Nam Quốc Sơn Hà

Chương 26: Thủy Chiến Nhật-lệ

Đến đó, chiến thuyền đã cập bến, cầu bắc lên, một toán người vừa xuất hiện, thì Hoàng-Nghi đã nhận ra là bọn Trần Di, Dương Minh. Tuy nhiên, cái gương Tín-nghĩa vương bị tập kích khiến nó cẩn thận hơn. Nó vẫy tay cho mọi người im lặng. Trần-Di cùng hơn mười Giao-long binh lên khỏi cầu tầu, tiếp theo hơn chục Giao-long binh thân thể đều mảnh mai, da mặt trắng trẻo, với một đội trưởng cũng nhỏ nhắn. Dương Minh đã trông thấy hổ binh, báo binh và dũng sĩ Long-biên phục trên bờ biển. Nó văng tục:

– Bọn Long-biên ngũ quái đâu? Tại sao bọn bay không ra đón ta? Mau lên, bằng không ta gọi là thằn-lằn ngũ quỷ bây giờ!

Đến đây cả Tây-hồ thất kiệt đều đã lên khỏi chiến thuyền. Long-biên ngũ hùng la lên một tiếng, rồi rời khỏi chỗ núp. Chúng chạy ra ôm lấy nhau mà reo hò.

Xa nhau mới có một thời gian ngắn, mà bọn chúng tưởng chừng như cách biệt đã lâu lắm. Chúng kể cho nhau nghe những gì bên mình đã làm.

Long-biên ngũ hùng thấy đội trưởng Giao-long binh có khuôn mặt rất quen, mà nó chưa nhận ra. Bỗng một âm thanh trong trẻo dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai chúng:

– Chị là Động-Thiên đây. Các em phải tuyệt đối im lặng, dấu kín thân phận của chị mới được. Nghĩa là coi như không có chị, nghe không!

Bọn trẻ vội nhìn đi chỗ khác, không chú ý đến bà công chúa thiên kim nữa.

Sau khi nghe Phạm Dật kể về chiến công bên mình đã đạt được. Nó hỏi Trần Di:

– Còn Tây-hồ thất kiệt? Các anh làm được những gì? Nếu thành công, ta gọi là Tây-hồ thất kiệt. Còn như không thành công ta gọi là Tây-hồ thất cẩu đấy nhá.

Cả bọn cười ầm lên.

Trần, Di dùng lăng không truyền ngữ nói với Long-biên ngũ hùng:

– Này bọn Long-biên ngũ quỷ, hoàng thượng sai ta gặp lão Đông-Thiên với một mật chỉ. Bất biết ta nói gì, làm gì, thì bọn bay phải răm rắp nghe theo, chớ có thắc mắc mà bể kế hoạch đấy.

Rồi làm như chợt nhớ ra điều gì, Trần-Di hỏi Phạm-Dật:

– Đức vua nghe tin đại giá Đông-phương giáo chủ đã xuất thần lực trợ Đại-Việt đánh Chiêm. Long tâm hài lòng lắm. Ngài sai bọn ta đem lễ đến tạ giáo chủ. Vậy giáo chủ đâu?

Phạm-Dật dẫn bọn Trần-Di ra mắt Động-Thiên. Tây-hồ vội cung cung kính kính hành lễ:

– Bọn hậu bối xin tham kiến giáo chủ, phó giáo chủ cùng thập vị kỳ chủ. Ở trên chiến hạm, hoàng thượng được tin đại giá giáo chủ quang lâm giúp quân Đại-Việt thì mừng vô hạn. Người ban dụ: giáo chủ giúp Đại-Việt thực giống như Phù-đổng thiên vương từ trời xuống giúp vua Hùng vậy. Người sai bọn vãn bối đem chút lễ vật tạ giáo chủ.

Nói rồi chúng bưng ra một hộp bằng bạc lớn cung cung, kính kính dâng lên Đông-Thiên. Đông-Thiên mở hộp ra, thì là một tượng Phù-đổng thiên vương bằng vàng, nhưng mặt thì giống hệt lão.

Từ ngày rời Tây-vực về Đại-Việt đến giờ, anh em Đông-Thiên bị vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, bị phản phúc nhục nhằn trước sau cả trăm lần; chưa bao giờ anh em lão được đời kính trọng; chưa bao giờ anh em lão được nghe những lời chân tình. Đây là lần đầu tiên anh em lão được đám trẻ tôn kính, lại được hoàng đế tặng tượng Phù-đổng thiên vương. Trong tâm lão khoan khoái vô cùng. Lão hướng ra ngoài khơi cung tay:

– Đa tạ hoàng thượng ban thưởng.

Lão hỏi bọn Trần-Di:

– Này cháu! Trận chiến ngoài khơi ra sao? Thằng cha Lê-phúc-Huynh đâu rồi?

– Khải giáo chủ hậu bối không rõ.

Phạm-Dật hỏi Dương-Minh:

– Trận thủy chiến ra sao?

Dương-Minh kể:

– Sau khi chúng tôi rời bản doanh Tín-nghĩa vương lên đường tới Nam-giới thì gặp công chúa Động-Thiên. Công chúa cho biết: vì sợ lộ quân tình nên nguyên soái Thường-Kiệt mới ban lệnh cho chúng tôi về Nghệ-an rồi dùng thuyền ra khơi. Sự thực không phải như vậy.

Hoàng-Nghi cười:

– Dĩ nhiên là thế!

Mắt nó lấm lét nhìn công chúa.

Trần-Di nhăn mặt:

– Tại sao? Dĩ nhiên là thế? Thế là thế nào?

– Có gì mà không hiểu.

Hoàng-Nghi cười: Đại kế nghị ở điện Uy-viễn bị lộ, kế đánh Nhật-lệ bị lộ, thì nay nguyên soái phải dùng hư kế. Một mặt truyền lệnh tới Tín-nghĩa vương rằng Tây-hồ thất quái phải về Nghệ-an, rồi có chiến thuyền đón ra khơi. Tin này gian tế báo với giặc, hẳn giặc cho người theo dõi ở Nghệ-an, để khi thấy bọn thất quái tới thì báo cho chúng biết. Trong khi nguyên soái âm thầm nhờ công chúa Động-Thiên đón đường truyền mật lệnh cho thất quái đi đường khác. Bọn gian tế chưa thấy thất quái tới bến Nghệ-an, thì cứ ngồi chờ. Trong khi đó thất quái đã ra tay.

– Giỏi!

Trần-Di khen: Bọn này được đặt dưới quyền công chúa Động-Thiên, tất cả mặc y phục của lính Chiêm bị bắt ở Nam-giới, mang thẻ bài của Kiếm-Thương, dùng ngựa của quân Nam-giới, đi ngược trở lại xuống Nam Nhật-lệ, sau đó men theo bờ biển tiến về thủy trại Chiêm.

Nó chỉ vào khu rừng phía Nam trại Nhật-lệ:

– Đêm, bọn này ra bãi biển kia, rồi lặn tới đây âm thầm đục thuyền. Phải đục tới ba đêm mới xong. Mọi việc hoàn tất, bọn này đi xuống Nam, tới cửa Tư-dung, thì lấy thuyền vòng ra khơi, tìm đến hạm đội.

Trần-Ninh thở phào:

– Các cậu gặp may dữ, nhiệm vụ hoàn thành dễ dàng quá.

– Đâu có!

Triệu-Thu than: Con mẹ nó, suýt nữa thì vào bụng cá hết.

– Còn gì nữa?

– Tổ bà nó.

Quách-Y chửi thề: Bây giờ nghĩ lại vẫn còn ớn da gà. Trong khi ra khơi, bọn này gặp bốn chiến thuyền tuần phòng của Chiêm đuổi theo. Chạy được hơn trăm dặm thì khoảng cách hai bên càng gần. Công chúa Động-Thiên ước tính rằng, cứ tình trạng này thì chỉ chạy ba chục dặm nữa sẽ bị chúng bao vây. Công chúa nảy ra sáng kiến: nếu cần, thì hy sinh một nửa, để cho một nửa sống. Kế hoạch như sau: ta vẫn chạy, nhưng cho từng toán Giao-long năm người chuồn xuống biển, đợi chiến thuyền Chiêm tới thì đục thuyền. Chỉ cần đục chìm hai chiến thuyền, thì bố bảo bọn chúng không dám đuổi theo nữa. Bọn này hoan hô, đứa nào cũng muốn lĩnh nhiệm vụ "chết" đó. Cuối cùng công chúa chỉ đại từng đứa. Toán đầu tiên do Duy lùn xuống biển trước. Toán thứ nhì tới Úc méo, toán thứ ba do Y mỗ, toán thứ tư do Cẩm thẹo. Bọn này cương quyết ra đi, một chết không trở về. Anh em chia tay nhau bịn rịn...

Trần-Di tiếp:

– Toán đầu tiên do Duy lùn cầm đầu thành công. Chiến thuyền Chiêm bị thủng ba lỗ lớn bằng cái mâm, nước tràn vào, rồi từ từ chìm xuống. Bọn lính Chiêm thét lên hãi hùng, chúng hô hoán, báo động. Ba chiến thuyền kia phải dừng lại để cho bọn ở chiến thuyền chìm nhảy sang. Đám chỉ huy biết thuyền bị đục, chúng mở khoang, thả cá sấu ra để đánh Giao-long binh. Bọn Úc, Y, Cầm đang đục hai chiến thuyền kia, thì thấy cá sấu tới tấn công. Biết rằng đằng nào cũng chết, bọn chúng cố gắng đục thủng đáy thuyền, rồi quay lại đánh nhau với cá.

Đến đó, nó thấy mọi người im lặng theo dõi, nó ngừng lại. Lý-Đoan bực mình:

– Nói tiếp đi chứ.

– Khoan đã nào, gì mà vội vậy?

– Tao muốn biết trong bẩy con quái, có mấy con bị cá đợp mất chân, tay? Có mấy con vào bụng cá? Thế thôi.

– Lang băm! Ngu bỏ mẹ đi ý. Nếu đó đứa nào vào bụng cá, thì sao bọn ta lại hiện diện đầy đủ ở đây?

Trần-Di cười:

– Khi chúng nó vừa đục thủng đáy bốn con thuyền, thì cũng là lúc bọn ngạc ngư tới. Chúng nó vội tập trung lại thành vòng tròn để chống cá sấu rồi trồi lên mặt nước.

Quỳnh-Hoa lắc đầu:

– Không xong! Trồi lên như vậy thì bọn lính Chiêm trên chiến thuyền dùng tên bắn chết. Sao dại thế?

Tây-hồ thất kiệt nghe Hoa hỏi, chúng nảy ra mối khinh rẻ, trong lòng chúng chửi thầm:

– Con mụ già này ngu thực.

Nhưng Trần-Di vẫn cung kính đáp:

– Thưa tiền bối, khi bọn tiểu bối trồi lên mặt nước, thì được chứng kiến cảnh hỗn loạn vô cùng tận trên chiến thuyền Chiêm. Vì thuyền bị thủng nước tràn vào, nguy cơ chết chìm đến, mà chúng không dám nhảy xuống nước, sợ bị cá sấu của mình ăn thịt. Chiến thuyền của công chúa Động-Thiên đã chèo trở lại vớt bọn hậu bối. Tuy thoát chết, nhưng tám Giao-long binh cũng bị cá sấu đợp bị thương.

– Thế còn bọn lính Chiêm?

Đông-Thiên hỏi: chúng bị cá sấu ăn thịt hay bị chết chìm?

– Thưa giáo chủ cả hai. Bọn vãn bối chỉ vớt được phân nửa, còn phân nửa bị sấu ăn thịt.

Hoàng-Nghi hỏi:

– Rồi sao?

– Rồi bọn này tới hạm đội mình. Phò-mã đô-đốc Hoàng-Kiện nghe tường thuật công chúa Động-Thiên mạo hiểm ra trận, ông ngửa mặt lên trời khấn:

– Tạ ơn trời Phật, bằng không trọn đời Kiện này không nhận một người đàn bà nào nữa, đành ở giá đến chết.

Đông-Thiên chửi:

– Cái gã phò mã đó ngu bỏ mẹ đi ý. Đàn bà chỉ là cây thuốc để luyện công mà thôi. Con vợ này chết thì có cả nghìn con khác vừa non vừa đẹp thay thế, việc gì mà ở giá! Vậy trận thủy chiến khởi sự từ bao giờ?

Trần-Ninh cũng hỏi:

– Trận chiến có kinh hồn không?

Trần-Di lắc đầu:

– Kinh hồn hay không, bọn này nào có biết, bởi bọn này lặn dưới nước. Khi xong nhiệm vụ, trồi lên thì thấy lính Chiêm bơi đầy trên mặt nước như rươi vậy.

Long-biên ngũ hùng cúi đầu gật liên tiếp:

– Thất quái bây giờ thành bẩy cá ông rồi. Bái phục. Tiếp đi.

Trần-Di đưa mắt nhìn ra khơi:

– Bọn này được phân làm bẩy toán, đi theo đạo quân của ông bà Long-thành ẩn sĩ. Giờ Dần sáng nay thì các hạm đội khai pháo tiến vào Nhật-lệ. Thủy quân Chiêm cũng khai pháo tiến ra khơi. Khi quân hai bên gần sát nhau, thì bọn này chuồn theo cửa ngách, âm thầm xuống biển. Bẩy toán dàn hàng ngang, khi thấy xích sắt tua dưới đáy thuyền là cột với nhau, hoặc giật mạnh. Khoảng hai khắc, đã giật thủng lỗ được hơn trăm chiến thuyền Chiêm. Đến khi giật đến chiếc chiến thuyền cuối cùng, thì tất cả bơi ra thực xa, rồi trồi lên. Tổ mẹ nó, một cảnh ngoạn mục hiện ra trên biển: binh tướng Chiêm bơi lóp ngóp như tép. Các chiến thuyền lớn, ôi thôi cái chìm, cái nằm nghiêng, cái chỉ còn cột buồm trồi lên trôi dập dình trên mặt nước; cũng có cái bốc cháy. Còn chiến thuyền con vì vớt người trên chiến thuyền lớn nên khẳm gần muốn chìm. Phía thủy quân ta thì hạm đội Bạch-đằng bao vây đánh các chiến thuyền nhỏ của Chiêm. Hai hạm đội Động-đình, Thần-phù chia nhau vớt lính.

Hoàng-Nghi cau mày:

– Thế sao bọn này đang dàn trận, thì có lệnh của nguyên soái Thường-Kiệt nói rằng thủy quân hai bên đang đại chiến. Nguyên soái bắt bọn này phải đánh cướp thủy trại Chiêm, rồi đốt lửa để làm loạn tinh thần chúng? Không lẽ nguyên soái nói dối?

– Nguyên do thế này.

Tạ-Duy giải thích: Nguyên soái ước tính rằng trong khi bọn này chưa kịp giật dây xích cho thuyền Chiêm chìm, thì có cuộc giao tranh kịch liệt, nên ra lệnh vậy. Nhưng nào ngờ bọn này làm quá mau.

– Rồi sao?

Ly-Đoan hỏi: Sao bọn thất quái lại vào đây? Vào để làm gì?

Trần-Di nghiêm chỉnh lại:

– Vừa thanh toán xong thủy quân Chiêm, hoàng thượng cho gọi bọn này tới tỏ lời ban khen, rồi người thuật lại chiến công của Long-biên ngũ quỷ. Người ban chỉ: Long-biên ngũ quỷ sở dĩ thành công là do uy đức của Đông-phương giáo chủ. Người truyền bọn ta đem lễ tặng giáo chủ. Người ban chỉ rằng: Đại-Việt chỉ đánh đến Tư-dung thôi. Còn Tư-dung về Nam để trả cho Chiêm. Tuy nhiên giáo chủ muốn đánh chiếm Tư-dung về Nam để làm vua, thì Đại-Việt sẽ trợ giúp.

Đông-Thiên nghe Trần-Di nói thì mừng muốn run lên được. Lão hỏi:

– Không biết hoàng đế Đại-Việt định giúp ta những gì?

– Thưa giáo chủ.

Trần-Di cung tay: Nếu như bất cứ ai ai khác, thì người sẽ ban sắc phong làm Chiêm vương. Nhưng người nghĩ giáo chủ là người nhà trời, lại nữa giáo chủ là người hùng tâm, đại lược, nên người giao Long-biên ngũ quỷ với Tây-hồ thất hùng cho giáo chủ sai phái để đánh chiếm lấy phần đất từ Hải-vân vào Nam. Trung-thành vương, Tín-nghĩa vương cũng sẵn sàng ra quân nếu giáo chủ cần.

Suốt bao năm qua, Đông-Thiên lao tâm khổ tứ, xui Chế-Củ đánh Đại-Việt, khiến cho Củ bị bại, bấy giờ y với giáo chúng nổi lên cướp ngôi vua. Nay giữa lúc tuyệt vọng, Chiêm đại bại, Đại-Việt lại trợ giúp y chiếm ngôi vua Chiêm, thì đến nằm mơ y cũng không ngờ tới. Y vẫy tay gọi các kỳ chủ, với Tây-hồ thất kiệt, Long-biên ngũ hùng rồi nói với Trần-Di:

– Đa tạ hoàng đế Đại-Việt. Sự đã như thế này, thì lão phu xin các cháu cho lão mượn con thuyền, để chúng ta bàn định kế sách.

– Xin mời đại giá giáo chủ.

Tất cả xuống chiến thuyền. Đông-Thiên ngồi chủ tọa, kế đó là Quỳnh-Hoa, tiếp theo là Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt, rồi mới tới mười kỳ chủ. Hoàng-Nghi nhăn mặt, nháy mắt rồi nói với Trần-Di:

– Từ nãy tới giờ ta chưa "để của", người dẫn ta vào kho tàng của người hầu ta "cất vàng".

Mọi người cười ồ lên. Trần-Di cười:

– Để ta dẫn mi đi. Trong thuyền này có cá sấu, ta là tướng của chúng thì chúng sợ, chứ mi đi một mình, thì nó đợp cho vài miếng là tiêu đời. Lỡ nó không đợp chân phải hay chân trái, mà đợp "cái nớ" thì thành thái giám mất.

Hai đứa đưa nhau xuống khoang cuối cùng của thuyền, dùng làm nơi đại tiện. Hoàng-Nghi hỏi:

– Thế là thế nào? Tao đếch hiểu nổi!

– Kế của nguyên soái Thường-Kiệt, được hoàng thượng chấp thuận: trong trận thủy chiến vừa rồi, có mười chiến thuyền nhỏ chạy trốn được. Trong mười chiến thuyền đó, chở Lê-phúc-Huynh cùng hơn nghìn đệ tử của y. Nếu như bây giờ ta tiến đánh Chế-Củ, thì phải chấp nhận giao chiến với Bố-bì Đà-na ở cửa Thi-nại, và Vũ-chương-Hào ở Đồ-bàn; như vậy sẽ hao binh tổn tướng, trong khi ta cần bảo vệ lực lượng. Thế mà cạnh ta, có anh em Đông-Thiên với những đội giáo chúng đi theo, ta luôn phải đề phòng. Đằng nào sau khi đánh phá Đồ-bàn rồi ta cũng bỏ về... thì chi bằng ta làm kế ly gián giữa bọn Hồng-thiết với Chế-Củ. Ta giả đề cao Đông-Thiên, giúp y chiếm nước Chiêm. Như vậy y xua giáo chúng đi tiên phong đánh Chế-Củ. Nếu như bọn Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh theo Đông-Thiên, chúng làm phản ở trong, ta khoanh tay nhìn hai hổ cắn nhau. Chờ cho đến khi một bên bại, một bên kiệt lực, ta chỉ quơ tay là bắt được chúng. Còn như Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh không theo Đông-Thiên, ta giúp Thiên đánh Chế-Củ. Ấy là chưa kể Chế-Củ nghi ngờ bọn Chương-Hào, Phúc-Huynh. Vậy trước hết sai bọn ta đi sứ gặp lão, hết sức tâng bốc lão, rồi đặt Tây-hồ thất kiệt với Long-biên ngũ qủy đưới quyền lão, lại trao hết tù binh Chiêm cho lão, để lão dùng người Chiêm giết người Chiêm. Ta làm ngư ông hưởng lợi.

Nó nói nhỏ vào tai Hoàng-Nghi:

– Mi nhiều mưu, lắm mẹo, mi hãy làm quân sư cho lão đi.

– Được!

Hai trẻ lên khỏi hầm thuyền, về chỗ ngồi.

Đông-Thiên gõ tay xuống bàn, rồi nói:

– Bàn về võ công, thì ta hơn hẳn các cháu. Còn như dùng binh, thì ta không bằng các cháu. Vậy bây giờ các cháu bảo ta phải làm gì nào?

Hoàng-Nghi cung tay:

– Tiểu bối mạo muội góp ngu ý với giáo chủ. Mong giáo chủ ban chỉ dụ.

– Được, cháu cứ nói.

-Hiện có vợ chồng đạo trưởng Trần-Bình, Võ-xuân-Loan ở đây, giáo chủ sai hai người đi sứ, yết kiến các chức sắc Hồng-thiết giáo để họ làm nội ứng cho ta ở trong. Còn ta sẽ dùng kỳ binh, đi đường thượng đạo vượt Hải-vân sơn đánh úp Đồ-bàn. Không biết giáo chủ nghĩ sao?

– Chân tay ta có tả, hữu hộ giáo, ngũ sứ, cùng mười kỳ chủ. Tả hộ giáo Đinh-kiếm-Thương thua trận Bố-chánh, đã chán đời bỏ đi tu. Y dẫn đệ tử lập trang ấp, ta đến nơi trách y về việc bỏ giáo, y nổi khùng chống ta, suýt nữa đánh nhau. Như vậy coi như không còn y. Hữu hộ giáo Vũ-chương-Hào hiện trấn Đồ-Bàn; Lê-phúc-Huynh mới thua trận, không rõ lưu lạc nơi đâu? Còn ngũ sứ thì đều là tướng chỉ huy năm đạo quân trấn ở Thi-nại. Để ta sai vợ chồng tên Trần-Bình đi sứ như cháu bàn. Còn vụ đánh úp Đồ-bàn ra sao?

Lão móc trong bọc ra một cái túi, rồi mở túi lấy tấm lụa lớn vẽ bản đồ Chiêm, cùng ghi chú chỗ chứa lương thực, đồn trú quân Chiêm. Bọn mười hai trẻ cùng nghĩ như nhau:

– Hỡi ơi, phải chi sao được tấm bản đồ kia gửi cho nguyên soái Thường-Kiệt thì thích thú biết bao?

Nghĩ vậy, nó làm bộ đứng lên đến sau Đông-Thiên để xem bản đồ, rồi dùng ngón tay chỉ vào địa điểm đóng quân của Chiêm cạnh biển, sau đó chuyển qua vùng núi rừng phía giáp Chân-lạp làm như suy nghĩ điều gì nan giải. Cuối cùng nó nói:

– Thưa giáo-chủ, xin giáo chủ cho tiểu bối sao lại tấm bản đồ này, để được đối điện tâu trình với giáo chủ. Chứ tiểu bối đứng sau giáo chủ mà tâu trình thì vô phép quá.

Quả nhiên Đông-Thiên vui vẻ:

– Được, cháu cứ vẽ lại.

Trần-Di vội sai lấy miếng lụa, với bút mực trải ra bàn. Hoàng-Nghi vẫy tay gọi Phạm-Dật, Vũ-Quang:

– Em vẽ bản đồ hình thể, sông núi, còn anh cả vẽ đồn trú, thành trì, anh hai ghi chú. Ta làm cho mau.

Thế là thoáng một cái, tấm bản đồ đã được sao lại hoàn toàn.

Hoàng-Nghi cung cung kính kính đem tấm bản đồ trả lại cho Đông-Thiên, rồi nó đem tấm bản đồ sao chép ra chỉ vào hai con đường:

– Thưa giáo chủ, đây có hai con đường tiến vào Đồ-bàn, mà ít quân Chiêm đồn trú. Con đường thứ nhất là vòng sang Lão-qua, rồi vượt núi đổ vào Đồ-bàn. Hồi trước Trung-thành vương đã dùng nhưng không thành, vì kế hoạch bị lộ, nên Chiêm đem nghìn quân đóng đồng chặn mất đường đi. Nhưng nay ta dùng quân đánh úp thì cũng thành công. Con đường thứ nhì, đi theo đường mòn dưới chân Hải-vân sơn. Không biết giáo chủ chọn con đường nào?

– Ta dùng cả hai con đường. Con đường Hải-vân quá nhỏ, voi, thú, ngựa không đi được. Ta đùng một đội quân tinh nhuệ đổ vào, không cần mang theo lương thực, bởi Nam Hải-vân đến Đồ-bàn ta có tới hơn mười trang do Hồng-thiết giáo thống thuộc các kỳ chủ. Chúng sẽ làm nội ứng, cung cấp lương thảo. Con đường này không có nhiều quân Chiêm đồn trú, vì chúng đoán không bao giờ Đại-Việt có thể vượt nổi Hải-vân. Còn con đường thượng đạo Tây Trường-sơn, tuy phải đối phó với đồn binh ở Tà-lầm, nhưng không khó, ta có cách đánh úp đồn này.

Trước khi khởi hành, Thường-Kiệt đã ban lệnh cho Tây-hồ thất kiệt rằng: bọn Hồng-thiết giáo rất tinh tế, chỉ mình Trần-Di được đối đáp mà thôi. Vì vậy sáu trẻ đành ngồi câm miệng hến, rất khó chịu. Quách-Y là đứa trẻ có năng khiếu về binh pháp nhất, bây giờ nghe Đông-Thiên nói, nó nhịn không được, buột miệng hỏi:

– Thưa giáo chủ, đánh úp cách nào, vì đồn ở trên đồi, có suối nước, lại rất kiên cố?

Đông-Thiên cười khành khạch:

– Khó là khó với các cháu, chứ với ta thì dễ, bởi đồn binh này thống thuộc Vũ-chương-Hào. Gã đồn trưởng là một đô thống, đệ tử của Lam trưởng lão. Hiện trong tay chúng ta đều có binh phù của Vũ-chương-Hào. Chúng ta cho lão Lam đem một đội giáo chúng, mang binh phù của Vũ-chương-Hào, nói rằng đến tiếp viện cho đồn Tà-lầm. Khi ta vào đồn rồi, thì kiềm chế tên đồn trưởng, đánh úp đồn.

Bọn trẻ reo lên mừng rỡ.

Đông-Thiên thở dài:

– Nhưng ta chỉ có hơn nghìn tráng sĩ của các cháu, thì sao có đủ quân đánh Đồ-bàn?

Hoàng-Nghi cười lớn:

– Uy danh giáo chủ quá lớn, thì đâu có gì khó? Hiện ta có hơn hai nghìn tù, hơn nghìn hàng binh Chiêm. Ta thống nhất lại cũng được ba nghìn người. Ta lại viết thư xin Tín-nghĩa vương gửi trả hai vạn tù binh ở Bố-chánh... Còn trận bộ chiến giữa Dư tướng quân với bộ binh Chiêm, ít ra cũng bắt được vài nghìn nữa. Như vậy ta có vạn rưởi rồi.

Quỳnh-Hoa nhăn mặt:

– Vạn rưởi mà làm gì, trong khi ở Thi-nại Chiêm có sáu vạn bộ, ba nghìn kị, môt trăm thớt voi. Đồ-bàn chúng có hai vạn bộ, ba nghìn kị, năm mươi thớt voi, đem vạn rưởi quân ô hợp đến để nộp mạng cho chúng ư?

– Thưa phó giáo chủ.

Hoàng-Nghi cung tay: Hiện ngoài khơi nguyên soái Thường-Kiệt có trong tay hơn vạn tù binh nữa. Nhưng thưa phó giáo chủ, đấy chỉ là lực lượng trừ bị mà thôi. Lực lượng chính ta mong mỏi là lực lượng do Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh chỉ huy đánh từ trong ra kia.

Quỳnh-Hoa lại lắc đầu:

– Người Chiêm vốn thù hận ta từ lâu. Nay ta tập trung hàng binh lại đi đánh chúa của chúng, thì bất đắc dĩ chúng phải theo. Nhưng lỡ ra khi hai quân đối trận, mà chúng trở cờ thì hóa ra ta nộp mạng cho chúng sao?

Hoàng-Nghi mỉm cười:

– Thưa phu nhân, ta đâu có để cho chúng trở cờ dễ thế? Trước khi khởi hành, ta tập họp chúng lại, nói cho chúng biết: đúng ra khi chúng bị bắt là ta đem chặt đầu hết. Bởi chúa ta là đấng nhân từ, nên tha mạng cho chúng. Nay chúa ta sai chúng đi đánh vua vô đạo Chế-Củ, vợ con chúng ở nhà được chu cấp lương thảo đầy đủ. Nếu như chúng phản bội, hoặc không hết lòng, thì ta sẽ giết hết vợ con, bố mẹ, anh em của chúng. Như vậy đến trời bảo, chúng cũng phải chịu phép.

Đến đó có tiếng công chúa Động-Thiên dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Hoàng-Nghi:

– Dò xem ngũ sứ của y là ai?

Hoàng-Nghi hỏi:

– Thưa giáo chủ, giáo chủ còn ngũ sứ nữa, không biết cao danh quý tính của ngũ sứ là gì, bọn tiểu bối chưa hề nghe qua?

– À, các cháu không biết, thì cũng không có gì lạ, vì chúng ta dấu kín. Ngoại trừ ta với phó giáo chủ, thân phận lớn lao, không thể dấu tên. Đinh-kiếm-Thương, vì được phong tước Cửu-chân vương nên phải giữ tên Việt. Còn lại, tất cả đều thay tên đổi họ, hoặc mang tên Chiêm. Như Vũ-chương-Hào đổi là Lục-chương-Anh, Lê-phúc-Huynh đổi tên là Thi-đại-Năng. Ngũ sứ cũng thế, Trung-ương sứ giả tên là Thâm-phúc-Dũng. Y là em cùng cha khác mẹ với ta.

Bọn trẻ cùng bật lên:

– Úi chà, bọn tiểu bối từng nghe danh Thâm tiên sinh, nhưng đâu có ngờ người lại là trung-sứ!

– Kiến thức các cháu cũng rộng đấy. Tây-phương sứ giả tên là Phan-vũ-Tỉnh chắc các người chưa biết gì về y. Bắc-phương sứ giả tên Nguyễn-nhược-Điểu. Đông-phương sứ giả là Nguyễn-thị-Bằng. Nam-phương sứ giả là Bố-bì Đà-na. Trong năm tên này thì bốn tên là đệ tử của ta, chỉ mình tên Phan-vũ-Tỉnh thì theo học với Tây-dương giáo chủ. Hiện Đông-phương sứ đang làm lễ-nghi học sĩ trong cung Chế-Củ. Nam-phương sứ Bố-bì Đà-na, Bắc-phương sứ giả Nguyễn-nhược-Điểu trấn thủ cử biển Thi-nại. Còn Trung-ương sứ giả Thâm-phúc-Dũng, Phan-vũ-Tỉnh trấn thủ Phan-du Răng-go.

Ghi chú,

Lãnh thổ Chiêm thời Lý phía Đông giáp biển Nam-hải, phía Tây giáp Ai-lao, phía Bắc giáp Nghệ-an, phía Nam tới vùng ranh giới Phan-rang, Bình-tuy bây giờ. Cái tên Phan-du Răng-go, chúng tôi phiên âm theo tiếng Chàm. Về sau chúa Nguyễn chiếm vùng này đặt trực thuộc Khánh-hòa. Đến gần đây mới gọi là Phan-rang, chắc gốc ở tiếng Phan-du Răng-go mà ra.

Dương-Minh thở phào một tiếng, rồi nói:

– Như vậy, hiện người của ta nắm hết các chức vụ then chốt của Chiêm rồi. Theo tiểu bối nghĩ thì giáo chủ chỉ việc ban dụ cho chư đệ tử chuẩn bị sẵn, khi đại giá giáo chủ tới đâu thì ở đó phất cờ đón giáo chủ vào là xong chứ có gì?

– Đâu có giản dị như vậy.

Đông-Thiên nhăn mặt: Hồng-thiết giáo của ta không giống như bang Nhật-hồ hồi phụ thân ta làm giáo chủ. Thời đó, trên dưới một lòng. Nay Hồng-thiết giáo của ta phải lưu vong sang Chiêm, ăn nhờ ở đậu, cơ sở gây dựng trên đám Việt-kiều. Mà Việt-kiều thì trăm người trăm lòng. Tên Lê-phúc-Huynh, Vũ-chương-Hào,Đinh-kiếm-Thương,Thâm-phúc-Dũng, mỗi đứa tự thu đệ tử, gây dựng thế lực riêng. Giữa chúng với nhau không đồng tâm đã đành, mà ngay đối với ta, chúng cũng giang sơn nhất khoảnh. Võ công, kiến thức ta không hơn chúng, nên chúng coi thường ta. Ngoài miệng tuy chúng gọi ta là giáo chủ, mà sự kính trọng thì không có. Sở dĩ chúng tôn ta làm giáo chủ bù nhìn, vì bốn đứa không đứa nào chịu khuất phục đứa nào, mà tất cả đều phải tránh tương tàn hầu Chế-Củ nể nang. Cái tên Kiếm-Thương bỏ cuộc đi tu, không phải vì muốn thành Phật đâu, mà vì sau trận Bố-chánh, thân bại danh liệt, nếu trở về Đồ-bàn, e bị tên Vũ-chương-Hào thanh toán, nên mượn cớ bỏ đi tu. Y không thiết tranh dành để mấy tên kia không thanh toán, tha cái mạng cùi cho, thế thôi... Đấy, người xem, chúng như vậy mà bảo ta ra lệnh cho chúng ư?

Trần-Di định lên tiếng bàn, thì có tiếng công chúa Động-Thiên dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai:

– Di, hãy nói theo chị.

Trần-Di nói theo lời công chúa Động-Thiên:

– Giáo chủ ơi, xưa kia Nhật-Hồ lão nhân từ Tây-vực về chỉ có một thân một mình, mà người gây dựng lên cơ đồ lớn lao. Vậy thì giáo chủ cũng đi lại từ đầu. Muốn đi lại từ đầu, trước hết giáo chủ giết chết hết những bọn không tuân phục, rồi huấn luyện đệ tử thay thế. Có khó gì đâu?

– Ta cũng muốn giết hết bọn chúng, nhưng không đủ sức.

– Thưa giáo chủ, võ công giáo chủ không đủ thì ta dùng mưu.

– Mưu gì?

Trần-Di chỉ Hoàng-Nghi:

– Nghi ơi! Trình giáo chủ phương thức giết bọn bất trung với người đi.

Hoàng-Nghi thấy hàng ngày Trần-Di không khôn hơn mình làm bao, tự nhiên hôm nay nó kiến giải sự việc minh mẫn vô cùng thì kinh ngạc không ít. Bỗng tiếng công chúa Động-Thiên rót vào tai nó:

– Nghi đệ, nói theo chị.

Nó vội vàng cung kính:

– Thưa giáo chủ, cho đến lúc này Chế-Củ vẫn chưa biết gì về đại kế muốn làm vua Chiêm của giáo chủ. Bọn Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh cũng chưa biết giáo chủ được Đại-Việt hoàng đế giúp. Vậy một mặt giáo chủ sai sứ đi truyền lệnh cho họ nhất loạt nổi dậy đánh Chế-Củ, một mặt giáo chủ cùng anh em tiểu bối đánh úp Đồ-Bàn. Nếu như người nào theo giáo chủ thì chứng tỏ họ trung thành, giáo chủ để nguyên. Khi lên ngôi vua, giáo chủ trọng đãi họ. Còn như người nào không theo giáo chủ, thì Chế-Củ sẽ giết chết.

Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa với đám kỳ chủ cùng vỗ tay hoan hô. Tiếng công chúa Động-Thiên vẫn rót vào tai Hoàng-Nghi, nó nói theo:

– Vậy ngay bây giờ giáo chủ ấn định ngày nổi dậy của giáo chúng, rồi sai sứ truyền mật lệnh đi khắp nơi. Giáo chủ cũng báo cho nguyên soái Thường-Kiệt biết để người tiến quân vào cửa Thi-nại. Đúng ngày đó, giáo chủ cùng anh em tiểu bối đánh úp Đồ-Bàn.

Đông-Thiên truyền cho Quỳnh-Hoa với vợ chồng Trần-Bình, Võ-xuân-Loan lên đường di sứ thuyết phục Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh cùng ngũ sứ.

Từ hôm tái ngộ với Nang-chang-Lan, trong người Hoàng-Nghi cảm thấy bứt rứt vô cùng, vì nàng luôn đi sát bên cạnh gã Đông-Thiên. Nàng phụ trách hầu hạ cơm nước, giặt giũ quần áo cho lão. Đêm đến nàng lại ngủ cùng lều với lão, nó không thể nào cùng nàng tâm tình. Cứ mỗi chiều, nàng lại gọi một trong các vợ kỳ chủ vào lều để làm cây thuốc cho giáo chủ luyện công. Một trong những điều khiến Hoàng-Nghi băn khoăn nữa là Nang-chang-Lan tỏ ra rất có oai với mười kỳ chủ. Đôi khi nàng ra lệnh cho họ, mà họ cũng răm rắp tuân theo. Đã đến lúc không đừng được nó hỏi vợ chồng Huyền kỳ chủ. Nhưng hai người lắc đầu, tỏ vẻ không dám nói.

Hôm nay nhân Đông-Thiên bận họp với mười kỳ chủ, Nang-chang-Lan được tự do. Hoàng-Nghi rủ nàng ra bờ suối tâm tình. Đây là ngày đầu tiên Hoàng-Nghi được nói chuyện riêng với Lan, mà không có đệ tam nhân bên cạnh. Không cầm được lòng, nó hỏi Lan:

– Em ơi! Anh lấy làm lạ rằng tại sao từ hôm tái ngộ đến giờ, em cứ tìm cách tránh né anh là lý do gì vậy?

Chang-Lan cau mày, tỏ vẻ bực mình:

– Thì em phải phục thị giáo chủ. Anh nên nhớ rằng, trong bản giáo có hàng vạn vạn người ước mơ được hầu hạ lão nhân gia, nhưng chỉ mình em được lão nhân gia ban hồng ân. Ngay mười nữ kỳ chủ, nhan sắc thực hiếm có trên đời, mà cũng hàng tháng mới được ban hồng ân một lần. Em nghĩ, anh phải hãnh diện chứ? Tại sao anh lại trách em?

Hoàng-Nghi chán nản trong lòng:

– Em nói phục thị. Vậy phục thị là thế nào?

– Anh chưa nhập bản giáo anh chưa biết. Để em nói cho anh nghe: trong mỗi môn phái đều có một phương pháp luyện công riêng biệt. Riêng bản giáo, thì khi luyện Hồng-thiết tâm kinh đến chỗ cao thâm, thì độc tố làm hao thận, tổn não, thần trí trở lên mơ hồ. Vì vậy trên từ giáo-chủ cho tới tả hữu hộ pháp, ngũ sứ, mười kỳ chủ, các đạo trưởng phải dùng những giai nhân đang tuổi thanh xuân: từ lúc khởi có kinh, đến bốn mươi, làm thuốc, trong bản giáo gọi là cây thuốc. Nhưng không phải ai cũng làm cây thuốc được. Cây thuốc phải là giai nhân, đang tuổi còn kinh nguyệt, không bệnh hoạn, người phải thơm tho không mùi hôi.

Hoàng-Nghi đã đọc bộ « Thái-tổ thực lục » trong đó nói về giáo chủ Nhật-hồ cùng các trưởng lão bắt những thiếu nữ, hoặc thiếu phụ xinh đẹp dùng nước tiểu, kinh nguyệt của họ làm thuốc phụ trợ luyện công. Nay nghe Chang-Lan nói, nó rùng mình: không ngờ người yêu nó lại bị lão Đông-Thiên xử dụng làm cây thuốc, mà dường như nàng coi như một hãnh diện. Bỗng một cảm giác kinh tởm sinh ra trong người nó. Nó nhìn Chang-Lan, mà lòng nguội như tro tàn. Nó vốn thâm nhiễm Nho học, nên nghe Lan nói, nó chán nản:

– Thôi, lúc khác ta nói chuyện tiếp.

Ghi chú,

Dùng phụ nữ trong thời gian còn kinh nguyệt làm thuốc, tăng sức lực, tuổi thọ y học Việt-Hoa đã tìm ra từ thế kỷ thứ nhất. Trong bộ Anh-hùng lĩnh Nam (Nam-á Paris xuất bản), đoạn thuật Tô-Định dùng mỳ nhân kế bắt Ngũ-kiếm và đoạn Khất-Đại phu giảng cho chư anh hùng nghe khi từ Đinh-Đào đảo trở về. Trong Cẩm-khê di hận (Nam-á Paris xuất bản) tôi lại trình bầy chi tiết trong phần nói về "ngũ pháp trường xuân". Nhưng bấy giờ y học Hoa-Việt chưa có cơ sở vừng chắc, nên rất sơ sài. Trải qua mười thế kỷ, tới thời Thuận-thiên (1010-1028) thuật này mới có cơ sở vững chắc. Xin đọc trong bộ Thuận-thiên di sử, Nhật-hồ lão nhân cùng các trưởng lão coi lý thuyết này như khuôn vàng thước ngọc để luyện công.

Cho đến thời kỳ gần đây, ngay cả thánh Ghandi của Ấn-độ cũng dùng. Giai đoạn 1939-1976, chủ-tịch Mao-trạch-Đông của Trung-quốc và bộ chính-trị triệt để dùng thuật này để bồi dưỡng sức khoẻ. Trong những lần đi cùng phái đoàn y học châu Âu sang Trung-quốc trao đổi y học, tôi đã được nghe, được đọc, được học rất nhiều về y-án này của các danh nhân Trung-quốc cận đại, hiện đại. Đây là y-khoa, không phải là dâm dục. Năm trước, một đồng nghiệp của tôi là bác-sĩ Lý-chí-Túy; y-sĩ riêng của chủ tịch Mao-trạch-Đông cũng có tường thuật sơ về cách bồi dưỡng sức khoẻ của nhà lãnh đạo Trung-quốc nàng bằng cách dùng thiếu nữ trẻ.

Thời gian 1978 cho đến nay (1993) trước sau tôi đã giảng thuật này bốn lần trong các cuộc đại hội y-khoa về Vu-sơn học (Sexologie médicale chinoise). Nếu các độc giả Nam-quốc sơn hà muốn tìm hiểu về thuật này, cứ tập trung khoảng 300 người trở lên, tôi xin sẵn sàng diễn giải.

Không đầy mười lăm ngày, binh tướng Chiêm bị bắt làm tù binh trong trận Nam-giới, Nhật-lệ, Tư-dung đã tập trung về Vọng-hương, Vọng-giang. Đông-Thiên cùng đám kỳ chủ Hồng-thiết giáo được đám thiếu niên Long-biên, Tây-hồ trợ giúp tổ chức thành năm hiệu quân. Mỗi hiệu quân do hai kỳ chủ chỉ huy. Năm hiệu quân mang tên Hoàng-kỳ, Bạch-kỳ, Huyền-kỳ, Lam-kỳ, Hồng-kỳ.

Đám Hồng-thiết thấy bọn trẻ tổ chức, làm việc phối hợp nhịp nhàng, thứ tự: phong chức tước cho các hàng tướng Chiêm, võ trang vũ khí, cung tên, cung ứng quân trang, quân dụng, rồi thao luyện lại; họ vô cùng kinh ngạc. Nhưng họ đâu biết rằng công chúa Động-Thiên cùng mười nữ tướng thân cận giả trai ẩn trong đội Giao-long binh điều động bọn chúng. Trung-thành vương đóng bản doanh ở cửa Tư-dung, không ra mặt, cũng chẳng tiếp xúc với bọn Đông-Thiên, nhưng vương liên lạc với công chúa Động-Thiên bằng chim ưng, để giúp đỡ trong việc cấp vũ khí, lương thảo.

Hôm ấy, mọi việc vừa cụ bị, thì chim ưng mang lệnh của nguyên soái Thường-Kiệt:

«... Báo cho giáo-chủ, phó giáo chủ, chư vị kỳ-chủ biết ngày 25 tháng tư là ngày quân Đại-Việt trợ giúp Hồng-thiết giáo tiến đánh Thi-nại. Vậy hai cánh quân bộ do giáo chủ thống lĩnh phải tiến đánh Đồ-bàn cùng ngày, để quân Chiêm không cứu được nhau... »

Hoàng-Nghi trình thư cho Đông-Thiên. Y truyền lệnh đánh trống tập họp chư tướng, rồi nói:

– Bản nhân họp chư tướng, để chúng ta tiến quân đánh Đồ-bàn. Hôm nay là ngày mười rằm tháng tư rồi. Chỉ còn mười ngày nữa, chúng ta phải tiến đến Đồ-bàn. Vậy ta trao quyền cho quân sư Hoàng-Nghi.

Hoàng-Nghi thấy lão trao trọng trách cho mình, nó cũng hơi bỡ ngỡ. Tiếng công chúa Động-Thiên rót vào tai nó:

– Đừng sợ, cứ nhận lời, chị dạy cho.

Hoàng-Nghi đứng lên nhận kiếm lệnh của Đông-Thiên, rồi hướng vào cử tọa:

– Hiện thủy quân Chiêm bị phá tan ở Nhật-lệ, cho nên thủy quân Đại-Việt đang trên đường tiến về Thi-nại, rồi vượt sông Tu-mao đánh Đồ-bàn. Chiêm có trọng binh đóng ở Thi-nại với Đồ-bàn. Đại quân của nguyên soái Thường-Kiệt đánh Thi-nại. Đánh Đồ-bàn là nhiệm vụ của chúng ta. Hiện quân của chúng ta là quân của Đinh-kiếm-Thương, Lê-phúc-Huynh đầu hàng. Nay sẵn binh phù của Đinh, Lê, chúng ta cho quân kéo cờ Chiêm, dối rằng rút từ Nhật-lệ, Tư-dung, Bố-chánh trở về. Chỉ cần sao qua được các đồn kiểm soát dọc đường. Khi tới Đồ-bàn, ta đánh úp mới dễ.

Nó nhìn Tây-hồ thất kiệt:

– Bẩy huynh, đem đội võ sĩ giao long cùng hai đạo quân Hoàng-kỳ, Bạch-kỳ mang cờ Chiêm, âm thầm đi đường thượng đạo men dưới chân Hải-vân tiến quân. Sau khi qua Hải-vân, gặp trang Bạch-sa của người Việt. Trang này sẽ cung cấp lương thảo, cử người hướng đạo tiến về Nam. Từ Bạch-sa đến Đồ-bàn còn qua các trang Cờ-ri-bản, Phong-sá, U-bặc. Tới U-bặc thì dùng chim ưng liên lạc với chúng tôi để cùng tiến đánh Đồ-bàn.

Quách-Y hỏi:

– Trong bẩy chúng tôi, thì Trần-Di làm chúa tướng, tôi làm quân sư. Nay có bốn vị kỳ chủ Hoàng, Bạch nữa. Vậy ai làm chánh tướng?

Đông-Thiên ra lệnh:

– Các kỳ chủ của ta chỉ là những người võ công cao, sẽ xuất lực đánh giặc. Còn chỉ huy là các cháu. Vậy Trần-Di làm chánh tướng.

Hoàng-Nghi tiếp:

– Bây giờ đến đạo binh vượt Tây Trường-sơn. Tiền đạo do nhị vị Lam kỳ chủ đem bản bộ quân mã tiến đến Tà-lầm, dối rằng được lệnh đem quân tiếp viện cho đồn này. Khi vào trong đồn rồi, thì chiếm lấy đồn. Anh Phạm-Dật, chị Kim-Loan dẫn đội hổ binh đi theo trợ giúp. Trung đạo do nhị vị Huyền kỳ chủ dẫn đạo Huyền-kỳ đi tiếp ứng. Anh Vũ-Quang, chị Kim-Liên dẫn đội tượng theo yểm trợ. Hậu quân do nhị vị Xích kỳ chủ dẫn đạo Xích-kỳ đi đoạn hậu. Hai sư đệ Trần-Ninh, Lý-Đoan với Ngọc-Hương, Ngọc-Liên đem đạo báo, sói yểm trợ.

Nó hỏi Đông-Thiên:

– Còn đại giá giáo chủ, không biết giáo chủ định đi theo đạo nào?

Đông-Thiên chỉ Trần-Di:

– Ta phải đi theo đạo của cháu Trần-Di, vì nếu không có ta, khó mà các trang trưởng chịu tiếp tế lương thảo, cùng cung cấp dân phu.

– Vậy thì cháu đi theo đạo Tây Trường-Sơn. Sáng mai, giờ Mão, ta xuất phát.

Ngày 24 tháng tư đạo vượt Tây Trường-sơn lội suối, băng rừng, đã qua thung lũng Đắc-sút, rồi Đắc-tô, cuối cùng đi vào địa phận vùng Mang-bút, thì gặp đồng bằng Đắc-lĩnh. Trưa hôm ấy, đạo binh tiền phong lên đỉnh ngọn núi Đắc-lăng, nhìn sang sườn bên kia, chúng reo lên bầy tỏ sự vui mừng, vì trước mặt họ, hiện ra một cánh đồng bằng phì nhiêu, nhà cửa san sát. Viên đội trưởng quay trở lại báo với Phạm-Dật:

– Thưa tướng quân, hiện tiền đội đã tới thấy đồng bằng, dưới chân núi có một đồn binh. Vậy xin trình tướng quân rõ.

Phạm-Dật, Kim-Loan, vợ chồng Lam-kỳ chủ cùng lên trước quan sát. Kim-Loan hỏi Lam kỳ chủ:

– Theo như giáo chủ dạy, thì trang dưới chân núi này do giáo chúng Hồng-thiết cai quản phải không? Liệu họ có trung thành với sư huynh không?

Lam kỳ chủ dùng ngón tay viết xuống đất:

– Đúng thế, trang trưởng này là đệ tử của tôi. Để vợ chồng chúng tôi xuống gọi y lên đây. Chúng sẽ làm hướng đạo cho mình. Nhưng này Phạm hiền đệ, tuy chúng trung thành thực, nhưng huynh đệ cũng phải cẩn thận lắm mới được.

Hoàng-Nghi dặn:

– Sư huynh sư tỷ cẩn thận như vậy cũng phải. Nhưng hai vị đừng quên rằng họ là người Chiêm, khó biết rằng họ trung thành với Hồng-thiết giáo hay với Chiêm. Nay chúng ta đem đạo quân mà gốc là người Chiêm đã là một điều nguy hiểm rồi, lại nữa chúng ta giả là quân của Đinh-kiếm-Thương bị thua, rút chạy về, là hai điều nguy hiểm. Vậy tốt hơn hết nhị vị đừng cho trang trưởng biết rằng chúng ta là đại quân của giáo chủ, mà cứ xưng là quân của Đinh-kiếm-Thương rút về bảo vệ Đồ-bàn.

Vợ chồng Lam kỳ chủ nhanh nhẹn vượt đỉnh núi xuống dưới trang. Trong khi Phạm-Dật cho đóng quân lại dưới chân núi Đắc-lăng chờ đợi. Hoàng-Nghi cho mời các kỳ chủ cùng Long-biên ngũ hùng đến một gốc cây bên bờ suối ngồi họp, bàn kế hoạch tập kích thành Đồ-bàn. Phạm-Dật lo lắng:

– Sao giờ này mà chúng ta chưa nhận được tin tức của phó giáo chủ đi thuyết phục Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh với Bố-bì Đà-na nhỉ? Lạ một điều, hàng ngày chúng ta đều nhận được thư của đoàn vượt Hải-vân vào giờ Mão, mà bây giờ là giờ Mùi rồi, cũng chưa thấy gì nhỉ?

Hoàng-Nghi cũng hơi phân vân, nó nói cứng:

– Ta cứ chờ một lát xem sao?

Nó mở tấm bản đồ sao lại của Đông-Thiên ra cùng các bạn bàn: đây, núi Đắc-lĩnh là chỗ này đây. Ta vượt qua đồng bằng Đắc-lăng thì tới Đồ-bàn. Còn đây là U-bặc. Cứ như lời ước hẹn, thì giờ này đạo vượt Hải-vân phải tới U-bặc rồi. Ta cứ ém quân chờ đợi, hôm nay là 24, ta tiến quân vào Đồ-bàn, và ngày 25 ta đánh thành.

Bỗng có tiếng chim ưng kêu, Phạm-Dật thở phào nhẹ nhõm, phất cờ gọi chúng xuống. Nó mở ống tre dưới chân chim ra xem; đó là lệnh của nguyên soái Thường-Kiệt:

«... Tin tế tác cho biết, phó giáo chủ cùng vợ chồng Trần-Bình, Võ-xuân-Loan đều bị Vũ-chương-Hào bắt giam. Ngũ sứ đều phản giáo chủ. Tuy nhiên giữa Chế-Củ với Chương-Hào, ngũ-sứ đã có sự nghi ngờ lẫn nhau. Trước kia toàn bộ binh mã Đồ-bàn do Chương-Hào thống lĩnh, các tướng chỉ huy ngự-lâmquân, kị binh đều là đệ tử của y. Nay Chế-Củ đặt đạo kị binh, ngự lâm quân trực thuộc hoàng đệ Chế-ma-Đa. Dưới tay Chương-Hào chỉ còn mấy hiệu bộ binh.

Đạo quân vượt Hải-vân hiện đang tiến về U-bặc, không gặp trở ngại gì. Hãy chỉnh bị binh mã để tiến về Đồ-bàn. Phải tối cẩn thận... »

Đến đó vợ chồng Lam kỳ chủ trở lại với một toán năm người Chiêm. Như đã ước hẹn trước, bọn Phạm-Dật không biết tiếng Chàm, nên chúng im lặng, chỉ có Kim-Loan, Kim-Liên giả trai tiếp xúc với họ mà thôi. Thoáng nhìn con mắt năm người đầy nghi ngờ, Hoàng-Nghi than thầm:

– Con mẹ nó! Không xong rồi! Dường như năm tên này biết mình giả trá đây.

Nghĩ vậy nó dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai Kim-Loan:

– Chị cả hỏi han chúng tình hình, để chúng khỏi nghi ngờ.

Kim-Loan nói tiếng Chàm:

– Trong năm vị, vị nào là quản giáo? Vị nào là đạo tưởng? Vị nào là trang trưởng?

Thấy Kim-Loan nói tiếng Chàm không chút vướng víu, lại tỏ ra rất đúng quy củ Hồng-thiết giáo: lớn nhất là quản giáo, rồi tới đạo trưởng, kế đến là trang trưởng. Bọn này đã bớt nghi ngờ. Một người đàn ông cổ quấn khăn hồng tự giới thiệu:

– Tôi tên Yan-chu-Bang là quản giáo. Dám hỏi: các vị thuộc đạo binh nào? Tại sao lại đi đường rừng về đây?

Kim-Loan đáp:

– Chúng tôi là quân bộ, trấn ở Nhật-lệ. Nhật-lệ thất thủ, thủy quân tan rã, nên chúng tôi phải đi đường rừng mà về.

– Thưa, trong các vị đây, vị nào có chức tước lớn nhất?

– Chẳng có ai lớn nhất cả. Chư tướng thất lạc, nên sau kỳ chủ Huyền, Lam, Xích đứng ra tụ tập tàn binh, rồi dẫn về đây mà thôi. Vậy các người phải chu cấp lương bổng cho chúng ta.

Yan-chu-Bang cau mày:

– Cách đây mấy ngày, chúng tiểu nhân được lệnh của tể tướng Lục-chương-Anh (Vũ-chương-Hào) rằng phải tra xét, đề phòng cẩn thận, vì sợ quân Đại-Việt băng rừng tiến công. Vậy xin các vị tạm đồn quân ở đây, để tiểu nhân cho ngựa phi về Đồ-bàn báo tin đã, rồi các vị hãy dẫn quân đi.

Kim-Loan gật đầu:

– Cũng được, nhưng các người phải cung ứng lương thảo đầy đủ cho chúng ta. Bây giờ ta để hai vị Xích kỳ chủ với ta cùng theo các vị về kinh để báo cáo quân tình một thể.

Yan-chu-Bang đồng ý. Y nói:

– Thế thì tiểu nhân đi với các vị.

Y chỉ mấy người đi theo:

– Vị này là Cao-Huy, đạo trưởng, vị này là Y-Bang trang trưởng. Hai người sẽ tiếp tế lương thảo cho các vị.

Vợ chồng Xích kỳ chủ, Phạm-Dật, Kim-Loan cùng lấy ngựa lên đường về Đồ-bàn với Yan-chu-Bang. Khi rời khỏi vùng núi đồi hơn hai mươi dặm, thì chim ưng đem thư đến cho Phạm-Dật. Nó mở thư ra, thì là thư của Hoàng-Nghi:

«... Giết chết tên Yan-chu-Bang, rồi trở về, nói rằng đã báo với Lục-chương-Anh. Nếu Cao-Huy hỏi Yan đâu, thì nói rằng y ở lại Đồ-bàn, mai về... »

Phạm-Dật xé thư vụn thành từng miếng nhỏ, rồi tung theo gió. Yan-chu-Bang hỏi:

– Thưa thượng quan, thư gì vậy?

Phạm-Dật rút kiếm đưa một nhát, đầu y rơi khỏi cổ. Vợ chồng Xích kỳ chủ kinh ngạc trố mắt nhìn. Dật giải thích cho y nghe. Ba người đem xác Yan vứt vào rừng, nghỉ ngơi đến chiều thì lên đường trở lại chân núi: xa xa, thấy toàn quân đóng dài thành một trại liên tiếp.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại