Linh Phi Kinh
Quyển 2 - Chương 8-4: Tinh Ẩn Chân Nhân (4)

Linh Phi Kinh

Quyển 2 - Chương 8-4: Tinh Ẩn Chân Nhân (4)

Nhạc Chi Dương tỉnh rượu đã quá nửa, giương mắt nhìn kỹ lại, hai má chợt nóng bừng lên, thì ra bản thân đã hất phải một pho tượng đá, gã mà không dựng pho tượng ấy lên, ngày mai đệ tử mang cơm đến phát hiện ra thì thế nào cũng lòi đuôi chuột. Nghĩ vậy, gã tiến lên phía trước đỡ pho tượng ấy dậy, vô tình thế nào lại sờ trúng bệ đá bên dưới tượng. Ngón tay vừa chạm vào liền cảm thấy lồi lồi lõm lõm, dường như bề mặt có khắc rất nhiều con chữ. Gã vội gọi Tịch Ứng Chân, lão đạo sĩ thắp sáng đèn dầu, đến gần xem xét, phía dưới bệ tượng có chạm trổ nhiều hình nhân nhỏ xíu, dáng hình đương tung bay nhảy nhót hết sức mạnh mẽ và nhanh nhẹn, xung quanh còn có những văn tự chú dẫn.

Tịch Ứng Chân săm soi cẩn thận, lặng lẽ không nói gì. Nhạc Chi Dương không nén nổi tò mò, hỏi:
- Đạo trưởng, đây là gì vậy?

- Đây là quyền phổ "Vong Ưu Quyền" - Tịch Ứng Chân trầm ngâm đọc: - Quyền pháp do đảo chủ đời thứ năm Thích Mại Luân sáng tạo.

Nhạc Chi Dương cẩn thận đọc hàng chữ khắc, quả đúng như Tịch Ứng Chân nói, gã kinh ngạc hô:
- Quyền phổ sao lại được khắc ở đây? Không sợ có người học lén hay sao?

Tịch Ứng Chân đứng dậy bật cười:
- Tinh Ẩn Cốc vốn là nơi các đời đảo chủ tịnh tâm tu luyện, đệ tử bình thường khó mà vào trong được, mấy pho tượng đá này do đảo chủ những đời trước tạo ra, được chúng đệ tử trên đảo xem là thần vật, chả ai dám tùy tiện động vào chứ đừng nói đến chuyện lật đổ chúng để săm soi phần đáy bệ.

Tượng đá có tổng cộng tám pho, hai người lần lượt xem qua, bên dưới của tượng đa số là chạm khắc quyền phổ, duy chỉ có một pho tượng là ngồi yên xếp bằng, chẳng biểu lộ tư thế cũng không ghi tạc kinh thư, thay vào đó là những đường vạch chi chít trên thân. Nhạc Chi Dương lấy làm lạ bèn quay sang hỏi:
- Tịch đạo trưởng, đây là võ công gì thế?

Tịch Ứng Chân nhìn ngắm một lúc, lắc đầu bảo:
- Đây không phải võ công.

- Không phải võ công?

Nhạc Chi Dương hết sức ngạc nhiên, ngắm nghía kỹ lại lần nữa, hầu hết pho tượng khác đều có ghi danh diệu của đảo chủ, chỉ trừ pho tượng này là trơn nhẵn không có dòng chữ nào. Nhạc Chi Dương nhìn ngắm pho tượng vô danh, trong lòng đương cảm thấy khó hiểu, chợt nghe Tịch Ứng Chân lại nói:
- Đây là một tấm bản đồ hàng hải.

Nhạc Chi Dương mỉm cười:
- Đạo trưởng có học về hàng hải ư?

Tịch Ứng Chân đáp:
- Trước khi ta đến Đông Đảo có học qua thuật hàng hải một thời gian, bức hải đồ này chỉ rõ vị trí một hòn đảo nhỏ nằm ở phía Tây Bắc, cách đảo Linh Ngao khoảng hơn bốn trăm dặm.
- Trên đảo ấy có gì vậy? - Nhạc Chi Dương tò mỏ hỏi.

Tịch Ứng Chân nhíu mày, chăm chú nhìn bản đồ một lúc rồi chậm rãi nói:
- Hình như là chỗ của một ngôi mộ.

- Mộ à? - Nhạc Chi Dương chưng hửng: - Mộ của ai vậy?

- Trên đây không có ghi. - Tịch Ứng Chân lắc đầu bảo: - Đây là cấm địa của nhà họ Thích, chủ nhân của mộ phần chắc có lẽ là một vị tiền bối của nhà họ.

- Khắc bản đồ ở đây bộ không sợ có người đi trộm mộ ư?

Tịch Ứng Chân cười:
- Bản đồ này vốn truyền lại cho dòng dõi họ Thích, ta với ngươi có cơ may xem được chẳng qua chỉ là trùng hợp mà thôi, nếu là con cháu họ Thích thì ai lại đi đào mồ mả tổ tiên mình lên chứ?

Nhạc Chi Dương nhìn tấm bản đồ, ngẫm nghĩ điều gì đó mà đoán mãi không ra, đành lắc đầu nêu thắc mắc:
- Tại sao các đời đảo chủ ở nơi đây đều mang họ Thích, trong khi hiện giờ đảo vương thì lại họ Vân?

Tịch Ứng Chân đáp:
- Đông Đảo có tên gốc là đảo Linh Ngao, vốn được tổ tiên nhà họ Thích là Thích Ấn Thần sáng lập nên. Chỉ là trong vòng trăm năm trở lại đây xảy ra một vài biến cố, thế nên ngôi vị đảo chủ mới truyền lại cho nhà họ Vân. Theo tình hình không có vị đảo chủ họ Vân nào lập tượng ở nơi đây, nên ta đoán ngoại trừ Thích gia ra, trên đảo không ai biết đến bí mật của những bộ quyền kinh này cả.

Nói đến đây, ông vươn người đứng lên, mang đèn dầu tiến sang một góc, lặng im trong chốc lát rồi chợt bật cười khà khà. Nhạc Chi Dương nghe lấy làm lạ:
- Tịch đạo trưởng, ông cười gì đó?

Tịch Ứng Chân cười bảo:
- Ta đang rầu nhà ngươi tiến bộ nhanh quá, luyện mấy thứ võ công hạng ba hạng tư thì có phần uổng phí tài nghệ. Công phu trên mấy pho tượng này đúng là trời cao ban tặng, nếu ngươi luyện thành toàn bộ thì sẽ được liệt ngay vào hàng cao thủ đấy.

Nhạc Chi Dương phấn khởi vội hỏi:
- Đạo trưởng sẽ dạy ta chứ?

- Dạy thì không dám. - Tịch Ứng Chân cười cười: - Nhưng giải thích một chút cũng được thôi.

Ông chỉ vào một pho tượng bảo:
- Bộ "Côn Bằng Chưởng" này được đảo vương đời thứ tư sáng tạo ra, trong chưởng pháp có pha trộn thân pháp, thi triển thì như đại bàng xuyên mây, thu lại tựa cá kình vượt sóng, quạ đen hóa ngư, biến hóa thần kỳ.

Ông miệng nói tay chỉ, dốc lòng truyền dạy, Nhạc Chi Dương học được vài chiêu, chỉ cảm thấy vô cùng phức tạp, những thay đổi biến hóa bên trong bộ chưởng pháp này vượt xa những môn quyền cước trước đây gã từng học. May mà gã có căn bản của "Linh Vũ", mỗi khi rẽ sang chiều hướng thiếu hiệu quả, khúc nhạc trong lòng lại trỗi dậy, chân khí tự nhiên rót đầy khắp tứ chi, thường xuyên chuyển nguy thành an, vượt qua cửa ải trắc trở trong tu hành một cách dễ dàng.

Tịch Ứng Chân quan sát thấy gã như vậy, trong lòng thầm cảm thấy thắc mắc. Hai người cứ như vậy tiêu tốn hết khoảng một canh giờ, miễn cưỡng cũng luyện thành xong ba chiêu, Nhạc Chi Dương tuy là mới học nhưng cũng nhìn ra sự lợi hại của bộ chưởng pháp này. Đột nhiên nhớ đến Giang Tiểu Lưu, gã bảo:
- Tịch đạo trưởng, ta có một người bạn rất thân, tối mai ta dẫn hắn đến cùng học có được không?

- Bạn thân? - Tịch Ứng Chân suy nghĩ một chút, đoạn hỏi: - Ngươi nói đến thằng nhóc hôm trước đến đây?

Nhạc Chi Dương gật đầu lia lịa, Tịch Ứng Chân lắc đầu bảo:
- Hắn không nhận ra bài thơ ẩn chữ đầu của ta chứng tỏ không có duyên với ta. Ta là người thuộc Huyền môn, vạn pháp tùy duyên, ngươi chớ nên miễn cưỡng nữa.

Nhạc Chi Dương ngó thần sắc của ông, biết là ông không thích Giang Tiểu Lưu, bụng thầm than đáng tiếc, nhưng nhớ lại lần trước đến đây, Giang Tiểu Lưu có nhận ra chiêu thức của "Vô Định Thối" và "Côn Bằng Chưởng", dường như hắn đã học qua rồi, có dẫn đến cũng bằng thừa. Tịch Ứng Chân lại căn dặn:
- Chuyện chúng ta gặp gỡ chỉ có ta và ngươi biết, không được để người thứ ba biết, cho dù có là người bạn thân đó cũng không ngoại lệ. Một khi tiết lộ sự tình, ta thì không hề hấn gì, nhưng đối với ngươi chính là một bất lợi lớn.

Nhạc Chi Dương nghe xong gật gật đầu, lại thấy canh năm sắp gần kề, gã vội đỡ tượng người lên, cáo từ lão đạo sĩ rồi trở về Yêu Nguyệt Phong.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, hai năm lặng lẽ trôi qua, mới hôm nào đến Đông Đảo, Nhạc Chi Dương chỉ là thằng nhóc mười bốn mười lăm tuổi, ban ngày trồng trọt, tối về tập luyện, chớp mắt chỉ trong hai năm ngắn ngủi ấy, gã thiếu niên yếu đuối thuở nào đã trở thành một chàng trai cao lớn đầy năng động. Nhờ chăm chỉ lao động hàng ngày, không ngại dầm mưa dãi nắng mà màu da của gã rắn rỏi như đồng, mỗi khi hé cười lại lộ ra hàm răng trắng đều, trông hết sức khỏe mạnh và sáng sủa.

Giang Tiểu Lưu bận rộn tập võ, rất hiếm khi đến tìm gã thăm hỏi. Về phần Diệp Linh Tô, sau lần chia tay ở hang yến ấy, hai người gặp lại nhau không quá ba bận, mỗi bận như vậy thiếu nữ đều tỏ ra không quen không biết, lời lẽ hết sức lạnh lùng, Nhạc Chi Dương thấy tình hình như vậy, trong lòng khó chịu vô cùng.

Gã ru rú quanh năm suốt tháng trên đảo, không tránh khỏi cô đơn nhàm chán, may mà khi đêm về còn có người bạn vong niên là Tịch Ứng Chân để trò chuyện. Hai người tập võ chơi cờ, bàn huyền luận đạo thâu đêm suốt sáng, vui vẻ đến mức quên cả mỏi mệt. Bảy đại tuyệt kỹ của đảo Linh Ngao đều là võ công nội gia, nếu như không hiểu rõ biến hóa của các huyệt vị kinh mạch, thiếu đi bệ phóng này cũng khó mà phát huy được uy lực, thế nên Tịch Ứng Chân ngoài truyền trụ lý thuyết quyền pháp ra còn giảng giải rất nhiều về kinh mạch nội gia. Nhạc Chi Dương trước đây từng tu luyện "Linh khúc chân khí", chỉ biết làm theo như vậy chứ nào biết nguyên nhân lý do. Tịch Ứng Chân vẽ ra hình người, chỉ điểm vị trí các huyệt đạo kinh mạch, Nhạc Chi Dương lúc này mới vỡ lẽ, mỗi một khúc nhạc trong "Chu thiên linh phi khúc" đều ngầm chứa đựng một đoạn kinh mạch trong cơ thể, âm nhạc khởi-thừa-chuyển-hợp, có liên quan đến sự lưu động khí huyết giữa các huyệt đạo. Gã y theo lý thuyết mà Tịch Ứng Chân vừa nói đối chiếu vào nội công tâm pháp của Diệu Nhạc Linh Phi Kinh, từ đó rất nhiều chỗ mù mờ khó hiểu cũng dần được khai sáng.

Hôm ấy khi gã luyện quyền cước xong thì trời cũng vừa hửng sáng, Nhạc Chi Dương rời khỏi Tinh Ẩn Cốc trở về nhà sớm, vừa hay đến lúc giờ Dần giao với giờ Mão, từ xa chợt truyền đến một tiếng động quái lạ, thoắt cao thoắt thấp, rền rỉ vang vọng.

Âm thanh này Nhạc Chi Dương chẳng lấy gì làm lạ nữa, chính là đến từ Phong Huyệt ở trước đảo. Lúc này bốn bề im ắng, trừ âm thanh ở Phong Huyệt thì không có bất cứ tiếng động nào phát ra. Nhạc Chi Dương bất chợt dỏng tay lắng nghe, chỉ cảm thấy tiếng gió ấy chưa hẳn là vang dội mà đang thay đổi hết sức phong phú, lúc như vượn hú nơi Tam Hiệp, lúc lại giống tiếng cười rộ của vạn người, nghe đến chỗ tuyệt diệu thì hệt như một bản giao hưởng du dương trầm bổng, mỗi một thời khắc vang lên đều hết sức khác biệt với lần vang trước đó.

Một khi thả hồn vào âm nhạc thì Nhạc Chi Dương lập tức say sưa đắm chìm, mãi đến khi có tiếng người vọng đến gã mới giật mình tỉnh mộng, vội vã trở về nơi ở.

Từ đó về sau, mỗi lần đến buổi giao của hai giờ Dần - Mão, gã liền nói lời cáo từ với Tịch Ứng Chân, sau đó đi tới Phong Huyệt nghe gió nổi, có lần sau khi nghe xong, gã mang tiếng gió soạn thành khúc nhạc, dùng tiếng sáo thổi tấu ra, tiếc là âm sáo mỏng manh yếu đuối không bì được với tiếng gió dậy trùm trời. Một ngày nọ, gã ngồi bên bờ biển, đang say sưa lắng nghe, bỗng nhiên huyệt Đan Điền giần giật, chân khí chạy xua tán loạn, có kềm chế thế nào cũng không giữ nổi. Nhạc Chi Dương chẳng còn cách nào khác, đành phải ngồi yên mặc cho dòng khí tức tuôn chảy, luồng khí trong cơ thể ấy cứ xung đột nhau ầm ĩ hơn nửa giờ, mãi cho đến khi tiếng gió vơi đi mới chịu ngừng lại.

Tình huống chưa bao giờ gặp này khiến cho Nhạc Chi Dương không khỏi nghi hoặc. Gã trở về nơi ở, giở xem "Diệu Nhạc Linh Phi Kinh" một lượt, trước tiên đọc qua "Linh Khúc" và "Linh Vũ" hai lần, chẳng thấy đề cập gì đến trường hợp của bản thân, lại xem đến chương ba "Linh Cảm", bỗng thấy trong sách có chép: "Trang Tử dạy: phàm trên đời có ba dạng âm thanh, người thổi sáo chính là tiếng người (nhân lại), gió thổi đất hùa gọi là tiếng đất (địa lại), trời thổi vạn vật kêu là tiếng trời (thiên lại). Tiếng người khác tiếng đất, tiếng đất khác tiếng trời, tiếng của người có lý thuyết để làm theo, tiếng đất đôi khi còn bắt chước được, nhưng tiếng trời thì không rõ từ đâu đến, chả biết đi về phương nào, khí làm dây, gió làm ống thổi, nước hóa tiếng khánh, sấm thành trống bồi, khiến cho vạn vật rung chuyển..."

Nhạc Chi Dương đột nhiên nhớ ra, trước đây mỗi khi rỗi rảnh, Tịch Ứng Chân thường giảng dạy cho gã về Trang Tử. Âm thanh của ba loại trời, đất và con người vốn có xuất xứ từ bộ kinh sách nhà Đạo. Tiếng người ám chỉ âm nhạc của nhân loại, ví như "Chu Thiên Linh Phi Khúc"; tiếng đất ám chỉ âm thanh gió mạnh gào thét trong những huyệt đất, ví dụ tiếng gió phát ra từ Phong Huyệt. Còn tiếng trời có thể xem như mọi âm thanh mà vạn vật trên thế gian phát ra, tỷ như cát nổi sấm rền, gió gào biển động, sấm rung chớp giật, tiếng chuông ngân Đồng Sơn, tất cả âm thanh vang vọng to lớn chỉ cần mang theo tiết tấu nhịp điệu đều có thể quy là tiếng trời.

Đại ý trong chương "Linh Cảm" viết rằng: "Linh khúc chân khí" sản sinh từ âm nhạc, hết sức nhạy cảm với âm thanh, luyện đến một cảnh giới nhất định người tu luyện sẽ vượt ra khỏi phạm vi của "Chu Thiên Linh Phi Khúc", dựa vào chân khí trong cơ thể mà đáp lại mọi thứ tiếng trong đất trời, từ đó đạt được thiên đạo một cách siêu phàm thoát tục.

Nhạc Chi Dương luyện "Chu Thiên Linh Phi Khúc" đã lâu, chân khí tụ tập trong cơ thể càng ngày càng dày đặc, thấp thoáng đã đạt đến cảnh giới "Nhân lại", chẳng những có thể nương theo sự thay đổi của tiếng sáo mà đối với các loại tiếng động lớn cũng sinh ra cảm ứng vi diệu. Tiếng động từ Phong Huyệt được xem là "Địa lại", nghe kỹ một chút cũng hệt như "Chu Thiên Linh Phi Khúc". có thể tác động đến chân khí trong người Nhạc Chi Dương.

Nhạc Chi Dương xem kinh thư xong đã ngộ ra rất nhiều thứ, sang hôm sau lại đến nghe gió thổi, ban đầu gã còn chưa thấy gì, nghe được một lúc, chân khí trong người chợt chạy tứ lung tung, gã vội vã tập trung tinh thần, gắng kềm chế chân khí, nào ngờ càng cố ý điều khiển thì chân khí càng hỗn loạn, xung đột chảy ngược lại, quậy phá đến mức khí huyết nhộn nhạo cả lên.

Gã nhớ đến một câu trong chương "Linh Cảm" có ghi rõ là phải để cho cơ thể nương theo âm thanh từ bên ngoài mà không nên kháng cự lại. Nhớ đến đây, gã thả lỏng thần trí, mặc cho tiếng gió dẫn dắt chân khí. Chân khí lưu chuyển theo tiếng gió, lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc yếu, chốc thì đấu đá lung tung, chốc lại ngoằn ngoèo khúc khuỷu, chả ăn nhập đến bất kỳ môn nội công tâm pháp nào, nhưng lại luồn lách chạm đến mọi ngõ ngách trong cơ thể.

Nhạc Chi Dương càng lúc càng say mê, đến nỗi chả thiết tha gì tập quyền luyện kiếm nữa. Mỗi tối gã đều đợi ở bên dưới Phong Huyệt, trông ngóng giờ Mão đến. Bên dưới Phong Huyệt là đá ngầm lỏm chỏm, hang hốc ngoằn ngoèo, Nhạc Chi Dương ẩn thân vào trong đó chẳng một ai có thể phát hiện ra.

Lại một tháng nữa trôi qua, tối đêm ấy, gã vừa nghe tiếng gió, vừa thả cho chân khí tự do di chuyển. Đột nhiên, cả người gã rung bắn, trong đầu nổ vang một tiếng, bước vào một cảnh giới tịch mịch đến khôn cùng, mắt không thể nhìn, tai không thể nghe, mọi thứ trở nên tối đen, tất cả âm thanh chìm vào thinh lặng.

Nhạc Chi Dương tựa như bị sa chân vào một đầm lầy hay rơi xuống đáy vực sâu, tình hình này kéo dài chừng hơn vài giây thì gã chợt tỉnh lại, một thứ cảm giác lạ thường dâng lên đến đỉnh đầu. Chân khí chầm chậm như dòng nước chạy thẳng đến từng chân tơ kẽ tóc, mỗi một sơi lông tóc đều theo đó rung động, hệt như ngàn vạn cái lỗ tai có thể nghe thấy âm thanh gió lùa cát mịn, bọt sóng vỗ bờ, thậm chí cả tiếng mấy con muỗi ở cách đó cả trượng cũng có thể nghe rõ rành rành.

Trái tim của Nhạc Chi Dương đập vang thình thịch, cảm giác này trong lòng gã hiểu rõ là gì nhưng lại không thể nói ra. Gã trở về Yêu Nguyệt Phong nhưng đầu óc vẫn còn lâng lâng chếnh choáng, chẳng biết đâu là ảo là thật. Đến đêm, gã giở xem "Diệu Nhạc Linh Phi Kinh", xem xong "Linh Cảm" lại đến "Linh Phi", chẳng hiểu vì sao trước đây mấy câu gã chỉ hiểu mập mờ bây giờ lại trở nên vô cùng dễ hiểu. Xem xong "Linh Cảm", "Linh Phi", gã lại quay sang đọc phần "Linh Khúc", "Linh Vũ", quả nhiên tất cả đều sáng tỏ dù chỉ liếc thoáng qua.

"Linh Cảm" cảm nhận vạn vật, "Linh Phi" chế ngự vạn vật, bởi vì từ cảm nhận đến chế ngự là cả một cửa ải gian nan, muốn phá giải thì phải trông chờ vào thiên phú của người tu luyện, nhanh thì có khi chỉ trong khoảnh khắc, chậm thì có khả năng vô vọng trọn đời. Nhạc Chi Dương may mắn gặp được cơ duyên, ngộ ra thần công từ trong tiếng gió, đạo pháp tự nhiên, thấp thoáng đã có được dáng dấp của Linh đạo nhân năm nào.

Gã tay nắm kinh thư, trong lòng lấy làm cảm khái: "Chỉ vì bộ Linh Phi Kinh này mà biết bao con người đã ngã xuống, lưu nó lại trên đời rõ là mầm tai họa. Giờ đây ta đã đọc xong, giữ bên người cũng chẳng ích chi nữa." Nghĩ rồi, gã bước ra khỏi cửa, đến dưới Yêu Nguyệt Phong, khoét vách núi chôn kinh thư vào bên trong, đoạn phủ một tảng đá to lên trên.

Làm xong mọi thứ, gã quay đầu nhìn lại, chỉ thấy bể trời như một, bóng trăng sậm màu, cõi trời đất hỗn độn khó phân, bóng và hình hư hư thật thật. Nhạc Chi Dương trông thấy cảnh tượng ấy, trong lòng bồi hồi xao xuyến, đột nhiên cất tiếng cười vang.

Tràng cười này xé toang màn đêm tịch mịch, xuyên thấu tận bầu trời bao la. Hai năm trước, gã còn là một tên tiểu lưu manh ven sông Tần Hoài, còn bây giờ thân mang tuyệt học của cả Linh đạo nhân và đảo Linh Ngao, chỉ cần thêm chút thời gian thì đã có thể đọ tài cùng cao thủ trong thiên hạ.

Đêm hôm sau, Nhạc Chi Dương lại ra Phong Huyệt hóng gió, vừa nghe tiếng gió thổi vừa đối chứng cùng "Linh Phi Kinh", bất giác lại ngộ ra thêm rất nhiều điều mới mẻ.

Đương mừng rỡ, chợt nghe có tiếng bước chân vọng đến, gã vội vàng nấp vào sau một tảng đá ngầm, nín thở quan sát, chỉ thấy một nam một nữ từ phía trên cao cùng sánh vai tiến về phía bờ biển. Người nam dáng vóc cao lớn, chính là Vân Thường; người nữ eo thon như tơ liễu, đích thị Diệp Linh Tô.
Tác giả : Phượng Ca
5/5 của 1 đánh giá

Bình luận

Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi
Nguyen 2 năm trước
Đã ra chap mới rồi nhé mọi người, link đây nha: bit.ly/newchap247

Truyện cùng thể loại