Liêu Trai Chí Dị II
Quyển 9 - Chương 156: Mơ Thấy Chó Sói (Mộng Lang)
Ông họ Bạch là người tỉnh Trực Lệ. Con trai lớn là Giáp đi làm quan ở phương nam, hai năm đường xa bặt tin. Có người họ Đinh là họ hàng xa tới thăm, ông lâu không gặp nên bày tiệc khoản đãi. Đinh vốn là phù thủy, lúc chuyện trò ông hỏi việc dưới âm phủ, Đinh trả lời có nhiều điều huyễn hoặc, ông không tin lắm nhưng cũng chỉ mỉm cười. Kế chia tay, vài hôm sau ông vừa đi nằm thấy Đinh lại tới, mời cùng đi chơi. Ông đi theo, vào tới một tòa thành, lát sau Đinh chỉ một cái cổng nói "Cháu ông ở trong ấy đấy". Lúc ấy ông có đứa cháu con người chị đang làm Tri huyện ở đất Tấn (vùng Sơn Tây), ngạc nhiên hỏi "Sao nó lại ở đây?". Đinh đáp "Nếu ông không tin, cứ vào sẽ biết". Ông vào, quả thấy cháu mặc áo đội mũ Ngự sử ngồi trên công đường, quân hầu vác cờ cầm kích dàn hàng, không ai vào lọt. Đinh kéo ra, nói “Còn nha môn của công tử cách đây cũng không xa, ông có muốn tới xem không?", ông bằng lòng. Giây lát tới một tòa nhà, Đinh bảo "Ông vào đây!". Nhìn vào cổng thấy một con sói lớn chắn đường, sợ quá không dám bước tới, Đinh lại nói "Ông cứ vào đây!". Qua một lần cổng nữa thấy trên thềm dưới sân toàn là sói, con nằm con ngồi. Nhìn tới thềm thì thấy xương trắng chất cao như núi, ông càng sợ hãi, Đinh bèn lấy mình che cho ông đi vào.
Công tử Giáp vừa từ nhà trong ra, thấy cha và Đinh mừng lắm, mời ngồi rồi gọi người hầu sửa soạn cơm rượu. Chợt có con sói lớn ngoạm một xác người chết vào. Ông run bần bật đứng lên hỏi "Cái đó dùng làm gì?", Giáp đáp “Để làm cơm". Ông vội ngăn cản, lòng hoảng hốt không yên, cáo từ định đi ra nhưng bị đàn sói cản lại. Đang còn chưa quyết lui tới ra sao chợt thấy lũ sói kêu gào chạy tứ tán, con chui vào gầm giường, con rúc xuống dưới ghế, ngạc nhiên không rõ vì sao. Giây lát có hai lục sĩ mặc giáp vàng trợn mắt bước vào, rút dây sắt ra trói Giáp, Giáp ngã lăn xuống đất hóa thành con cọp, răng nhe lởm chởm. Một người tuốt kiếm sắc toan chặt đầu, người kia ngăn lại nói “Khoan đã, khoan đã! Đó là việc tháng tư năm sau, cứ tạm bẻ răng nó trước". Rồi rút ngọn chùy lớn ra đập, răng cọp gảy rơi xuống đất, cọp đau quá rống vang. Ông khiếp sợ, chợt tỉnh dậy mới biết là mình nằm mơ, lấy làm lạ cho người mời Đinh nhưng Đinh từ chối không tới.
Ông bèn ghi lại giấc mơ, sai con thứ đưa thư tới cho Giáp, răn bảo thống thiết. Người em tới nơi, thấy răng cửa của anh gảy hết, sợ hãi hỏi thăm, thì ra vì say rượu ngã ngựa. Hỏi lại thời gian thì đúng ngày cha nằm mơ, càng sợ hãi, đưa thư của cha ra. Giáp đọc thư tái mặt, một lúc mới nói "Đó là ảo mộng ngẫu nhiên phù hợp, có gì lạ". Lúc ấy Giáp đang hối lộ quan trên để được tiến cử nên không để bụng về giấc mộng gở của cha. Người em ở lại vài hôm thấy lũ nha lại sâu mọt đầy công đường, kẻ hối lộ người chạy chọt nườm nượp ra vào đến khuya vẫn không ngớt, rơi nước mắt can anh. Giáp nói "Em ở nhà quê nên không biết điều cốt yếu của việc làm quan. Quyền thăng hay truất mình là ở quan trên chứ không phải trăm họ, nên cứ quan trên vui lòng tức là quan tốt chứ thương yêu trăm họ thì làm sao cho quan trên vui lòng được?". Người em biết không thể can ngăn được bèn trở về kể hết cho cha. ông Bạch nghe thế khóc lớn, không biết làm sao, chỉ còn cách bỏ tiền bạc ra giúp người nghèo, hàng ngày cầu khấn thần linh, chỉ xin nếu thằng con ngỗ nghịch bị báo oán thì đừng làm lụy cả vợ con.
Năm sau, có tin báo Giáp được tiến cử về bộ Lại, người chúc mừng tới chật cổng. Ông chỉ than thở nằm bẹp, thác bệnh không ra tiếp một ai. Không bao lâu nghe tin con trai về kinh gặp cướp, thầy tớ đều bị giết. Ông trở dậy nói với mọi người “Cơn giận của quỷ thần chỉ dành cho riêng nó, ơn che chở cho nhà ta như vậy không phải không sâu nặng đâu", rồi thắp hương lạy tạ. Người tới an ủi đều cho rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt trên đường, riêng ông tin chắc không hề nghi ngờ, cứ định ngày xây mộ. Nhưng Giáp vốn chưa chết. Trước là tháng tư Giáp thôi chức lên đường, vừa ra khỏi huyện liền gặp cướp, dốc hết rương hòm ra nộp nhưng chúng nói "Bọn ta tới đây để rửa nỗi căm tức của dân cả một huyện, đâu phải chỉ vì bấy nhiêu!", rồi chém đầu Giáp. Lại hỏi đám gia nhân rằng Tư Đại Thành là ai? Tư vốn là tay chân tâm phúc của Giáp, giúp kẻ dữ làm điều ác. Đám gia nhân đều chỉ vào y, bọn cướp cũng chém luôn. Lại có bốn tên nha lại sâu mọt là tay sai vơ vét tiền bạc cho Giáp, được Giáp đưa theo về kinh cũng bị lôi ra chém chết. Bấy giờ bọn cướp mới chia của cải, chất lên ngựa phóng đi.
Hồn Giáp nằm bên đường, thấy một vị quan lớn đi ngang hỏi người bị giết là ai, toán quân mở đường bẩm “Là Tri huyện họ Bạch ở huyện mỗ". Vị quan nói "Đó là con họ Bạch, không nên để y cuối đời phải nhìn thấy cảnh thảm khốc này, cứ chắp đầu lại cho hắn". Lập tức có một người nhặt đầu Giáp đặt lên cổ, nói "Kẻ gian tà không cần chắp cho ngay ngắn, cứ cho vai đỡ cằm là được", rồi bỏ đi. Lát sau Giáp sống lại, vợ con tới nhặt xác thấy còn thoi thóp bèn chở về, từ từ đổ nước cháo cho, cũng uống được nhưng phải sống nhờ ở quán trọ vì nghèo quá không về được. Khoảng nửa năm, ông Bạch được tin đích xác, sai con thứ tới đón về. Giáp tuy sống lại nhưng mắt nhìn thấy lưng, không giống con người nữa. Con trai người chị ông Bạch thì làm quan có tiếng tốt, năm ấy được tiến cử làm Ngự sử, đều đúng như ông mơ thấy.
Dị Sử thị nói: Trộm than rằng trong thiên hạ quan là cọp mà lại là sói, ở đâu cũng vậy. Cho dù quan không phải là cọp thì nha lại cũng sẽ là sói, huống hồ kẻ làm quan còn dữ hơn cả cọp sao? Phàm điều người ta lo là không thể nhìn thấy phía sau mà thôi, đây cho sống lại mà lại còn làm cho nhìn thấy được phía sau, bài học của quỷ thần mới sâu xa làm sao!
Công tử Giáp vừa từ nhà trong ra, thấy cha và Đinh mừng lắm, mời ngồi rồi gọi người hầu sửa soạn cơm rượu. Chợt có con sói lớn ngoạm một xác người chết vào. Ông run bần bật đứng lên hỏi "Cái đó dùng làm gì?", Giáp đáp “Để làm cơm". Ông vội ngăn cản, lòng hoảng hốt không yên, cáo từ định đi ra nhưng bị đàn sói cản lại. Đang còn chưa quyết lui tới ra sao chợt thấy lũ sói kêu gào chạy tứ tán, con chui vào gầm giường, con rúc xuống dưới ghế, ngạc nhiên không rõ vì sao. Giây lát có hai lục sĩ mặc giáp vàng trợn mắt bước vào, rút dây sắt ra trói Giáp, Giáp ngã lăn xuống đất hóa thành con cọp, răng nhe lởm chởm. Một người tuốt kiếm sắc toan chặt đầu, người kia ngăn lại nói “Khoan đã, khoan đã! Đó là việc tháng tư năm sau, cứ tạm bẻ răng nó trước". Rồi rút ngọn chùy lớn ra đập, răng cọp gảy rơi xuống đất, cọp đau quá rống vang. Ông khiếp sợ, chợt tỉnh dậy mới biết là mình nằm mơ, lấy làm lạ cho người mời Đinh nhưng Đinh từ chối không tới.
Ông bèn ghi lại giấc mơ, sai con thứ đưa thư tới cho Giáp, răn bảo thống thiết. Người em tới nơi, thấy răng cửa của anh gảy hết, sợ hãi hỏi thăm, thì ra vì say rượu ngã ngựa. Hỏi lại thời gian thì đúng ngày cha nằm mơ, càng sợ hãi, đưa thư của cha ra. Giáp đọc thư tái mặt, một lúc mới nói "Đó là ảo mộng ngẫu nhiên phù hợp, có gì lạ". Lúc ấy Giáp đang hối lộ quan trên để được tiến cử nên không để bụng về giấc mộng gở của cha. Người em ở lại vài hôm thấy lũ nha lại sâu mọt đầy công đường, kẻ hối lộ người chạy chọt nườm nượp ra vào đến khuya vẫn không ngớt, rơi nước mắt can anh. Giáp nói "Em ở nhà quê nên không biết điều cốt yếu của việc làm quan. Quyền thăng hay truất mình là ở quan trên chứ không phải trăm họ, nên cứ quan trên vui lòng tức là quan tốt chứ thương yêu trăm họ thì làm sao cho quan trên vui lòng được?". Người em biết không thể can ngăn được bèn trở về kể hết cho cha. ông Bạch nghe thế khóc lớn, không biết làm sao, chỉ còn cách bỏ tiền bạc ra giúp người nghèo, hàng ngày cầu khấn thần linh, chỉ xin nếu thằng con ngỗ nghịch bị báo oán thì đừng làm lụy cả vợ con.
Năm sau, có tin báo Giáp được tiến cử về bộ Lại, người chúc mừng tới chật cổng. Ông chỉ than thở nằm bẹp, thác bệnh không ra tiếp một ai. Không bao lâu nghe tin con trai về kinh gặp cướp, thầy tớ đều bị giết. Ông trở dậy nói với mọi người “Cơn giận của quỷ thần chỉ dành cho riêng nó, ơn che chở cho nhà ta như vậy không phải không sâu nặng đâu", rồi thắp hương lạy tạ. Người tới an ủi đều cho rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt trên đường, riêng ông tin chắc không hề nghi ngờ, cứ định ngày xây mộ. Nhưng Giáp vốn chưa chết. Trước là tháng tư Giáp thôi chức lên đường, vừa ra khỏi huyện liền gặp cướp, dốc hết rương hòm ra nộp nhưng chúng nói "Bọn ta tới đây để rửa nỗi căm tức của dân cả một huyện, đâu phải chỉ vì bấy nhiêu!", rồi chém đầu Giáp. Lại hỏi đám gia nhân rằng Tư Đại Thành là ai? Tư vốn là tay chân tâm phúc của Giáp, giúp kẻ dữ làm điều ác. Đám gia nhân đều chỉ vào y, bọn cướp cũng chém luôn. Lại có bốn tên nha lại sâu mọt là tay sai vơ vét tiền bạc cho Giáp, được Giáp đưa theo về kinh cũng bị lôi ra chém chết. Bấy giờ bọn cướp mới chia của cải, chất lên ngựa phóng đi.
Hồn Giáp nằm bên đường, thấy một vị quan lớn đi ngang hỏi người bị giết là ai, toán quân mở đường bẩm “Là Tri huyện họ Bạch ở huyện mỗ". Vị quan nói "Đó là con họ Bạch, không nên để y cuối đời phải nhìn thấy cảnh thảm khốc này, cứ chắp đầu lại cho hắn". Lập tức có một người nhặt đầu Giáp đặt lên cổ, nói "Kẻ gian tà không cần chắp cho ngay ngắn, cứ cho vai đỡ cằm là được", rồi bỏ đi. Lát sau Giáp sống lại, vợ con tới nhặt xác thấy còn thoi thóp bèn chở về, từ từ đổ nước cháo cho, cũng uống được nhưng phải sống nhờ ở quán trọ vì nghèo quá không về được. Khoảng nửa năm, ông Bạch được tin đích xác, sai con thứ tới đón về. Giáp tuy sống lại nhưng mắt nhìn thấy lưng, không giống con người nữa. Con trai người chị ông Bạch thì làm quan có tiếng tốt, năm ấy được tiến cử làm Ngự sử, đều đúng như ông mơ thấy.
Dị Sử thị nói: Trộm than rằng trong thiên hạ quan là cọp mà lại là sói, ở đâu cũng vậy. Cho dù quan không phải là cọp thì nha lại cũng sẽ là sói, huống hồ kẻ làm quan còn dữ hơn cả cọp sao? Phàm điều người ta lo là không thể nhìn thấy phía sau mà thôi, đây cho sống lại mà lại còn làm cho nhìn thấy được phía sau, bài học của quỷ thần mới sâu xa làm sao!
Tác giả :
Bồ Tùng Linh