Lửa Hận Rừng Xanh
Chương 11: Cung a phòng dưới đáy hắc giang

Lửa Hận Rừng Xanh

Chương 11: Cung a phòng dưới đáy hắc giang

Tây Bắc biên thùy!

Độ Xuân, cữ tháng giêng, hai tuần hạ. Xứ Thái Sơn La, Lai Châu đang vào hội mùa Xuân.

Rượu cần chảy như suối, "khèn" lan dìu dặt, âm thanh nguyên thủy uốn khắp rừng ngoài rừng trong, những hình dáng các cô nàng Thái đen, Thái trắng đang chờn vờn lả lướt theo nhịp "xòe" chùm "xòe" cặp tiếng ca chuốc rượu của cô sơn nữ bốc lên cao vút như tiếng linh hồn đồi núi chơi vơi... Tây Bắc thần tiên mơ mộng, hội tung còn rách giấy hồng điều, trai gái bói nhân duyên.

Dòng Hắc Giang uốn khúc giữa núi đồi trập trùng, hai bên bờ hoa "bướm" nở trắng xóa rừng xuân, con sông vẫn khét tiếng "nghịch" nhất biên thùy, về mùa này, nước chảy lững lờ thao thiết cũng dịu "tính rừng" trong tiết Xuân thiêng.

Một buổi chiều...

Mây quang lảng vảng, trời đẹp, không gian trong như ngọc lưu ly.

Con sông Hắc trôi dưới nắng, khúc thượng nguồn Tây Bắc cực Lai Châu, hai bên bờ đồi núi trùng trùng hoang dã, vẫn không mất vẻ thần tiên.

Vào khoảng bốn giơ chiều, bỗng có một con thuyền độc mộc từ đâu nhô ra, lướt về thượng nguồn.

Trên thuyền có hai người Thổ, Thái chi đó, một trung niên, một già đăm chiêu lạnh lùng như không biết đến cảnh sông xuân tươi đẹp. Cả hai ngoi câm nín, thỉnh thoảng lại nhìn lên các ngọn núi hai bên bờ những hình quái vật hồng hoang đứng soi mặt dưới đáy nước sâu thăm thẳm, trên con thuyền độc mộc, có đặt một cỗ quan tài mộc, một đôi chó con đen con trắng đứng ngay đầu quan tài, tất cả im lìm. Mới trông, ai cũng tưởng con thuyền đưa xác đi chôn.

Hình như thuyền từ mạn Lai Châu trấn lên vừa bữa nay đang lần ngược dòng trườn lên thượng nguồn, đã qua mạn Mường Tè từ lâu, giờ ngược sâu vào vùng hoang vắng có nhiều khúc "dữ" có tiếng.

Trời chiều chợt sa sầm, mây đùn lớp lớp, khí đá bốc mù, mặt trời bỗng trương phình lên đỏ gay như mặt người thắt cổ, gục xuống rặng núi tây.

Chợt từ nẻo thượng lưu, có một chàng Mán hối hả xuôi xuống, lướt sát mạn thuyền độc mộc, lão chài trạc lục tuần trợn mắt, nói vang vang:

- Quay lại mau! Khúc trên mới có bầy thuồng luồng dữ lắm! Chớ đi nữa. Ông già trên thuyền độc mộc cao giọng:

- Cám ơn! Nghe đồn khúc trên nó có ma thiêng dữ lắm, phải không? Lão chài hạ giọng, vẻ sợ hãi:

- Hình như vậy! Nhưng mãi trên ngã ba! Thuyền đắm nhiều lắm! Khúc đó có nhiều vụng xoáy, lâu nay không ai dám đi qua. Hai bác tới đó... nguy! Hai bác đi lên đó làm gì?

- Kiếm chỗ tang thủy! Vũng sâu mới tốt! Chiếc chài xuôi đi, thuyền độc mộc cứ ngược. Cảnh chiều sông ảm đạm, huyền bí, hình như hai người Thổ kia có vẻ hài lòng... Chừng hai mươi phút, chợt lại gặp một chiếc chài nữa, trên chài có một chàng Kinh gầy gò xanh xao, người này cũng khuyên chớ ngược nữa... áp mạn, thấy cỗ quan, người này có vẻ ái ngại, hỏi vài câu, đưa tay vuốt nhè nhẹ trên mặt ván thiên. Người Thổ trung niên vạm vỡ đang ngồi khua chèo, bất thần xòe tay chặt xuống một nhát nghe "rắc" một tiếng, cổ tay người chài Kinh gãy liền! Y vừa lảo đảo gục, đã bị người Thổ túm lấy mạch môn, phát giọng khô khan:

- Tự nhiên mi gây sự, định vuốt nát xác người trong quan, phải mi là thủ hạ của Ma Vương? Cung động nó đâu? Gã kia nhổ toẹt bãi nước bọt, nghiến răng két, mặt xám xịt, mềm nhũn, cạy miệng ra xem thì ra y đã nuốt cả chiếc răng nanh giả chứa đầy thuốc độc.

Người Thổ trung niên chép miệng, ném cái xác sang chài, bồi một nhát. Thuyền độc mộc lướt đi, chiếc chài chìm nghỉm. Người Thổ lẩm bẩm:

- Đúng rồi! Đã vào vùng sào huyệt tinh. Ông già gật đầu, mặt vẫn lạnh như xác chết.

Lúc sau, tới một khúc rừng hoang vắng lạ, con thuyền dạt vào bụi lau kín, người Thổ lao vụt xuống nước mất dạng. Hơn giờ sau mới thay trồi lên, lắc đầu. Ông già buông gọn:

- Đợi khuya! Giờ tìm chỗ thật kín!

Rồi dạ thần trùm áo đen xuống vùng sông Hắc.

Con thuyền chở quan tài lại hiện trên dòng, lướt trên sông lạnh sương mờ, không khác một bóng oan hồn đi tìm xương cốt cũ.

Hai người lạ mặt này không ai khác thầy trò Võ Minh Thần, chở quan tài "quỷ xó" đi tìm miền cung động Ma Vương. Ngày nọ, sau khi rời vùng sông Gầm nhánh, bọn Võ rời vùng Tĩnh Túc xuống miệt chợ Rạ, rồi chia tay hai ngả. Giao Long Nữ dẫn beo đen, chở xác "xó Ma Kinh" xuyên sơn sang mạn hồ Ba Bể, còn bọn Minh Thần dẫn Hắc Bạch Cẩu, Ma Khách xuyên rừng, sang miệt Tây Bắc Lai Châu.

Và trải nhiều đêm ngày vất vả, hai thầy trò ngược dòng sông Đà qua xứ Thái, vượt nhiều khu hiểm hóc, chiều nay dò theo tăm cá, hai người hóa trang lần mãi lên miệt thượng nguồn sông Hắc, lòng mừng biết đã tới "miền lanh địa Ma Vương Sắc", nhưng sông rừng bí ẩn trùng trùng, chưa biết đích cung động Sói tinh ở đâu.

Chỉ biết động ở tận dưới đáy sông Hắc, thượng nguồn, thế giới riêng Ma Vương Sắc có cả một "Cung A Phòng" đầy đàn mỹ nữ, toàn hoa khôi các bộ tộc thượng du, một nơi huyền bí như trong truyền thuyết, chưa kẻ nào tới nổi. Vì "Cung A Phòng" này có mấy "hàng rào thần chết", kẻ nào bén mảng tới là bị thần chết đến thăm luôn "không bao giờ báo trước".

Có điều lạ là thần chết thường hay viếng khách lạ, bất luận quan binh, du khách, giới giang hồ tứ chiếng, khách buôn... còn thổ dân vẫn sống yên ổn. Sông Hắc, chính là thượng nhánh sông Đà với nhiều nhánh bắt nguồn bên Vân Nam và bên Việt, từ miệt Mường Lẹo Tẩu chảy qua vùng biên địa xuống mạn Mường Tè xuống xuôi nữa, vốn là con sông "dữ", ghềnh thác hang vụng nhiều, có lắm thủy quái hung tợn như giao long, dải, táp cả người đi thuyền lôi xuống đáy nước ăn thịt, trên bờ lại không thiếu mãnh thú, cướp rừng, thổ phỉ biên thùy... nên xưa nay vùng thượng nguồn Hắc Giang vẫn là "vùng nước nghịch" hạng nhất biên thùy. Từ dạo khách qua miệt sông biên này thường mất tích bí mật, trong dân gian có tin đồn ngầm về "một cung động bí mật của một con tinh chúa phi phàm", thì miền đất giang biên Tây Bắc xứ Thái này càng trở nên "lãnh địa của tử thần", khách phương xa co việc tới vùng Mường Tè không dám ngược lên miệt "đất chết" này nữa".

Nhưng hai thầy trò Võ Minh Thần đã đi khắp mấy dòng phụ lưu sông Hắc, và tối nay, hai người đang lầm lũi đi sâu vào lãnh thổ tử thần như hai bóng oan hồn "dò theo bóng chim tăm cá" đi tìm cung động Ma Vương.

Sông rừng quạnh vắng, núi dựng trăm hình thù quái dị xuống dòng Hắc Giang, nhưng đợi đến lúc trăng hạ tuần lên, vẫn chẳng thấy gì lạ cả. Sông núi rừng già như ngậm kín bí mật trùng trùng không chịu nhả ra một dấu vết nhỏ.

Võ Minh Thần khẽ bảo Quản Kình:

- Lạ thật! Theo quẻ độn Lục Nhâm và các điều dò hỏi được, nhất định sào huyệt Tây Sắc tinh phải nằm về nẻo thượng nguồn, khúc trên Mường Tè, dòng chính, không phải phụ lưu. Ta đã đi qua Mường Tè, sắp tới ngã ba rồi, sao vẫn chưa thấy gì? Ít nhất phải vào vùng ngoại cứ của "nó" chứ? Tên chài chiều qua chính quân giữ mặt ngoài.

Quản Kình nhìn sông trắng im vắng thì thầm:

- Nghe đồn cung động Ma Vương dưới đáy nước hang sâu vụng thẳm. Nhưng "nó" có cả quân người. Vậy quân người chắc ở trên mặt đất, đóng vòng ngoài cung động và có le đóng khá xa, có thể ở trong hang núi hoặc ở nhà hầm đào vào đồi đất, nên bề ngoài vẫn không thấy gì cả. Tôi ngờ ta chưa vào cứ địa nó. Ta đã cố tìm con tinh tại sao không ra mặt nhử chúng, bắt một tên hỏi đường?

- Ra mặt sợ "động ổ" chúng. Vả tụi quân người, chắc gì đã biết cung động ở đâu. Con tinh dùng thủ hạ, chỉ cho biết từng chuyện một.

- Cậu hai nói đúng! Nhưng ít nhất cũng kiếm được chút đầu mối, còn hơn cứ mò mẫm trong bóng tối như mấy ngày nay. Để mình tôi ra mặt đủ rồi.

Minh Thần ngẫm nghĩ giây phút, đành để Quản Kình đi thám sát. Hai người khiêng quan tài Ma Khách đặt vào hốc núi cho Quản Kình lấy thuyền chèo ngược lên nẻo thượng lưu.

Đem trăng nhạt, con thuyền độc mộc trôi giữa dòng sông Hắc, lát sau đã tới ngã ba phụ lưu. Quản Kình vừa chèo vừa hát nho nhỏ mấy câu đồng dao. Bốn bề vắng lặng, trăng khuyết lồng bóng nước nhấp nhô gợn sóng.

Đang vơ van nhìn mặt sông rừng huyền bí, bất thần để ý thấy có một ngọn sóng khác thường từ phía bờ Đông chạy ra.

- À có con cá lớn? Hay người đang bơi dưới nước? Cá cắn câu chăng? Kình ngồi bên mạn, khua nhẹ tay chèo, gợn sóng chạy quanh rồi chợt mất. Bất thần, con thuyền độc mộc nghiêng hẳn lại, rồi dưới nước có một vật loằng ngoằng bắn vọt lên, túm nghiến cổ Kình kéo xuống nước, coi không khác chân vuốt thuồng luồng, vòi tuộc vậy. Quản Kình lộn cổ xuống sông. Và chỉ hai phút sau đã thấy y vọt nhô lên, nách cắp một người trần trùng trục chỉ đóng có mỗi cái khố.

Hắn bị điểm huyệt, mở mắt trừng trừng nhìn Quản Kình. Giải huyệt, Quản Kình lạnh lùng hỏi:

- Cung động Tây Sắc đâu? Nếu mi nói ta thề sẽ tha mạng. Tên này cười dữ tợn, nói tiếng Mán:

- Mày có cánh cũng không bay được vào cung Chúa Sài Lang. Trành sẽ bắt mày.

Quản Kình cười gằn, vừa toan vuốt huyệt, bắt nó khai, đã thấy nó trợn ngược hai mắt, sùi bọt mép, "đi" luôn. Xem lại tên này cũng có một cái răng giả nhét đầy độc dược.

Tặc lưỡi, Quản Kình buộc một hòn đá lớn, thả "tõm" xuống giữa ngã ba, đoạn quay thuyền về bảo Minh Thần:

- Chỉ một tên độn thủy định lật thuyền, bắt người lạ, nhưng nó cũng nuốt độc chết liền. Bắt ánh mắt nó, hình như sào huyệt con tinh mãi phía biên thùy, có "trành" canh gác.

Minh Thần ngẫm nghĩ, bảo:

- Tất nhiên cung động nó cực kỳ bí mật, có "trành xó" canh và nhiều thứ nguy hiểm nữa. Vùng này chắc xa sào huyệt chính, có đi cũng chỉ hạ được mấy tên canh gác rải rác dọc sông, bất lợi lắm. Mai ta rà trên bộ ngược tận biên thùy.

Hai người bàn bạc giây lát, đoạn cho thuyền về nẻo hạ lưu. Sớm mai, trời vừa hửng sáng, đã thấy con thuyền độc mộc chở quan tài lướt ngược dòng Hắc Giang, trên thuyền có mỗi Quản Kình ngồi chèo trong lốt người Thổ trung niên. Còn Võ Minh Thần cưỡi ngựa đi trên bờ trong lốt một ông già có mấy chòm râu muối tiêu. Lát sau qua khỏi ngã ba sông, Quản Kình cũng vờ khiêng thuyền lên, giấu vào hốc núi, dựng quan tài xó, để các món nặng lại, đoạn cưỡi ngựa, đem theo Hắc Bạch Cẩu, vai đeo cung tên, tiến về nẻo biên thùy. Thượng nguồn Hắc Giang khúc này từ vùng núi Vân Nam đổ sang chảy chếch từ Tây sang Đông, tới ngã ba mới chảy xuôi vát Đông Nam xuống Mường Tè Lai Châu vốn miền sơn kỳ thủy tú, càng lên gần biên giới ba nước cảnh trí càng hùng vĩ hoang sơ. Nhưng hai thầy trò Võ Minh Thần vẫn đinh ninh đây là lãnh thổ ngầm của Ma Vương Sắc, nên nhìn đâu cũng thấy phảng phất vẻ quái gở lạ thường. Hai người men theo bờ sông đi được một quãng, chợt gặp một lối mòn chạy từ trong núi ra. Lối đi cỏ bị dẫm khô héo, chứng tỏ vẫn có người qua lại, Minh Thần bảo:

- Theo bản đồ, đây chắc lối đi lên biên thùy, tới miệt bản Cao Lan. Cao Lan cách xa Hắc Giang, ta không nên đi hướng đó. Nhưng chỗ này núi chắn, ta cũng phải theo lối này một quãng rồi sẽ liệu.

Bèn bắt ngựa vào đường mòn. Đi hơn dặm, quả nhiên gặp một con đường từ mạn Tây Bắc chạy tới, hai người rẽ luôn sang.

Vó câu lóc cóc xuyên qua nhiều cánh rừng sơn lâm trùng điệp, vào khoảng giữa trưa, vẫn chẳng thấy nhà cửa bản dân nào.

Vừa tới gần một con suối khá rộng, chợt từ đâu có một con trĩ lớn bay qua. Quản Kình bắn luôn một phát, một con trĩ xòe cánh rớt ngay xuống bờ suối. Hai người cùng tiến đến định nhặt con trĩ, nhân tiện cho ngựa uống nước, bỗng hai con chó chạy xồ lên, sủa rộ, tiếp liền mấy tiếng "cà uôm" vang động, trông sang thấy hai con mãnh hổ đứng sừng sững giữa bụi lau bên kia bờ, cách khoảng ba mươi bộ xế. Xoạt! Quản Kình rút phắt ngọn lau thép cài bên sườn ngựa, định phóng. Võ Minh Thần vùng hô "Khoan! Để bắt sống". Kình dừng vội.

Hai con hổ này toàn hùm xám, còn to hơn hai con bên sông Gầm trong rặng Phi Mã. Chúng lừ lừ dòm người, vật, mắt tia đỏ coi rất dữ, đầu hơi lắc lư. Minh Thần nhảy xuống ngựa, cùng Quản Kình tiến lại, hú lên một tràng âm dị. Chẳng hiểu sao hai con hùm xám kia vùng rống lên, xoay mình nhảy chồm qua khóm lau dày, bỏ chạy.

- À lạ dữ chưa! Sau chúng nghe hiệu âm lại phá chạy? Đuổi bắt! Hai con cọp này khôn lắm.

Hai người vội lên ngựa, phóng qua suối rượt theo. Hắc Bạch Cẩu vọt trước. Hai con cọp cứ cong đuôi chạy, bị kẹp hai đầu, chúng cứ theo đường mòn xuyên thung lũng lao như gió.

Qua một rặng núi, bỗng cảnh hoang sơn đột biến, trước mặt vụt mở ra một cảnh lâm tuyền cẩm tú, hoa "bướm" nở trắng xóa như hoa mai, rụng đầy đường mòn, mặt cỏ. Hai con cọp bỗng trốn biến đâu mất.

Bọn Minh Thần dừng ngựa bên một dòng suối rộng, đưa mắt nhìn quanh. Hai con ngựa thở phì, gặp suối mát, bước ngay lại cúi mõm định uống. Trong khi đó, Hắc Bạch Cẩu đã vọt qua, đang sục sạo phía trước.

Tình cờ, Võ Minh Thần cúi nhìn xuống dòng suối xuân, vừa lúc hai con ngựa ghé sát mõm sắp uống. Bóng người ngựa lung linh đáy nước, về mùa xuân, dòng suối lại đục lờ vì nước chảy qua rặng núi có nhiều chất vôi làm bóng nhân mã cũng mờ mờ. Chàng trai giật vội tay cương, la:

- Suối nước độc!

Quản Kình cũng kịp làm theo. Hai con ngựa thở phì phì, hếch mõm. Bất thình lình bên suối có tiếng chó kêu rống vút. Hai người giật mình trông sang, đã thấy Hắc Bạch Cẩu bị treo ngược bốn vó lên ngọn cây, đang giãy giụa.

- Chó mắc bẫy treo! Vùng này có người ở!

Quản Kình kêu lên. Trên sơn cước, thổ dân vẫn dùng cạm bẫy bắt thú, đào hầm phủ cỏ lá, hoặc vít các cành dẻo, nhất các loại tre, vẫn gài bẫy dưới phủ kín, thú rừng dẫm phải, lập tức bị dây trói nghiến bốn vó bật vụt lên, treo lơ lửng. Mãnh thú hung tơn mấy đạp nhằm bẫy gài cũng chịu phép. Và trên rừng, chuyện đánh bẫy bắt thú là thường.

Thấy hai con vật trung thành bị treo ngược, bọn Minh Thần bèn vọt qua suối, chạy tới cứu. Còn cách mươi sải, Minh Thần đưa mắt quan sát, thấy gần đấy có nhiều tre xần, cành xòa, chàng trai vội giơ tay làm hiệu, cả hai vung tay đánh thử mấy đường phản phong vào quanh chỗ hai con thú bị treo.

Bùng, bùng, rào, rào! Lập tức rải rác hàng chục cành bật lên, tung tóe cỏ, đất sát bên chân ngựa. Hai người giật cương, dạt sang phía hữu.

Bất ngờ "sụp sụp", mặt đất bỗng tụt ngay xuống thành hầm sâu, cả hai con ngựa sa theo nhanh như ảo mộng. Khi hai thầy trò Minh Thần kịp biết thì người ngựa đã rớt sâu hai, ba sải giữa khu cành lá um tùm.

Nhưng cả hai đều cao bản lãnh, đã kịp thời vọt thẳng lên, bám được cành trên cao. Dòm xuống, thấy hai con ngựa rớt sâu tít, lưng đầy đất, cỏ, lá. Rừng vẫn vắng lặng như không.

Đang định nhảy xuống cứu mấy con vật, bỗng nghe mấy phía xôn xao, rồi đến ba bốn chục tên mặc quần áo chàm xách súng ống, giáo mác, lưới rọ, câu liêm, móc sắt, đổ tới như bầy thú dữ.

Quản Kình, Minh Thần cùng bíu một cây, sang cành khác, thấy quân lạ kéo tới, Kình làm "chú quyết", Minh Thần xua tay. Bọn kia reo hò thích chí, lũ vít cần xuống bát chó, lũ đem câu liêm, thòng lọng lại bắt người ngựa, đứng lố nhố dưới gốc cây. Mấy tên chợt kêu:

- Chỉ có hai con ngựa, không có người. Lại coi! Lại coi!

- Rõ thấy cả người ngựa rớt xuống mà! Hay nó vọt được? Chúng bu quanh hầm, cúi dòm, nhiều tên ngửa mặt dòm lên cây cối.

Không thấy bóng người, cả lũ ngơ ngác kêu "ma quỷ", chợt nghe tiếng quát xa xa:

- Cứ đem ngựa lên, khám đồ vật xem! Tìm chúng sau! Thầy trò Võ vẫn nấp trên cây. Nhưng hai người đã giở thuật "ẩn thân" dùng sương mù nhân tạo bao phủ nên chúng không thấy. Chỉ mấy phút sau, chúng đã lôi được ngựa lên. Thầy trò Minh Thần định dùng "Mê hồn công" đánh bọn áo chàm này, bỗng nghe tiếng quát rợn người:

- Hai tên phạm cấm địa, không ra mặt, trong mười giây sẽ bị đạn quét! Tản!

Tiếng hô dứt, tự nhiên bọn áo chàm vùng xa hết, để cả ngựa, chó lại. Minh Thần, Quản Kình đứng trên nghe tiếng quát không khỏi kinh tâm, khó nghĩ. Nhảy trên sẽ bị đạn quét, nhảy xuống lấy khiên, súng dài cũng có thể cự địch được, nhưng phải hi sinh mấy con vật. Thả độc vật cũng không kịp, hai người định xuất đầu nhử địch rồi bất thần hạ thủ. Thình lình tiếng quát rõ giọng đàn bà:

- Bọn ngươi làm gì ồn ào thế?

Có tiếng đáp đầy vẻ cung kính:

- Bẩm chúa nàng, có hai tên Thổ lạ vào vùng cấm lâm. Chúng nô bộc đã giật hầm bẫy được ngựa, chó, còn chúng trốn đi mất.

Tiếng đàn bà quát:

- Sao bọn ngươi dám chắc họ là gian tế? Có khi người ta lạc đường, lạc lối hoặc đi săn bắn là thường. Nếu không, dại gì cưỡi ngựa, dắt chó, đi giữa ban ngày cho bọn mi vây bắt? Hừ! Ta đã dặn, phải thận trọng kẻo giết oan người vô toi, bọn mi đã quên sao? Lui!

Có tiếng dạ ran, rồi bốn bề im phăng phắc. Nhưng hai người vẫn cứ ẩn trên cây. Bỗng nghe tiếng nhạc ngựa khua vang, rồi có tiếng gọi thánh thót:

- Hai người khách phương xa nấp đâu sao chưa ra lấy ngựa? Đúng tiếng suối, đàn cũng không trong hơn giọng nói, nghe thánh thót, êm ái hết sức, có mãnh lực quét sạch bầu không khí dữ tợn quanh khu rừng. Hai thầy trò Võ nghĩ mươi khắc, đoạn tặc lưỡi, giải tỏa sương mù nhan tạo, dòm xuống. Bọn áo chàm đã đi đâu hết. Xa xa có một bóng nhấp nhô phi tới, thấp lè tè sát đất, ẩn hiện sau cành lá. Thoắt bóng này đã tới chỗ hai con chó bị mắc bẫy vẫn bị túm bốn vó nằm trên cỏ, hiện ra một thiếu nữ mặc lối Thái đen cưỡi một con cọp mộng lông xám có cái bờm sù. Thiếu nữ dừng cọp, khuôn mặt lộ hẳn sau cành lá. Đó là một cô gái đẹp lạ thường, xiêm y toàn lãnh đen tuyền, nẹp cổ tay cổ áo chần kim tuyến, "phá" gấm thủy ba cũng bằng kim tuyến chấm gót, chân đi hài sảo, ngực phây căng nét nhũ, bụng nhỏ thắt đáy, mông bạnh, chân tay mình mẩy đều thon lẳn, coi bằng khổ người Giao Long Nữ nhưng khuôn mặt nàng này tuyệt đẹp, không xấu xí như nàng kia. Mắt phượng, mày liễu, mũi thon dọc dừa, môi cong, da dẻ trắng ngà. Cô gái trạc mười bảy, mười tám, coi rất thông minh, nhưng không có vẻ chi điêu ác, dáng đúng gái quý tộc miền núi.

Nàng vừa dừng cọp, đã thấy hai con chó bò dậy sủa. Cô gái ngước mắt trông lên cây. Võ Minh Thần, Quản Kình buông mình xuống ngồi trên lưng ngựa, chưa kịp nghiêng mình chào cô gái, nàng đã chào luôn thỏ thẻ:

- Hai quý khách miền nào tới? Bọn gia nhân đầy tớ mạo phạm, xin khách thể tình tha thứ cho.

Minh Thần, Quản Kình ngó chòng chọc, lòng đầy nghi vấn, chẳng hiểu nàng là hạng gái nào mà lại ở ngay cánh rừng bị coi là "lãnh địa ngầm" của Ma Vương Sắc. Tuy vậy, thấy nàng ăn nói dịu dàng lễ phép, Võ Minh Thần cũng vuốt râu, lịch sự bảo:

- Chúng tôi đi săn voi, tê giác, hổ báo, gấu ngựa. Chúng tôi từ Lai Châu, Mường Tè tới. Vừa đuổi hai con cọp xám, tự nhiên bị sa bẫy. Chẳng hay đây là đâu? Sao lại cấm người lạ vào?

Cô gái mỉm cười:

- Đây là đất của bộ tộc Thái đen. Nhưng hai ông khách không phải là ông lão có râu dài. Hai ông đeo mặt nạ da người.

Thầy trò Võ giật lòng sửng sốt, không ngờ hóa trang khéo hết sức, nàng ta vẫn biết. Chợt nàng lại tiếp:

- Nếu không có việc cần, hai ông đi săn sao phải hóa trang? Hóa trang thường bị ngờ định làm điều ám muội.

Võ Minh Thần biết đã đến lúc phải ra mặt, bèn đưa mắt cho Quản Kình, cả hai cùng thò tay bóc hẳn tấm mặt nạ da người, từ tốn:

- Chẳng dám giấu cô nương, bọn ngu mỗ cũng có chút việc, nên buộc lòng phải đeo mặt nạ, phòng quân gian ám hại bất ngờ. Bọn mỗ tính lên biên giới.

Cô gái nhìn chàng khách trẻ tuổi có bộ mặt khôi ngô lạnh lùng khó tả, chừng như nàng ta có cảm tình đặc biệt, dịu dàng bảo:

- Chuyện riêng, thiếp chẳng dám quan tâm. Nhưng nếu ông khách muốn nghỉ ngơi chốc lát, xin mời quá bộ thêm quãng ngắn nữa. Chốn này giáp ba biên giới, thổ phỉ, giặc cỏ, thú dữ nhiều nên chúng nô bộc phải canh phòng cẩn mật, xin ông khách cứ an lòng. Bộ toc thiếp rất vui sướng được tiếp rước khách phương xa. Hai ông không phải người Thổ?

Câu hạ bất thần của cô gái lạ làm thầy trò Minh Thần không khỏi chột dạ. Cô gái cười tiếp:

- Hai ông cũng không là thợ săn, vì thợ săn phải có súng khai hỏa, thợ săn thoát sao được hầm bẫy.

Minh Thần đành cười nhẹ:

- Cô nương tinh mắt lắm. Bọn mỗ không phải thợ săn thật. Nhưng cũng gọi là thợ săn được vì cung đi... săn giống vật, một thứ rất khó săn, hay chui tận hang sâu động thẳm.

Cô gái nhìn hai người, chừng như không lưu ý nhiều về câu nói đó, nàng cười tươi bảo:

- Vùng này rừng nhiều nghịch lắm, lâu nay ít người tới săn. Nhà tôi cũng gần đây, mời hai ông tới nghỉ chân.

Hai thầy trò Minh Thần thấy cô gái đẹp cùng với một toán quân rừng xuất hiện tại vùng lưu vực thượng nguồn Hắc Giang, nơi đồn có động Ma Vương, hai người hết sức ngơ vực, nhưng đã quyết xuất đầu tầm cừu, chưa thấy tăm hơi, ngay nghe nàng ta mời, bèn nhận lời ngay, không chút do dự.

Cô gái thấy khách lạ nhận lời có vẻ thích lắm, lập tức nghiêng mình vẫy tay, thánh thót:

- Nào, mời hai ông!

Đoạn giục cọp mộng, quay đầu, đi về hướng Tây Bắc. Hai thầy trò Võ Minh Thần cố ý đi sau giữ phép, nhưng được mấy bước, cô gái lạ bảo:

- Vùng này chúng tôi đặt nhiều cạm bẫy, hầm hố, có cả địa lôi phục nữa đó. Hai ông phải đi sát bên tôi mới được. À quên! Hai ông phải bảo mấy con vật đi bên, chớ chạy lung tung và chớ uống nước bậy bạ. Suối nước tại đây về phía hạ lưu đều có bỏ thuốc độc, uống vào cấm khẩu, chết liền, khó thuốc trị.

Nghe nàng bảo, hai thầy trò không khỏi kinh tâm, sực nhớ dòng suối vừa qua, lờ nước hến, không tinh ý chút, chắc nguy rồi. Bèn đưa mắt nhìn quang cảnh, lâm tuyền, nơi lưu vực sông Hắc dưới trời xuân coi hết sức kỳ tú thần tiên, tuyệt không có vẻ chi dữ dội. Lại lấy làm ngạc nhiên sao nàng ta chỉ vạch cho mình hết cạm bẫy yểm tàng. Bọn Võ vội giục ngựa lên, nhìn nàng như dò xét. Quản Kình hơi lui lại một chút, nói luôn:

- Thưa, tôi là kẻ theo hầu tiểu chủ.

Thản nhiên như không, nàng mỉm cười:

- Tôi biết từ lúc nãy. Minh Thần hỏi:

- Sao cô nương có nhã ý cho biết điều bí mật trong miền? Sao miền này nhiều cạm bẫy thế?

Vẫn tự nhiên, cô gái lạ mỉm cười:

- Hình như tôi đã nói với ông vùng Hắc Giang này "nghịch" lắm. Lãnh thổ tù trưởng phải là nơi khó xâm phạm. Còn những thứ cạm bẫy đó để phòng gian tế cừu nhân, đâu phải để hại khách lạc hướng như hai ông. Vả chăng với người như ông, các thứ đó cũng là đồ vô dụng.

Minh Thần không nói gì. Chàng nghĩ: Nàng này không phải gái thường, hoặc hiểm hơn rắn độc, hồ ly, hoặc hồn nhiên phóng khoáng, lòng như tờ giấy trắng.

Hai thầy trò theo nàng đi qua khỏi cánh rừng, vừa lên một trái đồi, bỗng thấy trước mặt mở ra một khu sơn đình tuyệt đẹp, nhà sàn nằm như bát úp, bóng người, ngựa, gia súc, gà vịt, chim câu rải rác đầy đàn, quang cảnh hết sức tấp nập, có lẽ từ khi xuống núi, chưa bao giờ Võ Minh Thần gặp một sơn thôn, sơn trại như thế. Ngay khu đồn điền của nghĩa phụ chàng để lại dưới Yên Bái cũng còn kém xa.

- Chà! Vùng sơn thôn tuyệt đẹp. Không ngờ tại miền lưu vực Hắc Giang gần biên thùy hẻo lánh mà lại có khu dân cư đông đúc lạ thường. Cô nương ở đây đúng cảnh "biên thùy một cõi".

Cô gái cười khanh khách, khoát tay trỏ quanh:

- Vậy mà tôi lại cứ tưởng chốn sơn đình này là một nhà tù lồng son giam hãm chim sơn ca. Tôi chỉ muốn phá hết đi, chia hết cho gia đinh, lính tráng rồi cưỡi hổ đi rong chơi khắp mấy miền sơn cước thủy, tìm thênh thang như giống chim người.

Minh Thần theo nàng đi qua thung lũng, vào khu sơn trại đầy hoa thơm cỏ lạ, chàng trai cười bảo:

- Cảnh đẹp thế này mà cô nương lại muốn bỏ đi, nhưng ai cấm cô nương? Cô gái cười:

- Thói quen bộ tộc! Tôi phải thay cha mẹ, nối chức tù trưởng. Bỏ đi, bộ tộc tan, không đành lòng.

Con đường đá đưa vào khu trại, quân rừng cúi chào kính cẩn, thảy đều gọi "chúa nàng", qua mấy xóm cư dân, bọn Võ thấy có cả đàn bà, trẻ con qua lai, ai nấy rạp đầu cung kính. Nàng cứ dẫn khách đi hết con thung lên một rặng đồi tươi đầy hoa nở, vào một vùng có tường gỗ lim phiến bao quanh, có cả hào lũy, đồn canh, coi đúng khu dinh tiểu vương sơn cước lại giữa "pháo đài rừng" không kém phần kiên cố.

Từ trên vọng lâu, chợt nổi lên một hồi cồng đồng khoan nhặt, tiếp theo một hồi tù và chìm nổi âm u. Từ trên lũy, hạ xuống một chiếc điếu kiếu bắc qua hào. Quân canh đứng hai hàng bên cần trục. Điếu kiều bắc lên một dãy hành lang chạy vòng từ ngoài vào vọng lâu như chiếc cầu vồng dài.

Cô gái đưa hai người tới bên hào, leo qua điếu kiều, đi thẳng vào "pháo đài dinh", qua khỏi vòng ngoài pháo đài, bên trong lại hiện ra một cảnh trí hữu tình, tòa ngang dãy dọc, hoa viên, vườn tược, võ trường, tàu ngựa, chỗ đóng quân, nhà thủy tạ giữa ao hồ nhân tạo, một lạch nước uốn quanh, cỏ cây tươi tốt, khu chính dinh có cả điếu kiều vào tận nơi, coi vừa xinh, vừa lạ mắt.

Bọn Minh Thần theo nàng vào, nhìn trên dưới đường xuyên qua vườn hoa trước có hàng chục cọp beo lững thững đi lại, nhiều con nằm lim dim dưới gốc cây. Hai người nhớ đến hai con cọp khôn ban nãy, không khỏi phục thầm tài dạy thú của cô gái lạ.

Nàng đưa khách vào tiền sảnh, tiến vào một căn phòng rộng rãi trần thiết rất uy nghiêm thanh lịch. Bọn Minh Thần thấy cảnh thâm nghiêm, lính rừng lấp ló, không khỏi chột dạ nghĩ thầm:

- Tình thế này, nếu nàng dụng tâm đánh lừa đưa mình vào tròng, bất thần hạ độc thủ, kể cũng đáng ngại lắm. Tốt hơn hết là cứ kèm sát bên nàng, có gì ta làm luôn Phàn Khoái dự Hồng Môn hội ẩm, Tào Muội hiếp Tề Hoàn Công cho tiện.

Nghĩ vậy, nên cứ nghiễm nhiên theo nàng vào. Quản Kình rút luôn cả cây trung liên xách theo, mắt ngó cô gái coi phản ứng nhưng nàng ta không hề lưu ý tới, vẫn tươi cười uyển chuyển an tọa.

Võ Minh Thần ngồi vào ghế, Quản Kình giữ lễ, nhất định chống súng đứng "hầu" sau lưng chủ. Một bầy gái hầu từ nẻo hậu dinh chạy ra, cô nào cũng chỉ trạc mười sáu, mười tám, xinh xắn, tươi tỉnh, lễ phép, đúng cung cách gái hầu trong nhà các tù trưởng tiểu vương sơn cước.

Cô mặc lối Thổ, Thái trắng, cô mặc lối Thái đen, bộ tộc miền núi mặc quần áo đen tuyền để phân biệt với dòng Thái trắng chứ không phải vì da đen. Không cần khảo sát, thầy trò Minh Thần chỉ nhác qua dáng dấp, đã biết ngay toàn hạng gái có võ, quen chuyện súng gươm cũng như têm trầu, dâng nước.

Đám gái hầu cúi chào khác, cô bưng khay trầu, cô bưng điếu, cô bưng đồ trà toan dâng khách. Cô chủ phất tay bảo:

- Trầu điếu để đó, còn đồ trà hãy đem vào. Công tử đây quen giang hồ đây đó, tất là bực ẩm giả sành trà, để ta phải tự tay nấu nước pha trà đãi khách. Các ngươi khá đem hỏa lò vào đây. Hai ba em theo ta vào lấy bộ đồ trà đặc biệt cùng "Diệp sương liên", "Phi Mã trà".

Gái hầu dạ ran, thừa lệnh răm rắp, thoăn thoắt đi vào nẻo hậu cung, còn cô gái chủ cùng hai, ba gái khác để khách ngồi lại, kéo nhau đi về phía hữu phòng. Nhà sàn các tù trưởng thượng du to lớn, rộng mênh mông, có cái chứa hàng ngàn khách chỉ mới đầy một gian, mỗi cây cột to mấy vòng, đục làm tủ đứng, tủ gương đựng võ khí, căn sàn dinh này lại kiến trúc pha lối Tây, Kinh, trông càng đồ sộ nguy nga, từ chỗ khách ngồi tới căn phòng kế cận dài hun hút.

Lòng đấy áy náy bất an, Quản Kình thấy cô nàng dẫn gái hầu đi vào, cũng xách cây trung liên đi theo liền. Cô gái chủ quay nhìn lại chợt hiểu, nhướng mày cười bảo:

- Chú ngại gì mà phải theo bén gót? Cứ yên lòng ngồi lại phòng khách, tôi vào lấy đồ trà đó thôi. Lòng thành đãi khách, nếu có âm mưu, đâu có cần đưa khách vào tận nơi đây mới hại được. Tôi đã nói vùng này đầy cạm bẫy. Nếu chú chẳng ác tâm, để tôi mất công triệt vậy.

Dứt lời, nàng bảo Quản Kình lui lại chỗ Minh Thần, đoạn bước tới bên cây cột lớn, vỗ chát một cái, hô lảnh:

- Vệ đội! Triệt cơ quan, rút khỏi chính dinh! Reng reng, liền hồi chuông trong tủ nổi lên, vụt nghe rầm rầm sập sập liền năm, bảy tiếng, cả khu nhà khach như chuyển động, từ hai bên vách ván gỗ hé mở, phóng vút ra hàng chục mũi giáo nhọn, là là sát mặt sàn lên tới đầu người, cứ hàng giáo này phóng sang vách bên kia mất hút, đạn xuyên qua hàng loạt tên độc, bắn chéo kín phòng, trừ chỗ hai người ngồi. Trên trần năm, sáu tấm lưới chụp xuống, rồi sàn gỗ mở, bật lên năm sáu tấm. Từ dưới, hàng chục tay súng rừng lùi lùi nhô lên, hàng năm, sáu con mãnh thú trồi lù lù, lừ đừ sừng sững đi ra phía cửa tiền hết.

Ngoài hành lang, bọn gác cũng xách súng bỏ đi. Cô gái vỗ tủ, rút hết lưới lên, đóng các cơ quan cạm bẫy lại, cười bảo:

- Các thứ này trước do phụ thân tôi chế ra, phòng quân gian đột nhập, chúng quân vệ vẫn giữ lệ cũ. Không muốn làm tiên sinh kinh động nên tôi chỉ lẳng lặng để tiên sinh ngồi chơi nơi tử giác. Giờ chắc hai thầy trò đỡ ngại, tôi có thể đi lấy đồ trà được chứ? À quên, còn tủ súng nưa.

Dứt lời, nàng lại ngồi nơi bộ ghế cẩn đá xế bên bộ hai người và vỗ vào tay ghế một cái. Nghe cạch hai tiếng, từ hai gốc cột tủ, bỗng mở ra một đường rộng hơn phân, ló dạng hàng mũi súng đen ngòm chĩa vào khu ghế nàng ngồi.

- Nếu vỗ hai tiếng, súng khai hỏa luôn. Dứt lời, nàng ta cũng gái hầu bỏ đi về phía hữu.

Hai người nhìn theo bóng uyển chuyển mất hút sau rèm, thật tình vẫn chưa biết nữ chúa rừng xanh này là loại hảo nữ hay hồ ly đột lốt. Vì nếu nàng có thể thành thực tiếp khách không ác ý, nàng ta vẫn có thể là tay "cao đòn" cho biết năm, bảy món "bảo bối" và làm cách nào biết được nàng còn giữ lại vài ba món khác nguy hiểm gấp mười để chờ dịp ra tay? Quản Kình lẩm bẩm: "một cô gái khó hiểu". Minh Thần bâng khuâng "bí mật như thượng nguồn sông Hắc" và chàng trai quyết tâm dò hỏi thực hư.

Rất kín đáo, chàng trai đưa tay phát điện nhè nhẹ quanh chỗ ngồi, quả không còn chạm một luồng nhiệt khí nào nữa. Bèn thử rê vào tận cửa thông, bỗng hơi giật lòng nghe trong phòng có tiếng cô gái chủ thánh thót vọng ra:

- Tiên sinh này đa nghi như Tào Tháo. Tôi một lòng thành thực tiếp khách, chàng cứ mãi ngờ vực lòng người, gái này còn biết tính sao cho chàng khỏi nghi?

Giọng nàng ta có vẻ hơi trách móc, lại bị bắt quả tang đang dò trộm, Võ Minh Thần ngượng hết sức, vội co tay, gãi cằm, cười xòa bảo:

- Xin cô nương miễn trách. Nhất nhật tương kiến, lại gặp cô nương trong cảnh khác thường, nên ngu mỗ lấy làm... thắc mắc vậy thôi. Nếu có lòng như Tào A Man, chắc ngu mỗ chẳng dễ tin mà vào chơi trong "pháo đài kỳ lạ" này.

Cô gái cười khanh khách, cầm bình trà cùng bọn gái hầu uyển chuyển bước ra. Đám thị nữ khác cũng vừa mang hỏa lò tới. Cô gái xua tay cười bảo:

- Thôi! Bỏ chuyện nghi nan áy náy đi. Tiên sinh! Ta uống trà cho vui. Đời người nhiều oan trái. Gặp gỡ bất ngờ ngàn năm dễ lấy gì mua nổi.

Minh Thần nghe nàng nói, bỗng nhiên lòng cảm động lạ. Bề ngoài coi tươi tỉnh, cứ nghe khẩu khí, cô gái này chẳng phải gái quý tộc chỉ quen vui hưởng đời sống cơm bưng nước rót, ra giày vào dép, nàng vẫn còn có tâm hồn vô cùng phong phú, tế nhị, thiên về đời sống tinh thần và hình như còn một tâm sự u uẩn mang mang, thật khó hiểu.

Có điều kỳ khôi nhất là chỉ một câu nàng vừa nói, tự dưng chàng trai thấy hết nghi ngờ, sinh vững dạ hơn, mặc dù chưa rõ nàng là hạng gái nào. Tần ngần ngồi ngắm nàng quạt hỏa lò than nấu nước và các "đồ nghề", rõ ràng nàng ta đã quen sinh hoạt lối người Kinh và rất sành "điệu nghệ" uống trà của giới phong lưu ẩm giả dưới xuôi, có thể nói đã thông thạo "trà đạo".

Ấm thuộc loại "Cò bay" có "kim hỏa " để tính độ nước sôi "mắt tép, mắt cua"; bộ đồ trà nàng vừa đem ra thuộc loại cổ, khay khảm ấm chén đều cổ, bốn cái chén trôn quýt, một cái chén tống, thứ nào cũng đặt trên đĩa cổ, vào bộ, có mảnh vải điều phủ; ấm có ba cái, một cái độc ẩm bé như ngón chân cái, một song ẩm và một quần ẩm, gọi là quần ẩm nhưng cũng chỉ vài ba ẩm giả vậy thôi; đặc biệt cả ba đều thuộc bộ "Ngọc phủ" màu chu sa đỏ thắm như vành môi nữ chủ.

Thứ nhất Ngọc Phủ chu sa, thứ nhì Đức Bội, thứ ba Mạnh Thần (Đức Bội là Thế Đức, Lưu Bội). Liếc sang bàn nước, bình trà, chàng trai nghĩ thầm:

- Bàn nước kia là "Diệp sương liên", "Diệp thủy tiên dạ vũ", trước tôn sư vẫn dùng, sau trận mưa đêm, lá sen sạch sẽ tinh khiết còn đọng lại vài giọt nước mùi hoa lá, sáng sớm chèo thuyền ra hứng từng giọt nước sau cơn mưa đêm, gọi "Diệp thủy tiên dạ vũ" hoặc với những giọt sương đêm còn đọng trên lá sen gọi "Diệp sương liên", tay ẩm giả ít khi vớt sương đọng trên cánh, đài sen, sợ mùi vị sen thơm quá "giết chết" hương trà. Món này, trước mình vẫn phải đi vớt về dâng tôn sư uống trà sớm. Nhưng con "Phi Mã trà" chẳng hiểu trà gì? Thường nghe người ta nói "Trảm mã trà" cho ngựa đói ăn trà ướt, chặt cổ mổ bụng lấy trà pha uống, trà ướp thêm "chất trong bụng ngựa" uống vào tuyệt ngon, thiên hạ đồn Tây Thái Hậu hay dùng như món óc khỉ, chuột sâm bao tử. Nhưng quả mình chưa nghe nói "Phi Mã trà" bao giờ.

Tuy nghĩ vẩn vơ, nhưng chưa tiện hỏi, và vừa khi có nước sôi, cô gái lấy trà pha, đưa khách chén "tống khẩu", cười bảo:

- Tiên sinh uống thử coi thứ trà này ngon chăng? Từ trước, thiên hạ vẫn ca tụng trà hái trên ngọn Vũ Di Sơn, tôi cũng đã uống được đúng thứ trà khỉ hái trên ngọn đỉnh. Nhưng tôi lại thấy thua thứ trà "Phi Mã" này. Do chuyện tình cờ, một bữa tôi cùng phụ thân lên rặng Pi A Ya chơi, có đem theo mấy con vượn lớn rất khéo. Đàn vượn leo lên ngọn Phi Mã cao hơn 2000 thước, kiếm trái ăn và bứt xuống một cây trà rất lạ. Thân bằng cổ chân, lại thấp lùn chỉ sáu, bảy chục phân, cành cũng to, sù sì, coi như loại cây cảnh có những chiếc lá, búp nhỏ bằng nửa trà thường. Bèn hãm sống uống thử, thấy ngon, đem sao ướp, uống vào tuyệt hảo. Có lẽ đất xứ ta vốn trồng trà rất ngon, thứ thượng sơn trà này mọc đỉnh núi đã lâu nên hấp thụ được lắm màu mỡ, khí trời cao sơn nên mới ngon hơn trà Vũ Di bên đất Quý Châu.

Thầy trò Minh Thần uống thử, quả thấy ngon đậm lạ thường, không sai lời nàng nói. Lúc này Quản Kình cũng đã yên trí đôi chút, cùng ngồi uống. Chủ khách uống trà đàm đạo rất tương đắc, nhưng toàn chuyện trà nước, sơn thủy, phong tục gần xa, nàng chẳng đả động gì tới chuyện "lạc lối" của khác. Võ Minh Thần chợt hỏi:

- Chẳng hay lệnh song thân đâu, không thấy? Ngu mỗ ước được bái yết, tiện chăng?

Cô gái dịu dàng đáp:

- Song thân tôi đi vắng đã mấy ngày chưa về! Người xuống Lai Châu. Tôi hiện chỉ có một mình, còn chú em cũng đi vắng.

Võ lại hỏi:

- Cô nương có thể cho biết quý danh? Rất tự nhiên, nàng đáp:

- Tôi tên Nguyệt Kiều, họ Đèo! Còn tiên sinh?

Không cần dấu, chàng trai đáp liền:

- Ngu mỗ Minh Thần, họ Võ, người dưới Yên Bái. Còn đây là chú Kình.

- A! Thế ra tiên sinh người Kinh gốc, tôi thấy, đoán ra ngay. Coi tiên sinh hình như lệnh từ mẫu là người miền núi.

Minh Thần chịu nàng tinh mắt, cười bảo:

- Còn cô nương tuy công chúa Thái đe, ngu mỗ coi chắc lệnh từ mẫu là người Kinh.

Cô gái mỉm cười:

- Tiên sinh thấy tôi giống người Kinh nhiều sao? Nhưng điều này, ông đoán sai rồi.

Minh Thần ngạc nhiên nghĩ:

- Không có máu Kinh sao coi giống Kinh rất nhiều. Chẳng lẽ cha họ Đèo lại là dân ta? Hay nàng du học lâu dưới xuôi?

Chàng trai uống từng ngụm nhỏ trầm ngâm, đang mơ màng nghĩ cách hỏi dò thêm, sực nghe cô gái họ Đèo vùng hỏi:

- Chẳng hay tiên sinh lên miền thượng nguồn sông Hắc này có chuyện chi?

Như được gãi đúng chỗ ngứa, Võ ngó cô gái họ Đèo, không đáp ngay mà chậm rãi hỏi:

- Chẳng hay cô nương ở đây có biết miệt lưu vực Hắc Giang nguồn thượng này có sào huyệt một con tinh cực kỳ nguy hại?

Nàng nhướng mày:

- Một con tinh? Tiên sinh muốn nói loài quái vật thành tinh? Chàng trai mắt ngó thẳng mắt nàng:

- Vâng! Một con tinh, chó sói thành tinh, thiên hạ vẫn gọi "Tinh chúa tứtúc Hồng Cẩu Quẩy", một trong hàng tứ khoái tứ hung, cực kỳ độc ác. Chính ngu mỗ đang đi tìm cung động Tây Sắc Ma Vương.

Mặt vẫn không đổi sắc, cô gái hơi nhíu mày, liền hỏi:

- Có chuyện chi quan hệ, tiên sinh có thể cho biết chăng?

Giọng u buồn, Võ nói chậm muốn nghẹn hờn:

- Nó giết hại sinh linh, gieo oán khắp biên thùy, nó hấp sát mẹ mỗ, sau khi đã tàn hại gia đình, còn tìm tận diệt ngu mỗ từ lúc chưa rời vú mẹ. Oán ấy tích đã mười bảy, mười tám năm, mỗ chỉ sợ chết đi chưa được moi gan mổ ruột nó tế vong hồn cha mẹ. Cô nương ở miền này có nghe chuyện nó?

Cô gái họ Đèo khẽ thở dài:

- Nếu vậy thật là điều bất hạnh cho tiên sinh. Quả tôi có nghe nói tới nhân vật kỳ bí đó, nhưng hình như ở mãi tận bên kia hữu vực mạn gần ba biên giới, vùng A Pa Chải, Pam Pou Txe, có khi bên kia đất Vân Nam, hay Phong Salỳ chưa ai biết rõ. Xưa nay, miền này chưa bị nhân vật đó phạm tới. Tôi có nghe nói nơi Ma Vương ở vô cùng bí mật, xưa nay chưa ai tới nổi, hình như có cả ma trành, ma xó canh gác nữa. Lũ âm binh này sẽ vật chết tươi kẻ nào tới gần. Chắc ông cũng biết? Vào chỗ đó là vào "cửa tử thần", sao ông không đợi cơ hội đợi hùm thiêng ra khỏi hang?

Minh Thần ngậm ngùi:

- Cừu hận kéo dài ngót hai mươi năm rồi, nay gươm mài đã sắc, không thể đợi thêm.

Chủ khách ngồi đàm đạo, xem ý nàng ta có vẻ lo ngại cho khách gặp phải kẻ thù vô cùng lợi hại, nên nàng cũng không khuyên bỏ đi. Tàn tuần trà, Đèo Nguyệt Kiều mời thầy trò Võ Minh Thần dùng bữa tiệc đủ món sơn hào.

Rượu cẩm hạ thổ lâu năm ngon lạ, hai người uống mềm môi, còn muốn uống cho đến say mềm. Nhưng nữ chủ pháo đài vẫn không để khách quý say, thầy trò Võ cố ý vờ say, Đèo Nguyệt Kiều thấy thế mới hết nghi ngại,

Xong tiệc, Minh Thần cáo từ ra đi. Nàng lưu lại không được, bèn đưa tiễn hai người ra tận cửa rừng. Lúc đó, trời đã xế chiều.

Lời cô gái họ Đèo vẫn không căn cứ. Hai người bàn nhau không đi ban ngày nữa, lộn vô chỗ để quan tài, chờ đêm xuống để ngựa lại, dẫn theo hồn "quỷ xó" nương đêm sương lạnh rừng già, đi ngược lên thượng nguồn.

Vào khoảng giờ Hợi, đã tới khu giang biên vẫn chẳng thấy chi lạ. Tới ngay vùng ranh giới trông sang lãnh địa Vân Nam, giữa cảnh sơn lâm thiên hiểm, bỗng gặp mấy con đường mòn ngang dọc cũng ra mạn Hắc Giang. Thượng nguồn thác réo, bốn bề hoang vắng không một ánh lửa nhà sàn, giang biên trùm bí mật, núi đồi chớm chở khắc đậm vào nền trời thành hình quái thú. Nhìn thế núi sông hiểm cố, Minh Thần bảo Quản Kình:

- Coi thế sơn thủy này là nơi lập sào huyệt tốt lắm. Biết đâu không phải nơi có hang động "nó". Trên bờ hoang vắng, tịch liêu, biết đâu dưới nước không là Cung A Phòng Tây Sắc? Tinh chúa khôn quỷ, làm vẻ hoang sơ, không quân gác vì nó có trành xó rồi. Ta đợi quanh đây.

Quản Kình đưa mắt nhìn tứ phía, bảo chủ:

- Chỗ này địa thế, thủy thế đều hiểm trở, có thể là vùng thiết lập cung động chúa tinh. Đêm nay, ta cứ phục đây, nếu chẳng thấy chi lạ, mai ta sang lưu vực bên kia. Tôi nghĩ cậu hai cứ khiến "xó" tới sát biên giới, phòng có việc dùng ngay.

Minh Thần gật đầu:

- Rất tiếc "xó quỷ" không thể lìa xác được xa, phải chi ta có đủ thì giờ luyện "gà", "gà" có thể thám sát hàng trăm dặm. Nhưng đấu chiến, "xó quỷ" này lợi hại nhiều, vậy ta cứ triệu tới. Có lẽ cho cả cặp sơn cẩu đến.

Khoảng gần giờ Tý, hai người đã ngồi trên một ghềnh núi cao, ngay bên con đường xuyên biên hiểm trở, gần bờ Hắc Giang, sát biên thùy.

Biên địa chập chờn âm khí. Bốn bề quạnh vắng không một bóng sinh vật, ngoại trừ tiếng "khắc khảm loọng sôi" hai bên đầu núi, tiếng chim oan gia "trót thì bóp" gọi đôi rót vào linh hồn chàng tuổi trẻ cô đơn gợi oán sầu mồ côi thê lương. Gói thi hài mẹ bọc sáp ong vẫn đeo dính sau lưng, chàng tuổi trẻ ngồi bó gối nhìn xuống dòng sông Hắc nhấp nhô ghềnh thác, nước réo ào ào như tiếng... mơ hồ từ cõi xa xăm...

Quạnh quẽ, hoang vu, man dại, khắc khoải... Đến lúc trăng lên, vẫn hoang vắng vô cùng, mảnh trăng khuyết nhô khỏi rặng núi Đông, chảy mảnh vàng vọt xuống vùng Hắc Giang, sương khuya từng dải trôi lơ lửng, cảnh trí coi càng quái gở như trong thế giới hồng hoang. Minh Thần lẩm bẩm:

- Lạ thật, que độn Lục Nhâm ứng "giang biên hữu sự hung cát bất phân" sao... vắng vẻ mãi thế này? Con đường mòn tuy cỏ mọc cao, nhưng vẫn có mùi cỏ dập chứng tỏ vẫn có người đi, không lẽ thổ dân?

- Đã sao, mình cứ nấp đây... mai sẽ đảo vùng khác... Hay thử thám sát một vòng?

Quản Kình vừa dứt lời, thình lình từ nẻo trăng lên, có tiếng chó sói tru một tràng, âm nhọn hoắt vãi lên không trung vàng vọt, tỏa rộng khắp biên thùy, Quản Kình nắm vụt lay tay chủ, thì thào:

- Sài kíu! Sói hoang hay có chủ?

- Tiếng tru mạnh tợn, có lẽ Hồng Cẩu Quẩy. Vùng này vẫn có chó sói...

Minh Thần vừa dứt lời, lại nghe vẳng tiếng sói tru tràng nữa. Vừa dứt, dư âm chưa ngấm hẳn vào ánh trăng mờ, bỗng xế nẻo thượng lưu sông Hắc có tiếng sói tru nhọn hoắt, vãi lên không liền hai tràng. Rồi cả vùng sơn thủy hiểm cố lại rơi vào im vắng sâu thẳm, bặt cả tiếng khảm khắc.

Cặp Hắc Bạch Cẩu phục bên Võ hếch mũi lên đánh hơi, chúi mõm vào chàng, kêu "hí hí" nhỏ.

- À nó báo có người. Hắc Bạch! Xuống coi mau! Minh Thần ghé tai truyền mật hiệu, hai con sơn cẩu phóng vụt xuống núi như hai mũi tên đen trắng, thoắt mất dạng. Nhưng chưa đầy ba phút, đã thấy hai con vật tinh khôn này vọt về, cắn áo phát âm nhí nhí. Minh Thần vỗ đầu chúng, người vật phục im sau ghềnh đôi cành xòa. Vụt đã nghe tiếng vó ngựa rầm rap chuyền sịch tới. Rồi từ sau núi, hiện ra một tốp nhân mã rầm rập đi thẳng ra bờ sông Hắc. Chỗ này đường mòn lượn ngay dưới chân núi bọn Võ phục rồi chạy quanh co sát lợi nước về nẻo thượng lưu giữa những mỏm đá nhap nhô cao thấp không đều, rất thưa cây cỏ. Thấy tốp người ngựa đi tới, Võ Minh Thần, Quản Kình vội rời chỗ ẩn, men xuống dưới. Chỗ này kín, nhiều mỏm đá che chắn hết sức thuận lợi, hai người cùng Hắc Bạch Cẩu vọt xuống còn cách mặt đất độ mười sáu thước thì tốp người ngựa kia cũng vừa ra tới bờ sông. Cả đám dừng lại, hướng cả về phía dòng trăng. Chừng hơn chục bóng khỏe mạnh, cưỡi ngựa, đeo súng, dàn đứng hàng một, tất cả mặc quan áo chàm rừng, chít khăn Mèo. Bọn này hộ tống một chiếc "cáng" lớn đóng trên lưng hai con ngựa khỏe giống Nước Hai. Cáng dài ngót hai thước, rộng khoảng bảy mươi phân, toàn bằng thổ cẩm màu sặc sỡ, mảnh phủ có tua, viền thủy ba màu, có một khoảng dệt trống làm cửa sổ hình tròn nhật nguyệt, trong còn có bức rèm trúc nhỏ, mỗi cơn gió thổi, trúc mành khua lách tách dòn khô. Phía sau càng có hai cô gái cưỡi ngựa Thổ nhỏ nhắn, mặc lối Mèo, chít khăn nhiễu vành như cái rế, chân quấn sà cạp trắng, đeo "xà tích" khua loảng xoảng. Cuối đoàn có một người Mèo trạc ngũ tuần, râu ba chòm lưa thưa, đi với hai gã cao lênh khênh, cưỡi ngựa cũng cao, hai tên này mặc quần áo đen tuyền, mặt trùm vải đen, chỉ hở hai con mắt coi âm u quái gở như hai bóng cô hồn vì cả hai con ngựa cũng trùm vải đen hệt ngựa kéo xe đòn đám ma. Dưới chân ngựa còn có hai con sơn cẩu lớn nữa. Cả bọn coi đung đoàn lữ hành từ miền xa tới, vì người ngựa đều ướt loáng mồ hôi, yên sau có cả hành trang. Vừa dừng lại, lão Mèo nói chi với hai gã trùm mặt, hai gã cúi xuống ra hiệu, hai con sơn cẩu vùng lên đi hai chân khật khưỡng tiến ra sát bờ sông, trèo lên một mỏm đá trống, ngửa mặt tru mỗi con một tràng "quăng quăng" âm nhọn vãi về phía mặt trăng lạnh. Lập tức có tiếng sói tru đáp ứng. Minh Thần thì thầm:

- Trùm mặt, sói tinh đi hai chân... đúng quân Ma Vương Sắc rồi. Không lẽ nó ngồi trong cáng? Nó thường ngồi kiệu, có chó đàn đi theo. Bọn Mèo kia là bọn nào đây?

Lúc này, cả người vật đều bôi thuốc không sợ sói đanh hơi, hai thầy trò Minh Thần ẩn sau ghềnh, chiếu nhãn tuyến quan sát đoàn lữ hành lạ, cả hai mừng khôn xiết, cố đợi nghe lỏm, nhưng tất cả câm nín như lũ oan hồn.

Bỗng nghe có tiếng kêu "kia rồi", lão Mèo cùng hai tên trùm mặt tiến ra phía bờ sông. Từ sau mỏm đá thượng lưu xế Bắc ngạn, phóng vụt ra một con sài kíu to lớn thuộc giống Hồng Cẩu Quẩy mắt đỏ, trên lưng "cõng" một bóng lòa xòa đen thui. Hình người sói chờn vờn dưới trăng khuyết, coi huyền bí hết sức, thoắt đã tới sát đoàn lữ hành, bóng lòa xòa nhảy xuống. Đó là một tên khổ người tầm thước, gầy đét, khoác mảnh chăn đen, cũng trùm kín mặt.

Tên này vừa nhảy xuống, hai tên kia lập tức nhay xuống theo, cúi rạp chào, vẻ kính cẩn hết sức, lão Mèo cùng toán người cưỡi ngựa hộ tống cáng cũng rạp chào xuống đất.

Một tên cao trùm mặt phát âm:

- Phìn Mường La Nam Cương trên núi cao đem con gái quý tiến cung, xin

Quỷ Môn Tiền Độn Thổ cung tiếp nhận.

Tên này nói giọng Thổ, nói xong quay lại bảo lão Mèo:

- Đây quan Chưởng vệ trấn cửa tiền vương cung Thủy! Phìa cứ nói. Giờ bọn này hết nhiệm vụ, phải quay lại cửa rừng.

Dứt lơi, bọn này định đi luôn, lão Mèo gọi giật:

- Chưa mở mắt mà! Tới sao chưa mở mắt? Hai tên này lừ lừ tiến lại cạnh lão Mèo. Mãi lúc đó, bọn Minh Thần mới kịp để ý thấy lão Mèo Phìa cùng bọn hộ tống, cáng gái hầu, ke nào mắt cũng dán tem đen. Hai tên này dùng thứ bông gòn tẩm thuốc riêng quét lên mặt tem trước khi bóc. Xong quay đi liền. Bọn Minh Thần mừng hết sức. Trên Mèo, ông Phìa cũng như chức chính tổng dưới Kinh, và Phìa là một chức quan coi một vùng lãnh thổ. Mường La nằm trên sông Nậm La thuộc Vân Nam, Nam Cương thuộc đất Việt vùng biên thượng.

Phong Thổ là miền sơn lâm trùng điệp và cũng như các miệt thượng du suốt từ Lĩnh Nam sang tới Quý Châu, Tứ Xuyên, sắc dân Mèo ở rải rác trên các ngọn núi đồi chót vót mờ sương.

Gái Mèo mắt hơi xếch coi giống mắt phượng, đùi dài thuôn lẳn, bụng thắt, nhũ căng đầy sức sống, nước da hồng hào vì khí hậu cao sơn rất tốt, xưa nay xứ Mèo thường sinh nhiều gái đẹp.

Vậy nay lại chính ông Phìa miệt Mường La, Nam Cương phải thân dẫn con gái tới tiến dâng cho Tây Sắc. Dẫu Phìa nhỏ hơn tù trưởng lớn, nhưng cũng là một thứ tù trưởng nhỏ địa phương, cũng đủ để bộ tộc thí mạng đương đầu.

Hai thầy trò Minh Thần bỗng sinh tò mò muốn coi mặt cô gái tiến cung. Sực nghe tên gầy đét có chức "Quan Chưởng vệ trấn cửa tiền" hỏi dõng dạc kho âm bằng tiếng Mèo:

- Phìa được lệnh Chúa Ma Vương cho tiến cung con gái, có thẻ bài chăng? Lão Phìa Mèo gật đầu moi trong mình ra một... miếng xương trắng hếu, có lẽ là xương người, mài giũa rất nhẵn, chừng trên có khắc hình chữ chi đó, nấp trên không thấy rõ. Chỉ thấy tên kia vừa cầm lấy soi ánh trăng coi qua, chợt kêu lên sửng sốt:

- À thẻ bài huy hiệu Tây Cung. Tây Phi mới mất, con gái Phìa được phong phi cung Tây.

Kêu xong, tên "quan Chưởng vệ" này lại cúi chào lão Mèo, đoạn xăm xăm tiến lại chỗ cáng đậu, nói một tràng tiếng Mèo:

- Chưởng vệ quỷ môn tiền, Độn Thổ cung nô tướng, xin bái yết Tây Phi và thỉnh Tây Phi nhập cung môn.

Bên trong có tiếng khóc thút thít đưa ra, lão Phìa Mèo đứng bên cáng vùng sa nước mắt bảo tên Chưởng vệ:

- Phìa hiếm hoi, trên ba mươi mới sinh được mụn con gái này. Nó tên Kheng Lan, mới mười tám tuổi, từ nhỏ chưa hề xa nhà, nay Chúa Sài lang tứ túc truyền đem tiến cung, nó sợ lắm, khóc suốt ngày đêm, xin Chưởng vệ tâu với Chúa Sài lang hãy rủ lòng bao dung, dạy dỗ. Phìa đội ơn.

Dáng vẫn lạnh lùng âm u, bóng đen lòa xòa có tôn hiệu "quan Chưởng vệ Quỷ Tiền Môn" hơi nghiêng mình, lễ phép:

- Soái Vương Tinh vốn có thiên tính thích mỹ nữ lưng eo như Sở Linh Vương Hùng Kiều xưa. Nội trong Ngũ Cung Thập Viện, các nương nương cai quản cung viện đều thuộc bực "Tế Yêu Nương", cả năm cung đều là "Tế Yêu Cung" phi hậu. Lệnh Kheng nương đã được Soái Vương Tinh phong phi, cai quản cung Tây, đứng đầu hàng trăm mỹ nữ khắp hai viện, chẳng những đã được vương gia sủng ái, tất nhiên oai quyền trùm cung thất, không còn phải ngại điều chi nữa. Xin cho bái yết nương nương.

Dứt lời, y gọi con sài kíu lớn tới, cả người vật phủ phục luôn xuống đất, coi không khác thần dân, quan chức làm lễ triều phục trước ông hoàng, bà chúa vậy.

- Chưởng vệ Quỷ Tiền Môn Độn Thổ cung xin bái yết Tây Phi Chúa nương nương trường thọ.

Thầy trò Võ Minh Thần nấp ngay ghềnh núi xế trên nghe y "tấu yết" không cười nổi. Cử chỉ ngôn ngữ y kể ra cũng đầy vẻ trào lộng, giữa vùng biên hoang dã, nhưng lòng hai người đang hồi hộp, chỉ thấy rõ là miền biên địa quạnh hiu vắng vẻ này chỉ có bộ mặt hoang sơ cô tịch, nhưng bên trong là cả một triều đình bí ẩn, với đủ thứ quái nhân, quái thú, cạm bẫy, ma xó, ma trành ẩn nấp tiềm tàng dưới đất, dưới nước và tuyệt đối trung thành với Ma Vương Sắc như lũ thiêu thân say mê nhảy vào "ngọn lửa ma".

Chợt nghe trong cáng có tiếng phụ nữ Mèo vọng ra líu lo, giọng vẫn đầy nước mắt:

- Thôi thôi! Mi đứng dậy, không phải lấy lời ngon ngọt lừa ta nữa. Đàn bà con gái vào cung Tây Sắc, còn gì mà chúc sống lâu! Chúa Sài Lang nhà mi chuyên hấp sát đàn bà con gai, vào cung Chúa Sài Lang ghê hơn vào địa ngục. Ta còn lạ gì thân phận gái tiến cung.

Nói xong, lại nghe tiếng hắt ra bi thảm hết sức, làm lão Phìa Mường La Nam Cương thương con gái quá, lại vùng sa nước mắt, miệng kêu "Kheng Lan con ơi"!

Tên "Chưởng vệ" cô hồn đứng dậy, tiến lại sát cáng, vẫn lễ phép bảo:

- Tây Phi nương nương lầm rồi! Mỹ nữ trong Thập viện sao sánh nổi các bậc "Tế yêu nương nương" trong Ngũ cung? Mỹ nữ Thập viện như loài hoa bứt đem cắm lọ, và "Tế Yêu Nương" Ngũ cung là những đóa hoa vương giả đời đời đậu nguyên trên cành để vương gia thưởng ngoạn nâng niu. Trong Ngũ cung đâu không có tiếng cười, chim ca hoa nở. Tế Yêu Nương đi một bước chuong khua nhạc nổi, đi hai bước hoa nở gót hài. Dương Quý Phi ở cung Đường, Tây Thi ở Cô Tô Đài Ngô Cung cũng đến thế thôi! Hàng vạn mỹ nữ trên đời ôm giấc mộng vàng son chưa được, dưới Cung Thủy chỉ có năm bậc quốc sắc mới được phong phi, hậu. Đời thục nữ tiến cung làm phi hậu là điều đại hạnh, hoa nở vườn thượng uyển càng thêm hương sắc, cớ sao lại héo sầu? Tây Phi hãy vui lên, để kẻ nô bộc này rước xuống Cung Thủy, vui duyên A Phòng.

Giọng y nói tiếng Mèo rất hay, tuy vẫn lành lạnh, mà nghe êm hết sức, hình như cũng làm gái tiến cung trong cáng đỡ lo buồn, héo hắt, kinh mang.

Thầy trò Minh Thần đều thông nhiều thổ ngữ sơn cước, nghe rõ từng lời tên "Chưởng vệ" cô hồn kia nói. Chàng trai bất giác thoáng ngạc nhiên nghĩ thầm:

- À tên cô hồn này xem chừng không phải chỉ biết nghề canh cửa cho Ma Vương. Y nói văn vẻ, chải chuốt như hạng "xuất khẩu thành chương", chứng tỏ đầu óc phong phú khác người. Ma Vương Sắc không hổ tiếng "thành tinh", đến kẻ nô bộc của nó cũng là tay điệu nghệ, còn nói chi nó nữa. Người như tên này cam tâm thờ Tây Sắc, chẳng hiểu do "ngải yêu" hay chỉ vì li
Tác giả : Hoàng Ly
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 1 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại