Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ
Chương 6: Cậu đẹp trai chân dài

Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Chương 6: Cậu đẹp trai chân dài

Trình Nặc rút điện thoại ra, mở Alipay lên.

Tông Lãng đứng cạnh nhìn, bất chợt nói: “Hay là Wechat đi, tôi định gom tiền lẻ trong phong bao để rút."

Trình Nặc không phản đối, thoát Alipay, mở Wechat. Còn anh đã mở mã QR chờ cô quét.

Trình Nặc tưởng là mã QR nhận tiền, nhưng quét xong mới thấy thì ra là tài khoản. Do dự một hồi, cô không định thêm bạn bè.

Tông Lãng nhếch môi cười: “Nể tình là hàng xóm nên tôi không thu gì khác ngoài tiền mua dây điện với bảng điện, cứ coi như tính chung vào một trăm đồng đó vậy."

Đã nói thế rồi thì Trình Nặc không thể không thêm, bèn đợi xác nhận, Tông Lãng nhanh chóng đồng ý, sau đó Trình Nặc gửi cho anh phong bao một trăm đồng.

Tông Lãng nhận tiền lì xì, cười cám ơn cô, dọn dụng cụ rồi rời đi.

Sau khi Tông Lãng đi, Trình Nặc mới cảm thấy đói, rót một cốc mì, nhưng đột nhiên không có khẩu vị. Nhân lúc trời chưa tối hẳn, cô xách thùng chạy ra sân sau, múc nước giếng rửa mặt.

Ở sân sau không có đèn, cỏ dại mọc um tùm, cả mấy loại côn trùng không rõ là gì, trời vừa tối là lại kêu to. Trong số đó có một âm thanh, goo goo goo goo, nghe không giống tiếng côn trùng, nhưng cứ kêu mãi không ngừng.

Trình Nặc hơi sợ, đây là âm thanh gì thế? Lại nhớ tới câu nói của Tông Lãng hồi chiều, không khỏi mất mật. Cô lấy can đảm nhìn quanh bốn phía, không có gì khác thường. Cô nhanh chóng múc nước, không đoái hoài đến việc đậy giếng đã vội chạy thẳng vào nhà, đóng cửa sau lại.

Cửa cũng là kiểu cổ xửa, không có khóa mà dùng then cài. Vì đã cũ nên bị kẹt, đẩy cả buổi mới cài lại được, rồi tiếp đi cài cửa trước. Đèn trong phòng khách cũng không tắt mà để sáng. Xách thùng vào phòng thì cũng cài kín cửa, nhưng cô vẫn chưa yên tâm, lại đẩy ghế đến chặn cửa. Lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng cô nhanh chóng phát hiện ra, mặc dù đã lấy áo khoác che cửa sổ, nhưng nó không hề có kính! Chỉ cần gió thổi qua là áo bay phất phơ. Khung cửa kia chỉ để trưng mà thôi. Nếu thật sự có người muốn vào thì chỉ cần đạp nhẹ một phát, là có thể phá hỏng cửa sổ hoa thị đã trải qua biết bao phong sương kia.

Trình Nặc cũng không để ý nhiều, nấu nước nóng, rửa mặt qua loa rồi chui vào chăn. Nhưng đến khi lên giường nằm rồi, cô đột nhiên nghĩ đến một chuyện quan trọng hơn —— phòng này, không có nhà cầu!

Vậy phải giải quyết vấn đề cấp bách của cô thế nào đây! Không nghĩ còn đỡ, chứ giờ nghĩ rồi lại mơ hồ thấy mắc tiểu.

Nhìn đồng hồ, mới hơn sáu giờ nhưng trời đã tối om. Trên cù lao toàn người già trẻ nhỏ, không hề có sinh hoạt ban đêm, bên ngoài rất yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng côn trùng kêu.

Trình Nặc lắng tai nghe, hình như âm thanh goo goo kia vẫn còn đó.

Không dám ra ngoài, lại càng buồn tiểu hơn. Cô chỉ có thể tự thôi miên mình, hy vọng có thể ngủ một giấc đến sáng. Trình Nặc đếm cừu, rồi cũng chẳng hay đã ngủ từ lúc nào.

Bất ngờ là, tại đêm đầu tiên ở căn nhà cũ này, cô lại ngủ rất ngon, không hề nằm mơ.

Buổi sáng tỉnh dậy, sắc trời đã sáng choang. Trình Nặc lồm cồm bò dậy, gỡ áo khoác xuống, trong chớp mắt ánh nắng xuyên qua khung cửa hoa thị chạm rỗng hắt vào trong.

Cù lao giữa lòng sông cách xa thành phố, không có công nghiệp, không bị ô nhiễm nên không khí rất trong lành, xen lẫn mùi hương của hoa hồng. Trình Nặc hít thở sâu, hai mạch nhâm đốc như được đả thông, tràn trề nhựa sống.

Cô tắt đèn để sáng cả đêm, mở cửa ra, đứng trong sân làm vài động tác. Lúc đến sân sau múc nước thì chợt nhớ đến tiếng goo goo tối qua. Bầu trời quang đãng đã tiếp thêm can đảm cho cô, Trình Nặc nhặt một khúc gỗ, lục soát mò tìm trong bụi cỏ. Kết quả tìm được lại khiến cô dở khóc dở cười.

Là một chú chim bồ câu màu xám. Không biết vì sao lại rơi xuống bụi cỏ, chân bị mắc vào tua dây.

Trình Nặc giải cứu nó, muốn đút đồ ăn, nhưng lúc vừa buông tay thì nó đã vội bay đi, như rất sợ Trình Nặc sẽ hầm mình.

Trình Nặc ngẩng đầu nhìn nó bay xa. Cho đến khi biến thành một chấm đen nhỏ, không còn thấy bóng dáng đâu nữa, thì cô mới đi lấy nước đánh răng rửa mặt.

Đang đánh răng giữa chừng thì cơn buồn tiểu ập đến. Lần này không nhịn nổi nữa, cô nhìn quanh sân, trên lối nhỏ chỉ có cỏ cây, không thấy bóng người.

Cô chạy đến góc tường, mượn cỏ dại che khuất, nhanh chóng giải quyết.

“Xem ra vẫn phải sửa nhà trước mới được." Cô lẩm bẩm.

Khoan nói đến việc khác, nhà vệ sinh có liên quan trực tiếp đến chuyện lớn dân sinh, không giải quyết được là không thoải mái.

Rửa mặt xong xuôi, cô tìm bánh quy trong đống lương khô vừa mua hôm qua, coi như là bữa sáng. Lại kiểm tra thẻ ngân hàng trong túi xách, rồi chuẩn bị đến bờ bên kia tìm đội thi công.

Nhưng còn chưa đến bến thì đã thấy bà lão Bạch được một người trẻ tuổi đỡ đang đi về phía này. Con mèo trắng kia miễn cưỡng đi theo sau bọn họ.

Trình Nặc ra đón, hỏi bà lão: “Sao bà lại đến đây?"

Bà lão cười: “Đến thăm cô đấy, cũng thăm nhà."

Người thanh niên đỡ bà lão khoảng chừng hai mươi ba hai mươi bốn tuổi. Người kia mặc áo thể thao màu tro, dáng khá cao, khoảng chừng một mét chín. Dưới ánh nắng trông rất điển trang, vui vẻ nói với Trình Nặc: “Chị là  chị Trình mua nhà cũ đúng không, tôi là chắt của bà đây, Bạch Nguyên, mấy hôm trước mới nghỉ phép từ trong quân về."

Trình Nặc hỏi: “Cậu là quân nhân à?"

Trên mặt Bạch Nguyên có phần kiêu ngạo, “Đúng thế, hải quân."

Bà lão hỏi Trình Nặc: “Có ở được không?"

Trình Nặc đỡ bà lão, nói ở được, ngủ một giấc đến sáng.

Bà lão nghe thì rất vui, suốt đường đi kể rất nhiều câu chuyện về căn nhà cũ này, kể rằng bà đã kết hôn ở căn nhà này ra sao, lại nuôi lớn nhiều con cháu như thế nào. Bạch Nguyên cũng hay chêm vào mấy câu, còn Trình Nặc chỉ lắng nghe.

Quay vào sân, bà ngũ vẫn ngồi xuống xích đu như lúc trước chứ không vào nhà, còn con mèo trắng thì nằm bên chân bà.

Bạch Nguyên nhìn quanh, từ trong nhà cho đến ngoài nhà, rồi lại sân trước sân sau, không sót nơi nào. Cuối cùng hái được bốn năm trái lựu, đưa cho bà lão nhìn.

Cậu ta vừa bóc lựu vừa nói với Trình Nặc: “Hồi bé tôi ở đây mười năm, rất có cảm tình với căn nhà này. Bà cố của tôi cũng vậy, lúc trước khi ông nội tôi bảo bà chuyển ra ngoài, bà nằng nặc không chịu. Phải mười mấy người vừa dỗ vừa gạt, mất hơn nửa tháng mới đón bà đi được. Thực sự không biết vì sao bà lại chịu bán căn nhà này đi."

Trình Nặc nghĩ, căn nhà này có hồi ức một đời của bà, chắc là bà sợ bỏ trống nhà thì sẽ sụp đổ.

Bạch Nguyên bóc hạt lựu, đút hai hạt cho bà lão trước, rồi dốc sạch chỗ còn lại vào miệng mình, chua tới nỗi nhăn cả mặt.

“Oái, sao lại chua thế này, rõ ràng hồi nhỏ ăn rất ngọt mà."

Trình Nặc thấy cậu ta như đứa trẻ, đứa trẻ bị hội chứng rối loạn tăng động, bla bla nói liên tù tì. Chỉ ăn lựu thôi mà trên mặt có đủ một trăm lẻ tám biểu cảm.

Bà lão bị cậu ta chọc cười, cầm gậy đánh vào mông.

“Tiểu tử thối, tiểu tử thối."

Bạch Nguyên nhảy cẫng lên, tránh ra thật xa, lại hỏi Trình Nặc: “Không phải vừa rồi chị muốn ra ngoài à, bà cháu tôi có làm phiền chị không thế?"

Trình Nặc nói không sao: “Chỉ là chuẩn bị lên trấn một chuyến, không sao cả."

Bạch Nguyên: “Thế thì tốt." Rồi lại cười với Trình Nặc: “Tôi được nghỉ phép thăm nhà hơn bốn mươi ngày, chắc bà cố sẽ thường xuyên quấn tôi đòi đưa đến đây cho xem, chị cũng đừng thấy phiền nhé."

Trình Nặc nói không phiền, cô còn mong nữa là. Bạch Nguyên bật ngón cái với cô: “Quả nhiên người đẹp thì cũng hiền!"

Trình Nặc cũng bị cậu ta chọc cười.

Bạch Nguyên lại chạy đến bên tường, hái mấy cây cỏ rồi ngồi xổm xuống trước mặt bà lão, lớn tiếng nói: “Bà cố, bện châu chấu rơm cho cháu đi!"

Bà lão rất sẵn lòng, cầm cây cỏ đưa đến sát mắt, từng chút từng chút một, cẩn thận bện lấy.

Bạch Nguyên nói: “Bà không thích ngồi yên, phải tìm chuyện cho bà làm."

Trình Nặc đáp: “Cậu hiếu thuận với bà quá."

Bạch Nguyên có vẻ xấu hổ, cười gãi đầu rồi đổi chủ đề, “Chị lên trên trấn có chuyện gì không? Trấn này không lớn, có đến phân nửa là người thân nhà tôi, nửa còn lại là người quen của tôi, nếu chị muốn làm gì thì cứ nói với tôi, mua một cân gạo cũng có thể bớt cho chị hai xu!"

Trình Nặc lại bị chọc cười, “Vậy cậu có biết đội thi công nào không, tôi muốn sửa lại nhà."

Bạch Nguyên trợn mắt, “Chị muốn dỡ nhà?"

“Không phải dỡ, chỉ là sửa lại thôi, ở tường bên đó có lỗ nứt, tôi sợ không an toàn. Còn cả nhà vệ sinh nữa, không dùng được thì rất bất tiện."

Bạch Nguyên nghiêm túc, “Chị muốn ở đây lâu dài à?"

Trình Nặc hỏi lại có gì sao, “Chỗ này không thể ở lâu dài hả?"

“Không phải." Bạch Nguyên giải thích: “Tôi cứ tưởng chị nổi hứng chơi nên mới mua nhà, nhiệt tình qua đi rồi thôi. Dù sao thì, thanh niên cũng không hợp ở đây."

Trình Nặc cười, “Đúng là lúc tôi mua có phần kích động. Nhưng mua rồi tôi cũng không hối hận, nếu có thể ở đây cả đời, giống như bà lão ấy, trái lại tôi còn thấy may mắn."

“Thế thì tốt." Bạch Nguyên nhìn cô, trên mặt lại treo nụ cười.

Cậu ta đứng lên, phấn khích chỉ vào nhà, “Nhà này cũ rồi, đã mười mấy năm chưa tu sửa, muốn trùng tu thì là cả một công trình lớn đấy. Có điều chị yên tâm, cứ để tôi lo việc mua vật liệu. Nhà bác tôi bán vật liệu xây dựng đấy. Con rể cậu tư nhà tôi có mở cửa hàng kim khí. À đúng rồi, chị lớn nhà cô tôi là quản lý chuỗi cửa hàng trong thành phố, tìm chị ấy mua đồ có thể giảm giá! Nhưng công nhân thì hơi phiền, bây giờ công nhân đáng quý lắm, một ngày đòi những hai ba trắm. Có điều chị yên tâm!" Cậu ta vỗ ngực, “Tôi đây có sẵn sức lao động miễn phí!"

Trình Nặc ngồi xổm dưới đất, Bạch Nguyên lại cao, cô phải ngửa đầu ra sau chín mươi độ mới thấy được mặt cậu ta, ánh nắng hắt một vòng sáng ở trên đỉnh đầu cậu ta. Một tay Bạch Nguyên chống hông, một tay chỉ nhà, thần thái rạng rỡ, khiến Trình Nặc nhớ đến cụm từ ‘chỉ điểm giang sơn’, nhưng lời cậu ta nói rất thực, rất bình dị.

Không biết tại sao mà Trình Nặc lại thấy buồn cười. Cô cũng không kìm nén, mà cứ để nụ cười lan rộng trên mặt.
Tác giả : Yên Bán Căn
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại