Mô Kim Quyết - Quỷ Môn Thiên Sư
Chương 7: Cửu Vỹ Yêu Hồ

Mô Kim Quyết - Quỷ Môn Thiên Sư

Chương 7: Cửu Vỹ Yêu Hồ

Dịch: Đặng Nam

Biết nhiều chưa hẳn đã hay, nói ít đi vài lời chưa chắc đã là dở, bởi vì nói ra nghe thì đơn giản, nhưng liệu được mấy người sẽ tin đây? Dưới tình hình chính trị xã hội thời bấy giờ, không phải chuyện gì cũng có thể bô bô mà kể cho người khác nghe được, vạn nhất bị người ta chụp một cái mũ to lên đầu, vậy thì xin chúc mừng, cuộc đời bạn sắp đi tong, cho nên chớ có tự mình rước lấy phiền phức vào người. Đến thời điểm những năm 1968, binh đoàn cắt giảm biên chế, dẹp bỏ sư đoàn Ba vốn đang quản lý nông trường sản xuất và trấn thủ số 17, chúng tôi cũng được lệnh rời khỏi nơi đây, rồi điều đến tham gia đội sản xuất ở thượng nguồn và hạ nguồn Hắc Thuỷ Giang tít mãi trong Đại Hưng An Lĩnh. Bốn người được phân về hai thôn khác nhau, cũng may là không cách xa nhau lắm. Tôi và Tuyền béo ở thượng nguồn Hắc Thuỷ Giang, còn hai người kia thì ở phía hạ nguồn. Chỗ bọn họ có tới tận hai mươi mấy thanh niên tri thức về sản xuất, mà trên thượng nguồn này thì độc chỉ có hai thằng đực rựa bọn tôi. Bởi vì thôn chúng tôi ở không lớn lắm, gọi là “Liệp Thôn" (Trans: Thôn chuyên về săn bắn), tổng cộng ước chừng có mười hộ dân sinh sống, rất ít nhà làm ruộng, từ xưa lấy nghề săn bắn hươu nai làm nghiệp mưu sinh, bên trong thôn hơn phân nửa là cánh thợ săn Ngạc Luân Xuân. Trước kia có rất nhiều phương thức săn thú, có thể dùng chim ưng để săn, hoặc thả chó truy đuổi, cũng có một cách săn đặc biệt nữa là dùng thòng lọng chôn dưới đất để làm thành cái bẫy kẹp nhưng sẽ không tổn hại đến bộ da của thú, gọi là “kẹp da", ngoài ra còn có chính là toàn bộ thợ săn trong thôn đồng loạt kéo nhau lên núi tạo thành lưới người, những khi tập hợp nhiều quân số như vậy chủ yếu là để săn mấy con thú lớn như heo rừng, hổ báo, gấu chó,.. 

Sau cuộc giải phóng toàn quốc năm 1949, Hắc Thuỷ Giang mới bắt đầu có người đến làm ruộng. Trên núi đất đai các thứ lung tung, phía Đông một mảnh phía Tây một mảnh, nhưng được cái vùng này chất đất khá phì nhiêu màu mỡ, chỉ cần gieo xuống vài hạt giống, chẳng cần tốn công chăm sóc gì nhiều, tự nó vẫn có thể nảy mầm và sinh trưởng, việc duy nhất phải làm là nửa đêm ra chòi để trông chừng hoa màu, ngăn ngừa dã thú trên núi xuống gặm phá. Những con khác thì dễ nói, chồn, nhím, sóc, mấy loài này gặm phá cũng chẳng được bao nhiêu, không gây tổn hại mấy, huống hồ thỉnh thoảng gặp may lại tóm được một, hai con, lột da chồn, lấy đuôi sóc đổi lấy chút tiền, so với làm ruộng còn sướng hơn. Phải đề phòng cảnh giác nhất chính là đám heo rừng, nó ủi đất từ đầu này đến đầu kia, chỉ một chuyến viếng thăm thôi là toàn bộ hoa màu đang đẹp đẽ đều hỏng hết, đất đai bị xới tung bung bét. Tôi cùng Tuyền béo đi đến thượng nguồn Hắc Thuỷ Giang, trú lại ở một nhà thợ săn, chủ nhà này thường được mọi người trong thôn gọi là cha Trăn Tử, ngoài lão ra trong nhà còn có hai người con gái nữa. Cha Trăn Tử mặc dù ở trong thôn cũng có một mảnh đất dùng để trồng ngô, nhưng vẫn duy trì truyền thống săn bắn lâu đời của dân tộc Ngạc Luân Xuân, bình thường hay dẫn theo con gái cùng chó săn, tiến vào rừng sâu núi thẳm săn gà tìm hồ ly, tôi và Tuyền béo nhờ thế cũng được hưởng sái không ít thịt rừng rau rừng dân dã, thật đúng phải gọi là mỹ vị trần gian. Nhất gia tử đối với hai thằng thanh niên tri thức chúng tôi chiếu cố có thừa, việc trong thôn cũng không muốn chúng tôi phải nhúng tay vào làm gì cho vất vả cả, mảnh đất trồng ngô chỉ to bằng cái bàn tay, thu hoạch được nhiều hay ít đều phải hoàn toàn trông chờ vào sắc mặt của lão thiên trên cao, không phải cứ có người trông coi cẩn thận là nó sẽ mọc dài thêm một đoạn, nhiều hơn một hạt. May cái là khẩu phần lương thực của thanh niên tri thức không phải từ trong thôn mà ra, hai người chúng tôi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất, chính là thay phiên nhau ngồi trong chòi ngó ra trông chừng đám hoa màu ở bên ngoài, trừ việc này ra, không bắt chúng tôi làm gì hết, chỉ cần chúng tôi ở trong thôn không quậy phá, gây tai hoạ, đừng làm náo loạn đến nỗi gà bay chó sủa, là cha Trăn Tử đã cảm tạ trời đất lắm rồi. 

Thoáng một cái trời đã chuyển xuân qua năm mới, cha Trăn Tử dẫn theo cô con gái lớn vào núi tham gia đội vây núi săn thú đầu năm, vây núi săn thú đầu năm chú trọng một số nguyên tắc như săn con đực chứ không săn con cái, còn phải tranh thủ trước mùa nước lên, để tránh gặp phải cơn lũ nào đó bất ngờ từ trên núi đổ xuống. Đại đa số thợ săn trong thôn đều đi, chỉ để lại nhị cô nương tên là “Trăn Tử" ở lại để nấu cơm cho chúng tôi. Tầm này đang là lúc giáp hạt (Trans: Thời điểm trái cây hay hạt lúa đều hãy còn xanh, chưa chín vàng, rất dễ xảy ra nạn đói), có mời heo rừng tới chơi cho vui nó cũng đếch thèm tới, có cái mẹ gì đâu, hai thằng cả ngày thẳng từ sáng sớm tới tận đêm khuya cũng chẳng có việc quái gì để làm, rảnh rỗi đến mụ mị cả người, ở trong núi lớn như này, thật là muốn tìm một nơi để quậy phá cho vui cũng chẳng bới đâu ra, nhưng không thể không làm việc được, thực ra cái gọi là làm việc kia, bất quá cũng chỉ là ngồi trong chòi mà giương mắt nhìn, mà nhìn gì thì cũng không biết nữa, chán quá rồi!

Rồi đến một ngày nọ, chúng tôi mỗi thằng cầm theo một chùm quả phỉ mang đến “Mao Hạp Nhi", cùng nhau ngồi tán phét, khoác loác hết chuyện trên trời rồi lại dưới biển chán chê mê mải suốt cả buổi. Tiện thể nói qua một chút, cái gì gọi là mao hạp nhi? Đây là một phương ngôn thổ ngữ của vùng Đông Bắc, chính là quả dưa mà chúng ta thường hay nói, tên khoa học là quy hoa tử hoặc chuyển liên tử. Bởi vì ngày xưa có người giải thích như thế này, hạt dưa là do Liên Xô Lão đại ca truyền tới (Trans: Ngày xưa, Liên Xô là anh cả của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, thời kì này quan hệ Xô - Trung đang căng thẳng, nên tác giả gọi là lão đại ca với ý châm biếm), thổ ngữ vùng Đông Bắc gọi người Nga lúc bấy giờ là “lão mao tử", lão mao tử thường bổ đôi thứ đồ chơi này rồi ăn cái ruột ở trong, cho nên mới kêu thành “mao hạp nhi"! (Trans: Lão mao tử là chỉ dân Nga lắm lông, lại cắn gặm thứ quả kì lạ không biết tên kia nên gọi là mao hạp nhi, hạp là chỉ hành động cắn, gặm, ý toàn bộ là — thứ quả mà bọn lắm lông hay gặm!) 

Chúng tôi đến Hắc Thủy Giang này sinh sống và tham gia sản xuất, cũng đành nhập gia tùy tục gọi theo như vậy. Hai thằng vừa chia nhau mỗi đứa một nửa quả dưa cứ thế ngồi gặm, vừa to mồm khoác lác nói chuyện, than phiền việc cha của Trăn Tử không cho chúng tôi đi vây rừng đầu xuân cùng hắn, chỉ đổ thừa tại tài thiện xạ của hai anh em ta quá là tốt, một khi để hai thằng vào trong núi, phát cho mỗi đứa một cây súng, trên núi này liền không còn con thú nào có thể chạy thoát được, dù sao cũng phải lưu lại cho đám thợ săn một hai con thỏ, chứ săn hết thì tuyệt chủng mất, sau này họ lấy đâu ra thỏ hoang gà rừng để săn mà kiếm sống nữa? Hai thằng đương ngồi ba hoa chích chòe, khua tay múa chân, nước miếng văng liểng xiểng, thì thấy Trăn Tử tới đưa cơm cho chúng tôi, vẫn là một ngày hai bữa cơm, một niêu sành đựng cháo ngô, ngoài ra còn mang thêm mấy cái bánh nướng nữa, đấy chính là bữa trưa của chúng tôi. Trăn Tử cùng chị nàng rất giống nhau, đều là những thợ săn xuất sắc trong thôn, tính cách sảng khoái thoải mái, nói chuyện không câu nệ kiêng dè gì cả, bất quá cả hai từ nhỏ đã lớn lên trong núi, là cô nương sơn thôn chính hiệu, thành ra chưa từng thấy qua thế giới bên ngoài, rất thích ngồi nghe chúng tôi kể chuyện. 

Tôi và Tuyền béo suốt cả ngày chỉ có mỗi việc ngồi bốc phét với nhau, hai thằng sớm đã thuộc mẹ hết mấy cái truyện dùng để tán gái của nhau, thậm chí còn chưa kịp há miệng đã biết thằng kia định nói gì rồi, ấy thế mà Trăn Tử lại rất chăm chú lắng nghe. Điểm mấu chốt của việc ba hoa bốc phét là phải có người nghe, dù chỉ có một người thôi cũng được, như vật mới khiến cho tài nghệ của người kể được phát huy, chứ tự kể một mình thì chẳng hóa thằng dở hơi? Huống chi những người này đều tin những lời được kể là thật, nguyện ý nghe chúng ta khoác lác không sót một chữ nào. Hai thằng phồng mồm trợn má húp lấy húp để niêu cháo ngô, rút ra mấy điếu thuốc lá phơi khô đặc sản của nơi này, rít một hơi thuốc lại nhả một hơi khói sặc sụa, chuẩn bị tiếp tục đại hội bốc phét cho Trăn Tử nghe. Loại thuốc lá được phơi khô này gọi là hoàng yên, lá thuốc màu vàng kim, toàn bộ đều to cỡ lòng bàn tay, vừa dày vừa thô, chỉ cần vê một chút lá, cuốn lại là thành ngay một điếu thuốc lá thơm, châm lửa đưa lên miệng hút, để cho khói thuốc xộc vào phổi rồi quẩn quanh trong cổ họng một hồi, sau đó chậm rãi đẩy khói qua hai lỗ mũi nhả ra ngoài, mùi thuốc vô cùng đặc biệt, thơm một cách nhẹ nhàng thuần khiết, thật không hổ được xưng là đặc sản vùng này. Trăn Tử thấy chúng tôi lấy thuốc lá cuốn ra hút, nàng liền hỏi: “Các ngươi sao lại lấy trộm thuốc lá của cha ta?"

Tuyền béo đáp: “Nhị muội tử, nàng nói vậy nghĩa là sao? Sao lại coi chúng tôi như bọn trộm gà trộm chó thế? Mấy điếu thuốc lá này là do hai ngày trước cậu Tư đưa cho chúng tôi về hút thử!"

Tôi đứng ở bên cạnh lên tiến giảng hòa: “Hai ngày trước chúng tôi học theo tinh thần của đồng chí Lôi Phong vĩ đại, giúp cậu Tư dựng chuồng để nuôi mấy con heo, cậu Tư thấy hai đứa làm việc khổ cực quá cho nên mới đưa cho mấy điếu thuốc lá coi như lời cảm ơn." 

Tuyền béo gật đầu lia lịa, nói thêm vào: “Đúng đúng đúng! Cậu Tư còn khen chúng tôi là những đứa cháu ngoan của Mao chủ tịch, là mầm non tương lai của đất nước đấy!"

Trăn Tử quả nhiên là người thông minh, không dễ dàng bị lừa như vậy: “Các người giúp cậu Tư dựng lại cái chuồng heo? Sao ta chưa nghe nói đến chuyện ý vậy? À đúng rồi, ta mới chỉ nghe được mỗi chuyện là hai ngày trước cậu Tư bị mất một con heo nhỏ vừa mới nuôi được vài bữa thôi!"

Tuyền béo cố làm ra vẻ bất ngờ, giật mình đánh thót: “Thật quá đáng! Tôi đã từng thấy qua con heo nhỏ đó của cậu Tư, tròn tròn xinh xinh, ủn ỉn ủn ỉn uống nước, lúc ăn cám thì lại kêu eng éc, ôi thật là đáng yêu làm sao! Nhưng sao lại bị trộm mất rồi? Kẻ nào đã làm chuyện này chứ? Hừ!"

Tôi gãi đầu một cái, nói: “Đúng vậy đó, con heo nhỏ đó đâu có trêu ai chọc ai đâu, sao lại bị người ta bắt đi mất? Có lẽ là bị chó sói tha đi mất ý chứ!"

Trăn Tử liếc mắt: “Vậy chứ không phải là do hai con sói đội lốt người nào đó bắt đi sao?"

Tôi và Tuyền béo vội vàng kêu lên hai tiếng oan uổng, chỉ tay lên trời, hướng Mao chủ tịch mà thề — chúng tôi tuyệt đối chưa ăn con heo đó! 

Mong rằng lời này ngài có thể nghe hiểu, chúng tôi chỉ hướng lên ngài bảo đảm rằng chưa ăn con heo đó thôi, chứ chưa có nói là trộm hay không trộm nó. Bởi vì đám thợ săn đi vây thú đầu xuân hãy còn chưa về, trong thôn cũng chẳng nhà nào có tí dầu tí mắm cả, suốt ngày chỉ có húp cháo ngô với gặm bánh bột đậu đến phát ngán không nuốt nổi nữa rồi. Nhất thời hai thằng chúng tôi không nhịn được, tiện tay bắt lấy con heo nhỏ mà cậu Tư nuôi, chẳng ai ăn thịt heo sống được cả, cho nên hai thằng mới tiếp tục rủ nhau chạy ra chỗ nung gạch của lò gạch phía đằng sau núi, mở cửa lò ra, ném thẳng con heo nhỏ vào. Cứ tưởng rằng sẽ có một bữa thịt heo sữa nướng vàng ươm ngon lành, không nghĩ tới lửa bên trong lò quá lớn, cháy phừng phừng, đến khi mở cửa lò lần nữa để lôi con heo ra chén thì nó đã cháy đen thui thành than từ lúc mẹ nào rồi, cho nên mới nói là nào có ăn nó đâu! Tôi sợ Trăn Tử sẽ tiếp tục truy hỏi, vội vàng nghĩ cách đánh trống lảng: “Nhà hay chòi trong thôn này đều dùng đất bùn trộn với rơm khô rồi đắp lên, tại sao cậu Tư lại chú trọng cái chuồng heo thế nhỉ, dùng toàn gạch xanh rất xịn, bên trên còn khắc hoa văn, ở thượng nguồn lẫn hạ nguồn Hắc Thuỷ Giang này kiếm đâu ra loại gạch như vậy?" 

Trăn Tử đáp: “Gạch xây chuồng heo? Hahaa không phải đâu, lò gạch của chúng ta ở đây không thể sản xuất ra được loại gạch tốt như thế, chỗ gạch kia đều là gạch lấy trong cổ mộ đấy!" 

Nghe cô nàng nói vậy, tôi mới bừng tình hiểu ra, mấy năm trước từng có phong trào loại bỏ Tứ hủ tục, trong đó có hoạt động đập bỏ mộ phần của giai cấp phong kiến trước kia, trong núi đào ra không ít cổ mộ, nhiều đồ vật chôn theo trong mộ bị phá huỷ, chẳng qua có mỗi gạch mộ là không bị đập, bởi do lò gạch địa phương không thể nào nung được số gạch khổng lồ lại bền chắc như đống gạch mộ kia. Cổ mộ trong núi này, lớn có nhỏ có, có cái từ thời nhà Liêu, có cái lại thời nhà Kim, mà còn có cái được xây dựng từ sớm hơn nữa. Gạch mộ bên trong có loại vuông vắn gọn gàng chừng một mét, tuy rằng đã chôn dưới đất gần trăm nghìn năm mà khi lấy ra vẫn còn sáng bóng như mới, bên trên khắc hoa văn; cũng có một số loại nhỏ hơn, trên gạch có vẽ hoa vẽ lá, gọi là gạch bích hoạ, mang ra khỏi lòng đất rồi mà sắc thái vẫn cứ rực rỡ như lúc ban đầu, ngày nay cũng không thể nào tạo ra được loại gạch chất lượng cực phẩm như thế. Bất quá gạch trong cổ mộ là dùng cho người chết, người sống vĩnh viễn sao có khả năng dùng được, mang xây nhà sợ rằng chẳng có ai dám ở, chỉ có thể đem đi làm chuồng heo mà thôi, cho nên ở đây chuồng heo còn có giá trị hơn cả một cái nhà. Dần dà mãi rồi thành quen, mọi người đối với chuyện này đều nhắm mắt làm ngơ, không có người hỏi tới thì cũng chẳng ai rảnh đi nói làm gì. Nói đi nói lại mãi đến đây, tôi chợt nhớ đến toà cổ mộ thời Liêu ở Hắc Sơn Đầu, lúc chúng tôi còn ở trong mộ không hề thấy thi thể chủ nhân lẫn đồ bồi táng đâu cả, có thể thấy trước kia đã có tên chuột đất nào đó vào khoắng sạch đi rồi cũng nên, bất quá bức bích hoạ cửu vỹ yêu hồ khổng lồ trên tường mộ khiến tôi mãi mãi không thể nào quên được. Chung quy tới giờ vẫn không hề biết thân phận thực sự của chủ nhân ngôi mộ đó là gì, chỉ thấy kích thước to lớn của bức bích hạ, xem ra lai lịch của vị kia chắc cũng không hề nhỏ. 

Tôi nhờ câu chuyện này mà quay qua hỏi Trăn Tử xem đã từng thấy qua ngôi mộ nào mà trên mặt gạch có vẽ cửu vỹ yêu hồ chưa? Trăn Quả đáp từ bé tới giờ chưa hề thấy loại gạch nào như vậy, nhưng ở trong rừng sâu núi thẳm của vùng Đại Hưng An Lĩnh này lại truyền tai nhau không ít truyền thuyết về cửu vỹ hồ ly, nàng hồi bé đã được nghe kể không ít. Người miền núi có một tập tục, nửa đêm tắt lửa tối đèn, già trẻ lớn bé chui hết vào trong chăn ấm, rồi kể từ cố sự để răn dạy bọn nhỏ cho đến truyện ma doạ người, càng kể càng thấy mơ hồ. 

Hai thằng rảnh rỗi quá sớm đã phát bực, chỉ mong có câu chuyện gì đó để hóng hớt cho đỡ buồn, liền năn nỉ Trăn Tử kể một chút cho chúng tôi nghe. Cuối cùng Trăn Tử cũng đành mở lời, theo lời cô nàng kể, từ rất lâu rồi đã có một truyền thuyết như thế này: cuối thời kì nhà Mãn Thanh dân quốc, trong núi lớn có một con sông tên là “Hắc Thuỷ Giang" chảy qua, bên bờ Hắc Thuỷ Giang có một túp lều làm từ da thú, bên trên có ba người anh em, đều bị chết yểu, không thể lớn lên nổi. Những năm tháng ấy, chết một đứa trẻ chẳng có gì lạ thường cả, nhưng đằng này lại chết liền thằng thứ hai rồi đến thằng thứ ba, đến khi người con thứ tư được sinh ra, người trong nhà thương đứa con đứa cháu duy nhất này vô cùng, chiều chuộng hết mức, miếu Đông vừa mới thắp nhang, miếu Tây hương hãy còn chưa tắt. Theo như tập quán từ xưa, mặc dù phía trên chẳng còn ai nữa, nhưng vẫn phải dựa theo thứ tự cấp bậc trong nhà mà đứng a, cho nên đứa nhỏ này sinh ra liền đứng hàng cuối cùng, vai vế bé nhất nhà, theo như thổ ngữ địa phương gọi là “lão mụn". Đến khi lão mụn chừng ba mươi tuổi, hắn đã là một người tại kỳ. Như thế nào gọi là tại kỳ? Các vị chắc đều biết thời nhà Thanh có Mãn, Mông, Hán bát kỳ a. Đây là một loại hình thức tổ chức xã hội của người Mãn Châu. Tổ tiên của lão mụn này, ban đầu là một trong tám kỳ binh, sau gia nhập kim giáp sỹ, trước kia cùng Thanh Thái tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích thẳng một đường Nam chinh Bắc chiến, Đông thủ Tây sát, lại quăng lão đuôi rồng Hàn Vương ra quan ải, đánh chiếm thiên hạ, cũng gọi là có tí công phò trợ Thiên tử. Bởi vì Sấm vương Lý Tự Thành vượt sông Sa Hà, xuyên thủng được thành Bắc Kinh, Sùng Trinh hoàng đế phải bỏ chạy lên núi Môi Sơn mà tự vẫn. Ngô Tam Quế quay về cứu viện, nghe tin vua Minh đã chết, định đầu hàng Lý Tự Thành. Nhưng khi hay ái thiếp của mình bị Tự Thành chiếm đoạt, cha thì bị giết, liền tức giận đổi ý, dẫn quân quy thuận Mãn Thanh. Đại Thanh khi đó dựa vào mười ba cánh quân được trang bị khôi giáp dũng mãnh mà khởi binh, trước khi xuất quân bố cáo hịch văn Thất Đại Hận Phạt Minh, một đường đánh thẳng đến Long Đình ở Bắc Kinh, giang sơn từ ấy đổi chủ, toàn bộ Trung Nguyên quy về một mối. Ở nơi này, ấy thế anhmà tổ tiên nhà lão mụn cũng có một chút công lao, gọi là “tòng long chi công". Sau khi cuộc chiến đã kết thúc, giang sơn Đại Thanh dần dần ổn định vững chắc, tổ tiên của lão mụn không muốn ở lại kinh thành làm quan, lúc này mới trở lại quan ngoại, nguyện cho con cháu đời đời bảo vệ long mạch chi địa Đại Thanh ngàn năm hưng thịnh. Dĩ nhiên, ngươi dốc sức vì quân vương mà chinh chiến gian khổ, lập được đại công, không thể để người tay không mà rời đi a! Cho dù không phong được cho ngươi một chức Vương chức tướng, ít nhất vẫn có thể để cho hậu nhân của ngươi được hưởng lộc vua mấy đời, phải nói là ăn sung mặc sướng không cần lo nghĩ. Hàng tháng đều đặn được hoàng gia cấp tiền cho, muốn ăn gì thì ăn, thích chơi gì thì chơi, cho nên đám hậu nhân bọn họ, cuộc sống mỗi ngày trôi qua đều rất thoải mái. Cả ngày trừ việc cưỡi ngựa bắn tên, không phải động tay động chân làm gì cả, cũng chẳng cần bận tâm thứ gì hết. 

Nói tóm lại, mười mấy đời hậu nhân của vị khai quốc công thần kia, suốt hơn hai trăm năm mỗi ngày sống rất tiêu diêu tự tại, thoải mái. Đến đời của lão mụn sau này, thì dần lụi bại. Tại sao ư? Triều đình sụp đổ, Hoàng thượng không còn, đám con cháu bát kỳ năm xưa đều sống nhờ vào lúa gạo lụa là của hoàng gia ban cho, giờ thì chẳng khác nào mất đi chỗ dựa. Ngày trước ăn bao nhiêu bộc lộ của triều đình, tiêu xài hoang phí chẳng chịu tích cóp, thì đến đời của lão mụn đã sớm chẳng còn lại cái gì nữa cả. Các bạn thử suy nghĩ một chút mà xem: Hắn từ nhỏ sống trong áo gấm nhung lụa, ăn sung mặc sướng, cả ngày chỉ uống rượu rồi lại đi chơi gái, cũng gọi là biết hưởng phúc, nào có biết đến cái gì gọi là gian khổ cơ chứ? Chẳng chịu kiếm lấy một nghề mà sinh sống, tổ tiên trước kia một thân bản lĩnh anh hùng, thiện chiến dũng mãnh, cưỡi ngựa bắn cung tài giỏi thế nhưng hắn cũng không thừa kế được một chút nào cái phẩm chất ấy, ngay cả bắn thỏ còn chẳng biết. Cha mẹ tuổi đã cao, liền lần lượt nối gót nhau mà qua đời, lão mụn chỉ còn cách bán đồ trong nhà mà lấy tiền mua thức ăn, lúc đấy còn đỡ, sau dần dà đồ đạc trong nhà cũng hết, chẳng còn thứ gì đáng tiền để bán, hắn một thân một mình, trên đầu không một mảnh ngói che thân, dưới đất không một miếng đất cắm dùi, bằng hữu thân thích trước giờ cũng không thèm qua lại nữa. Có một câu nói như này: “Người nghèo dù ở Thập Tự Nhai chẳng ai dám nhận là người thân thích, ruột thịt. Kẻ giàu nơi hoang sơn dã lĩnh bạn bè khắp nơi có đuổi đi cũng không hết!"

Nghèo thì vẫn phải ăn cơm thì mới sống được qua ngày a! Phải làm gì đây? Hắn không còn cách nào khác đành dựa vào bộ bẫy kẹp da mà kiếm miếng ăn nuôi sống mấy người trong gia đình. Người vùng quan ngoại vẫn hay nói cái bẫy kẹp da này chính là chi hạ sáo nhi, thiết giáp tử, chuyên dùng để bắt hồ ly, chồn vàng,... Ở quan ngoại, những loài động vật này đều được gọi chung là bì thú, bởi vì thịt của chúng vừa dai vừa hôi không hề dễ ăn, được cái bộ lông thì lại vô cùng đáng tiền. Hơn nữa lại nói, khi đi săn bì thú không thể dùng cung tên, súng bắn chim hay là chó săn được, bởi vì một khi bộ lông bị tổn hại, coi như vứt đi, không đáng giá lấy một đồng nữa, hoàn toàn là vật vô giá trị, cho nên yêu cầu quan trọng nhất là phải bắt sống được chúng. Lão mụn kia lúc này rơi vào tuyệt lộ, đành dùng bộ bẫy kẹp da để săn thú kiếm chút tiền mà mua cái ăn sống tạm qua ngày. Làm cái nghề này, nếu thật sự có bản lĩnh lớn, lại cộng thêm vận khí tốt, không chỉ đủ sống mà còn có khả năng phát tài nữa kìa. Hắn thấy người ta bắt chồn, bẫy hồ ly mà phát tài lớn, nên cũng học theo mà mò tới nơi này. Nhưng săn thú nào phải chuyện chơi, đây cũng là một môn thủ nghệ đấy! Kiến thức học vấn chứa đựng bên trong chẳng phải là ít, quan trọng nhất chính là tìm kiếm tung tích dấu vết, từ đó phân biệt được loại thú gì, hành tung ra sao, ngoài ra còn phải quan sát vết cỏ, lần theo động tĩnh, ở đâu hạ kẹp, nơi nào đặt bẫy, lúc nào thì hạ, khí trời như nào thì đặt, tất cả đều phải dựa vào kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều năm, hơn nữa còn phải ăn sương uống nắng, hết sức khổ cực. Đám bì thú càng đến mùa đông, trời lạnh lẽo giá rét, đất đá đóng băng, thì da lông chúng càng mọc dày để giữ ấm, lúc ấy mới là lúc mà bộ lông của chúng đạt giá trị cao nhất, có thể bán được rất nhiều tiền, thậm chí đến ngày tam cửu cực hàn chí thượng, phải ở lại trong núi mấy ngày liền cũng là chuyện quá bình thường (Trans: Tam cửu, như đã giải thích ở chương trước, là ngày lạnh nhất trong năm theo quan niệm của người Trung Quốc). Vấn đề là hắn vốn đã ham ăn lại thêm biếng làm, phàm là kẻ lông bông cầu bơ cầu bất thì nào nguyện ý chui rừng sâu vào núi thẳm cơ chứ, quá nhiều khổ cực, quá nhiều mệt mỏi a thân này sao chịu nổi! Cuối cùng lão mụn trở nên nghèo rớt mồng tơi, quần cũng sắp không có mà mặc rồi! 

Cho đến một ngày nọ, lão mụn lại lâm vào cảnh trong nhà chẳng còn gì để ăn nữa, gạo trong chum không có lấy một hột, đến chuột cũng chê nghèo quá đếch thèm mò đến trộm cho nhọc công. Đành vác mặt sang hàng xóm vay nhờ tí lương thực, nói sau sẽ trả, ai trong thôn mà chẳng biết rõ cái tính du thủ du thực, ăn không ngồi rồi của hắn, có cho mượn cũng không trả nổi. Có một câu nói rất hay, đó là “cứu cấp chứ không cứu nghèo", thử xem cái dạng người như lão, nhà ai suốt ngày mà quản được chuyện ăn chuyện uống cho lão, lại cũng chẳng phải là họ hàng thân thích quái gì cả, cho nên mọi người cũng không thèm quan tâm đến hắn nhiều. Rốt cuộc hắn cũng đã bắt đầu cảm thấy bế tắc, đành xách theo cái bẫy kẹp da kia lên núi. Phải nói là hắn quá là xui xẻo, liên tiếp mấy ngày trời chẳng bẫy chẳng bắt được bất cứ cái gì hết, đến một con thú cũng chưa thấy qua, cứ như đang cố tình rủ nhau tránh mặt hắn vậy. Hắn trên người lại không mang theo lương khô, thực ra không phải là chủ quan không muốn mang, mà là trong nhà còn cái mẹ gì nữa đâu, lấy gì làm lương khô để mang đi chứ, đến lúc đói quá đành bắt tôm càng đất ăn tạm. Tôm càng đất là một loài côn trùng nhỏ sống trong đất, tên khoa học là dế nhũi, cũng có nơi gọi nó là “chó đất". Lão bách tính vẫn thường hay nói: “Nghe tiếng tôm đất kêu, còn không mau mau dậy làm ruộng?" Cái thứ đồ chơi này liệu được mấy phần thịt cơ chứ? Bụng đói cồn cào, hai mắt long sòng sọc vằn vện tơ máu, hai chân run rẩy lập bập, luôn miệng than thở rên rỉ, tự trách mình mạng khổ!

Đi mãi đi mãi, vừa hay đi đến một thung lũng. Bên trong thung lũng này lão mụn chợt phát hiện ra một lều ngô nhỏ, cái gì gọi là ngô lều chứ? Chính là một loại chỗ ở đơn sơ tạm thời mà đám thợ săn thường dùng mỗi khi đi săn, học theo túp lều của những người nghèo ở Đông Bắc địa khu, trông như thế nào? Chặt lấy mấy cây gỗ, vót bỏ cành thừa, rồi dựng lên thành một cái khung hình tam giác, dùng cỏ khô với vài mảnh vải rách, vài miếng nỉ thừa linh tinh đem phủ lên hai bên cạnh lều. Liền thành một chỗ có thể chui ra rúc vào, cũng gọi là có chút tác dụng che nắng che mưa. Dĩ nhiên, gặp hôm nào trở trời, mưa hơi to một tí, nắng hơi to một chút thì thôi xác định đỡ không nổi, nhưng mà dù sao thì có còn hơn không. Bởi vì hình dáng giống như cái bánh ngô hấp (Trans: Các bạn có thể xem qua hình ảnh bánh ngô hấp ở đây để dễ hình dung: https://en.m.wikipedia.org/wiki/Wotou), cho nên mọi người liền thuận mồm gọi luôn là “lều ngô". Giữa rừng sâu núi thẳm vùng Đông Bắc này, tự nhiên bắt gặp một, hai cái lều ngô cũng chẳng điều gì kỳ quái cả, cũng không phải sở hữu của mỗi mình ai, toàn là do những tay thợ săn thường xuyên phải lên núi đặt bẫy bắt thú, nên tiện tay dựng lên cái lều để có chỗ nghỉ chân, rất đơn sơ. Đến lúc rời đi vẫn để nguyên đấy không dỡ bỏ, bởi vì bên trong đồ đạc cái gì cũng không có, thành ra đếch cần phải nhọc công phí sức phá đi làm gì, cứ để đấy coi như tạo phúc cho những người đi rừng bị lỡ buổi chẳng hạn. Một khi trời tối, nghỉ chân tạm ở trong lều ngô, không dám nói là thoải mái hay không thoải mái, chỉ biết so với nửa đêm nằm ngoài trời để cho chó sói tha đi còn tốt hơn nhiều lần. 

Lão mụn nhìn thấy trong thung lũng có một cái lều ngô, liền nghĩ trong đầu: Hay là mình cứ vào đấy dừng chân nghỉ ngơi tạm vậy, nằm một chút cho nó lại sức tí còn đi tiếp! Vừa nghĩ xong, lão mụn đang định nhấc chân bước vào trong lều, bất ngờ từ bên trong có một người đi ra, vừa vặn hai người mặt đối mặt với nhau, đem lão mụn doạ cho hết cả hồn — hắn nào có nghĩ tới trong lều này lại có người ở từ trước rồi, đến khi bình tĩnh nhìn lại, mới thấy rõ người này thì ra là một lão thái thái, trên người mặc một chiếc áo choàng đỏ thẫm, màu sắc đặc biệt gai mắt. Vóc dáng nhỏ bé không cao, nhưng xem ra ý tứ này thì chắc tuổi tác cũng không hề nhỏ, da thịt tứ chi đều nhăn nhúm, co rúm lại chỉ còn da bọc xương. Khuôn mặt của lão thái thái này thì quá là doạ người, ba phần không giống người, bảy phần tựa như quỷ, da trên mặt xệ xuống, sô lại với nhau thành những vết nhăn dài, tuổi tác quả thật đã quá cao rồi, khắp mặt loang loang lổ lổ vết ban vết bớt do bị nấm da, nhưng đôi mắt lại loé ra tinh quang rất sáng. Đối với người bình thường mà nói, một khi tuổi cao sức yếu, nhãn cầu sẽ trở nên mờ đục thiếu sức sống, nhưng lão thái thái này hai mắt lại tựa như phóng ra một luồng quang mang rực rỡ, khiến cho người ta nhìn vào không khỏi giật mình kinh hãi. Tóc trên đầu nói hoa không hoa, nói trắng không trắng, cũng đã sớm rụng mất không ít, chỉ thấy bà ta đem chỗ tóc còn lại túm chung một chỗ, dùng lược quấn lại thành búi, bên trên còn cắm thêm một bông hoa, đã khô quắt khô queo từ bao giờ, trông rất xấu xí khó coi. Lão thái thái trong tay chống một cây gậy đen nhẻm bằng gỗ mun, đi lò dò từng bước từng bước một, đang từ trong lều đi ra ngoài. Lão mụn nghĩ thầm trong đầu: Lão thái thái này là ai vậy nhỉ? Nhìn cách ăn mặc này, trông không giống như một lão thái thái thật sự, bà ta tại sao lại một mình ở trong rừng sâu núi thẳm như này chứ? 

Các bạn phải biết rằng, thời điểm lúc ấy rơi vào những năm cuối cùng của nhà Thanh, bắt đầu bước vào thời kì dân chủ hậu phong kiến, các lão thái thái bấy giờ chân ai cũng bị bó từ nhỏ, bé quặp lại, đi bộ trên đất bằng còn rất tốn sức, run run rẩy rẩy bước đi vô cùng chậm chạp, thường phải có một, hai đứa a hoàn đi theo đỡ, nói gì đến đường rừng đường núi như này, hơn nữa trang phục mà lão thái thái kia mặc trên người trông cũng quá là kì dị đi, lối ăn mặc này từa tựa như một sư bà vậy. Ở thời kì ấy mà nói, phụ nữ trong xã hội thường được gọi là tam cô lục bà. Đàn bà con gái lúc bấy giờ, rất chú trọng việc danh tiết, không hề bước ra khỏi đại môn nửa bước, ngách nhỏ cũng không đi, một khi cô nương chưa xuất giá, liền không thể tuỳ tiện xuất đầu lộ diện, để người khác thấy mặt. Gả cho người, quan trọng nhất là giúp chồng, dạy con, tam tòng tứ đức, cơ hồ sẽ không mấy khi ra khỏi cửa làm việc. Cho nên nói tam bà lục cô này, không phải để chỉ những người phụ nữ như vậy, mà là để gọi những người đàn bà chuyên làm mấy loại nghề nghiệp đặc thù (Trans: Chỉ những người phụ nữ làm nghề bất chính, lừa đảo. Ba cô trong đó có đạo cô, cô đồng. Sáu bà gồm bà mối, bà lang, mẹ mìn, chủ nhà chứa…).

Ví dụ như khi nói đến tam cô, không phải muốn nói tới đại cô, nhị cô hay tam cô của một nhà nào đó, mà để chỉ ba loại cô: “ni cô", “đạo cô", còn có cả “quẻ cô". Ni cô cùng đạo cô thì dễ hiểu rồi, tăng đạo của hai môn phái Phật giáo và Đạo giáo trước giờ có không ít phụ nhân xuất gia. Còn mỗi quẻ cô thì nghe hơi lạ tai một chút. Nói trắng ra thì là mấy con mụ hầu đồng hầu cốt, bói chân gà, xem quẻ thăm, đây thực chất cũng là một loại hình kinh doanh, hành tẩu giang hồ hoàn toàn dựa vào cái miệng ăn nói, nói hay nói tốt thì có cơm ăn, không thì nhịn. Lục bà chia ra thành: “bà mai", “bà lang", “bà mụ", “mẹ mìn", “tú bà" và “sư bà". Trong đó sư bà là loại người đáng sợ nhất, có ngón nghề vẽ bùa nguyền thi, thỉnh thần hỏi vận mạng vô cùng tà dị, nghe đâu còn có thể câu thông với thần tiên trên trời cao, ác quỷ dưới địa phủ. 

Lão mụn vừa nhìn thấy người bước từ trong lều ra liền nhận ra ngay đấy là một sư bà, hắn thế nhưng không dám sơ suất thất lễ. Nói rõ hơn một chút cho các bạn hiểu, thời kì này con người ta rất chú trọng đến phép tắc lễ nghĩa, cho dù ngươi nghèo đến rớt mồng tơi, là loại khố rách áo ôm mạt hạng, nhưng chút lễ nghi này không thể nào thiếu được! Lão mụn vội vàng bước tới thỉnh an sư bà, nói: “Con là thợ săn lên núi đặt bẫy kiếm chút cơm ăn, đi tới thung lũng này chợt thấy có cái lều nhỏ, chân tay đã sớm mệt mỏi rã rời nên mới định bước vào nằm một chút, vốn tưởng rằng trong lều không có người, không nghĩ tới thì ra lão nhân gia ngài đang ở đây nghỉ ngơi, thật là làm phiền ngài rồi, con người trần mắt thịt, không thấy núi Thái Sơn, xin ngài chớ quở trách!" Nói xong hắn định bụng hỏi xin sư bà một miếng nước, nếu có thể liền xin thêm chút lương khô nữa, như vậy thì còn gì bằng. Sư bà hướng ánh mắt lên người lão mụn, quan sát một lượt từ trên xuống dưới, rồi lại nhìn trái nhìn phải, cứ như hoả nhãn kim tinh của Tôn Ngộ Không đang soi yêu quái vậy. Một lúc lâu sau, sư bà vẫn im bặt không nói một lời, chỉ ngoắc tay với hắn, rồi xoay người bước trở lại lều. Lão mụn trong lòng tự nhủ: Lão thái thái đây phải chăng ý bảo mình đi theo? Haha thật không uổng công nãy giờ tốn bao nước bọt nói lời hay ý đẹp, không chừng lại được một bữa ăn no! Hắn không thèm nghĩ nhiều nữa, lập tức nhấc chân đi theo vào bên trong lều. 

Vừa mới bước vào lều, lão mụn liền chau mày, không gian bên trong vừa bẩn lại vừa tồi tàn, thật không còn gì để nói, đâu đây thoảng thoảng một mùi hương hết sức ghê người nữa, chợt thấy vị lão thái thái không biết từ đâu bưng ra theo một chén cháo loãng đưa cho lão mụn uống. Lão mụn đã rất lâu rồi không có cái gì bỏ vào bụng, nhìn cái chén mà lão thái thái đưa tới tuy chỉ toàn là cháo loãng, lõng bõng một vài hạt gạo, nhưng có còn hơn không a! Lập tức lang thôn hổ yết, đem chén cháo này uống một hơi hết sạch, còn tiếc nuối liếm liếm chút cháo thừa dính ở đáy bát. Sư bà nãy giờ vẫn một mực ở bên cạnh hắn, lúc này mới thở dài, nói: “Nhìn ngươi hãy còn trẻ, lại cũng có chút hiểu biết lễ phép, không giống như đám nông dân bần hàn, tại sao lại để bị đói thành ra như vậy?"

Lão mụn vội vàng buông bỏ chén cháo xuống, đặt sang một bên, lấy tay áo lau qua miệng, rồi một mực cung kính thưa: “Lão nhân gia à, chén cháo này của ngài đã cứu lấy mạng nhỏ này của con! Ngài hỏi con thì con xin thành thật trả lời, không dám dối ngài…." Hắn vừa húp xong một chén cháo, cũng gọi là hồi được chút sức, liền đem hết nỗi khổ tâm, ấm ức cất giấu trong lòng bấy lâu nay ra hồi tưởng lại, trước tiên là màn sụt sùi kể khổ, hắn kể cho lão thái thái chuyện tổ tiên hắn hồi trước là khai quốc công thần, con cháu nhiều đời được hưởng lộc vua, mỗi tội đến đời hắn thì không còn được nữa, cha mẹ song thân thì vừa qua đời, bằng hữu thân thích đều bỏ hắn mà đi, hàng xóm xa lánh ghẻ lạnh, rồi đến chuyện hắn phải chịu nhiều khổ cực như nào, đã thế vận số còn đen đủi ra sao, phải dựa vào cái bẫy kẹp da tổ tiên để lại này mà lên núi sâu xuống nước độc kiếm sống, nhưng cũng chỉ được bữa nay lo bữa mai mà thôi. Ngài nói xem, người ta đều là do cha mẹ sinh ra phụ mẫu nuôi dưỡng, đều cao thấp dài ngắn giống nhau, chẳng ai hơn ai cái gì cả, vậy cớ sao có người sinh ra đã được hưởng lạc vui thú, chẳng phải lo chuyện ăn chuyện uống, sống an nhàn cả đời? Trong khi đó có người thì lại phải cả ngày phải bôn ba vất vả, có khi còn chết đường chết chợ vì đói, vì rét? Lão mụn càng nói càng ủy khuất, mắt còn rưng rưng như thật, nhưng tuyệt không đả động gì đến việc hắn vốn là kẻ ham ăn lười làm. 

Đợi hắn đem mấy cái văn ôn nghèo kể khổ đã cũ rích ấy nói xong một lượt, sư bà mới kỳ kỳ quái quái mở lời: “Ngươi nha, cũng không cần phải oán trách như thế làm gì, sinh tử có số, phú quý do trời, một người hoặc giàu hoặc nghèo, đều đã sớm được quyết định từ khi còn là bào thai. Nếu mệnh ngươi định trước đã là mệnh nghèo hèn bất phú, thì cho dù có gặp cơ duyên xảo hợp để ngươi thoát nghèo trở nên giàu sang, cũng sẽ phải hao tốn không ít tuổi thọ, ngươi nói xem, liệu có đáng không?"

Đừng nhìn lão mụn tuy giờ đã rơi xuống tầng lớp nghèo mạt hạng đáy cùng của xã hội, hắn thực ra không hề ngốc, cũng đã nghe ra ít nhiều hàm ý chứa trong lời nói của sư bà kia, vội nói: “Sư bà có chỗ không biết, giống như con đây vốn sinh ra số mạng đã định sẵn trở thành một người khổ cực, bữa nay còn chưa lo được nói gì đến bữa mai, hôm nay suýt nữa thì chết đói, tự nhiên gặp được ngài ban cho một chén cháo, tức là lão thiên đã mở một mắt tha cho cái mạng này chưa phải xuống địa phủ trình tên. Bây giờ rời khỏi đây, con cũng không biết đi đâu mà kiếm bữa tiếp? Nói không chừng ngày mai cái thân này đã nằm gọn trong bụng thú hoang sói dữ, vậy còn phải nghĩ nhiều làm chi cho nhọc thân. Ngài đừng nói muốn phát tài phải chịu hao tuổi thọ, con xin nói thực lòng một câu, giờ chỉ cần ngài cho con được ăn một miếng sủi cảo nhân thịt lợn cải trắng, rồi muốn làm gì cái mạng nhỏ này con cũng xin nguyện ý!" Nói xong những lời này, hắn e dè liếc mắt quan sát sư bà. Chỉ thấy khóe miệng sư bà khẽ khẽ động, thật giống như muốn nói gì đó, nhưng lại thở dài một hơi rồi khoát khoát tay: “Ngươi tuổi còn trẻ tuổi nông nổi bồng bột, không biết sự đời nông sâu ra sao, ngẩng đầu ba tấc có thần linh soi xét, chớ có đem mạng sống ra nói linh tinh!"

Lão mụn càng nghe càng thấy trong lời sư bà này có ẩn ý gì đó, nói thế khác quái gì đang câu dẫn thằng này? Cho nên lại cố nói: “Sư bà ngài có phải là không tin lời con nói phải không? Con nói thật với ngài lần nữa, đừng xem con nghèo hèn như này, thế nhưng lời nói ra lại rất có trách nhiệm, lão mụn này xin chỉ thiên hướng địa mà lập lời thề! Trời xanh trên cao, hoàng thổ dưới đất, trước sau hai vị Thần tài Phú quý, trái phải hai vị Hộ pháp Long Vương, nếu như có một ngày, ờ gì ý nhỉ, à đúng rồi, có một ngày để cho lão mụn tôi được hưởng cảm giác vinh hoa phú quý, tiền bạc đầy túi thì có muốn lấy đi bao nhiêu tuổi thọ, tôi cũng xin cam tâm tình nguyện!"

Sư bà nhìn chằm chằm lão mụn một hồi lâu, rồi mới chậm rãi mở miệng nói: “Xem ra thiên ý sớm đã sắp xếp như thế rồi, để ngươi hôm nay gặp được ta ở đây, đã như vậy thì, lão thân này đành nghe theo ý trời mà thành toàn cho ngươi, mau lại đây xem thứ này!" Nói xong bà ta liền thò tay ra phía sau lưng, lấy ra một cái túi nhỏ rồi đưa lên trước mặt để xuống. 

Thứ mà lão bà vừa lấy ra từ sau lưng, nhìn qua chỉ thấy giống một cái túi vải thông thường, lão mụn đưa lên trước mắt ngắm nghĩa mãi cũng chẳng nhận ra cái thứ đồ chơi này có điểm gì đặc biệt hay hiếm lạ cả, liền đặt lại xuống bàn, chợt nghe bên trong túi vang lên tiếng “rào", cảm giác nặng trĩu như chứa rất nhiều thứ gì đó. Lão mụn lại cẩn thận cầm lên nhìn thêm một lần nữa, oái! Cái túi không còn trống rỗng như lúc đầu nữa, mà bắt đầu căng phồng lên, bên trong không biết là đựng đồ vật gì nữa!

Sư bà thấy lão mụn ngạc nhiên, liền giải thích cho hắn nghe: “Ta có một cái túi này, bên trong chứa chút tiền lẻ, thấy người đáng thương như thế, thì đành mủi lòng thành toàn cho người. Nói là chút tiền lẻ nhưng cũng không hề ít đâu, ngươi muốn lấy bao nhiêu thì lấy, đừng ngại!"

Lão mụn không dám tin vào tai mình, không ngờ tới thì ra lão thái thái này lại là một vị thần tài gia a! Mà không đúng, không phải là thần tài gia, mà là thần tài nương nương! Thì ra ngài là thần tiên hạ phàm xuống dựng lấy một căn lều giữa rừng, chờ người hữu duyên tới để tặng tiền giúp họ đổi đời, thật là tốt quá đi? Đang suy nghĩ linh tinh, chợt lão mụn lại nghe sư bà kia nhắc nhở: “Bất quá, ta phải nói trước cho ngươi biết, tiền cũng không phải là lá đa, chớ có tham lam lấy hết sạch, ngươi nên nhớ rằng, càng lấy ra nhiều thì tuổi thọ phải đánh đổi càng nhiều, hãy suy nghĩ cho cẩn thận đi đã!" Nửa câu sau này, liệu lão mụn có nghe thấy không? Nghe, tất nhiên là nghe thấy rồi, mỗi tội chỉ ngấm có ba từ: lấy tiền, không lấy hết, giảm tuổi thọ! Hừ, có thể giảm được bao nhiêu cơ chứ? Chủ yếu lấy được bao nhiêu ý chứ, quan tâm đếch gì dăm ba tuổi mất đi a? Hắn không thèm để ý nhiều nữa, lúc này hai mắt đã mở căng ra nhìn chằm chặp vào cái túi tiền như một con thú đói đang nhìn miếng mồi ngon lành trước mặt vậy, trong lòng vẩn vơ suy nghĩ trong cái túi căng phồng kia có thật là chứa tiền không nhỉ? Là bạch ngân, hay ngân phiếu, hay thậm chí vàng thỏi? Thật trên đời lại có chuyện tốt từ trên trời rơi xuống như vậy sao? 

Hắn nhìn nhìn sư ba một chút, trong đầu nghĩ dù sao thì cũng nghèo bỏ mẹ rồi, bảo ta lấy thì ta cứ lấy sợ quái gì! Hắn liền thò bàn tay vào trong cái túi sờ soạng, con mẹ nó chứ, tiền, đích thị là tiền rồi! Cuống quýt lôi ra xem, trời ạ, là một khối bạch ngân, bạch ngân thượng hạng a! Hàng thật giá thật luôn, đi đến địa phương nào moi ra vài cục như này cũng sẽ khiến người ta phải há hốc mồm. Mà bên trong cái túi kia lại đầy ắp từng khối từng khối một. Hắn lấy ra thêm một khối bạch ngân nữa, mân mê trong tay, như nhớ ra điều gì đó, liền đưa lên miệng cắn thử một cái, bốn dấu răng hiện lên mờ mờ, hắn lại thổi thổi vài cái, rồi thả xuống bàn kiểm tra độ vang, không sai, đây tuyệt đối chính là bạch ngân nguyên chất! Lão mụn quay sang hỏi sư bà: “Liệu con có thể lấy thêm vài khối nữa được không?" Sư bà nói: “Ta vừa nói rồi đấy, lấy bao nhiêu tuỳ ngươi, sau nay tiêu hết, lại có thể tới đây tìm ta!" 

Lão mụn vỗ đùi cái đét, hí hửng: “Được luôn! Con cũng không khách khí với ngài nữa, trước xin phép lấy một ít đã!" Ngay sau đó liền vơ lấy một vốc đầy, nhét chật hai ống tay áo, rồi nắm chặt lại kẻo rơi thì uổng lắm, lúc này chỉ thấy hai tay áo hắn căng phồng. Xong xuôi, lão mụn bèn quỳ xuống trước mặt sư bà, ầm ầm ầm ầm, dập liền mười mấy cái váng cả đầu.

Sư bà nhìn hắn, nói: “Không cần dập đầu làm gì cả, vẫn là câu nói cũ, hai chúng ta, coi như hữu duyên với nhau, túi tiền kia là của ngươi, khi nào cần, cứ tự nhiên tới lấy!" 

Lão mụn đáp lại một tiếng, rồi vội vàng bước ra khỏi lều, ngẩng đầu lên nhìn thấy sắc trời hãy còn chưa tối, bây giờ vẫn là ban ngày, chắc không phải là mơ đây à nha, nếu đã không phải là mơ, vậy quả là ông trời quả thật có mắt xót thương chúng dân nghèo? 

Lão mụn ôm đống tiền vừa lấy được, lò dò bước xuống núi. Hành trình trở về phải nói là rất khó khăn, té lên té xuống mấy lần, chân tay mặt mũi sứt sẹo hết cả, thế nhưng hắn lại chẳng cảm thấy đau đớn gì hết. Vất vả lắm mới lết đến được chân núi, hắn tìm một tảng đá ngồi nghỉ chân, như chưa tin vào những gì vừa xảy ra, bèn tự mình véo thật mạnh vào má, ái ui đau quá a! Đau đến nỗi nhe cả răng, một bên xuýt xoa mặt, còn một bên hí hửng mãi không thôi. Thật không phải là nằm mơ gì hết! Vừa nghĩ đến đây, trong bụng hắn lại sôi sùng sục vì đói, bao lâu nay chưa được một bữa no nào tử tế ra hồn, một chén cháo loãng còn chẳng đủ để lót dạ, phải tìm xem có quán ăn nào gần đây không vào đánh chén một bữa đã, bằng không để lão bụng lão ý mà đói lên lão ý làm phản thì chết! Lập tức nắm cẩn thận lại tay áo, sải bước đi nhanh tìm quán ăn. 

Các quán ăn ở vùng quan ngoại này đều dùng cờ xí để thay cho biển hiệu. Nếu thấy chỉ treo một cái cờ thì đó là quán ăn nhỏ, bán đủ loại nào là bánh bao, sủi cảo, mì sợ các thứ, nhưng chung quy chỉ toàn là đồ ăn bán cho tầng lớp dân chúng thấp hèn trong xã hội, thứ nhất là để giải quyết khâu đói, thứ hai là phải vừa nhanh vừa tiện, chỉ cần một hai miếng liền có thể chén xong luôn, lão bách tính ăn xong rồi còn phải đi làm nữa thời gian đâu mà ngồi rềnh ngồi rang. Quán ăn bên ngoài treo hai lá cờ, vậy bên trong liền thực đơn có rau có canh, có thức ăn nóng nguội tùy ý, còn có cả rượu gạo đun trên bếp lửa nữa chứ. Treo bốn lá cờ, thì thôi, gọi luôn là đại tửu lâu đi, cái gì mà thú vật trong núi, yến nhạn trên trời, đầu khỉ tổ yến vây cá mập, tay gấu sò khô sừng hươu tươi, con mẹ nó chứ, sơn hào mỹ vị, không gì là không có, chỉ sợ ngươi nghĩ không ra thôi! Ngày trước, có thể bước vào quán cơm nhỏ mà gọi một tô mì không người lái (Trans: Tức tô mì không chẳng có gì ngoài sợi mì với nước lã), đối với lão mụn mà nói, chẳng khác gì là ăn tết cả. Còn quán cơm treo hai lá cờ hiệu ngoài cửa, ngay cả nhìn thôi mà hắn cũng không dám. Hôm nay thì mọi chuyện đã khác rồi, trong tay hắn giờ cầm thật nhiều là bạch ngân a, hai cái thứ quán cơm rẻ tiền kia, hắn đếch thèm quan tâm nữa luôn, trực tiếp khệnh khạng bước vào một đại tửu lâu, quả thật là đúng với câu: người là anh hùng, tiền là ruột gan! Lão mụn cũng thừa biết bọn hầu bàn tiểu nhị ở mấy đại tửu lâu đều là mấy thằng ôn con chuyên nịnh hót xun xoe, nhìn người mà tiếp đón, thấy người khố rách áo ôm chẳng có tư thái đại gia gì mà đi vào trong tửu lâu, còn chưa đợi ngươi ngồi ấm mông, bọn chúng liền một cước đạp bay ngươi ra khỏi cửa. Cho nên lão mụn vừa mới ngồi xuống, việc đầu tiên là lấy ra vài khối bạch ngân đập xuống bàn để ra hiệu đã. Tiểu nhị chợt phát hiện có kẻ ăn mày to gan dám bước chân vào đây, vội chạy tới định đuổi đi, bỗng thấy vị “đại gia ăn mày" kia móc từ trong ống tay áo ra mấy khối bạch ngân vỗ vỗ, hai từ “Cút ngay" còn chưa kịp bay ra khỏi miệng liền bị nuốt lại, tí thì nghẹn, vẻ mặt ngay tức khắc thay đổi, cười toe toét trông rất đáng yêu: “Ai u, lão tổ tông của tôi ơi, ngài mới tới a!"

Lão mụn lúc này mới nói muốn uống rượu với chút thức nhắm, lâu ngày trong bụng hắn đã chẳng có tí dầu tí muối nào rồi, toàn phải nhặt quả rừng rau dại nhai tạm. Trước hãy cứ đưa tới nửa cân rượu trắng, một đĩa đậu phộng rang muối đã, xong lại gọi thêm bốn món nóng: chân giò sốt mật ong, súp cá hầm bào ngư, tôm hấp chanh xả, canh gà tần thuốc bắc. Các bạn chớ quên, tổ tiên hắn trước kia đã từng ăn không ít lộc của vua, thưởng thức qua không ít mỹ vị, cho nên lão mụn cũng gọi là biết món nào ngon, món nào dở a! Lại nhìn cái dáng ăn của hắn, hai tay liên tục gắp, miệng nhai nhồm nhoàm, răng dính đầy thịt đầy mỡ, trông cứ như thuồng luồng hà bá vậy, đến nỗi mà cúc áo trước cúc quần sau cứ lần lượt tung ra từng cái một, ăn xong hãy còn liếm sạch cả đĩa, vét bóng cả bát. Tiểu nhị đứng ở một bên phục vụ, nhìn thấy cảnh này, chỉ biết lắc đầu ngao ngán, vị tổ tông này kiếp trước liệu có phải là quỷ đói vừa mới được đầu thai hay không, cái bộ dạng này là kiểu cả nghìn năm chưa được ăn cái gì rồi a! 

Sau khi đánh chén một bữa no say xong, lão mụn thoả mãn lau lau cái miệng đầy mỡ rồi nghênh ngang đi ra ngoài. Tiếp theo hắn sẽ đi tìm một cái nhà tắm a, lâu ngày lăn lộn núi rừng, chân tay mặt mũi đều dính đầy đất cát bẩn thỉu, phải kì cọ một hồi cho thật thống khoái mới được! Tắm rửa sạch sẽ xong xuôi, tiện thể cạo luôn đống râu ria lởm chởm, hắn tiếp tục đi vào trong thành, đến một cửa hàng bán y phục khá nổi tiếng, trực tiếp mua lấy một thân trang phục lộng lẫy, từ đầu đến đít thay đổi hoàn toàn khiến cho không một ai có thể nhận ra lão mụn nghèo đói ngày xưa nữa, thật đúng là người đẹp vì lụa ngựa đẹp vì dây cương, vốn nhẽ lão mụn chính là xuất thân từ một trong những gia tộc tại kì, nhưng do hoàn cảnh xã hội mà xuống dốc không phanh, mãi tới tận bây giờ mới lại được mặc gấm mặc lụa lên người, khiến cho luồng thần khí tinh quang của tổ tiên dường như đã trở lại trên người hắn một lần nữa. Đám hồ bằng cẩu hữu năm nào còn xa lánh hắn, thế mà giờ thấy lão mụn phất lên, ra tay lần nào là hào phóng rộng rãi lần ấy, đều lục tục tới tìm hắn ôn lại chuyện xưa nối lại giao tình, thật là một lũ cơ hội, giả tạo! Liền mấy ngày trời khắp các tửu lâu vang lên tiếng cụng ly nâng đũa của bọn chúng, không cần biết có mấy người ăn, cứ đến là gọi ra một bàn yến tiệc với đủ món trên trời dưới đất, ăn uống no đủ rồi thì kéo nhau tới sòng bài đốt tiền tiếp, hoặc chui vào kỹ viện thưởng hoa ngắm nguyệt, ngày nào cũng thế từ sáng tới tối, tiền trong túi cũng đã sắp cạn sạch. 

Lão mụn bắt đầu cảm thấy hối hận, tự trách mình tại sao ngày ấy không lấy nhiều thêm vài khối bạch ngân nữa chứ, số tiền lần này mang về ăn vài bữa thì còn tạm được chứ để ăn cả đời chắc chắn là không đủ, hôm qua ăn thì hôm nay cũng phải ăn sao có thể nhịn được bữa nào. Hắn nghĩ mãi, giờ chỉ còn mỗi cách là phải lần nữa vác xác lên núi, tìm lại được căn lều ngô dựng giữa thung lung nọ, rồi vào trong dập đầu với sư bà thì mới mong có tiền tiêu xài tiếp. Nhưng trong đầu hắn chợt hiện ra một đống câu hỏi, nếu giờ lại tới lấy tiền trong cái túi vải thần kỳ kia thì liệu có thể xảy ra hậu hoạ như nào nhỉ? Nói là sẽ hao tổn tuổi thọ, nhưng không biết hao tổn kiểu quái gì nhỉ? Lần này cầm tiền trong tay, tuy rằng mới vài ngày đã tiêu sạch bách, nhưng được cái cuộc sống so với thần tiên liền tiêu diêu tự tại, sung sướng thoải mái hơn là cái chắc rồi, thường nói cầm tiền đổi mạng, thì ra ý tứ chính là như này, cho dù phải sống ít đi một hai ngày, ta đây cũng không tính là chịu thiệt gì cả. Thà nói ăn bữa nay kệ mẹ bữa sau còn hơn bữa nay có, bữa sau cũng có, nhưng có toàn cơm hẩm cháo hiu, việc quái gì phải khổ sở như thế cho nhọc thân, cứ sống ung dung thoải mái được nhiêu năm thì hay bấy nhiêu. Hãy nhìn ta xem, sau khi có tiền cuộc sống liền quá là thoải mái, vinh hoa phú quý giờ nắm gọn trong lòng bàn tay, không nói đến mỗi ngày đều được ăn ngon mặc đẹp, mà quan trọng nhất là ánh mắt của bọn người kia nhìn ta bây giờ so với lúc trước đã không còn giống nhau nữa, cả mấy em gái trong hương phiêu kỹ viện, thấy ta là liền xúm vào nịnh nọt xoắn xít, oanh oanh yên yến vây quanh, phục vụ còn chu đáo hơn cả đối với tân nương sắp về nhà chồng vậy, cuộc sống như thế mới đáng gọi là sống, đáng để trải qua chứ! 

Lão mụn lúc ở nhà thì quyết khi đến nơi phải hỏi sư bà cho rõ, nhưng vừa mới lên đường liền quên sạch luôn, trong đầu giờ chỉ toàn nghĩ xem sau khi có tiền rồi thì sẽ ăn cái gì, chơi đùa với cô nương nào mà thôi! Vất vả mấy ngày cuối cùng cũng tới được căn lều kia, vừa bước vào trong, trông thấy túi tiền thần kỳ của sư bà vẫn đặt trên bàn như lần trước, hai mắt hắn lập tức sáng rực, chẳng thèm nghĩ ngợi gì nữa, trực tiếp thò tay vào lấy bạch ngân. Sau khi tiền đã nhét đầy cả người, lão mụn vội vàng rời núi để còn đi tiêu tiền ngay cho nóng, vã quá rồi. Thật phải nó là tiền kiếm càng dễ thì càng tiêu nhanh, chẳng mấy chốc đã lại hết sạch tựa như nước chảy mây trôi, có bao nhiêu bạch ngân đi chăng nữa cũng chẳng đủ cho hắn phung phí hoang xài, bất đắc dĩ lại phải mò tới căn lều ngô kia để bổ sung thêm tiền vậy. Thịt thà ăn suốt ngày, rượu chè tu suốt tháng, quán ăn nào hắn cũng đã từng thử qua, cao lương mỹ vị nhai nhiều đến phát ngán thì chuyển qua ăn màn thầu, sủi cảo, mì sợi cho nó thanh đạm. Bước chân ra khỏi cửa là một thân y phục lộng lẫy, chỉnh tề, cứ hai ngày ba bữa lại đổi bộ khác đắt tiền hơn. Nếu chỉ tiêu vào ăn vào mặc thì còn đỡ, đằng này hắn còn bao nguyên cả kỹ viện, chơi gái đánh đĩ suốt ngày, chán chán thì đi đánh bài cửu, hút thuốc phiện, thậm chí còn muốn mua nhà tậu đất nữa kìa! Đừng nhìn vị đại gia này mặc dù bản lĩnh tự mình kiếm tiền không có, nhưng thủ đoạn tiêu tiền thì cứ phải gọi là rất cao minh, cho dù có đặt trước mặt hắn cả một núi vàng lớn thì chắc chắn chẳng mấy cũng sẽ không còn một tí nào! 

Lão mụn từ ngày ấy vào núi như đi chợ, hết lần này đến lần khác, có tháng hắn còn vào núi năm sáu lần lận, chỉ với một mục đích duy nhất là moi tiền trong túi của sư bà về để tiếp tục công cuộc ăn chơi nhảy múa. Không hiểu sao tiền trong túi cứ như tự sinh ra vậy, lấy bao nhiêu đi chăng nữa cũng không hết được. Lão mụn mới đầu còn để ý đến chút lễ phép, lần nào lấy xong cũng dập đầu chắp tay trước sư bà tỏ ý cảm ơn, sau này thì cứ lấy đủ tiền xong là té thẳng luôn, chẳng thèm dập đầu chi nữa, ngay cả mở miệng thưa gửi một câu cũng không, chắc hẳn còn đang vội về với em nào trong kỹ viện rồi. Sư bà thấy thế nhưng cũng không ý kiến gì, chỉ đứng một bên nhìn hắn mà cười nhạt. 

Rồi mãi cho đến một ngày nọ, lão mụn sau khi đã cơm no rượu say chán chê rồi liền quen chân mò tới sòng bạc đốt tiền như mọi ngày, thường hay nói: “Cờ bạc lừa đảo nuôi ta lớn, bờ đê vẫy gọi đón ta về!", sòng bạc là nơi như thế nào chứ? Kỳ thực bên dưới tay mỗi người đứng cái đều có lắp một cơ quan bí mật, khi ngươi lần đầu tới chơi hắn sẽ để ngươi thắng thông mấy ván, khiến ngươi cảm thấy kiếm tiền thật dễ dàng, càng chơi càng nghiện, mạnh dạn đặt nhiều tiền hơn, chỉ cần như thế, nhà cái liền lật mặt, khiến người thua dúi dụi, chính gọi là “nhất bảo nhị bảo, tam tứ bảo, thập tự loa ti chuyển tâm bảo", mặc ngươi có bao nhiêu vàng bạc châu báu đi chăng nữa, chỉ với một cái bảo hộp với ba con xúc xắc xinh xinh, cũng đủ làm cho ngươi phải táng gia bại sản. Lão mụn ở trong sòng bạc thua lên thua xuống, đến cái quần duy nhất để mặc cũng cầm cố hết cả rồi, hắn trong đầu lại nghĩ đến việc vào núi tìm lều ngô để lấy tiền về gỡ gạc lại số đã mất. Sắc trời cũng không còn sớm nữa, lão mụn vội vàng cắm đầu cắm cổ mà đi, không hiểu sao hắn cứ cảm thấy đoạn đường núi vốn đã đi quen nhiều lần mà sao hôm nay lại khó đi như vậy, mới đi có được một lúc mà đã thấy đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm, hai mắt lờ đờ, trong miệng khô khốc, mồ hôi vã ra như tắm, hít vào thở ra rất khó nhọc, không thông, lão mụn tự trấn an bản thân: Hầy dà, chắc là do đợt này đi đánh bạc nhiều quá, mấy hôm rồi chưa được ngủ lấy một giấc, đâm ra cơ thể trở nên suy nhược a. Mới đi ch
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại