Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn
Chương 23: Còn thời cưỡi ngựa bắn cung
Có hai loại người, những người làm việc và những người giành được lời khen ngợi. Hãy cố tham gia vào nhóm đầu tiên, ở đó ít cạnh tranh hơn.
INDIRA GANDHI
Có một lần, cô cháu gái 12 tuổi thích vẽ vời của tôi thổ lộ rằng lớn lên, cô bé muốn làm thợ may. Khi ấy, tôi đùa: “Phải trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng chứ. Làm thợ may chán chết!". Nhưng cô bé cương quyết: “Con không muốn là nhà thiết kế nổi tiếng. Con muốn là thợ may". Chị họ tôi ngán ngẩm lắc đầu: “Giờ thì nói gì cũng được, chứ mai mốt lớn mà đòi làm thợ may là không được đâu nghe con".
Nhưng tôi, nhìn đôi mắt trong veo kiên định của cháu và giật mình. Cơ sở nào để người ta xếp loại nghề nghiệp này là tầm thường, còn nghề nghiệp kia là vinh quang? Vì số tiền kiếm được? Vì trình độ học thức mà nó đòi hỏi phải có? Hay vì danh tiếng?
Khi còn trẻ, chúng ta thường gắn ước mơ của mình với hai chữ “nổi tiếng". Có lẽ Byron nói đúng: “Danh tiếng là cơn khát của tuổi trẻ".Muôn đời. Nhưng, có khi nào cơn khát đó dẫn chúng ta lạc đường không? Tôi ra về và nghĩ đến ước mơ thợ may của cháu tôi.
Mơ ước làm thợ may không ngăn cản ta học hỏi để may những bộ áo chuẩn mực như các hãng thời trang hạng nhất. Nếu bạn muốn hai thứ: thợ may và danh tiếng, hãy trở thành một thợ may xuất sắc, rồi danh tiếng sẽ đến sau đó.
Nhưng ước mơ của cháu tôi chỉ là thợ may thôi. Mơ ước làm thợ may, không có nghĩa chỉ mở một tiệm may nhỏ xíu nằm bên khu chợ nhỏ xíu ở một thị trấn nhỏ xíu nào đó. Nhưng nếu đó là tất cả những gì cô bé muốn, cắt và may những bộ áo đẹp cho người khác, thì có gì sai? Nếu đó là những gì bạn muốn, chứ không phải là những gì chán ngắt mà bạn buộc phải làm.
Tôi có một người bạn, từng là một học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, rồi học thạc sĩ ở nước ngoài, và bây giờ, anh trở về mảnh đất của cha anh ở một vùng quê hẻo lánh để trồng những cây ăn trái, suốt ngày xắn quần với xới gốc và tưới cây. Có người nói với tôi rằng như vậy thật là phung phí bao nhiêu năm ăn học. Nhưng bạn tôi, chính bạn, biết rằng những năm tháng ấy không hề phung phí, và trở lại làm một người nông dân không hề là một bước lùi. Những trái cây anh trồng là loại quả sạch, tốt cho sức khỏe và chất lượng hảo hạng.
Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có người mơ ước xa: đến đỉnh cao nhất. Có người mơ ước gần: một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người đi chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với mơ ước ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay quá xa và không thể điều khiển đời mình được nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, thực ra, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào là tầm thường. Và chúng ta học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.
Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm những công việc rất bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.
Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.
Nghề báo khiến tôi gặp gỡ nhiều người nổi tiếng và tôi nhận ra rằng danh tiếng giống như tháp Bayon, người ta phải đi một vòng mới nhìn thấy hết các mặt của nó. Danh tiếng, với một số người, là mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Nhưng với vài người khác, nó giống như một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn và chẳng mang đến điều gì tốt đẹp. Đôi khi người ta xem danh tiếng là phần thưởng đáng giá cho công việc. Nhưng cũng có người cho rằng danh tiếng chỉ là món hàng khuyến mại không mấy hữu dụng khi họ được làm điều họ yêu thích. Và bởi thế, khi rũ bỏ danh tiếng, hào quang, quyền lực để trở về với cuộc sống “tầm thường", họ chẳng tiếc nuối chi.
Nhà văn Sơn Nam có lần đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ông tình cờ sưu tầm được khi lang thang bên những phận người nhỏ bé:
“Còn thời cưỡi ngựa bắn cung.
Hết thời cúi xuống lượm (dây) thun… bắn ruồi"
Âu cũng là lẽ thường tình vậy.
Oprah Winfrey có nói: “Nếu bạn đạt đến danh vọng mà vẫn chưa hiểu được mình là ai, thì chính danh vọng sẽ xác định bạn là ai". Như vậy, danh vọng là thứ chỉ nên có khi ta hiểu mình và điều khiển được nó. Điều khiển được nó nghĩa là cầm lên được, đặt xuống cũng được. Bởi danh tiếng có lừng lẫy ra sao, địa vị có cao sang đến thế nào, thì cũng sẽ có lúc ta phải rời yên xuống ngựa. Chỉ có người ngốc nghếch mới tin rằng mình có thể giương cung được mãi.
Hosokawa Morihiro từng là Thủ tướng Nhật Bản cách đây vài nhiệm kỳ, nhưng đến năm 60 tuổi, ông rời chính trường và về sống ở một thung lũng thuộc tỉnh Kanagawa. Tại đó, ông trồng rau và học làm gốm. Hosokawa nói một trong những điều ông thích ở nghề gốm là nó khiến ông chỉ tập trung vào cái mình đang thực hiện và “một khi tôi đã quyết chuyện gì thì tôi theo đuổi cho tới cùng". Ông học làm gốm cơ bản và chỉ làm những tách trà nhỏ theo kiểu xưa, nhưng ông làm rất chuyên tâm và cuối cùng đã tổ chức triển lãm những tác phẩm của mình như một nghệ sĩ thực thụ.
Nghệ nhân gốm Morihiro đã khiến tôi nhận ra rằng xã hội này tốt đẹp hơn không phải bởi tất cả đều trở nên danh tiếng và giàu có, mà bởi mỗi người chúng ta (dù nổi tiếng hay vô danh) đều làm công việc của mình một cách chuyên tâm và tự hào. Hosokawa đã là một chính trị gia tận tâm khi ở trên đỉnh cao danh vọng, và khi là một thợ gốm học việc, ông vẫn tận tâm như vậy.
Rốt cuộc thì đó mới chính là điều đáng để chúng ta theo đuổi được chuyên tâm với công việc mà mình yêu thích. Đó là bí quyết của thành công. Và đó cũng là bí quyết của hạnh phúc. Phải vậy không?
INDIRA GANDHI
Có một lần, cô cháu gái 12 tuổi thích vẽ vời của tôi thổ lộ rằng lớn lên, cô bé muốn làm thợ may. Khi ấy, tôi đùa: “Phải trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng chứ. Làm thợ may chán chết!". Nhưng cô bé cương quyết: “Con không muốn là nhà thiết kế nổi tiếng. Con muốn là thợ may". Chị họ tôi ngán ngẩm lắc đầu: “Giờ thì nói gì cũng được, chứ mai mốt lớn mà đòi làm thợ may là không được đâu nghe con".
Nhưng tôi, nhìn đôi mắt trong veo kiên định của cháu và giật mình. Cơ sở nào để người ta xếp loại nghề nghiệp này là tầm thường, còn nghề nghiệp kia là vinh quang? Vì số tiền kiếm được? Vì trình độ học thức mà nó đòi hỏi phải có? Hay vì danh tiếng?
Khi còn trẻ, chúng ta thường gắn ước mơ của mình với hai chữ “nổi tiếng". Có lẽ Byron nói đúng: “Danh tiếng là cơn khát của tuổi trẻ".Muôn đời. Nhưng, có khi nào cơn khát đó dẫn chúng ta lạc đường không? Tôi ra về và nghĩ đến ước mơ thợ may của cháu tôi.
Mơ ước làm thợ may không ngăn cản ta học hỏi để may những bộ áo chuẩn mực như các hãng thời trang hạng nhất. Nếu bạn muốn hai thứ: thợ may và danh tiếng, hãy trở thành một thợ may xuất sắc, rồi danh tiếng sẽ đến sau đó.
Nhưng ước mơ của cháu tôi chỉ là thợ may thôi. Mơ ước làm thợ may, không có nghĩa chỉ mở một tiệm may nhỏ xíu nằm bên khu chợ nhỏ xíu ở một thị trấn nhỏ xíu nào đó. Nhưng nếu đó là tất cả những gì cô bé muốn, cắt và may những bộ áo đẹp cho người khác, thì có gì sai? Nếu đó là những gì bạn muốn, chứ không phải là những gì chán ngắt mà bạn buộc phải làm.
Tôi có một người bạn, từng là một học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, rồi học thạc sĩ ở nước ngoài, và bây giờ, anh trở về mảnh đất của cha anh ở một vùng quê hẻo lánh để trồng những cây ăn trái, suốt ngày xắn quần với xới gốc và tưới cây. Có người nói với tôi rằng như vậy thật là phung phí bao nhiêu năm ăn học. Nhưng bạn tôi, chính bạn, biết rằng những năm tháng ấy không hề phung phí, và trở lại làm một người nông dân không hề là một bước lùi. Những trái cây anh trồng là loại quả sạch, tốt cho sức khỏe và chất lượng hảo hạng.
Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có người mơ ước xa: đến đỉnh cao nhất. Có người mơ ước gần: một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người đi chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với mơ ước ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay quá xa và không thể điều khiển đời mình được nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, thực ra, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.
Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào là tầm thường. Và chúng ta học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.
Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm những công việc rất bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.
Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.
Nghề báo khiến tôi gặp gỡ nhiều người nổi tiếng và tôi nhận ra rằng danh tiếng giống như tháp Bayon, người ta phải đi một vòng mới nhìn thấy hết các mặt của nó. Danh tiếng, với một số người, là mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Nhưng với vài người khác, nó giống như một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn và chẳng mang đến điều gì tốt đẹp. Đôi khi người ta xem danh tiếng là phần thưởng đáng giá cho công việc. Nhưng cũng có người cho rằng danh tiếng chỉ là món hàng khuyến mại không mấy hữu dụng khi họ được làm điều họ yêu thích. Và bởi thế, khi rũ bỏ danh tiếng, hào quang, quyền lực để trở về với cuộc sống “tầm thường", họ chẳng tiếc nuối chi.
Nhà văn Sơn Nam có lần đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ông tình cờ sưu tầm được khi lang thang bên những phận người nhỏ bé:
“Còn thời cưỡi ngựa bắn cung.
Hết thời cúi xuống lượm (dây) thun… bắn ruồi"
Âu cũng là lẽ thường tình vậy.
Oprah Winfrey có nói: “Nếu bạn đạt đến danh vọng mà vẫn chưa hiểu được mình là ai, thì chính danh vọng sẽ xác định bạn là ai". Như vậy, danh vọng là thứ chỉ nên có khi ta hiểu mình và điều khiển được nó. Điều khiển được nó nghĩa là cầm lên được, đặt xuống cũng được. Bởi danh tiếng có lừng lẫy ra sao, địa vị có cao sang đến thế nào, thì cũng sẽ có lúc ta phải rời yên xuống ngựa. Chỉ có người ngốc nghếch mới tin rằng mình có thể giương cung được mãi.
Hosokawa Morihiro từng là Thủ tướng Nhật Bản cách đây vài nhiệm kỳ, nhưng đến năm 60 tuổi, ông rời chính trường và về sống ở một thung lũng thuộc tỉnh Kanagawa. Tại đó, ông trồng rau và học làm gốm. Hosokawa nói một trong những điều ông thích ở nghề gốm là nó khiến ông chỉ tập trung vào cái mình đang thực hiện và “một khi tôi đã quyết chuyện gì thì tôi theo đuổi cho tới cùng". Ông học làm gốm cơ bản và chỉ làm những tách trà nhỏ theo kiểu xưa, nhưng ông làm rất chuyên tâm và cuối cùng đã tổ chức triển lãm những tác phẩm của mình như một nghệ sĩ thực thụ.
Nghệ nhân gốm Morihiro đã khiến tôi nhận ra rằng xã hội này tốt đẹp hơn không phải bởi tất cả đều trở nên danh tiếng và giàu có, mà bởi mỗi người chúng ta (dù nổi tiếng hay vô danh) đều làm công việc của mình một cách chuyên tâm và tự hào. Hosokawa đã là một chính trị gia tận tâm khi ở trên đỉnh cao danh vọng, và khi là một thợ gốm học việc, ông vẫn tận tâm như vậy.
Rốt cuộc thì đó mới chính là điều đáng để chúng ta theo đuổi được chuyên tâm với công việc mà mình yêu thích. Đó là bí quyết của thành công. Và đó cũng là bí quyết của hạnh phúc. Phải vậy không?
Tác giả :
Phạm Lữ Ân