Mười Năm

Chương 66: Dấu chân lang bạt

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Thỉnh thoảng Đại Chu sẽ đi công tác đóng phim, hôm nào lưu lại Tây An thì Mạnh Tiểu Kinh sẽ đến nhà anh học diễn xuất, còn không bình thường cậu sẽ tập luyện vào buổi tối ở nhà.

Mạnh Tiểu Kinh mượn vài bộ đồ diễn ở trong đoàn kịch, nhốt bản thân trong phòng nhỏ, trước gương nói lẩm bà lẩm bẩm, xem xét chỉnh sửa cách đọc lời thoại và biểu diễn, sắp tẩu hỏa nhập ma tới nơi. Cậu còn mượn một đôi giày ba lê nam, hàng ngày mặc quần đen bó sát, duỗi một chân lên máy sưởi hơi bên bàn cơm ở phòng khách, kéo chân, luyện cho cơ thể dẻo dai và chân tay nhịp nhàng linh hoạt.

Mạnh Tiểu Bắc đeo bảng vẽ về nhà, vào cửa phòng khách, bật cười từ sau đi qua: “Trời ơi, Mạnh Tiểu Kinh, mày mặc quần nữ à!"

Mạnh Tiểu Kinh đang bắt một chân trên ống dẫn của máy sưởi, chăm chỉ tập trung duỗi chân, quay đầu liếc Mạnh Tiểu Bắc một cái: “Sao lại là của nữ? Trong lớp hình thể, diễn viên chúng em đều mặc cái này đó."

Mạnh Tiểu Bắc kêu: “Lại còn diễn viên nữa chứ… Con trai trường nghệ thuật bọn mày, đúng là một đám yêu tinh nam không ra nam nữ không ra nữ! Thư sinh bơ Đường Quốc Cường…" (149)

149. Nguyên gốc là 奶油小生, câu này có nguồn gốc từ những năm 80. Lúc đó, Trần Xung và Đường Quốc Cường cùng nhau chụp “Công chúa Khổng tước". Đường Quốc Cường thanh tú tuấn tú, lại có bộ dáng giống thư sinh trẻ tuổi, hơn nữa diễn vai hoàng tử, nên càng ra dáng “không nhiễm bụi trần". Bởi thích ăn bơ nên Trần Xung gọi Đường Quốc Cường là “奶油小生" – mình dịch là “thư sinh bơ."





Mạnh Tiểu Kinh mặc áo phông màu trắng, quần dệt kim màu đen ôm trọn đôi chân khỏe đẹp, phía cuối ống quần còn có đường vòng xuống để đỡ lấy lòng bàn chân, là kiểu quần rất thịnh hành trong những năm đó, gọi là “quần giẫm gót"! Mạnh Tiểu Bắc thấy lạ nên ngó thằng em mình vài lần. Quần bó sát tôn lên đôi chân dài, làm lộ ra đường cong đẹp đẽ duyên dáng, song bởi quá bó nên cũng làm lộ rõ hình dáng lồi ra của nơi đó.

Mạnh Tiểu Bắc nhún vai bật cười, nói với giọng lưu manh: “Mạnh Tiểu Kinh, mày chẳng giống hồi còn bé gì sất, chim cũng to ra phết, cái này là không có giống đàn bà con gái đâu nè."

Mạnh Tiểu Kinh dõi theo tầm mắt của Tiểu Bắc cúi đầu, vội vàng che đi: “Anh nói bậy bạ cái gì đó?!"

Mạnh Tiểu Bắc di chuyển ra sau: “Nhìn từ phía sau, mông mày cũng không nhỏ đâu, trong đám đàn ông mông mày chắc chắn cong mẩy rắn chắc hơn đó!"

Mạnh Tiểu Kinh liếc mắt nhìn Tiểu Bắc, tức giận: “Anh nhìn đã chưa? Đi mà nhìn người của anh ấy, nhìn em làm cái mẹ gì?"

Mạnh Tiểu Bắc cười xấu xa, trêu: “Rành rành bọn mày cố tình ăn mặc lả lướt như vậy để biểu diễn, cơ thể lồ lộ như thế này mà mày cũng không thấy ngại!…"

Vài ngày sau, Mạnh Tiểu Bắc lại từ Học viện Mỹ thuật về, vừa vào nhà đã thấy Nhiếp Hủy. Nhiếp Hủy ngoan ngoãn ngồi ở ghế sô pha nhà bọn họ, cắn hạt dưa, nói chuyện với Mã Bảo Thuần.

Nhiếp Hủy và Mạnh Tiểu Kinh giận dỗi nhau còn chưa được mấy ngày, cô bé đã không kìm được chủ động chạy tới nhà Tiểu Kinh. Cô thật lòng thật dạ thích Mạnh Tiểu Kinh, hơn nữa đến đây nhiều dần dần thành thân quen, trước đó chẳng cần chào hỏi, thẳng thắn tự nhiên, không mảy may ngại ngùng xấu hổ.

Con gái nhà người ta đã đến tận nơi rồi thì người làm mẹ cũng nên tự mình tiếp đón. Mã Bảo Thuần khách sáo cười nói: “Uống nước hoa quả nhé! Nhà cô chẳng có cái gì ngon, chắc cháu cũng không thích."

Nhiếp Hủy cười ngọt như mía lùi, mọi khi cô bé cũng chẳng bao giờ bày ra bộ dáng phách lối làm mình làm mẩy của thiên kim tiểu thư nhà giàu: “Cô à, cô tốt quá! Cháu thích ăn đào này nhất đó ạ!"

Mạnh Tiểu Kinh nói: “Mẹ, mẹ đưa bạn ấy cái gì chắc chắn bạn ấy sẽ thích ăn thích uống cái đó. Chứ thường ngày ở nhà bạn ấy, cái gì cũng chẳng thèm ăn, kén ăn lắm ấy, bạn ấy đang giảm cân mà."

Nhiếp Hủy sẵng giọng: “Bực cậu ghê ấy! Sao lại nói tớ như vậy!!!"

Ở trong phòng, Mạnh Kiến Dân cũng trách: “Mạnh Tiểu Kinh, con đừng làm xấu mặt người ta thế chứ."

Mạnh Tiểu Bắc vào phòng, cà lơ phất phơ cởi giầy, tóc mái rối tung cực ngầu, ôm đi vài quả đào to bự: “Không ăn ha? Bọn mi không ăn thì ông ăn!"

Nhiếp Hủy cười nói: “Mạnh Tiểu Bắc, cậu qua đây vẽ cho tớ một bức chân dung!"

Mạnh Tiểu Bắc: “Tiểu thư, tiểu thư tự đến tiệm mà chụp ảnh chụp chân dung ha!"

Nhiếp Hủy nói: “Tớ làm người mẫu miễn phí cho cậu, tớ xinh đẹp thế này cơ mà! Người khác mời tớ mà tớ còn chẳng thèm kìa."

Mạnh Tiểu Bắc híp mắt cười, quay mặt hỏi thằng em: “Mạnh Tiểu Kinh, vậy tao vẽ cho em dâu một bức phác họa chân dung chính diện nửa người… mặc quần áo! Mày không có ý kiến gì thì tao vẽ nhé?"

Mạnh Tiểu Kinh trừng mắt với Mạnh Tiểu Bắc, Mã Bảo Thuần nhíu mày: “Không được gọi lung tung."

Nhiếp Hủy cong cong đôi môi anh đào, mỉm cười ăn đào, cũng chẳng hề phản bác hai chữ “em dâu", không ngại ngùng xấu hổ tẹo nào. Chí ít thì Mạnh Tiểu Bắc cũng ở phe cô.

Buổi tối, trên bàn cơm ngoài bốn người ăn còn có thêm Nhiếp Hủy.

Mạnh Tiểu Bắc cười nhạo: “Nhiếp Hủy, cậu là người duy nhất khen mẹ tớ nấu ăn vô cùng, vô cùng, vô cùng ngon! Cậu thật lòng khen hử? Cậu khen mà không đỏ mặt hử? Cậu không thấy mọi người trong nhà đỏ mặt hết rồi nè!!!"

Trên bàn cơm, mọi người đều bật cười.

Nhiếp Hủy ăn một bát mì thịt thái to, chớp chớp đôi mắt to, gật mạnh đầu: “Thật sự ngon hơn mẹ tớ nấu! Các cậu còn chưa từng ăn đồ mẹ tớ nấu đâu!"

Sau khi ăn cơm xong, Mạnh Tiểu Bắc chiếm dụng phòng nhỏ, dưới đèn vẽ vời.

Mạnh Tiểu Kinh không có chỗ tập luyện, hơi khó chịu trong lòng, bởi vậy đành phải lấy phòng của cha mẹ. Cuối cùng, Mạnh Kiến Dân và Mã Bảo Thuần, hai vợ chồng ngồi đối diện ở bàn cơm, mắt to mắt nhỏ trừng nhau, coi hai thằng con đang nỗ lực cố gắng hết sức để thay đổi vận mệnh. Nhiếp Hủy ở trong phòng to, đóng cửa phòng, cùng Mạnh Tiểu Kinh luyện tập đọc diễn cảm và đóng tiểu phẩm trong cuộc thi năng khiếu.

Ở bên ngoài cửa nghe thấy tiếng Mạnh Tiểu Kinh thỉnh thoảng đọc sai lời kịch, buồn chán quẳng quyển kịch bản, đi tới đi lui, rồi được Nhiếp Hủy an ủi. Bởi một đoạn kịch khóc lóc nào đó mà hai người tranh luận kịch liệt với nhau. Mạnh Tiểu Kinh đối mặt với cái gương to ở tủ quần áo khóc mấy lần liền song chẳng lần nào hài lòng. Có lẽ do nhập tâm quá sâu nên cậu rơi vào trong sự đau buồn bi thương, kìm nén nức nở. Gần cửa ai cũng nghe thấy hơi thở nghẹn ngào của Mạnh Tiểu Kinh, lồng ngực phập phồng, giọng nói khàn khàn trút hết thảy nỗi đau đớn muộn phiền trong lòng, chẳng còn phân biệt nổi đâu là kịch đâu là thực…

Khuya lúc về phòng, Mạnh Tiểu Kinh vừa vào đã nhìn thấy mặt đất đầy những giấy vệ sinh lấm lem thuốc màu, mực đen, tức khắc cậu sầm mặt, lộ vẻ bực bội chán ghét.

Từng viên từng viên giấy vệ sinh vo tròn mọc lên như nấm!

Từng chút từng chút mâu thuẫn nhỏ bé tích tụ dần, bén lửa bùng nổ vào ngày hôm đó.

Hai anh em ở chung phòng, vấn đề dễ nảy sinh nhất chính là ở thói quen vệ sinh cùng thời gian làm việc nghỉ ngơi. Mạnh Tiểu Bắc là cú đêm, suốt ngày chong đèn thâu đêm, bởi tới tận đêm khuya linh cảm của cậu mới bắt đầu điên cuồng bùng nổ, lúc đó lên phân cảnh kịch bản vẽ mới tốt nhất. Song Mạnh Tiểu Kinh thì lại thuộc tuýp người ngủ sớm dậy sớm, sáng tinh mơ đã dậy chạy luyện công, cất giọng luyện thanh, ngâm nga lời kịch của tiểu phẩm.

Mạnh Tiểu Kinh nói: “Mạnh Tiểu Bắc, anh sống gọn gàng ngăn nắp một tí không được à?!"

Mạnh Tiểu Bắc miệt mài cúi đầu: “Bận bỏ xừ đi được ấy."

“Vậy em không bận?", Mạnh Tiểu Kinh nói: “Khắp nền đất thì là giấy mực, khắp tường thì là vết mực, anh quét qua không được à? Em ở một mình bao nhiêu năm cũng chưa bao giờ vừa bẩn vừa bừa như này đâu, anh vừa về cái là anh đã chiếm luôn phòng."

Buổi sáng Mạnh Tiểu Bắc cũng bị đánh thức bởi tiếng luyện giọng của Mạnh Tiểu Kinh, trong lòng cũng nghẹn tức nghẹn bực: “Ông đây không vẩy mực lên chỗ tường đầu giường với ga giường của mày là tốt lắm rồi! Đừng có chửi tao."

Mạnh Tiểu Kinh cầm chổi rơm quét toàn bộ rác rưởi ra khỏi phòng, Mạnh Tiểu Bắc nói mày quét hết bản thảo của tao đi rồi! Mạnh Tiểu Kinh nói sao em biết tờ nào là bản thảo tờ nào là giấy bỏ đi, mấy thứ này em coi là giấy vụn tất.

Mạnh Tiểu Bắc cáu tới mức ném luôn bút máy… Ngòi bút của cây bút sắt loại tốt ngay lập tức tẽ ra. Mạnh Tiểu Bắc bừng bừng lửa giận nói, mẹ nó, ở chung với cái thằng như con gái suốt ngày lèo nhèo càm ràm đúng là quá phiền! Thôi ông đây cuốn xéo nhanh nhanh nhường lại chỗ cho đại minh tinh trong tương lai, hẵng còn chưa đậu Học viện Hý kịch Trung ương mà đã kiêu căng lớn lối hơn cả Khương Văn rồi đấy! (150)

150. Khương Văn là một nhà làm phim của điện ảnh Trung Quốc. Bắt đầu sự nghiệp trong vai trò diễn viên, Khương Văn được biết tới qua nhiều vai diễn nổi bật trong các phim điện ảnh như Cao lương đỏ, Ba chị em họ Tống hay phim truyền hình như Người Bắc Kinh ở New York (Theo Wiki):



Mạnh Tiểu Kinh nói, sau này ai có thể ở với loại người lôi thôi bừa bãi như anh cơ chứ, ai mà chịu nổi cái tính cách nghệ sĩ của anh?

Đôi bên cãi nhau toàn bởi những chuyện vụn vặt, cũng bởi áp lực quá lớn, nhìn thấy khuôn mặt đối phương không hiểu sao đã thấy ghét.

Thi năng khiếu khó khăn vất vả, bài vở thi đại học cũng nặng nề chồng chất, khát vọng muốn được ở trong đội quân đông nghìn nghịt bừng bừng khí thế hướng về Bắc Kinh cũng chính là áp lực nặng nề đè lên đầu, lên bả vai gầy của họ. Năm đó, những thí sinh phổ thông chỉ cần sẵn sàng tinh thần, gắng sức nỗ lực chiến đấu với bài vở trong lớp, chẳng cần lo nghĩ bất kỳ điều gì khác, tập trung tinh thần. Song với Mạnh Tiểu Kinh và Mạnh Tiểu Bắc, họ phải đối mặt với đủ mọi chướng ngại vật bất ngờ trên con đường tương lai, tất cả dồn nén lại, biến thành sự giày vò tra tấn khắc cốt ghi tâm, đậm sâu nhất trong tinh thần, cơ thể bọn họ. Mệt mỏi cực nhọc, thâu đêm suốt sáng, cứ lặp đi lặp lại, đến ngủ cũng chẳng yên. Nếu rủi cuộc thi năng khiếu không xong thì toàn bộ hy vọng cuối cùng sẽ đặt hết ở kỳ thi đại học, song Mạnh Tiểu Bắc làm sao có thể đạt được thành tích đạt 300, 400 điểm thi văn hóa, làm sao có thể thi đỗ đến Bắc Kinh? Lấy mặt mũi đâu để đi gặp cha nhỏ nữa đây?

Con cái nhà người khác, mỗi ngày thi đua với bạn học trên trường, về tới nhà là nhào vào vòng tay ấm áp của cha mẹ, tận hưởng sự quan tâm săn sóc từ hậu phương vững chãi là gia đình. Song hai anh em Mạnh Tiểu Bắc hoàn toàn ngược lại. Trong trường bọn họ, chẳng có ai cạnh tranh với hai anh em họ trong cuộc thi năng khiếu. Trong toàn tỉnh, toàn nước, họ là những thí sinh thi sớm nhất, bước vào cuộc thi năng khiếu trước kỳ thi đại học, gian nan vật lộn cạnh tranh để trở thành người trúng tuyển trong cuộc thi với chỉ tiêu chưa tới 5%. Áp lực trong lòng phơi bày rõ ràng và chân thực nhất chính là khi ở nhà. Hai anh em cùng chung một ổ, phân tài so bì với nhau, không ai muốn bị vận mệnh vứt bỏ một lần nữa.

Ai cũng không muốn trở thành “Mạnh Kiến Dân" thứ hai.

Giờ đây, Mạnh Tiểu Kinh cũng khỏi cần trách móc, oán giận chuyện năm đó trong hai anh em, Mạnh Tiểu Bắc đã cướp đi cơ hội vốn dĩ có thể thuộc về cậu nữa. Tựa như hai người một lần nữa quay lại thời điểm lúc mới sinh ra, ở trong thung lũng, cùng đứng trước vạch xuất phát, tự dựa vào năng lực của chính bản thân mình mà bứt lên!



Gần như ngày nào Nhiếp Hủy cũng đến nhà bọn họ, ban ngày cãi nhau xong với Mạnh Tiểu Kinh về chuyện đi Bắc Kinh hay ở lại Tây An, đến ban tối lại chạy qua giúp Mạnh Tiểu Kinh chuẩn bị cuộc thi.

Một buổi tối nọ, Mạnh Tiểu Bắc ở trong phòng nghe thấy cuộc trò chuyện giữa cha cậu và Mạnh Tiểu Kinh về Nhiếp Hủy.

Bởi bệnh tật nên Mạnh Kiến Dân rất ít khi về nhà máy Tây Câu, cả năm nay, phần lớn thời gian ông ở trong nhà tĩnh dưỡng, bình thường nửa nằm nửa ngồi, dựa người trên giường đọc sách, dù chẳng nói gì nhiều nhưng thực ra lòng sáng như gương, bất kỳ hành động, biến chuyển gì dù nhỏ nhất của hai anh em, ông đều nhìn thấy hết, biết hết. Trước giờ, Mạnh Kiến Dân chưa từng hỏi chuyện yêu đương nam nữ của thằng lớn, song thái độ của ông với thằng thứ lại hoàn toàn khác. Mạnh Tiểu Kinh là đứa con ông yêu quý thân thiết nhất, do một tay ông nuôi lớn chăm bẵm, ông không thể giương mắt nhìn con mình đi sai đường lạc lối.

Mạnh Kiến Dân nói: “Mạnh Tiểu Kinh, chuyện con học lớp 12 mà yêu đương cha không cấm đoán, cha cũng không bảo thủ như vậy, song có một chuyện cha thực sự chưa yên tâm về con, cha nhất định phải can thiệp, hỏi cho rõ ràng… Con thật lòng thật dạ yêu Nhiếp Hủy chứ hả?"

“Cha không phải loại người tự ti coi thường chính mình hay tư tưởng cổ hủ, song… Khoảng cách giữa nhà người ta với nhà mình lớn cỡ nào, Mạnh Tiểu Kinh con đã mười tám tuổi rồi, con ắt hiểu mấy chuyện này."

Mạnh Tiểu Kinh chau mày, bực bội khó chịu, ánh mắt buồn bã: “Ý cha là nhà mình với nhà bạn ấy không môn đăng hộ đối ấy ạ."

Mã Bảo Thuần hỏi: “Rốt cục mẹ Nhiếp Hủy làm gì?"

Mạnh Tiểu Kinh nói: “… Lãnh đạo cơ quan nào đó trong tỉnh."

Mã Bảo Thuần sửng sốt: “… Thật sự không phải dạng chân lấm tay bùn như cha mẹ, quá mơ hồ, không có gì chắc chắn cả! Đúng là chuyện tình ẩu tả mù quáng của hai đứa trẻ con!"

Mạnh Tiểu Kinh: “Nhiếp Hủy có gì không tốt sao?"

Mạnh Kiến Dân nghiêm túc nói: “Không có gì không tốt, theo cha nhìn nhận thì cha cảm thấy Nhiếp Hủy thực sự rất tốt! Xinh đẹp, tính tình phóng khoáng thẳng thắn không làm mình làm mẩy nhõng nhẽo ưỡn ẹo, hoàn toàn không ra vẻ vênh vang của đám con cái nhà giàu có lắm tiền, vui vẻ đến nhà chúng ta, lễ phép với cha mẹ, mỗi lần đến còn cầm hoa quả, thực phẩm bổ dưỡng, chẳng bao giờ tới tay không… Cô bé này thực sự rất tốt!"

“Chỉ là, cha thấy một cô bé có điều kiện tốt như vậy, không đáng bị lỡ dở, con đừng có làm bậy làm bạ. Mạnh Tiểu Kinh, con quen Nhiếp Hủy là do con thật lòng thích hay bởi vì thứ khác, điều kiện khác của nó?"

Câu nói này chọc đúng đến chỗ đau nhất của Mạnh Tiểu Kinh.

Vì sao cậu muốn quen Nhiếp Hủy? Cậu có thích cô không? Có yêu cô không? Yêu nhiều tới chừng nào?

Chính bản thân cậu cũng đã trăn trở tự hỏi bản thân không biết bao nhiêu lần.

Mạnh Tiểu Kinh rũ mắt, trầm mặc thật lâu rồi nói: “Sao con lại không thể? Mạnh Tiểu Bắc anh ấy không quen người có tiền đấy chắc."

Mạnh Kiến Dân: “Con nói cái gì?"

Mạnh Tiểu Bắc nghe thấy, ở trong phòng đặt bút xuống, đứng mạnh dậy.

Mạnh Tiểu Bắc chạy nhanh tới phòng lớn. Nếu trong tay cậu mà có viên gạch thì cậu muốn đánh người.

Ở trong phòng, Mạnh Kiến Dân nói, Mạnh Tiểu Bắc không giống vậy, hoàn cảnh của Thiếu Đường hoàn toàn khác! Đó là người mà Mạnh Tiểu Bắc nhận làm cha nuôi từ nhỏ, là cha! Hơn nữa hai nhà cùng chung hoạn nạn, từng ấy năm trời cùng trải qua biết bao gian khổ bão tố, hiểu rõ nhau tới tường tận. Còn con, trước khi con muốn thi vào trường Học viện Hý kịch Trung ương vài tháng lại quen con gái nhà có thế lực danh tiếng, đó là người yêu con! Này là làm sao?

Ở cửa phòng Mạnh Tiểu Bắc nói một câu: “Cha, đừng có lôi con với cha nhỏ vào, liên quan gì tới Thiếu Đường cơ chứ?"

Mạnh Tiểu Kinh giương mắt nhìn người thân trong phòng, đôi mắt sâu sắc rực sáng, hốt nhiên trong ánh mắt bừng lên thứ cảm xúc mà Mạnh Tiểu Bắc chưa bao giờ nhìn thấy. Mạnh Tiểu Kinh nói: “Có gì mà không giống? Cha của Mạnh Tiểu Bắc thì được gọi là “cùng chung hoạn nạn", còn con thì lại gọi là “thấy người sang bắt quàng làm họ"?… Con hám tiền hám của lắm chắc? Con ăn bám đào mỏ chắc?… Mọi người không công bằng với con gì hết!"

Mạnh Kiến Dân nói thấu tình đạt lý: “Không phải cha muốn cấm cản gì con. Cha chỉ hy vọng, người mà con quen là người mà con thực sự thích, hai nhà môn đăng hộ đối, tương lai có thể ở bên nhau, cùng sát cánh kề vai trải qua bão tố sóng gió, hoạn nạn có nhau, giống như cha và mẹ con vậy."

Mạnh Kiến Dân thương yêu quý trọng đứa con này, nên mới nói thẳng thắn như vậy. Ông sợ Mạnh Tiểu Kinh không tỉnh táo, xúc động nhất thời muốn đi “đường tắt" mà nhầm đường lạc lối, đi tong sự trong sạch một đời!

Mạnh Tiểu Bắc giỡn trêu giảng hòa: “Cha, con thấy Mạnh Tiểu Kinh và Nhiếp Hủy rất xứng đôi vừa lứa, cớ gì cha lại phản đối? Muốn giơ tay biểu quyết không? Con bỏ một phiếu cho hai đứa chúng nó!"

“Không cần anh bỏ!", mặt Mạnh Tiểu Kinh lạnh căm, nói giễu: “Không giống nhau cái gì? Có phải đều không vì hám lợi đâu."

“Chí ít con và Nhiếp Hủy còn có tình cảm, con rất thích cô ấy. Lúc đầu cha bắt Mạnh Tiểu Bắc nhận Thiếu Đường – con em cán bộ làm cha nuôi, cha làm vậy lẽ nào vì cha thật lòng với Thiếu Đường sao? Cha làm vậy vì cái gì? Chẳng phải vì cha muốn dựa hơi con em cán bộ Bắc Kinh để trải đường cho Mạnh Tiểu Bắc, giúp anh ấy có tương lai tươi sáng hay sao? Cha giúp Mạnh Tiểu Bắc như nào, đó là chuyện của cha, con không xen vào, từng ấy năm nay con có nhắc tới chuyện này không?!… Đường con con tự mình đi, con không dựa vào bất kỳ ai."

Vành mắt Mạnh Tiểu Kinh đỏ bừng.

Mạnh Tiểu Bắc hơi sửng sốt, lập tức sửa lời Mạnh Tiểu Kinh: “Mạnh Tiểu Kinh, đường tao tao cũng tự mình đi, tao cũng không dựa dẫm ỷ vào ai, tao cũng chẳng ăn bám đào mỏ cha nhỏ. Tương lai sau này đi tới đâu cũng đều dựa vào bản lĩnh của tao."

Mạnh Tiểu Bắc nói xong, quay người trở về phòng thu dọn đồ đạc.

Một nửa kỳ nghỉ đông sau, Mạnh Tiểu Bắc rúc tạm ở trong Học viện Mỹ thuật Tây An, không về nhà.

Cậu xin một chỗ ngủ nhờ của anh em bên trong Học viện Mỹ thuật, cứ ở lại ký túc xá của người ta, ban ngày buổi tối đều đều lên lớp, học lớp phụ đạo năng khiếu, chuẩn bị một số tác phẩm đã trúng tuyển để tham khảo, không muốn về nhà.

Hồi ấy, nhà lầu ký túc xá của Học viện Mỹ thuật vẫn là mấy khu nhà cũ, đã vào mùa đông một thời gian rồi song hệ thống sưởi hơi của những học sinh ở lại vẫn không hoạt động. Đường ống trục trặc không nóng, ngày nghỉ cũng chẳng ai sửa, trong trường hoang vắng tiêu điều.

Đông năm ấy, vào buổi tối một ngày lạnh nhất ở Tây An, cái lạnh căm căm bao phủ đất trời, gió to nổi lên, nhiệt độ đột ngột giảm xuống âm mười mấy độ.

Buổi tối, quả thật lạnh đến không thể chịu đựng được, Mạnh Tiểu Bắc chạy đến cổng trường mua hai túi sưởi cao su. Ở ngoài trường có cửa hàng bán vụn bánh mì chan canh thịt cừu và súp tiêu nóng, cậu dùng bình giữ nhiệt múc một bình canh thịt cừu nóng hổi mang về ký túc. Cậu uống cạn sạch canh nóng, ngay cả váng dầu cũng liếm trơn trọi, tới lúc đó cậu mới cảm thấy máu trong người dần lưu thông lại! Trong túi chườm nóng là nước sôi, cậu nhét vào trong chăn của mình, bên trái bên phải, ôm hai túi chườm nóng ngủ.

Góc giường chồng một đống tác phẩm cậu luyện bút, một chồng phác họa, một chồng tranh nước, một chồng tranh bút máy, một chồng kí họa, một chồng bản vẽ xây dựng.

Cậu ở trong ký túc xá thức trắng đêm bật đèn nhỏ, ngủ trên giường dưới của một anh em cũng đang phấn đấu chuẩn bị thi, thức đêm rúc trên giường học thuộc lòng lịch sử Mỹ thuật.

Mạnh Tiểu Bắc ôm túi chườm nóng trong lòng, nằm ngửa mặt ở trong ổ chăn, rên lên: “Hừ hừ… Ông đây sắp đông lạnh thành một đầu tượng thạch cao hải tặc rồi!"

Anh em giường dưới cười nói: “Haha, Mạnh Tiểu Bắc, mày đẹp trai như vậy, mày mà đông thành tượng thạch cao thì thể nào cũng là tượng Giuliano de’ Medici ha!" (151)

151. Tượng Giuliano de’ Medici:





“Mẹ nó, đừng có làm màu nữa đi." Một người nằm ở giường trên, phía đối diện nói, ở trong ổ chăn hàm răng va vào nhau lập cập: “Phòng chúng ta có sáu người, rõ ràng là một phòng Les Bourgeois de Calais (152), mới qua một năm đã chuẩn bị anh dũng hy sinh hết lượt!"

152. Les Bourgeois de Calais (Những người dân của Calais): tác phẩm điêu khắc của Auguste Rodinm thể hiện sự tưởng nhớ đến sáu người đàn ông đã sẵn sàng chấp nhận cái chết để giải phóng thị trấn Calais của Pháp, dưới sự bao vây bởi vua Edward III của nước Anh trong cuộc “Chiến tranh Trăm năm". Tác phẩm điêu khắc này tạo quan điểm của Rodin về ý nghĩa của người anh hùng trong thời gian chiến tranh. (Theo Wiki)



Sáu người trong phòng ký túc cười to, ván giường kẽo kẹt rung lên, trong khổ tìm vui.

Cửa sổ thủy tinh bị sương mù che lấp, trong bóng đêm, đối diện tòa ký túc xá lấp lóe ánh sáng rực rỡ của ngọn đèn. Giữa đêm đông lạnh giá, ánh đèn và lòng người rúng động xốn xang…

Ban ngày, trong phòng học rất nhỏ có tất thảy sáu mươi học sinh chen nhau đứng, ngồi, các thí sinh thi năng khiếu của toàn tỉnh đều đến Học viện Mỹ thuật Tây An học.

Nửa người Mạnh Tiểu Bắc dựa vào tường, nghiêng người ngồi trên cái ghế đẩu cao, trước mắt là giá vẽ, trang giấy, giữa những ngón tay đông cứng đỏ bừng là tuýp thuốc màu. Cậu bọc một cái chai nhựa đựng nước sôi trong quần áo, như vậy sẽ ấm hơn một chút. Vẽ màu nước tĩnh vật liền hai giờ đồng hồ, tới lúc cuối, vô số màu sắc của quả táo và chuối không ngừng bập bùng lay động trước mắt cậu. Táo màu tím, chuối màu xanh lá, cậu coi chính mình như Van Gogh tự cắt tai mình, ngồi trên chiếc ghế cao cao, nhìn xuống thế gian.

Có thí sinh không thể chịu được sự áp lực trước những ngày thi, bật khóc với giảng viên, xé bức tranh màu nước mới vẽ được một nửa xuống, biến nó thành giấy xì mũi.

Trong phòng cấp nước, có người choàng ga giặt quần áo, có người bật khóc, có người ngẩn người đờ ra. Đám người làm nghệ thuật đều là một lũ điên, nghệ thuật thì còn chưa làm tới đâu vào đâu đã sắp hóa điên hết rồi.

Giảng viên của trường gặp Mạnh Tiểu Bắc nói chuyện riêng lần nữa, hỏi em thật sự không định đăng ký trường Học viện Mỹ thuật Tây An sao? Chất lượng sinh viên của trường chúng ta trong vài năm gần đây rất bình thường, tàm tạm tàm tạm, giảng viên chúng tôi thật sự đánh giá em rất cao, chúng tôi rất muốn tuyển thẳng em trước. Song, chúng tôi cũng đều biết, em không cam lòng chôn mình ở nơi nước ao tù nước đọng này, hẳn là tâm trí, lòng dạ em hướng về nơi rất cao.



Thiếu Đường nói cho Tiểu Bắc, Nhị Hổ làm cha rồi, so với trước đây thì mặt mày và khí khái, tính tình càng oai phong mạnh mẽ hơn. Chunnie sinh lần đầu ra bốn con chó săn nhỏ, đã sắp sinh lứa thứ hai rồi. Cái đôi này suốt ngày ở trong ổ chó quấn quýt ân ái như keo sơn, chỉ bởi vì Nhị Hổ mà có lẽ Chunnie sẽ xuất ngũ trước thời hạn.

Có một lần Mạnh Tiểu Bắc ăn cơm ở trong quán cơm tại trường, vừa ăn vừa xem ti vi trước cửa khu phục vụ. Trong ti vi nói, quầy hàng cho thuê trong chợ nào đó gần Long Phúc Tự, Bắc Kinh đột nhiên bốc cháy, trong lúc cứu nạn, có chiến sĩ giải phóng quân bất hạnh hy sinh. Mùa đông, lửa mượn sức gió bùng cháy dữ dội, nhanh chóng lan đến các cửa hàng bên cạnh, thiêu cháy cả dãy, khói đen mịt mù, ánh lửa ngút trời.

Mạnh Tiểu Bắc vứt tô cơm, cuống cuồng chạy ra ngoài gọi điện thoại đến Thiếu Đường. Cậu cũng không biết tên họ cụ thể của đội chiến sĩ cứu nạn kia, mới nhìn qua quần áo, trang phục thì rất giống.

Máy nhắn tin không nhắn được tới nơi, lo đến cháy lòng cháy dạ.

Cậu lo lắng nóng ruột tới mức dạ dày đau đớn, chạy đến phòng cấp nước nôn hết đồ ăn bữa trưa ra.

Buổi tối, cuối cùng cũng liên lạc được, Thiếu Đường nói, mới lúc đầu thì đội cha không đi cứu viện, đội dập lửa là chi đội của Tiểu Bân, quả thực có một chiến sĩ hy sinh. Sau đó, đội cha mới đi tiếp viện, duy trì trật tự hiện trường, khắc phục hậu quả.

Mạnh Tiểu Bắc hỏi: “Chú Tiểu Bân không sao chứ ạ?"

Thiếu Đường nói, lúc đó Tiểu Bắc đưa vài người trong đội từ cánh sườn tiến vào nhằm cố gắng khống chế ngọn lửa. Toàn bộ giá sắt tầng hai bị đốt rụi, nóc nhà sụp xuống, rơi xuống nơi cách Tiểu Bân vài bước chân, một chiến sĩ không chạy thoát được.

Giọng nói Thiếu Đường bình tĩnh, phảng phất sự mỏi mệt cùng khói lửa: “Cha dẫn vài người tiến vào, chỉ huy cần cẩu dỡ cái giá sắt, nâng chiến sĩ kia ra."



Vào ban ngày hôm 30 Tết, lớp bổ túc nghỉ học, học sinh địa phương và nơi khác đều rời trường dạo chơi. Trên quảng trường tháp chuông treo đèn lồng đỏ to, đường phố có rất nhiều quầy bán tranh Tết, tranh cắt giấy và pháo hoa. Ở chỗ cửa sổ của cửa hàng nhỏ, những trái hồng trải đều tăm tắp dưới đất, những quả hồng đông lạnh to tròn, đỏ au, phủ một lớp tuyết mỏng manh, óng ánh trong suốt.

Mạnh Tiểu Bắc đeo giá vẽ trên lưng, lên xe buýt ở cổng trường học, bỏ vài xu tiền mua một vé xe, ngồi từ phía Nam thành phố đến cung Đại Minh, rồi lại ngồi từ cung Đại Minh về tháp Tiểu Nhạn, lang bạt vô đích.

Bên ngoài cửa sổ, tuyết trắng bao trùm thành phố cổ kính, những mái nhà lầu thấp bé, vạn vật như có linh hồn, những hình ảnh từ bức tranh cuộc sống nhộn nhịp sống động vút qua trước mắt Tiểu Bắc, chỉ còn lưu lại những bóng hình vội vã. Mạnh Tiểu Bắc cảm thấy bản thân cậu giống như một kẻ lang thang đeo ba lô mải miết bước vô định trong thành phố này, nhà cậu ở nơi đâu?

Mạnh Tiểu Bắc ngồi ở hàng cuối cùng trên xe buýt. Cậu mở giá vẽ ra, nhìn những hành khách đang đứng và ngồi, đung đưa trong xe, bấm đồng hồ cho mình, ký họa 30 phút.

Ngón tay đông cứng như sắp rụng tới nơi, đầu tiên ghi nhớ dáng người tỉ lệ cơ thể, sau đó triển khai đường nét, bỗng nhiên hết thảy kết cấu kỹ năng quen thuộc trước giờ trở nên lạ lẫm, tay cậu đờ ra, đầu óc trống rỗng!

Người đàn ông ngồi trước cậu ôm bộ mặt lạnh như tiền đứng dậy.

Mạnh Tiểu Bắc ngẩng đầu, theo bản năng hô lên: “Anh đừng đi, tôi còn chưa vẽ xong."

Người đàn ông trừng mắt nhìn cậu: “Tôi phải xuống xe rồi!"

Mạnh Tiểu Bắc: “…"

Ngồi đến trạm nào đó, có hai nữ sinh của trường Đại học Tây Bắc lên xe. Hai nữ, một người ngồi một người đứng, đứng chếch trước cậu nói chuyện, giọng nói vui vẻ ngọt ngào.

Nữ sinh viên hỏi: “Này bạn học, cậu vẽ gì đấy?"

Mạnh Tiểu Bắc nói: “Ký họa."

Nữ sinh cực hào hứng: “Vậy cậu vẽ cho hai đứa tớ một bức nhé."

Hai người chuẩn bị tư thế xong, mỉm cười với cậu, như hai đóa đỗ quyên nở bừng rực rỡ.

Mạnh Tiểu Bắc cũng cười: “Trời ơi, hai cậu đừng nhìn tớ như vậy, nhìn ra ngoài cửa sổ xe ấy, vẻ mặt, tư thế tự nhiên vào!"

Vốn dĩ hai nữ sinh kia muốn xuống xe ở trụ sở chính quyền nhân dân tỉnh, song cuối cùng ngồi hơn ba trạm nữa để Mạnh Tiểu Bắc vẽ cho xong bức tranh.

Mạnh Tiểu Bắc vò tóc nói: “Ngại ghê, làm hai người bị quá trạm mất rồi."

Nữ sinh kia cười khúc khích nói: “Không sao, một lát nữa chúng tớ lại ngồi quay lại! Anh chàng đẹp trai, cậu vẽ đẹp quá, có thể tặng cho bọn tớ không?"

Mạnh Tiểu Bắc ký tên rồng bay phượng múa, tặng tranh cho hai người.

Cậu cong lưng, khom người chôn mặt trên trang giấy vẽ, lặp đi lặp lại trong lòng, Thiếu Đường con yêu cha, con nhất định đến Bắc Kinh gặp cha.



Tết Âm lịch, Thiếu Đường gọi điện chúc Tết nhà Mạnh Kiến Dân, nói với Mạnh Kiến Dân rằng tôi không thể tác động thằng con lớn nhà ta, Tiểu Bắc cứng đầu cứng cổ cố chấp liều mình, quyết chí thi bằng được tới Bắc Kinh.

Mạnh Kiến Dân nói: “Tôi cũng rất khâm phục hai thằng cu nhà mình, cực giàu nghị lực và ý chí. Năm đó, nếu tôi mà kiên định, tập trung vào mục tiêu, cố gắng như hai đứa nó, thì thể nào cũng trở về Bắc Kinh rồi… Tôi không có bản lĩnh như hai đứa nó."

Thiếu Đường nói: “Chính anh là người đặt tên cho hai đứa nó, nên trong lòng chúng nó mới hướng về cái tên mà đi như thế. Nếu như một đứa thi đậu, đứa còn lại thi trượt, đứa thi trượt làm sao có thể cam lòng? Dẫu có chiến tranh thế giới thứ hai cũng phải tiếp tục thi cho bằng được!"

“Tôi biết nhìn người, hai thằng nhóc này không phải người thường, tương lai có thể làm nên trò trống."

Đêm 30, trong khu tập thể, Mạnh Tiểu Bắc ở dưới lầu gọi điện thoại cho Thiếu Đường. Cậu ngồi trong phòng gác nhỏ của phòng thường trực, ngẩng mặt nhìn lên trời, phủ tràn trong đôi mắt là bầu trời thăm thẳm cùng muôn ngàn vì sao tỏa ánh sáng lộng lẫy.

Trong điện thoại, giọng nói Mạnh Tiểu Bắc mỏi mệt: “Thiếu Đường, con nhìn lên bầu trời tìm kiếm chòm sao Nhân Mã, nhưng mà hình như cách chòm sao Sư Tử của con rất rất xa."

Thiếu Đường khẽ nói: “Khỏi phải tìm, chòm Nhân Mã và chòm Sư Tử vào mùa hè mới thấy rõ ràng, mùa đông bây không tìm thấy đâu."

Mạnh Tiểu Bắc: “Sao cha biết rõ vậy?"

Thiếu Đường: “… Cha có tra rồi."

Mạnh Tiểu Bắc cười giễu: “Ầy, cha nuôi, cha bao nhiêu tuổi rồi? Cha vẫn còn coi sách chiêm tinh hả!!!"

Thiếu Đường: “… Haha, nhớ bây nên xem ấy mà."

Trong điện thoại tràn ra tiếng cười khe khẽ của hai người, câu được câu không sỉ vả giễu cợt lẫn nhau.

Mạnh Tiểu Bắc nói: “Thiếu Đường, xấu hổ ghê, con muốn khóc một lúc."

Thiếu Đường: “…"

Mạnh Tiểu Bắc nói: “Cha đừng lo lắng, con chỉ khóc một lát thôi, cha bịt ống nghe lại, đừng nghe được không."

Thiếu Đường không che ống nghe lại.

Trong điện thoại Mạnh Tiểu Bắc khóc lớn, dữ dội điên cuồng, khóc đến mức hai mắt trong gió đêm đỏ bừng, yết hầu run run. Trước mắt cậu là hình ảnh hạnh phúc xúc động trong mười năm xưa ấy. Một mình lẻ loi trơ trọi lang thang trên con đường đời quả thực quá cô độc, đôi lúc sẽ không thể kìm được mà yếu lòng, trào lên sự mệt mỏi, khát khao tha thiết có người kề bên. Trong khoảnh khắc đó, hốt nhiên cậu mới hiểu ra rằng nơi nào có Thiếu Đường, nơi đó mới là quê hương của cậu, là nơi mà trái tim cậu hướng về.

Mạnh Tiểu Bắc khóc xong, mạnh mẽ lau nước mắt, khóe miệng cong cong cười, do vừa khóc mà giọng nói vẫn còn hơi khàn khàn: “Khóc xong rồi! Không sao, không có chuyện gì hết."

Cổ họng Thiếu Đường tắc nghẹn song giọng nói vẫn cực kỳ thản nhiên: “Thật sự không có chuyện gì?"

Mạnh Tiểu Bắc lại khôi phục sự vui vẻ thoải mái, phóng khoáng nói: “Thật sự không sao, con là ai chứ? Con là người có sức mạnh vô địch, có sức chiến đấu siêu phàm! Cha yên tâm đi."

“Thiếu Đường, con mẹ nó hộ khẩu chỉ là tờ giấy vụn."

“Dựa vào chính khả năng mình, mùa hè này con nhất định sẽ về gặp cha, không để cha coi thường con."

Mạnh Tiểu Bắc cúp điện thoại.

Cậu không hề biết rằng, ở đầu dây bên kia, Thiếu Đường cũng rơi nước mắt.

Hết chương 66

Bắc Kinh Bắc Kinh

Khi tôi rảo bước trên mỗi con đường nơi đây

Dường như cõi lòng chưa bao giờ yên ả lặng sóng

Ngoài tiếng động cơ máy móc cùng dòng điện ầm ầm rền vang

Tôi còn có thể nghe thấy tiếng trống ngực rộn ràng dồn dập

Ở nơi đây

tôi cười và khóc

tôi sống và chết

tôi hy vọng và lạc lối

tôi kiếm tìm để rồi mất đi

Bắc Kinh Bắc Kinh

Quảng trường và quán cà phê cách nhau ba con phố

Như khoảng cách từ ánh đèn tới ánh trăng vời vợi

Trong cơn đấu tranh vùng vẫy của cuộc đời

Chúng ta bao bọc yêu thương và sẻ chia cùng nhau

Tìm kiếm, theo đuổi giấc mộng hoang tàn vỡ nát

Ở nơi đây

chúng ta cùng cười cùng khóc

chúng ta cùng sống và cùng chết

chúng ta hy vọng và lạc lối

chúng ta kiếm tìm để rồi mất đi

Bắc Kinh Bắc Kinh

Nếu có một ngày tôi buộc phải lìa xa

Xin hãy chôn tôi ở nơi đây

Nơi tôi cảm thấy mình tồn tại

Nơi những dấu yêu quyến luyến của tôi.

(Lời dịch hơi thoát ; – ; Mọi người có thể nghe bài hát ở đây nhé, nhạc Uông Phong quả thực rất đỉnh T ~ T)
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại