Ma Thổi Đèn
Quyển 7 - Chương 16: Trùng môn chống trộm

Ma Thổi Đèn

Quyển 7 - Chương 16: Trùng môn chống trộm

Hai vị thủ lĩnh Trần, La nghe tiếng ồn ào bên phía ngoài tiểu đoàn công binh, cái gì mà đào ra “đầu người, dưa hấu" thì biết ngay có chuyện khác thường, bèn kéo tới xem. Lúc này trời đã hừng sáng, mưa cũng tạnh hẳn, địa môn này nằm trên sườn núi Bắc, địa thế cao ráo, nước mưa trút xuống đều thoát hết ra xung quanh, tạnh mưa là không còn chút nước đọng nào nữa. Song mặt đất bị đào bới suốt đêm, mấp ma mấp mô, toàn bùn nhão với nước bẩn, lão Trần vòng qua mấy rãnh đất đang thi công, gạt đám người xúm xít bu quanh, nhìn vào cũng vô cùng sửng sốt, “á" lên một tiếng, bụng bảo dạ: “Quái thật!"

Thì ra sâu dưới mười mấy thước đất, có rất nhiều “dưa hấu", cũng cành lá đan mắc đủ cả, chỉ là bị vùi sâu trong đất, vỏ dưa lồi lõm trông như mặt người, bên trên lại lốm đốm loang lổ tựa vệt máu, nếu không biết rõ sự tình, hoặc bỗng dưng nhìn thấy, khó tránh ngỡ là “đầu người" chôn dưới đất.

La Lão Oai lấy chân đá vỡ một quả, thấy ruột dưa bên trong tràn ra lênh láng, đỏ như máu, không giống ruột dưa bình thường, bèn hỏi nhỏ lão Trần: “Trần thủ lĩnh, thằng em này một thời tống xác buôn lậu ở Tương Tây, việc quái dị trên núi tuy gặp đã nhiều nhưng chưa từng thấy cái giống này bao giờ, hôm nay đào được không biết là lành hay dữ?" Hắn tuy là đầu đảng phiến quân giết người như ngóe, quen thói ức hiếp, dối trên gạt dưới nhưng cũng chỉ là kẻ xuất thân dưới đáy xã hội, vẫn có vài phần kính sợ với việc cõi âm, cảm thấy đào được mấy quả dưa đầu người tuyệt chẳng phải điềm gì tốt lành nên mới hỏi vậy.

Lão Trần bê một quả dưa từ dưới đất lên, ngắm nghía hồi lâu mới nói: “Anh em không biết đấy thôi, tại sao trên đời này có bí đao gọi là dưa Đông, dưa hấu gọi là dưa Tây, bí ngô gọi là dưa Nam[22] mà không có trái gì là dưa Bắc? Kỳ thực không phải không có, chỉ là rất rất hiếm người biết đến mà thôi. Bởi giống dưa Bắc ấy chỉ sinh trưởng ở trốn rừng thiêng nước độc Động Di, còn có tên gọi khác là Thi đầu man, được kết thành từ oan khí của người chết, thường mọc sâu dưới lòng đất, rất hiếm gặp, thứ chúng ta vừa đào được đây chính là Thi đầu man trong lòng đất đó."

Tương truyền, phàm linh hồn những người chết oan đều hay chui xuống lòng đất, ví dụ hễ chỗ nào có hồn ma treo cổ, đào xuống bên dưới sẽ thấy ngay một khúc than đen, hay nói có xác chặt đầu, tất sinh ra loại dưa đầu người này, là thứ kết từ oan khí khó lòng tiêu tan trước khi lìa đời của kẻ bị chặt đầu. Thông thường Thi đầu man chỉ hay thấy ở pháp trường hoặc chiến trường xưa, đào mồ quật mả rất hiếm khi gặp phải. Lão Trần đi nhiều hiểu rộng, tuy nhận ra nhưng cũng không rõ là lành hay dữ. Có điều gần Bình Sơn xưa kia vốn là nơi trận mạc, vô số người Miêu bảy mươi hai động bị tàn sát ở đây, vong hồn trấn giữ dưới Bình Sơn nhất định oan khiên thấu trời, vì vậy đào được Thi đầu man ở đây cũng không có gì lạ, trái lại càng chứng tỏ dưới chân núi này âm khí nặng nề, chắc chắn cách cửa huyệt không bao xa.

La Lão Oai tuy một chữ bẻ đôi không biết, tính tình lại tàn bạo, nhưng cũng hiểu không phải lúc nào cũng ỷ được vào súng ống, nay lính công binh đào thấy dị vật, người nào người nấy sợ run bần bật, lúc này việc cần làm là vỗ yên lòng quân để tránh tính trạng đào ngũ đang mỗi lúc một gia tăng. Hắn đảo mắt tính kế, đoạn cúi xuống hố bùn moi lên một quả dưa đầu người, mồm lẩm bẩm niệm: “Cầu lại cầu, đường lại đường… áo quần lại cầm đồ, Na Tra Đông Hải cũng không sợ… chỉ sợ thanh niên lính phòng không…" Bài thần chú này lão học lỏm được từ hồi còn làm thợ tống xác, nay ra vẻ đọc vài câu cho siêu độ vong hồn, dỗ yên lòng đám công binh kẻo lỡ mất đại sự trộm mộ.

Có điều thần chú này đã lâu không dùng, lão ấp úng quên tiệt, chỉ đành đọc xiên đọc xẹo, không ngờ La Lão Oai vừa nói xằng được mấy câu, quả Thi đầu man trên tay lão bống như sống lại, từ tay lão lăn xuống đất rồi tiếp tục lăn lông lốc xuống dốc.

Đám trộm và đám lính đều há hốc mồm kinh hãi, La Lão Oai càng giật thót mình ngồi bệt xuống đống bùn nước. Chỉ có lão Trần đứng bên nhanh mắt nhanh tay, đã rút sẵn con Tiểu thần phong, chém một nhát bổ quả Thi đầu man đó làm đôi. Thì ra bên trong quả dưa là một con rết đen sì, vì thích chỗ tối tăm nên rúc mình vào đó, lưỡi dao sắc lẹm đã chặt nó thành hai khúc. Trong thân con rết có mấy chục hạt minh châu to nhỏ trông như những cái móng tay gọi là Rết Châu, vật này bình thường không được chạm vào mũi miệng, nhưng nếu trên người có mụn nhọt ghẻ lở, có thể lấy nó xoa vào chỗ bị thương, chất độc sẽ được hút ra, là một loại dược liệu quý hiếm.

La Lão Oai tưởng đó là dạ minh châu liền nổi máu tham, lệnh cho thủ hạ đào lấy tất cả Thi đầu man dưới lòng đất, bổ ra kiểm tra nhưng rốt cuộc chẳng tìm được thứ gì. Hắn bèn nổi trận lôi đình, không lòng dạ nào ra vẻ đạo mạo nữa, quát đám lính công binh tiếp tục đào bới, hôm này mà không đào ra cửa mộ của mộ cổ Bình Sơn thì con bà nó, đừng mong dừng lại.

Đa phần binh lính trong tiểu đoàn công binh đều là con nghiện, phải đào đất suốt đêm gân cốt sớm đã rã rời, luôn mồm ngáp vặt, có vài tên thực tình không chịu nổi cơn vật, nằm giật ngay trên đống bùn đất, lập tức bị kéo vào rừng thủ tiêu. Phương pháp cảnh cáo này quả nhiên hiệu nghiệm, những tên còn lại chỉ còn biết cắm cúi đào.

Kể dài cũng được kể ngắn cũng xong, đào một mạch đến giữa trưa, bên dưới lớp đất sâu toàn Thi đầu man quả nhiên lộ ra một cánh cửa đá uy nghi đồ sộ.

Thì ra đêm qua gió mưa chớp giật nhằng nhịt, vừa khéo lại là thời cơ để lão Trần thi triển tự quyết “văn" sở trường, trong tiếng mưa sấm nghe không ngớt âm vang trong lòng đất thì biết ngay cửa mộ chỉ có thể nằm dưới chân núi, tuy chôn rất sâu nhưng kiên trì đào thẳng xuống ắt sẽ thấy. Những kẻ trộm mộ bình thường sao có bản lĩnh nghe tiếng tìm huyệt này, nếu không nhờ lão Trần, mấy trăm lính công binh có đào đến hộc máu cũng không thể thấy cửa mộ nhanh như thế.

La Lão Oai mừng rớn, hùng hồn tuyên bố sẽ thưởng cho mấy tay công binh đã đào ra huyệt môn mỗi người hai lạng cao Phúc Thọ[23] thượng đẳng. Miệng nói, chân đã cùng lão Trần dẫn đầu đội quân trộm mộ, gạt đám lính công binh đang mệt lả sang hai bên mà tiến vào cửa mộ. Chỉ thấy tấm cửa bằng đá xanh thẫm chia làm hai cánh, chiều cao bằng ba người cộng lại, bề ngang cũng rất rộng, hệt như một cánh cổng thành đóng im ỉm. Cánh cửa đá chôn sâu dưới lòng đất vừa dày vừa nặng, e rằng không dưới dăm ba ngàn cân, khe cửa được đổ chì đổ sắt kín mít, đến khoan thép cũng không cạy nổi. Địa cung mộ cổ này rất lớn, tuy trong ngôi đại điện rách nát lúc trước không có vàng bạc châu báu gì, nhưng theo truyền thuyết bản địa thì tất cả số của cải các vị Hoàng đế cung tiến thần tiên đều được chôn dưới một miệng giếng sâu bên trong đại điện. La Lão Oai nghe thế thì nổi lòng tham, cổ họng khô rát, nuốt nước miếng ừng ực, chỉ muốn lập tức tới đó.

Lúc này có vài tên trộm tinh mắt phát hiện ra trên cánh cửa đá có khắc dòng chữ cổ, phủi sạch bùn đất nhìn cho rõ nhưng vẫn không đọc ra nổi. Đám trộm Xả Lĩnh là dân thảo khấu lục lâm, tuy trong bọn cũng có vài kẻ biết chút chữ nghĩa, nhưng học vấn nông cạn nên không đọc được loại chữ Triện cổ này. Con người ai chẳng có tính tò mò, đã không hiểu thì lại càng muốn biết, bọn họ xưa nay đào không ít mộ cổ, nhưng cửa huyệt khắc chữ thì chưa thấy bao giờ, việc này không đúng với nghi thức mai táng cho lắm.

Trong cả đám chỉ có lão Trần là học cao hiểu rộng, bụng chứa đầy kinh luân điển cổ, nên lập tức được mời lên xem dòng chữ Triện cổ kia nói gì. Mới chỉ nhìn qua, lòng dạ lão đã nhộn nhạo như có mười lăm gầu nước lên lên xuống xuống. Thì ra dòng chữ lớn trên cánh cửa đá không phải Triện thư khắc bia gì, mà là lời nguyền của mộ chủ đối với đồ đệ phái Phát Khưu Mô Kim. Tuy mộ chủ này là người Mông C, nhưng kẻ trộm mộ trước đây đều là người Hán, cho nên dòng chữ này chính là chữ Hán được khắc theo lối Triện cổ, nội dung là vô vàn lời nguyền rủa oán hận thâm độc đối với những kẻ trộm mộ to gan lớn mật dám động đến âm trạch này.

Lão Trần cầm đầu phái Xả Lĩnh, từng quật biết bao mồ to mả lớn ở khắp mọi nơi, xưa nay không tin vào mấy lời nguyền báo ứng kiểu này, vậy mà đứng trước cánh cửa đá đồ sộ uy nghi, lão lại có cảm giác rất lạ, dự cảm bất an bỗng dưng ùa tới, lão linh cảm trong bóng tối âm u sau cánh cửa này ẩn chứa nguy hiểm khủng khiếp, một cơn ác mộng kinh hoàng đang chờ đợi mọi người nếu họ phá cửa xông vào. Có câu “trời xanh trên đầu không thể phạm, trước khi hành sự phải đắn đo, vạn sự trước sau đều có báo, chỉ là sớm muộn đến mà thôi", đám trộm Xả Lĩnh tung hoành trong thiên hạ, trộm mộ đã nhiều song không khỏi có lúc chột dạ.

Có điều mũi tên phóng ra khỏi nỏ không thể quay đầu, cả mấy trăm cặp mắt đang dồn về mình chờ đợi khiến lão không thể do dự sợ hãi dù chỉ thoáng chốc. Nghĩa vậy lão bèn chỉ tay vào cánh cửa đá, nói với đám thuộc hạ: “Đọc mấy chữ trên bia đá, chính là anh tài thời xưa… đầy đều là tước vị của mộ chủ, khắc tước vị trên cửa mộ là phong tục của bọn man di Tây Vực, các anh em không có gì phải sợ!"

Đám trộm nghe xong liền gật đầu lia lịa, tấm tắc xuýt xoa. La Lão Oai cười nói: “Trần thủ lĩnh quả nhiên hiểu biết, cái thứ chữ chim cò nhìn như bùa chú này thì tôi chịu, một chữ bẻ đôi cũng không biết." Nói xong liền vẫy tay gọi tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn công binh tới: “Lại đây, mau đem thuốc nổ phá tung cái cửa hố xí của thằng mọi này cho ta!"

Phái Xả Lĩnh xưa nay chuyên dùng cuốc to xẻng lớn, đào mộ nào là hủy luôn mộ ấy, hành sự không tính tới hậu quả, hai ba mưới lính công binh thạo việc gài mìn được cử ở lại, có nhiệm vụ đục lỗ trên cửa mộ để gài mìn và thuốc nổ. Cánh cửa đá xanh này dày nặng kiên cố, một cái lỗ sẽ chẳng thấm vào đâu, việc này cần nhiều thời gian nên số người còn lại tranh thủ vào rừng ăn uống nghỉ ngơi, lấy sức chờ vào mộ đổ đấu.

Đến tận buổi chiều, tiếng nổ chát chúa của mấy lỗ mìn mới đồng loạt vang lên rung chuyển cả ngọn Bình Sơn, cánh cửa huyệt mộ nặng tới mấy ngàn cân cuối cùng đã bị cho nổ tung. Từ trong hầm mộ, lớp lớp khói sương ùn ùn tràn ra, tới lúc trăng mọc đằng Đông mới hết. Đám trộm mộ ước chừng khí độc trong mộ đạo đã được gió núi thổi tan mới bước vào xem xét, nào ngờ vào rồi chỉ biết kêu trời, thì ra phía cuối mộ đạo đã bị bịt kín bằng đá tảng, to đến thần kỳ, tảng bé nhất cũng phải trăm cân đổ lại. Trong mộ đạo không tiện dùng thuốc nổ, chỉ còn cách lệnh cho công binh đục lỗ mũi trâu trên mỗi tảng đá, xuyên dây thừng qua, dùng lừa ngựa kéo ra, đây đúng là “trâu kéo ngựa lôi, không có gì là không được".

Việc này vừa tốn nhiều công sức lại mất đứt một ngày, làm La Lão Oai sốt ruột hết gãi đầu lại gãi tai, riêng lão Trần đã biết trước mộ cổ đời Nguyên toàn dạng “xẻ đá làm quách, đục núi mà chôn", nếu không kiên cố như vậy thì mấy trăm năm qua hẳn đã bị dân trộm mộ khoắng sạch từ lâu. Lão bình tĩnh, kiên nhẫn chỉ huy đám trộm từng bước kéo đá, sau khi tảng đá cuối cùng được kéo ra, lại phải đục thủng một cánh cửa đá nữa, mộ đạo sâu hun hút mới lộ ra trước mắt. Nhìn từ cấu tạo vật liệu, có vẻ mấy tấm cửa mộ khổng lồ này đều được dỡ ra từ những đền đài đạo quán trên núi Bình Sơn, thang đá cầu đá được mang tới hết đây lấp kín mộ đạo để phòng trộm cướp. Đoạn mộ đạo nằm sát lối cửa vào này còn cách cửa vào địa cung khá xa, từ đây tới đó không biết còn bao nhiêu lớp cửa bảo vệ, cùng cạm bẫy hiểm độc. Nghĩ vậy, lão Trần bèn dặn dò mọi người phải hết sức cẩn thận, nhất định không được chủ quan.

Đám trộm xếp hàng từng tốp trước cửa, tốp vác trên lưng những bao tải thảo dược và vôi bột vừa được chuyển đến để đối phó với khí độc trùng độc trong hầm mộ, tốp mang theo thang rết, phòng khi phải leo trèo trong địa cung mộ cổ, hay gặp nước bắc cầu, tốp đứng hàng đầu mỗi người ôm một bó rơm to, bên trong giấu chín lớp da thuộc đã được ngâm nước, đám còn lại đều mang theo khiên đề phòng ám tiễn trong mộ; đội quân bên La Lão Oai cũng đã no thuốc, nạp đạn lên nòng, sẵn sàng đợi lệnh.

Lão Trần thấy quang cảnh mấy trăm thuộc hạ xếp hàng ngay ngắn trước mộ đạo thì đắc ý lắm, khí thế này tuy không bằng đại quân Xả Lĩnh mấy chục vạn người khai quật Đế lăng nhà Hán năm xưa, nhưng cũng đáng tự hào. Nghĩ lại phái Xả Lĩnh đang trong cảnh chợ chiều, giờ nhờ tay lão dăn dắt mà ngày một chấn hưng, lão càng hừng hực hào khí, cao giọng nói: “Chúng ta không phải sinh ra đã là thảo khấu, chỉ vì thời thế loạn lạc, bách tính chịu cảnh nồi da xáo thịt, nên mới thành anh hùng hảo hán chốn lục lâm, làm những việc tỏ chính khí để người đời nhìn bằng con mắt khác. Trong địa cung sau mộ đạo này đều là vàng bạc châu báu được tuẫn táng, chủ nhân của những món minh khí ấy là những cổ thây trong mộ này ư? Thử hỏi anh em, có thứ nào trong số đó không phải do vơ vét từ nhân dân? Lúc còn sống hưởng thụ đã đành, nay chết rồi còn giữ khư khư bên mình để trở thành phế phẩm, cứ ngỡ trời xanh trên đầu không có mắt ư? Nay chính là lúc thiên đạo luân hồi, chúng ta hãy đoạt lấy những thứ này, xem như thay trời hành đạo. Hỡi các anh em, dám làm những việc phi thường tất là bậc anh hùng hào kiệt, thường có câu có máu làm quan có gan làm giàu, anh em hãy dốc hết can đảm đi đổ đấu cùng tôi!"

Dứt lời, đám trộm liền đồng thanh hưởng ứng, theo chân thủ lĩnh tiến vào mộ đạo, La Lão Oai cũng rút súng, họa theo lão Trần: “Những ai tiến về phía trước đều sẽ có thưởng, lùi về phía sau… tất sẽ ăn đạn của ông đây. Tổ cụ nhà nó, có bao nhiêu minh khí khuân hết về Soái phủ cho ta, không được để lại gì hết!"

Lão Trần giỏi thuật xem tướng, biết La Lão Oai tuy là tên Diêmương tính nóng như lửa, nhưng cũng là kẻ lăn lộn trong chốn lục lâm, rất coi trọng nghĩa khí, thêm nữa việc trộm mộ sau này vẫn còn phải nhờ tới lão Trần, hắn sẽ không làm mấy trò lật lọng. Lúc này kẻ đã đổ đấu thành nghiện, hủy thi thành ham như hắn muốn lao vào địa cung là lẽ đương nhiên, nhưng đám tay sai canh bên ngoài cửa mộ đều do một tay Phó quan của La Lão Oai chỉ huy, tuy nói là thân tín của hắn nhưng vẫn không thể yên tâm hoàn toàn. Tính toán một hồi, lão Trần bèn lệnh cho Hồng cô nương chỉ huy một đám trộm Xả Lĩnh ở lại phòng khi có biến.

Đám trộm dùng vải đen che mặt, nhất tề xông vào mộ đạo. Đi đầu là tốp ôm rơm, lưng đeo lồng chim bồ câu, phía sau có người chuyên giơ đèn chiếu sáng, đuốc nến đèn bão đầy đủ cả. Mộ đạo này vốn là hành lang mái vòm trong điện tiên luyện đơn trước kia, rộng rãi bằng phẳng, xe ngựa cũng có thể qua, hai bên mộ đạo cứ cách mươi bước chân lại có một cột đá hoa biểu, cao bằng đầu người, dùng làm nơi đặt đèn đuốc chiếu sáng.

Gần đây trong núi thường xuyên mưa nên mộ đạo có hiện tượng ngấm nước, sâu trong bóng tối tĩnh mịch vang lên những tiếng tí ta tí tách. Cửa mộ bị đóng kín đã lâu, khí đọc khó tiêu tan, ai nấy đều lo đoạn mộ đạo này có cạm bẫy trùng độc, thành ra di chuyển hết sức chậm chạp, cứ đi được một đoạn lại để lại một bó đuốc trên cột hoa biểu, hai bên tường thấy chỗ nào có vết nứt là lập tức đồ vôi bột lấp kín.

Đi được ba bốn trăm bước thì thấy mộ đạo dần rộng ra, do người đông nên ai nấy đều khó thở, đèn đuốc thiếu không khí cũng trở nên mờ mịt. Cuối mộ đạo là một bức tường gạch đỏ thẫm, xây bít kiên cố như tường thành, trên không có mái, dưới có một khung cửa hình tròn, hai cánh cửa tán đinh đồng khép không kín lắm, đoạn xích sắt khóa trên vòng cửa chỉ chịu được vài nhát rìu của gã câm đã đứt rời.

Lão Trần chỉ về phía trước, lệnh cho thuộc hạ dùng thang rêt húc cánh cửa tán đinh đồng, bốn cái thang rết lập tức được đưa tới, mấy tên trộm dồn sức đẩy mạnh, hai cánh cửa hoen gỉ rít lên cót két, từ từ mở ra. Đám người nín thở định thần, mọi cặp mắt dồn cả vào cửa mộ, hiếu kỳ không biết cảnh tượng bên trong sẽ như thế nào. Cánh cửa vừa được mở, liền nghe từ trong vọng ra tiếng hét thảm thiết của một người con gái, tiếng kêu thảm vang vọng trong lòng mộ đạo khiến người nghe hồn xiêu phách lạc, toàn thân nổi da gà.
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại