện ở trước điện là một bức bình phong, lúc này phía sau bình phong cũng có hai người chợt bước ra, một người vận hoàng bào hình mãng long, dáng người to béo, chính là chú rể Đại vương gia, trên khuôn mặt núc ních chứa đựng vẻ trang nghiêm hiếm thấy.

Vị đại nhân bên cạnh khoảng tứ tuần, dưới cằm lưa thưa mấy cọng râu, khuôn mặt gầy guộc, hai mắt sáng quắc như sao, thân vận một bộ bổ phục hình tiên hạc, không ngờ chính là đại học sĩ được gia phong nhất phẩm đương triều - Dương Đình Hoà.

Vừa trông thấy vậy, Dương Lăng và Trương Vĩnh liền nghĩ bụng: "Hỏng bét! Bữa yến tiệc mừng cưới hôm nay sắp biến thành Hồng Môn Yến rồi. Dương Đình Hoà mà đến, thể nào cũng sẽ có màn kiếm sương đao gió khóc lóc can gián hoàng thượng hồi cung đây."

Hai người đưa mắt nhìn nhau, trong mắt đều có ý nói với đối phương: "Huynh đệ, ông (cậu) lên trước đi!"

*****

Chính Đức đang ngồi trên một chiếc băng ghế dài, tiện mồm ăn vài món. Hắn cảm thấy cải trang làm hiệu úy tuy cũng thú vị, nhưng trong vương phủ này có quá nhiều phép tắc, còn lâu mới bằng tự do xem kịch ở đầu phố. Hắn ngồi rảnh rỗi một hồi, nghe thấy bên ngoài không ngừng có tiếng reo hò, tiếng hát du dương trầm bổng như hớp hồn, nhịn không được bèn đứng dậy bước ra ngoài.

Mười một tay thị vệ kia đều là cao thủ nhất đẳng của đại nội, danh nghĩa là thị vệ của khâm sai nhưng kỳ thực chức trách chính là bảo vệ Hoàng đế. Vừa thấy hắn đứng dậy, đám người đó cũng đều lập tức kín đáo đứng dậy theo, lặng lẽ xúm lại quây lấy hắn.

Một viên thủ lĩnh thị vệ nhỏ giọng hỏi:

- Hoàng thượng, ngài muốn đi đâu vậy, có phải là đi ngoài không?

Chính Đức trợn to mắt, nén giọng mắng:

- Đi ra ngoài(*)! Ra khỏi cung rồi mà vẫn không được tự do, đi đến đâu cũng thấy mặt các ngươi hết. Nơi này là phủ Đại vương, còn có thể có giặc cướp hay sao? Đi cách xa ra một chút đi, đừng làm phiền trẫm, trẫm đi xem náo nhiệt một chút.

(*: nguyên văn là "xuất cung". Thị vệ hỏi Chính Đức có phải là muốn đi đại tiện, Chính Đức bảo là y muốn rời khỏi chỗ này (cung điện của Đại vương))

Dứt lời hắn bèn hừ một tiếng rồi đi vào mảnh sân đằng sau cổng Đoan Lễ.

Trình Tiểu Vân đang cất giọng ngâm nga trên sân khấu. Hắn mặc một bộ đồ trắng, trên mái tóc mềm đen như tơ mực cài một đoá hoa mẫu đơn tươi thắm; tay áo như mây, điệu múa nhẹ nhàng, mĩ miều hệt như một đoá mẫu đơn sống động.

Chính Đức đi đến dưới sân khấu, bên ngoài người đông như kiến, hai tay thị vệ đã tranh bước lên trước, thấy đông người nên âm thầm chặn không cho hắn đi qua. Chính Đức đang không biết làm thế nào, chợt thấy một cô gái vận đồ đoản đả (đồ chẽn của diễn viên võ) màu đỏ, thắt đáy lưng ong, một chân đạp lên chiếc ghế thấp, đang buộc chặt xà cạp lại thành nhiều vòng, bèn mỉm cười đi tới hỏi:

- Vị tỷ tỷ này, có phải tỷ biểu diễn võ công không?

Thôi Oanh Nhi ngẩng đầu lên. Chính Đức thầm tiếc rẻ, cô nương có vóc dáng đẹp mê người như vậy lại bị mặt rỗ. Khi thoa phấn lên sân khấu, mặt ngọc trông rất mịn màng óng ánh thì còn không thấy gì, song nhìn gần như vậy thực thấy kém quá đỗi.

Thấy hắn là hiệu úy quân đội, tuổi trông không quá mười lăm mười sáu, trên mép môi còn lún phún lông măng nhưng mặt mày ngũ quan trông mười phần anh tuấn, nói chuyện cũng khách khí thân thiện, không có vẻ bất lương giả dối như những tên lính bình thường nên Thôi Oanh Nhi tăng thêm mấy phần hảo cảm. Nàng quấn chặt xà cạp, đưa tay vén tóc mai, rồi cười duyên dáng đáp:

- Trong vương phủ, tỷ tỷ biểu diễn võ công cho ai coi đây? Chẳng qua chỉ là mấy trò tạp kỹ đi dây, leo sào, nhào lộn mà thôi.

Ánh mắt Chính Đức sáng rỡ, hắn hào hứng:

- Tạp kỹ hả? Vậy càng đáng xem hơn võ công rồi! Lúc nào thì tỷ tỷ sẽ biểu diễn tiếp vậy, tiểu đệ sẽ vỗ tay hò hét cổ vũ cho tỷ.

Cảm thấy hắn khá thú vị, Hồng Nương Tử không nhịn được cười khúc khích đáp:

- Tiểu huynh đệ, đệ thực vui tính đó! Vương phủ thưởng bạc có quy tắc cả, đệ có hét đến khản cổ cũng vẫn không tăng thêm tiền thưởng được đâu.

Chính Đức đáp bằng giọng không phục:

- Như vậy hả? Vậy để Dương... để khâm sai Dương đại nhân nhà đệ thưởng cho tỷ là được rồi. Đệ là thân binh của Dương đại nhân, nếu như tỷ diễn hay, đệ sẽ nói với đại nhân, người nhất định sẽ mời tỷ qua phủ biểu diễn và ban thưởng hậu hĩnh đó.

Hồng Nương Tử bị kiểu nói trẻ con của hắn chọc cho cười khanh khách, nàng ráng nhịn cười vái chào hắn, rồi bảo:

- Vậy tiểu nữ tử cảm tạ quan gia trước! Nếu thực được Dương đại nhân ban thưởng, tiểu nữ tử nhất định sẽ chia cho quan gia một nửa.

Chính Đức khoát tay ra vẻ hết sức trượng nghĩa:

- Không cần khách khí! Không cần khách khí! Tiểu đệ theo đại nhân ăn uống, không phải lao tâm lo lắng không có tiền tiêu.

Trên sân khấu vang lên tiếng chiêng "chập cheng", Trình Tiểu Vân lướt ra khỏi sân khấu như một đám mây, Lữ Đồng Tân (một trong Bát Tiên) và yêu đạo Hoàng chân nhân bước lên sân khấu trong tiếng chiêng trống vang rền. Nhận được sự reo hò của khán giả, Trình Tiểu Vân hiển nhiên cũng có vài phần đắc ý. Hai má đỏ bừng, hắn nhấc váy bước xuống vũ đài tiến đến chiếc lều dùng để hóa trang và thay y phục được bắc phía sau sân khấu. Trình Tiểu Vân cất giọng gọi Hồng Nương Tử:

- Liễu đại tỷ, giúp tôi thay y phục với.

Thôi Oanh Nhi ừ một tiếng, rồi quay lại cười tươi tắn nói với Chính Đức:

- Tiểu huynh đệ, tỷ tỷ phải đi làm việc đây! Chốc nữa màn hát này xong, tỷ tỷ sẽ lên sân khấu biểu diễn nhào lộn, đệ nhớ đến xem nhé.

Chính Đức liền gật đầu đồng ý. Thấy người con gái áo đỏ này lách người tiến vào trong lều, hắn bèn nhìn đông ngó tây một lát, rồi xoay người đi về phía gian điện ở cánh phải cổng Thừa Vận. Đám đại nội thị vệ hầu hạ trong cung nhiều năm, không dám làm trái thánh ý cho nên không dám đi sát hắn quá, chỉ đồng loạt đi theo sang phía bên phải.

Một thị nữ vận cung trang dáng cao gầy, vẻ mặt cao ngạo, được hai thị nữ khác theo kèm đang vừa bước ra khỏi cổng Thừa Vận. Vốn Chính Đức tính nôn nóng, lại bởi dòng người trên đường nườm nượp, hắn lo tránh trái né phải để vòng qua đám người đi vào trong cổng nên vô ý giẫm phải vạt váy sau của cô thị nữ nọ.

Thị nữ đó la lên "ui da" một tiếng, liền vội nhấc váy lên, đỏ mặt quay lại. Thấy chẳng qua chỉ là một tiểu hiệu uý cỏn con, ả liền quắc mắt trừng hắn, mắng nhiếc:

- Mù cái mắt chó nhà ngươi rồi à? Đi đường trong vương phủ mà cũng không mang theo mắt sao?

Chính Đức bị người ta mắng té tát như thế song lại không hề nổi giận, chỉ cảm thấy cô ả lúc bước ra thì ngửa mặt ưỡn ngực, dáng vẻ cao ngạo, hiện tại lại lúng ta lúng túng không thôi thì thấy rất thú vị. Hắn bèn nén cười chắp tay thi lễ xin lỗi:

- Mong cô nương thứ lỗi! Là kẻ hèn lỗ mãng rồi, thực có lỗi quá.

Thị nữ giũ giũ váy, thấy vạt sau bị in một dấu chân thật to thì càng thêm nổi giận. Căm hận lườm Chính Đức, ả phỉ phui:

- Ta khinh, còn bày đặt kẻ hèn! Ngươi tưởng ngươi là công tử hay thiếu gia vậy? Chỉ là một tên lính, còn bày đặt kẻ hèn, đồ ngựa không biết mặt mình dài! Ngươi mà cũng là người có danh phận, có sự nghiệp sao? Hừ!

Dứt lời ả quay ngoắt đầu đi như một con công kiêu ngạo rồi lại nghênh ngang bước đi.

Bị ả mắng cho không nói được tiếng nào, hoàng đế Chính Đức chỉ biết rờ mũi cười khổ. Mấy tay thị vệ chạy qua thấy Hoàng thượng bị một thị nữ của vương phủ mắng mỏ, chế giễu cho một trận thì đều không nhịn được cười trộm.

Một giọng nói dịu dàng mang theo nụ cười của một thiếu nữ từ bên cạnh cất lên:

- Đừng trách tỷ ấy! Vũ tỷ tỷ là thị nữ được yêu mến bên người Vương phi nương nương, ngay cả đại tổng quản cũng phải nhường tỷ ấy ba phần đó. Tuổi ngươi nhỏ như vậy, lại đã làm đến thân binh của đại tướng quân, tương lai nhất định sẽ có sự nghiệp. Anh hùng không sợ xuất thân kém, đợi khi ngươi làm tổng binh Đại Đồng rồi, khi ấy lại đến bái kiến vương gia, Vũ Nhi tỷ tỷ nhất định sẽ nhìn ngươi với con mắt khác đó.

Đừng nói là tổng binh Đại Đồng, cho dù là làm đại nguyên soái nắm binh mã cả nước, Chính Đức vẫn không để vào mắt. Có điều người con gái này hiểu ý người ta như vậy, hơn nữa lại không hề quan tâm đến xuất thân của hắn, khiến nghe được lời này hắn cảm thấy ấm áp trong lòng. Đây đúng là người con gái đầu tiên không biết hắn là đương kim Hoàng đế mà lại xem trọng hắn như thế.

Chính Đức xoay người lại, định cất tiếng cảm ơn người con gái đó, nhưng mới vừa đưa mắt nhìn liền như thể ba hồn bảy vía của hắn đều bay mất sạch, cả người như được nặn bằng đất sét cứ đứng đực ra đó, cứng mồm cứng lưỡi không thốt được tiếng nào.

Người con gái trước mắt hắn không hề ăn vận giống như thị nữ trong vương phủ. Nàng mặc một chiếc áo chẽn da chồn lợp nhung màu xanh, trong mặc áo đơn màu xanh nhạt, trên chiếc eo thon thắt chiếc váy hồng màu xanh nhạt sáu mảnh phơi phới như nước sông Tương. Cho dù là tiểu thư khuê các, song lại xinh đến nỗi da trắng thịt thơm, hữu tình quyến rũ như nàng vẫn là rất hiếm. Vóc người thon thả lung linh, khuôn mặt sáng ngời rực rỡ, trên khóe môi cười mỉm yêu kiều chấm một nốt ruồi mỹ nhân. Nàng đang ôm trong lòng một con chim anh vũ lớn, lông đuôi sặc sỡ.

Thấy Chính Đức mấp máy cả buổi vẫn không ra tiếng, người thiếu nữ xinh đẹp trạc mười bốn mười lăm đó ngạc nhiên nhìn xuống người mình một lượt rồi cười hì hì, nghiêng đầu nói với hắn bằng giọng dí dỏm:

- Thế nào? Có phải là ta rất xinh đẹp không?

Chú thích:

(1) Người con gái đang độ xuân sắc, lả lướt diễm lệ như liễu như hoa, từng lời nói từng cử chỉ đều vô cùng thùy mị, mà thiếu nữ trẻ tuổi xinh đẹp như vậy, thì ở chỗ nào cũng đẹp.

(2) mâm tiệc bày sẵn, ai đến lúc nào thì ăn lúc đó, ăn xong rồi đi, người hầu lại dọn lên tiếp cho đợt khách mới; bởi hình tượng như nước chảy nên xưa có tên này.
Tác giả : Nguyệt Quan
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại