Lửa Hận Rừng Xanh
Chương 3: Một oan hồn đi tìm dĩ vãng

Lửa Hận Rừng Xanh

Chương 3: Một oan hồn đi tìm dĩ vãng

Mười bảy năm sau...

Một đêm trung tuần... mùa thu muộn.

Gió vàng hiu hắt...

Chuyến tàu hỏa Hà Nội - Lào Cai dài dặc cuộn mình quẫy khúc khạc lửa chạy trên thiết lộ như con quái vật từ đời tiền sử hiện về lồng lộn chồm ngược miền sơn cước.

Chợt quái vật ré lên một hồi vang thé, dừng trước ga Vĩnh Yên, hai con mắt quắc đèn pha chiếu xa hàng cây số, đứng thở phì phì, hồng hộc, mở mang cho hành khách chui vào bụng.

Chuyến tàu đêm nay vào dịp vùng sơn cước có nhiều phiên chợ, lại vào độ Trung Thu, nên đông hành khách, chen chúc nhau, tay xách nách mang tấp nập hết sức. Lại có người mang theo cả đầu sư tử giấy, đèn kéo quân, trống. Mấy phút sau, con quái vật lại rú lên khạc, chuyển bánh.

Bỗng có một chàng trai dân tộc từ đâu lừ đừ đi vào chỗ bán vé. Quần áo chàm sờn vai đã rách một đường chưa vá, đeo một cái giỏ mây sau lưng đựng vật dụng lâm sản chi đó, lại cắm cả ống bương như đòn gánh, ống đựng nước, mật ong chi đó chắc coi biết ngay người trên núi "mới xuống chợ" mà hình như xuống lần đầu thì phải. Vì chàng này còn vẻ bỡ ngỡ vừa đi vừa nhìn quanh xem chừng lạ mắt lắm.

Chàng trai còn đội một cái nón bằng mây đan, có điều hơi lạ là tay còn cầm một cái ô dù cúp, lúc chống, lúc cắp nách, coi ai cũng đoán dân nhà gác xuống chợ, mua chơi. Chàng trai ngó ra đường sắt, và bước tới cửa hông. Một nhân viên nhà ga vừa đóng cửa, quay vào thấy hỏi luôn.

- Chú này đi đâu?

Chàng trai đáp bằng tiếng sơn cước:

- Đi tàu hỏa! Phải cái tàu hỏa đi lên mạn ngược?

- Ồ! Muộn rồi! Tàu vừa chuyển bánh! Không nghe "xíp lê" à? Đi đâu trễ thế, chú mày?

Chàng trai ghé mắt dòm ra vẻ vội:

- Trên rặng Ngân Sơn Tam Đảo vừa xuống. Định đi Yên Bái. Mở cửa giúp! Có việc cần, không đợi mãi được!

Chàng trai này nói trống không, chẳng ra hẳn "dân rừng" cũng chẳng ra xấc xược, nhưng giọng y nói vừa đủ nghe, lại âm vang sang sảng tự như chuông gióng, vừa nói chàng vừa lau bụi đường trên trán, lật nón ra đàng sau, ánh điện vàng khè chiếu vào mặt y, khiến nhân viên nhà ga này vừa định phá lên cười, chợt im bặt, vì bộ mặt người núi này vừa ló ra, lại khác hẳn bộ dạng nghèo của y, làm nhân viên này phải sửng sốt. Đó là một khuôn mặt rất điển trai, đặc vẻ thư sinh, dẫu trai sang thành phố, hoặc con cái tiểu vương lãnh chúa cũng khó có kẻ sánh kịp! Nhưng lại là một dung mạo điển rất lạ tuy sáng như trăng rằm, nhưng lại phảng phất nét buồn sâu thăm thẳm, một thứ buồn cô độc, u uẩn mang mang, cộng thêm nét đặc biệt của người thâm sơn quen sống với đèo cao dốc vát, thác gầm, thú sống, khiến khuôn mặt chàng trai này như tẩm tráng một lớp băng lạnh khô, coi lầm lì, gan góc, khắc khổ, đơn côi bi thẳm và "bí ẩn rừng rú" lạ!

Kẻ tinh mắt còn có thể thấu được trong cái vẻ điển rừng thiêng u uẩn vẫn toát ra nét bình nguyên chập chờn ẩn hiện như từ tiềm thức ánh lên mắt khiến ai trông thấy cũng chột dạ, nể ngay!

Nhân viên nhà ga liền mỉm cười dịu dàng bảo:

- Tàu chạy kia rồi! Đành đợi chuyến sau vậy thôi! Tiếc quá!

Chàng trai nhìn ra. Tàu hỏa sình sịch rời sân ga giữa hồi còi rú.

- Thôi! Kiếm nhà trọ vậy! Giờ thì có ngựa xích thố cũng không kịp nữa!

Ông ta thân mật vỗ vai chàng trai, bỗng giật thót mình, chợt thấy chàng trai rút ra một đồng bạc "xòe" dúi vào tay ông ta. Và nắm "y môn" mở giật cửa. Quả nắm tụt luôn ra, y đẩy nhẹ một cái "xoảng". Cửa bung sàn xi măng, chàng trai chạy thốc ra khiến mấy người nhà ga trố mắt, há hốc mồm, chạy khỏi sân ga năm bảy chục thước, khi chàng trai chạy ra tới ngoài chỉ còn thấy tàn than tới tấp bay lại, đuôi tàu đã vụt xa. Trong vùng sáng tối nham nhở, mọi người còn thấy bóng chàng trai kia xách dù, đeo giỏ chạy theo, thoắt, chợt thấy, tít xa, cái bóng vọt lên nóc toa như con chim cắt.

Có nhiều tiếng người kêu kinh ngạc. Con quái vật thở phì phì, mất dạng trong trăng sương tàn than đỏ bay lả tả.

Chàng trai đã đứng trên nóc toa cuối, xốc lại giỏ, lật nón úp lên, chàng trai sơn cước này chống dù, đi lên phía toa hành khách, như đi trên đường. Chừng lần đầu đáp xe hỏa, chàng trai rừng có vẻ thích thú lắm, nhưng cũng không có vẻ ngơ ngác lạ lùng nhiều, chừng cũng hiểu qua "con quái vật thời đại" này trước khi xuống núi.

Mấy phút sau, chàng trai lần xuống một toa ít hành khách. Đây là toa hạng ba sát toa hạng tư lố nhố đầy người. Trong toa chỉ độ hơn chục người, phần nhiều khách Tây, đầm Tàu, Ta, Ấn lẫn lộn, thấy chàng Thổ áo rách vào, tất cả đều ngó ra chỗ y ngồi, nhưng cứ mặc.

Chàng trai không nhìn ai, kiếm một góc, bên cửa sổ, nhìn ra.

Nhưng chỉ vài ga, y đã quay vào, ngồi bâng khuâng, mắt mở trừng, như nhìn vào cõi xa xăm nào. Rồi khép mắt lại, cái giỏ vẫn đeo lưng, lại lấy nón đội sụp mặt.

Đêm vào khuya dần. Tàu qua Việt Trì, chạy xuyên rừng Phú Thọ. Bỗng một bọn năm người lực lưỡng từ bên toa hạng tư chuyển sang ngồi một góc. Bọn này mặt mày dữ tợn, khiến đám hành khách Tây, ta phát rợn.

Riêng chàng trai vẫn nhắm mắt ngủ rồi, không buồn để ý đến ai. Bọn lạ kia toàn mặc quần áo đen, thỉnh thoảng lại kín đáo dòm hành khách sang trọng đeo đầy nữ trang.

Trăng soi vằng vặc nóc tàu. Đường sắt chạy giữa vùng đồi núi điệp trùng, tiếng bánh sắt lăn cành cạch, đơn diệu, ru ngủ. Rừng cây chạy lùi lại cửa sổ. Một người Tây thấy lành lạnh, đứng lên vừa định kéo cửa, chợt một tên mặt sẹo bỗng đến đứng bên, lôi ra một chiếc đèn bấm "tách" thò hẳn tay ra khoa tròn. Người Tây này lấy làm lạ hỏi, hắn không đáp, bèn bước vào.

Một người soát vé bước vào trong toa, tiến lại hỏi vé chàng áo rách cùng bọn áo đen.

Tên mặt sẹo xòe tay chặt một nhát vào gáy người soát vé, anh gục luôn xuống.

- Ngồi im! Hauts les mains - Ngồi im!

Bọn lạ cùng đứng vụt lên, chĩa súng vào hành khách. Tất cả thất kinh, biến sắc, tên mặt sẹo rút trong mình ra một chiếc roi da, một người Tây vừa rút súng trong túi ra, đã bị hắn quất véo rớt liền.

- Muốn sống ngồi im! Cựa quậy tao bắn vỡ sọ! Đứa nào có đồ nữ trang, vàng ngọc cởi mau!

Có mấy phát súng nổ giữa tàu:

- Cướp tàu! Cướp tàu!

Hành khách sợ hết hồn, nhốn nháo kêu la inh ỏi, toa nào cũng có một hai tên dữ tợn đứng xổ lên, chĩa súng lột hành khách.

Chàng trai mở mắt ra nhìn, trong toa, đám hành khách sang líu ríu trút hết đồ nữ trang bỏ vào chiếc mũ da cũ của tên sẹo mặt. Đồng bọn hắn có hai tên vọt toa khác, còn ba tên. Bỗng tên sẹo mặt quơ mớ nữ trang sức vàng bạc ném vào mặt hành khách quát:

- Vòng ngọc thạch! Dây chuyền đồng tiền vàng! Tao cần hai món đó! Đứa nào có tháo nộp mau!

Đám hành khách đàn bà chỉ có ba người đeo vòng ngọc xanh, nhưng chỉ có một người đeo đồng tiền trắng, cuống cuồng tháo nộp liền. Nhưng một người đàn bà Tàu mập, vòng đeo từ nhỏ tháo mãi không được, tên mặt sẹo hất hàm lạnh nhạt như đồng:

- Tháo giúp! Cái bàn tay!

Vừa truyền, hắn vừa xòe bàn tay hộ pháp ra hiệu chợt lập tức một tên đồng bọn sấn tới, rút soạt trong mình ra một cây đoản đao, túm tay người đàn bà chặt nghiến.

Hành khách hết vía, trợn xanh mắt, rú lên, chỉ thấy ánh thép nhấp nhoáng trốc đầu tên áo đen, giữa tiếng hét ghê rợn, ai nấy dòm vào đã thấy một bàn tay rụng dưới sàn toa, giẫy đành đạch như đuôi con thạch sùng! Máu tóe phọt, người đàn bà khách đứng há hốc mồm, trố mắt, dòm tay mụ còn nguyên mới hoàn hồn.

Tên áo đen rú nhào và đoản đao văng mất, tên mặt sẹo trợn mắt sững sờ dòm quanh, không biết ai chặt vì không ai lại gần tên kia.

Ngồi một xó bên cửa sổ, chàng trai hỏi:

- Sao không cướp vàng bạc, đồ dùng, kim cương, chỉ đòi lấy vòng ngọc, dây đồng tiền?

Tên sẹo hét:

- Đứa nào chém? Dân rừng! Câm họng! Không phải việc mày hỏi?

Chàng trai hỏi đến lần thứ hai, chợt phất vụt tay áo một cái. Dưới ánh điện đục ngầu, chỉ thấy loáng một luồng sáng đảo vòng cầu, cây súng của hai tên kia đã bị dứt đôi. Lẹ như chớp chàng trai vọt lại dí dao liễu vào hỏi chìm:

- Nói tao biết... sao chỉ cướp hai thứ đó? Ai sai bọn mi đi vét vòng ngọc, dây đồng tiền trên tàu?

Hai tên lực lưỡng không ngờ chàng trai áo rách kia lại có bản lĩnh ghê đến thế, hai tên chưa ra nổi một đòn đã bị khóa cứng, tên sẹo căm giận mắng:

- Dân rừng! Đừng hỏi phí lời! Bọn tao có biết cũng không nói đâu!

Không nói thêm, chàng trai rừng túm ngực quăng cả hai tên ra ngoài cửa sổ!

Hành khách trố mắt, vừa mừng vừa kinh dị, chàng trai sang toa khác. Mười phút sau nghe có mấy tiếng súng nổ, nhiều bóng đen vọt tuôn xuống hai bên đường sắt giữa đám tàn than bay lập lòe.

Rồi đoàn tàu hết nhốn nháo kinh hoàng. Toa nào hành khách cũng xúm nhau bàn tán về đám cướp lạ đời chỉ đòi lấy hai thứ và ai nấy còn chưa dứt sững sờ kháo nhau về chàng trai thiểu số phi thường một tay đánh ra bọn cướp dữ mang đầy súng ống rồi biến mất như cơn gió thoảng. Có kẻ mê tín nhất định cho là sơn thần hiện về cứu nhân gian.

Riêng toa hạng ba vẫn còn bàn tay tên cướp để lại. Hành khách lè lưỡi dòm phát khiếp, xôn xao đi kiếm chàng trai người dân tộc.

Không ai ngờ chàng trai kỳ lạ này vẫn còn trên tàu. Y ngồi thu mình trong toa hàng hóa vẻ mặt vẫn buồn lạnh như lúc mới lên ga Vĩnh Yên. Xem chừng y lại buồn hơn nữa. Y ngồi nhìn ra rừng khuya trên ngọn đồi đỉnh núi mờ trăng sương.

- Sao chỉ cướp vòng xanh, tiền vàng? Sao thiên hạ nhiều kẻ quyết tìm đoạt vòng xanh, tiền vàng? Thứ của ta có quan hệ gì đến dĩ vãng không? Dĩ vãng? Hừ! Không dĩ vãng, con người sống nổi chẳng? Mới lọt lòng đã xa mẹ lìa cha... xa cội nguồn...

Y giơ cánh tay trước ánh trăng mờ, lẳng lặng vén tay áo chàm rộng. Cổ tay y có đeo một chiếc vòng xanh điểm huyết kín đầy!

Y nhìn giây lâu, đoạn lặng lẽ buông tay áo xuống, ngồi nhìn vầng trăng vun vút trôi theo con tàu đêm coi cùng mang mang u uẩn lạ.

Bỗng con quái vật dừng lại, thở phì phì phun khói đục dưới ánh điện ngầu đục. Chợt có một bọn phu khuân vác lên toa, dỡ hàng, y liền hỏi:

- Sắp tới Yên Bái chưa?

- Mê ngủ à? Yên Bái đây chớ đâu? Phải chú mình "lậu"?

Bọn phu cười hô hố. Chàng trai mắt sáng hẳn lên xách dù xuống đi vào ga.

Khách ra vào mãi chen chúc, tay xách nách mang, không ai kịp lưu ý tới. Nhưng khi chàng trai lạ lùng này ra đến chỗ buồng bán vé, đám hành khách cùng xuống đứng lại nói chuyện với đám thân nhân ra đón, ai nấy chưa hết kinh hoàng, trầm trồ kể lại vụ cướp tàu. Có mấy người thấy chàng trai nhận ra ngay, giật mình sửng sốt kêu lên.

Chàng trai nhìn cảnh thân nhân đưa đón nhau đầm ấm, đang ngậm ngùi nghĩ đến cảnh cô độc của mình bỗng lại bị thiên hạ đổ dồn mắt nhìn, chàng có dáng không vui vội bỏ đi vào phố. Vừa đi vừa đưa mắt nhìn cảnh phố xá Yên Bái về khuya nằm bằn bặt dưới ánh đèn diện vàng hoe mang trên thân dáng cả đường nét quạnh hiu cảm khái của trị trấn sơn cước.

Miền quê cha đất tổ đây... Biết đâu mẹ ta không đẻ ta tại nhà thương Yên Bái này? Biết đâu đây chẳng phải là nơi chôn rau cắt rốn ta? Vì như lời ân sư dặn, đồn điền nhà ta chỉ cách Yên Bái năm, bảy cây chi đó, không dám để lỡ kỳ duyên, vừa đẻ xong, cha mẹ ta phải vội trao nhờ ân sư nuôi dưỡng mười bảy năm qua... Chẳng biết giờ đấng sinh thành ra sao? Còn sống hay đã mất, anh em trai gái thế nào?

Mà lạ thật! Sao ân sư không hé răng cho ta rõ về thân thế? Suốt mười bảy năm ròng, ta tưởng "người" là cha, ngày chia tay cuối cùng, "người" mới cho hay! Người họ Võ, đồn điền họ Võ trên đường Yên Bái, Lục Yên Châu, Tuyên Quang... Mà ta là Kinh hay dân tộc?

Nao nao, háo hức, khắc khoải, lo lắng, cô đơn. Chàng trai cứ lùi lũi đi trên vỉa hè loang lổ kiếm người hỏi thăm.

Chợt thấy một hàng "cà phê gánh" góc phố khuất, chàng ghé luôn vào gọi một ly, ngồi uống vẻ tự nhiên như tay vẫn sống dưới phố phường. Người bán cà phê là dân Kinh, trung niên, nước da sốt rét rừng, thấy chàng trai lạ uống cà phê, anh ta có vẻ cao hứng, vừa pha vừa hỏi:

- Chú đâu tới? Chà chà! Cà phê tay này pha, Tây đầm phải khen à! Chú hay uống không?

Nón vẫn đội sụp, chàng trai không đáp, chợt hỏi bất ngờ bằng tiếng Kinh:

- Bác ở tỉnh Yên Bái này, có biết đồn điền họ Võ không? Trên đường đi Lục Yên, Tuyên Quang!

Người lạ mặt nói đặc tiếng Kinh, âm sảng như chuông đồng khiến người bán cà phê sửng sốt ngó chòng chọc, nhưng mặt chàng khách khuất mờ sau vành nón loang lổ, người này tò mò hỏi:

- Chú kiếm việc! Ồ! Ở Yên Bái này mấy ai không biết đồn điền cụ Võ? Mới tháng trước, cụ còn cưỡi ngựa ra đây, ghé uống cà phê tay này mà!

Cả mừng, chàng trai vội hỏi dồn, người bán cà phê cũng tò mò hỏi lại:

- Chú đâu tới, chú hỏi có việc chi?

Chàng thật thà nói luôn:

- Tôi đi học xa về! Tôi là con! Tôi rời nhà từ lúc mới đẻ!

Vừa đáp vừa lột nón úp sau lưng, nhìn người bán cà phê, người này thấy bộ mặt điển trai, vùng kêu sửng sốt, vui vẻ hết sức:

- Trời! Thế ra cậu là Võ Minh Thần đây ư? Chà chà! Coi giống cụ như đúc à! Tưởng ai? Ôi chao! Cụ nhớ cậu quá chừng, cụ có nói với tôi mà! Nội trong đồn điền, ai cũng ra uống cà phê tôi à! Cả tỉnh này ai cũng quý cụ nhà!

Rồi y nói một tràng, đầy cao hứng, không khác người thân y mới về, khiến cho chàng trai kỳ lạ cũng vui lây. Hỏi được tin nhà sau mười bảy năm xa cách, chàng coi cũng đỡ cô đơn, nhưng có lẽ vì sống từ nhỏ tại cô sơn, chàng ta chỉ hơi nhếch mép cười vội hỏi thăm đường về đồn điền, đoạn cám ơn, trả tiền đi ngay, định về ngay. Nhưng vừa được tin nhà, chàng mừng rỡ vô hạn, lại thấy đêm khuya, nên kiếm nhà trọ nghỉ ngơi đã.

Sớm mai, mới tảng sáng, đã thấy chàng trai kỳ lạ này xách dù đứng ngay đầu đường đi Tuyên Quang. Con đường này nối liền Yên Bái - Lục Yên Châu - Tuyên Quang, nên khách Kinh, Thổ, Tàu thường qua lại, từ Yên Bái đổ vào, dọc đường từ cây số một, hai trở đi, có nhiều đồn điền, nên khách qua lại tấp nập, kẻ bộ, người ngựa, có nhiều loại xe ngựa, có loại bánh bơm chạy độc mã, song mã, hoặc loại xe ngựa chở hàng, rất thuận tiện, bánh gỗ vành sắt lót cao su đặc, là loại mã xa rất nhiều trên đường ngược.

Chàng trai lên một cái xe độc mã ngồi với mấy khách Kinh, Tàu, Mán. Ánh bình minh đỏ rực mái đồi, báo hiệu một buổi thu đẹp trời. Đường Yên Bái - Tuyên Quang từ tỉnh lỵ đi sâu mười lăm, hai chục cây số, đồi núi trập trùng khai phá trồng trọt nhiều, nhất đồi trà, nhấp nhô như đàn rùa phục vọng, coi đẹp phong quang thơ mộng hết sức. Đồn điền nối tiếp, giữa đồi cây như cam, quýt, kỳ đà phật thủ, chuối, dứa, suối nước uốn quanh, rải rác nhô cao những tà áo màu thành thị, bóng gái, trai cưỡi ngựa thấp thoáng giữa nền lá xanh, coi như những bức tranh chấm phá tươi mát như trong mơ.

Chàng trai bâng khuâng nhìn cảnh vật hai bên đường, tâm hồn như tận đâu đâu.

Xe ngựa qua khu đồn điền trà Đồng Lương, chừng hai cây, vừa lên một trái đồi đất đỏ, giữa một vùng đầy hoa lá xanh mướt, chợt thấy một bóng cưỡi ngựa từ dãy đồi tít trong phi rất nhanh về phía đường đá. Tới gần, mới rõ ra là một cô gái mặc sơ mi trắng, quần kaki cứt ngựa, khuôn mặt xinh đẹp nghịch ngợm hết sức. Nàng ta cắp một cây súng săn hai nòng vừa phóng ngựa, vừa cất tiếng hát véo von như tiếng chim oanh, dáng thanh tú như cánh bướm xuân vờn hoa vẻ rất yêu đời khiến cả hành khách lẫn chú xà ích cũng phải bật khen rối rít.

Chợt một con chim ngói bay vụt qua, nàng ta cắp súng vẫy một phát "đoàng", con chim sa xuống, làm mấy cô thôn nữ đang hái búp lá, cùng reo lên. Cô gái áo trắng cười khanh khách, lướt đến nhặt con gáy, tiếp tục tế ngựa bạch về phía đường cái. Thoắt nàng đã tới ngọn đồi, xế bên tả, đồi cao ngựa đang lên dốc quanh co. Có con suối chạy giữa kẽ đồi. Cô gái vừa lên đồi, lại bắn luôn con trĩ bay qua rớt xuống suối.

- Chà! Cô bắn giỏi dữ! Bắn được chim bay!

Chú xà ích reo lớn, cô gái gò cương, cho ngựa xuống suối, nhặt con trĩ. Ngựa vừa xuống đến nơi, cô gái vừa sà cúi thò tay toan nhặt con chim đuôi dài, bỗng từ trong lùm cây gần đấy lao vụt ra một bóng nhân mã xẹt xếch trước đầu ngựa bạch, bắn tóe nước, sà xuống nhón luôn con trĩ, vọt chếch chân đồi. Bất ngờ bị cướp mất chim, lại bị bắn nước vào mình, cô gái áo trắng cả giận, vùng ngoắt ngồi lên yên, giật ngựa rượt theo, vừa nạp đạn, vừa quát:

- Trả trĩ đây, không ta bắn!

Được mấy bước, vừa giơ súng, bỗng có một bóng nữa vọt ra, quăng vèo một sợi dây thòng lọng chụp nghiến ngang mình cô gái, siết lại cả hai tay. Bóng này rập dừng giữa suối, giật mạnh lôi nàng lại. Nhưng cô gái đã kịp xoay người lại, túm được sợi dây căng, níu cứng, khiến tên kia không bắt được. Nhưng tên cướp trĩ đã lộn phát ngược lại, định tóm, chỉ còn cách mấy sải, chợt có tên khác xông ra trợ lực.

Cô gái chừng có võ, nhưng ba tên kia không vừa, giằng co lúng túng, chỉ vài sải nữa là bị tóm trên đường đá, xe vừa tới ngọn dốc, mọi người kêu lên "cô kia bị bắt đến nơi" bỗng chàng trai hơi cau mày, vẻ khó chịu. Thấy ba tên lực lưỡng áp bức một cô gái, chàng thò tay phẩy một cái, hành khách nghe "véo" tiếng vút gió như xé lụa dưới suối, dây thừng đứt "phựt".

Cô gái tung luôn thòng lọng, vọt tới cầm tay súng quật liền, hai tên kia đang lôi bị đứt dây chúi hẳn người đã nghe "soạt" mảng vải trùm mặt bị liếm mất mảng lớn, thất kinh giạt cả ra ngơ ngác, suýt bị ăn báng súng, cả ba rút dao rừng xúm đánh cô gái, cô gái lồng ngựa múa súng săn chống cự; nào dè từ trong bụi, chợt có bốn tên nữa xông ra, quay thòng lọng chụp bắt, cô gái xẹt chạy ngoắt về phía đường cái.

Bọn kia bảy tên rượt theo. Cô gái chạy băng qua suối lao về nẻo có cây cầu sắt nhỏ bắc qua suối, nào ngờ, cách cầu chừng vài bộ, bỗng từ trên tàn cây có một tấm lưới tung xòe chụp xuống đầu mình, xiết chặt lôi lên, con ngựa cứ vọt lên đường, cô gái bị rút treo lơ lửng dưới tàn cây còn đang vùng vẫy thì bảy tên kia vọt tới, một hình thù giống dã nhân, đười ươi chi đó từ trên cây lao xuống cắp cả cô gái lẫn lưới vèo cái nó đã hạ chân đứng sau tên đi đầu, cả lũ cứ thế lao đi băng qua đầu cầu suối chạy như gió vào cánh đồng, đồi nương bên kia chân dốc. Đúng lúc chiếc xe ngựa đang đổ dốc, hành khách trố mắt kinh dị, cùng xà ích la lên, con ngựa bạch lúc đó đứng bên đường chồm hí, chàng trai giật roi xà ích, quất con ngựa kéo xe lao gấp xuống, làm hành khách sợ hãi kêu inh ỏi. Khi xe còn cách con ngựa bạch vài mươi bộ, chàng trai quăng vút người vọt khỏi xe hạ dính trên yên ngựa bạch thúc gót, rượt theo bọn bắt cóc. Xe ngựa hoảng dừng lại bên cầu, mọi người sửng sốt, nơm nớp.

Nhưng không tới năm phút sau, chẳng hiểu đánh đấm cách nào, chàng trai kia đã lộn ngựa lại, mang theo cô gái còn bị trùm kín trong lưới, dừng bên suối. Chàng ta tháo lưới, dúi vào tay cô gái, nói tiếng Kinh điềm đạm như không:

- Thôi! Giờ cô có thể về nhà! Bọn nó chạy hết rồi! Chắc nó rình bắt cô từ trước. Từ nay cô nên cẩn thận, chớ đi một mình vào rừng! Cô cầm tấm lưới này về chơi.

Dứt lời nhảy xuống đất, đi về phía xe ngựa, cô gái chưa dứt bàng hoàng đuổi theo, cám ơn rối rít, dòm tấm lưới trên tay, vẻ ngạc nhiên thấy kẻ cứu mình là một chàng trai nói thạo tiếng Kinh. Nàng cố gặng hỏi, chàng trai đã lên xe, dịu dàng bảo:

- Tôi có việc gấp, xin kiếu từ. Tôi phải tới đồn điền họ Võ ngay!

- A, đồn điền họ Võ? Cách đây mấy cây số nữa thôi. Ông tới có việc gì ạ!

- Về thăm nhà! Mười bảy năm nay, tôi mới về!

Xe ngựa chạy lộc cộc, cô gái còn nhìn theo, mãi mới bỏ đi.

Hành khách cùng ngồi xe ngựa thấy đều kinh ngạc, ngó trộm chàng trai kỳ lạ nhưng chàng ta lại thản nhiên ngồi như có vẻ không để ý nhiều đến chuyện cô gái bị bắt cóc vừa qua.

Xe ngựa chạy qua những vùng đồi nương thật đẹp, qua vùng đồn điền chợt chú xà ích quay lại hỏi:

- Tới đồn điền họ Võ rồi, có ông bà nào xuống đây không?

Chàng trai cả mừng bảo xe ngừng, trả tiền đoạn xách dù, theo lời chú xà ích chỉ dẫn, chàng ta rẽ vào một con đường đất đỏ khá rộng, hai bên trồng toàn trầu, đi khoảng trăm thước, chàng dừng chân bên một cầu gỗ, đưa mắt nhìn quanh.

Nương đồi trùng điệp, quang đãng, cây cỏ tốt tươi, ngay trước có một cái cổng gạch, xa trong đường đỏ quanh co, ẩn hiện nhiều tòa ngang dãy dọc, dãy lợp lá, tường xây gạch, bóng người, bóng ngựa, bò, trâu, gà, vịt thấp thoáng, nhác coi rõ một trang trại sầm uất nhất nhì trong miền.

Chợt có một tốp năm, sáu người mặc quần áo nâu, quần áo chàm từ trong đi ra, tay cầm dao quắm, cào, cuốc... đi làm rẫy, người nào cũng khỏe mạnh rắn rỏi, chàng trai vội đón lại hỏi:

- Phải đây đồn điền họ Võ không các bác?

Một người nhiều tuổi, ngó chàng chòng chọc, vẻ ngạc nhiên:

- Chú đâu tới? Vâng! Đây đó! Chú không thấy chữ trên cổng kia sao? Chú hỏi ai trong đồn điền?

- Tôi hỏi cụ chủ họ Võ, cha tôi! Tôi đi học mười bảy năm nay mới về!

Cả bọn tá điền sửng sốt ngó nhau, cùng kêu lên, người đứng tuổi mở to mắt, vẻ kinh sững:

- Trời! Phải chú... Cậu hai nhà đây ư? Cậu Võ Minh Thần? Trời! Cả nhà đợi cậu mười bảy năm rồi! Cậu về chắc cụ mừng lắm! Cụ không được mạnh hơn tháng nay... Mà sao câu lại ăn mặc... Lạ vậy?

- Tôi ở núi!

Người đứng tuổi lập tức cùng bọn lực điền dẫn chàng trai có cái tên chính chàng cũng chưa hay, lộn vào trại. Quanh co đi sâu, cuối cùng băng qua một khu vườn rộng, lên một trái đồi có căn nhà gạch hai tầng ngang sườn ngoảnh mặt hướng Đông. Đồn điền khá nhiều người, đàn ông đàn bà đều dồn mắt ngó chàng.

Trước thềm có cái vườn hoa đẹp, có một ông lão Tàu râu quai nón đang ngồi ngậm một cái ống điếu dài bên ngọn giả sơn, vẻ trầm tư.

- Kia... chú Trưởng Sềnh! Tay chân thân tín của cụ nhà, làm quản lý cho cụ đấy! Mấy năm nay, tự nhiên lòa mắt, thường chỉ quanh quẩn hầu cụ! Chú giỏi lắm, một mình chú có lần đánh tan cả bọn cướp rừng!

Chàng trai theo người đàn ông ra chỗ lão Tàu. Lưng xoay lại, chợt lão hỏi:

- Ai đó? Tư Cán!

Chàng trai chịu lão thính tai, người có tên Cán vừa rảo bước lại nói to:

- Chú Trưởng à! Có cậu Hai mới về! Cậu Võ Minh Thần đó! Mười bảy năm...

Không hiểu sao, tự nhiên lão khách giật bắn người lên, đánh rớt cả ống điếu, quay mặt lại đứng sững, mở to cặp mắt nhìn, thân thể lão run bắn lên, vẻ xúc động mãnh liệt, lắp bắp kêu giật bằng tiếng Quảng Đông:

- Đâu? Cậu Võ...? Mười bảy năm... Cậu bé đã về! Trời! Thật ư?

Chàng trai thấy lão khách rớt ống điếu vội bước lại, cúi nhặt đưa cho lão, dòm kỹ mới rõ mắt lão lòa thật, mắt có màng trắng che phủ, có lẽ chỉ hơi thấy hình dạng, lão sờ soạng đỡ ống điếu quơ nắm lấy hai vai chàng trai năn nắn, sờ sờ, miệng lắp bắp như nói một mình:

- Cậu... cậu Võ... Mười bảy năm mới tìm về đây. Nếu đúng, cậu phải có đeo cái vòng, sợi dây tiền gẫy.

Chàng trai cầm tay lão để vào cổ mình và trên cổ ngực, hai chỗ đeo vòng xanh và sợi dây nửa tiền vàng. Lão khách sờ thấy, vùng ôm lấy chàng, rung động:

- Đúng rồi! Đúng cậu! Mười bảy năm mới về! Trời còn thương người lành!

Vào đây mau! Cụ đợi mười bảy năm rồi! Thôi! Tư Cán xuống bảo giết lợn gà vịt làm mừng cậu về... mau! Cho anh em nghỉ việc ngày hôm nay!

Tư Cán hớn hở cùng bọn lực điền xuống đồi, lão khách dắt chàng vào nhà, lão có vẻ mừng cuống đưa chàng trai lên thẳng cầu thang gác. Chàng trai nhìn quanh thấy bày biện rất cổ kính, với những tủ kính sập gụ, hoành phi câu đối, ghế đá... có cả đồ "bát bửu", trên tường treo nhiều kiểu khí giới cổ kim coi rất nghiêm trang. Có hai, ba người trung niên vừa ta vừa Tàu, dân tộc qua lại, thấy chàng trai lạ, đều cúi đầu chào lễ phép, lão khách đẩy cửa một căn phòng im vắng, đưa chàng trai vào.

Phòng ít ánh sáng, có một ông già nằm rên, sập lót da báo, ngửa mặt trông trần nhà vẻ trầm tư. Ánh sáng yếu ớt chiếu vào bộ mặt già nua, hom hem, nhưng vẫn phảng phất nét quắc thước của kẻ từng xông pha lăn lộn. Thấy động, ông già này ngoảnh mặt ra, không chậm nửa khắc, lão khách dắt tay chàng trai vào, nói luôn:

- Cụ chủ à! Cậu nhà đã về đây! Cậu mười bảy năm xưa, cậu đeo vòng tiền gãy... ngày xưa trên biên giới.

Đang thở mệt nhọc, như có mãnh lực dị thường xô đẩy, hai con mắt mở to vừa mừng vừa sững sờ cực độ, hai tay chới với, kêu run.

- Trời! Con đấy ư? Con... theo thầy học võ... mười bảy năm đã về đấy ư? Ôi trời còn tựa người oan khuất! Còn cho ta được thấy đứa nhỏ ngày xưa.

Lão khách bảo khẽ "cụ nhà đấy", chàng trai ngó sững và lao mình vào, một già một trẻ ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi, tự nhiên mắt già mắt trẻ cùng ứa lệ ròng ròng.

- Con... cha đợi con suốt mười bảy năm dài... chỉ lo chết đi không được gặp lại.

- Cha... mười bảy năm liền con vẫn tưởng ân sư là cha đẻ, hôm chia tay cuối cùng, người nói cho con hay...! Ngày xuống núi con chỉ lo không còn thấy cha mẹ...

Chàng trai dìu cha cùng ngồi bên mép sập, hai người nhìn nhau qua màn lệ, như muốn ngắm kỹ diện mạo nhau sau mười bảy năm xa cách, chàng trai rung lời:

- Khi ân sư cho biết, con lo nghĩ vẩn vơ, ngờ có chuyện bí ẩn khác thường, nay gặp cha con mới yên tâm! Suốt mười bảy năm "người" chỉ lo dạy bảo, đến buổi chia tay "người" chỉ bảo: Ta không phải cha ruột con đâu! Hãy về tìm cha tại vùng Yên Bái, đồn điền họ Võ trên đường đi Lục Yên Châu! Cha con đang đợi! Thế thôi! Hỏi gì thêm "người" cũng không nói, làm cho con càng lo sợ vẩn vơ! Mẹ con đâu?

Tự nhiên, ông già bảy mươi họ Võ giật mình chớp mắt, từ từ buông chàng trai ra, mặt trầm hẳn lại, đưa mắt nhìn lão khách vẫn đứng giữa cửa, đang chấm nước mắt.

Chàng trai nhìn ông già. Bộ mặt lão vụt thay đổi hẳn như vừa có một đám mây mờ dĩ vãng kéo về coi cực kỳ thê lương. Lão ngó lão khách rồi đưa mắt nhìn qua khung cửa kính xa xa in hình rặng núi xanh đẫm ánh nắng sớm thu, như chìm về tận cõi xa xăm cách mười mấy mùa lá rụng.

Chợt lão rùng mình liền mấy cái, đưa tay ôm lấy mặt, thở dài, khá lâu mới mở ra, nhìn chàng trai, đưa bàn tay nhăn nheo nắm lấy bờ vai, hai con mắt bỗng trở nên sâu thăm thẳm như đáy huyệt chứa đựng cả cái bí mật thảm thê oan khổ tưởng đã chôn vùi dưới lớp bụi thời gian.

Giọng chìm buồn mênh mang, lão run run lẩm bẩm như nói để mình nghe:

- Mẹ con chết rồi... còn đâu! Chết mười bảy năm rồi... hồi con mới lên hai!

Chàng trai thở dài buồn bã:

- Cha còn ảnh mẹ con chứ? Mà sao cha xanh xám thế? Phải mẹ con chết... thảm khốc lắm không?

Ông già họ Võ có vẻ đắn đo, chừng đang coi có nên cho chàng trai biết ngay câu chuyện gớm ghê, lão đã chờ mười bảy năm để nói không. Chợt lão khách nói vọng:

- Cụ chủ à! Cậu hai nhà mới về, đừng để cậu buồn!

Ông già lấy lại bình tĩnh, bảo:

- Chuyện nhà, cha sẽ kể con rõ, mai kia không muộn! Con về kịp cha chưa chết, là Trời Phật còn thương nhiều! Mười bảy năm nay cha chỉ lo không được gặp, gia tài này chẳng biết ký thác cho ai! Chú Sềnh cũng già rồi!

Chàng trai ngơ ngác:

- Cha... thế còn anh chị em con?

- Có ai đâu? Mười bảy năm này, cha nằm đợi con về! A! Còn có Cả Hổ ở với cha mười lăm năm, coi như con nuôi, năm nay ngót bốn mươi rồi! Hình như nó đi đâu sớm, chưa về! Lát con sẽ gặp! Chú Sềnh à! Đưa cậu hai đi tắm rửa, thay quần áo! bảo chúng làm tiệc mau! Nhớ con là Võ Minh Thần!

Lão khách vẫy gọi, nhưng chàng trai vẫn ngồi bên mép sập, chưa đi vội, chừng bị dồn nén quá lâu, không chịu nổi, chàng trai cất tiếng hỏi:

- Cha... không nên dấu con! Ân sư con bảo về tìm cha, con linh cảm có chuyện chi bí ẩn ghê gớm, nên... mới phải phiêu bạt lạc lõng ngoài ngàn dặm từ khi còn trứng nước! Ân sư có lúc đưa con lên tận ngọn Thái Hành Sơn, có hồi sang tận miền sa mạc Gô Bi, ngược tận Bắc phương, đi dọc theo lưu vực Hắc Long Giang từ Mãn Châu sang Mông Cổ! Xem chừng "người" mới gặp cha lần đầu và có lẽ chính cha cũng không biết "người" là ai? Từ đâu tới? Mà vẫn trao con cho "người"! Mười bảy năm dài khổ luyện, giờ con đã đủ sức nghe câu chuyện nhà xin cha cứ nói! Con không sống nổi nếu chưa biết rõ nguồn gốc!

Ông già nghe chàng trai nói, như sực nhớ, vùng hỏi:

- Mười bảy năm theo thầy đi khắp thiên sơn vạn thủy, con đã học được tới đâu? Liệu hai cánh tay con có mang nổi... gốc nguồn quá khứ không? Phải! Con đoán đúng! Quá khứ đè nặng lên vai cha mười bảy năm rồi nếu con mang nổi...!

Hiểu ý, chàng trẻ tuổi đứng lên kính cẩn:

- Xin cha truyền!

Ông già họ Võ đứng lên, tinh thần chợt phấn khởi, như vơi đi quá nửa phần bệnh, bước ra, vịn vai lão khách, rời buồng, dẫn chàng trai ra phía ban công sau hồi. Lưng đồi cỏ xanh um, vắng vẻ, lão dòm quanh, chợt thấy một con chó lớn đang chạy tung tăng dưới vườn, cách khá xa, lão trỏ xuống bảo:

- Này Minh Thần con! Nếu gặp một con thú dữ cách hai, ba chục thước như con chó kia, con có thể giết nó mà không cần dùng súng bắn chăng?

Chàng trai thưa:

- Xa hơn mười bộ nữa cũng được! Không những thế con có thể hạ một mục tiêu di động như một con chim cắt đang bay chẳng hạn.

Vẻ ngạc nhiên, ông già nhìn con, chàng trai ngó quanh chợt trỏ một con chim nhạn vừa từ phía trước lao tới cách khoảng bốn mươi bộ cao chếch, chàng trai đánh vụt tay ra.

"Véo"! Tiếng xé gió muốn rách không gian từ tay áo chàng trai bay ra một vật sáng bạch, coi như một cái mồng trắng, con nhạn sa ngay xuống. Nháng cầu vồng trước mắt ông già ngó lại, tay chàng trai đã cầm một thanh liễu đao nhỏ bằng ngón tay, dài hơn gang, sắc như nước. Lão bật kêu lên mừng rỡ:

- Trời! Con biết phép phi đao? Con có thể lấy đầu người nhanh như tia chớp!

Chàng trai giơ ống tay áo cho cha thấy mỗi tay có gài một ngọn liễu đao:

- Không phải phép phi đao đâu cha! Có hai cách phóng khí giới, một ném đi không trở lui, người thường dùng, hai ném đi dùng nhân điện tụ công điều động lưỡi dao xa gần tùy sức, với một lưỡi dao có thể chém liền hai nhát, cũng như người ta dùng một bộ máy phát điện điều khiển một phi đạn ngoài xa vậy! Ân sư đã truyền cho con luyện tập riêng môn này tới mười năm mới phát điện trong mình điều động được! Dùng phép này rất hao chân khí, lúc cần lắm, mới ra tay!

Ông già họ Võ mừng hết sức, khen:

- Ân sư con quả là bậc phi phàm! Cha đã thấy mười bảy năm xưa. Nhưng nếu cùng một lúc có hàng trăm, mấy trăm con thú xông lại vồ như rươi, dao này chém sao kịp? Lúc đó, con làm cách nào?

Từ tốn chàng trai đáp:

- Lúc đó chắc phải dùng phản phong quét chúng hoặc sử dụng mê công! Ân sư có dạy con thuật tẩm luyện thuốc mê, đánh ra, mũi và lỗ chân lông vật nào hít phải cũng lăn!

- À hay lắm! Nhưng nếu dùng tà thuật độc khí, con tính sao?

- Lúc đó, hoặc ra đòn trước, hoặc bế hết yếu huyệt, lỗ chân lông, tà phong tà khí không xâm tạng phủ được! Trừ phi... kẻ địch thượng thừa phi thường như... ân sư con chẳng hạn, lúc đó, dĩ nhiên không còn phép chống nào hiệu nghiệm!

Ông già cảm động ôm chầm lấy con, nước mắt lại chảy ròng, quay sang bảo lão khách đứng gần:

- A Sềnh à! Lập bàn hương án, đóng hết cửa lại, bảo chúng nó xuống hết dưới, mình chú ở lại thôi! Đã đến lúc ta phải kể rõ nguồn cơn cho "nó"... dĩ vãng đè nặng hồn ta quá lâu rồi, phải kể lại cho hết! Ta phải cáo hồn oan mẹ nó!

Lão khách có cái tên Sềnh, bỏ ra liền. Tuy lòa mắt, nhưng lão còn đi lại như thường, chừng đã thuộc hết đường lối trong trang trại. Chỉ vài phút sau, cả mấy dãy buồng, tầng lầu đã im ắng không một bóng gia nhân.

Lão Sềnh tự tay lúi húi một mình thiết lập, xong hương án gióng lên một hồi khánh, đoạn chắp tay đứng bên, vẻ buồn rầu thành kính hết sức.

Chàng trai mới biết tên mình là Võ Minh Thần, thấy mặt cha cùng người lão bộc thân tín đầy vẻ nghiêm trọng lạ thường, lại hiện rõ nét buồn kỳ dị, chàng trai họ Võ linh cảm ngay trong gia đình ắt xảy ra chuyện thê thảm khác thường, tim bỗng đập mạnh, hồi hộp hết sức. Bèn đặt giỏ mây xuống nhìn hai ông già.

Lão chủ đồn điền họ Võ dáng người mệt nhọc vì đang nằm bệnh, nhưng con mắt chợt sáng long lanh u ẩn, lão đưa mắt nhìn quanh, cảnh buồng tranh tối tranh sáng,chỉ có một khung cửa sổ mở chớp, cửa kính đóng, nắng thu sớm chiều xế góc buồng.

Lão bước lại trước bàn thờ, chợt ngó ra phía cửa ra vào trầm giọng:

- A Sềnh à! Có lẽ nên khép cửa, chú đứng đó cũng được! Không nên để kẻ nào nghe thấy.

Hiểu ý, lão khách làm theo lệnh chủ và đứng tựa bên cửa. Lão chủ đồn điền họ Võ thắp hương lâm râm khấn khứa to nhỏ, dưới ánh nến trắng vật vờ, bộ mặt già nua càng trở nên thê lương hết sức, như ẩn hiện cả nỗi buồn thương dĩ vãng mười bảy năm dài dằng dặc đè nặng tâm hồn cô đơn của người đàn ông luống tuổi phong trần. Chàng trai đứng chắp tay bên bàn hương án, lòng xao xuyến, nơm nớp, chưa chi đã thấy xót xa, nhìn hai giòng lệ từ từ lăn trên lưỡng quyền ông già. Chợt im, lão nhắm hai mắt lại. Cả căn buồng càng rơi vào im lặng, có tiếng gà gáy khe khẽ từ dưới chân đồi vọng lên.

Bỗng ông già họ Võ ôm lấy mặt, run giọng lẩm bẩm như nói với... dĩ vãng xa xưa, tiếng nghe âm u tưởng từ thế giới nào vọng về:

- Ghê khiếp quá! Kinh sợ quá! Ác mộng cũng không kinh bằng! Cái xác... Trời ơi! Cái xác người đàn bà bị con quỷ nhả ra... Trời! Cái túi da người treo lủng lẳng! Đứa con nít lên hai mồ côi giữa đàn quỷ... biên thùy hoang vu lởm chởm đầy nanh vuốt... Cái túi da là mẹ con, đứa con nít chính là con...

Giọng ông già họ Võ chìm dần, run run, kinh hoàng. Lão khách đứng tựa cửa, vùng thở mạnh, rên khẽ, tiếng nói như mê:

- Ngộ cũng thấy! Ma quỷ... Hầy! Nó đớp cả cái gót chân ngộ... Ngộ đi với cụ chủ... Ghê dữ à!

Ông gia họ Võ chợt buông tay, lau nước mắt, lấy giọng điềm tĩnh, đặt lên vai chàng trai mới về, lúc này mặt vừa thoáng biến sắc, mạch lạc, nhưng cũng đã vẽ lên mấy nét quá khứ bi thảm đến rởn ốc!

- Đáng lẽ cha chưa cho con biết ngay chuyện ghê gớm này. Cha định để con vui đoàn tụ vài ngày, làm đủ giấy tờ trao gia tài cho con và chia cho Cả Hổ, chú Sềnh cùng đám tay chân thuộc hạ mỗi người một số ruộng, tiền lập nghiệp xong xuôi đâu đấy, cha mới nói rõ gốc nguồn thân thế cho con hay. Nhưng tuổi già như đèn trước gió, cha chỉ sợ bất ưng có thể lìa trần, gánh nặng tang thương đau khổ bí mật mang nặng trong đầu mười bảy năm liền, lỡ xảy chi không kịp cho con biết, chắc cha chết đi cũng không nhắm mắt nổi!

Lão ngừng lại, ho sù sụ. Chàng trai vọt tới bên sập rót nước dâng. Lão uống mấy hớp, thở phào một hơi cố trấn tĩnh, như chưa biết vào chuyện sao cho gọn.

- Mười bảy năm rồi! Phải! Chuyện xảy ra chiều hôm đó, cha còn nhớ như in, nơi biên giới Việt - Trung, một chiều muộn, sắp hoàng hôn, gió hắt hiu... Chiều hôm đó...

Giọng lão chìm dần như chỉ sợ tiếng nói to sẽ làm xao động cả chiều vàng bên cảnh xưa... Ánh nến vật vờ rung rung loang lổ hắt từng vũng sáng, tối trên bộ mặt gồ ghề như con đường đèo xuyên biên. Nhưng chợt lão hắng giọng bằng một tiếng đanh, vùng cao giọng:

- À quên! Cha là Võ Minh Phong, hồi đó đã ngoại năm mươi. Trước nhất, con cũng cần biết rõ cha đây thực ra không phải cha đẻ của con! Cha chỉ nhận con làm dưỡng tử, còn cha ruột của con thực ra...

Chàng trai vừa nghe ông già họ Võ thổ lộ, không kém nỗi kinh ngạc, sững sờ, vùng choàng lấy hai vai lão bật kêu "trời" sửng sốt, toàn thân chấn động, một hơi gió lùa khe cửa khép hờ, ánh nến trắng lảo đảo. Thình lình nghe có tiếng súng nổ "đoàng", tiếp liền tiếng lão khách Sềnh la lớn. Rầm! Cánh cửa mở toang, thân hình cao lớn của lão Sềnh loạng choạng đổ dụi theo cánh cửa.

Giật mình, cả hai người cùng ngoảnh trông ra, vừa trông ra, vừa thấy dáng lão thuộc hạ thân tín ngã nhào, ông già họ Võ vùng lảo đảo hấp tấp chạy ra, miệng hỏi vọt "A Sềnh sao thế"?

Chàng tuổi trẻ đứng ngơ ngác mấy giây, nhưng vốn nhạy phản ứng của nhà võ, thấy ông già vùng chạy ra, chàng trai vùng vươn tay nắm lại, gọi giật giọng:

- Cha! Chớ ra!

Miệng quát, chân vụt đuổi theo, nhưng hơi muộn. Cách vài thước, ông già quá xúc động trước cảnh người thuộc hạ rất thân ngã dụi, lão chỉ vùng một, hai bước đã tới, cúi xuống đỡ lão Sềnh, không hề để ý đến chuyện đã vô tình đứng giữa khung cửa vừa mở ngoác. Và đúng lúc lão chạy ra giơ hai tay chưa kịp ngồi xuống ôm lão Sềnh lên, thì "đoàng" phát súng nửa nổ chát chúa, lẫn tiếng xoảng khô dòn, ông già họ Võ rú lên, bật ngửa người, ôm ngực, trợn mắt trừng trừng, đổ xuống như cây chuối bị đẵn gốc.

Đáo sự mới biết chàng trai này nhanh hết sức, vừa bật kêu lên vừa lao vụt qua khung cửa trống, khom mình ghé vai vừa đỡ vừa đội luôn ông già vào chỗ khuất, "đoàng" phát thứ ba "chíu" trốc đầu chàng trai, xói phăng một mảnh bàn thờ, đạn xé ngang. Lẹ như chớp, chàng trai đặt ông già, đánh vụt bàn tay ra chiều ngược đạn đạo khoắng loằng ngoằng. Từ ống tay bay vút ra ngọn liễu đao bắn "véo" chếch qua góc hành lang, tít cuối phía hậu, nơi có dựng một tấm gương lớn sát "ban công".

Xoảng! Xoảng! Tiếp liền tiếng rú nhọn, cụt. Như kẻ làm quỷ thuật, chàng trai rê vụt bàn tay trái về phía trước cửa, như rờ rẫm không khí, bàn tay chợt đỏ rực như tắm ánh bình minh. Nhưng nếu có kẻ thượng võ mới thấy kinh, vì đó là "bàn tay điện" tập trung nhân điện kỳ công đang rê tìm luồng nhân điện bên ngoài.

Nếu ngoài có người ẩn náu sẽ toát hồi nhân điện, nhân khí ra, chạm luồng điện công, lập tức có phản chấn dội lại, biết liền. Quả nhiên, vừa khoa một vòng, chàng trai đã chém xả tay phải ra, tít xa, xế sau "ban công" có tiếng rào rào rắc rắc, "phập" ngọt như không, từ trên cành cây um tùm vừa gãy, bỗng phát ra một tiếng rú lê thê, một cánh tay cầm súng rụng xuống vườn.

Trong cả phản ứng bất thần, chàng trai nghe tiếng rú vùng đảo tay toan chém với theo, nhưng sực nghĩ ra, chàng ta nâng vụt lên, rào rắc ngọn cây, chàng ta toan phóng mình ra, bỗng nghe dưới vọng lên tiếng người kêu lớn "súng nổ trên nhà", "lên coi mau", sau lưng chàng, ông già chợt rên lên phều phào:

- Chết mất... con!

Lo mạng ông già, chàng trai vội thu liễu đao khép sập cánh cửa, quay vào xốc ông già, trong khi lão Sềnh vừa kêu, vừa đang cố ngồi dậy:

- Coi chừng... nó bắn nữa! Mặc ngộ... ngộ bị vào đùi... Cứu cụ nhà...

Quả nhiên đùi trên lão đẫm máu, lão ôm vết thương cắn răng ngó chủ, chàng trai ôm ông già xem ngực, ngực đầm đìa máu đỏ lòm như đổ cả bát phẩm điều, lão mím môi, quằn quại ngửa cổ, cố gượng đau, nói gì, bỗng nghe lào phào yếu ớt, tiếng chìm biến trong hơi thở hổn hển:

- Chết... mất Võ... Thần con... bí mật đời... con... hỏi lão... Sềnh...

Môi mấp máy, lão rướn cong mình quằn quại hai con mắt mở trừng trừng, ứa lệ thở phào, rồi ngoẹo đầu sang bên... đi vào cõi tịch mịch muôn đời! Chàng trai vùng reo tên, lay gọi, nhưng vô ích! Ông già cô đơn cõi lòng, đã chết, khi chưa kịp thổ lộ điều bí mật cho người trai lưu lạc, viên đạn bắn cạnh tim, gặp xương phá vỡ!

Chàng trai hét lên, run tay vuốt mắt cho ông già, nước mắt chảy ròng rỏ cả xuống bộ mặt phong trần quắc thước.

Ngay khi đó, năm sáu người nhà tay súng, tay dao rầm rập chạy lên, xô rầm cửa, kinh hoàng trợn mắt, chàng trai trỏ vụt về phía mình vừa chém:

- Có đứa bắn trộm! Có đứa bị thương! Chớ để nó trốn! Bắt sống lấy! Mau!

Bọn gia nhân thuộc hạ nhất loạt vọt đi đuổi sục.

Lão Sềnh ôm đùi, nhịn đau lê lại gần chỗ ông già họ Võ, chàng trai ngó thấy mặt lão xanh xám, vùng đưa tay đỡ, miệng hỏi:

- Chú sao không? Để tôi gắp đạn ra! Chắc cắm trong đùi! Chuyện năm xưa chú biết chú cho biết... mau! Điều bí ẩn... về thân thế tôi... mẹ tôi sao? Sao lại "túi da", con quỷ? Sao lại "vòng xanh"? Trời ơi! Tôi phát điên mất! Mười bảy năm chờ đợi... tôi vừa về "người" lại bị bắn trộm chết...

Chàng trai vừa hỏi, vừa bồng ông già họ Võ lên đặt nằm ngửa trên sập, kéo lấy mảnh khăn trắng phủ lên mặt ông già bất hạnh.

Lão Sềnh chừng thấy mình bị đạn phá nát xương đùi trên, đau hết sức, lại sợ xảy chuyện chẳng may, vùng gọi:

- Cậu hai! Cậu... nghe tôi kể... đã!

Đang cúi phủ vải trắng lên mặt ông già họ Võ, nghe gọi, chàng trai vội ngẩng quay ra, bất ngờ nghe "xoảng" tiếng kính vỡ tan dòn, chàng trai giật mình ngó vụt về phía có tiếng động, toàn thân lao xuống xô lão Sềnh.

Nhưng chỉ kịp thấy một bàn "tay" lông lá đen thui vừa đấm vỡ kính vừa thò vào, phóng vút cái, rụt luôn ra, nhanh như chớp. Đến độ chàng trai chưa kịp mó vào mình lão Sềnh, lão khách lòa lúc đó nghe tiếng xoảng, vụt ngoảnh trông về góc buồng hồi, chân đau, chưa kịp phản ứng, thì một lưỡi dao lá đã bay vút vào, cắm trúng cổ họng lão khách lòa! Phập!

Vừa thấy lão la lên, ôm cổ lòi chuôi dao nhỏ, chàng trai dậm phắt chân, vừa nhảy vọt về phía cửa sổ, vừa thả "vèo" lưỡi liễu đao. Xoảng xoảng! Chát chát! Ánh thép thần tốc phá vỡ tan ô kính, chặt đứt trấn song sắt, có tiếng ré kéo dài hút, chàng trai dòm qua khung cửa sổ mờ có thoáng thấy một bóng con nít đen đang đeo đu vút từ phía khung cửa sổ ra lùm cây xế bên hồi, vừa nắm được cành cây bỗng rời ra một bàn chân đen thui, bóng con nít này sa luôn xuống vườn.

Chàng trai nổi giận, vừa nắm trấn song định bẻ nhẩy qua vườn, bỗng nghe lão khách gọi cứng:

- Vào... mau... dao độc...

Giật mình, chàng trai vội đảo lại, vừa kịp đỡ lão khách dụi xuống, hai tay run bần bật, lưỡi dao cắm ngang nơi cổ họng, máu đen sì, mắt lão trợn ngược, cả kinh, chàng bật gọi:

- Chú Sềnh! Trời! Dao tẩm nhựa "sui"? Chú... sao... bí mật năm xưa? Sao? Mẹ tôi... cha tôi là ai? Ai giết? Sao lại "quỷ"? Ai giết?

Vô ích! Thuốc độc đã ngấm vào mạch máu, tạng phủ, thứ nhựa "sui" ngâm mũi tên chỉ bắn sướt da rớm máu, lợn lòi to bằng con trâu, nháy mắt đã chết rồi!

Vừa lay gọi, chàng trai vừa ngó mắt lão khách, mắt đã lạc thần, hơi đưa đi đưa lại, chàng trai vội cúi sát xuống, lão khách run bắn lên dãy chết, môi mấp máy, cố thu hết tàn lực, nhưng lưỡi đã líu lại. Phào theo hơi thở đứt, phều phều mấy tiếng "tìm... Chúa núi Đầu Ngựa". Rồi lão ngoẹo cổ "đi" luôn.

- Chú Sềnh! Chúa núi Đầu Ngựa là kẻ thù hay người ân? Tìm hỏi nguồn cơn hay báo oán? Cõi nào?

Cũng như ông già quắc thước họ Võ, suốt mười bảy năm ngậm miệng, chôn giấu chuyện thảm thê bí ẩn trong lòng, đợi "đứa nhỏ năm xưa" trở về, nhưng mới nói được một, hai điều, đã ra người thiên cổ đem theo bí ẩn xuống tuyền đài!

Mười bảy năm chờ đợi, cả hai cùng bị chết giữa phút trùng phùng! Kẻ nào giết? Kẻ nào? Hy vọng gốc nguồn thân thế vừa chớm lóe, đã tắt ngang... Giờ chỉ còn mình ta cô độc chơ vơ không nguồn gốc trên cõi đời oan khổ ác độc này!

Chàng trai đặt người khách già lên sập, và ôm cả hai cái xác thân yêu, vật mình khóc rất thảm thiết.

Cả trang trại náo động, gia nhân tá điền, đàn ông, đàn bà, gọi nhau inh ỏi, đám kéo lên lầu, đám rượt tìm quân gian, đồn điền loạn cả lên, nhiều người tưởng cướp.

Chúng xô cửa, thấy chàng tuổi trẻ mặc áo rách vai đang ôm hai cái thây chủ đồn điền, lão bộc khóc thê thảm, ai nấy đều kinh dị, nhiều kẻ khóc òa.

Bọn gia nhân thủ túc vệ sĩ vừa đổ đi rượt hung thủ, bắt được một cánh tay, một ống chân người và một bàn chân vượn thú cùng hai khẩu súng trận, loại mút Đông Dương.

- Tụi này lợi hại không vừa! Bọn tôi chạy ra còn thấy bóng què chân chạy, có một tên khác trong bụi nhảy ra dắt, phóng về nẻo đường hậu mất dạng, bọn tôi chỉ bắn theo được một, hai phát. Đảo sang hồi bên này, nhặt được một bàn chân thú coi đúng chân vượn. Cả nhà có sao không... cậu hai!

- Trời! Cả cụ lẫn chú Trưởng Sềnh đều bị hại!

Bọn thuộc hạ vệ sĩ nhào vào kinh sững, kẻ nghiến răng trợn mắt chửi rủa, người cúi đầu ứa nước mắt, tất cả xúm lại an ủi chàng tuổi trẻ, một người Kinh trạc tứ tuần, vẻ khá giỏi võ, hai tay hai khẩu S.Etienne cối to, dắt vào bụng lễ phép bảo chàng trai:

- Chắc chúng nó theo dõi lâu rồi! Ngót mười năm nay không lúc nào bọn tôi rời cụ nửa bước! Cụ vẫn ngại có kẻ thù bí mật ám hại. Tôi là Kình, hồi trước đã đi lính đóng quản nên thường gọi Quản Kình. Tôi theo cụ hơn mười năm rồi, trước hồi cụ làm quan Châu. Cụ rất có lượng thương người, ai cũng kính mến. Cụ lặn lội suốt đời, không ngờ về già lại bị ám hại!

Chàng trai gạt nước mắt, ngó xác ông già:

- Cha tôi có làm quan Châu?

- Dạ, cụ nhà chỉ nhậm chức mấy năm, rồi thôi! Cụ ưa hoạt động. Chỉ thích mở đồn điền, buôn lậu!

- Nhưng cụ bỏ nghề này đúng mười bảy năm rồi từ ngày gửi cậu hai đi học xa.

Chàng trai thấy Quản Kình cùng bọn thuộc hạ dưỡng phụ mặt mày trông gan góc, có người đầy sẹo coi dữ tợn, nhưng xem vẻ trung thành có nghĩa, bèn nắm tay Quản Kình cùng đám thuộc hạ, ngậm ngùi bảo:

- Tôi mới về, lâu nay ở núi, chưa hiểu chuyện chi nay chẳng may cụ cha tôi cùng chú Sềnh thác oan, phiền mấy chú liệu việc ma chay tống táng giúp cho! Tôi quyết không để cụ và chú Sềnh ngậm hờn dưới mộ! Tôi phải tìm ra hung thủ!

Bọn Quản Kình nhất loạt đáp:

- Đó là bổn phận bọn tôi, cậu hai khỏi lo! Còn mọi việc đã có cậu cả lo liệu! Cậu cả đi từ sáng sớm chắc cũng sắp về!

Dứt lời, Quản Kình lập tức cùng đám gia nhân, tá điền lo việc tẩm liệm ma chay, người người đều bi lụy.

Chàng trẻ tuổi Võ Minh Thần lòng buồn vô hạn ngồi ủ rũ bên xác hai ông già, cắn răng chịu đựng, tâm hồn tan nát vừa thương người cha nuôi, nghĩa bộc bất hạnh, vừa xót xa thân thế mịt mờ cội nguồn dĩ vãng, từ nay lại một bóng cô đơn đi trong lớp lớp sương mù dày đặc, lần mò tìm gốc rễ tang thương huyết thống, kẻ thù không đội trời chung.

Đến lúc khiêng mấy cái thây lạ đi chôn trước, cả đồn điền xúm lại nhận diện, thấy một cái thây hoàn toàn xa lạ, xác bị chém "ngọt" hết sức, Quản Kình sực hỏi:

- Phải cậu hai chém nó? Hình như lúc đó cậu vẫn ngồi trong buồng cụ mà?

- Tôi có lối chém... riêng! Tiếc lúc đó cụ gọi, không kịp đuổi theo bắt được chúng? Sợ cụ trối trăng gì cần kíp, nhưng không kịp!

Quản Kình vẫn chưa hiểu rõ, nhưng cũng yên tâm, được biết tiểu chủ là tay giỏi võ.

Vừa lau chùi xong hai cỗ quan tài chạm trổ khá tinh vi, nhà khá giả đương thời vẫn có tục sắm sẵn quan tài để trong nhà, khi về già, gần đất xa trời, bỗng có tin Cả Hổ về.

Cả Hổ trạc ba mươi lăm, ba mươi sáu, người vạm vỡ khỏe mạnh, vẻ hoạt động gan dạ, đi với năm, sáu thuộc hạ, đều cao lớn lực lưỡng vừa Thổ vừa Kinh, đi bên Hổ, là người phó vẻ lai Kinh Mán, cao gầy đanh, mắt sáng quắc coi vẻ giỏi võ. Cả Hổ cùng bọn thuộc hạ chạy ngựa lên thẳng căn nhà ông già họ Võ, thấy gia nhân đang khiêng lên hai cỗ quan tài, cả bọn giật mình, chưa kịp hỏi, Quản Kình từ trên xuống, nói ngay:

- Cậu cả! Cậu về muộn mất rồi. Cụ nhà và chú Trưởng Sềnh vừa bị quân gian bắn trộm chết, khi đang nói chuyện với cậu hai ở trong buồng! Cả Hổ kêu lên, nhảy luôn xuống, cùng đám thuộc hạ chạy vụt lên lầu, Quản Kình đi theo.

Võ Minh Thần đang ngồi ủ rũ, thấy bọn Hổ ùa vào, còn ngơ ngác, Quản Kình đã nói lớn giới thiệu hai người với nhau. Cả Hổ nhào tới ôm thây họ Võ, lão Sềnh, xem xét vết thương, khóc thảm, rồi mới quay sang nhìn chàng trai mới về, không chớp mắt, miệng hỏi:

- Võ Minh Thần...

Chàng trai gạt lệ, ngó Hổ, buồn bã:

- Em vừa về được giây lát. Đang thưa chuyện với cha... Người mới nhắc đến anh!

Cả Hổ lẳng lặng tiến lại gần, vòng ra đằng sau Võ Minh Thần, xong lại đảo ra trước, vùng tay chụp lấy cánh tay chàng trai. Võ thấy lạ nhưng cứ để nguyên. Bỗng Cả Hổ buông tay, giang cánh ôm chầm lấy Võ, giọng xúc động kêu:

- Đúng Minh Thần rồi! Cha có dặn tôi phòng ngộ nạn bất thần, nếu chú về, còn biết mà nhận! "Người" có dặn trên đời này chỉ có chú mới mang mấy thứ đó thôi! Mười bảy năm nay, "người" nhắc đến chú ngày đêm, "người" bảo sinh chú trên biên giới!

Chàng trai biết dưỡng phụ giấu nguồn gốc mình, nên cũng không tiện nói rõ, lại thấy Cả Hổ đối với mình tuy không cùng máu, nhưng tỏ vẻ thân thiết hết sức, nên một lòng quý mến, coi như anh ruột. Buông nhau, Cả Hổ hỏi lại chuyện vừa xảy ra, vừa kinh ngạc, vừa phẫn uất, bảo Minh Thần:

- Từ nay, phải canh phòng cẩn mật mới được! Bọn khốn có thể ám hại cả chú và tôi nữa. Chú mới về, chắc mệt, nên nằm nghỉ, mọi việc đã có tôi! À chú cũng nên biết qua người trong đồn điền này vì từ nay, chú là chủ tất cả!

Đoạn, lập tức giới thiệu Minh Thần cho mọi người rõ, lại trỏ từng người giới thiệu với chàng. Xong lại trỏ riêng Quản Kình và người Mán lai Kinh bảo:

- Trong trại, hai chú này giỏi võ nhất! Chú Quản vẫn theo bên phụ thân. Còn đây chú Khìn Lồi, thường phụ bên tôi! Từ nay, chú Quản hãy ở sát bên cậu hai! Nay phụ thân và chú Sềnh chẳng may đã mất chúng ta hãy lo chuyện ma chay, rồi sẽ tính chuyện báo thù! Chú Quản hãy đưa cậu hai đi tắm rửa, thay y phục.

Đó rồi, cả đồn điền nghỉ việc, lo đám tang. Võ Minh Thần theo Quản Kình sang phòng tắm xong, thay quần áo, mặc tang phục trắng cùng Cả Hổ đem xác cha già cùng xác lão Sềnh quàn đặt giữa phòng khách dưới nhà.

Bình sinh ông già họ Võ đối với người rất có lượng, ai cũng cảm phục, hay tin dữ, cả miền kéo đến phúng viếng, ai cũng buồn, nguyền rủa quân sát nhân.

Đêm đó, Cả Hổ truyền Khìn Lồi đốc tráng đinh, thủ hạ bí mật thay phiên canh gác tuần phòng quanh trang trại, còn bọn Quản Kình ngót chục tay chiến khác bí mật phục trấn quanh căn nhà chính lưng đồi.

Đêm vào khuya dần, thoắt đến canh ba giờ Tý. Đồn điền rừng gió đêm hiu hắt, chàng tuổi trẻ họ Võ ngồi bên quan tài, lòng buồn mênh mang nghe tiếng động đêm rừng khuya.

Trong đồn điền mọi người đã thiếp ngủ, mai còn lo đám tang.

Không gian chìm sâu vào im ắng, bâng khuâng tiếng chim khảm khắc từ hai bên đầu núi kêu thương rớt xuống, rã rượi... Có tiếng hoẵng kêu ngơ ngác xa xôi vọng về... bơ vơ... Võ Minh Thần ngồi trên một cái ghế gụ kê góc phòng khách, xế đầu quan tài, gần khung cửa sổ hiên tiền. Ngoài thềm có một tay súng phục trong xó tối, Quản Kình thủ cây Saint Etiene, sườn mang dao quắm, ngực áo cắm một hàng đao lá lan, thu mình trong bóng cửa sau. Cây nến trắng, quả trứng đặt nắp ván thiên, coi càng hiu hắt trong đêm, đổ cái bóng quan tài xuống nền nhà đen thui.

Bốn bề quạnh vắng, tiếng trùng đêm rên rỉ từ vườn hậu đưa vào, đơn điệu, thê lương, chàng tuổi trẻ ngồi nhìn ngọn nến, lòng như tê dại dần trong cảnh nhà tang, chợt một cơn gió hắt hiu lùa vào phòng khách, chàng trai rùng mình một cái gai gốc mọc lởm chởm, ruột gan như cuộn hẳn lên, vùng đưa tay trái lên "đánh" một quẻ Trương Lương độn toán, bật kêu "à" một tiếng. Vội đứng lên, khẽ gọi Quản Kình lại gần bảo nhỏ:

-
Tác giả : Hoàng Ly
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại