Lửa Hận Rừng Xanh

Chương 28: Phần kết

Trần, Đèo, Cầm, Bạc...

Mấy cuộc tang thương...

Hận tình muôn thủa...

Ngay sau lúc chia tay Võ Minh Thần, Giao Long Nư vọt qua bức tường thành, ra khu sảnh tiền. Cả khu này đang hỗn loạn kinh hoàng. Bỗng nghe sau trận lửa cháy bừng bừng, rồi thấy bọn Dạ Xoa mập dẫn chó sói chạy ngược xuôi tất tả, cả đám quái khách tứ chiếng biết ngay Ma Vương Sắc đã đại bại, lập tức nhất hô bá ứng, lũ quái khách trở mặt nổi dậy đánh cướp A Phòng, đoạt mỹ nhân, vàng bạc. Nhưng trong A Phòng chỗ nào cũng Dạ Xoa, chó sói canh phòng. Cuộc hỗn chiến nổ bùng, lửa cháy ngụt, người hét, sói tru, náo động khu tiền sảnh.

Đang kịch chiến, bỗng thấy Giao Long Nữ xông ra, từ lũ quái khách đến Dạ Xoa đều tưởng người máu này vào phá trận, lập tức cả hai phe hò hét nhảy sổ lại bao vây quên ca hiểm nguy ghê gớm!

- Thằng này có bộ vòng càn khôn Bành Tổ! Hãy ngăn nó lại, sau sẽ chia vòng!

Giao Long Nữ đang sốt ruột đi kiếm Tây Kiều, vùng hét lên một tiếng, vận khí ngũ hành, phóng thốc vào kẻ địch. Chỉ nháy mắt, cả đám đã bị đánh tan, đứa chết đứa bỏ chạy tán loạn, cả bầy Dạ Xoa chó sói cũng dạt hết.

Giao Long Nữ không buồn đuổi cứ lao thẳng đến khu cửa hầm theo lời Thần dặn. Nhờ thông minh, thoắt nàng đã tới nóc ngôi nhà sọ. Bốn bề im lặng thẳm sâu, Giao Long Nữ đứng trên nóc nhà quan sát mấy khắc nhìn sang bên kia hồ nước phẳng lặng như tờ lẩm bẩm:

- Cứ như lời Võ huynh dặn bên kia bờ hồ là biệt cung "Tây Kiều Nương Nương"! Ta cứ vào cung, rồi sẽ liệu.

Như con én bay, nàng quăng mình xuống ngọn tường đền tả, hạ xuống dãy hành lang dọc hồ nước. Vừa toan tiếng thẳng bỗng nghe tiếng người quát tháo xế sau, cô gái quay mình lại.

Ngôi nhà đá sừng sững nằm dưới vùng ánh sáng vàng úa hình sọ người nham nhở hết sức quái gở. Tiếng quát tháo từ trong hắt ra, lẫn tiếng người trong ngục sọ cười rú lên, giữa tiếng phá phách ầm ầm, rồi một hình người cổ quái hiện mờ mờ tít trong cửa song sắt.

- Hà ha! Hơn hai mươi năm trong ngục lạnh đêm nay ta được thấy Chúa Sài lang hết thời, ngục lạnh không phá nổi nhưng ta biết A Phòng sắp sụp rồi. Tây Kiều! Tây Kiều đâu? Đi đâu hết? Sao cái cung này im như trong quan tài? Ha ha! No nhốt ta trong quan tài!

Tiếng người hét ra như cười khóc trong cơn mê sảng, làm Giao Long Nữ giật mình sực nghĩ:

- Đúng người bị nhốt trong ngục sọ kia rồi, cha ta... có lẽ cha ta? Như mũi tên, Giao Long Nữ rún mình nhảy vọt qua xế hồ, đậu sịch trước thềm cửa ghé mắt nhìn vào. Tít trong hình người đứng mờ mờ sau lần kính đầy râu tóc bù xù. Nghĩ giây khắc, Giao Long Nữ lập tức vận thêm khí ngũ hành, chụp tay vào chấn song giật mạnh. Chấn song cong veo gãy liền. Một bức tường bằng thủy tinh dầy hàng thước chắn kín khung cửa, dùng sức cương khí Giao Long Nữ vung tay đấm vào tường kính, lao thốc mình vào. Tường kính cực rắn phát ra một tiếng "rầm rắc rắc" vỡ luôn làm mấy mảng. Xô cái thứ hai, cả bức tường nứt bung, đổ sụp, vỡ làm trăm mảnh. Gạt lia chân, Giao Long Nữ vọt vào. Bóng huyết khí cao lớn xô bắn thủy tinh sịch hiện lù lù làm hình người đứng trong giật mình, lùi phắt lại, tưởng hình huyết khí Ma Vương.

- Chúa Sài lang tứ túc? Mi... mi vào giết ta? Ha ha! Ta đợi đây hơn hai mươi năm trong ngục sọ, chán lắm rồi!

Hình người kêu tiếng Kinh, lẫn Thổ, Giao Long Nữ ngó sững. Đó là một người đàn ông râu ria tóc tai bù xù, cởi trần trùng trục, chỉ khoác một mảnh vải ngang bụng như mặc xà rông. Đời sống nhiều năm trong ngục lạnh đổ xuống người ông ta, còn lưu lại trên mình đầy dấu vết tang thương những vết sẹo cực hình khảo đả nổi bóng lọng, nhác trông tưởng đã bảy tám mươi dòm kỹ mới hay chưa đến ngũ tuần.

- Không phải là Sài lang Tây Sắc! Con... con đi tìm vợ chồng Bạc công chúa năm xưa bị Giao Long bắt trên Hồ Ba Bể!

Giao Long Nữ tiến vào, sức nóng lạnh kỳ dị làm người trong ngục lật đật lùi lại, kêu:

- Ai, ai lại có vầng huyết khí? Ai nhắc Bạc công chúa! Hồi hộp Giao Long Nữ run giọng:

- Con là đứa bé đẻ rơi ngày xưa trong quán nước gần Hồ Ba Bể đây! Phải ông cũng bị Giao Long bat ngày đó, ngày tới hồ gặp mưa to gió lớn... Phải "ông Trần"?

Người trong ngục kêu rú lên:

- Trời! Gái nhỏ đẻ rơi năm nào còn sống đây sao! Ta... ta chính người họ Trần bị bắt cùng Bạc công chúa năm xưa đây... Nhưng nếu phải sao không đưa di vật?

- Trời ơi cha! Cha ơi! Cha khổ đến thế này sao? Loài quái vật nó hành hạ cha... thế này? Con chính là đứa con đẻ rơi năm xưa đã học được bí pháp Bành Tổ đi tìm cha mẹ đây.

Giao Long Nữ vùng thu vang huyết khí, hiện ra hình cô gái mặc quần áo đen tuyền, đẹp uy nghi trong vùng ánh sáng úa vàng. Nàng vén tay áo chìa vòng xanh điểm huyết nhào vào ôm choàng lấy "tù nhân". Người tù ngục sọ cũng ôm lấy nàng nước mắt chảy ròng ghé sát dòm mặt:

- Ôi! Hơn hai mươi năm đằng đằng, không ngờ gái nhỏ còn sống trên đời...

Xoảng! Chạm dây xích. Giao Long Nữ ngó xuống chợt để ý chân tay ông đều bị xiềng chặt bằng những sợi lòi tói to bằng bắp chân. Chụp xiềng xông huyết khí ngũ hành nung Giao Long Nữ rút búa bên mình chém đứt phăng lòi tói, quăng một xó.

- Cha ơi! Mẹ con đâu?

- Mẹ con, Bạc công chúa chính Tây Kiều Nương Nương ở cung bên hồ kia! Mẹ con cũng mơi vào đây...

Nước mắt chan hòa, Giao Long Nữ ôm người tù ngục lạnh hỏi thăm vài câu đoạn giục:

- Cha mau theo con ra khỏi ngục ma này tìm Tây Sắc Ma Vương báo oán!

Nó hành hạ cha hai mươi năm nay, nó sẽ phải đền tội!

Nghe lời nàng, chợt "ông Trần" đẩy nhẹ nàng ra, nói lớn:

- Hơn hai mươi năm khổ nhục, được thấy con còn sống là ta mừng rồi! Giờ chưa phải lúc nhận cha, hãy kíp đi kiếm mẹ!

- Dạ! Cha mau theo con! Giao Long Nữ nắm tay "ông Tran" dìu ra ngoài. Hai người vọt ra. Ông Trần đi trước, lần tới đầu hành lang. Bỗng nghe náo động phía biệt cung, sơn cẩu tru hộc, trông vào, thấy một lũ quái khách khác hùng hổ xông vào đánh đàn sói, cầm đầu là Hấp Huyết Quỷ Nương, Bắc Tiếu Sát Tinh, bọn này đánh dạt đàn sói xẹt tới cửa cung làm lũ gái hầu chạy túa. Bỗng thấy Bạc Khao Lan nhảy ra, chặn địch, Giao Long Nữ băng mình vào hét:

- Mấy đứa khốn khiếp này! Sao dám vào làm loạn cung sâu! Chị Lan để chúng đấy! Kình khí quật ầm ầm, lũ Bắc Tiếu Hấp Huyết Quỷ Nương thất kinh bỏ chạy để lại mấy cái xác, chó sói táp liền.

Đang cơn sôi máu hận, Giao Long Nữ còn vọt tới trước thềm, đánh bồi thêm một nhát kình khí nữa, làm hai, ba tên trúng đòn cháy thui, cà kheo xương gãy mất đoạn, Quỷ Nương ngã bắn tung như trái cầu, lăn vào cửa hầm, suýt nát thây.

Bạc Khao Lan đứng trên thềm, gọi lớn, Giao Long Nữ mới dừng tay, xoay mình lại. Khao Lan reo lớn:

- Phải chị Giao Long Nữ đấy không? Trời! Em đang mong chị, không ngờ lại gặp đây. Ai kia? Người tù họ Trần cũng vừa chạy tới, Giao Long Nữ trỏ, nói nhanh:

- Cha em đây! Em vừa pha ngục sọ, cứu "người" ra!

Bạc Khao Lan cúi chào, hú truyền bầy sơn cẩu dạt ra, xoay mình hướng vào nhà, gọi lảnh:

- Phu nhân! Phu nhân! Chị gái vòng xanh đã tới! Lũ ma nhân quái khách bỏ chạy hết rồi! Phu nhân chớ ngại! Có tiếng thánh thót vẳng đưa ra, Khao Lan, Giao Long Nữ, người họ Trần cùng chạy vào cửa cánh.

Khao Lan vừa lao vào giữa phòng đã gặp mấy cô gái hầu xiêm y đen dáo dác chạy ra, tránh dạt sang bên. Có tiếng xà tích, nhạc vàng khua thoảng dừng vội sau bọn gái hầu. Giao Long Nữ đứng khựng giữa khung cửa, xế sau "người họ Trần" dừng ngay đầu bậc thềm trên. Ánh sáng lung linh. Ai nấy dòm vào đã thấy Tây Kiều Nương Nương đứng xế bên khung cửa thông buồng trong, mắt phượng mở to nhìn ra đầy vẻ sững sờ kêu:

-Gái vòng xanh... người bao vầng huyết khí? Trời! Cả "ông Trần" nữa!Sao... sao "ông" lại ra được đây? Không sợ Ma Vương chủ A Phòng nổi giận? Ma Vương mới về...

Giao Long Nữ tiến vào một bước, đứng sừng sững, cao lớn dị thường, sức nóng lạnh tiết ra hừng hực, làm bọn gái hầu lùi thêm. Người tù ngục sọ tiến vào, đứng ngay khung cửa, run giọng cảm động phi thường:

-Gái vòng xanh phá ngục cứu tôi ra! Gái năm xưa... bà đẻ rơi trong quánnước chiều mưa gió gần Hồ Ba Bể!

Giao Long Nữ run lời vang âm:

- Ma Vương Sắc Chúa Sài lang đã bị Võ Minh Thần đánh bại. Mấy cửa trận dữ, cung ma đã bị phá tan. Ma Vương đã đào tẩu về phía cung Mê, Minh Thần rượt theo! Nó hết thời rồi, xin bà nàng chớ sợ!

Dứt lời, Giao Long Nữ lại bước vào thêm, Tây Kiều bỗng rung động toàn thân, lắp bắp:

- Gái đẻ rơi chiều mưa gió. Còn sống thực sao? Nếu đúng gái đẻ rơi, ta còn nhớ dấu vết...

Lời vừa dứt, vầng huyết khí bao quanh người Giao Long Nữ đã thu biến, dưới ánh sáp, hiện ra một cô gái mặc quần áo đen, búi tóc, đỉnh đầu giắt cờ, búa, dao gươm, súng mười phần đẹp, oai phong, khuôn mặt tắm nét sầu thân thế, coi càng tuyệt sắc!

Ai nấy đứng im, Giao Long Nữ, Tây Kiều bốn mắt nhìn nhau lạ thay huyết mạch thâm tình, vừa thấy rõ mặt nhau, cả hai cùng dột lòng xúc động lạ thường như linh cảm ngay "có sợi dây thiêng liêng vô hình ràng buộc lấy nhau". Không sao cắt nghĩa nổi! Lặng đi mươi khắc Giao Long Nữ mới lắp bắp:

- Đúng "Bạc công chúa" mẹ ta rồi! Hơn hai mươi năm đằng đẵng chồng chất tang thương, vẫn còn nguyên vẻ buồn xưa.

Tây Kiều cũng lẩm bẩm:

- Thương Kiều! Giọt máu đẻ rơi xưa ta chỉ được bồng giây lát, nhưng... giữa ngực có một nốt ruồi đỏ bằng hạt vừng, một cái vòng điểm huyết, một sợi dây chuyền, nửa đồng tiền vàng, mảnh thổ cẩm làm tã!

Không nói Giao Long Nữ rón rén bước vào chỗ cửa thông, giơ cổ tay đeo vòng, kéo sợi chuyền đeo cổ, và mở banh ngực áo giật soạt ra một mảnh thổ cẩm quấn mình run giọng:

- Mảnh vải này làm tã lót thay quần ao, còn dính máu đẻ thường quấn người con...

Ánh sáp vật vờ soi khuôn ngực trắng như ngà giữa rãnh bồng đảo hiện rõ một mụn nốt ruồi nhỏ màu hồng bằng hạt vừng.

- Thương Kiều! Trời ơi! Đúng con gái tôi đẻ rơi trên vùng Hồ Ba Bể rồi! Con ơi! Con... hơn hai mươi năm nay, mẹ ngậm hờn, còn sống nổi đến giờ là còn mong có ngày gặp lại mặt con.

Như tên bắn, Giao Long Nữ nhào thốc vào vòng tay bà nàng Tây Kiều ôm chầm lấy người đàn bà bất hạnh khóc òa lên như đứa con nít.

- Mẹ... mẹ ơi! Từ này được biết cha mẹ bị Giao Long quái vật bắt đem đi không lúc nào con không nghĩ đến mẹ cha. Hai mươi năm trời đằng đẵng, mẹ cha khổ biết chừng nào dưới vuốt quái vật.

Hai người ôm chặt lấy nhau nước mat đầm đìa. Bà Tây Kiều vừa lay vừa nắn bóp khắp người Giao Long Nữ, hai mẹ con hôn nhau như mưa, hít từng hơi thở, uống từng giọt lệ tái ngộ. Bạc Khao Lan, người họ Trần cùng bọn thị tỳ đứng ngoài, ai nấy cảm động khóc rong.

Mấy gian phòng im lặng chỉ còn nghe tiếng nấc nghẹn, hai mẹ con Tây Kiều cứ ôm nhau mãi, mọi người cùng đứng yên kính trọng phút giây tái ngộ thiêng liêng nhất đời. Bạc công chúa xứ Thái đen nói qua màn lệ:

- Thương Kiều con ơi! Hơn hai mươi năm nay không ngày nào mẹ không ngồi nhớ con, tưởng tượng từng nét mặt con khi khôn lớn. Giờ gặp mặt con mới biết khác xa như khi mẹ tưởng tượng. Ôi! Lòng trời còn tựa, con mẹ trưởng thành, đã đep lại tài, mẹ chịu tủi nhục mấy chục năm, giờ được gặp con có thác cũng vui rồi!

Nhớ tới cảnh cha bị xiềng trong ngục lạnh hơn hai mươi năm, mẹ bị quái vật cưỡng hôn, Giao Long Nữ vùng bảo:

- Mẹ đừng buồn nữa! Con sẽ giết Giao Long báo thù cha mẹ! Nó đang lẩn trong cung A Phòng này!

Tự nhiên Tây Kiều ôm con kêu lên:

- Thôi thôi con ạ! Oán thù nên cởi không nên buộc! Đừng nghĩ đến quái vật nữa! Gặp con là mẹ mừng rồi! Thương Kiều! Con nghe lời mẹ nhé! Quên thù xưa đi!

Ngạc nhiên, Giao Long Nữ kêu lên:

- Kìa mẹ! Sao mẹ lại nói thế? Hơn hai mươi năm nay nó hành hạ mẹ cha, nhốt chồng trong ngục, bức hôn vợ, khiến con lìa cha mẹ bơ vơ, thù này có băm vằm nó ra cũng chưa bù lại các nỗi khổ nhục nó bắt mẹ và cha con chịu, quên thế nào được? Mà Thương Kiều phải tên con?

Tây Kiều gật đầu:

- Tên con đặt sau ngày đẻ rơi con tại Hồ Ba Bể! Con dốc lòng luyện tập, nuôi chí báo cừu, lòng hiếu đó quỷ thần chứng giám, nhưng... nhưng thế đủ rồi con, đừng nghĩ trả thù nữa! Mẹ không muốn con trả thù!

Quá kinh ngạc, Giao Long Nữ buông mẹ, vẫn nắm cổ tay bà, mở to mắt nhìn không chớp, kêu:

- Kìa mẹ! Hai mươi năm khổ nhục, mẹ không thù nó sao? Mẹ bị bức hôn, phải lấy quái vật. Cha bị nhốt trong ngục lạnh... căm thù không thấu tủy xương?

Buồn cực độ, Tây Kiều ứa lệ, thở dài:

- Con ơi tủi nhục này còn tủi nào hơn? Nhưng... nhưng mẹ biết thù ai bâygiờ, nếu không chỉ biết buồn cho số mạng? Con ơi chẳng qua số mạng? Con ơi chẳng qua số mạng chẳng ra gì!

Sửng sốt, Giao Long Nữ kêu lên:

- Kìa mẹ nói con không hiểu gì cả! Giao Long bắt mẹ, là kẻ đại thù còn sao nữa! Anh Võ Minh Thần, có cha mẹ bị Ma Vương Sắc hấp sát anh quyết giết Tây Sắc, con quyết giết Giao Long báo đại thù phụ thân! Chúng con khổ luyện phép càn khôn Bành Tổ, chỉ cốt báo thù!

Tây Kiều chợt biến sắc hỏi:

- Thần nào có cha mẹ bị Tây Sắc hấp sát? Giao Long Nữ đáp liền:

- Dạ Võ Minh Thần, xưa mẹ anh bà nàng Thái trắng bị Tây Sắc rượt tận biên thùy Trung Khánh phủ, rồi bị hấp sát tại gốc tùng bên suối. Lúc đó anh may được người cứu thoát, lớn lên, quyết tìm thù báo oán. Ba năm trước, anh đã xuống A Phòng cung, suýt bị chết, vừa rồi đã móc thủng vầng huyết khí Ma Vương, chém nó loài cổ! Ma Vương thường gọi "thằng mặt sắt" vì bao giờ lâm chiến anh cũng đội mũ trụ mặc giáp Chúa Thập Vạn Đại Sơn tặng! Có khi giờ này, anh đã mổ bụng Tây Sắc rồi!

Tây Kiều tái mặt hẳn, la lớn:

- Trời, thì ra "người máu" kia là con nít vòng xanh, con chị Cầm Phi Phụng! Trời! Oan nghiệt! Chồng giết vợ, con giết cha, một nhà oan nghiệt! Con ơi! Làm thế nào bây giờ!

Kinh ngạc, Giao Long Nữ ôm mẹ hỏi:

- Mẹ... sao mẹ xanh xám mặt mày thế? Có chuyện gì thế, mẹ? Tây Kiều rên rỉ:

- Con ơi! Vì Tây Sắc Ma Vương chính là Đèo Văn Lang, cha ruột con nít vòng xanh Võ Minh Thần!

Như bị sét đánh, cả Giao Long Nữ, Bạc Khao Lan đều giật bắn người la lên kinh dị:

- Trời! Ma Vương Chúa Sài lang là cha ruột anh Thần? Con mê hay tỉnh thế này. Con người cha sói là thế nào? Mà sao mẹ cũng có vòng xanh đeo cho con?

Tây Kiều khóc òa như con trẻ:

- Vì... vì hai cái vòng đều của Tây Sắc, kẻ đeo vòng đều là con ruột Ma Vương! Con cũng là con Ma Vương!

- Trời! Mẹ nói sao? Con... con là con Tây Sắc Ma Vương Hồng Cẩu Quẩy? Nước mắt dòng dòng, Tây Kiều gật đầu.

- Còn Giao Long Chúa... con thuồng luồng tinh xưng Thủy Thần hồ Ba Bể bắt mẹ cha chiều xưa trên hồ?

Trầm lời, Tây Kiều bảo:

- Giao Long Chúa, Tây Sắc Ma Vương chỉ là một! Giao Long chỉ là quáivật Tây Sắc đội lốt. Muốn cho thiên hạ tin có Giao Long Chúa, Ma Vương còn tạo ra một Giao Long Chúa khác để có lúc đối đầu với Ma Vương trước mặt chúng nhân!

Bạc Khao Lan bật kêu:

- Trời! Trách nào đòn huyết khí đánh ra giống hệt nhau! Kỳ lạ! Kỳ lạ!

Không tưởng tượng nổi! Giao Long Nữ lảo đảo, Khao Lan phải đỡ ngang lưng.

- Còn mẹ... mẹ đẻ ra con trước ngày bị bắt?

Ôm mặt nấc lên, bà Tây Kiều nghẹn ngào:

- Con ơi! Thảm cảnh này sao con biết được? Mà ai biết? Mẹ đã tưởng sống để dạ chết mang đi, cho con khỏi khổ, nhưng chẳng qua số mạng đã đành! Mẹ chính là vợ Ma Vương Tây Sắc, khi người còn là tù trưởng Đèo Văn Lang!

Giao Long Nữ cũng khóc.

- Là vợ sao mẹ lại bỏ đi đến nỗi ra cớ sự. Nấc lên bà công chúa Thái đen run giọng:

- Chuyện này thê thảm lắm con ơi! Mẹ lấy cha con đã được hơn hai mươi năm, cũng như bà Cầm Phi Phụng...

- Bà ta phải là mẹ của Võ Minh Thần?

- Bà là mẹ ruột con nít vòng xanh "mặt sắt" Võ Minh Thần! Tên thực nó là Đèo Văn Dũng, bà Cầm trốn trước rồi mẹ cũng phải trốn sau... chỉ vì... cha con lúc đó. Con! Mẹ đau lòng xót xa đừng bắt mẹ nhắc vội! Cứ nhắc đến cái chết của bà Cầm, mẹ không còn thiết sống nữa!

Bà gục vào mép cửa nức nở, Giao Long Nữ khổ sở kêu:

- Ma Vương là cha con, thế còn cha họ Trần đây, người đã bị Ma Vương hành hạ nhốt trong ngục lạnh để mẹ phải suốt đời tủi hờn mà sống?

Tây Kiều chưa kịp đáp "người tù ngục sọ" đã bước vào gần nói luôn, giọng khổ sở vô cùng:

- Kẻ già khốn khổ không phải cha cháu. Nay chuyện đã vỡ ra, kẻ già này cũng đành tỏ thật. Già này không phải chồng Bạc công chúa mẹ cháu đâu! Chỉ vì xót cảnh khổ bơ vơ của mẹ cháu lúc bụng mang dạ chửa, kẻ già này mới liều thân đem mẹ cháu đi trốn, phải nhận làm vợ chồng, che mắt thế gian, giữa lúc mẹ cháu bị lũ quái nhân rượt bắt cướp người cướp vòng quý!

Giao Long Nữ lẩm bẩm:

- Minh Thần là con Ma Vương, chàng là anh ruột cùng cha khác mẹ...? Trời! Cõi thế gian này chỉ có nghịch cảnh xót xa? Anh ruột! Anh ruột! Trời!

Mấy tiếng cuối, nàng kêu rú lên khủng khiếp. Chừng quá xúc động về mối tình oan trái, yêu phải đúng anh ruột, cô gái tái mặt, hộc ra một búng máu, ngã vật xuống bất thần làm Khao Lan không đỡ kịp!

Tây Kiều, Khao Lan, ông ho Trần, gái hầu thất kinh nhào tới ôm sốc Giao Long Nữ lay gọi. Tây Kiều khóc òa:

- Cô nương! Sao em nó lại thế này? Nó khổ vì biết là con Chúa sài lang?

Không kịp nghĩ, Bạc Khao Lan thương cô bạn gái, nước mắt ứa giòng, đáp như máy:

- Dạ có lẽ chị quá cảm xúc vì thấy hai đời liền đều gặp trái duyên, mẹ đã một đời khổ sở đến con, lại còn khổ hơn! Tội nghiệp, cũng cảnh mồ côi, mẹ cha bị nạn quái, gặp nhau nên tương ứng tương cầu, chị ấy đã yêu lầm phải anh Thần còn đâu!

Vừa nói tới đó, nàng nữ chúa Pi A Ya vùng kêu "trời" lấy tay che miệng vì bà Tây Kiều đã rú lên thê thảm, trợn mắt ngã vật xuống, chết ngất liền.

Mọi người thất sắc xúm cả vào lay gọi. Bạc Khao Lan phải cho uống linh đơn, dùng thủ thuật đả thông kinh mạch cho tiêu uất khí. Hai phút sau, người mới tỉnh. Nhưng hai mẹ con đều khóc như mưa.

Bạc Khao Lan sực nhớ ra, vùng kêu:

- Chuyện gấp lắm rồi! Chậm, Minh Thần có thể giết chết Ma Vương! Bạc Tây Kiều giật mình nắm tay Giao Long Nữ:

- Trời! Con ơi! Làm sao bây giờ? Để con giết cha, nạn ấy nó sao sống nổi trên đời?

Tạm nén buồn đau, Giao Long Nữ vòng kéo Tây Kiều:

- Mẹ dẫn chúng con đi ngay... không muộn mất! Đây có lối tắt?

- Có! Vào cả đây! Cả bọn chạy vào trong. Tây Kiều mở nắp hầm, soi sáp dẫn cả bọn lao xuống, sơn cẩu ùa theo như rươi! Đường hầm quanh co lên xuống, đang chạy nghe trốc đầu có nhiều tiếng động ầm am, biết trên kia đang có cuộc huyết chiến. Nhưng không có ai lưu ý. Thoáng đã tới cửa đàng kia. Giao Long Nữ đi trước trổ tầng nắp vọt lên. Mới hay đang đứng ngay góc Bảo Tàng Viện Hấp Sinh, còn đang ngơ ngác sịch thấy, Than Nữ xứ Phù Dung cùng Pạc Hoọc Đại Vương Thoong Mềnh bắn mình qua cửa đến, hai bên dừng vội.

Thần Nữ reo to:

- Ô! Hay quá! Đây rồi! Cả "ông Trần" nữa! Mọi người đang đợi, Chúa

Thập Vạn Đại Sơn bảo chúng tôi tới!

Khao Lan hỏi:

- Ai trong đó? Xảy chuyện gì chưa?

- Đền thờ bà Cầm Phi Phụng! Đủ cả! Xin vào! Nhưng phải nhảy qua lối này, để chó sói ngoài! Giao Long Nữ dắt Tây Kiều nhảy trước. Cả đám phóng thẳng vào đền, và khựng lại trước cảnh im lặng thẳm sâu, đầy lệ thảm!

Trên bệ cao, Võ Minh Thần gục mặt vào mép bàn thờ bà nàng Cầm Phi Phụng cạnh có Quản Kình, gói di hài đã tháo đặt trước bài vị. Bên cột tả đền, Ma Vương Sắc nấp bóng gục mặt rũ rượi như đã kiệt hết sinh lực, xế trong chút Đèo Nguyệt Kiều gục mặt vào vách đền.

Phía ngoài thềm bậc đá, vị Chúa Thập Vạn Đại Sơn đứng xoay lưng ra đối diện. Woong Lầu đứng ngoảnh mặt ra ngoài, tay bưng thau máu đào xế bên cột hữu. Đông Âm Bá Diện Khan Sao Linh đứng ngó sững mọi người, có lẽ lúc đó nàng ta mới chợt hiểu là cảnh xót xa bất đắc chí của mình không còn có nghĩa gì nữa trước cảnh nghịch tang thương oan khổ gớm ghê của gia đình Tây Sắc. Còn từ cửa đền trở vào, Dạ Xoa, Cẩu Quẩy, thiết nhân đứng dọc bên vách như phỗng!

Nghe động tất cả trông ra vẫn chưa rõ chuyện mẹ con Bạc công chúa, Minh Thần kêu lên:

- Kìa Giao Long Nữ hiền muội! Cả bà nàng Tây Kiều... Ồ! Lại cả ông Trần nữa! Phải song thân em đấy không? Con quái Giao Long Chúa đâu?

Giao Long Nữ vừa đi vừa chạy vào, nhảy lên bệ, sổ lại chỗ Ma Vương đứng như chực ôm chầm lấy, nhưng chợt lùi lại, kêu rú, sổ sang Minh Thần chực ôm, cũng rú, lùi lại ôm chầm lấy Tây Kiều vừa chạy theo lên.

Ma Vương vừa hé mắt dòm thấy mẹ con Tây Kiều, "người tù họ Trần", Ma Vương vùng rống lên thống thiết, ôm lấy mặt chực bỏ chạy. Nhưng Chúa Thập Vạn Đại Sơn đã giơ tay làm hiệu ngăn lại, ngoảnh sang phía Võ Minh Thần, cất tiếng chuông đồng dõng dạc bảo:

- Bạc công chúa Tây Kiều Nương đệ nhị phu nhân của Tù trưởng Đèo Văn Lang, cha em sao em không làm lễ ra mắt đi, Minh Thần Đèo Văn Dũng!

Võ giật mình giương mắt ngó sững, lại nhìn xuống chỗ "ông Trần" nhưng chàng cũng vội cúi đầu chào kính cẩn, Đại Sơn Vương lại tiếp:

- Đèo Nguyệt Kiều cũng do bà sinh ra, sau ngày trên Hồ Ba Bể về cung APhòng! Còn Đèo Thương Kiều đây, gái đẻ rơi trên mặt Hồ Ba Bể là chị cùng cha mẹ với Nguyệt Kiều, và là em cùng cha khác mẹ với hiền đệ đó!

Tay Đại Sơn Vương trỏ vào Giao Long Nữ, Võ Minh Thần kêu rú "trời" kinh dị, mắt trợn trừng rồi im bặt. Ai nấy cùng ngó sang bỗng thấy Thần từ từ đổ huỵch xuống như cây chuối bị bắn gốc ngầm!

Mấy người la lên, chực sổ tới nhưng Đông Âm đã lẹ tay ôm xốc được ngang bụng, gọi lảnh:

- Minh Thần! Tỉnh lại... chàng!

Võ thở phào, mở mắt ngó quanh, đứng sổ người dậy, run giọng kêu bi thảm cực kỳ:

- Nguyệt Kiều là em, Thương Kiều cũng là em! Ta còn gì trên cõi thế gian đầy oan trái tang thương này!

Mọi người im lặng nhìn nhau, Võ vùng hỏi:

- Còn Giao Long Chúa xưng Thủy Thần Hồ Ba Bể từng huyết chiến với Ma

Vương?

Chúa Thập Vạn Đại Sơn trầm lời:

- Giao Long Chúa, Sài Lang Chúa chỉ là một. Ma Vương đã ngụy tạo ra một thủy quái chúa dưới nước, thành hai quái vật, hai vụ án tuy hai nơi nhưng... hỡi ôi! Xưa nay "họa vô đơn chí", thảm kịch đè thảm kịch, cứ thế chồng chất theo năm tháng, nguyên do cũng vì hai chiếc vòng xanh điểm huyết! Hai chiếc vòng quý, một mưu vọng lớn lao! Chao ôi! Xưa nay con người thông minh vượt bực, thà không có chí lớn còn hơn có chí lớn mà nung chí sai lầm. "Chỉ tính nên công, bất cần nhân đức" đã gây nên thảm họa cho người, còn tự buộc dây oan nghiệt vào mình không hay!

Giao Long Nữ vẫn ôm bà Tây Kiều khóc nức nở. Võ Minh Thần quay nhìn xuống chỗ "người tù ngục sọ" lẩm bẩm:

- Còn "ông Trần"? Chúa Thập Vạn cao giọng:

- "Ông Trần" chỉ là người ngoại cuộc, kẻ đã yêu Bạc công chúa từ khi còn là "cô nàng Thái Đen" và đã phải âm thầm cam sống với mối tình tuyệt vọng, khi vị tù trưởng Thái Đen gả công chúa cho tù trưởng Đèo Văn Lang vì đã có lời hứa gả từ ngày còn trong bụng mẹ! Nhưng khi Bạc công chúa kinh hồn chạy trốn, bơ vơ bụng mang da chửa, "ông Trần" đã hy sinh cứu nạn, đem ẩn dưới hang ngầm Hồ Ba Bể, phải giả nhận vợ chồng để che mắt thiên hạ và vì thế, "ông Trần" đã chịu tù đày hành hạ khổ sở suốt hơn hai mươi năm trường trong ngục lạnh chỉ vì tam tình cao thượng đối với người xưa!

Bàng hoàng, đau khổ, chàng tuổi trẻ vùng kêu thê thảm:

- Một nhà oan khổ, còn gì nữa đâu! Bao nhiêu năm nuôi chí báo cừu, kẻhấp sát mẹ lại là cha ruột! Bao năm tháng tim đau hé mở, người yêu lại toàn em ruột đồng huyết thống! Cõi thế gian này đầy nghịch cảnh trớ trêu, kẻ khốn khổ này còn sống sao nổi với số mạng quá khắt khe nghiệt ngã thế này?

Ai nấy đều lộ vẻ lo lắng nhìn mấy người họ Đèo, Thần Nữ, Đông Âm, hai nàng họ Khan và Bạc Khao Lan tự nhiên ngó nhau, cúi đầu kín đáo thở dài. Bà Tây Kiều nhẹ vuốt lưng Giao Long Nữ, miệng hỏi nhỏ nàng, mắt ngó cả về phía Nguyệt Kiều:

- Các con lầm... gặp nhau đã có gì vượt xa chưa? Nấp sau cột, chừng Ma Vương cũng hiểu bà Tây Kiều nói gì. Ma Vương hé mắt lộ vẻ sợ hãi lạ thường, cả Nguyệt Kiều đứng trong cũng hiểu ý, cô gái và

Giao Long Nữ cùng đỏ mặt lắc đầu mấy cái!

Vị Chúa Thập Vạn tinh ý cũng biết liền vùng cao giọng bảo:

- Xưa nay chuyện lầm lỡ là thường! Ta biết các em là người thanh cao không có gì trầm trọng! Nay tình thương mến đó đổi ra tình huynh muội càng tốt chứ sao?

Giọng nói của Đại Sơn Vương nghe đanh như thép và ấm như gió xuân làm gian đền vắng cũng đỡ đi nhiều lạnh lẽo tang thương. Đông Âm Bá Diện buột miệng kêu thánh thót:

- Lạ thật! Sau vụ Hồ Ba Bể, Chúa Sài lang tứ túc sao sinh được con người? Gái này thật vẫn chưa hiểu hiện nay ông già họ Đèo là người hay chó sói? Trong lốt Chúa Sài lang kia còn có gì không?

Đại Sơn Vương cao giọng:

- Chính thế! Chuyện bí ẩn thảm thê này, chắc nhiều người muốn biết! Nay không thể nào giữ kín mãi, nhưng để người trong cuộc phải thốt ra, khổ biết chừng nào! Bọn mỗ đây đã may mắn khám phá ra từng khúc phim dĩ vãng này để mỗ chấp nối, quay lại cho mọi người được rõ, để ai nấy được rõ! Thoong, Woong à!

Gian đền thờ vụt chìm trong một thứ ánh sáng mơ hồ, huyền hoặc như mơ giữa cảnh đó chỉ thấy lờ mờ nhân ảnh, có mấy cặp mắt sáng lên. Tiếng Chúa núi Vân Nam vang lên âm âm như mãi từ quá khứ xa xưa "ám" về.

- Lâu lắm rồi! Hình như hồi đó nhà nước Đông Dương mới đặt xong nền móng bảo hộ xứ này... Bốn phương coi như đã bình định, nhưng ánh lửa sĩ phu vẫn còn cháy mãi, những cuộc nổi dậy chống Pháp chưa dứt hẳn, lâu lâu, vẫn có vài tiếng súng nổ!

Trên miệt thượng nguồn Hà Giang có một vị tù trưởng lớn uy quyền trùm nửa xứ Thái Lai Châu.

Tù trưởng tiểu vương Đèo Văn Phục là người tài hoa, thông văn võ, thuộc sắc tộc Thái trắng nhưng không lúc nào quên mình vẫn là người của dân tộc Việt Nam, tâm hồn vẫn hướng theo sự thịnh suy bỉ thái của dân Nam. Vì đã từ nhiều đời, các tù trưởng Thái trắng vẫn được các triều đại Việt phong quyền tự trị, tình giao hảo rất đậm đà, sâu sắc. Nên các tù trưởng thường cho con cái về Kinh du học. Đến đời Đèo Văn Phục cũng thế, Văn Phục từ nhỏ đã hấp thụ văn hóa Thái Kinh, theo Nho học, chơi với bạn người Kinh nhiều.

Khi người Pháp chiếm xong đất Nam, có đến chiêu dụ các tù trưởng sơn cước và vẫn tôn trọng quyền tự trị như trước. Đèo Văn Phục nối chức cha làm tù trưởng, tuy bề ngoài quy phục nhà nước bảo hộ, bên trong vẫn giúp đỡ các nhà ái quốc Việt Nam. Nhưng lúc đó vận nước suy vi, nhân tâm ly tán, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp chỉ như ánh sáng đèn dầu cạn, bùng lên rồi lại tắt ngấm.

Chiều kia, bộ hạ Đèo Văn Phục đang cùng đám thê thiếp quân hầu bơi thuyền độc mộc trên sông Hắc, bỗng nghe súng nổ đì đùng nẻo hạ nguồn xa xa phía Đông ngạn.

Ngạc nhiên, Đèo Văn Phục bơi thuyền chầm chậm nghe ngóng. Chỉ mươi phút đã bặt tiếng súng.

Đèo thấy trời đã xế chiều bèn cho thuyền quay về. Bỗng nghe tiếng gọi ơi ới, ai nấy nhìn lên Đông ngạn thấy một bóng cỡi ngựa bạch sốc một người bị thương chi đó, đang vẫy gọi vẻ khẩn cấp hết sức.

Nhớ lại tiếng súng hồi nãy, Đèo Văn Phục vội truyền cho thuyền độc mộc vào bờ Đông.

Đến gần mới hay đó là một thiếu phụ Kinh, sốc một người trạc ba mươi, cả hai đều mặc quần áo Chàm, súng đeo gươm dắt tua tủa. Người đàn ông bị thương nặng, thiếu phụ bị nhẹ, vừa thở hộc xin nhờ thuyền, và cho biết vừa thoát cuộc săn đuổi của quân Pháp.

Khi nói, nàng có vẻ e dè thấy có quân hầu đeo súng dưới thuyền nhưng thế nguy phải liều. Đèo Văn Phục bèn sai ghé thuyền đón cả người ngựa lên, bảo thiếu phụ:

- Tôi là tù trưởng miền này vốn rất trọng các nhà ái quốc, xin bà chớ ngại! Nàng an lòng, vực người bị thương xuống thuyền, cho biết chính chồng nàng. Đèo Văn Phục dòm kỹ bỗng kêu lên, vì lúc đó mới nhận ra người bị đạn chính là bạn học trước dưới xuôi. Thuyền mải miết ngược dòng sông Hắc, xẩm tối về đến dinh, tù trưởng Đèo Văn Phục sai vực bạn lên, gọi thầy thuốc tới chữa ngay. Thiếu phụ có vẻ thạo chuyện chiến trường tên đạn hết sức, nàng tự tay gắp đạn ra, cho thầy thuốc Thái trị thương. Máu chảy nhiều, người bị đạn lịm đi quá nửa đêm mới tỉnh, nhận ra bạn nghe vợ kể, ông ta cảm động nắm lấy tay Đèo Văn Phục. Người này là Thành Việt, họ Hoàng vợ là Nguyệt Tú, theo Lê viên tướng chỉ huy quân khởi nghĩa phục quốc, bị quân Pháp đánh tan, nghĩa quân tan tác, hai vợ chồng cùng ít tàn quân chạy lên Tây Bắc, bị Pháp săn đuổi, gặp giữa rừng, quân tan tứ tán. Thành Việt bị đạn may vợ cứu sốc ngựa chạy được.

Nhưng vì vết thương quá nặng, gần sáng Hoàng Thành Việt nắm tay Đèo Văn Phục, ứa lệ bảo:

- Vận nước suy, biết đã gặp hồi bí nhưng chẳng lẽ ngồi im an hưởng, đệ phải liều thân vì nước. Nay sức đã kiệt bơ vơ khách địa, vợ lại bụng mang dạ chửa, đệ chỉ còn chút hơi tàn này, xin ký thê thác tử, nhờ huynh bao dung nếu được đệ có thể yên lòng nhắm mắt!

Đèo Văn Phục nắm tay bạn ứa nước mắt bảo:

- Huynh đừng bận tâm lo điều đó! Vợ huynh là chị đệ, con huynh là cháu đệ, đệ xin hết lòng săn sóc, huynh cứ yên lòng tĩnh dưỡng, chớ nói chuyện tử biệt làm chi!

Việt cười cảm động nắm tay vợ sa nước mắt, nói chưa hết lời đã nhắm mắt, hồn lìa khỏi xác. Lê Thị Nguyệt Tu vật mình than khóc thê thảm. Đèo Văn Phục hết lòng lo ma chay cho bạn, an ủi vợ bạn, truyền người nhà giữ kín đừng tiết lộ ra ngoài. Ma chay xong Nguyệt Tú an lòng ở lại tư dinh Đèo Văn Phục đợi ngày sanh nở.

Nguyệt Tú vừa đẹp vừa quả cảm, Đèo Văn Phục một lòng kính trọng xem như chị không chút tà tâm, còn Nguyệt Tú thấy Văn Phục tử tế, ăn ở có đạo cũng một lòng kính trọng nhờ đó khuây nhẹ lòng sâu nước mất nhà tan.

Mấy tháng sau Nguyệt Tú đẻ được một đứa con trai mặt mũi khôi ngô sáng sủa hết sức. Nhưng nàng thuộc mẫu người đàn bà có lý tưởng đã yêu nước yêu chồng đến chết không nguôi, nước, chồng đã mất không lấy gì thay nổi! Đẻ con xong đặt tên la Hoàng Thành Hắc Giang để ghi thời lưu lạc, Lê Thị Nguyệt Tú cứ ôm con lại nhớ đến chồng đến nước, nước mắt chảy dòng dòng. Một hôm Nguyệt Tú lại cho bồng đứa nhỏ Hoàng Thành Hắc Giang lên Văn Phục lạy ba lạy ứa lệ xin ký thác con thơ! Đèo Văn Phục giật mình vái lại nhận làm con nhưng hết lời khuyên nhủ cho nàng đừng tuyệt vọng. Nhưng ngay đêm đó, thừa lúc vắng người, nàng đã uống thuốc độc quyên sinh.

Đèo Văn Phục cùng cả nhà ai nấy đều thương cảm. Chôn cất xong, Đèo Văn Phục cảm lòng vợ chồng bạn, lại thấy Hoàng Hắc Giang mang hai dòng máu anh hùng trong mình, Văn Phục bèn làm lễ nhận Giang làm con, đặt tên là Đèo Văn Lang để ghi gốc chính.

Lớn lên Đèo Văn Lang thông minh tuấn tú hơn người, học đâu biết đấy, văn võ tinh thông chữ nghĩa thơ văn đã hay, cỡi ngựa bắn súng, bơi lội không ai bằng.

Mãi năm Đèo Văn Lang hai mươi tuổi, Văn Phục đã ngũ tuần mà vẫn không có con trai. Lúc đó Văn Lang đang theo thầy học võ nghệ dị thuật tại núi cao động thẳm. Một ngày kia Văn Phục cho tìm Văn Lang về, làm tiệc lễ, lập Lang lên làm đích tử kế vị ngôi tù trưởng Thái thượng nguồn Hắc Giang. Đèo Văn Lang có trí thông minh kỳ lạ, ai cũng phải phục, các tay danh xứ Kinh, Thái, Tây, Tàu đương thời gặp Văn Lang ai cũng phải lắc đầu, sợ cho óc thông minh của chàng!

Ít tháng sau, tù trưởng Thái thượng nguồn Hắc Giang Đèo Văn Phục mang trọng bệnh. Biết không qua khỏi, một đêm Đèo Văn Phục cho gọi Đèo Văn Lang đến bên giường, cầm tay trối trăng mọi việc và lúc đó mới nói rõ nguồn gốc Kinh tộc của chàng trai.

- Sở dĩ cha cố giấu con, vì sợ con phải buồn rầu ngay lúc còn thơ dại. Nay con lớn khôn cha mới nói! Cha chỉ mong con sau này con hãy nhớ lời cha trối!

Mãi lúc đó Văn Lang mới sực hiểu tại sao phụ thân cứ bắt mình xuống Kinh học từ nhỏ. Lòng cảm động, Văn Lang sụp lạy thưa:

- Cha nhận con làm con đẻ, lại cho làm đích tử, mà không muốn con quên nguồn gốc, lòng bao dung đại lượng đó thật cao hơn núi, con dẫu lấy thân cũng không báo nổi ân sâu tái tạo, cha dạy gì con chẳng dám quên!

- Con đủ trí thông minh để chăn dắt bộ tộc Thái này! Cha chỉ mong sau này con có làm gì cũng nhớ đến dân tộc Thái, Kinh, nhất nhất phải thận trọng. Được như thế cha an lòng nhắm mắt.

Văn Lang sụp nhận lời trối. Chàng hiểu dưỡng phụ muốn chàng đừng quên gốc Kinh, hãy giúp Kinh, nhưng đừng vì thế làm làm tan xứ Thái.

Đêm đó, Đèo Văn Phục qua đời. Tang lễ xong, Đèo Văn Lang lên nối chức cha. Chàng làm theo đúng lời cha trối, ở với dân Thái rất có da bao dung, vẫn kín đáo giúp dân Kinh, người người quý trọng.

Ngày kia, Đèo Văn Lang cùng một bọn quân gia thuộc hạ thân tín mở cuộc du hành, săn bắn, kinh lý lãnh địa. Mải vui, săn đuổi một con tê giác nguồn Nậm Na. Rừng Tây Bắc vốn hiếm tê, chừng con này mới bên Vân Nam sang, nên Văn Lang mê lắm. Chiều kia, vừa hạ được con tê, bỗng trời nổi mưa to gió lớn, ngay khi bọn Đèo đứng bên sông rừng.

Bỗng giữa cơn mưa, thấy bên kia sông có nhiều bóng người Thái nam nữ chạy dọc bờ giơ tay múa chân như kêu cứu. Ngạc nhiên, bọn Đèo nhìn về nẻo thượng lưu, thấy ba con thuyền độc mộc thon dài đang lao vùn vụt trên dòng lũ, trên mỗi thuyền có một bóng gái Thái đang khua chèo, chống với lũ xiết giữa những mỏm đá thác nhấp nhô.

Có từng thấy giòng lũ mưa rừng chảy trên sông rừng có đá, mới biết mạng mấy cô gái kia đang treo sợi tóc.

Đèo Văn Lang vừa kêu: "Chà! Mấy cô kia nguy rồi" thì một con thuyền độc mộc đâm rầm vào mỏm đá bắn tung bóng gái chèo, chìm nghỉm. Giòng lũ vẫn cuốn hai thuyền kia đi như tên. Hai cô gái gò lưng chống chọi với tử thần, Đèo Văn Lang cởi vội áo ngoài phóng mình xuống nước. Lang vốn khét tiếng bơi lội như thuồng luồng, rái cá, thường nhảy xuống Hắc Giang bắt thủy quái như chơi nên chàng vượt chếch giòng đón thuyền, vừa quài tay đỡ cô gái vừa giật lấy chèo thì con thuyền lao vào chân thác. Lang điều khiển vượt thác trôi xuống hạ lưu, quàng luôn giây ghì lấy một mỏm đá bên luồng xiết. Thoắt thuyền kia đã lao tới quăng dây móc ngoạm luôn mũi thuyền ghì lại. Nước xô thuyền lao thốc đi, Lang ghìm chặt, cư thế hai tay hai thừng kéo miết. Lũ chảy mạnh tưởng kéo xả đôi người ra như ngựa xé, nhưng Lang sức khỏe phi thường loáng đã lôi hai thuyền như một cho cô gái kia lên.

- Hai cô ngồi xuống thuyền đỗ lại!

Độc mộc lao như tên xô vào đá chìm nghỉm. Độc mộc Văn Lang lướt như tên bắn kề sát tử thần nhưng chỉ mấy phút Lang đã lựa luồng ghé thuyền gần bờ, quăng móc ngoạm gốc cây kéo thuyền vào cho hai cô gái lên Đông ngạn. Trời vẫn mưa to gió lớn xóa cả sông rừng. Chậm phút nữa mưa mù quá cũng không tài nào cứu nổi! Mãi lúc đó, Văn Lang mới kịp nhìn kỹ nạn nhân xiêm y dán mình mẩy lộ rõ các đường cong, nét uốn tuyệt vời, đó là hai cô Thái cả hai đều đẹp nhưng cô thuyền trước đẹp như tiên đến nỗi Đèo Văn Lang phải ngẩn ngơ trong lòng.

Còn hai nàng thấy ân nhân cứu mạng là một chàng trai tuấn nhã hào hùng, cả hai vừa mừng vừa thẹn, cố nhơn xiêm y lôi ra cho khỏi dán vào cơ thể.

Đoàn người ngựa tùy tòng của nàng đổ tới gái hầu dâng áo choàng, hai nàng cám ơn Văn Lang rối rít, kiếm chỗ tránh mưa.

Hỏi ra mới hay cô nàng là con gái quý của tù trưởng Cầm Văn Dung vùng Nam Na. Tên nàng là Cầm Phi Phụng. Cô gái ngộ nạn là bạn nàng miệt Lai Châu lên chơi, Phi Phụng tổ chức cuộc du ngoạn thượng nguồn Nam Na, tới đây nhân thấy sông rừng đẹp, bèn mở cuộc thi bơi độc mộc, chẳng may thình lình gặp mưa rừng, lũ xiết, lâm nạn giữa dòng.

Đèo Văn Lang từ lâu đã nghe danh hoa khôi miệt Lai Châu, nay tình cờ gặp mới hay lời đồn còn kém người thực. Cầm Phi Phụng đẹp tuyệt trần, như kết tụ tinh hoa núi đèo Tây Bắc.

Mắt phượng, mày liễu, môi cong, mũi thon, ngực nở phây nếp áo, bụng thắt lưng ong, mông phình, da mịn như mỡ đọng mùa đông, nhuận thịt thơm da tiết ra mùi thơm kỳ ảo, làm cho gỗ đá cũng đảo điên, giọng như suối đàn, oanh hót, tính lại đoan trang, thông minh hết sức. Cầm Phi Phụng như một đóa lan vương giả nở bên suối mùa xuân. Đèo Văn Lang gặp, bị luôn tiếng sét ái tình, còn Phi Phụng gặp chàng trai tuấn kiệt cũng bị tiếng sét luôn.

Hỏi ra mới hay chàng là tù trưởng thượng nguồn Hắc Giang, người mà nàng cũng từng nghe danh từ lâu. Phi Phụng bồi hồi cảm ơn cứu mạng ngỏ lời mời Đèo Văn Lang về miệt ngã ba Nam Na Hắc Giang chơi. Sau cơn mưa, Văn Lang từ biệt, sang Tây ngạn.

Hôm sau, Đèo Văn Lang cùng đoàn tùy tòng xuôi về hạ lưu Nam Na, tìm đến chơi dinh tù trưởng Cầm Văn Dung. Cả nhà họ Cầm đã sửa soạn đón khách. Vợ chồng tù trưởng Cầm Văn Dung cùng con trai Cầm Văn Đạt và con gái Cầm Phi Phụng ra cổng rước Văn Lang vào, đãi làm ân nhân thượng khách. Sau dịp đó, duyên trời đưa lại, trai tài gái sắc nên giai ngẫu, ít tháng sau, cả miền thượng Hắc Giang Nam Na hoa nở chim ca mừng cuộc hôn nhân Đèo, Cầm.

Đệ nhất phu nhân lãnh địa không những được chồng yêu mến vô cùng lại được cả bộ tộc Thái quý trọng vì Phi Phụng đã đẹp lại hiền, ở với mọi người rất có lòng.

Năm sau Đèo Văn Lang sang miệt Phong Thổ tình cờ qua đất Thái đen bỗng gặp một đám sơn tặc đang rượt bắt mấy co gái Thái đen giữa rừng. Chúng gần bắt được thì Đèo Văn Lang cùng bọn thuộc hạ xông tới cứu kịp đánh tan lũ sơn tặc. Mấy nàng cảm ơn cứu mạng, mời Văn Lang về nhà, lúc đó mới hay đó là nàng công chúa Thái đen cùng gai hầu đi chơi không may bị cướp rình bắt.

Nàng chính là Bạc Tây Kiều, con gái quý của tù trưởng Thái đen, tù trưởng lưu Đèo lại tư dinh khoản đãi tình rất đậm đà. Đêm đó, Đèo lưu lại dinh tù trưởng. Nào ngờ quá nửa đêm, sơn tặc kéo đến tấn công như vũ bão quyết bắt kỳ được Bạc Tây Kiều.

Thế giặc mạnh hết sức, hơn ba trăm tay súng cung nỏ thiện chiến tấn công bất thần như vũ bão. Trong dinh đêm đó chỉ có non trăm tay chiến, một số dùng súng kíp và cung nỏ, chỉ vài mươi phút chúng đã vọt tới tường rào bằng gỗ lim phiến xẻ đôi, lửa đốt sáng rực, tướng giặc hét như sấm:

- Tù trưởng Thái đen! Không chịu gả Tây Kiều ta sẽ thiêu rụi dinh này! Tù trưởng Bạc Tây Thường truyền nổ súng trả lời. Tướng giặc nổi giận hạ lệnh vừa đánh vừa quăng lửa vào đốt dinh ùa vào. Lúc đó Đèo Văn Lang say rượu cùng ngót hai mươi thuộc hạ đang ngủ vùi sực tỉnh chạy ra, Đèo trổ tài thần xạ đánh bọn giặc, lại dùng gươm đao giết tan quân giặc, đâm chết tên tướng. Giặc tan, cả nhà tù trưởng cảm ơn sâu, làm đại tiệc đãi, mãi khi đó lân la kể chuyện tỉ mỉ xưng rõ danh tù trưởng Thái đen mới nhớ ra Đèo Văn Phục vốn chỗ quen xưa, hơn hai mươi năm trước, có lần vui chén, hai ông đã hứa thông gia với nhau, nếu Đèo sinh trai sẽ lấy con gái Bạc, nếu Đèo sinh con gái sẽ gả cho trai Bạc. Nhưng Bạc Tây Thường lại chỉ đẻ được mỗi người con gái Tây Kiều, còn Đèo cũng chỉ sinh con gái. Sau Văn Phục nhận Văn Lang làm con, mãi nhiều việc cũng quên đi. Một phần ông nghĩ: Lang không phải con đẻ, lời hứa xưa cũng chẳng nên bắt Bạc giữ lời vì cả hai chỉ hứa nếu "sinh ra". Nay nhận chính con bạn xưa, Bạc tù trưởng bèn nhắc lại lời hứa cũ quyết gả con gái cho chàng. Đèo Văn Lang thú thật đã có vợ. Trên sơn cước, các bộ tộc đều theo tục lệ đa thê, coi chuyện lắm vợ nhiều con đều là biểu hiện của giàu sang quyền quý, có tù trưởng lấy một trăm cô vợ là thường. Nên Bạc Tây Thường vui lòng gả Tây Kiều làm đệ nhị phu nhân.

Đèo Văn Lang xin khất, về hỏi ý vợ, làm Bạc Tây Thường phải ngạc nhiên, cười ngất, cho là chuyện lạ đời.

Về tới thượng nguồn Hắc Giang, Đèo Văn Lang đem chuyện hứa hôn ra nói cho vợ hay, và để nàng định đoạt. Cầm Phi Phụng từ nhỏ đã quen sống trong gia đình quý tộc theo tục đa thê, nàng lại rất yêu chồng, nhưng không nghĩ buộc chồng chỉ biết có mình, mà lại nghĩ cưới vợ đẹp cho chồng mới là phép yêu thương của Bà Nàng là chúa sơn cước. Nên Phi Phụng tán đồng cuộc hôn nhân ngay và đứng lo mọi việc cưới đệ nhị phu nhân về cho chồng. Cưới xong, Phi Phụng thấy Bạc Tây Kiều vừa đẹp vừa hiền, bèn kết làm chị em, cùng thờ chồng, tình rất thiết tha! Đèo Văn Lang, yêu hai vợ vô cùng. Một công chúa Thái trắng, một công chúa Thái đen, cả hai đều đẹp như tiên, sống trên mảnh tiểu giang sơn thượng nguồn Hắc Giang với đủ quân gia tỳ thiếp, vàng bạc, lâm sản quyền uy chúa tể, Đèo Văn Lang tưởng mình còn sung sướng hơn hoàng đế Nam Triều nhiều.

Nhưng trí thông minh tuyệt vời của Đèo Văn Lang không cho chàng yên sống với hạnh phúc quyền uy đó. Một chiều kia bơi thuyền trên sông Hắc, Văn Lang thấy một cái xác chết trôi thối rữa nặng mùi, lại hôm khác thấy một ông già hom hem bị chết nhọc nhằn khổ sở sau mấy chục năm khỏe mạnh tuấn tú. Lại hôm kia cùng vợ đi viếng phần mộ cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, Đèo Văn Lang vụt nghĩ tới kiếp người mong manh sinh ra trưởng thành rồi thác, hai tay buông xuôi trong vòng chớp mắt.

Lang chạnh niềm tưởng đến mình, đến vợ, hình dung mấy cái huyệt sâu chực sẵn cuối đường hình hài tan rữa, nhan sắc tiêu vong trước sức tàn phá ghê gớm của thời gian.

Từ đó, Đèo Văn Lang bị ám ảnh ghê gớm. Soi gương, nhìn vợ, nhìn hoa cỏ, Lang đều nghĩ đến cuộc tử biệt, tàn tạ đang chờ sẵn.

- Có cách nào tồn tại với thời gian? Chống sức hủy diệt của thời gian? Ít nhất cũng như loài khoáng sản?

Càng ngày, Đèo bị xoắn vào ý nghĩ "vô cùng thực tế mà xa vời không tưởng" đó. Chàng càng dốc tâm học bí thuật rừng sâu, càng giỏi càng hy vọng khám phá ra nẻo trường sinh.

Rồi ngày định mạng tới với chàng, huy hoàng như đóa hoa hồng nhung đầy gai góc.

Bữa đó, vào mùa hạ, Đèo Văn Lang tổ chức một cuộc săn dải thuồng luồng cho vợ xem. Săn bắt thủy quái là một nghệ thuật tuyệt vời của dân nguồn thượng Hắc giang. Đánh bả câu bằng heo con không kể, dân miền này có nghề "tay không bắt dải" rất tài, bằng cách lừa cưỡi lên lưng con dải.

Đèo Văn Lang bắt dải không ai bằng. Bữa đó, trước đám đông, Tù trưởng ngậm dao nhảy xuống sông Hắc, lặn vào tận hang sâu bắt một con dải rất to, chỉ hai mươi phút đã tóm được. Thịt dải là món ăn quý. Đèo truyền làm dải cho vợ thưởng thức. Nhưng khi mổ bụng dải, lại thấy một cặp vòng xanh điểm huyết to gấp rưỡi vòng thường, ánh sáng chói lòa như dạ quang.

Ai cũng cho là lạ. Đèo Văn Lang cho là điềm tốt, sai làm hộp vàng để ngay trong hộc tủ phòng riêng. Đêm kia, Văn Lang sực tỉnh phát giác trên mái có khách dạ hành vút qua. Lang lẻn dậy, núp rình thấy hai bóng mặc áo quần đen lẻn vào phòng khách, xông "mê hồn hương" vao buồng tù trưởng.

Văn Lang rất giỏi ngoại khoa, vận khí, vờ im đợi, thấy hai bóng lạ cậy cửa vào buồng mở tủ, bàn kiếm đôi vòng. Lang nhảy ra, hạ được một tên, còn tên kia chạy thoát.

Đem tra hỏi, tên này cắn lưỡi chết, trong mình không giấy tờ. Mấy ngày sau, gần ngày giỗ Đèo Văn Phục, bỗng có một thầy địa lý Tàu xưng tận Tứ Xuyên sang, đi xem đất quý. Đèo đãi rất hậu, nhờ phúc cho ngôi mộ cha. Hai đêm sau, thầy Tàu xông khói me lẻn vào buồng lấy trộm vòng điểm huyết. Đèo đề phòng, nên lại bắt được. Thấy lão không phải hạng đê tiện, Văn Lang rất lạ bèn dùng lời tử tế gặng hỏi hứa tha. Cảm ơn ấy lão thầy Tàu thở dài, bảo:

- Số tôi vô duyên! Quý vật tìm quý nhân, mưu tôi đã hỏng lẽ ra chết cũng chẳng hé răng nhưng thấy ngài tử tế, không đành giấu: Từ vạn cổ, vốn có lời đồn trên đời có một cặp "vòng càn khôn" vô giá ai bắt được có thể đoạt quyền tạo hóa. Nay nghe đồn ngài bắt được tôi tìm tới. Thiên hạ khá nhiều kẻ biết, ngài khá lưu tâm.

Hỏi kỹ, lão cũng chẳng biết "chìa khóa" ở đâu? Đèo Văn Lang tha lão thầy Tàu. Cuối năm đó, một đêm, Lang ngồi sưởi với vơ, đem vòng ra xem, chẳng may Cầm Phi Phụng sẩy tay đánh rớt một cái vòng vào bếp lửa cháy rực. Giật mình, Đèo dùng que sắt cời than tìm, mãi mới thấy, nhưng khi lôi ra, soi dòm, sực thấy đường nét lạ kỳ hiện trong ruột vong.

Nâng thử chiếc kia cũng vậy! Đèo Văn Lang có óc thông minh phi thường từ đó soi chép ra giấy, đêm đêm ngồi nghiên cứu như dò mật mã.

Rồi một đêm gần sáng, chàng nhập diệu, vụt đọc được hiểu được những đường nét kỳ quái kia. Mới hay là lối chữ tượng hình thời tiền hồng thủy pha lẫn lối tượng hình của loài người thời hỗn mang chu kỳ thứ hai, ghi lại thuật trường sinh. Hấp tinh đạo thần khí của Bành Tổ Lĩnh Nam.

Sau phút nhập diệu khám phá ra được chữ tượng hình kỳ dị, viên tù trưởng Thái trắng Đèo Văn Lang dần dần đọc được hết các chữ trong ruột vòng. Thì ra đây là cặp "vòng càn khôn" vô giá ghi lại phép hấp tinh đạo thần khí, luyện thuật trường sinh, chống lại sức tàn pha của thời gian!

Mừng như chết đi sống lại, Đèo Văn Lang ghi tất cả ra các miếng da thuộc, từ đó ngày đêm đem ra nghiền ngẫm say mê, cho là Thượng đế đã ban ân đặc biệt cho mình! Tiếp đó xẩy ra liền mấy vụ cao thủ từ phương xa tới tấn công, hành thích đoạt vòng càn khôn, nhưng Đèo Văn Lang đã đề phòng, chúng không làm gì nổi. Tuy vậy chàng cũng biết rằng từ đây chàng đang giữ một "bảo vật chết người" và chàng hiểu từ đây chàng có hai con đường: Một là chết nhục nhã, hai là tiến đến tài nghệ tuyệt luân, dấn bước trên đường luyện học.

Nhưng bộ vòng càn khôn có ba cái, chàng thiếu một lại chưa được trí thông minh như Đông Tửu, nên chỉ lãnh hội được tinh thần dị thuật "hấp tinh đạo thần" theo nghĩa hấp tử tới hấp sinh của luật tạo hóa hóa sinh hóa diệt.

Đèo Văn Lang lại là kẻ có lòng, trù trừ chưa dám định bề nào. Ngày kia chàng có việc một mình một ngựa vượt biên thùy, ngược sông Hắc sang Vân Nam vào độ đông kha. Đến vùng Ma Lo, một đêm trăng có tuyết rơi nhiều, chàng bị một đàn sơn cẩu loại hồng cẩu quẩy dữ nhất rừng già tấn công, Đèo Văn Lang rút gươm, nhảy xuống đất chém sói, bảo vệ cho cả ngựa. Nào dè "quỷ mắt đỏ" tới đông như rươi, chồm vồ người ngựa.

Đang nguy sắp phải bỏ ngựa vọt lên cây bỗng nghe tiếng chó sói tru lê thê đầu cốc, bầy sơn cẩu bỏ ngựa chạy về phía có tiếng tru.

Lạ lùng, Đèo lần theo dấu sói in trên tuyết tới cốc bèn thấy một bóng dị nhân chống gậy mặc áo da sói đang giỡn với đàn sơn cẩu sói hơn một trăm con. Đèo giấu ngựa lần tới ra mắt, gặp Đèo, vị nhân sói kia yêu ngay, ông ta trạc hơn năm chục, đời dã thú lang thang, biết "nói tiếng sói" và chính là một pháp sư rừng cao tay, ông ta truyền dị thuật cho Đèo Văn Lang.

Từ biệt nhau, Đèo trở về lãnh địa. Đêm kia cũng một đêm trăng lạnh, được tin sơn cẩu về miền, Đèo Văn Lang ra rừng, thu phục. Bỗng gặp một bầy quái nữ tới vồ sơn cẩu, cắt tia máu chân sau uống ừng ực.

Thấy Đèo, bầy nữ quái ùa bao vây chực bắt, nhưng Đèo cao bản lãnh, sau trận tử chiến, hạ được bọn này cả thẩy bẩy nàng, nàng nào mặt cũng đẹp như yêu ma.

Tra hỏi mấy ả cho hay: chuyên bắt đàn ông và sơn cẩu hấp huyết, máu người máu sói làm tăng tinh lực. Đèo Văn Lang thu phục đàn sói xong, định giết "thất quái nữ" nhưng bỗng nhớ đến thuật hấp tinh đạo thần bèn nghĩ thầm:

- Bọn này là ma nữ, để làm gì? Giết cũng uổng, sao ta không đem thí nghiệm thuật của Bành Tổ? Bèn đem bảy quái nữ vào hang đá, làm một cuộc thí nghiệm đầu tiên.

Không dè mới đến ả thứ ba, đã tiêu gân thịt, biến thành cái túi da tanh khắm kinh người! Đèo trói bốn ả kia lại, sai sói canh, đợi đêm sau hấp thử. Cứ thế, hết bẩy ả, Đèo đã thông cách "hấp tinh đạo thần", vụt thấy trong mình khỏe lạ thường, như vừa uống tiên đơn.

Đèo Văn Lang mê liền. Lòng yêu vợ càng nồng nàn, Đèo càng tưởng chuyện trường sinh.

Một hôm xem sách, đọc hai câu "ngã vi thiên hạ kế, khởi tích tiểu dân tai" Đèo tưởng đến cái chết của cha mẹ ruột, đến cảnh quốc vong, lời trối của dưỡng phụ, lòng xốn xang hết sức. Đèo bị ám ảnh khá lâu, cho đến hôm bỗng gặp một bầy hồng cẩu quẩy, mấy con đầu đàn to như người.

Trong khi thu phục, chẳng may có hai con quá hung tợn, bất thần nhảy chồm lên cắn cổ, Đèo phải hạ độc thủ, nhìn xác sơn cẩu to lớn nằm sõng xoài, Đèo tưởng đến thuật hấp trường sinh, vụt nẩy ý lạ:

- Tại sao ta không làm chúa sài lang đầu đàn hồng cẩu quẩy để tiến hành việc luyện thuật! Ta sẽ kiếm quái nữ ma đầu làm "chất liệu".

Đèo bí mật lột da cẩu quẩy đầu đàn đem thuộc kỹ lưỡng, bộ phận nào chật, lại ghép thêm thành một bộ lông sơn cẩu rất đẹp, chui vào, cử động như thường.

Tư đó Đèo Văn Lang sống hai cuộc đời, một đời tù trưởng Thái và một chúa sài lang tứ túc hồng cẩu quẩy! Chàng kiếm ma nữ hấp, nhưng hỡi ôi định mệnh đã đành khi đặt chân vào con đường ghê gớm đầy máu lệ! Càng ngày Đeo Văn Lang càng mắc bệnh "khát máu, khát hấp tinh đạo thần khí" thỉnh thoảng lại lên cơn thình lình không khác kẻ bị yểm ngải độc nuôi bằng máu để hóa Ma Lai.

Mỗi khắc lên cơn, Đèo lại mang lốt chúa sài lang bắt đàn bà "hấp". Và khi tới cơn, đầu óc choáng váng, da thịt bứt rứt không sao chịu nổi tuy đầu óc vẫn tỉnh.

Rồi một đêm, sau khi hấp liền hai cô gái, ngồi luyện thuật trong rừng, xong, chàng trút bỏ lốt sói ra, nhưng... không trút noi! Vì khi mang lốt này, chàng đã mặc bộ quần áo mỏng bó sát người, hôm đó, ngồi luyện thành hỏa khí nóng ghê người, sức nóng làm cháy cả làn áo, làm cháy cả lần da thuộc, hai thứ da người da thú đồng hóa dính vào nhau còn quá keo sơn!

Kinh hoàng cực đo, Đèo Văn Lang đã dùng hết cách. Không sao cởi ra nổi! Thì ra trong khi mang lốt hồng cẩu quẩy, chàng mải mê hấp luyện thuật kỳ, quên khuấy là: dầu da thịt súc vật, da thịt người cái gốc vẫn không ngoài ngũ hành biến the. Tinh thần, khí chàng hấp được của phái nữ kia chính là tinh túy của ngũ hành, chuyển ra ngoài da, nó làm dẻo nhuyễn, kết hợp luôn hai khối ngũ hành lại, có lẽ phải lóc tận xương mới bóc ra được!

Nhưng cũng còn một chút may mắn là nó chỉ dinh chặt mình, đầu mặt chưa dính. Lồng lộn, đau đớn suốt đêm lốt sơn cẩu vẫn dán cứng. Đèo Văn Lang đành nuốt hận quay về dinh, bí mật sai làm một bộ giáp!

Mặc ra ngoài lốt sói, làm thêm một cái mat nạ mũ trụ sắt nữa chụp kín phòng khi hấp luyện khỏi dính nốt. Khi về dinh, mặc quần áo ra ngoài, tháo cái đầu cẩu quẩy ra, không ai đoán nổi!

Cả Cầm Phi Phụng, Bạc Tây Kiều cũng chưa hay. Ngay lúc ân ái với vợ, Đèo cũng vẫn mang giáp, lấy cớ hiện có lắm kẻ thù rình hành thích.

Nhưng cơn bệnh khát tinh lực huyết khí nữ nhân càng lúc càng nặng, có lần đang nằm với vợ, Đèo Văn Lang bỗng nổi cơn khát suýt hại cả vợ quý nếu không kịp thời vọt ngựa đi vội!

Phi Phụng, Tây Kiều ngờ, hết sức gạn hỏi, Văn Lang chỉ kiếm lời gạt đi. Nhưng trước còn một tuần trăng hấp một lần, sau hai, lâu dần cơn điên khát hấp lên hàng đêm theo thói quen thường vào nửa đêm giờ Tý, giờ loài tứ quỷ, chim báng, chim lợn thường cất tiếng kêu quái gở gọi hồn
Tác giả : Hoàng Ly
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại