Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Chương 12: Mùa trôi trên quang gánh
Bắt đầu từ một buổi sáng nắng ngập vào khung cửa sổ, chói gắt hơn mọi ngày. Và khi ngẩng lên nhìn bầu trời, thấy cao hơn, nhẹ nhõm hơn, tự dưng lòng mình lâng lâng, bước chân như có cánh. Chợt thấy chị hàng rong quen thuộc dạo qua ngõ. Từ trên ban công nhìn xuống, thấy cái dáng nhỏ nhắn cũ càng nép tròn dưới vành nón. Ô hay, vừa hôm qua thấy chị quảy một gánh mận cơm, mận còn non nên nho nhỏ như cái cúc áo, quả xanh, quả nửa đỏ nửa xanh, quả ưng ửng trông rất nhộn (Bao giờ cũng vậy, mùa mận bắt đầu bằng những quả mận cơm chát chát ngòn ngọt dễ ăn, đủ thỏa mãn cơn thèm quả đầu mùa của những người thích của chua). Thế mà hôm nay đã thấy hai mẹt đầy ắp những quả dâu to và đều tăm tắp như kén tằm màu đen nhức và đỏ thẫm. Gọi chị vào mua mấy cân dâu ngâm đường làm thứ uống giải khát cho mùa nóng đang cận kề, chị còn hướng dẫn tận tình cách ngâm dâu thế nào cho ngon. Chị bảo, mấy ngày nay nhiều cô nhiều bà mua dâu về ngâm, nên chị cũng bận rộn. Dâu mua từ mạn Phùng, quả mập, chín thẫm, bán đúng giá 50.000đ một cân không ai phải mặc cả. Nhìn theo chị thoăn thoắt những bước đi nhún nhẩy mà cứ ngỡ người đàn bà này đang gánh mùa đi trên phố.
Lạ thế, Hà Nội là thành phố, nhưng là phố buôn bán có truyền thống từ thuở xửa thuở xưa, bởi vậy, nhìn đâu cũng thấy cảnh bán mua tấp nập. Và dù phát triển đến cỡ nào, thì những gánh hàng rong nhỏ lẻ vẫn có cách tồn tại riêng của mình. Hàng xe thì bán xe, hàng đồ điện thì bán đồ điện, hàng quần áo thì bán quần áo, hàng thịt bán thịt, hàng rau bán rau, nhưng hàng rong thì mùa nào thức nấy. Tôi chợt bật cười bởi ý nghĩ, nếu chẳng may một ngày nào đó, ta tỉnh dậy mà không biết mình đang ở tháng nào, năm nào, chẳng cần phải cầu kì dò hỏi, cứ bước chân ra phố, nhìn các bà, các chị hàng rong sẽ đoán được mình đang ở tiết mùa nào.
Gánh mận xanh xanh đỏ đỏ, gánh mơ vàng ươm như tôi vừa nhìn thấy chắc chắn là cuối xuân đầu hạ. Gánh bánh trôi bánh chay thể nào cũng là tiết Hàn thực mùng ba tháng ba. Mùa hè là gánh mít, gánh xoài. Quãng tháng tám đầu thu thì chắc chắn là gánh cốm xanh non và lá sen bánh tẻ thơm nưng nức sẽ tràn ra khắp mọi nẻo đường. Còn vào tháng bảy âm lịch, tiết Vu Lan báo hiếu, thì chị hàng rong lúc này sẽ tập trung cho vàng mã tiền giấy. Còn có cả rau đậu, hoa màu, cả trai trai, trùng trục, cả tôm tép theo mùa cũng theo quang gánh đến từng nhà. Mùa đông thể nào cũng là gánh xôi cốm, gánh củ đậu. Mùa khoai lang, mùa sắn, mùa củ dong, mùa sắn dây, mùa hoa sen, hạt sen cũng sẽ trôi đi trên phố bởi những gánh hàng rong. Rồi sang tháng chạp sẽ thấy gánh chuối, gánh bưởi, gánh mũ áo ông Công ông Táo tung tẩy khắp ngõ ngách phố phường. Thế là kết thúc một năm, cũng là một vòng xoay vần của cuộc mưu sinh lầm lụi, để sau khi nghỉ Tết lại bắt đầu những nhịp tính toán chắt chiu hàng ngày. Một năm có bốn mùa thời tiết, có bao nhiêu mùa hoa mùa quả, bao nhiêu mùa sản vật đều bày cả lên mặt quang gánh như “triển-lãm-sắp-đặt-mùa" của đất trời đặt lên mặt cân, như câu thơ tài hoa của thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" vậy.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng từ lâu đã phát hiện ra những vẻ đẹp cần lao, nhẫn nại mà vô cùng nhiều sắc thái, tâm trạng, nhiều số phận của gánh hàng rong khắp phố phường Hà Nội. Không chỉ là vất vả, mưu sinh mà còn là nhọc nhằn và hiểm nguy, là nguy cơ làm xấu đô thị như nhiều người vẫn gán cho, để họ bị xua đuổi, bị bắt bớ, bị dẹp bỏ. Quang Phùng đã ghi lại trong ống kính của mình tất cả những điều đó. Còn tôi, chẳng dám bàn xa xôi đến tương lai của những thân phận gánh gồng, đến những người bỏ quê lên phố sẽ làm gì để sống, tôi chỉ biết rằng, mất đi những gánh hàng rong, Hà Nội sẽ mất đi những triển-lãm-mùa hết sức tự nhiên, không hề tốn kém mà lại vô cùng tiện ích. Ai cũng có thể ngắm, nhìn và mua ở bất cứ lúc nào, chỗ nào. Nếu một ngày nào đó, chị hàng rong quen thuộc không ghé qua nhà, tự dưng bữa sáng với cơm nắm muối vừng, bánh dầy giò hay bánh đúc của cả gia đình tôi sẽ phải chuyển ra vỉa hè với phở, với bún. Một tối tự dưng đói bụng sẽ phải dong xe ra phố tìm hàng bánh khúc, xôi đêm. Hay một ngày mùa đông mưa phùn gió bấc tôi sẽ phải đội mưa ra ngoài để mua mớ rau, mớ trai trai nấu canh chua nếu chẳng may trong tủ lạnh chỉ thiếu mấy thứ ấy. Như thế thôi cũng đủ quý mấy chị hàng rong lắm rồi.
Trời đã nắng nóng, mùa đã vào hè, trong cái gió mát mơn man nhè nhẹ, tôi tà tà chạy theo một gánh mơ vàng ươm thích mắt, nhẩm tính năm nay sẽ ngâm thêm vài bình, nhỡ mùa hè này nắng nóng tưng bừng...
_
Lạ thế, Hà Nội là thành phố, nhưng là phố buôn bán có truyền thống từ thuở xửa thuở xưa, bởi vậy, nhìn đâu cũng thấy cảnh bán mua tấp nập. Và dù phát triển đến cỡ nào, thì những gánh hàng rong nhỏ lẻ vẫn có cách tồn tại riêng của mình. Hàng xe thì bán xe, hàng đồ điện thì bán đồ điện, hàng quần áo thì bán quần áo, hàng thịt bán thịt, hàng rau bán rau, nhưng hàng rong thì mùa nào thức nấy. Tôi chợt bật cười bởi ý nghĩ, nếu chẳng may một ngày nào đó, ta tỉnh dậy mà không biết mình đang ở tháng nào, năm nào, chẳng cần phải cầu kì dò hỏi, cứ bước chân ra phố, nhìn các bà, các chị hàng rong sẽ đoán được mình đang ở tiết mùa nào.
Gánh mận xanh xanh đỏ đỏ, gánh mơ vàng ươm như tôi vừa nhìn thấy chắc chắn là cuối xuân đầu hạ. Gánh bánh trôi bánh chay thể nào cũng là tiết Hàn thực mùng ba tháng ba. Mùa hè là gánh mít, gánh xoài. Quãng tháng tám đầu thu thì chắc chắn là gánh cốm xanh non và lá sen bánh tẻ thơm nưng nức sẽ tràn ra khắp mọi nẻo đường. Còn vào tháng bảy âm lịch, tiết Vu Lan báo hiếu, thì chị hàng rong lúc này sẽ tập trung cho vàng mã tiền giấy. Còn có cả rau đậu, hoa màu, cả trai trai, trùng trục, cả tôm tép theo mùa cũng theo quang gánh đến từng nhà. Mùa đông thể nào cũng là gánh xôi cốm, gánh củ đậu. Mùa khoai lang, mùa sắn, mùa củ dong, mùa sắn dây, mùa hoa sen, hạt sen cũng sẽ trôi đi trên phố bởi những gánh hàng rong. Rồi sang tháng chạp sẽ thấy gánh chuối, gánh bưởi, gánh mũ áo ông Công ông Táo tung tẩy khắp ngõ ngách phố phường. Thế là kết thúc một năm, cũng là một vòng xoay vần của cuộc mưu sinh lầm lụi, để sau khi nghỉ Tết lại bắt đầu những nhịp tính toán chắt chiu hàng ngày. Một năm có bốn mùa thời tiết, có bao nhiêu mùa hoa mùa quả, bao nhiêu mùa sản vật đều bày cả lên mặt quang gánh như “triển-lãm-sắp-đặt-mùa" của đất trời đặt lên mặt cân, như câu thơ tài hoa của thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" vậy.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng từ lâu đã phát hiện ra những vẻ đẹp cần lao, nhẫn nại mà vô cùng nhiều sắc thái, tâm trạng, nhiều số phận của gánh hàng rong khắp phố phường Hà Nội. Không chỉ là vất vả, mưu sinh mà còn là nhọc nhằn và hiểm nguy, là nguy cơ làm xấu đô thị như nhiều người vẫn gán cho, để họ bị xua đuổi, bị bắt bớ, bị dẹp bỏ. Quang Phùng đã ghi lại trong ống kính của mình tất cả những điều đó. Còn tôi, chẳng dám bàn xa xôi đến tương lai của những thân phận gánh gồng, đến những người bỏ quê lên phố sẽ làm gì để sống, tôi chỉ biết rằng, mất đi những gánh hàng rong, Hà Nội sẽ mất đi những triển-lãm-mùa hết sức tự nhiên, không hề tốn kém mà lại vô cùng tiện ích. Ai cũng có thể ngắm, nhìn và mua ở bất cứ lúc nào, chỗ nào. Nếu một ngày nào đó, chị hàng rong quen thuộc không ghé qua nhà, tự dưng bữa sáng với cơm nắm muối vừng, bánh dầy giò hay bánh đúc của cả gia đình tôi sẽ phải chuyển ra vỉa hè với phở, với bún. Một tối tự dưng đói bụng sẽ phải dong xe ra phố tìm hàng bánh khúc, xôi đêm. Hay một ngày mùa đông mưa phùn gió bấc tôi sẽ phải đội mưa ra ngoài để mua mớ rau, mớ trai trai nấu canh chua nếu chẳng may trong tủ lạnh chỉ thiếu mấy thứ ấy. Như thế thôi cũng đủ quý mấy chị hàng rong lắm rồi.
Trời đã nắng nóng, mùa đã vào hè, trong cái gió mát mơn man nhè nhẹ, tôi tà tà chạy theo một gánh mơ vàng ươm thích mắt, nhẩm tính năm nay sẽ ngâm thêm vài bình, nhỡ mùa hè này nắng nóng tưng bừng...
_
Tác giả :
Hương Thị