Muốn Dùng Đúng Cách Để Yêu Anh
Chương 10-3 Hoa liễu 3

Muốn Dùng Đúng Cách Để Yêu Anh

Chương 10-3 Hoa liễu 3

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chẳng bao lâu nữa là sẽ tới ngày Quốc khánh, Kinh Đại ngập tràn hương cúc, sắc đỏ tô thắm muôn nơi, gần như ngợp thành một trời màu đỏ. Dạ tiệc chào mừng tân sinh viên của trường thường tổ chức vào Quốc khánh. Nhắc đến dạ tiệc, Minh Tịnh lại nhớ tới cơn ác mộng tại lễ hội văn hóa năm ngoái. Cô từ chối lời mời của Ban Văn nghệ, bảo rằng mình có một người bạn học chuẩn bị tham gia thi đấu hùng biện, cần phải ở bên cổ vũ người ta.

Minh Tịnh cũng không nói dối. Hôm đó quả thực có một cuộc thi hùng biện, mà cô thực sự cũng có một người bạn học tham gia. Chỉ có điều người bạn học ấy là Hồ Nhã Lan, mà Hồ Nhã Lan chắc không cần cô cổ vũ.

Hồ Nhã Lan là thí sinh thứ sáu lên sân khấu. Cô nàng tựa như đã trải qua một lần lột xác, lúc trước thì là tiên nữ phiêu diêu thoát tục, bây giờ đột nhiên lại thành một nhà đấu tranh cho phong trào nữ quyền, lời lẽ sắc bén, tác phong mạnh mẽ. Bài dự thi của Hồ Nhãn Lan có chủ đề “Tôi tự hào tôi là sinh viên Kinh Đại". Cô nàng vung nắm tay diễn thuyết một hồi, toàn trường gần như sững sờ.

Nội dung bài thuyết trình của cô nàng đại khái như sau: Kinh Đại, một trường đại học danh tiếng hàng thế kỷ, có một vị trí quan trọng trong các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc. Mỗi sinh viên nhập học tại Kinh Đại đều là một con người xuất chúng trong số những bạn bè cùng trang lứa, con đường họ từng đi qua, cho dù chưa phải vạn dặm núi sông cũng là trèo đèo lội suối. Tuy nhiên, một số sinh viên Kinh Đại, đặc biệt là các bạn nữ, lại không lấy việc hoàn thiện bản thân làm mục đích, không nhận ra giá trị của mình, không định góp một viên gạch cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mà chỉ muốn sử dụng tấm bằng vàng lấp lánh của Kinh Đại như một bàn đạp để mở ra cánh cửa mới cho riêng mình, thông qua cánh cửa ấy mà kết giao với một số nhân vật thành đạt hoặc là con ông cháu cha. Những cô gái kia cầu mong chẳng làm mà hưởng, khát vọng trở mình từ chim sẻ thành phượng hoàng, háo hức diễn lại câu chuyện về nàng Lọ Lem. Thái độ này không chỉ sai lầm mà còn rất đáng xấu hổ, hơn nữa lại hủy hoại danh dự nhà trường. Một khi đã bước chân vào Kinh Đại, chúng ta cần phải ý thức được gánh nặng trên vai và sự kỳ vọng của mọi người. Cuộc đời chúng ta không thể hấp tấp vội vã như vậy. Chúng ta phải trân trọng và yêu thương chính mình, phải vì Kinh Đại mà nâng cao giá trị sống của bản thân.

Không có ai vỗ tay, mọi người đều nín thở. Hồ Nhã Lan đỏ mặt, ngẩng cao đầu, khí thế bước xuống tựa như một nữ anh hùng.

Đáng tiếc, Hồ Nhã Lan không được lọt vào vòng trong. Theo nhận xét từ phía ban giám khảo, tư tưởng trong bài phát biểu vừa rồi khá tốt, song nội dung triển khai thì vẫn còn nhiều lỗ hổng. Hùng biện không phải chỉ đơn thuần là phê phán và châm biếm, cũng không phải là mù quáng hô khẩu hiệu.

Hồ Nhã Lan đáp lại rằng cô ta tới đây tham gia thuyết trình không phải để nhận phần thưởng, mà chỉ đơn giản là không chấp nhận nổi cách sống của một số người nên muốn trình bày suy nghĩ của mình mà thôi.

Còn về chuyện đó là ai, thì đương nhiên không cần hỏi.

Lý Di Nhiên cười lạnh, nói với Minh Tịnh: “Hồi trước chẳng biết là ai vò võ theo đuổi Nghiêm Hạo như hoa si, bây giờ anh ấy là của em rồi thì lại thẹn quá hóa giận, tự mình dát vàng lên mặt rồi quay ra mỉa mai em. Trời ạ, sau này tuyệt đối đừng có làm việc với cô gái này, cô ta đúng thật chẳng biết xấu hổ là gì luôn."

Minh Tịnh mơ mơ hồ hồ đáp: “Chắc không phải đâu chị. Cậu ấy đang nói về đàn chị xinh đẹp kia đó, không phải em đâu. Em nào có quen biết mấy người thành đạt, con ông cháu cha lại càng chưa gặp ai bao giờ."

Trong lớp của Hồ Nhã Trúc có một nữ sinh vào Kinh Đại bằng năng khiếu nghệ thuật, được mệnh danh là người đẹp ngàn năm có một. Trước kia đạo diễn Vương Tinh từng nhận xét Lâm Thanh Hà là người đẹp năm mươi năm mới có một, nói một ngàn năm quả thật có hơi cường điệu, nhưng cũng đủ để hiểu cô nàng đẹp tới mức nào. Mỹ nữ này năm hai xuất ngoại du học, sau đó lập tức lọt vào mắt xanh của một ông lớn trong giới IT. Người đàn ông kia thuộc lớp trung niên, trước đây từng có một cuộc hôn nhân, con cái hình như cũng đã lớn tuổi, thế nhưng vẫn phát cuồng như độ còn trai tráng. Năm bốn mỹ nữ kết hôn cùng với đại gia, cách đây không lâu vừa sinh một vị thiên kim. Chuyện này dạo trước giống như một tảng đá làm dậy sóng cả Kinh Đại. Nữ sinh viên của trường trước kia cũng từng có những người cưới được chồng tốt, nhưng mà tốt đến mức ấy, tuổi lại cách xa như vậy thì cô nàng vẫn là người đầu tiên. Có người hâm mộ, có kẻ khinh bỉ, cũng có những người ghen tị, bàn ra tán vào đủ điều.

Minh Tịnh cảm thấy bài thuyết trình của Hồ Nhã Lan ngầm ám chỉ đàn chị này. Đối với những chuyện như thế, Minh Tịnh chẳng có nhận xét gì cả. Chu Tiểu Lượng từng nói, phụ nữ lấy đàn ông lớn tuổi chưa chắc đã chỉ vì tiền. Có những người phụ nữ bẩm sinh tôn thờ kẻ mạnh, cũng có những người muốn ngồi mát ăn bát vàng bởi vì họ yếu đuối từ trong xương tủy. Mỗi người đều có cách sống của riêng mình, không có gì gọi là đúng hay sai ở đây cả.

Lý Di Nhiên chỉ vào mặt Minh Tịnh, run giọng hỏi: “Sao em lại khờ thế hả!"

“Thông minh cũng đâu thể tùy tiện vơ vào mình được, em vẫn cần thể diện chứ!" Đây cũng đâu phải là chuyện vẻ vang gì.

Lý Di Nhiên bực bội đến độ muốn thét lên thật to. Có những việc ai cũng hiểu mà chẳng nói ra, nhưng mà giờ thì không thể không nói được: “Chị hỏi em, em có từng nghĩ tới gia cảnh nhà Nghiêm Hạo không?"

Minh Tịnh không ngừng chớp mắt, càng thấy mù mờ hơn trước: “Nghĩ đến chuyện ấy làm gì ạ? Em qua lại với học trưởng thì cũng đâu cần thêm một hai điều kiện phía trước, như là bố mẹ anh ấy lương được bao nhiêu một năm, nghề nghiệp chức danh là gì, nhà có bao nhiêu căn phòng này nọ, như thế cũng quá là ghê tởm rồi. Giống như hồi trước học trưởng mới quen em vậy, người ta bảo bố em có mỏ than đá với lại em là nhà giàu mới nổi các kiểu. Bọn họ bịa đặt đủ điều, nhưng mà học trưởng đâu có để ý, người anh ấy quan tâm là em chứ không phải em của nhà nào đó."

Lý Di Nhiên thấy Minh Tịnh lý lẽ hùng hồn như vậy, cũng từ từ bình tĩnh lại. Có lẽ đây cũng chính là lý do người Nghiêm Hạo thích là Minh Tịnh chứ không phải Hồ Nhã Lan, Chu Nhã Lan hay Lý Nhã Lan gì đấy. Minh Tịnh có tâm lý rất tích cực và một tính cách hồn nhiên trong sáng, cô nhóc đang nói những người ở tầm tuổi mình chỉ cần quan tâm đến tình cảm là đủ rồi, những thứ khác thì đâu có gì liên quan cơ chứ?

Minh Tịnh nói cũng chẳng sai, những toan tính kia quá kinh tởm và dung tục. Đổi sang một góc nhìn khác, gạt bỏ một số hào quang bên ngoài, Nghiêm Hạo chẳng qua cũng chỉ là một đàn anh lớn hơn cô vài tuổi thôi. Đàn anh phải lòng đàn em trong trường, một việc quá đỗi thường tình. Còn những chuyện sau này thì đều thuộc về tương lai, tương lai đâu ai nói trước được điều gì chứ!

Có những phẩm chất là trời sinh, cũng có một số dần dần hình thành do ảnh hưởng của gia đình. Một người như Minh Tịnh, thực sự đáng quý biết bao.

“Xin lỗi Minh Tịnh, chị nói sai rồi. Chắc là do bị Hồ Nhã Lan chọc tức đấy."

“Không sao đâu học tỷ. Hồ Nhã Lan ấy à, em thấy cậu ta chủ yếu là sợ bị người ta lãng quên, lúc nào cũng phải tìm cách khiến cho mọi người chú ý tới mình," Minh Tịnh dửng dưng nói.

Lý Di Nhiên vỗ tay: “Đúng rồi, kiểu như mấy minh tinh nhỏ xào scandal ý, nếu không thì chả ai nhớ nổi luôn."

“Đáng thương quá đi."

“Đáng buồn chết đi được ấy."

Hai người đập tay một cái, rồi lại nháy mắt với nhau, cùng phá lên cười.

“Giờ chị không đi chơi tiếp được đâu, phải tới thư viện đọc sách, còn trăm ngày nữa là đi thi rồi," Lý Di Nhiên buồn bực nói. “Em tìm Nghiêm Hạo đi đâu đó đi!"

“Học trưởng hôm nay có việc về nhà rồi ạ, em đến thư viện với chị."

Lý Di Nhiên xoa má Minh Tịnh: “Ngoan lắm!"

Khuôn viên Kinh Đại trong kỳ nghỉ so với thường ngày còn náo nhiệt hơn rất nhiều. Hội trường lớn, những con đường rợp bóng cây, sân bóng và cả hồ Hoa Anh Đào, nơi nào cũng đông đúc tấp nập, đầy ắp tiếng cười. Khi Lý Di Nhiên và Minh Tịnh đi dọc theo con đường mòn dẫn đến thư viện, họ trông nấy một bóng người kéo theo một chiếc vali lớn bước vội từ cổng trường vào.

“Học tỷ, chị bảo anh chàng kia đã nghỉ xong quay lại trường hay vừa bị lỡ tàu hỏa?" Minh Tịnh hỏi.

Lý Di Nhiên cận thị nhẹ, ngoài những lúc lên lớp ra thì rất hiếm khi đeo kính. Cô nheo nheo mắt, nói: “Hôm nay mới mùng bốn, làm gì có chuyện quay trở lại trường sớm vậy… Ủa? Sao chị cứ cảm thấy giống giống Nhan Hạo thế nhỉ?"

Minh Tịnh thậm chí còn chẳng quay đầu lại, cứ thế khẳng định chắc nịch: “Không phải là anh ta đâu, anh ta làm gì mà kín tiếng như vậy được."

Từ điển của Nhan Hạo quả thực không có hai chữ “kín tiếng". Chẳng qua là hôm nay Thượng Hải mưa to, máy bay cất cánh trễ mất ba tiếng. Sau khi ra khỏi sân bay bắt xe taxi, anh lại gặp đúng thời kỳ cao điểm của kỳ nghỉ lễ, đường cao tốc từ sân bay vào nội thành chật chội đến mức nghẹt thở, quãng đường bình thường di chuyển một tiếng thì nay phải bốn tiếng mới đi xong, khiến tâm trạng anh tụt dốc thảm hại.

“Nhan Hạo à?" Bác quản lý ký túc xá nghi hoặc hỏi. “Ối cha, bây giờ trông ra dáng phết nhỉ, bác xém không nhận ra đấy." Nhan Hạo hiện giờ mặc áo sơmi cùng quần tây tiêu chuẩn như một nhân viên văn phòng, bác nhìn có chút không quen.

“Đã lâu không gặp bác ạ." Mỗi lần từ Thượng Hải về Nhan Hạo đều biếu bác một ít đặc sản quê nhà, lần này cũng không ngoại lệ.

Bác quản lý cười cười, đưa tay ra nhận: “Hôm qua cháu gọi điện thoại tới, bác đã lên phòng quét dọn qua với mở cửa sổ cho thoáng khí rồi đấy. Chăn nệm cũng phơi phóng hết cả rồi, lát nữa chỉ cần sắp xếp lại tí là ngủ được ngay thôi."

“Làm phiền bác quá ạ."

Bác quản lý bỗng sực nhớ tới một chuyện, thò tay xuống ngăn kéo lấy một chiếc phong bì ra cho anh: “Hôm khai giảng có người đưa cái này cho bác, chắc là cô gái ấy gửi hả?"

Trông thấy đống hoa cỏ trên bao thư kia, Nhan Hạo vốn đã không vui thì giờ lại càng bực bội. Trời đất, cái bà cô Cao Tiểu Thanh này đúng là âm hồn không tan mà. Anh cáu kỉnh trả lời: “Đúng ạ!"

“Con bé sẽ không bỏ gì nguy hiểm vào trong đấy chứ?" Trong đầu bác quản lý bất chợt nảy ra bảy bảy bốn chín âm mưu thường thấy trên phim truyền hình.

Khóe miệng Nhan Hạo lạnh lẽo giật giật: “Cô ta không dám đâu!" Anh dùng đầu ngón tay vân vê, cảm thấy phong bì rất mỏng, hình như chỉ có một tờ giấy ở bên trong. Nhan Hạo xé mở nó ra, liền thấy một phiếu chuyển tiền, số tiền bằng đúng với tiền bồi thường Nhan Hạo đã gửi bố mẹ của Cao Tiểu Thanh.

Anh lật tờ phiếu, trông thấy mấy dòng chữ viết trên mặt sau.

Nếu như thời gian có thể quay ngược trở lại hôm khai giảng kia, tôi sẽ cầu nguyện ông trời không để tôi gặp phải anh ở chỗ tiếp đón sinh viên nhập học. Hôm nay các người coi thường tôi, ngay mai tôi sẽ khiến cho các người muốn trèo cao mà chẳng nổi!

Nhan Hạo đọc xong, cảm thấy nhức hết cả răng. Cái con người này trái tim phải mong manh cỡ nào thì mới có thể suy nghĩ xiên xẹo tới cái mức này cơ chứ, nói cứ như thể anh phụ bạc cô ta chẳng bằng. Nếu không phải vì Hồ Nhã Trúc thì anh còn chả biết Kinh Đại có một người như vậy. Hôm khai giảng năm ngoái anh chỉ chăm chăm đi tìm Nhóc Đen Minh Doanh Doanh kia, nào có để tâm tới ai. Đã ngoan ngoãn đến thế rồi mà còn tự rước họa vào người, đúng thực là cẩu huyết không tả nổi. Đã thế cô ta lại còn ấm ức phẫn uất, ca thán này nọ, dựa vào cái gì chứ? Người uất ức nhất phải là anh mới đúng nè! Giờ lại còn trả lại tiền cho anh là ý gì đây? Muốn vạch rõ ranh giới với anh hay sao? Ờ rồi càng tốt, dù sao anh cũng bị vốn bị oan mà. Cái gì mà hôm nay với chả ngày mai, loại phụ nữ này tốt nhất cả đời đừng có dính vào. Thảo nào Carlo Cipolla(5) vẫn thường nói những gã khờ còn nguy hiểm hơn phường trộm cướp. Người thông minh vẫn có thể lý giải được logic của hội ăn trộm ăn cắp bởi vì dù sao hành vi của chúng vẫn tuân theo một khuôn mẫu hợp lý nhất định, còn kẻ ngu xuẩn sẽ quấy rối ta không lý do ở một nơi không ngờ vào một lúc không tưởng được, chả có điều kiện, kế hoạch hay là quy luật gì sất. Chúng ta cũng chẳng thể sử dụng khuôn mẫu thông thường mà đoán định những tên dốt nát đó sẽ bắt đầu tấn công ta khi nào, như thế nào hoặc tại sao, bởi vì chúng đơn giản là không đi theo bất cứ quy tắc lý tính nào cả.

Chỉ có rời xa bọn chúng mới có thể được yên thân.

Nhan Hạo phẫn nộ xé tan phiếu gửi tiền thành từng mảnh, xong xuôi mới cảm giác thoải mái thư thả hơn chút.

“Không có chuyện gì chứ?" Bác quản lý vẫn cẩn thận nhìn mặt mà đoán ý anh.

“Thật sự là không có gì đâu ạ."

Bác quản lý vẫn chưa yên tâm, còn đi cùng anh lên gác: “Tòa nhà này năm nay có hơn bốn mươi nghiên cứu sinh mới chuyển vào, còn hội đang học năm ba hơn nửa đã dọn ra rồi."

“Nghiêm Hạo cũng đi rồi ạ?" Nhan Hạo lơ đãng hỏi.

“Nghiêm Hạo thì vẫn ở đây, sáng nay qua cửa vẫn chào bác đó. Tối hôm qua bác còn gặp bạn gái thằng bé cùng về lấy sách với nó, cô gái nhỏ lễ phép lắm, bảo gì cũng cười khúc khích."

Nhan Hạo cứ ngỡ rằng tai mình có vấn đề. Nghiêm Hạo sao có thể vẫn ở trong trường được chứ, chẳng phải cậu ta nên mau chóng sửa soạn hành lý để còn chuẩn bị ra nước ngoài hay sao? Đây vốn là chuyện đã được quyết định từ lâu rồi. Gia đình Nghiêm Hạo mới đầu cũng không tán thành, bọn họ hi vọng cậu ta sang các thành phố cơ sở công tác vài năm rồi trở lại Bắc Kinh, nhưng mà chí hướng của cậu ta lại chẳng ở đây. Cậu ta vẫn muốn có thành tựu nhất định trong việc học chuyên môn luật. Gia đình Nghiêm Hạo cũng coi như là dân chủ, cậu ta làm công tác tư tưởng xong thì họ cũng đành đồng ý. Kế hoạch ban đầu là Nghiêm Hạo sẽ lên đường vào năm học thứ ba này, sau đó có thể về nước bảo vệ luận văn tốt nghiệp rồi lại quay lại bên kia học tiếp vài năm, tùy theo sự sắp xếp của bản thân.

Nhan Hạo dây dưa đến tận giờ mới về trường, chủ yếu là không muốn chứng kiến cảnh chia ly của Nghiêm Hạo và Minh Tịnh. Cứ nhắc tới chuyện này là anh lại thấy phiền lòng, dù sao về cơ bản anh cũng là người thúc đẩy mối quan hệ của bọn họ. Bây giờ Nghiêm Hạo phải đi, Minh Tịnh sẽ rất đau lòng. Hai người bọn họ yêu xa, tám chín phần là sẽ chẳng đi tới đâu cả.

Chúng ta luôn luôn vô tình làm tổn thương những người chúng ta không muốn tổn thương, đây cũng là một loại tội ác.

Thế nhưng bây giờ Nghiêm Hạo không đi, không biết tại sao cảm giác tội lỗi trong lòng Nhan Hạo lại càng dữ dội hơn trước.

Thể xác mệt mỏi cực độ, Nhan Hạo không thể ngủ ngon, cho dù đã uống chút rượu thì vẫn chẳng chợp mắt nổi. Trái tim anh cuồng loạn đập như đàn ngựa đang tung vó. Khu ký túc của nghiên cứu sinh rất yên tĩnh, không biết do đã trưởng thành hay đọc sách đến mụ mị rồi mà chẳng mấy ai lớn tiếng hoặc ồn ào lúc nửa đêm, cho dù có trở về muộn thì họ cũng đều ráng bước thật khẽ, cố gắng không làm phiền đến người khác.

Bốn giờ sáng, Nhan Hạo vẫn còn ngồi nhìn chong chong ra ngoài cửa sổ. Chẳng bao lâu sau, những tia sáng đầu tiên từ phía đông rọi tới, dần dần xua tan bóng tối. 

Trời bắt đầu đổ mưa. Mưa thu lất phất bay bay, những chiếc lá ngô đồng rụng xuống theo từng hạt mưa, càng khiến cho khuôn viên trường thêm sầu úa.

Nhan Hạo gặp được Nghiêm Hạo và Minh Tịnh ở bể bơi của trường. Hiện giờ thời tiết đã bắt đầu trở lạnh, nhưng nước bể bơi vẫn chưa chuyển thành nước ấm cho nên hiếm người tới bơi. Minh Tịnh mặc một chiếc áo tắm cực kỳ bảo thủ, đến rốn cũng chẳng hở ra, ngay cả học sinh trung học giờ cũng chê thể loại đồ bơi lỗi mốt này. Song cô eo thon chân dài, nhìn tổng thể vẫn rất đẹp.

Kỳ này môn thể dục Minh Tịnh chọn bơi lội cho nên hàng tuần cô đều đến đây tập một hai buổi, khi mới xuống nước thì cũng cảm thấy hơi lạnh, nhưng bơi một lát là quen. Cô bơi rất khá, nhìn cũng hơi ra dáng một vận động viên chuyên nghiệp, có thể bơi liền một mạch ba vòng dọc bể.

Nghiêm Hạo không xuống bơi, chỉ ngồi một bên dùng laptop để lên mạng, cứ gõ chữ được một lúc là anh lại ngẩng đầu nhìn Minh Tịnh một lần. Khi cô lên bờ nghỉ ngơi, anh đứng dậy choàng khăn tắm quanh người cô, rót một chút nước từ bình giữ nhiệt cho cô uống, còn dặn dò cô uống chầm chậm thôi kẻo nóng. Góc anh đứng vừa lúc che khuất người cô, chặn hết tầm nhìn của những người khác xung quanh.

Nhan Hạo cảm giác sau một đêm thức trắng thân thể lại càng nặng nề, không lết nổi về phía trước.

“Hi, đến rồi à!" Nghiêm Hạo trông thấy Nhan Hạo, liền vẫy vẫy tay chào.

Nhan Hạo bước qua, Minh Tịnh hất mái tóc dài sũng nước, cười cười nhìn anh, cất tiếng gọi “học trưởng". Nhan Hạo xụ mặt: “Gọi anh Minh Minh đi."

Cô nghiêng đầu: “Gọi thế thì được cái gì?"

“Mẹ anh gửi đồ ăn cho em đấy, có muốn lấy không?"

“Thật á? Đậu phộng ngũ vị, đậu phụ xốt khô hay là bánh trung thu nhân thịt(6)?" Minh Tịnh kích động hỏi.

“Có hết."

“Á á, cô Lâm vạn tuế. Anh Minh Minh chờ tí, em đi thay quần áo." Không đợi Nhan Hạo đáp lời, Minh Tịnh đã phi như bay tới phòng thay đồ.

Nhan Hạo mở miệng chê bai, nhưng giọng điệu lại vô cùng thân mật: “Trông kìa, chả có tiền đồ gì hết, chỉ cho có xíu đồ ăn là đã hớn hở chạy theo người khác."

Khóe miệng Nghiêm Hạo chầm chậm cong lên, dùng bốn lạng đẩy ngàn cân: “Là do sức hút vô địch của cô Lâm đấy."

Nghiêm Hạo sao cứ phải tranh từng tấc đất một thế nhỉ! Nhan Hạo liếc mắt nhìn anh: “Tôi còn tưởng là cậu xuất ngoại rồi chứ."

Nghiêm Hạo khẽ “ừm" một tiếng: “Vẫn có mấy việc chưa xử lý xong, chắc là phải vài tháng nữa."

“Việc gì thế?" Đôi mắt Nhan Hạo sáng rực như đèn ô tô.

“Vẫn chưa quyết định được trường học cho Minh Tịnh."

Nhan Hạo bất chợt nheo mắt: “Cậu muốn đưa Minh Tịnh đi cùng à?"

“Ừ."

Nhan Hạo đột nhiên bật cười, tựa như gió mát trăng thanh: “Nghiêm Hạo, chúng ta cá cược đi, cá xem cậu có thể đưa Minh Tịnh đi không. Nói thật nhé, tôi thấy mình thắng chắc rồi."

Khuôn mặt Nghiêm Hạo vẫn không biểu cảm như thường lệ, chỉ có đôi mắt là sâu thẳm không thấy đáy.

“Tôi thì không nghĩ vậy đâu," anh trầm giọng nói.
(5) Carlo M. Cipolla: Nhà sử học, kinh tế học người Ý, tác giả cuốn sách “Những quy luật cơ bản về sự ngu ngốc của con người".

(6) Đậu phộng ngũ vị, đậu phụ xốt khô, bánh trung thu nhân thịt: Các món ăn vặt Trung Quốc.

Tác giả : Lâm Địch Nhi
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại