Lòng Ta Nào Phải Đá
Chương 20: Thương tâm bất độc vi bi thu

Lòng Ta Nào Phải Đá

Chương 20: Thương tâm bất độc vi bi thu

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

–Thương tâm đâu chỉ bởi thu sầu-



Ngày hội Trùng Dương vốn là ngày lành được chọn để tổ chức lễ đăng cao* (leo núi) nhưng tiết trời thường không thuận. Mới sáng sớm đã mưa lạnh rả rích, những cụm dã quỳ vốn mọc tràn khắp sườn núi nghiêng ngả dưới làn mưa, từng bông tơi tả rơi rụng theo nước mưa chảy xuống sơn đạo, bị người đi đường đạp nát, tỏa ra mùi thơm ngai ngái khắp không gian.

Diệp Khinh Phong dịch dung thành một thanh niên bình thường hòa vào đoàn người tấp nập lên núi xem thi đấu. Hôm nay Thạch Cô Hồng vẫn giả trang thành hắn đi quyết chiến với truyền nhân Ma Tâm Cốc cho nên đương nhiên Khinh Phong không thể đàng hoàng dùng mặt thật của mình để xuất hiện. Tốt nhất dịch dung thành người lạ tránh cho các đệ tử khác của Thiên Cơ Viên nhận ra.

Tới núi Phượng Hoàng, Diệp Khinh Phong lập tức hối hận mình đến chậm chân. Trong màn mưa thu phủ chụp cả bầu trời mà toàn bộ đỉnh núi chỉ thấy nhấp nhô đầu người, ngay cả nơi đặt chân dù chen lấn khắp chốn cũng chưa chắc có. Vất vả mãi mới nhích lên tìm được một chỗ đứng tương đối gần thì chiếc dù chẳng biết đã mất tự lúc nào, y phục trên người ướt sũng.

Hắn ta hướng tới khu lều nghỉ của Thiên Cơ Viên thấy Đông Phương Lãng đang cùng chính mình (do Thạch Cô Hồng giả trang) đàm luận. Đột nhiên nhìn đến khuôn mặt giống hệt mình, cảm giác có phần lạ lẫm, có điều nét u buồn pha lẫn những tia sáng quật cường toát lên từ đôi con ngươi sâu thẳm của người ấy thì khác hẳn với mình.

Lúc này có một người chen đến gần, Khinh Phong nghiêng đầu liếc nhìn, suýt thì buột miệng kêu thành tiếng. Người này mày liễu mắt hạnh, y phục đỏ tươi, không phải vị hôn thê mất tích đã lâu của hắn: Thủy Đạm Nguyệt thì còn có thể là ai ?

Chỉ thấy nàng bực bội trừng mắt nhìn thẳng vào hắn, bấy giờ Khinh Phong mới nhận ra hành động của mình có phần thái quá. Hiện giờ bản thân giả trang thành một nam tử xa lạ, trách làm sao nàng đối với mình vô lễ.

Diệp Khinh Phong chỉ có thể lặng lẽ quan sát Thủy Đạm Nguyệt, thấy dường như nàng gầy yếu hơn, vẻ mặt u buồn chỉ duy có khí thế kiêu ngạo bễ nghễ cùng dáng vẻ nhất định không chịu thua kém ai là còn nguyên vẹn. Có lẽ nàng hết thảy vẫn bình yên, hắn cũng yên lòng.

Dưới đài đám đông đang xôn xao bàn tán đồng thời hồi hộp ngóng đợi. Mưa dầm vẫn không có dấu hiệu ngưng, tí tách nhỏ giọt khiến tất cả đều ướt sũng. Mặc kệ mưa gió không ngừng rơi lạnh lẽo thấm vào da thịt, không khí dưới đài vẫn hừng hực. Chẳng ai có ý rời đi, ngược lại, càng ngày càng có thêm nhiều người hiếu kỳ tìm đến.

Không ngờ rằng đợi đến tận hoàng hôn mà bóng dáng truyền nhân Ma Tâm cốc vẫn bặt tăm. Lại nhớ lời ước hẹn mười tám năm trước không hẹn canh giờ cụ thể, xem chừng rất có thể còn phải đợi đến khuya. Ngay lúc đương phỏng đoán, Diệp Khinh Phong bỗng nhác thấy hai bóng dáng quen thuộc từ xa đi đến, nhìn kỹ, chính là Sở Tư Viễn và Đường Kinh.

Bởi vì cách nhau một màn mưa, khoảng cách cũng khá xa cho nên không nhìn rõ vẻ mặt nhưng cũng mơ hồ nhận ra Tư Viễn biểu cảm gượng gạo, không giống như dáng vẻ ưa pha trò hàng ngày. Nhìn xa hơn về phía Thiên Cơ Viên, vừa vặn thấy ánh mắt chăm chú của Đông Phương Lãng đang nhìn hai người bọn họ, gương mặt anh tuấn đượm vẻ suy tư trăn trở.

Trời bắt đầu sẩm tối, đám đông trên núi Phượng Hoàng càng thêm sốt ruột, thanh âm trò chuyện hòa vào tiếng mưa tạo thành tiếng vọng ồn ào xao xác.

Xung quanh Phượng Hoàng Đài đèn lồng đã được thắp lên, trong màn mưa ánh sáng tỏa ra mờ ảo tựa như sương khói, tạo thành những quầng sáng mông lung phơn phớt bao phủ.

Đèn vừa thắp đột nhiên bị vô số hàn quang bắn tới. Chỉ nghe « soạt soạt » mấy tiếng vang nhỏ, bốn phía lập tức chìm vào bóng tối. Ngay cả lồng đèn của bát đại môn phái cũng bị thổi tắt, mọi người cảm thấy sau lưng tựa như có âm phong lạnh lẽo trận trận thổi tới. Tất cả không tránh khỏi rùng mình, theo bản năng đứng sát vào người bên cạnh, càng gần càng tốt.

Đương lúc rối loạn lại nghe có tiếng người kinh hô, đám đông nhất loạt ngẩng đầu nhìn lên thì thấy trên Phượng Hoàng Đài có ba bóng người phiêu phiêu đáp xuống. Ở giữa là một bóng áo trắng, tà áo phồng lên theo gió tung bay, tựa như một cánh bướm trắng khổng lồ. Bên cạnh là hai người mặc áo choàng đỏ, vạt áo phiêu phất trong màn mưa làm cho không gian thoáng chốc mùi máu nhàn nhạt.

Trong khoảng khắc ba bóng người hạ xuống Phượng Hoàng đài, thân ảnh hồng y ngân nga nói : « Chúng ta hôm nay đại diện cho Ma Tâm Cốc, theo ước hẹn mười tám năm trước mà đến, bát đại môn phái nhanh đưa người lên chịu chết đi! » Thanh âm trong trẻo, trẻ trung của thiếu nữ.

Thanh âm còn chưa dứt một thân ảnh màu lam đã bay vụt lên Phượng Hoàng đài. Thân pháp người này tuy đơn giản lại mang khí khái ưu nhã tự nhiên, sắc gọn không màu mè, chính là Thạch Cô Hồng giả trang Diệp Khinh Phong.

Tuy sắc trời đã tối đen, Diệp Khinh Phong dựa vào chân khí tụ lại mắt cũng có thể nhìn rõ ràng. Hắn thấy ba người tự xưng đến từ Ma Tâm Cốc kia đều mang mặt nạ bằng đồng, thoạt nhìn thật dữ tợn.

Trở lại đài Phượng Hoàng, lúc bấy giờ Thạch Cô Hồng đương cất cao giọng nói : « Bát đại môn phái đã đến theo ước hẹn, mong Ma Tâm Cốc tuân thủ định ước. Nếu chiến bại sẽ thả những đệ tử Bát đại môn phái đã bị cầm tù, đồng thời rút khỏi võ lâm trung nguyên, từ nay về sau không tái xuất hiện ».

Hồng y thiếu nữ vừa nói lúc nãy cười lạnh một tiếng : « Nếu bản sự của ngươi thắng được Thiếu Cốc Chủ chúng ta, đương nhiên Ma Tâm Cốc sẽ tuân thủ lời hứa. Trái lại nếu ngươi đại bại thì từ nay trở đi bát đại môn phái hôi phi yên diệt ».

Cô Hồng chuyển hướng tới Thiếu Cốc Chủ Ma Tâm Cốc : « Đó là lẽ tự nhiên, hôm nay Bát đại môn phái tập trung toàn thể võ lâm thiên hạ là để làm trò sao ? Tóm lại tối nay không phải ta chết chính là ngươi vong »

Bạch y nhân kia âm âm cười, không cất lời. Tay áo rộng của hắn nhẹ phất, hai hồng y nhân liền khom người, sau đó thân ảnh nhanh chóng biến mất ở phía sau đài.

Ống tay áo bạch y nhân vừa lật, một thanh nhuyễn kiếm đã hiện ra trên tay. Kiếm kia hàn quang lấp lánh tỏa ra tứ phía, khí lạnh theo đó tản mát.

Người xem dưới đài cảm nhận được mấy đạo hàn quang phóng tới, đồng loạt kêu to.

Hai người trên đài ôm quyền liền lập tức xuất kiếm hướng đối phương tấn công.

Nhuyễn kiếm một chiêu đâm tới, Thạch Cô Hồng chỉ kịp thấy mắt hoa mày choáng, cả người chao đảo như đang đứng trên mặt biển phong ba bão nổi, đầu cũng bắt đầu váng vất mất tự chủ. Ngay lúc nguy kịch đột nhiên nhớ tới Diệp Khinh Phong từng nói qua về mê hồn thuật của Ma Tâm Cốc, trong lòng hắn chấn động, nghiến răng cắn môi đến bật máu, lập tức đứng vững, đầu óc thanh tỉnh.

Cô Hồng khẽ quát, chật vật tránh được một chiêu mê hồn kiếm, trường kiếm trong tay vừa chuyển chớp mắt vẽ lên trong màn đêm một đóa kiếm hoa, giống như yên hoa nở rộ giữa không trung.

Diệp Khinh Phong đứng dưới đài trong lòng nhẹ nhõm, biết là Thạch Cô Hồng đã vượt qua cửa ải khó khăn đầu tiên. Lại thấy Cô Hồng xuất chiêu « Hỏa Thụ Ngân Hoa » hướng Bạch y nhân tấn công. Đám đông còn chưa kịp trầm trồ khen ngợi đã thấy nhuyễn kiếm trong tay bạch y nhân nhẹ hất, lập tức xuất ra một vòm bạch sắc ngân quang như tấm khiên đỡ kiếm pháp đương ào ào đánh tới khiến kiếm chiêu phản hồi, bắn lại phía chủ nhân.

Thân mình Cô Hồng xoay chuyển trên không, tránh thoát được kiếm thế phản ngược. Trường kiếm trong tay không ngừng lăng không theo một độ nghiêng hoa mĩ,  chiêu « Nguyệt Lãnh lan kiền » liên hoàn xuất kích.

Đối phương đột nhiên ngân nga thì thầm một tràng, Thạch Cô Hồng nghe được tay cầm trường kiếm bất giác mềm nhũn, giữa lúc ngơ ngác thất thần thấy như vô số bóng người lần lượt vụt qua mắt, một người ngoái đầu lại nhìn hắn, chính là Thạch Lãnh Châu đã chết cách đây nhiều năm. Vì thẫn thờ khiến lực đạo trên tay tán mất, một chiêu chưa kịp hoàn đã buông hạ tay.

Bấy giờ đột nhiên nghe dưới đài có người hét to một tiếng ‘Diệp Khinh Phong’, Thạch Cô Hồng chấn động, vừa hồi hồn đã thấy một đạo ngân quang mạnh mẽ thẳng hướng giữa ngực mình đâm tới. Hắn vội vàng lui thân tránh thoát nhưng kiếm kia thế như vũ bão lại hướng mi tâm hắn mà trực diện công kích.

Mà người dưới đài vừa hô to « Diệp Khinh Phong » không ai khác ngoài Diệp Khinh Phong chân chính. Nguyên là hắn ta thấy Thạch Cô Hồng thất thần đành bất đắc dĩ vận lực dùng sư tử hống nhắc nhở. Vận nội công quá độ sau chớp mắt toàn bộ chân khí như bị rút đi, khí huyết đảo lưu, nhất thời phun ra búng máu khiến cho người bên cạnh thanh thúy kêu lên một tiếng.

Diệp Khinh Phong lảo đảo ho khan, nghiêng đầu nhìn thấy Thủy Đạm Nguyệt căm giận trợn mắt trừng mình, đang muốn giải thích đã thấy nàng vội vàng chuyển mắt hướng lên đài.

Khinh Phong giật mình cũng nhanh chóng nhìn lên. Bởi vì trúng độc « Yên Ba túy » nên hiện giờ nội công hắn còn lại chỉ bốn thành. Mới rồi chân khí bị hao tổn nên nhãn lực cũng không được như cũ, cố gắng nhìn cũng chỉ thấy được mờ mờ. Chỉ thấp thoáng nhận thấy những đường nét mơ hồ, dường như hai người trên đài đã so đấu hơn mấy chục chiêu.

Trong lòng sốt ruột như lửa đốt đột nhiên cảm thấy từ hậu tâm một luồng chân khí ào ạt chuyển vào. Nhìn lại thấy một tay Thủy Đạm Nguyệt đặt trước ngực mình, Diệp Khinh Phong kinh ngạc chỉ còn biết cảm kích nhìn nàng.

Thủy Đạm Nguyệt lạnh lùng nói : « Ta thật không hiểu tự bao giờ võ công của ngươi lại trở nên kém cỏi đến vậy, chẳng trách sợ đông sợ tây phải tìm người khác thế thân ».

Diệp Khinh Phong sửng sốt, hiểu ra nàng đã minh bạch thân phận thật của mình. Hắn đành xấu hổ cười cười rồi lập tức nhìn thẳng lên đài. Lúc này đèn hai bên đài đã được thắp lên, phía trước có chút ánh sáng hơn nữa nhờ có chân khí Thủy Đạm Nguyệt truyền cho nên tầm nhìn cũng rõ ràng hơn.

Không nhìn rõ thì còn bình tĩnh, cảnh tượng trên đài bấy giờ khiến tim Diệp Khinh Phong cơ hồ bật khỏi lồng ngực. Thạch Cô Hồng một lần nữa lại đứng ngây ngẩn mà kiếm của bạch y nhân lại thế như sấm sét đánh tới ngực hắn, một kiếm này cho dù Cô Hồng có mọc cánh cũng không thể tránh thoát.

Nhưng mà tình thế trong chớp mắt thay đổi đột ngột, cánh tay bạch y nhân bất ngờ khẽ run lên, kiên quyết mạnh áp kiếm, thu chiêu ngược trở về. Như thế nội lực xuất ra lại bị mạnh mẽ cản về chỉ có thể bắn ngược lại chính chủ nhân làm cho thân hình của y bật ngược về phía sau.

Bấy giờ Thạch Cô Hồng bất ngờ tỉnh lại, hắn hô một tiếng từ ngón tay trái một vài hạt huyết châu bay lên. Hắn chuyển thân, trường kiếm rời tay lăng không bay đến giữa bầu trời.

Bạch Y nhân ngẩn ra, thân mình vì thế trễ nửa nhịp. Vừa ngước nhìn chỉ kịp thấy trên không trung ánh sáng như hồng ngọc tỏa rạng hào quang, rộ lên rực rỡ như hoa quỳnh bừng nở.

Bạch Y nhân « A » một tiếng, vội vàng lui về phía sau. Đóa quỳnh hoa kia đột nhiên « Uỳnh » một tiếng vang, nổ tung, hóa thành vô số trường kiếm hướng thân hình bạch y nhân đâm tới.

Bạch y nhân kêu thảm một tiếng, cả người bị đánh bay về phía sau đài, thẳng tắp một đường đập mạnh vào vách núi sau đó từ từ trượt xuống.

Thạch Cô Hồng thấy tình thế đó vội khinh thân phi lên, ngón tay hiểm độc điểm mạnh xuống đại huyệt đối phương, người nọ liền nằm mềm oặt trên đất.

Mà lúc đó toàn bộ đèn lồng trong khu vực Phượng Hoàng đài đều sáng bừng, người dưới đài rõ ràng thấy bạch y nhân toàn thân đẫm máu ngã xuống đất mà ‘Diệp Khinh Phong’ thì cầm kiếm đứng bên cạnh liền biết « Diệp Khinh Phong » thắng, tiếng hoan hô lập tức vang dậy như sấm, truyền tới dưới núi vài dặm chung quanh cũng đều nghe thấy.

Cùng lúc đó Đông Phương Lãng, Đường Kinh, Sở Tư Viễn cùng với vài yếu nhân của Bát đại môn phái khinh thân lên đài, vây kín chung quanh Bạch Y Nhân đeo mặt nạ.

Thạch Cô Hồng thấy bạch y nhân yếu ớt nằm trên mặt đất thở hào hển liền đem mũi kiếm hất mặt nạ bằng đồng trên mặt y. Người đó chậm rãi ngẩng đầu, trên khuôn mặt tái nhợt đôi mắt như hai làn thu thủy thăm thẳm nhìn Thạch Cô Hồng, môi run run, rốt cuộc không kịp nói gì đã nhắm mắt hôn mê.

Trong đám người vây quanh có người bật ra tiếng kêu kinh ngạc còn Thạch Cô Hồng chỉ đơn giản ngơ ngác đứng đó, không còn biết đến xung quanh, chỉ cảm thấy gió lạnh tứ phía thổi đến, trước mắt một mảnh quạnh hiu.

Diệp Khinh Phong đứng lẫn trong đám đông dưới đài nhận thấy trên đài có biến, đang lo lắng không biết phải làm sao đã thấy một bóng áo đỏ tươi bay vút lên đài, là Thủy Đạm Nguyệt, nàng gạt phăng đám người đang vây quanh xông vào.

« Lãnh đại ca » Tiếng hô thê lương từ miệng Thủy Đạm Nguyệt phát ra khiến cho Diệp Khinh Phong dưới đài thốt nhiên muốn ngừng thở.

Trận chiến Trùng Dương, bát đại môn phái toàn thắng, võ lâm cùng tung hô.

Từ nay về sau truyền kỳ vang dội trong chốn võ lâm không còn là Thiên Cơ đạo trưởng khi xưa nữa mà Thiên cơ viên đại đệ tử đời thứ ba : Diệp Khinh Phong.

Edit : Cô Nương Lẳng & Tiểu Lộc Lộc

___________Tết Trùng Dương – Trùng Cửu : Tết Trùng Dương ( Chung Yeung Festival) hay còn gọi là Tết Trùng Cửu là 1 lễ hội cổ truyền của Trung Quốc ….Tết Trùng Cửu được tính vào ngày thứ chín của tháng 9 âm lịch, được đề cập đến từ thời Đông Hán ở Trung Hoa. Theo Kinh Dịch, 9 là một con số “dương". Thế thì ngày dương tháng dương(9/9) là một ngày có quá nhiều “dương" (theo quan niệm của Trung Quốc thì không tốt), do đó đây là một ngày có khả năng có nhiều mối nguy hiểm rình rập. Từ đó người ta còn gọi đây là ngày “Trùng Dương". Để bảo vệ khỏi những rủi ro đó, theo phong tục người ta thường leo lên những nơi cao như núi, uống rượu cúc (?) và đeo cây thù du (cúc và thù du được cho là có khả năng tẩy rửa và còn được sử dụng trong những dịp khác để dọn dẹp nhà cửa và xua đuổi bệnh tật). Trong ngày này, nhiều người Trung Quốc còn đi thăm mồ mả tổ tiên để tỏ lòng thành kính và tìm sự phù hộ.

Tết Trùng Cửu được xem là một ngày để tránh nguy hiểm (giống như tết nguyên đán), nhưng theo thời gian người ta đã tổ chức thành một ngày lễ với mục đích khác với ban đầu. người ta tận dụng thời gian được nghỉ để tiến hành các cuộc đi bộ đường dài. Các cửa hàng thường bán bánh gạo. người ta uống trà cúc, hoặc uống rượu cúc do nhà làm. Các cuộc đua leo núi cũng khá phổ biến.

Có một tài liệu khác lại cho rằng Tết Trùng Cửu còn được gọi là Tết tưởng niệm mùa thu. Đây là một ngày lễ tương tự như Thanh Minh, khi gia đình thể hiện sự thành kính với tổ tiên. Họ đến khu mồ mả tổ tiên, dọn dẹp sạch sẽ như nhổ cỏ, chăm sóc bia mộ và cúng thức ăn và rượu. Gia đình thường đến viếng mộ và đem theo đồ ăn thức uống để chia sẻ. Phong tục này bắt nguồn từ một truyền thuyết thời Hán. Một thầy bói nói với nhà vua rằng vào ngày 9/9 sẽ có tai họa, và khuyên nhà vua đi đến một nơi cao để tránh tai họa này. Nhà vua nghe theo, và khi ông quay về nơi ở thì cả một vùng nơi ông ở trước đây đã bị tàn phá.

Còn theo wiki : Tết Trùng Cửu (chữ Hán: 重九, Trung: 重阳 <重陽> (Trùng Dương)/ Chóngjiǔ?) theo phong tục của người Trung Quốc là vào ngày 9 tháng 9 theo Âm lịch hàng năm.

Có nhiều điển tích về ngày Tết này:Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: " Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn". Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết.Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn… Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.Sách “Phong Thổ Ký" lại chép: Cuối đời nhà Hạ (2205-1818 trước D.L.), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn… Tục ấy thành lệ.Đến đời Hán Văn Đế (176-156 trước D.L.), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907), ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.

Cổ thi có câu: “Gặp ngày Trùng Cửu đăng cao". “Đăng cao" là lên chỗ cao. “Trùng cửu" và “Đăng cao" đều do điển tích trên.Tiêu đề chương trích từ bài thơ:Thượng nhữ châu quận lâu

– Lý ích-

“Hoàng hôn cổ giác tự biên châu, tam thập niên tiền thượng thử lâu.

Kim nhật sơn thành đối thùy lệ, thương tâm bất độc vi bi thu."

上汝州郡楼

“黄昏鼓角似边州, 三十年前上此楼.

今日山城对垂泪, 伤心不独为悲秋."

Lên lầu thành Nhữ Châu

Hoàng hôn tù trống tựa biên cương

Ba chục năm tiền có ghé lầu

Nay ngắm non sông mà rơi lệ

Đau lòng chẳng phải vì thu sầu.

–          Phi Thiên dịch –
Tác giả : Nhàn Ngữ
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại